Nhưng có lẽ, lắng lòng lại, thì mình sẽ có thể hiểu 1 cách rất rõ ràng, đơn giản về khái niệm này. Đó là mọi quyết định quan trọng của quốc gia, đất nước phải cân nhắc đến ý kiến và quyền lợi của những người có liên quan. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng phát biểu: "Dân chủ là để cho dân được mở miệng". Nhưng có lẽ chính xác hơn, không phải chỉ để cho dân được mở miệng, mà chính quyền phải thấy mình là công bộc của dân, phải biết lắng nghe ý kiến quyết định của "ông chủ" là người dân, là người đã đóng thuế nuôi mình. Khái niệm này thật đơn giản, không có sự khác biệt giữa phương Đông hay phương Tây, giữa tư bản hay cộng sản. Chỉ khác chăng, là mình có muốn thực sự tôn trọng quyền của người dân hay không mà thôi.
Vừa qua, đọc 1 đoạn trong cuốn Lối về Sen nở của Thầy Thích Phước Sơn có nói về Đạo đức chính trị của tiền nhân, trong đó có nói về tư tưởng lấy dân làm gốc. Xin trích lại dưới đây để mọi người cùng chiêm nghiệm và suy nghĩ về tư tưởng dân chủ của người xưa. Đây là 1 tư tưởng đã có từ lâu trong lịch sử của Việt Nam, mà tới nay, khi nhắc đến 2 từ "dân chủ", mọi người vẫn còn nghe đâu đây âm vang của Hội nghị Diên Hồng, khi vua phải hỏi ý kiến các bô lão trong cả nước về việc có nên chiến đấu chống giặc dữ xâm lược hay không.
Có lẽ, ngày nay, trong hòa bình và trong công cuộc xây dựng đất nước, chúng ta cũng nên học lại bài học xưa, phải biết thực sự coi dân là gốc, biết thực tâm lắng nghe ý kiến của người dân trong những quyết định quan trọng của đất nước, như: sửa đổi hiến pháp, luật đất đai, vấn đề nông thôn, khai thác tài nguyên, thủy điện, điện hạt nhân, chống tham nhũng.... Có như thế mới chứng minh một cách thuyết phục với thế giới là mình thật sự đang đi trọng lộ trình dân chủ hóa của các quốc gia tiến bộ.
---
Tư tưởng lấy dân làm gốc của người xưa
Kinh qua lịch sử xưa nay, các triều đại huy hoàng đều do những nhà lãnh đạo anh minh gầy dựng. Tài năng và đức độ của họ luôn luôn ngang tầm với trọng trách mà họ gánh vác. Một trong những yếu tố tạo nên sự nghiệp vẻ vang là lòng nhân ái, biết lấy dân làm gốc.
Đức tính này đã bộc lộ khá rõ trong lời di chúc của một vị vua Phật tử là Lý Nhân Tông (1072-1127): “Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên vui, đến khi chết lại khiến cho mọi người mặc áo sô gai, sớm tối khóc than, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, làm cho lỗi ta thêm nặng, như vậy thiên hạ sẽ nghĩ ta là người thế nào?... Thế nên, việc tang chế chỉ nên ba ngày là bỏ áo trở, dứt khóc than, chôn cất cốt phải kiệm ước, không nên xây lăng mộ mà chỉ để ta hầu bên cạnh Tiên đế là được.” (Sđd, 312)
Một vì vua thần võ sáng suốt, nhân hiếu song toàn, giỏi âm luật, thông lễ nhạc, được thần giúp, người theo, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, suốt 45 năm gầy dựng một giang sơn hùng mạnh, vậy mà đến lúc chết vẫn còn quên mình lo cho dân tộc, bằng lời di chúc khiêm tốn, cẩn trọng và đầy lòng vị tha. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi vì, các bậc minh quân đời trước không ai là không nghĩ đến dân. Họ ít khi tuyên truyền bằng những khẩu hiệu suông, mà thực lòng chăm lo cho dân bằng những việc làm cụ thể.
Năm 1290, đất nước gặp phải thiên tai, dân chúng bị nạn đói hoành hành, Trần Nhân Tông (1258-1308) xuống chiếu xuất ngân khố phát chẩn cho người nghèo và tha thuế cho dân. Việc làm ấy phát xuất từ tấm lòng chân thật thương dân, xót xa trước những nỗi khổ của mọi người, đau những nỗi đau của đồng bào đồng loại. Vì vậy mà khi ông mất, dân chúng cảm mến đua nhau đến tham dự đông nghẹt trong buổi lễ rước kim quan nhập tháp, khiến cho kim quan không thể nào di chuyển. Viên quan lo việc lễ tang phải tổ chức những khúc hát Long ngâm tại nhiều nơi, mọi người thấy lạ, kéo nhau đến xem. Nhờ vậy buổi lễ mới tiến hành viên mãn.
Đức Phật dạy: “Nhân nào thì quả nấy; kính người thì người kính mình, thương người thì người thương mình.” Vua xem dân như con cái, thì dân kính vua như cha mẹ. Trái lại, nếu vua coi dân như cỏ rác thì dân sẽ oán vua như cừu địch. Thế nên, những nhà lãnh đạo nào nếu bị nhân dân bỏ rơi, thì đừng có vội trách dân mà hãy tự trách mình. Do đó, nếu muốn được nhân dân yêu chuộng, tin tưởng, thì bản thân mình phải trung thực thương dân, không được lừa dối mọi người.
Sau khi chiến thắng quân Minh, giang sơn gom về một mối, quê hương sạch bóng quân thù, người anh hùng ái vải Lê Lợi đã xuống chiếu miễn thuế cho dân 2 năm, không bắt sưu dịch những người già cả, ban thưởng cho những người con hiếu thảo, và khen tặng những phụ nữ tiết trinh. Chiếu chỉ ấy đã được toàn dân hân hoan đón nhận với tấm lòng cảm phục biết ơn. Bởi vì nhà vua đã thấy được sự cống hiến to lớn của nhân dân cả sinh mệnh và tài sản cho cuộc kháng chiến đầy cam go, nên đã an ủi và tưởng lệ những công lao cao quí của họ. Việc làm ấy tuy dễ, nhưng không phải ai cũng làm được, ngoại trừ những nhà lãnh đạo thực lòng yêu nước, thương dân, biết cái gốc của một quốc gia nằm trong lòng người.
(Trích "Lối Về Sen Nở" - Thích Phước Sơn)
No comments:
Post a Comment