Theo định nghĩa trên Wikipedia, "cách mạng" là xóa bỏ cái cũ để thay thế bằng cái mới tiến bộ hơn, là một sự thay đổi sâu sắc, thường xảy ra trong một thời gian tương đối ngắn. Các cuộc cách mạng có thể dẫn đến thay đổi trong các thể chế chính trị – xã hội, hoặc thay đổi lớn trong một nền kinh tế hay văn hóa. Cách mạng đã từng xảy ra trong nhiều lĩnh vực như xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế, công nghiệp,... Như vậy, theo định nghĩa này, hàm ý của cách mạng là tốt, nó thể hiện một sự thay đổi sâu sắc, thay cũ đổi mới cả về nội dung và hình thức. Vì vậy, sau một cuộc cách mạng, cái mới xuất hiện sẽ tôt hơn và tiến bộ hơn.
Nhưng người ta thường nghĩ đến cách mạng như là một phong trào, một sự thay đổi mang tính đột phá có thể dễ dàng nhìn thấy ở bên ngoài, mà ít ai nhìn thấy đó chỉ là kết quả của những thay đổi sâu xa hơn trong suy nghĩ, và tư tưởng của con người. Hầu hết mọi cuộc cách mạng đề bắt đầu từ thay đổi tư tưởng và cách suy nghĩ vậy. Hãy nhìn vào các cuộc cách mạng xưa nay trên thế giới, như cách mạng dân chủ Pháp, cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng thuế ở Ấn Độ thời Gandhi, hay gần đây hơn là cách mạng nhằm thay đổi các chế độ độc tài ở một số nước như: Ai Cập, Syria, Venezuela hay Hong Kong..., tất cả đều bắt đầu từ thay đổi trong nhận thức, tư tưởng. Dù thành công hay thất bại, mọi cuộc cách mạng đều hướng tới xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn trong tương lai. Những thất bại của các cuộc cách mạng tiến bộ thường là ngắn hạn, nó sẽ góp phần vào cuộc cách mạng tư tưởng và tạo nên những thay đổi thật chất trong dài hạn.
Vô tình đọc được một bài ca ngợi Đức Phật như một nhà cách mạng, mời mọi người cũng đọc để hiểu hơn về ý nghĩa của 2 chữ cách mạng. Xã hội Việt Nam đang ở một thời điểm rất cần một cuộc cách mạng như thế!
---
Ðức Phật - Nhà Cách Mạng
Ðặng Ngọc Chức
Có thể nói từ lúc đản sinh cho đến ngày nhập diệt, cuộc đời của đức Phật là kết tinh của những chuỗi ngày cách mạng kiêu hùng.(Nguồn: https://www.budsas.org/uni/u-vbud/vbpha106.htm)
Theo sử sách, vừa mở mắt chào đời, thái tử Tất Ðạt Ða (Siddhartha) đã đứng dậy, ngoảnh mặt nhìn bốn phía, rồi đi bảy bước, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất, nói rằng: "Trên trời, dưới đất chỉ có Ta là chí tôn". Xong Ngài nói tiếp: "Từ vô lượng kiếp đến nay, phen này là hết". Hai lời tuyên bố đó có tính cách quyết định mục tiêu hành động của Ngài: đoạn trừ phiền não, quét sạch vô minh, giải thoát sanh tử, chứng đắc Niết bàn, thanh tịnh an lạc.
Chúng ta hãy tìm hiểu vai trò lãnh đạo và sách lược tiến công nhằm đạt đến mục tiêu tối thượng qua các cuộc cách mạng của Ngài.
Cách mạng xã hội:
Trước khi Phật ra đời, Ấn Ðộ là nước nhiễu nhưong, khốn khổ. Giống dân di mục A Ly A (Arya) đã nhanh nhẹn chinh phục thổ dân Ðạt La Tỳ Ðồ (Dravida). Họ thiết lập trật tự xã hội, tạo ra luật Mã Nổ (Manu), độc đoán chia dân Ấn ra làm bốn giai cấp:
Chế độ phân chia giai cấp và người bóc lột người đã làm cho xã hội Ấn Ðộ ngày càng băng hoại.
- Giai cấp Bà La Môn (Brahman): tác giả pháp điển Mã Nổ, là giai cấp cao quí nhất, độc quyền về học thuật, tư tưởng va chủ trì tế lễ.
- Giai cấp Sát Ðế Lỵ (Ksatriya): giữ độc quyền về chính trị theo thể chế cha truyền con nối. Họ có toàn quyền sinh sát.
- Giai cấp Phệ Xá (Vaisya): gồm giới nông, công, thương, không được quyền học hỏi, sống nai lưng ra làm việc để phục vụ cho hai giai cấp giáp sĩ và quí tộc. Họ tha hồ bị áp bức, bóc lột.
- Giai cấp Thủ Ðà La (Sudra): gồm các thổ dân tiền trú và giống người Ðạt La Tỳ Ðồ bại trận. Ðây là giai cấp bần cùng, sống trong tủi nhục, bi đát.
Thái tử Tất Ðạt Ða, con người bằng xương bằng thịt, sanh ra và lớn lên như muôn ngàn người khác, và mặc dù sống trong nhung lụa, quyền thế, Ngài đã sớm ý thức được cảnh bất công, gian ác của giai cấp thống trị và số kiếp đọa đày, khốn nạn của giai cấp bị trị, nên khi còn ngồi thiền dưới gốc cây Bồ Ðề, Ngài đã khẳng định nguyên lý của cách mạng ấy là: "Ðại địa chúng sanh giai hữu Như Lai trí tuệ đức tánh (hết thảy chúng sanh đều có đức tánh trí tuệ Như Lai)". Và sau khi đắc đạo, thấy rõ thực tướng của vạn pháp là Vô thường - Khổ - Không - Vô ngã, thấy chúng sanh quay cuồng trong tam đồ lục đạo, thấy mọi hiện tượng thế gian đều sanh thành và hủy diệt theo tiến trình Thành - Trụ - Hoại -Không, Ngài thốt lên những lời hùng tráng như tiếng sư tử giữa núi rừng dày đặc:
Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm kẻ xây nhà
Tìm mãi vẫn không ra
Nên luân hồi đau khổ. (Pháp Cú 153)
Hỡi kẻ làm nhà kia
Ta thấy mặt ngươi rồi
Rui mè đòn dông gãy
Ngươi hết làm nhà thôi
Tâm ta chừ tịch tịnh
Tham ái dứt bặt rồi. (Pháp Cú, 154)
Với lòng từ bi cứu độ chúng sanh, với ý thức không ai có quyền tước đoạt quyền sống, quyền bình đẳng, và quyền mưu cầu hạnh phúc của người khác, Ngài xác quyết: "Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh (tất cả chúng sanh đều có Phật tánh)", và "Tứ chúng xuất gia đồng qui Thích thị (bốn giai cấp xuất gia đều mang họ Thích)". Chính vì thế mà Ngài đã dang tay đón nhận một Ưu Ba Ly (Upali) sống bằng nghề hớt tóc, thuộc giai cấp Thủ Ðà La vào giáo hội, về sau chứng quả A La Hán, thành một trong mười đệ tử vĩ đại của Phật, đứng đầu về giới luật; một tiện nữ Bát Cát Ðế (Pakati) lăng loàn, sau cũng chứng quả A La Hán; rồi đến vũ nữ Kuvalaya chuyên nghề bán phấn buôn hương; Ương Khuất Ma La (Angulimala) cuồng tín giết người đến loạn trí; vua A Xà Thế (Ajatasatru) tham quyền đến sát hại vua cha là quốc vương Tần Bà Sa La (Bimbisara), cùng vô số công hầu khanh tướng, bá tánh lê dân, tất cả đều được Phật hóa độ theo tinh thần Từ - Bi - Hỷ - Xả.
Rõ là không tốn một viên đạn, không mất một mũi tên, không đổ một giọt máu, đức Phật đã giảng dạy đạo lý như thật, làm đảo lộn cái mà giai cấp Bà La Môn cho là nề nếp vua quan, kỷ cương luân lý và trật tự xã hội. Ðức Phật đã lên án chế độ giai cấp, phong kiến và bóc lột. Con người là con người, không có con người Bà La Môn hay con người Sát Ðế Lỵ. Nhờ tôn chỉ cách mạng, mục tiêu hành động và ý thức giác ngộ của quần chúng, xã hội Ấn Ðộ dần dần được đổi mới, chế độ giai cấp bị tan rả, nhân dân sống trong thuần lương an lạc.
Cách mạng tư tưởng:
Nhờ giáo pháp của Phật, quần chúng nhân dân Ấn Ðộ đã hoàn thành cách mạng xã hội và chuyển sang cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng. Ðây là cuộc cách mạng nồng cốt, nhằm giải quyết tự ngã. Ðức Phật đã chỉ rõ đâu là căn nguyên của khổ đau, sinh tử, và vạch ra phương pháp đi đến giải thoát.
Lịch sử tư tưởng Ấn Ðộ cho thấy trong thời đức Phật có tới 62 hệ phái thần học và triết học khác nhau, luận chiến quyết liệt về nguồn gốc của nhân sinh và vũ trụ. Các luận sư tha hồ triển khai học thuyết: nào là duy vật duy thần, ngẫu nhiên tiền định, tương đối hoài nghi, thường kiến đoạn kiến v.v... Dân chúng hoang mang ngơ ngác không biết đâu mà theo.
Như nước trong đại dương chỉ có một vị mặn, giáo pháp của Phật cũng chỉ có một hương vị giải thoát. Lời Phật dạy là chánh pháp, là chân lý tuyệt đối. Phật dạy khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ. Phật dạy các pháp do duyên sanh, không có thật tướng, gọi là vô ngã. Chân lý ấy xưa nay không ai có thể phủ nhận. Chính vì thế mà Xá Lợi Phất (Sariputra) sau khi nghe Mã Thắng (Assaji) đọc bốn câu kệ thì bỏ thầy bỏ đạo, lên đường theo Phật không chút do dự.
Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên (Maudgalyayana) là hai nhà biện tài và thần thông nổi tiếng thuộc nhóm lục sư ngoại đạo. Một hôm Xá Lợi Phất gặp Mã Thắng đang đi khất thực trong thành Vương Xá, thấy phong thái uy nghi tự tại của Mã Thắng, Xá Lợi Phất cảm phục đến gần hỏi đạo, được Mã Thắng giảng lý duyên sanh gồm trong một bài kệ:
Các pháp do duyên sanh
Lại cũng do duyên diệt
Thầy ta là đức Phật
Thường thuyết giảng như vậy.
Xá Lợi Phất nghe xong thì bừng tỉnh, sung sướng xin quy y Phật. Sau đó Xá Lợi Phất đưa Mục Kiền Liên và hàng trăm đạo hữu đến thọ giáo Ngài. Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên trở thành hai cao đệ trí tuệ và thần thông đệ nhất của Phật. Sáu mươi hai trường phái tư tưởng cũng qui phục Ngài.
Ðức Phật đã làm một cuộc cách mạng tư tưởng tận căn đế. Ngài đã chỉ cho chúng sanh thấy vô minh là nguồn gốc của mọi đau thương khốn khổ trên đời. Do đó, mỗi Phật tử phải là một chiến sĩ dũng mãnh, tinh tấn, mặc giáp trụ giới đức, mang cung kiếm định tuệ, bắn phá rừng vô minh, nhổ gốc rễ tham ái, tiêu diệt địch tham sân. Bởi vì, làm cách mạng văn hóa tư tưởng là làm cách mạng tự thân, tự tâm thanh tịnh thì tư tưởng trong sáng, ngôn ngữ nhu hòa, hành động ái kính, xã hội do đó ngày càng trở nên thanh bình, an lạc. Ðúng là:
Tự ta gây ác nghiệp
Tự ta nhiễm cấu trần
Tự ta tránh ác nghiệp
Tự ta tịnh thân tâm
Nhiễm tịnh do ta cả
Không ai thanh tịnh ai. (Pháp Cú, 165)
Ðức Phật không hô hào đốt cháy, tẩy chay cái gọi là văn hóa lai căn, tư tưởng tiêu cực; Ngài chỉ cho ta thấy đâu là căn nguyên của khổ đau và giải thoát, xung đột và an lạc. Cuộc cách mạng xã hội và tư tưởng văn hóa của Ngài không những thành công ở Ấn Ðộ cách đây 25 thế kỷ, mà sẽ còn ảnh hưởng và thành công trong dòng lịch sử của nhân loại.
No comments:
Post a Comment