Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label mauchuyenPGchoTN. Show all posts
Showing posts with label mauchuyenPGchoTN. Show all posts

Tuesday, May 14, 2019

Ngày đản sanh


Ngày đản sanh


Cách đây rất lâu, tại chân núi Hy Mã Lạp Sơn, có một vương quốc nhỏ gọi là Vương quốc Ca Tỳ La Vệ. Ở đây, có vị vua Tịnh Phạn  thuộc họ Thích Ca, nổi tiếng về đức hạnh và tài trí, cai quản thống trị. Kinh đô của ngài rất đẹp, đông đúc dân cư và nhiều khu mua bán, ở đó có  nhiều  người  tốt bụng, khôi  ngô tuấn tú và mắt sáng. Những người phụ nữ kiều diễm đi trên đường với những nữ trang lấp lánh. Đường phố tấp nập người qua lại, quý tộc đi xe ngựa, thương nhân cưỡi voi và nông dân đi bộ. Trẻ em chơi đùa và dân làng đang tắm dọc 2 bên bờ sông tràn ngập ánh nắng. Thành phố được bao bọc bởi những vườn cây rộng lớn với nhiều hoa, muôn thú và ao hồ mát mẻ. Những chiến binh dũng cảm đang trên ngựa bảo vệ nhà vua.

Nhà vua có người vợ tên    Ma  Da, xinh đẹp, tốt bụng và yêu quý mọi người. Nhà Vua và hoàng hậu rất hạnh phúc, ngoại trừ một điều. Họ chưa có con.

Vào một đêm trăng tròn, Hoàng hậu Ma Da mơ thấy một con voi trắng với sáu ngà. Những vị thông thái tiên đoán rằng ― Hoàng hậu sẽ sinh hạ một thái tử tài đức song toàn.

Mọi người trong cung điện chúc mừng khi nghe tin hoàng hậu sẽ sanh hạ thái tử.

Hoàng hậu Ma Da trở về nhà cha mẹ của mình, chuẩn bị sanh nở theo phong tục Ấn Độ. Nhà vua ra lệnh dọn dẹp, trang trí hoa và băng rôn dọc đường.
Khi đoàn tùy tùng đến vườn Lâm Tỳ Ni, hoàng hậu nói, ― Chúng ta dừng chân và nghỉ ngơi đêm nay trong vườn cây sum suê kia. Bấy giờ là tháng Năm. Những bông hoa trong vườn nở rộ, tỏa mùi hương thơm ngát. Nhưng con chim líu lo vang lừng, những con bướm dập dìu dọc lối đi của hoàng hậu và đoàn tùy tùng. Ánh sáng ban ngày bắt đầu lui dần, Mặt trăng sáng vằng vặc đang cao dần trên ngọn cây.

Hoàng hậu dừng chân dưới cây Sa La. Hoàng hậu với tay hái bông hoa. Ngay lúc đó, một bé trai khôi ngô, được sanh hạ từ hoàng hậu. Thân thể của bé trai phát ánh sáng chói lòa và khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú, với nhiều vẻ đẹp. Bầu trời tràn ngập hương thơm và những âm thanh thần tiên. Mọi người ai cũng vui mừng lúc thái tử được sanh hạ. Những con hươu và muôn thú trong vườn, ý thức về sự kiện đặc biệt đã đến và ngắm nhìn thái tử.

Mọi người ngạc nhiên, khi thái tử cất tiếng nói ― “Ta là người cao quý nhất thế giới. Ta là người thông thái nhất thế giới. Đây là lần sinh cuối cùng của ta”. Rồi thái tử mỉm cười và đi bảy bước chân. Hoa sen nở dưới chân khi thải tử đi qua.

Lúc đoàn tùy tùng về đến cung điện. Nhà vua nhìn thấy con mình và nói, ― Ta rất vui sướng. Hãy để cho mọi người vui sướng với ta.

Trên đỉnh núi cao hiểm trở, có một người tên là A Tư Ðà sinh sống, nguời này rất thông thái có thể đoán trước tương lai. Một ngày kia, ông ấy nhìn thấy hào quang tỏa sáng rực rỡ mọi nơi và biết rằng có thể thái tử đã sinh thành. Ông ấy xuống núi đi đến cung điện, và chúc mừng nhà vua về sự ra đời của thái tử thiên tài.

― Xin chúc mừng nhà vua và hoàng hậu, đã sinh hạ được cháu bé tài giỏi, A Tư Đà nói với vẻ vui mừng. Rồi bất chợt ông ấy thở dài, chảy nước mắt.

Nhà vua lo sợ hỏi, ― Liệu sẽ có điều không may với cháu bé?

A Tư Đà trả lời, ―Thần không thấy điều gì có thể làm tổn thương cháu bé. Cháu bé này được sinh ra để mang lại hạnh phúc cho thế giới. Cháu bé sẽ trở thành thủ lĩnh của mọi người. Thần khóc bởi hạnh phúc, vì cháu được sinh ra trên mảnh đất của chúng ta. Nhiều điều kì diệu sẽ xảy ra. Thần khóc bởi vì thần chết sớm và không kịp được học hỏi từ người.

Cậu bé này sẽ ngự trị khắp thế giới và trở thành Đức Phật. Tên cậu bé nên đặt là Tất Đạt Đa, có nghĩa là điều ước được thỏa mãn. Vị thông thái không nói gì thêm, ông lui về hang động của mình trên đỉnh núi tuyết phủ. Đức vua và hoàng hậu rất lo lắng khi nghe điều này, vì sợ rằng thái tử sẽ đi tu như lời tiên đoán, và không nối ngôi để trị vì thiên hạ trong tương lai.

(Trích: Những mẫu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 2 - Đức Kiên)

Monday, May 6, 2019

Kẻ ngu hay cãi



Kẻ ngu hay cãi


Một thuở nọ, đức Phật đang ở trong vườn Kỳ-Thọ Cấp-Cô-Ðộc, thành Xá-Vệ, giảng pháp cho đồ đệ nghe. Thính chúng trong pháp hội nầy gồm hàng tại gia, xuất gia đủ cả tứ chúng, và vua quan, đại thần, tể tướng, bá quan, vạn dân, hơn tám vạn người. 
Gần đến giờ ngọ, các thầy tỳ-kheo phân thành từng đoàn bưng bình bát vào thành Xá-Vệ khất thực. Trên đường đi vào thành, trời còn sớm, chưa đến giờ ngọ, các thầy tỳ-kheo mới bàn với nhau rằng: "Trời hãy còn sớm, nếu chúng ta vào thành khất thực e rằng các tín chủ chưa chuẩn bị kịp thức ăn cúng dường. Tốt hơn, để tránh sự phiền lòng vội vã của người tín chủ có thể khởi tâm không được hoan hỷ trọn vẹn, thì chi bằng chúng ta cùng nhau tạm thời đi vào giáo đường của đạo Bà-la-môn nghỉ chân một lát, đồng thời cũng để nghe họ giảng đạo ra sao, rồi sau đó đi vào thành khất thực thì có lẽ hợp thời hơn". 
Nghe vậy, đa số đều đồng ý kéo nhau vào giáo đường Bà-la-môn. Các thầy tỳ-kheo lễ phép chào hỏi xong, mỗi người kiếm chỗ ngồi nghe theo các đạo trưởng Bà-la-môn và đồ chúng của họ luận đạo. Các thầy Bà-la-môn bàn cãi đạo lý với nhau, ai cũng tranh phần đúng, ai cũng nói mình có lý, ai cũng nói ý kiến của mình là hợp với chân lý hơn, đáng để thực hành. Các thầy Bà-la-môn luận cãi nhau mỗi lúc một sôi nổi không còn giữ được thái độ bình tĩnh nữa, đưa đến những lời thề thốt văng tục, và tiếp theo đó là chân tay gậy gộc, cuối cùng trận đấu khẩu luận đạo của họ biến thành trận ẩu đả hỗn loạn. 
Các thầy tỳ-kheo thấy vậy cùng nhau đứng dậy lặng lẽ bỏ đi để vào thành khất thực. Ðến giờ ngọ, các thầy tỳ-kheo đều trở về tịnh xá thọ trai. 
Sau khi thọ trai xong, tăng chúng vây quanh Phật và đem những việc đã nghe thấy ở giáo đường Bà-la-môn vừa rồi, bạch lên đức Phật: "Bạch đức Thế-Tôn! Những người đạo Bà-la-môn họ vì tìm chân lý mà biện luận tranh cãi nặng lời, đến nỗi dùng tới dao gậy đả thương nhau. Như thế thì chừng nào họ mới đạt được chân lý? Cúi xin đức Thế-Tôn từ bi chỉ dạy để cho chúng con được rõ". 
Ðức Phật mỉm cười hiền hòa đáp: "Nầy các con! Tất cả đều do si mê mà ra. Không phải các người Bà-la-môn kia chỉ ngu dốt sân hận ở một đời nầy đâu! Mà ta nhớ từ thuở quá khứ xa xưa, trong một kiếp nọ, cũng ở cõi Ta-bà nầy, có một nhà vua sùng tín đạo Phật. Ngày ngày ngoài việc triều chính ra, nhà vua còn chuyên cần nghiên cứu thông hiểu nghĩa lý kinh Phật, thực hành lời Phật dạy. Trái lại đình thần dân chúng trong nước không nhiệt tâm hâm mộ Phật Pháp, không thông hiểu đạo lý của chư Phật. Xem một vài trang kinh sách Phật, rồi họ tưởng là đủ thông hiểu lời chư Phật dạy. Họ tỏ ra khinh mạn tự cao tự mãn. Vì vậy, tâm trí hiểu biết của họ đối với giáo nghĩa của chư Phật chẳng khác nào như bọt nước trong biển cả, như ngôi sao đối với ánh trăng, như miệng chum đối với quãng trời bao la cao rộng, như ếch ngồi đáy giếng, như hồ ao nhỏ bé đối với đại dương. Lại có lắm kẻ còn tin theo giáo thuyết tà ma ngoại đạo. Ðể cho quần thần dân chúng tỉnh ngộ, hâm mộ nghiên cứu giáo lý Phật-Ðà, nhà vua truyền lệnh tìm hết những người mù trong nước từ thuở còn lọt lòng, tập trung lại tại một nơi trong hoàng cung. 
Sau hơn ba tháng trời, những người mù khắp nơi trong nước, được đưa về triều. Nhà vua lại truyền lệnh các quan trong triều và dân chúng cả nước phải tụ tập ở quảng trường trước cửa ngọ môn hoàng thành để chứng kiến cảnh thí nghiệm hy hữu. Ðồng thời nhà vua cũng ra lệnh cho quan quản tượng dắt voi ra để cho những người mù rờ và cho họ tự do phát biểu ý kiến theo sự hiểu biết của họ. Còn nhà vua thì đích thân chủ tọa cuộc thí nghiệm nầy. 
Những người mù được dắt đến vây quanh, để họ tùy thích rờ mó voi một hồi lâu, rồi xem họ phát biểu sự hiểu biết của mình. Người rờ trúng chân voi, thì nói voi giống như cái cột nhà. Kẻ rờ trúng vành lỗ tai, thì nói voi như cái quạt. Người rờ trúng đuôi, thì nói voi giống như cái chổi. Kẻ rờ trúng bụng voi, thì nói voi giống như trống chầu. Kẻ rờ trúng hông voi, thì nói voi giống như bức tường. Người rờ trúng lưng voi, thì nói voi như mặt bàn. Kẻ rờ trúng ngà voi, thì nói voi giống như cái kèn. Rồi cả bọn họ cãi nhau ôn ào để tranh phần đúng về mình. Thấy bọn mù tranh cãi về sự hiểu biết của mình đối với voi, mỗi lúc một ồn náo. Không ai chịu thua ai, họ quờ quạng muốn đánh nhau. Thấy cảnh tượng như vậy, không nén được lòng, nhà vua bật cười to ha hả và phán với thần dân rằng: "Các quan văn võ triều thần và dân chúng cả nước đối với Phật Pháp hiểu biết chẳng khác nào như những kẻ mù kia hiểu biết về con voi". Rồi nhà vua ngâm lớn kệ rằng:  
Thần dân cả nước khác chi mù
Phật Pháp hiển bày cứ vẫn ngu
Chẳng hiểu, 
chẳng tin, chẳng nghiên cứu 
Ngông nghênh khoe mép, tưởng đặc thù.
Ngâm xong bài kệ, nhà vua hướng về thần dân giảng nói lớn rằng: "Ở đời có những kẻ chỉ mới học năm ba quyển sách, hiểu biết nông cạn như vài bụm cát trong bãi biển mà cứ tưởng mình thâm hiểu kinh điển diệu lý cao siêu, rồi vênh váo tự đắc, khua môi múa mép, tự cho ta đây là hơn cả. Những kẻ đó chẳng khác nào những kẻ mù rờ voi kia vậy".
Ðức Phật thuật câu chuyện xong, Ngài hướng về đại chúng mà nói rằng: "Những người Bà-la-môn tranh cãi trong giáo đường mà các con vừa thấy đó, tiền kiếp của họ chính là bọn người mù rờ voi ở thời quá khứ. Họ ngu dốt không chịu tìm minh sư học đạo, không chịu thân gần thiện-tri-thức để học hỏi kinh điển, nghiên tầm nghĩa lý, chuyên tâm tu niệm, mà cứ tranh cãi hơn thua, nên mãi đắm chìm trong ngu dốt. Còn vị vua ở thời quá khứ đó, chính là tiền thân của Như-Lai ta đây vậy".
Bài học: Trong cuộc sống, cần biết tu tập để phát triển trí tuệ, nhìn được sự thật. Người tu cần tránh cố chấp vào cái biết của mình, mà cần khiêm tốn, biết lắng nghe, để học hỏi. Câu chuyện người mù sờ voi là một bài học rất hay, giúp ta tránh rơi vào tranh cãi, hý luận vô ích, dựa trên sự hiểu biết hạn hẹp, và sự cố chấp của mình. Nếu những người mù đừng tranh cãi, biết cùng nhau thảo luận, chia sẻ cái biết của mình, thì họ sẽ khám phá ra con voi thực sự rất khác với những gì họ đang nghĩ.
(Trich: Nhung mau chuyen PG danh cho thieu nhi - tap 3 - Duc Kien)

Wednesday, September 5, 2018

Chim con về với Phật


Chim con về với Phật


Chú tiểu Minh nhặt được chú chim con lúc chiều khi đang cúng thí thực. Con chim run rẩy sà xuống như chiếc lá khô rơi rụng trong buổi chiều tà. Nó cùng bầy với lũ chim được phóng sanh hồi sáng này. Nhưng lại quá kiệt sức nên không thể bay xa được. Động lòng, chú mang chim về liêu mình để chăm sóc và cho ăn.
Buổi tối lên ngồi học kinh trên giảng đường, chú tiểu mang chim để trên bàn, nơi có ngọn đèn ne-on toả sáng. Hơi ấm của ánh đèn làm cho bộ lông chim khô ráo, và ánh mắt của nó trở nên linh hoạt hơn đôi chút.
Chú tiểu nhìn vào quyển kinh ngâm nga đọc, nhưng mắt cứ cụp xuống, gật gù. Bỗng chú giật mình khi nghe có tiếng chim hót. Mà không, hình như chim đang nói. Một giọng nói thật nhỏ nhẹ mà rõ ràng:
- Chú tiểu ơi! Tôi là loài chim sẻ ra đời chưa bao lâu mà đã bị bắt lui bắt tới đã bao lần rồi. Sáng nay khi được thả, tôi yếu quá nên không thể bay ra khỏi cổng chùa. Nhưng ở đây tôi có thể an tâm vì không sợ bị bắt lại nữa.
Thấy chú tiểu có vẻ ngạc nhiên, chim lại nói tiếp:
- Chú tiểu ở chùa nên không hiểu hết mọi chuyện ở bên ngoài cuộc đời đâu. Tôi và các anh chị mình cùng được sanh ra bên bìa rừng, cạnh một làng quê yên ả. Khi chúng tôi vừa chập chững biết bay liền rơi ngay vào một mẻ lưới của mấy tay chuyên bẫy chim đem bán. Tôi may mắn trôi dạt về tận chợ chim trên thành phố. Sau nhiều ngày bị nhốt chật chội, một hôm có người đến mua chúng tôi đem về chùa nhờ mấy thầy tụng kinh chú nguyện. Sau đó thì được sổ lồng cho bay đi. Khi được tự do tung cánh trên bầu trời, tôi định bay về nơi cánh rừng xưa, để mong sống lại với những cảm giác thân thương của thuở mới lọt lòng. Nhưng trời đất bao la, giữa chốn thị thành muôn lối, tôi không còn tìm thấy đâu lối về quê cũ xa tít mù sương khói, nên đành ở lại làm một kẻ tha hương. Vậy mà…hỡi ơi! Dòng đời là một trò cạm bẫy khôn lường. Một sinh vật nhỏ bé lạc bước như tôi lại dễ dàng sa chân vào những chiếc lưới giăng ra cách sân chùa không bao xa. Tôi bị săn bắt đem bán, rồi được mang đến sân chùa nhiều lần làm vật phóng sanh cầu thọ cho người. Nhờ được nghe quý thầy tụng kinh thuyết giảng mà dần dần tôi thoáng hiểu ra rằng: Đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ. Phật vì muốn trừ tai ách cho chúng sanh nên dạy họ tu phước. Người có tín tâm thì hết lòng làm lành, cứu giúp sinh linh. Và cũng có những người chuyên lợi dung niềm tin của kẻ khác để mưu cầu lợi lộc cho mình. Vậy thì tôi xin hỏi chú tiểu câu này: Như tôi đây bỗng trở thành chiếc cầu nối cho người tu phước và tạo tội, vậy rốt cuộc tôi là kẻ có tội hay có phước?
Bị hỏi bất ngờ, tiểu Minh hơi lúng túng, giây lâu chú mới trả lời:
- À… điều này theo như tôi được biết thì… à... vào thời Phật chưa có tục phóng sanh, nên Phật chỉ nói đến việc giữ giới chớ nên giết hại sanh mạng dù là những loài vật nhỏ nhít. Làm việc phước lành không gì hơn là cứu độ muôn sinh. Và thế là lệ phóng sinh bỗng trở nên một nhu cầu cấp thiết cho người tu cầu phước thọ sau này. Làm phước thì được phước, tạo tội thì chịu tội. Chuyện nhân quả trong kinh Phật đều có nói rõ. Còn như chim nói mình có phước hay tội. Theo tôi nghĩ: khi thọ thân súc sanh là đã mang lấy tội nghiệp từ nhiều đời rồi. Nhưng nay chim được đến chùa, được nghe tụng kinh, lại hiểu rõ tội phước, đó cũng là gieo chút duyên lành giải thoát cho ngày sau. Tôi chỉ có hiểu chừng đó thôi… còn gì nữa thì để tôi đi hỏi sư phụ rồi sẽ trả lời cho chim sau nhé!
Chim thở dài, thều thào:
- Tôi đâu còn sống để đợi chú đi hỏi sư phụ. Có điều tôi cũng tự nhận biết rằng: Dù đời sống ngắn ngủi. Thân này lại mang nhiều tội nghiệp. Nhưng loài súc sanh như tôi vẫn có quyền và những giá trị riêng của nó. Ít nhiều chúng tôi đã khơi dậy chút từ tâm nơi lòng người và giúp họ có được một niềm tin sâu sắc vào những điều làm phước tu thiện. Còn với ai vì cuộc sống nên phải lợi dụng niềm tin của người cùng sự vụng dại của những con vật nhỏ bé này, thì tôi cũng có góp phần giúp họ trong việc tồn tại mưu sinh. Một bên vì đời sống tâm linh. Một bên vì nhu cầu hiện tại. Ai cũng tìm thấy mục đích thiết thực của mình. Như vậy tôi cũng làm được điều lợi ích cho đời, cho người. Tội phước dẫu vô hình. Nhưng tôi vẫn tin là phước này sẽ diệt được tội chướng kia. Thế nên hôm nay tôi mới được trở về nơi đây, được chết trong niềm tin chánh đạo.
Chú tiểu chợt tỉnh dậy khi nghe có tiếng động vang lên từ bên ngoài. Trời đêm tĩnh lặng. Ngọn đèn điện vẫn toả sáng một góc phòng. Và trên bàn học, chú chim sẻ đã chết tự bao giờ. Trong giấc chiêm bao chập chờn, câu chuyện về tội phước chưa cạn lời, nhưng chim ắt sẽ hài lòng ra đi trong sự nhẹ nhàng thanh thản. Chú chim con đã về với Phật. Tiểu Minh khẽ nói và thầm chú nguyện cho nó.
Những lời nói của chú chim con, dù chỉ thoáng qua trong giấc mộng, cũng giúp cho tiểu Minh hiểu sâu hơn về sự sống của muôn vật. Một sinh vật dù bé bỏng cũng mong muốn được sống chan hoà, cùng góp sức vươn lên một cách hoàn thiện. Khi lòng người luôn biết hướng đến những điều tốt đẹp vì hạnh phúc của muôn loài, thì thế giới này sẽ không còn cảnh nồi da nấu thịt, ỷ mạnh hiếp yếu, cậy lớn hiếp bé. Từ đó mà nhân sinh cùng vạn vật được chung sống trong niềm an lạc vô biên, đầy tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
Bài học: Câu chuyện trên về tâm sự của chú chim phóng sinh giúp chúng ta hiểu về nhân quả tội phước trong cuộc đời. Nếu chúng ta làm việc gì với tâm ý trong sạch thì sẽ có phước báu, còn nếu làm việc gì với tâm ý nhiễm ô, sẽ mang lại tội về sau. Người phóng sinh được phước vì muốn mang lại tự do cho chim, còn người bẫy chim để bán thì mang tội vì sinh sống bằng nghề nghiệp không chơn chánh. Tuy nhiên, việc mua chim phóng sinh vô tình đã tạo ra nhu cầu, và động cơ cho người bẫy chim để bán. Vì vậy, cũng gián tiếp gây tội. Chính vì vậy, ngày nay, nhiều chùa không khuyến khích phóng sinh, mà khuyến khích Phật tử nên nuôi dưỡng sự sống. Chúng ta cần biết tôn trọng sự cân bằng sinh thái và yêu quý thế giới tự nhiên.

(Trích: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 3)

Monday, October 9, 2017

Chuyện con chó



 



Chuyện con chó

Thuở xưa, khi vua Brahamadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát do duyên hành động lợi ích cho bà con như vậy, được sanh làm con chó đầu đàn rất thông minh, sống trong một nghĩa địa lớn với đàn chó hàng trăm con vây quanh.
Một hôm, vua ngự lên xe được trang hoàng đẹp đẽ, được kéo bởi những con ngựa Sindh giống quý, đi đến khu vườn, trọn ngày vui chơi tại đấy, và khi mặt trời lặn, vua mới trở về thành. Yên cương của xe vẫn mắc vào xe, và quân hầu để xe trong sân hoàng cung trọn đêm. Ban đêm, trời mưa, yên cương bị ướt. Các con chó nhà vua thuộc nòi giống tốt, từ trên lầu đi xuống, nhai ăn da và dây cương chiếc xe ấy. Hôm sau, họ báo cáo với vua:
- Thưa Thiên tử, từ những miệng cống chui vào, các con chó đã nhai ăn da và dây cương chiếc xe.
Vua nổi giận, ra lệnh giết tất cả chó mà họ thấy được. Từ đấy trở đi, khởi lên tai nạn lớn cho loài chó. Chúng chạy trốn vào nghĩa địa và đến bên cạnh Bồ-tát. Bồ-tát hỏi:
- Các con tụ họp đông ở đây vì duyên cớ gì?
Chúng đáp:
- Trong nội thành, da và dây cương của chiếc xe vua bị chó nhai ăn. Vua tức giận ra lệnh tàn sát chúng con. Nhiều anh em con bị giết hại. Cuộc khủng bố lớn đã khởi lên.
Bồ-tát suy nghĩ: "Tại một chỗ được bảo vệ như vậy, các con chó ở ngoài không có cơ hội để vào. Ðây là việc làm của đàn chó giống tốt trong nội cung. Nay những con có tội không gặp việc gì, còn những con vô tội lại bị giết. Ta hãy cho vua thấy những con chó có tội kia và cứu mạng sống cho bà con vô tội của ta.
Bồ-tát an ủi:
- Các con chớ sợ, ta sẽ làm cho các con hết sợ hãi. Hãy chờ ở đây cho đến khi ta yết kiến nhà vua.
Rồi ngài hướng tâm đến các Ba-la-mật, đặt hạnh từ bi lên hàng đầu, ngài nguyện: "Không một ai dám quăng đá hay gậy để hại ta". Rồi Bồ-tát một mình đi vào thành.
Sau khi ra lệnh sát hại các con chó, vua ngồi một mình trong pháp đình. Bồ-tát đi đến đây, nhảy thẳng đến dưới chỗ ngồi của vua. Các người hầu cận của vua cố gắng hết sức đuổi ra, nhưng vua ngăn lại. Bồ-tát nghỉ một lát, từ dưới ghế đi ra, đảnh lễ vua rồi hỏi:
- Có phải Ðại vương sai giết hại các loài chó?
- Phải, chính ta.
- Lỗi của chúng là gì, thưa bậc nhơn chủ?
- Chúng nhai ăn đồ da phụ tùng và dây cương ở xe của ta!
- Ngài có biết những con nào đã ăn đồ da không?
- Ta không biết.
- Không biết những con chó nào đã ăn đồ da, lại ra lệnh giết, như vậy không phải lẽ, thưa Ðại Vương.
- Vì các con chó đã ăn đồ da ở xe ta, nên ta ra lệnh tàn sát tất cả con chó thấy được.
- Các người của ngài giết tất cả chó hay có tha chết một số chó?
- Những con chó nòi giống tốt trong cung của ta được khỏi chết!
- Tâu Ðại vương, vừa rồi ngài nói ra lệnh giết tất cả con chó mà họ thấy được vì chúng đã ăn đồ da ở xe của ngài. Nhưng nay ngài lại nói những con chó giống tốt trong cung của ngài được khỏi chết! Sự việc là vậy, ngài đã thực hành theo bốn sở hành vô lý: thiên vị, ghét bỏ, ngu si và sợ hãi. Hành động vô lý như vậy là không chính đáng, không phải là phép vua. Vì vua, trong khi xử kiện, cần phải giống như cán cân. Nay các con chó nòi giống tốt được khỏi chết, còn các con chó yếu đuối lại bị giết. Sự việc như vậy, thì đây không phải sự giết hại không thiên vị tất cả loài chó mà chỉ là sự giết hại các loài chó yếu đuối thôi!
Nói xong, bậc Ðại Sĩ, với âm thanh dịu ngọt bảo vua:
- Tâu Ðại vương, sở hành của ngài không phải là công lý.
Rồi thuyết pháp cho vua, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Những con chó lớn lên
Trong cung điện nhà vua,
Thuộc loài nòi giống tốt,
Có dung sắc, sức mạnh,
Chúng khỏi bị giết hại.
Chỉ chúng tôi bị giết.
Ðây không giết tất cả;
Chỉ giết kẻ yếu hèn.
Nghe Bồ-tát nói, vua bèn hỏi:
- Này chó hiền trí, ngươi có biết ai đã ăn da ở xe ta không?
- Vâng, tôi có biết
- Ai đã ăn?
- Chính những con chó nòi giống tốt trong cung của ngài!
- Làm thế nào biết được chúng đã ăn?
- Tôi sẽ nêu rõ chính chúng đã ăn.
- Này chó hiền trí, hãy nói rõ đi.
- Hãy cho gọi các con chó nòi giống tốt trong cung của ngài, cho đem một ít nước sữa và cỏ dabba đến đây.
Vua làm theo lời yêu cầu. Rồi bậc Ðại Sĩ nói:
- Hãy cho nghiền nát cỏ này trong nước sữa và cho những con chó ấy uống.
Vua làm theo như vậy. Khi đang uống, các con chó liền nôn ra những miếng da.
- Ôi! Thật giống như đức Phật toàn tri xử kiện!
Vua reo mừng, liền tỏ lòng tôn kính Bồ-tát bằng cách dâng cúng cái lọng trắng. Nhưng Bồ-tát thuyết pháp cho vua với mười câu kệ về pháp hành, mở đầu với câu:
- Hãy hành Chánh pháp! Thưa bậc Ðại vương thuộc dòng Sát-đế-lỵ, từ nay trở đi, Ðại vương chớ phóng dật!
Sau khi khuyên nhà vua giữ Năm giới, Bồ-tát trả lại vua cái lọng trắng.
Nghe lời bậc Ðại Sĩ thuyết pháp, vua tha chết cho mọi loài chúng sanh, rồi ra lệnh cung cấp cho tất cả loài chó, bắt đầu từ Bồ-tát, cơm ăn thường xuyên giống như thức ăn của vua. Tuân theo lời Bồ-tát khuyến giáo cho đến trọn đời, vua làm các phước đức như bố thí, giữ giới v.v..., vì vậy sau khi mạng chung, vua sanh lên cõi trời. Lời "Khuyến giáo của con Chó" tồn tại đến mười ngàn năm. Còn Bồ-tát sống đến hết thọ mạng, rồi đi theo nghiệp của mình.
Thời ấy, nhà vua là Ànanda, hội chúng của đức Phật là bầy chó hiền lành, còn con chó hiền trí là Như Lai vậy.

Bài học: Là người lãnh đạo cần giữ được đạo công bằng, bởi một quyết định của người lãnh đạo sẽ gây ảnh hưởng tốt/ xấu lên rất nhiều người. Trong câu chuyện trên, nhà vua đã không công bằng khi ra lệnh sát hại tất cả những con chó trong thành vì nghi chúng ăn da ở xe của vua, nhưng lại không đụng đến những con chó quý tộc. Nhờ tài trí của Bồ tát, mà nhà vua đã tìm ra thủ phạm chính là những con chó quý tộc, và trả lại công bằng cho các con chó trong thành. Sau khi nghe theo lời con chó Bồ tát, nhà vua đã làm nhiều việc tốt, nhờ đó mà tăng trưởng phước đức và mang lại nhiều lợi lạc cho bản thân và thần dân trăm họ. Vì vậy, việc tu dưỡng đạo đức, và làm nhiều việc lành nên là bài học cho mọi nhà lãnh đạo trên thế giới.

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 3)

Thursday, July 6, 2017

Thắc mắc của vua A Xà Thế



Thắc mắc của vua A Xà Thế

Vua A Xà Thế sau khi quy y theo Phật đã rất nhiệt tâm trong việc tu học, thường suy tư, tìm hiểu và ứng dụng lời Phật dạy vào việc trị quốc, an dân. Vì vậy, đất nước an bình, thịnh trị. Tuy nhiên, việc vua A Xà Thế theo Phật, thay đổi quan điểm trong việc trị quốc theo hướng nhân từ, không sát hại đã gặp phải sự bài bác, chống đối của các vị Bà La Môn.
Nhân sự việc 2 binh sĩ bỏ nhiệm vụ để trở thành tỳ kheo trong tăng đoàn của Phật, các vị Bà La Môn chất vấn vua A Xà Thế rằng, nếu ai cũng muốn thực hiện theo lời Phật dạy là không sát hại thì lấy ai chiến đấu bảo vệ đất nước và giữ gìn trị an?
Vua A Xà Thế bối rối trước tình huống này, nên đến xin ý kiến Phật để tìm cách hóa giải mâu thuẫn với các vị Bà La Môn, và cũng để giải quyết những khúc mắc trong lòng mình. Sau khi nghe những khúc mắc của vua A Xà Thế về mâu thuẫn giữa nguyên lý bất hại với nhu cầu chiến đấu, trừng phạt để bảo vệ sự an nguy của đất nước, Đức Phật bèn kể một câu chuyện như sau.
Ngày xưa, ở một vương quốc nọ, có một con rắn chúa sinh sống trong ngôi đền cổ. Con rắn này thường bò vào làng và cắn chết nhiều người, nên nó đã trở thành nổi kinh hoàng của mọi người. Không ai dám đến gần ngôi đền và khu vực xung quanh.
Một hôm nọ, có vị đạo sĩ từ phương xa đến và dừng chân trú đêm lại trong ngôi đền đó. Con rắn chúa đã bò đến gần vị đạo sĩ, và định cắn như mọi khi. Tuy nhiên, vị đạo sĩ là người đã có giác ngộ, nên ngài đã dùng tâm từ để cảm hoá con rắn chúa. Ngài đã giảng giải cho nó nghe về nghiệp báo, khiến nó nhận ra lỗi lầm do lòng tham sân si. Nó đã xin quy y với ngài, hứa giữ gìn ngũ giới và nguyện sẽ từ bỏ con đường sát hại.
Từ đó, con rắn trở nên hiền lành, không còn cắn ai nữa. Tuy thế, dần dần mọi người trong làng không còn sợ hãi con rắn, và còn xem thường nó nữa. Chẳng những vậy, nó lại bị lũ trẻ con trong làng chọc phá, dùng gậy gộc đánh một cách rất thảm thương. Con rắn phải trốn vào hang đá vào ban ngày, và ban đêm mới đi ra kiếm ăn. Nó chỉ ăn những thứ cỏ cây, sỏi đá mà không dám giết hại bất kỳ loài vật nào như đã hứa với vị đạo sĩ.
Một ngày kia, vị đạo sĩ trở lại ngôi làng đó, thấy tình cảnh thảm thương của con rắn, ngài nói với nó: "Ta chỉ bảo ngươi không cắn người, chứ đâu bảo ngươi phải từ bỏ bản chất của mình. Ngươi vẫn có thể khò khè làm họ sợ để tự vệ chứ".
Kể đến đây, Đức Phật dạy vua A Xà Thế về trách nhiệm của người cầm quyền, nên dùng tâm nhân từ, công bằng đối xử với mọi người. Khi cần thiết vẫn có thể trừng phạt người phạm lỗi, và vẫn có thể duy trì quân đội để bảo vệ đất nước.
Ngài dạy thêm, điều quan trọng của việc tu tập là đi trên con đường trung đạo, không quá phóng túng, nhưng cũng không quá khắc khổ, cần linh động để ứng xử cho phù hợp với hoàn cảnh, tránh việc cố chấp, quá cứng nhắc trong ứng xử.
Ngoài ra, Đức Phật cũng chỉ cho vua A Xà Thế về bảy nguyên tắc để duy trì hòa bình, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh, đó là:
1/ hai bên cần ngồi đối diện với nhau, cùng nổ lực giải quyết vấn đề.
2/ mỗi bên trình bày vấn đề một cách rõ ràng, bình tĩnh tìm hiểu và ghi nhớ nguyên nhân của vấn đề.
3/ cần dùng trí tuệ khách quan/ công bằng xem xét từng vấn đề, sáng tạo trong việc tìm giải pháp.
4/ nếu nhận thấy điểm sai của mình thì chủ động xin lỗi, không cố chấp cãi bướng. Sẵn lòng tha thứ cho người và cho mình về những khuyết điểm.
5/ mọi quyết sách cần được sự tán đồng của người dân, nếu sau khi đọc lớn 3 lần quyết định trước công chúng mà không ai phản đối, thì mới được ban hành quyết định đó.
6/ trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, các bên cần phải tuân theo quy tắc chung đã đặt ra.
7/ cần mời một người lớn tuổi, có uy tín đứng ra làm trọng tài/ trung gian hoà giải giữa 2 bên.
Phật nói tiếp, nếu đại vương thực hành theo bảy nguyên tắc trên, mọi tranh chấp sẽ có thể được hóa giải, mở ra con đường của hoà bình, an lạc và cùng chung sống giữa mọi người. Nghe xong, vua A Xà Thế vui mừng, tán thán Đức Phật, xin tuân theo lời chỉ dạy và trở về cung.
Bài học: Khi áp dụng lời Phật dạy vào cuộc sống, cần linh động, nên theo tinh thần trung đạo. Nguyên lý bất hại chỉ mang tính tương đối, nên cố gắng tránh sát hại đến mức tối đa. Trong một số tình huống bất khả kháng, việc trừng phạt, hay tiêu diệt kẻ ác để bảo vệ an bình của người thiện một cách công tâm cũng không vi phạm nguyên lý này. 
(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3)