Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Thursday, July 6, 2017

Thắc mắc của vua A Xà Thế



Thắc mắc của vua A Xà Thế

Vua A Xà Thế sau khi quy y theo Phật đã rất nhiệt tâm trong việc tu học, thường suy tư, tìm hiểu và ứng dụng lời Phật dạy vào việc trị quốc, an dân. Vì vậy, đất nước an bình, thịnh trị. Tuy nhiên, việc vua A Xà Thế theo Phật, thay đổi quan điểm trong việc trị quốc theo hướng nhân từ, không sát hại đã gặp phải sự bài bác, chống đối của các vị Bà La Môn.
Nhân sự việc 2 binh sĩ bỏ nhiệm vụ để trở thành tỳ kheo trong tăng đoàn của Phật, các vị Bà La Môn chất vấn vua A Xà Thế rằng, nếu ai cũng muốn thực hiện theo lời Phật dạy là không sát hại thì lấy ai chiến đấu bảo vệ đất nước và giữ gìn trị an?
Vua A Xà Thế bối rối trước tình huống này, nên đến xin ý kiến Phật để tìm cách hóa giải mâu thuẫn với các vị Bà La Môn, và cũng để giải quyết những khúc mắc trong lòng mình. Sau khi nghe những khúc mắc của vua A Xà Thế về mâu thuẫn giữa nguyên lý bất hại với nhu cầu chiến đấu, trừng phạt để bảo vệ sự an nguy của đất nước, Đức Phật bèn kể một câu chuyện như sau.
Ngày xưa, ở một vương quốc nọ, có một con rắn chúa sinh sống trong ngôi đền cổ. Con rắn này thường bò vào làng và cắn chết nhiều người, nên nó đã trở thành nổi kinh hoàng của mọi người. Không ai dám đến gần ngôi đền và khu vực xung quanh.
Một hôm nọ, có vị đạo sĩ từ phương xa đến và dừng chân trú đêm lại trong ngôi đền đó. Con rắn chúa đã bò đến gần vị đạo sĩ, và định cắn như mọi khi. Tuy nhiên, vị đạo sĩ là người đã có giác ngộ, nên ngài đã dùng tâm từ để cảm hoá con rắn chúa. Ngài đã giảng giải cho nó nghe về nghiệp báo, khiến nó nhận ra lỗi lầm do lòng tham sân si. Nó đã xin quy y với ngài, hứa giữ gìn ngũ giới và nguyện sẽ từ bỏ con đường sát hại.
Từ đó, con rắn trở nên hiền lành, không còn cắn ai nữa. Tuy thế, dần dần mọi người trong làng không còn sợ hãi con rắn, và còn xem thường nó nữa. Chẳng những vậy, nó lại bị lũ trẻ con trong làng chọc phá, dùng gậy gộc đánh một cách rất thảm thương. Con rắn phải trốn vào hang đá vào ban ngày, và ban đêm mới đi ra kiếm ăn. Nó chỉ ăn những thứ cỏ cây, sỏi đá mà không dám giết hại bất kỳ loài vật nào như đã hứa với vị đạo sĩ.
Một ngày kia, vị đạo sĩ trở lại ngôi làng đó, thấy tình cảnh thảm thương của con rắn, ngài nói với nó: "Ta chỉ bảo ngươi không cắn người, chứ đâu bảo ngươi phải từ bỏ bản chất của mình. Ngươi vẫn có thể khò khè làm họ sợ để tự vệ chứ".
Kể đến đây, Đức Phật dạy vua A Xà Thế về trách nhiệm của người cầm quyền, nên dùng tâm nhân từ, công bằng đối xử với mọi người. Khi cần thiết vẫn có thể trừng phạt người phạm lỗi, và vẫn có thể duy trì quân đội để bảo vệ đất nước.
Ngài dạy thêm, điều quan trọng của việc tu tập là đi trên con đường trung đạo, không quá phóng túng, nhưng cũng không quá khắc khổ, cần linh động để ứng xử cho phù hợp với hoàn cảnh, tránh việc cố chấp, quá cứng nhắc trong ứng xử.
Ngoài ra, Đức Phật cũng chỉ cho vua A Xà Thế về bảy nguyên tắc để duy trì hòa bình, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh, đó là:
1/ hai bên cần ngồi đối diện với nhau, cùng nổ lực giải quyết vấn đề.
2/ mỗi bên trình bày vấn đề một cách rõ ràng, bình tĩnh tìm hiểu và ghi nhớ nguyên nhân của vấn đề.
3/ cần dùng trí tuệ khách quan/ công bằng xem xét từng vấn đề, sáng tạo trong việc tìm giải pháp.
4/ nếu nhận thấy điểm sai của mình thì chủ động xin lỗi, không cố chấp cãi bướng. Sẵn lòng tha thứ cho người và cho mình về những khuyết điểm.
5/ mọi quyết sách cần được sự tán đồng của người dân, nếu sau khi đọc lớn 3 lần quyết định trước công chúng mà không ai phản đối, thì mới được ban hành quyết định đó.
6/ trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, các bên cần phải tuân theo quy tắc chung đã đặt ra.
7/ cần mời một người lớn tuổi, có uy tín đứng ra làm trọng tài/ trung gian hoà giải giữa 2 bên.
Phật nói tiếp, nếu đại vương thực hành theo bảy nguyên tắc trên, mọi tranh chấp sẽ có thể được hóa giải, mở ra con đường của hoà bình, an lạc và cùng chung sống giữa mọi người. Nghe xong, vua A Xà Thế vui mừng, tán thán Đức Phật, xin tuân theo lời chỉ dạy và trở về cung.
Bài học: Khi áp dụng lời Phật dạy vào cuộc sống, cần linh động, nên theo tinh thần trung đạo. Nguyên lý bất hại chỉ mang tính tương đối, nên cố gắng tránh sát hại đến mức tối đa. Trong một số tình huống bất khả kháng, việc trừng phạt, hay tiêu diệt kẻ ác để bảo vệ an bình của người thiện một cách công tâm cũng không vi phạm nguyên lý này. 
(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3)

Friday, June 16, 2017

Lời dạy cuối cùng của Đức Phật



(Nguồn: Phim Đức Phật - BK. Modi - tập 54 : Phật nhập Niết Bàn) 
 

Lời dạy cuối cùng của Đức Phật

Tám mươi mùa xuân đã qua từ ngày Phật xuất thế dưới cây Vô ưu. Bấy giờ Ngài vào hạ ở rừng Sa-la trong xứ Câu-ly cách thành Ba-la-nại chừng 120 dặm. Một hôm, Ngài bảo ông A-nan:
– A-nan ơi! Ðạo ta nay đã toàn vẹn. Như xưa ta đã nguyện, nay ta đã đủ bốn chúng trong tăng đoàn, là: tăng, ni, phật tử nam, phật tử nữ và nhiều đệ tử có thể thay ta chuyển xe Pháp. Còn trong dân gian, Ðạo ta truyền khắp nơi. Bây giờ ta có thể rời các người mà ra đi. Vả lại, nay ta cũng đã 80 tuổi rồi. Thân hình ta bây giờ như một cỗ xe đã mòn rã, nếu còn đi được là nhờ những sợi dây ràng rịt các bộ phận với nhau. Ta sẽ mở dây cho chúng tan rã. Thân này ta đã mượn làm xe để chở Pháp, nay xe cũng vừa mòn mà Pháp cũng đã lan khắp, ta còn nấn ná làm gì trong cái thân tiều tụy này nữa? A-nan, trong ba tháng nữa, ta sẽ nhập Nỉết-bàn.
Nghe Phật dạy, ông A-nan gieo năm vóc xuống đất, bạch:
– Thưa Thế Tôn, Ngài thường dạy rằng ai đã giác ngộ thì không thể mất đi được. Nay Thế Tôn là một bậc toàn trí, toàn năng, sao lại còn phải chịu cái luật tầm thường như thế?
Phật nghiêm nét mặt lại hỏi:
– A-nan!  Người bảo cái gì mất mà cái gì còn ? Sao người không nhận được cái gì chơn mà cái gì giả, cái gì tồn tại mà cái gì tiêu hủy? Ta đã nhiều lần dạy rằng, đã có đến thì có đi, có hợp thì có tan, có sanh thì có diệt. A-nan, thân ta không khác thân mọi người; mà thân mọi người làm sao thoát ra ngoài luật vô thường được? Thân ta là giả hp, nó phải tan rã. Nhưng A-nan! Làm sao ngươi thấy một làn sóng tan, ngươi lại bảo nước không còn nữa?
Ông A-nan cũng biết như thế lắm. Nhưng ý nghĩ trong ba tháng nữa, Phật sẽ không còn tại thế để chỉ dạy cho chúng sanh, làm ông bồn chồn tâm trí. Ông đánh bạo nài xin Phật ở lại một lần nữa:
– Bạch Thế Tôn, xin Ngài hãy ở nán lại vì rất nhiều đệ tử còn phải nhờ đến sự chỉ giáo của Thế Tôn để chứng đạo.
– A-nan ơi! Chính vì muốn để cho họ mau chứng đạo mà ta nên đi. Nếu chim mẹ cứ mớm mồi mãi cho con, thì đến bao giờ chim con mới bay được? Gần nửa thế kỷ, họ quanh quẩn bên chân ta, bây giờ phải đến lúc họ rời ta để tự bước tới, như đứa trẻ mới tập đi, phải có một lúc rời tay mẹ.
Tin Phật sắp vào Niết-bàn lan dần như một hơi gió thoát từ hang lạnh. Các đệ tử như đàn cừu tản mác trên cánh đồng Ấn Ðộ, lục tục kéo nhau về để cùng đấng Dẫn Ðường chia ly lần cuối.
Trong mấy tháng ấy tuy thân hình Ngài đã gầy còm, mệt mỏi, Phật vẫn đi truyền giáo như thường. Nhưng Ngài không đi xa, chỉ quanh quẩn trong địa hạt xứ Câu-ly. Ông A-nan thường xin Ngài hãy tịnh dưỡng trong những ngày cuối cùng của Ngài. Nhưng Ngài khoát tay từ chối, mà dạy:
– Thân ta tuy có kém khoẻ, nhưng lòng Từ bi của ta, Trí sáng suốt của ta có kém sút đâu? Ta còn tại thế ngày nào thì ngày ấy phải là ngày không vô ích.
Một hôm, Phật đi thuyết pháp ngang một khu rừng, có một người tên là Thuần-đà, làm nghề đốt than đến quỳ trước Phật:
– Kính lạy Ngài, ở đây làng mạc không có, mà trời sắp đứng trưa, xin Ngài hãy về nhà con ở gần đây thọ trai rồi hãy đi. Con nghe Ngài qua đây nên đã đi hái một thứ nấm rất quý để dâng Ngài, xin Ngài đừng từ chối mà tủi nhục lòng con.
Phật im lặng cùng các đệ tử đi theo ông Thuần-đà. Ðến nhà, những thức ngon vị lạ đã dọn la liệt trên bàn dài, ông Thuần-đà lại bưng lên để trước mặt Phật một bát nấm, hơi lên nghi ngút.
Phật thọ trai xong, phán với các đệ tử:
– Bát nấm này có độc, các ngươi hãy đem đổ đi không nên ăn.
Ông Thuần-đà kinh hãi, vật mình lăn khóc bên chân Phật. Phật dạy: “Ngươi không nên than khóc, cũng đừng hối hận. Phải vui sướng lên, vì ngươi đã được cúng dường bữa cơm cuối cùng cho ta. Có hai bữa ăn đáng kỷ niệm nhất, lần đầu là của nàng Tu-xà-đa cúng dường ta trước khi ta thành Ðạo và bữa cơm này, trước khi ta vào Niết bàn”.
Phật từ giã ông Thuần-đà, cùng các đệ tử ra đi được một đỗi đường, Ngài nghe trong mình khó ở, Phật đưa bình bát và chiếc võng cho A-nan:
– A-nan ! hãy mang bình bát dùm ta và tìm hai cây Sa-la ở trên đồi kia, treo võng lên cho ta nằm nghỉ.
Phật đến bên cây Sa-la, nằm xuống võng. Ðầu Ngài trở về hướng Bắc, mình nghiêng về tay phải, hai chân tréo vào nhau. Trước mặt đấng Ngài chói lọi một mặt trời tròn xoe và đỏ rực. Hoa trắng lác đác rơi dọc theo mình Ngài trên thảm cỏ xanh. Hương ở đâu bay lại, thơm ngát cả khu rừng.
Nhưng đấng Từ bi chưa đi vội. Ngài sai một Tỷ kheo đi báo tin Ngài sắp nhập diệt cho các đệ tử và dân chúng ở rải rác trong thành hay.
Trong số các người đến kính viếng, có một ông già thuộc phái Bà-la-môn, tên Tu-bạt-đà-la đến xin ông A-nan cho được đến gần Ngài hỏi đạo. Ông A-nan không cho, bảo rằng Ngài đang mệt. Nhưng Tu-bạt-đà-la cứ nài nỉ xin vào. Lời qua tiếng lại, Phật nghe được, liền bảo ông A-nan cứ để cho vào. Tu-bạt-đà-la đến sụp lạy bên chân Phật, thưa :
– Lạy đấng Sáng suốt, con thường nghe đạo Ngài rất thâm diệu, nhưng con cũng thường nghe bọn ngoại đạo bảo chỉ có đạo của họ là hợp chân lý. Như thế thì con biết tin theo ai?
Phật dịu dàng dạy:
– Ngươi đừng tin theo ai cả. Ngươi chỉ nên theo lý trí của ngươi mà phán đoán. Ngươi hãy đem thuyết của ta so sánh với những thuyết của ngoại đạo, xem pháp nào thực sự mang lại an vui, hạnh phúc, rồi ngươi sẽ biết nên tin bên nào mà bỏ bên nào.
Ông Tu-bạt-đà-la sụp xuống ôm chân Phật, khóc kể: 
– Ôi rộng rãi thay lời nói của đấng Từ bi! Con chưa từng nghe một đấng truyền giáo nào dạy như Ngài! Nhưng ôi! Con đến quá chậm, Ngài sắp nhập diệt rồi, con biết nhờ ai để tu tập?
Phật để tay lên đầu ông, dạy:
– Người hãy yên tâm. Ta sẽ độ cho người. Còn sự tu tập sẽ có các đệ tử ta chỉ giáo cho.
Ông Tu-bạt-đà-la là người cuối cùng được đấng Từ bi nhận làm đệ tử khi Ngài còn tại thế.
Các đệ tử những bậc vua chúa và dân gian đến mỗi lúc mỗi đông. Họ kính cẩn cúi đầu đứng quanh Ngài. Nhưng bỗng giữa bầu không khí im lặng, nấc lên vài tiếng khóc. Phật dạy:
– Ðừng ai thương tiếc ta như thế! Hãy bình tĩnh trong buổi chia ly này! Các người ơi! Các người còn nhớ những lời ta dạy chăng ? Ta thường bảo thân thể bao giờ cũng tan rã, những vật người đời yêu thương, gìn giữ tất rồi có ngày phải chia cách. Làm sao trên thế giới chuyển di, lại có vật không thay đổi? Ai tìm thấy lại được hình dáng đã vẽ trên mặt nước?
– Hỡi các tỷ kheo! Ở đây các người là hạng được nghe rất nhiều giáo pháp của ta, các người phải chứng tỏ sự hiểu biết của các người bằng những cử chỉ, nhất là giữa lúc này. Bao lâu nay các người rất gần gũi với ta, trong hành động cũng như trong ý tưởng, vậy bây giờ không nên vì tình cảm ủy mị, hẹp hòi của các người trong một lúc mà trở thành xa lạ với ta. Ðừng ai thương tiếc ta như thế!
Ngài gọi ông A-nan lại gần Ngài, để tay lên đầu ông, vỗ về:
– A-nan ơi! Trong các đệ tử, ông là người luôn luôn ở bên cạnh ta, và giúp đỡ ta nhiều nhất, ông là đệ tử rất xứng đáng với ta. Trong việc truyền giáo, công đức của ông không phải nhỏ. Vậy trước khi nhập diệt, ta có lời cảm ơn ông. Từ đây trên đường đi truyền giáo, bước chân ta không còn vang dội bên bước chân ông nữa, nhưng đừng vì thế mà buồn; chúng ta dù có xa nhau cũng chỉ ở hình dáng chứ còn tâm ta vẫn hoà nhịp với tâm ông trong cái đạo rộng lớn. Ông hãy tu tập để nhận rõ chân tâm, rồi sẽ gặp ta ở mọi chỗ. Thôi ông hãy đứng dậy!
Sau đó, Phật nhìn ra, hỏi đại chúng:
– Ở đây có ai không hiểu hay còn nghi ngờ điều gì về giáo lý của ta thì cứ hỏi, ta sẽ trả lời. Ðừng để khi ta nhập diệt rồi lại ân hận là không còn ai để giảng giải.
Mọi ngườỉ đều im lặng nhìn nhau. Phật lại bảo:
– Nếu các người vì sợ làm mệt ta, hay vì nể ta mà không dám hỏi thẳng thì hãy bàn bạc cùng nhau, khi nào không thể giải quyết được, ta sẽ giúp cho.
Nhưng đại chúng vẫn im lặng. Ông A-nan bạch:
– Kính bạch Như Lai! Ðạo Ngài sáng tỏ như mặt trời. Những lời Ngài dạy cặn kẽ từng gang tấc! Những điều đáng nói, Ngài đã dạy cho hết cả rồi chúng con không còn điều gì nghi ngại nữa. Duy, chúng con xin Ngài dạy cho biết sau khi Ngài nhập diệt rồi, chúng con phải làm những lễ nghi gì để cho xứng với thi hài của một đức Phật?
Phật dạy: “Các người đừng bận tâm đến việe ấy. Các người hãy chuyên tâm đến sự giải thoát của các người. Đấy chính là một cách sùng bái ta.
– Hỡi những ai vì hoàn cảnh mà không thể xuất gia, các người hãy luôn luôn nhớ đến đạo ta! Phải tinh tấn mãi mãi để thoát ra khỏi lưới dục vọng mà chứng Ðạo!
– Này, các người phải tự thắp đuốc lên mà đi! Các người hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Các người hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát! Ðừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác! Ðừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác!
– Các người làm như thế là biết ơn ta, là nhớ tưởng đến ta. Và hỡi các Tỷ kheo! Các người có thêm một bổn phận là truyền đạo ta, thay ta để đưa đường chỉ lối cho mọi người. Các người phải tìm hiểu đến cùng tột những nghĩa lý sâu xa, mầu nhiệm của giáo pháp ta để làm lợi lạc cho chúng sanh! Các người phải luôn luôn vượt lên những trở lực để mãi mãi truyền thừa Ðạo ta cho đến vô cùng tận.
– Nếu các người để cho đạo Giải thoát của ta suy tàn, ấy là các người mất ta, và các người sẽ làm mất các người!
– Nếu các người vẫn trung thành với những lời dạy của ta, ấy là các người nhớ ơn ta, ấy là các người tôn sùng ta. Nếu các người làm cho đạo Từ bi của ta mỗi ngày một thịnh mãn, ấy là các người gần ta, và ta sẽ luôn ở bên cạnh các người.
– Này các Tỷ kheo! Các người đừng nghe dục vọng mà quên lời ta dặn. Mọi vật ở đời không có gì quý báu. Chỉ có chân lý của Ðạo ta là bất di bất dịch.
– Hãy tinh tấn lên để giải thoát, hỡi các người rất thân yêu của ta!” 

Bài học: Hãy ghi nhớ những lời dạy cuối cùng của Đức Phật để duy trì sự tinh tấn trong việc tu tập. Ngài dạy – “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Cả đời ngài luôn vì mục đích mang lại hạnh phúc và giác ngộ cho chúng sinh. Hãy nhớ đến hạnh nguyện của Ngài, mà tinh tấn tu tập, mở rộng trí tuệ và lòng yêu thương, đó chính là cách đền đáp ơn đức cao dầy của Đức Phật.

(Nguồn: Mẩu chuyện Phật giáo dành cho Thiếu nhi - tập 2)

Sunday, May 7, 2017

Ngày Phật đản sanh

Ngày đản sanh


Cách đây rất lâu, tại chân núi Hy Mã Lạp Sơn, có một vương quốc nhỏ gọi là Vương quốc Ca Tỳ La Vệ. Ở đây, có vị vua Tịnh Phạn  thuộc họ Thích Ca, nổi tiếng về đức hạnh và tài trí, cai quản thống trị. Kinh đô của ngài rất đẹp, đông đúc dân cư và nhiều khu mua bán, ở đó có nhiều người tốt bụng, khôi ngô tuấn tú và mắt sáng. Những người phụ nữ kiều diễm đi trên đường với những nữ trang lấp lánh. Đường phố tấp nập người qua lại, quý tộc đi xe ngựa, thương nhân cưỡi voi và nông dân đi bộ. Trẻ em chơi đùa và dân làng đang tắm dọc 2 bên bờ sông tràn ngập ánh nắng. Thành phố được bao bọc bởi những vườn cây rộng lớn với nhiều hoa, muôn thú và ao hồ mát mẻ. Những chiến binh dũng cảm đang trên ngựa bảo vệ nhà vua.

Nhà vua có người vợ tên là Ma Da, xinh đẹp, tốt bụng và yêu quý mọi người. Nhà Vua và hoàng hậu rất hạnh phúc, ngoại trừ một điều: họ chưa có con.

Vào một đêm trăng tròn, Hoàng hậu Ma Da mơ thấy một con voi trắng với sáu ngà. Những vị thông thái tiên đoán rằng ― Hoàng hậu sẽ sinh hạ một thái tử tài đức song toàn.

Mọi người trong cung điện chúc mừng khi nghe tin hoàng hậu sẽ sanh hạ thái tử.
      
Hoàng hậu Ma Da trở về nhà cha mẹ của mình, chuẩn bị sanh nở theo phong tục Ấn Độ. Nhà vua ra lệnh dọn dẹp, trang trí hoa và băng rôn dọc đường.
Khi đoàn tùy tùng đến vườn Lâm Tỳ Ni, hoàng hậu nói, ― Chúng ta dừng chân và nghỉ ngơi đêm nay trong vườn cây sum suê kia. Bấy giờ là tháng Năm. Những bông hoa trong vườn nở rộ, tỏa mùi hương thơm ngát. Nhưng con chim líu lo vang lừng, những con bướm dập dìu dọc lối đi của hoàng hậu và đoàn tùy tùng. Ánh sáng ban ngày bắt đầu lui dần, Mặt trăng sáng vằng vặc đang cao dần trên ngọn cây.

Hoàng hậu dừng chân dưới cây Sa La. Hoàng hậu với tay hái bông hoa. Ngay lúc đó, một bé trai khôi ngô được sanh hạ. Thân thể của bé trai phát ánh sáng chói lòa và khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú, với nhiều vẻ đẹp. Bầu trời tràn ngập hương thơm và những âm thanh thần tiên. Mọi người ai cũng vui mừng thấy thái tử được sanh hạ. Những con hươu và muôn thú trong vườn, ý thức về sự kiện đặc biệt đã đến và ngắm nhìn thái tử.

Mọi người ngạc nhiên, khi thái tử cất tiếng nói ― “Ta là người cao quý nhất thế giới. Ta là người thông thái nhất thế giới. Đây là lần sinh cuối cùng của ta”. Rồi thái tử mỉm cười và đi bảy bước chân. Hoa sen nở dưới chân khi thái tử đi qua.

Lúc đoàn tùy tùng về đến cung điện. Nhà vua nhìn thấy con mình và nói, ― Ta rất vui sướng. Hãy để cho mọi người cùng vui sướng với ta.

Trên đỉnh núi cao hiểm trở, có một người tên là A Tư Ðà sinh sống, người này rất thông thái, có thể đoán trước tương lai. Một ngày kia, ông nhìn thấy hào quang tỏa sáng rực rỡ mọi nơi và biết rằng có thể thái tử đã sinh thành. Ông ấy xuống núi đi đến cung điện, và chúc mừng nhà vua về sự ra đời của thái tử thiên tài.  

― Xin chúc mừng nhà vua và hoàng hậu, đã sinh hạ được cháu bé tài giỏi, A Tư Đà nói với vẻ vui mừng. Rồi bất chợt ông ấy thở dài, chảy nước mắt.

Nhà vua lo sợ hỏi, ― Liệu sẽ có điều không may với cháu bé?

A Tư Đà trả lời, ―Thần không thấy điều gì có thể làm tổn thương cháu bé. Cháu bé này được sinh ra để mang lại hạnh phúc cho thế giới. Cháu bé sẽ trở thành thủ lĩnh của mọi người. Thần khóc bởi hạnh phúc, vì cháu được sinh ra trên mảnh đất của chúng ta. Nhiều điều kì diệu sẽ xảy ra. Thần khóc bởi vì thần chết sớm và không kịp được học hỏi từ Người.


Cậu bé này sẽ ngự trị khắp thế giới và trở thành Đức Phật. Tên cậu bé nên đặt là Tất Đạt Đa, có nghĩa là điều ước được thỏa mãn. Vị thông thái không nói gì thêm ông lui về hang động của mình trên đỉnh núi tuyết phủ. Đức vua và hoàng hậu rất lo lắng khi nghe điều này, vì sợ rằng thái tử sẽ đi tu như lời tiên đoán, và không nối ngôi để trị vì thiên hạ trong tương lai. 

(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 2)

Thursday, April 6, 2017

Kính lễ vua Hùng

Kính lễ vua Hùng

Hôm nay giỗ tổ vua Hùng
Cháu con Bách Việt về cùng tri ân
Dâng hương kính lễ ân cần
Mong ngài phù hộ con dân Lạc Hồng

Hộ trì bền vững non sông
Dẹp tan giặc dữ đẹp lòng tổ tiên
Đắp xây, dựng lại ba miền
Hoàng Trường Sa mãi trong tim mọi người

Máu xương đã đổ ai ơi...
Muôn đàn chim Việt đáp lời núi sông
Giang Sơn gấm vóc mênh mông
Hồn thiêng đất nước hoà trong cõi nầy

Triệu Đà, Tô Định... phơi thây
Cùng quân bán nước, chốn này không dung
Linh thiêng, kính lễ vua Hùng
Mong đàn chim Việt hoà chung nỗi niềm

Dựng văn, giữ nước trong tim
Lòng người đoàn kết, quyết tìm lối ra
Tự do, độc lập đâu xa
Văn Lang dựng lại khúc ca thái bình...

Giỗ tổ Hùng Vương 2017 - PQT

Tuesday, March 21, 2017

Phạm Ngũ Lão

Phạm Ngũ Lão


Ngồi đan sọt ở bên đường
Mà lòng cứ tưởng chiến trường xông pha
Giặc kia giày xéo sơn hà
Làm sao ta vẫn ngồi nhà áo cơm?
Sọt đan nhưng dạ bồn chồn
Làm sao ta được vẫy vùng chí trai?
Giặc còn vô cớ đến đây
Ta sao lý tưởng còn đầy trong tim
Thời cơ chưa đến, lặng im
Vẫn ngồi đan sọt, chờ tìm minh quân
Lòng còn rong ruỗi xa xăm
Giáo đâm máu chảy, mắt đăm đắm nhìn
Đại Vương vời đến hỏi han
Biết người chí lớn sẳn sàng xuất chinh
Ban cho tước phẩm triều đình
Cầm quân biên giới một mình cứu nguy
Sử xanh nước Việt còn ghi
Anh hùng thời loạn kể chi thân mình?

Vân Hà (TTHA)

Friday, March 3, 2017

Ðời người trong một câu



Ðời người trong một câu


Ngày xưa, ở một vương quốc nọ, có một nhà vua muốn thu thập những cái hay ở đời để dựng một nguyên tắc trị dân. Nhà vua ấy, ngay từ lúc lên ngôi báu đã giao cho một viên đại thần cái trọng trách sưu tầm dưới các bầu trời xa lạ những tinh hoa rải rác trong vũ trụ và những triết lý của cuộc đời.

Ba mươi năm đã trôi qua, vị vua thanh niên anh tuấn ấy chờ đợi tóc đã điểm bạc. Lễ khánh thọ ngũ tuần đã cử hành long trọng trong Hoàng cung. Lúc ấy, quan đại thần cũng vừa về với một đoàn lạc đà, bốn vó trắng bụi đường xa, và trên lưng chất hơn nghìn pho sách quý mà ông đã có công kết tập bấy lâu nay để dâng lên đức vua. Đức vua nói:

– “Trẫm đã nhiều tuổi rồi, tinh hoa của trời đất nhiều đến thế. Trẫm làm sao xem hết. Khanh hãy mang về rút ngắn lại cho trẫm đủ thời giờ xem.”

Ðoàn lạc đà lại chở những pho sách đi và mười năm sau nữa, bộ sách rút ngắn lại còn năm trăm quyển được dâng lên ngự lãm. Nhà vua vuốt chòm râu bạc phau ngần ngại phán:

– “Hãy còn nhiều quá. Tuổi trẫm đã lớn, đọc sao cho kịp. Khanh chịu khó về gạn lọc một lần nữa những tư tưởng huyền diệu trong ấy”.

Viên đại thần tận trung không hề nghĩ đến số năm tháng đã tàn tạ trên đầu, lui về một nơi u tịch kết tinh kho tư tưởng theo yêu cầu của nhà vua.

Sau năm năm triền miên, với bao nhiêu tinh hoa và tư tưởng cổ kim đông tây, viên quan già nua mừng rỡ khi thấy kết quả: năm trăm cuốn dồn lại chỉ còn một pho sách dầy. Một pho sách dầy chứa tất cả triết lý của muôn cuộc đời!

Cuốn sách dầy ấy, một buổi sớm được mang vào ngự lãm. Nhưng nhà vua đã nằm yên trên giường bệnh, chung quanh ngự y chầu chực.

Vừa mở mắt nhìn vị đại thần tận tâm và cuốn sách quý giá. Một nụ cười nhàn nhạt nở trên môi vua như ánh hoàng hôn. Vua thở ra một giọng yếu nhỏ, viên đại thần quỳ xuống lắng tai đón lấy:

– “Trẫm yếu lắm, một trang sách còn chưa thể xem được huống là cả cuốn… Song trước khi nhắm mắt, trẫm háo hức muốn biết qua những tư tưởng gì, những triết lý gì, đã chi phối cả đời người, đã điều khiển cả một vận mệnh… Khanh khá rút ngay quyển sách này thành một câu hay vài chữ cho trẫm xem kịp và đủ sức hiểu…”.

Nét mặt viên đại thần trở nên trầm ngâm và hai mắt già nheo lại. Tử thần đã chờn vờn đâu đó. Các ngự y cúi đầu trước số mệnh. Nhà vua nằm yên khắc khoải chờ. Thời gian như ngừng hẳn lại. Không khí trở nên nặng nề và nghiêm trọng. Vàng son nội điện tự nhiên cũng hóa rầu rĩ. Mọi người chăm chú và kính cẩn nhìn viên đại thần đang lặng lẽ đem cuộc đời thu vào một câu. Sau một hồi suy nghĩ, viên đại thần từ từ bước đến bên án. Cả bộ Văn phòng tứ bảo hình như run khi bàn tay già đưa ra.

Bàn tay kính cẩn nâng cây bút, và nhẹ nhàng vạch trên mảnh hoa tiên những nét buồn lung linh tóm tắt tinh hoa của một đời người.

Mọi người đều ngó theo. Thần chết lúc ấy đã chập chờn đầu long sàng. Ðã mấy lần nhắm mở, Vua mới cất được mấy tiếng cuối cùng: “SANH LÃO BỆNH TỬ”.

Bài học: Những triết lý, tư tưởng trong nhân gian tuy nhiều, nhưng cũng không ra ngoài bốn chữ “Sinh, lão, bệnh, tử”. Bởi mọi lý thuyết, triết lý đều xuất phát từ cuộc sống con người, và nhằm mang lại an vui, hạnh phúc cho con người. Đức Phật cũng vậy, ngài vì giác ngộ quy luật sinh, lão, bệnh, tử, mà quyết chí xuất gia cầu đạo, nhằm giác ngộ, đạt đến hạnh phúc, thoát ly sinh tử, và chỉ dạy đạo giải thoát cho mọi người, nhằm mang đến cảnh giới hạnh phúc tối thượng cho nhân loại, đó là Niết bàn.

(Trích: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 2)

Friday, January 27, 2017

Mùa xuân trong tâm thức người Việt

Mùa Xuân Trong Tâm Thức Người Việt

Người dân Việt từ ngàn xưa đã sống trong một nền văn minh nông nghiệp trồng luá nước cuả một xứ sở nhiệt đới, gió muà, nhiều sông rạch, nuí đồi, biển cả. Tính chất đặc biệt này ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần cuả nguời Việt. Đời sống cuả những con người ấy luôn chan hoà cùng vũ trụ thiên nhiên, cùng cỏ nội hoa ngàn, tạo nên một tâm hồn Việt có sắc thái triết lý tự nhiên, không tư duy trừu tượng siêu hình, không duy lý, mà nó thẩm thấu trong sinh hoạt dân gian, trong tứ thời vần xoay vận chuyển . Cho nên tâm hồn người Việt nhẹ nhàng thanh thoát, dù vất vả quanh năm chân lấm tay bùn, nhưng vui xuân, vui hội hè đình đám, trẩy hội chuà hương, Giổ tổ, giổ cha, giỗ mẹ ... chuà thầy, viá bà... không bao giờ không rộn ràng, náo nhiệt.
Chẳng thế mà hằng năm cứ mỗi độ xuân về, ai cũng muốn trong nhà thêm hoa, thêm cây cảnh, dăm bẩy chậu quất, cành mai, thược dược ngoài sân, có khi cả hòn non bộ ... để giữ mãi hình ảnh thiên nhiên từ ngàn xưa còn đọng lại trong vô thức cuả dân tộc Việt.
An-Nam-chí-nguyên viết như sau về phong tục ngày Tết của cư dân Giao Chỉ cách đây cả ngàn năm :
“ Hàng năm, ba ngày Nguyên đán đều thịnh soạn cỗ bàn cúng tổ tiên. Trai gái trai giới hương hoa lễ Phật; chơi trò đánh vụ đá cầu, hát múa, kéo co; bên thắng uống rượu, bên thua uống nước lã...
Năm hết tết đến, ai có gì thì tiêu cho hết, cúng tổ tiên rất hậu, đốt pháo treo ống lệnh, ăn uống linh đình, chong đèn sáng đêm”.
Phong tục đẹp đẽ này vẫn còn được giữ gìn, truyền lai tới ngày nay .
Xuân có vai trò đặc biệt trong bốn mùa : nó là bước mở đầu, là phút tái tạo, hồi sinh, ứng với quẻ Phục trong Dịch. Thiên nhiên đang thay da đổi thịt, con người cũng rạo rực tình xuân. Nhận ra điều đó, con người đã đề cao muà xuân tức là cũng đề cao thiên nhiên, đề cao nguồn sống vô tận, bằng những sinh hoạt văn hoá cộng đồng là Lễ và Hội.
Lễ là tín ngưỡng linh thiêng, còn Hội là vui chơi thế tục; hai mặt đó kết hợp với nhau để khởi động nên luồng giao cảm giữa Trời – Đất - Người.
Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai cờ bạc, tháng ba hội hè...
Hội hè - đình đám chính là sinh hoạt văn hoá cộng đồng, ngày xưa diễn ra dưới dạng nguyên hợp chưa tách ra thành những bộ phận riêng biệt như bây giờ. Trong hội có đủ hát xướng, trò chơi đấu vật, đánh cờ... Tình cảm người ta có dịp được bột phát, thả lỏng đến độ phóng dục. Tuy vậy hội hè vẫn có một ý nghĩa thiêng liêng, đáp ứng một nhu cầu thầm kín của con người. Con người thường sống rất lâu trong kỷ niệm của một mùa Xuân và mong chờ mùa Xuân mới. Đó là nhu cầu cộng cảm, cảm thông với người khác và cả với đất trời.
Tất cả những hình ảnh Lễ Hội dân gian đó ngày nay chỉ còn là hoài niệm về một thời vàng son xa xưa cũ, một phần lớn đã tự đổi thay để thích nghi với hoàn cảnh và mội trường thời đại, bởi nếp sống công nghiệp với nhịp độ càng lúc càng nhanh, càng làm con người xa dần Lễ Hội, chỉ còn những phong tục thị dân với các trò vui thành thị. Hội hè đình đám chỉ còn được lưu giữ ở một số vùng nông thôn. Ngày nay, cả chính phủ cũng phát động phong trào về nguồn, bởi lẽ con người đứng trước một thực tại : nếu không giữ gìn phong hoá thì không còn gì để giữ, vả lại không ít người đã nghĩ đến điều này khi không còn được sống giưã quê nhà, thì ý thức về quốc gia dân tộc và sắc thái riêng cuả một đất nước bỗng trô nên thiêng liêng và huyền diệu. Thậm chí ta có thể hình dung, có quốc gia lịch sử chỉ vỏn vẹn có bốn trăm năm, mà người ta đã biết bảo tồn phong hoá và tạo nên sắc thái dân tộc và phát huy rực rỡ, trái lại lịch sử ông cha ta cả bốn nghìn năm mà ta lại không biết gìn giữ thì thật là điều tai hại. Học cuả người những điều hay nhưng không thể bỏ quên bản sắc văn hoá riêng của dân tộc mình. Đó chính là ý nghiã cuả Đại dồng tiêu dị làm cho loài người đến gần nhau mà vẫn không đánh mất chính mình. Chương trình cuả Liên Hiệp Quốc về bảo tồn văn hoá mỗi dân tộc càng giúp ta hiểu sâu sắc hơn tinh hoa cuả mỗi dân tộc cần phài được phát huy gìn giữ, nó giúp cho mỗi nguời dân Việt tự nhìn ngắm lại mình, đễ hãnh diện về quá khứ, suy tư về hiện tại, hướng về tương lai trong tinh thần “ôn cố tri tân”. Lễ hội không chỉ là hình bóng cuả hôm qua, mà còn là động lực thúc đẩy con người ngày nay biết bảo tồn và phát huy hơn nưã, tinh thần tư tưởng cuả dân Việt, trong thơì đại “đổi mới”, vừa hội nhập văn minh thế giới mà vẫn không đánh mất bản sắc độc sáng cuả văn hoá nước mình.
ThS. Phạm Văn Cảnh

Thursday, January 5, 2017

Mừng xuân Đinh Dậu

Bài thơ mừng xuân mới


Ta viết bài thơ xuân Kỷ Dậu
Ca ngợi người áo vải Quang Trung,
Ta viết bài thơ xuân Đinh Dậu
Và chờ đợi một người Quang Trung mới

Trang sử Việt đã đến mùa gió mới
Gió nghìn năm u uất giữa hồn người,
Gió đau thương trôi giạt giữa giòng đời,
Gió tê giá khi bốn mùa băng tuyết

Hãy lặng im nghe, từ lòng cõi chết,
Hồn nghìn xưa còn sống đến ngàn sau,
Ngọn lửa hồng dưới đáy cõi thâm sâu,
Ai thắp sáng và đang bừng trỗi dậy ?…

Non nước Việt của cha ông còn đấy,
Hồn phục hưng đang réo gọi bao người,
Hãy đứng lên, trận địa giữa lòng người,
Không phải bằng súng gươm bão tố,

Ta phải thắng những yêu tà, man dã,
Nhưng ngu si bắt rễ tự lâu đời,
Những huênh hoang rỗng tuếch của một thời,
Chỉ thấy vòm trời như đáy giếng,

Rồng tiềm phục bốn phương trời ẩn hiện
Thần Kim Qui phiêu dạt bãi Thanh Giang
Lúc hồn nước phiêu linh trời lãng đãng
Buổi xuân về hò hẹn phút đăng quang.

Ta viết bài thơ không giới hạn
Gởi ngàn năm, chốn chốn, vạn đời sau
Đem hoa ngàn, gió núi, suối rừng sâu
Kết tinh lại trong hồn người Bách Việt.

Đây phút thiêng những cuộc đời lẫm liệt
Tự ngàn năm khai mở một chu kỳ
Cho núi sông hoa nở ngát đường đi
Cho nhất phiến tài tình thiên cổ Việt.

Phạm Trường Linh