Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Saturday, September 5, 2009

ĐỔI MỚI – NHU CẦU CẤP THIẾT ĐỂ TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỂN

ĐỔI MỚI – NHU CẦU CẤP THIẾT ĐỂ TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỂN

Ngày nay, thế giới ngày càng nhận thấy vai trò quan trọng của việc đổi mới để tồn tại và phát triển. Toàn cầu hóa và sự thay đổi nhanh chóng của khoa học kỹ thuật đã khiến mọi thứ nhanh chóng trở nên lạc hậu, và không còn phù hợp nữa, nếu không đổi mới, thay thế thì chúng có thể trở thành những rào cản cho sự phát triển và tiến bộ của tổ chức và xã hội. Nhu cầu đổi mới này không chỉ giới hạn ở các tổ chức kinh doanh, mà nó đã nhanh chóng mở rộng cả về phạm vi (quốc gia, khu vực, quốc tế), và cả về lĩnh vực (chính trị, văn hóa, xã hội…).

Cuối năm 2008, chúng ta vừa chứng kiến nhân dân Mỹ đã quyết định chọn tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, vì họ nhìn thấy ở ông những tư duy mới mẻ và khả năng đổi mới cần thiết cho nước Mỹ. Gần đây nhất, chúng ta cũng chứng kiến người dân Nhật đã bỏ phiếu để bầu chọn thủ tướng mới thuộc về một đảng phái khác với đảng đã và đang cầm quyền nước Nhật trong suốt 50 năm qua, cũng chỉ vì khát vọng phải đổi mới đất nước để phát triển hơn nữa.

Đối với dân tộc Việt Nam, khát vọng đổi mới này đã có từ rất lâu, khát vọng đó đã được thể hiện qua những dòng thơ của cụ Phan Bội Châu gửi thanh niên:
“Thưa các cô, các chị, các anh
Ngày đổi mới, người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Ghé vai vào gánh vác việc giang san
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan
Dây đoàn thể quyết ghe phen thành hiệp lại
Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi
Cởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần
Chẳng thèm ăn, chẳng thèm mặc, chẳng thèm chơi
Lấy gan sắt để dời non lấp bể
Lấy máu nóng rửa vết nhơ nô lệ
Mới thế này là mới hỡi chư quân
Chữ rằng – Nhật nhật tân, hựu nhật tân”

Nhớ đến phong trào Duy Tân do cụ Phan phát động cách đây cả thế kỷ khiến chúng ta không khỏi nghĩ đến nhu cầu đổi mới đất nước ngày nay, bởi ý nghĩa của 2 chữ Duy Tân đã không hề lỗi thời mà lại càng rất phù hợp cho thời điểm hiện nay.

Việc đổi mới ở nước ta lúc này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, không chỉ bởi tác động của toàn cầu hóa và sự thay đổi về công nghệ trên thế giới, mà còn bởi khao khát vươn lên “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” đã từ lâu vẫn chưa thực hiện được kể từ khi đất nước được hoà bình, thống nhất. Nếu so sánh với các nước xung quanh, ta sẽ thấy khát vọng đó là có thể thực hiện được, nhưng để biến khát vọng đó thành hiện thực một cách nhanh chóng đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách nghĩ và cách làm như bấy lâu nay. Hãy nhìn ra thế giới, nước Nhật chỉ cần 20 năm sau chiến tranh thế giới thứ 2, họ đã vươn lên từ đống đổ nát để đạt đến địa vị cường quốc kinh tế đứng hàng thứ 2 thế giới. Hàn Quốc từ sau hiệp định chấm dứt chiến tranh, họ đã trở thành cường quốc công nghiệp về lĩnh vực điện tử, máy tính và các sản phẩm công nghệ cao chỉ sau 25 năm. Sở dĩ, Nhật Bản và Hàn Quốc đạt được những thành tựu như vậy là nhờ họ biết tầm quan trọng của đổi mới và họ biết cách đổi mới một cách toàn diện dựa trên sức mạnh của cả dân tộc.

Ở nước ta, cũng chính nhờ chính sách “Đổi mới” nhằm thay đổi tư duy về quản lý kinh tế mà kinh tế đất nước mới có được sự khởi sắc như ngày nay. Tuy nhiên, vì chính sách đổi mới của chúng ta chỉ mang tính chất sửa sai và thay đổi từng phần, nên hiệu quả đạt được không cao, vẫn chưa thể làm cơ sở cho một sự thay đổi sâu rộng đất nước nhằm hướng tới mục tiêu lâu dài như mong mỏi của toàn dân.

Một khi đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới, vấn đề đặt ra bây giờ là chúng ta cần phải làm gì để rút ngắn thời gian để đất nước có thể “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”? Câu trả lời chính là ở sự đổi mới toàn diện và triệt để. Chúng ta phải dứt khoát từ bỏ những cái cũ, lạc hậu, để những cái mới, cái tốt đẹp có cơ hội được hình thành và phát triển. Sự đổi mới phải bắt đầu từ mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức và lan rộng ra phạm vi toàn xã hội. Ở cấp quốc gia, những giải pháp đổi mới cụ thể có thể là: đổi mới tư duy sao cho phát huy được sự đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của toàn dân; đổi mới cách quản lý lạc hậu để sao cho cơ chế trở nên gọn nhẹ hiệu quả, người thực tài sẽ đóng vai trò quản lý và đưa ra các đường hướng phát triển đối với lĩnh vực hay bộ phận mà mình phụ trách; đổi mới giáo dục để đào tạo ra những con người có đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức cần thiết cho đất nước; đổi mới truyền thông sao cho người dân được tiếp cận các thông tin có giá trị, các tin tức, bình luận, tiếng nói phản biện của người dân được truyền thông rộng rãi, góp phần điều chỉnh các hiện tượng tiêu cực, và đấu tranh với những sai trái; đổi mới luật pháp sao cho kỷ cương phép nước được tôn trọng, thể hiện sự nghiêm minh, công bằng đối với mọi đối tượng trong xã hội; đổi mới quân đội sao cho đủ hùng mạnh để đảm bảo được toàn vẹn chủ quyền của đất nước, an ninh của nhân dân, đóng góp vào trách nhiệm chung của quốc tế và nêu cao danh dự của tổ quốc…

Lúc này, nhu cầu đổi mới để tồn tại và phát triển đã trở thành cấp bách hơn bao giờ hết, không chỉ đối với nhân dân thế giới mà còn đối với cả dân tộc Việt Nam. Vì nếu không đổi mới, cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận nhìn thấy đất nước mình sẽ tụt hậu ngày càng xa trong cuộc tranh đua quốc tế, mà tốc độ và mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Thời đại ngày nay đòi hỏi chúng ta phải hành động một cách nhanh chóng, dứt khoát và không thể chần chừ hơn nữa, bởi nếu chần chừ trong việc đổi mới nghĩa là chúng ta đã có tội với các thế hệ cha ông vì đã không thực hiện được mong mỏi của các vị, và cũng có tội cả với các thế hệ con cháu sau này khi để đất nước ngày càng tụt hậu so với các nước khác trên thế giới.

Trên đây chỉ là một vài suy nghĩ về nhu cầu phải đổi mới toàn diện và triệt để về mọi khía cạnh để đưa đất nước nhanh chóng phát triển đi lên trong bối cảnh hội nhập với quốc tế như hiện nay. Dân tộc Việt Nam có một lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm dũng cảm và oai hùng, bao thế hệ cha ông đã ngã xuống để bảo vệ cho chúng ta có một đất nước tươi đẹp, nhiều tài nguyên thiên nhiên. Con người Việt Nam nổi tiếng với nụ cười hiền hòa, đôi tay khéo léo và tinh thần ham học hỏi. Đất nước ấy, dân tộc ấy rất xứng đáng để có một vị trí cao trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Trách nhiệm to lớn này đặt lên vai tất cả mọi người Việt Nam, đặc biệt là trông chờ ở thế hệ trẻ, những người có đầu óc dám đổi mới, biết học hỏi, tiếp thu tri thức khoa học và công nghệ, tạo ra những giá trị độc sáng dựa trên tri thức và óc sáng tạo, đưa đất nước vững bước phát triển đi lên theo kịp với các nước tiên tiến trên thế giới. Chỉ có con đường đổi mới và sáng tạo không ngừng mới có thể đưa đất nước cất cánh đi lên, mang lại sự thịnh vượng, ấm no cho cả dân tộc, và giúp người Việt Nam có thể hãnh diện “sánh vai” cùng bạn bè năm châu, bốn biển, như ước vọng muôn thuở của cha ông ta. Mong rằng tương lai ấy sẽ không xa!

No comments:

Post a Comment