Diễn thuyết và tranh luận nhằm nâng cao kiến thức
Như các bạn đều biết, học vấn không phải là việc chỉ có đọc và cứ đọc thật nhiều sách là đủ. Bản chất của học vấn phụ thuộc vào khả năng ứng dụng. Có học vấn mà không ứng dụng được vào cuộc sống thực tế thì chẳng khác gì vô học.
Ngày trước, có chàng thư sinh lặn lội lên tận Edo cả mấy năm trời, quyết chí theo học thuyết Chu Tử. Anh ta nỗ lực, miệt mài ngày đêm sao chép kinh sách. Số lượng sách vở sao chép lên tới hàng trăm cuốn. Tự nhủ học thế là thành tài rồi, chàng thư sinh bèn trở về quê. Anh ta về theo đường bộ. Sách vở gởi hết xuống tàu thủy. Chẳng may, con tàu chở hàng gặp nạn chìm ngoài khơi tỉnh Shizouka.
Vì chỉ có sao chép chữ vào vở nên bản thân anh ta thì về tới quê, còn chữ thì theo tàu chìm xuống sông xuống biển. Thế là bao nhiêu chữ thầy trả lại thầy. Công lao học hành thành công cốc.
Chẳng phải là ở các nhà Tây học ngày nay cũng có nhược điểm như anh học trò khi xưa đó sao?
Nếu nhìn vào thực trạng giờ học ở các trường thành phố thì thấy học sinh có vẻ siêng năng học tập lắm, cứ đà này xem ra tất cả sẽ trở thành học giả. Nhưng nếu thu hết sách giáo khoa, vở chép của chúng, và “trò ở đâu trả về quê đấy” thì sự thể sẽ ra sao? Chắc là khi cha mẹ, bè bạn hỏi đến thì học sinh chỉ còn nước: “Học vấn để quên tại Tokyo mất rồi”.
Theo như suy nghĩ của tôi, bản chất thực sự của học vấn là phải động não suy nghĩ, chứ không phải chỉ là đọc sách một cách đơn thuần.
Và để ứng dụng sống động ý nghĩ đó vào cuộc sống thực tế thì cần phải biết trù tính, lo liệu. Tức là phải quan sát sự vật. Phải suy đoán đạo lý của sự vật. Phải đưa ra chính kiến, cách nghĩ cách làm của bản thân mình. Ngoài ra đương nhiên là còn phải đọc sách, phải viết sách. Phải nói lên ý kiến của mình cho người khác nghe. Phải tranh luận. Biết vận dụng tổng hợp các biện pháp như vậy thì mới được gọi là nghiên cứu học vấn.
Quan sát sự vật, suy luận, đọc sách là cách để tích lũy tri thức.
Bàn bạc, tranh luận là cách để trao đổi tri thức.
Viết, diễn thuyết là cách để mở rộng tri thức.
Trong các biện pháp trên đây, có cái đạt được bằng sự nỗ lực của chính bản thân mình. Có cái cần có người bàn, người nghe. Đó là khi tranh luận, diễn thuyết. Và như vậy cần thiết phải tổ chức các buổi tranh luận và diễn thuyết.
Hiện nay, vấn đề lo ngại lớn nhất ở nước ta là dân trí quá thấp kém. Khai sáng quốc dân, đưa họ đến tầm cao kiến thức vốn được xem là nhiệm vụ cơ bản của các học giả. Vì vậy các học giả, khi đã nắm bắt được cách thức nghiên cứu, thì phải nỗ lực làm tròn vai trò này.
Tranh luận, diễn thuyết cần thiết ra sao và có tầm quan trọng thế nào, các bạn đều đã rõ. Nhưng tại sao đến giờ này nó vẫn chưa được thực hiện ở nước ta? Tôi buộc phải nói rằng đó là do các học giả quá lười biếng.
Hành vi, hoạt động của con người thường hướng theo hai phía: trong và ngoài. Cần phải nỗ lực cả hai.
Đa số các học giả hiện nay thường chỉ hoạt động hạn hẹp trong phạm vi cá nhân. Họ e ngại, chây lười không muốn mở rộng ra thế giới bên ngoài. Hãy mau tỉnh ngộ. Chỉ khi nào có kiến thức sâu như vực thẳm, tiếp xúc trao đổi với người khác như chim tung cánh rộng mở tự do tự tại trong không trung, mới đúng là học giả thực thụ.
(Nguồn: Khuyến Học - Fukuzawa Yukichi)
No comments:
Post a Comment