A virtual world for sharing my knowledge, feeling and other meaningful things in my life.
Lời Phật dạy
Tuesday, December 1, 2009
Saturday, November 14, 2009
TÂM SỰ NGƯỜI LÁI ĐÒ
Chèo đò đưa khách sang sông
Rồi tôi ở lại ngóng trông phương trời,
Đưa người lũ khách đến nơi
Vượt qua gian khổ - thảnh thơi trở về
Chèo đò - vất vả gian khê
Nhiều phen sóng gió - nhiều bề gian nan.
Dù cho số phận phủ phàng
Người lái đò vẫn chẳng màng lợi danh
Đưa người đến chốn an lành
Đó là hạnh phúc trời xanh hiểu lòng
Lời ca tiếng hát vang sông
Niềm vui sướng ấy vượt dòng thời gian.
Thursday, November 5, 2009
TÂM SỰ NGƯỜI THẦY
Mà cũng lắm nỗi buồn
Vui những giờ đứng lớp
Buồn mỗi lớp trò qua
Tình thầy trò thật đẹp
Như trang giấy điểm hoa
Nếu cuộc đời mãi vậy
Hạnh phúc phải đâu xa ?
Quý trọng từng khoảnh khắc
Nâng niu tháng ngày qua
Tình thương và tri thức
Còn mãi chẳng phôi pha
Làm nghề thầy cao quý,
Đem tri thức cho đời
Dẫu gian lao cực khổ
Vẫn hạnh phúc người ơi !
Sống cho tròn nguyện ước
Vui với đạo an bần
Chẳng buồn bao thế sự
Sống mãi giữa mùa xuân…
Friday, October 23, 2009
Nhớ cụ Chu Văn An
Nhớ về cụ Chu Văn An của ngày xưa với thất trảm sớ, lại chợt nghĩ đến các nhà khoa học ở viện IDS ngày nay với những lời phản biện thẳng thắn nhưng 'dễ mất lòng'. Có thể so sánh việc cáo quan về hưu của cụ Chu Văn An với quyết định tự giải thể của các nhà khoa học ngày nay. Rất may, ngày xưa vua Trần Dụ Tông tuy không nghe lời cụ chém đầu 7 tên gian thần, nhưng cũng không dám vô lễ yêu cầu cấp dưới 'xem xét xử lý những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng' của cụ! :)
Chuyện tuy xa xưa, nhưng ngẫm kỹ thì vẫn rất gần vậy!
Sự nghiệp văn chương của cụ Chu Văn An để lại không nhiều, chỉ còn 12 bài thơ của cụ nằm rải rác ở nhiều bộ sách khác của đời sau. Những tác phẩm của cụ viết như Tứ thư thuyết ước, Tiều ẩn thi tập, Quốc ngữ thi văn thì đều đã thất lạc, không còn. Người đời sau chỉ còn biết đến tên các tác phẩm đó, chứ nội dung ra sao thì không biết. Nhưng tại sao người đời vẫn luôn luôn nhớ đến tên cụ, với lòng kính trọng sâu sắc?
Chính bởi vì cụ Chu Văn An là tác giả của bản Thất Trảm Sớ, tờ sớ xin chém 7 tên gian thần thời vua Trần Dụ Tông. Bản Thất Trảm Sớ đó ngày nay cũng không còn, người đời không biết nội dung của tờ Sớ ra sao. Nhưng người đời biết được tên của bản Thất Trảm Sớ đó, và chỉ riêng cái tên đó thôi, với nội dung xin chém 7 tên gian thần, cũng đủ để nhân dân nhớ mãi đến tên cụ Chu Văn An.
Nhà Trần trải qua 12 đời vua, từ vua đầu tiên Trần Thái Tông năm 1225, đến vua cuối cùng là Trần Thiếu Đế năm 1400. Như vậy nhà Trần kéo dài được 175 năm. Sau đó vào năm 1400 bị Hồ Quý Ly cướp ngôi. Cụ Chu Văn An sinh ra vào thời vua thứ 6 của nhà Trần, tức vua Trần Minh Tông, trải qua đời vua Trần Dụ Tông, và mất vào đời vua thứ 8 của nhà Trần, tức vua Trần Nghệ Tông, năm 1370.
Thời vua Trần Dụ Tông là thời kỳ bắt đầu suy sụp của nhà Trần, và cũng là khi cụ Chu Văn An dâng Sớ xin vua Trần Dụ Tông chém 7 tên gian thần, để mong cứu vãn nhà Trần. Nhà Trần đã lập được chiến công lừng lẫy 3 lần đánh tan quân Nguyên, với các tên tuổi vua quan, tướng lĩnh Việt Nam tài ba, đức độ, anh hùng như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Trần Bình Trọng…
Thế nhưng những con cháu nhà Trần, những người nối nghiệp Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo… đã dần dần phá hoại sự nghiệp cha ông để lại. Vua quan bắt đầu ăn chơi, tham nhũng, đục khoét của dân, dân thì nghèo lầm than, vua quan thì sung sướng, sa đọa. Vua Trần Dụ Tông lúc đầu lên nối ngôi vua, cũng tỏ vẻ là vị vua hiền, nói điều hay, chăm lo cho dân. Đại việt sử ký toàn thư viết rằng vua Trần Dụ Tông lúc đầu biết “chăm lo việc võ, sửa sang việc văn, các di đều thần phục… Nhưng về sau, chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đó”.
Cụ Chu Văn An khi đó là Tư nghiệp Quốc tử giám, tức là Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc Tử Giám như cách nói ngày nay. Trường Đại học Quốc Tử Giám là nơi dạy dỗ các con vua, nên chức Tư nghiệp rất có uy tín và uy thế trong triều. Cụ Chu Văn An, cũng như các đại thần liêm khiết, tài giỏi thời đó như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh… đều cảm thấy sót xa trước cơ nghiệp lừng lẫy của nhà Trần đang có nguy cơ ngày càng lụn bại bởi vua ham chơi, bởi bọn tham quan, nịnh thần. Nhiều người muốn lên tiếng khuyên can vua để cứu vãn cơ nghiệp ông cha để lại, một cơ nghiệp đã phải đổi bằng xương máu của biết bao nhiêu người trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xưa. Nhưng ai cũng sợ mất ghế, sợ bị chụp mũ là phản động, chống lại triều đình. Nên không có ai dám nói gì, chỉ hèn nhát ấm ức trong lòng.
Chỉ có cụ Chu Văn An dám nói. Cụ không sợ mất ghế, không sợ bị chụp mũ là phản động, chống lại triều đình. Cụ viết Thất Trảm Sớ, gửi lên vua Trần Dụ Tông. Vua Trần Dụ Tông xem tờ sớ xong, rồi ỉm đi. Cho đến tận bây giờ, đã hơn 600 năm trôi qua, không ai biết nội dung cụ thể tờ Sớ khủng khiếp đó nói gì, chỉ biết rằng tờ Sớ đó xin chém những kẻ tham nhũng, nịnh thần trong triều, những kẻ sẽ làm sụp đổ cơ nghiệp đã hơn 100 năm của nhà Trần.
Tờ Sớ đó liệt tên những kẻ gian thần nào, không ai biết, nhưng nhân dân thì biết thời đó, có những tên tham quan, nịnh thần nổi tiếng như Trâu Canh, Bùi Khoan, Trần Ngô Lang… Thật ra kẻ đáng phải chém, phải lật đổ để cứu dân đen khỏi lầm than, cứu sự nghiệp của nhà Trần, chính là Trần Dụ Tông, vì ông vua này về cuối đời vô cùng ăn chơi sa đọa.
Tên Trâu Canh khuyên ông vua đó uống mật trẻ con, và thông dâm với chị gái của ông ta, để chữa bệnh liệt dương. Và ông vua Trần Dụ Tông đã làm như thế. Nhưng ông vua này là biểu tượng của nhà Trần, biểu tượng của 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên anh hùng xưa. Hơn nữa ông ta lại là kẻ đang có quyền lực trong tay. Chưa thể đụng vào ông vua sa đọa ấy được. Có lẽ vì thế mà cụ Chu Văn An chỉ xin ông vua đó chém những tên vây cánh gian tham của vua, để mong vua tỉnh ngộ.
Vua Trần Dụ Tông đã ỉm tờ Sớ đi, và im lặng đáng sợ, không trả lời gì cụ Chu Văn An, vốn là thầy giáo của nhiều vị vua nhà Trần.
“Ông không thèm chơi với chúng mày nữa”, cụ Chu Văn An khảng khái tuyên bố, và cụ treo mũ, từ quan, trả lại chức Tế tửu đầy quyền lực, bổng lộc. Cụ về núi Chí Linh, Hải Dương, làm nhà giữa hai ngọn núi Kỳ Lân và Phượng Hoàng để ở ẩn.
Nhưng thời đó vẫn còn nhiều “lễ, nghĩa, trí, tín”, nên vua Trần Dụ Tông mặc dù là ông vua chơi bời, sa đọa, nhưng không chụp mũ cho cụ Chu Văn An là bất mãn, làm loạn, chống lại triều đình. Có lần vua còn định mời cụ ra làm quan lại. Vợ vua cũng là người biết lẽ cương thường, nên đã khuyên vua: “Ông ấy là người không thể bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ấy”. Thỉnh thoảng vua Trần Dụ Tông còn về núi Chí Linh thăm cụ Chu Văn An. Các học trò của cụ như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát làm Hành khiển, giống như Bộ trưởng bây giờ, vẫn hàng năm lặn lội về thăm cụ, khi nói chuyện vẫn giữ đạo thầy trò, quỳ nghe cụ răn dạy.
Nhưng thời đó không có Sổ hộ khẩu như bây giờ, quyền tư hữu ruộng đất cũng vẫn có, không bị tước đoạt. Nên cụ Chu Văn An treo mũ, từ quan về làm nhà ở ẩn ở núi Chí Linh cũng không có ai hoạnh họe gì về giấy tờ nhà đất, về hộ khẩu gì… cả. Giả sử nếu bây giờ có vị quan chức cao cấp nào từ quan vì “không muốn chơi với bọn tham nhũng”, về núi Chí Linh ở ẩn, thì chắc cũng khó vì các thứ giấy tờ đủ loại. Đó là chưa kể còn có thể bị chụp mũ này nọ.
Có thể có người sẽ chê cụ Chu Văn An là sao lại tiêu cực, hèn nhát về ở ẩn, mà không ở lại tiếp tục chiến đấu với bọn tham quan?
Đừng nên anh hùng rơm như thế. Dám treo mũ từ quan, dám không màng danh lợi, dám từ bỏ cái ghế đầy bổng lộc, quyền thế, dám không sợ bị vùi dập, để tỏ rõ cái khí tiết của người có đạo đức trong sạch, đó là rất dũng cảm đấy.
Nhớ đến cụ Chu Văn An, để thấy rằng ngày nay, những người dũng cảm và trong sạch như cụ Chu Văn An còn hiếm lắm.
Minh Tuấn
(Từ Tokyo)
Monday, October 19, 2009
LAM SƠN KHỞI NGHĨA
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân dẹp tan cường bạo” •
Những lời sâu sắc làm sao !
Đạo lý muôn đời, con cháu noi theo.
Đất Lam Sơn – gieo neo sương khói
Vì quê hương, sông núi mịt mờ
Lê Lợi chủ soái phất cờ
Nguyễn Trãi phò tá, quân cơ mật bàn…
Mười năm dài, gian nan vất vả
Nếm mật, nằm gai, đã quen rồi
Đợi khi thời điểm chín mùi
Một phen khởi nghĩa, tơi bời giặc Ngô.
Sạch bóng giặc Bình Ngô Đại Cáo
Lập chiến công, đền báo ơn cha
Quyết lòng xây lại nước nhà
Lam Sơn hát mãi khúc ca kiêu hùng…
-----
• Trích Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi
Friday, October 9, 2009
Bát Nhã – tiếng chuông cảnh tỉnh
Nam mô Đại bi Quán thế âm Bồ tát
Hỡi đấng Quán tự tại Bồ tát
Con thầm tụng bài chú của ngài
Ma ha Bát nhã Ba la mật đa…
Để nguyện cầu cho pháp nạn Bát nhã chóng qua...
Ôi nước Việt Nam, đất nước tôi
Phật sử ngàn năm – khổ nhiều rồi
Chưa từng thấy cảnh – chùa Bát Nhã
Một thoáng tiêu tan, pháp nạn rồi !
Kẻ vô minh, bức hại người tu
Chuyện trắng đen, làm mờ mịt sương mù
Phá chùa, hại tăng, bày lắm trò tai ác
Ném đá giấu tay, ngậm máu phun người
Sân Bát nhã một chiều mưa lạnh giá
Pháp nạn phơi bày lòng dạ sói lang
Tiếng chuông Bát Nhã còn đây
Trí soi sáng tỏ, người ngay kẻ phàm
Vô minh, dẫu vẫn ngập tràn
Tình thương – vén tỏ bức màn giả chân
Nguyện cầu vững bước – tăng thân
Từ quang chiếu rọi, nạn trần vượt qua
Bình yên giữa chốn ta bà
Pháp thân hiển lộ - Phật đà quang minh
Nguyện cầu những kẻ vô minh
Nghe chuông thức tỉnh, giật mình – hồi tâm
Nguyện cầu đại lực Quán Âm
Chiếu soi mọi nẻo tối tăm quê nhà
Ma ha Bát nhã Ba la mật đa...
Sunday, September 27, 2009
Hồn sông núi
Image by Marina & Enrique via Flickr
t khái niệm tưởng chừng như thật mơ hồ, khó hiểu, nhưng nếu biết để lòng mình hòa nhịp cùng lòng đất nước Việt Nam, ta sẽ cảm nhận được rõ ràng hồn thiêng sông núi đang vẫy gọi.Hãy nhắm mắt lại, ngược về dòng quá khứ, ta sẽ thấy cảnh tượng quê hương thanh bình thuở vua Hùng lập nước, sẽ nghe từng hồi trống đồng giục giã, và thấy rằng dòng máu Bách Việt vẫn còn đang chảy sôi sục trong ta…
Tổ quốc Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến, với bao nhiêu lịch sử oai hùng, từ chống giặc ngoại xâm cho đến xây dựng đất nước, sông núi Việt như đang kêu gọi chúng ta, những người con của đất nước, phải sống làm sao cho xứng đáng với tiền nhân, hãy đoàn kết để xây dựng lại mảnh đất quê hương, mà ông cha đã đổ biết bao mồ hôi xương máu để xây dựng và bảo vệ, ngày càng tươi đẹp hơn…
Hỡi những người con Việt ! hãy lắng nghe hồn sông núi đang gọi mời ! … và hãy hành động !
Hồn dân tộc thoảng trong sương khói
Lúc bình minh, hay tối, đêm về
Lắng nghe hơi thở đồng quê,
Núi sông thỏ thẻ, nhắn về xưa sau…
Nhìn vào tận thẳm sâu đáy mắt,
Người dân mình, héo hắt mõi mòn
Tủi làm sao phận cháu con,
Quê hương mong lắm, nước non đợi chờ…
Tình dân tộc, hồn thơ còn đó
Mà người nay, vất xó, không nhìn
Nhà xem trọng, nước xem khinh
Thấp hèn, khiếp nhược, dân mình ra sao ?
Hồn tổ quốc - xạc xào trong gió
Nhắc bao người, chớ có ơ hờ
Nước nhà bền vững xưa giờ
Bởi dân đoàn kết, chung cờ tự do
Cùng dốc sức chung lo việc nước
Việc khó nào, sau trước cũng nên
Đồng lòng, sông núi vững bền
Muôn dân hãnh diện, hồn thiêng reo mừng…
Tuesday, September 15, 2009
KHÔNG THỂ THÀNH NGƯỜI
Trong bọn tôi chỉ cần có một kẻ nào đó hoài nghi kêu lên: "Không thể được, anh em ơi, lũ chúng ta không thành người được!" là lập tức mọi người gật đầu tán thưởng: "Đúng, chí phải, chí chí phải, không thể thành người!..." Và không bói đâu ra một người phản bác: "Sao lại thế! Phải tự trọng chứ!".
Hồi còn trẻ, có một lần, dạo ấy tôi vào quãng 25 tuổi, bầu nhiệt huyết còn sôi sục, tôi đã cả gan chống lại luận thuyết đó. Lần ấy tôi đi tàu thuỷ ra đảo Hoàng Nam. Trên tàu bỗng có một người đàn ông đứng tuổi càu nhàu một mình, đến hung thần cũng không hiểu vì sao tự nhiên lại thế.
- Xin lỗi các người, làm sao chúng ta có thể thành người được!
Mọi người có mặt trong phòng khách lúc ấy đều gật đầu đồng ý. Riêng tôi thì nóng mắt cự lại:
- Sao lại không thành?! Còn thành thế nào nữa!... Dứt khoát là thành!... Mà còn thành những người làm chấn động địa cầu là khác!
Mọi người trong phòng khách tưởng như ăn ý với nhau từ trước, đồng thanh kêu ầm lên:
- Bậy nào, bậy nào, không thể thành người được!...
- Chúng ta còn lâu mới đuổi kịp thiên hạ!
- Chúng ta không thể thành người được!
Được mọi người hỗ trợ, ông già kia bớt nóng:
- Nghe thấy chưa, con?... Các vị đây đều nhất trí ủng hộ tôi đấy. Như thế nghĩa là quả thật chúng ta không thành người được. Con xem, có ai buộc các vị kêu lên thế đâu.
- Thành người!... Nhất định sẽ thành người! - tôi lặp lại.
Ông già cười nhạt:
- Đó, con vừa nói : "Nhất định sẽ thành người". Chữ sẽ như thế nghĩa là trước đây và bây giờ chưa thành người chứ sao.
Từ bấy đến nay bao nhiêu năm trôi qua mà lúc nào tôi cũng băn khoăn "Vì sao chúng ta không thành người được?".
Lần đi tù mới đây đã mở cho tôi đôi mắt : cuối cùng tôi đã tìm ra câu đáp. Trong tù tôi bị nhốt vào một khám lớn của tù chính trị. Quanh tôi la cả một xã hội trí tuệ: các nhà doanh nghiệp nổi tiếng, các nhân sĩ lỗi lạc, các ngài tỉnh trưởng, các quan đốc học, các cựu nghị sĩ, các chính khách xuất chúng, các vị đại thần, các bậc kỹ sư, các bác sĩ danh vang toàn cõi. Hầu hết những người này đều đỗ đạt tận Châu Âu, Châu Mỹ, đã từng xuất dương và biết đến vài ba thứ tiếng. Mặc dù cách nhìn đời của tôi và họ còn khác xa nhau, nhưng trước hết là nhờ có họ mà tôi hiểu ra được rất nhiều điều về cái sự tại sao chúng ta không thành người được.
Những ngày tiếp người nhà, tôi được nghe toàn những tin xấu: lúc thì gia đình tôi không trả được tiền nhà, lúc thì chịu tiền ông chủ quán nước, và biết bao nhiêu chuyện dằn vặt khác nữa. Tôi thấy nặng nề, ủ dột. Tệ hơn nữa là tôi có mặc cảm tuyệt vọng. Bấy giờ chỉ còn một lối thoát: phải lập tức ngồi viết tiểu thuyết. May ra có một tờ báo nào chịu đăng tải thì tôi kiếm được ít tiền. Nội dung cuốn sách đó tôi cũng đã thai nghén từ lâu.
Đã quyết là làm, tôi bèn đi kiếm một cây bút máy, một xấp giấy rồi ngồi chéo khoeo trên giường mà viết. Không được lãng phí thời giờ! Phải chấm dứt chuyện trò ba láp hoặc ngồi không nghĩ vơ nghĩ vẩn!
Chưa viết được 10 dòng thì một vị phạm nhân, đầu óc sáng láng đến gần tôi:
- Chúng ta không thể thành người được! - vị ấy tuyên bố ngay - Quyết không, quyết không!
Tôi nín im.
- Anh nói sao tôi nghe nào? - vị ấy gặng - Tôi đã ăn học ở Thuỵ Sĩ, 6 năm làm việc ở Bỉ. Rồi ông ta kể lể dài dòng và cặn kẽ về cuộc sống ở 2 nước đó.
Tôi phát rầu rĩ vì bị quấy quả đột nhiên, nhưng biết làm sao được. Thỉnh thoảng tôi đưa mắt nhìn xuống, cố ý cho ông ta hiểu rằng tôi rất bận và mong ông ta đứng dậy. Than ôi! bạn tôi nào có biết phán đoán. Ông ta cứ thế mà nhớ đâu rồi đấy:
- Bên ấy anh sẽ thấy không ai không cầm sách vở. Một người Thuỵ Sĩ hoặc một người Bỉ có được vài phút rỗi rãi là họ mở sách ra ngay. Đi ô tô, đi tàu hoả, chỗ nào cũng đọc. Mà giá anh thấy họ trong nhà cũng thế! Lúc nào cũng đọc, đọc và đọc...
- Chà, ghê thật, ghê thật! - Tôi ngắt lời ông ta với hy vọng ông ấy tha cho tôi nhờ.
- Ghê hẳn đi chứ lỵ! - ông ta nói tiếp - Còn bây giờ anh cứ thử nhìn những người quanh đây xem. Ai cũng nhận mình là trí thức mà không có ai cầm sách cả. Không, bạn thân mến của tôi ơi, chúng ta không thành người được.
- Ông nói quả đúng - tôi đồng ý.
Tôi vừa nói thế, ông ta liền hăng tiết lên gấp 2 lần và lại tiếp tục câu chuyện người Bỉ người Thuỵ Sĩ đọc sách mọi nơi mọi lúc. Đến giờ ăn trưa. Chúng tôi cùng đứng lên.
- Chúng ta không thành người được. Bây giờ anh đã rõ vì sao như thế chưa? - Ông ta hỏi.
- Rõ - tôi đáp.
Thế là tôi mất đứt nửa ngày để nghe một bài giảng về lòng hiếu sách của người Thuỵ Sĩ và của người Bỉ. Nuốt vội vàng mấy hạt cơm trưa tôi lại leo lên giường viết sách. Tờ giấy trên đầu gối, cây bút trong tay, tôi vừa ngồi vừa nghĩ. Chưa viết được một chữ lại một người quen bước đến:
- Anh làm gì vậy?
- Tôi viết tiểu thuyết.
- Ở đây viết không ra cái gì đâu. Anh này ngộ thật!... Anh đã ở Châu Âu lần nào chưa!
- Không, tôi chưa bao giờ ra khỏi đất Thổ.
- Tiếc quá! Thế thì anh phải đi Châu Âu mới được. Sống bên đó, được tận mắt nhìn thấy mọi vẻ sinh hoạt là điều rất thú vị. Những chuyến đi ấy làm con người mở rộng được tầm mắt. Tôi đã đi hầu khắp Châu Âu, có lẽ không nước nào không đặt chân tới. Lâu nhất là thời kỳ tôi ở Đan Mạch, Hà Lan và Thuỵ Điển. Ở các nước đó mọi người tôn trọng nhau hết sức. Thậm chí người ta không nói to để khỏi phiền người bên cạnh. Còn ở nước ta, anh xem! Muốn thủng hai màng nhĩ! Có lúc tôi muốn chợp mắt một tý, muốn đọc hoặc viết một tý, tôi thiếu gì việc phải làm hả anh, thế mà cũng không được. Ồn như chợ vỡ thế này anh không viết tiểu thuyết được đâu. Không thể viết được.
- Ồn như chợ vỡ tôi cũng viết được. Tôi chỉ không viết được khi bị người khác lải nhải bên tai mà thôi.
- Bạn thân mến ơi, nhưng được yên tĩnh thì thích hơn biết mấy. Có phải thế không? Mà họ có quyền gì quấy rầy anh kia chứ? Họ có thể nói nhỏ được quá chứ lỵ. Ở Đan Mạch, Thuỵ Điển, Hà Lan không có ai bất lịch sự như thế bao giờ. Dân chúng người ta tân tiến vì biết tôn trọng lẫn nhau.
Ông ta cứ nói lảm nhảm hết chuyện này chuyện khác, lôi ra trăm thứ dẫn dụ để minh hoạc cho trình độ lịch thiệp và giáo dục của người Châu Âu. Tôi cúi xuống mặt giấy và bắt đầu viết. Nói đúng hơn là tôi làm ra bộ viết. Hẳn như thế là bất nhã nhưng tôi còn biết làm sao khác được?
- Đừng hoài công vô ích - ông bạn lại nói - không viết được gì đâu. Viết thế anh chỉ làm hỏng đầu óc. Nước Thổ chứ có phải là Châu Âu đâu. Anh có biết một người dân Châu Âu thì phải thế nào không? Trước hết là phải có lòng tôn trọng người bên cạnh
mình. Còn ta thì sao? Bạn thân mến của tôi ơi, chính là vì lẽ đó mà chúng ta không nên người được đâu. Không, chẳng thể nào được!
Chắc ông ta chưa chịu kết thúc ngay, nhưng may quá, luật sư của ông ta đến cứu nguy cho tôi. Sợ rằng lại có người khác đến ám, tôi cùi gằm hẳn mặt xuống. Vừa viết được hai dòng, lại một ông bạn cùng xà lim bước đến.
- Chúc anh thành công ! - ông ta nói.
- Cám ơn bác - tôi đáp.
Ông ta ngồi xuống giường tôi nói:
- Còn xa chúng ta mới thành những người chân chính!...
Tôi không hé răng nửa lời hòng chặn đứng câu chuyện ngay từ khởi thuỷ.
- Anh đã sang Mỹ bao giờ chưa? - ông ta hỏi.
- Chưa.
- Tiếc thật! Anh được ở đó vài tháng anh sẽ hiểu ngay vì sao chúng ta lạc hậu thế này. Người Mỹ đâu có như ta, họ không thích tán gẫu. Bên họ có câu : "Time is money." "Thời gian là tiền bạc". Người Mỹ chỉ đến với anh khi có việc. Họ nói vài câu cần thiết rồi đi làm việc khác. Còn nước Thổ ta thì sao? Cứ lấy chúng ta mà xem. Chúng ta đang làm gì? Tán dóc chứ sao. Tán hết ngày này qua tháng khác! ở Mỹ như thế thì đừng có hòng. Chính vậy mà họ tân tiến.
Tôi thở dài liên tiếp, lòng thầm mong ông ta hiểu cho là tôi rất bận và ông ta đi đi cho rồi. Nhưng ông ta cứ tiếp tục khoa đại ngôn như chẳng hề hám chuyện gì cả. Đến giờ ăn tối. Trước khi cáo lui ông ta bảo:
- Chúng ta không thành người được. Đúng thế. Cứ cái lối sa đà trò chuyện thế này thì chẳng có bao giờ nên người.
- Bác nói thật chí lý - tôi đáp.
Khoắng vội cho xong bát cơm, tôi quay về làm việc. Tiểu thuyết! Phải viết tiểu thuyết!
- Cái chính là phải lao động. Những việc khác là phụ - tôi bỗng nghe có tiếng người nói. Ngẩng đầu lên tôi thấy một bạn cùng khám đứng cạnh.
- Theo anh thì sao? - anh ta hỏi và ngồi xuống giường bên.
- Ai dám tranh luận chuyện đó? Lao động cần quá đi chứ - tôi đáp.
- Bố mẹ tôi giáo dục tôi theo tinh thần nước Đức...
Tôi giận đến tím ruột. Còn anh bạn thì sôi nổi tiếp tục:
- Tôi tốt nghiệp trường li-xê Đức ở Xtămbun rồi sang Đức học đại học, sau đó tôi ở lại làm việc bên ấy nhiều năm. Người Đức chả có ai ăn không ngồi rồi cả. Còn bên ta thì thế nào? Cứ lấy tất cả những người trong khám này ra làm bằng mà xem. Không. Không, chúng ta không thể thành người được. Còn lâu chúng ta mới là những người chân chính!
Tôi hiểu ra: ban ngày người ta không cho tôi viết tiểu thuyết. Cố viết, tôi chỉ giết chết thần kinh của mình mà thôi. Bây giờ chỉ còn nước đợi đến đêm cho mọi người đi ngủ cái đã. Anh bạn không mời mà đến của tôi lại thao thao về đất nước Đức.
- Ở Đức mà ngồi không ăn bám là điều sỉ nhục. Người Đức dù bị số phận xua đuổi đến đâu đi nữa cũng không bao giờ chịu ngồi bó gối, thế nào họ cũng phải tìm được một việc gì đó mà làm. Một lẽ đương nhiên là không thể không lao động được. Còn đây là một dẫn chứng phản diện: chúng ta đã nằm đây mấy tháng rồi, thử hỏi có ai làm gì hay không? Đụng đến chuyện ấy là người ta lấy làm lạ: trong tù thì làm gì được! Một người trí thức nước Đức sẽ không nói vậy. Ông ta sẽ ngồi viết hồi ký, viết báo, lo nghĩ công việc của mình hoặc đọc sách báo, tóm lại, ông ta không có chơi bời phí phạm. Còn chúng ta thì sao? Anh muốn nói gì thì nói, chúng ta không thể thành người được.
Đến tận nửa đêm anh ta mới về. Bây giờ có thể làm việc được rồi. Không còn ai đến ngồi quấy phá và lên lớp cho tôi về chuyện để lý do khiến chúng ta không nên người được. Chao ôi, tôi đã lầm to: lại có người đến. Người này dã lăn lộn nhiều năm bên Pháp. Ông ta khe khẽ thì thầm sợ phiền đến giấc ngủ mọi người. Theo lời ông, người Pháp là người biết làm việc ra trò, nghỉ ngơi và vui chơi ra trò, dân tộc đó không bao giờ lẫn lộn thời gian làm việc với thời gian nghỉ ngơi. Rồi ông ta khuyên tôi không nên làm việc quá nửa đêm như thế.
- Bây giờ anh đi ngủ ngay đi, sáng mai đầu óc tỉnh táo anh lại tiếp tục viết. Bên nước ta mọi tưứ cứ lùng chùng với nhau: lao động, nghỉ ngơi, giải trí, không cái gì ra cái gì cả. Lúc nghỉ thì mình làm việc, giờ làm việc mình lại muốn nghỉ. Đấy cứ bảo tại sao chúng ta không biết làm việc cho có năng suất. Không bao giờ chúng ta thành người được đâu. Không bao giờ!
Lúc ông ta đi thì tôi cũng không còn sức để viết được nữa. 2 mí mắt tôi cứng lại. Tôi lăn ra ngủ vùi. Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm, lúc chưa ai dậy, và lại bắt tay vào việc. Có một người cùng khám mà tôi rất kính nể vừa đi ngoài về. Thấy tôi ông ta bước lại.
- Mọi thứ ở bên Anh không có như bên ta - ông nhận xét - Anh đã ở bên Anh bao giờ chưa?
- Chưa ạ.
- Anh cứ hình dung như anh đang ở bên ấy và đang đi tàu. Người cùng phòng với anh suốt nửa ngày không thèm nói câu nào. Bên ta mà thế thì lại bảo: "Cái thằng kênh kiệu! Mặt lạnh như tiền!" Nhưng đó có phải tại người ta lạnh lùng và kênh kiệu đâu, đó là người rất có ý thức và rất tế nhị. Biết đâu anh không thích nói chuyện với người ta thì sao. Cơn cớ gì mà người ta làm phiền đến anh! Còn bên ta thì sao?... Anh ta có quen anh hay không, anh đang bận hay đang rỗi, mặc! Anh ta cứ mở miệng tán phét. Chính vì thế mà chúng ta chẳng bao giờ thành người được cả.
Tôi vò nát tờ giấy trên đầu gối, quẳng xuống gậm giường và nhét bút vào túi. Thế là hết!... Thế là tiêu tan cái mộng tiểu thuyết của tôi. Phải, trong tù tôi không viết được gì cả. Nhưng mà tù đã mở ra cho tôi một chân lý trăm ngàn lần quý hơn cuốn sách thai nghén kia. Tôi đã hiểu ra vì sao chúng ta không thể thành người được.
Bây giờ chỉ cần một người nào đó đứng bên tôi bảo rằng: "Không chúng ta không thể thành người được!..." thi lập tức tôi giơ tay hô lớn: - Tôi biết lý do rồi!
Tôi trưởng thành hẳn lên.
Saturday, September 5, 2009
ĐỔI MỚI – NHU CẦU CẤP THIẾT ĐỂ TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỂN
Cuối năm 2008, chúng ta vừa chứng kiến nhân dân Mỹ đã quyết định chọn tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, vì họ nhìn thấy ở ông những tư duy mới mẻ và khả năng đổi mới cần thiết cho nước Mỹ. Gần đây nhất, chúng ta cũng chứng kiến người dân Nhật đã bỏ phiếu để bầu chọn thủ tướng mới thuộc về một đảng phái khác với đảng đã và đang cầm quyền nước Nhật trong suốt 50 năm qua, cũng chỉ vì khát vọng phải đổi mới đất nước để phát triển hơn nữa.
Đối với dân tộc Việt Nam, khát vọng đổi mới này đã có từ rất lâu, khát vọng đó đã được thể hiện qua những dòng thơ của cụ Phan Bội Châu gửi thanh niên:
Ngày đổi mới, người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Ghé vai vào gánh vác việc giang san
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan
Dây đoàn thể quyết ghe phen thành hiệp lại
Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi
Cởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần
Chẳng thèm ăn, chẳng thèm mặc, chẳng thèm chơi
Lấy gan sắt để dời non lấp bể
Lấy máu nóng rửa vết nhơ nô lệ
Mới thế này là mới hỡi chư quân
Chữ rằng – Nhật nhật tân, hựu nhật tân”
Việc đổi mới ở nước ta lúc này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, không chỉ bởi tác động của toàn cầu hóa và sự thay đổi về công nghệ trên thế giới, mà còn bởi khao khát vươn lên “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” đã từ lâu vẫn chưa thực hiện được kể từ khi đất nước được hoà bình, thống nhất. Nếu so sánh với các nước xung quanh, ta sẽ thấy khát vọng đó là có thể thực hiện được, nhưng để biến khát vọng đó thành hiện thực một cách nhanh chóng đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách nghĩ và cách làm như bấy lâu nay. Hãy nhìn ra thế giới, nước Nhật chỉ cần 20 năm sau chiến tranh thế giới thứ 2, họ đã vươn lên từ đống đổ nát để đạt đến địa vị cường quốc kinh tế đứng hàng thứ 2 thế giới. Hàn Quốc từ sau hiệp định chấm dứt chiến tranh, họ đã trở thành cường quốc công nghiệp về lĩnh vực điện tử, máy tính và các sản phẩm công nghệ cao chỉ sau 25 năm. Sở dĩ, Nhật Bản và Hàn Quốc đạt được những thành tựu như vậy là nhờ họ biết tầm quan trọng của đổi mới và họ biết cách đổi mới một cách toàn diện dựa trên sức mạnh của cả dân tộc.
Ở nước ta, cũng chính nhờ chính sách “Đổi mới” nhằm thay đổi tư duy về quản lý kinh tế mà kinh tế đất nước mới có được sự khởi sắc như ngày nay. Tuy nhiên, vì chính sách đổi mới của chúng ta chỉ mang tính chất sửa sai và thay đổi từng phần, nên hiệu quả đạt được không cao, vẫn chưa thể làm cơ sở cho một sự thay đổi sâu rộng đất nước nhằm hướng tới mục tiêu lâu dài như mong mỏi của toàn dân.
Một khi đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới, vấn đề đặt ra bây giờ là chúng ta cần phải làm gì để rút ngắn thời gian để đất nước có thể “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”? Câu trả lời chính là ở sự đổi mới toàn diện và triệt để. Chúng ta phải dứt khoát từ bỏ những cái cũ, lạc hậu, để những cái mới, cái tốt đẹp có cơ hội được hình thành và phát triển. Sự đổi mới phải bắt đầu từ mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức và lan rộng ra phạm vi toàn xã hội. Ở cấp quốc gia, những giải pháp đổi mới cụ thể có thể là: đổi mới tư duy sao cho phát huy được sự đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của toàn dân; đổi mới cách quản lý lạc hậu để sao cho cơ chế trở nên gọn nhẹ hiệu quả, người thực tài sẽ đóng vai trò quản lý và đưa ra các đường hướng phát triển đối với lĩnh vực hay bộ phận mà mình phụ trách; đổi mới giáo dục để đào tạo ra những con người có đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức cần thiết cho đất nước; đổi mới truyền thông sao cho người dân được tiếp cận các thông tin có giá trị, các tin tức, bình luận, tiếng nói phản biện của người dân được truyền thông rộng rãi, góp phần điều chỉnh các hiện tượng tiêu cực, và đấu tranh với những sai trái; đổi mới luật pháp sao cho kỷ cương phép nước được tôn trọng, thể hiện sự nghiêm minh, công bằng đối với mọi đối tượng trong xã hội; đổi mới quân đội sao cho đủ hùng mạnh để đảm bảo được toàn vẹn chủ quyền của đất nước, an ninh của nhân dân, đóng góp vào trách nhiệm chung của quốc tế và nêu cao danh dự của tổ quốc…
Lúc này, nhu cầu đổi mới để tồn tại và phát triển đã trở thành cấp bách hơn bao giờ hết, không chỉ đối với nhân dân thế giới mà còn đối với cả dân tộc Việt Nam. Vì nếu không đổi mới, cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận nhìn thấy đất nước mình sẽ tụt hậu ngày càng xa trong cuộc tranh đua quốc tế, mà tốc độ và mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Thời đại ngày nay đòi hỏi chúng ta phải hành động một cách nhanh chóng, dứt khoát và không thể chần chừ hơn nữa, bởi nếu chần chừ trong việc đổi mới nghĩa là chúng ta đã có tội với các thế hệ cha ông vì đã không thực hiện được mong mỏi của các vị, và cũng có tội cả với các thế hệ con cháu sau này khi để đất nước ngày càng tụt hậu so với các nước khác trên thế giới.
Trên đây chỉ là một vài suy nghĩ về nhu cầu phải đổi mới toàn diện và triệt để về mọi khía cạnh để đưa đất nước nhanh chóng phát triển đi lên trong bối cảnh hội nhập với quốc tế như hiện nay. Dân tộc Việt Nam có một lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm dũng cảm và oai hùng, bao thế hệ cha ông đã ngã xuống để bảo vệ cho chúng ta có một đất nước tươi đẹp, nhiều tài nguyên thiên nhiên. Con người Việt Nam nổi tiếng với nụ cười hiền hòa, đôi tay khéo léo và tinh thần ham học hỏi. Đất nước ấy, dân tộc ấy rất xứng đáng để có một vị trí cao trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Trách nhiệm to lớn này đặt lên vai tất cả mọi người Việt Nam, đặc biệt là trông chờ ở thế hệ trẻ, những người có đầu óc dám đổi mới, biết học hỏi, tiếp thu tri thức khoa học và công nghệ, tạo ra những giá trị độc sáng dựa trên tri thức và óc sáng tạo, đưa đất nước vững bước phát triển đi lên theo kịp với các nước tiên tiến trên thế giới. Chỉ có con đường đổi mới và sáng tạo không ngừng mới có thể đưa đất nước cất cánh đi lên, mang lại sự thịnh vượng, ấm no cho cả dân tộc, và giúp người Việt Nam có thể hãnh diện “sánh vai” cùng bạn bè năm châu, bốn biển, như ước vọng muôn thuở của cha ông ta. Mong rằng tương lai ấy sẽ không xa!
Saturday, August 29, 2009
Ơn Nghĩa Sinh Thành
Sáng tác: Dương Thiệu Tước
Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải hiếu
Em ơi hãy nhớ năm xưa
Những ngày còn thơ
Công ai nuôi dưỡng.
Công đức sinh thành
Người hỡi đừng quên
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước
Trong nguồn chảy ra.
Người ơi, làm người ở trên đời
Nhớ công người sinh dưỡng
Đó mới là hiền nhân.
Vì đâu, anh nên người tài ba
Hãy nhớ công sinh thành
Vì ai, mà có ta?
Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải hiếu
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước
Trong nguồn chảy ra