Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Friday, October 23, 2009

Nhớ cụ Chu Văn An

Lang thang trên mạng Internet, vô tình đọc được bài này (http://vietbao.vn/Xa-hoi/Nho-cu-Chu-Van-An/30145393/126/) đăng trên vietbao.vn cách đây hơn 3 năm, nhưng đến nay vẫn còn tính thời sự. Vì vậy, copy và post lại để mọi người cùng đọc.
Nhớ về cụ Chu Văn An của ngày xưa với thất trảm sớ, lại chợt nghĩ đến các nhà khoa học ở viện IDS ngày nay với những lời phản biện thẳng thắn nhưng 'dễ mất lòng'. Có thể so sánh việc cáo quan về hưu của cụ Chu Văn An với quyết định tự giải thể của các nhà khoa học ngày nay. Rất may, ngày xưa vua Trần Dụ Tông tuy không nghe lời cụ chém đầu 7 tên gian thần, nhưng cũng không dám vô lễ yêu cầu cấp dưới 'xem xét xử lý những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng' của cụ! :)
Chuyện tuy xa xưa, nhưng ngẫm kỹ thì vẫn rất gần vậy!


Nhớ cụ Chu Văn An

Sự nghiệp văn chương của cụ Chu Văn An để lại không nhiều, chỉ còn 12 bài thơ của cụ nằm rải rác ở nhiều bộ sách khác của đời sau. Những tác phẩm của cụ viết như Tứ thư thuyết ước, Tiều ẩn thi tập, Quốc ngữ thi văn thì đều đã thất lạc, không còn. Người đời sau chỉ còn biết đến tên các tác phẩm đó, chứ nội dung ra sao thì không biết. Nhưng tại sao người đời vẫn luôn luôn nhớ đến tên cụ, với lòng kính trọng sâu sắc?

Chính bởi vì cụ Chu Văn An là tác giả của bản Thất Trảm Sớ, tờ sớ xin chém 7 tên gian thần thời vua Trần Dụ Tông. Bản Thất Trảm Sớ đó ngày nay cũng không còn, người đời không biết nội dung của tờ Sớ ra sao. Nhưng người đời biết được tên của bản Thất Trảm Sớ đó, và chỉ riêng cái tên đó thôi, với nội dung xin chém 7 tên gian thần, cũng đủ để nhân dân nhớ mãi đến tên cụ Chu Văn An.

Nhà Trần trải qua 12 đời vua, từ vua đầu tiên Trần Thái Tông năm 1225, đến vua cuối cùng là Trần Thiếu Đế năm 1400. Như vậy nhà Trần kéo dài được 175 năm. Sau đó vào năm 1400 bị Hồ Quý Ly cướp ngôi. Cụ Chu Văn An sinh ra vào thời vua thứ 6 của nhà Trần, tức vua Trần Minh Tông, trải qua đời vua Trần Dụ Tông, và mất vào đời vua thứ 8 của nhà Trần, tức vua Trần Nghệ Tông, năm 1370.

Thời vua Trần Dụ Tông là thời kỳ bắt đầu suy sụp của nhà Trần, và cũng là khi cụ Chu Văn An dâng Sớ xin vua Trần Dụ Tông chém 7 tên gian thần, để mong cứu vãn nhà Trần. Nhà Trần đã lập được chiến công lừng lẫy 3 lần đánh tan quân Nguyên, với các tên tuổi vua quan, tướng lĩnh Việt Nam tài ba, đức độ, anh hùng như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Trần Bình Trọng…

Thế nhưng những con cháu nhà Trần, những người nối nghiệp Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo… đã dần dần phá hoại sự nghiệp cha ông để lại. Vua quan bắt đầu ăn chơi, tham nhũng, đục khoét của dân, dân thì nghèo lầm than, vua quan thì sung sướng, sa đọa. Vua Trần Dụ Tông lúc đầu lên nối ngôi vua, cũng tỏ vẻ là vị vua hiền, nói điều hay, chăm lo cho dân. Đại việt sử ký toàn thư viết rằng vua Trần Dụ Tông lúc đầu biết “chăm lo việc võ, sửa sang việc văn, các di đều thần phục… Nhưng về sau, chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đó”.

Cụ Chu Văn An khi đó là Tư nghiệp Quốc tử giám, tức là Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc Tử Giám như cách nói ngày nay. Trường Đại học Quốc Tử Giám là nơi dạy dỗ các con vua, nên chức Tư nghiệp rất có uy tín và uy thế trong triều. Cụ Chu Văn An, cũng như các đại thần liêm khiết, tài giỏi thời đó như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh… đều cảm thấy sót xa trước cơ nghiệp lừng lẫy của nhà Trần đang có nguy cơ ngày càng lụn bại bởi vua ham chơi, bởi bọn tham quan, nịnh thần. Nhiều người muốn lên tiếng khuyên can vua để cứu vãn cơ nghiệp ông cha để lại, một cơ nghiệp đã phải đổi bằng xương máu của biết bao nhiêu người trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xưa. Nhưng ai cũng sợ mất ghế, sợ bị chụp mũ là phản động, chống lại triều đình. Nên không có ai dám nói gì, chỉ hèn nhát ấm ức trong lòng.

Chỉ có cụ Chu Văn An dám nói. Cụ không sợ mất ghế, không sợ bị chụp mũ là phản động, chống lại triều đình. Cụ viết Thất Trảm Sớ, gửi lên vua Trần Dụ Tông. Vua Trần Dụ Tông xem tờ sớ xong, rồi ỉm đi. Cho đến tận bây giờ, đã hơn 600 năm trôi qua, không ai biết nội dung cụ thể tờ Sớ khủng khiếp đó nói gì, chỉ biết rằng tờ Sớ đó xin chém những kẻ tham nhũng, nịnh thần trong triều, những kẻ sẽ làm sụp đổ cơ nghiệp đã hơn 100 năm của nhà Trần.

Tờ Sớ đó liệt tên những kẻ gian thần nào, không ai biết, nhưng nhân dân thì biết thời đó, có những tên tham quan, nịnh thần nổi tiếng như Trâu Canh, Bùi Khoan, Trần Ngô Lang… Thật ra kẻ đáng phải chém, phải lật đổ để cứu dân đen khỏi lầm than, cứu sự nghiệp của nhà Trần, chính là Trần Dụ Tông, vì ông vua này về cuối đời vô cùng ăn chơi sa đọa.

Tên Trâu Canh khuyên ông vua đó uống mật trẻ con, và thông dâm với chị gái của ông ta, để chữa bệnh liệt dương. Và ông vua Trần Dụ Tông đã làm như thế. Nhưng ông vua này là biểu tượng của nhà Trần, biểu tượng của 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên anh hùng xưa. Hơn nữa ông ta lại là kẻ đang có quyền lực trong tay. Chưa thể đụng vào ông vua sa đọa ấy được. Có lẽ vì thế mà cụ Chu Văn An chỉ xin ông vua đó chém những tên vây cánh gian tham của vua, để mong vua tỉnh ngộ.

Vua Trần Dụ Tông đã ỉm tờ Sớ đi, và im lặng đáng sợ, không trả lời gì cụ Chu Văn An, vốn là thầy giáo của nhiều vị vua nhà Trần.

“Ông không thèm chơi với chúng mày nữa”, cụ Chu Văn An khảng khái tuyên bố, và cụ treo mũ, từ quan, trả lại chức Tế tửu đầy quyền lực, bổng lộc. Cụ về núi Chí Linh, Hải Dương, làm nhà giữa hai ngọn núi Kỳ Lân và Phượng Hoàng để ở ẩn.

Nhưng thời đó vẫn còn nhiều “lễ, nghĩa, trí, tín”, nên vua Trần Dụ Tông mặc dù là ông vua chơi bời, sa đọa, nhưng không chụp mũ cho cụ Chu Văn An là bất mãn, làm loạn, chống lại triều đình. Có lần vua còn định mời cụ ra làm quan lại. Vợ vua cũng là người biết lẽ cương thường, nên đã khuyên vua: “Ông ấy là người không thể bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ấy”. Thỉnh thoảng vua Trần Dụ Tông còn về núi Chí Linh thăm cụ Chu Văn An. Các học trò của cụ như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát làm Hành khiển, giống như Bộ trưởng bây giờ, vẫn hàng năm lặn lội về thăm cụ, khi nói chuyện vẫn giữ đạo thầy trò, quỳ nghe cụ răn dạy.

Nhưng thời đó không có Sổ hộ khẩu như bây giờ, quyền tư hữu ruộng đất cũng vẫn có, không bị tước đoạt. Nên cụ Chu Văn An treo mũ, từ quan về làm nhà ở ẩn ở núi Chí Linh cũng không có ai hoạnh họe gì về giấy tờ nhà đất, về hộ khẩu gì… cả. Giả sử nếu bây giờ có vị quan chức cao cấp nào từ quan vì “không muốn chơi với bọn tham nhũng”, về núi Chí Linh ở ẩn, thì chắc cũng khó vì các thứ giấy tờ đủ loại. Đó là chưa kể còn có thể bị chụp mũ này nọ.

Có thể có người sẽ chê cụ Chu Văn An là sao lại tiêu cực, hèn nhát về ở ẩn, mà không ở lại tiếp tục chiến đấu với bọn tham quan?

Đừng nên anh hùng rơm như thế. Dám treo mũ từ quan, dám không màng danh lợi, dám từ bỏ cái ghế đầy bổng lộc, quyền thế, dám không sợ bị vùi dập, để tỏ rõ cái khí tiết của người có đạo đức trong sạch, đó là rất dũng cảm đấy.

Nhớ đến cụ Chu Văn An, để thấy rằng ngày nay, những người dũng cảm và trong sạch như cụ Chu Văn An còn hiếm lắm.

Minh Tuấn
(Từ Tokyo)

No comments:

Post a Comment