CHIẾC CẦU
MUÔN THUỞ
Đây là một khu rừng xanh tươi
trong dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, lòng sông Hằng từ ngàn cao đổ về, chầm chậm chảy
như muốn nghỉ ngơi sau khi đã vượt qua nhiều đoạn thác ghềnh.
Bên bờ sông phía Nam, vượt lên
trên muôn ngàn cây lá xanh tốt, có một cây xoài khổng lồ. Thân cây vút tận
trời. Cành xoài đâm ngang che cả một vùng trời rộng lớn. Nhiều nhánh ngã ngang
trên giòng sông, soi hình xuống đáy nước, trái xoài mập mạp, to trĩu cả cây.
Cây xoài là nơi tụ họp của một
đoàn vượn đông đúc. Tám ngàn con, chúng họp thành một quốc gia hẳn hoi đứng đầu
là một vượn chúa, thân hình cao đẹp, sức khỏe phi thường. Nguồn lợi thiên nhiên
đủ cung cấp cho toàn đoàn lương thực trong suốt cả một mùa. Nhưng phải cẩn
thận, không được để trái nào chín tới, phải ăn quả lúc còn xanh. Đó là lịnh của
vượn chúa biết lo xa, và bầy vượn ngoan ngoãn làm theo.
Một hôm, một điều không may xảy
đến. Một trái xoài che khuất bởi một tổ kiến to, dần dà chín mùi, chín mùi, rơi
xuống dòng sông. Trái xoài bị nước cuốn đi, trôi dạt vào bể bơi của vua xứ Ba
La Nại vừa đúng lúc nhà vua đang tắm. Trái xoài to một cách khác thường, mập
mạp và thơm tho. Nhà vua bèn với nhặt lên bóc ra ăn thử, ngài không đợi ý kiến
của viên cận thần. Chưa khi nào vua được ăn một trái cây ngon như thế.
Thế là sau đó, các người thợ rừng
được gọi đến hỏi ý kiến. Mọi người đều trả lời là họ chưa thấy cây xoài nào
trái to như vậy. Nhưng nhà vua đã quyết định sẽ tìm cho kỳ được cây xoài quý
giá kia. Và ngày hôm sau cả một đội binh thuyền được huy động để vượt dòng
sông, họ chuẩn bị rất nhiều lương thực, quyết dừng lại khi nào đến được dưới
gốc xoài.
Sau ba ngày đường, một buổi chiều
kia, người ta tìm thấy trên một triền núi xa, một cây xoài cao lớn. Tin vui
mừng truyền đi rất nhanh. Cánh tay được chuyền thêm sức mạnh. Người ta chèo
suốt đêm ấy và cả ngày hôm sau.
Đến chiều người ta đã gần đến
được dưới cây xoài. Không thể tả hết nỗi ngạc nhiên của quân binh và vua quan.
Họ chưa bao giờ thấy một cây to như thế. Đứng trước cảnh núi non hùng vĩ, con
người thấy mình bé nhỏ quá. Ai nấy đều có ít nhiều lo ngại. Mà hình như trên
cây có những con vật đang chuyển động. Không phải một vài chục, một vài trăm mà
hàng ngàn. Đoàn thuyền đến gần. Người ta nhận ra đó là một thế giới vượn
đang chiếm cứ cả cây xoài và sinh sống ở đấy. Nhà vua đứng ở mũi thuyền
cũng vừa nghiệm thấy như thế. Quả là một sự khinh mạn lớn vì tất cả những trái
xoài ngon từ trước đến giờ đều bị loài vượn đáng ghét kia ăn trước hết cả. Lịnh
truyền ra cho tất cả quân lính phải bao vây chặt chẽ, và chuẩn bị sẵn sàng cung
tên chờ ngày mai, khi mặt trời trở dậy,bắt đầu tàn sát tất cả đoàn vượn kia!
Về phía đoàn vượn, tất cả đều tỏ
vẻ hoảng sợ. Chúng đoán biết có một tai nạn không tiền khoáng hậu sẽ xảy đến
với chúng, mặc dầu vượn chúa đã tìm cách làm an lòng.
Trong đêm ấy, vượn chúa băn khoăn
nát óc nghĩ cách cứu đoàn. Rồi thình lình, vượn chúa vụt trèo ra đầu cành ngả
sang sông. Từ đây qua bờ bên kia còn xa lắm. Sông rộng, nước sâu khó có một con
vượn nào có thể thoát được sang ngã này. Bỗng vượn chúa nhún mình lấy hết sức
mạnh, đánh một cái nhảy sang bên kia bờ. Rồi vượn chúa đi tìm những sợi mây
dài, nối liền lại và loay hoay cột một đầu dây vào thân cây, còn đầu dây kia
cột vào thân mình, xong xuôi, vượn chúa lại lấy hết sức để nhảy trở về cây
xoài. Vượn chúa định làm một chiếc cầu bằng dây để cứu thoát cho cả đoàn mình
chuyển sang bên kia bờ. Nhưng, nguy thay! Sợi dây bị hụt đoạn chừng một sải tay
và vừa đúng khi hai tay vượn chúa nắm được cành xoài đâm ra sông là sợi dây vừa
căng thẳng, kéo chân vượn ra phía sau. Không còn có thể chậm trễ một giây lát
nữa. Tám ngàn vượn phải chuyền sang sông đêm nay. Cho nên vượn chúa nằm ngay
trong thế đó, hai tay vượn nắm kỹ nhánh xoài, chân vượn nối dài thêm sợi dây để
làm cầu, vượn chúa ra lịnh cho toàn đoàn qua sông. Bầy vượn ngần ngừ. Phải bước
lên mình vượn chúa? Phải chuyền mình trên sợi dây đang kéo nặng thân vượn
chúa? Trước sự đau lòng ấy, nhiều con đã nức nở, chảy nước mắt. Nhưng không còn
chậm trễ được. Hoặc xót thương để ngày mai phải tiêu diệt cả? Hoặc phải cứu
sống cả đoàn.
Và lịnh được lập lại một lần nữa
trước sự cương quyết của vượn chúa. Bầy vượn chuyền sang sông. Con nào con nấy
đều cố sức đi thật nhẹ nhàng. Chúng cảm thấy như đang dày vò lên một cái gì
quí, một trái tim đã hết mức hy sinh cho chúng.
Vượn chúa đã ngất đi nhiều lần,
nhưng lại cố trấn tĩnh ngay để nắm vững thân cây. Bầy vượn qua gần hết. Con
vượt qua cuối cùng là con vượn Devadatta. Đây là con vượn xấu xa nhất, đã nhiều
lần tỏ lòng ganh ghét vượn chúa và tìm cách ám hại. Nó cho là cơ hội đã đến. Nó
nhảy mạnh lên mình vượn chúa với tất cả sức mạnh của nó và nhún thật mạnh trên
cầu dây. Vượn chúa tưởng chừng như dập cả buồng gan, nhưng vẫn cố ráng sức nắm
chặt thân cây để nó sang sông được an toàn. Rồi vượn chúa mệt lả đi. Qua bên
kia bờ sông, con vượn Devadatta quay nhìn lại. Trong ánh lờ mờ của ngày sắp
dậy, nó thấy thân hình vượn chúa lông lá phờ phạc, im không cử động. Tự nhiên
nó cuối mặt xuống, rơi hai hàng lệ nóng, nó hối hận, nó cảm phục đức độ bao
dung của vượn chúa.
Sáng hôm sau, vua Ba Tư Nại
truyền tiến quân. Nhưng một ngạc nhiên lớn! Toàn thể bầy vượn đông đảo đang đêm
đã trốn đi ngã nào hết. Quan quân đang đứng dưới gốc cây xoài. Người ta nhìn
lên. Cảnh tượng thật là cảm động. Một con vượn to lớn khác thường đang nối mình
với một sợi dây to bắt từ bên này sang bên kia bờ sông.Vượn nằm im không cử
động, hình như mệt ngất đi. Theo nhiều người thợ săn cho biết thì đây là con
vượn đầu đàn. Lúc bấy giờ nhà vua rõ đầu đuôi. Thì ra con vượn đầu đàn đã lấy
thân mình nối thành cầu để cứu thoát cho cả bầy của mình. Vượn đầu đàn đã nêu
gương hy sinh cao cả làm nhà vua cảm phục lắm. Ngài đột nhiên tỉnh ngộ, nghĩ
đến việc làm ích kỷ và thấp hèn của mình: Chỉ vì muốn có những trái xoài ngon
ngọt mà ngài đã dùng uy quyền huy động nhiều người đến đây. Chỉ vì một ý muốn
tầm thường nếu không muốn nói là sai lầm, một sự tức giận nhỏ nhen mà ngài suýt
gây nên một sự tàn sát thảm khốc. Rồi ngài quay sang bọn thợ săn đang đứng yên,
không còn hăm hở giết hại như trước. Ngài nói to để chỉ cho họ một bài học và
lập tức truyền lịnh lui quân, sau khi đã sai đưa vượn chúa xuống và tự tay ngài
vuốt ve săn sóc cho vượn chúa tỉnh lại.
Vượn chúa đã nêu lòng hy sinh cao
cả để cứu đoàn một cách cảm động trên đây, chính là tiền thân Đức Phật
Thích Ca.
Bài học: Muốn là người lãnh đạo tốt, cần phải học hạnh của vượn chúa trong câu chuyện, phải biết quên mình để lo cho sự an vui của tập thể, biết hy sinh để cứu sống bầy đàn.
(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 1 - Đức Kiên)
No comments:
Post a Comment