Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Sunday, July 18, 2010

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ (3)

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ

Hội 4


Tin xem;
Miễn cốc một lòng ;
Thì rồi mọi hoặc.
Chuyển tam độc mới chứng tam thân;
Đoạn lục căn nên trừ lục tặc.
Tìm đường hoán cốt, chỉn xá năng phục dược luyện đan;
Hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.
Biết chân như, tin Bát Nhã, chớ còn tìm Phật tổ tây đông;
Chứng thực tướng, ngỏ Vô Vi, nào nhọc hỏi kinh thiền nam bắc.
Xem Tam Tạng giáo, ắt học đòi Thiền Uyển thanh quy;
Đốt ngũ phần hương, chẳng tốn đến chiên đàn, chiêm bặc.
Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca;
Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thật ấy là Di Lặc.

Hội 5

Vậy mới hay!
Bụt ở cong nhà;
Chẳng phải tìm xa.
Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt;
Đến cốc hay chỉn Bụt là ta.
Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãng cong quê Hà hữu ;
Kinh xem ba bận, ngồi ngơi mái quốc Tân la ;
Trọng đạo nghĩa, khoảng cơ quan, đà lọt lẫn trường kinh cửa tổ;
Lánh thị phi, ghê thanh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa.
Đức Bụt từ bi, mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận;
Ơn Nghiêu khoáng cả, lọt toàn thân phô việc đã tha.
Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể ;
Cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa.
Ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội;
Lẫy tam huyền, nong tam yếu, một cắt một ma.
Cầm vốn thiếu huyền, xá đàn dấu xoang vô sinh khúc;
Địch chăng có lỗ, cũng bấm chơi xướng thái bình ca.
Lẫy cội tìm cành, còn khá tiếc Câu Chi trưởng lão;
Quay đầu chấp bóng, ắt kham cười Diễn Nhã Đạt Đa.
Lọt quyện kim cương, há mặt hầu thông nên nóng;
Nuốt bồng lật cức, nào tay phải xước tượng da.

------

VUI ĐẠO CÕI TRẦN

Hồi thứ 4


Lòng tin, một niệm chẳng lay
Bao nhiêu lậu hoặc [1], từ nay chẳng còn.

Trừ tam độc [2], lục căn [3] là giặc
Chứng tam thân [4], lục tặc [5] dẹp tan
Sống lâu thì phải luyện đan
Chân không, chẳng ngại lánh đàng sắc thanh

Khi đã biết chân như, Bát Nhã [6]
Phật chẳng tìm vất vả đông tây,
Vô Vi [7] thực tướng đã bày,
Kinh thiền nam bắc chốn này khác đâu.

Ba tàng [8] kinh sách thuộc làu,
Thanh quy Thiền Uyển mau mau thực hành;
Hương ngũ giới [9] đã đốt thành,
Không chiên đàn, vẫn sáng danh nhà thiền.

Nghĩa nhân, đạo đức giữ gìn,
Thích Ca [10], ấy chính lòng mình chẳng sai.
Chẳng tham, giữ giới không lay
Đó là Di Lặc [11] - tương lai trong mình.


Hồi thứ 5

Mới hay Bụt ở trong nhà,
Chẳng cần lặn lội phương xa kiếm tìm,
Vì quên mất Bụt trong tim
Chính ta là Bụt, lặng im hiểu rồi !

Thiền [12] đã rõ, thảnh thơi khắp chốn
Nhà nơi đâu ? Quê vốn nơi đâu ?
Kinh xem ba bận thuộc làu,
Nghỉ ngơi mé nước, khác đâu thiên đường.

Trọng đạo nghĩa, lòng thường rộng mở
Nghĩa tổ sư, chính ở nơi này,
Thị phi, thanh sắc – ghê thay
Liễu hoa, e ngại – giới này chớ buông.

Đức từ phụ [13], nguyền mong thân cận,
Nhờ ơn trời được vận hanh thông.
Cà sa [14] áo vá ấm lòng,
Cháo cơm đạm bạc chẳng mong thêm gì.

Ngăn tám thức [15], tám cơn gió lớn [16],
Trau dồi ba yếu [17], đờn ba dây
Vô sinh khúc, thích đờn thay,
Thiếu dây, không lỗ – khúc hay thái bình.

Câu Chi [18] bỏ gốc tìm cành
Đạt Đa [19] chấp bóng, sử xanh chê cười.
Kim cương - rõ mặt muôn đời,
Dây gai chẳng xước, tay người biết tu.

---

[1] Lậu hoặc : là các tập khí phiền não, hoặc vọng nghiệp còn rơi rớt lại, hay nói đơn giản hơn là các tâm niệm xấu, ác còn chưa dứt, có thể dễ thấy hoặc khó thấy, mà người Phật tử cần phải dứt trừ mới bước lên địa vị Phật được.
[2] Tam độc : Tham lam (muốn tất cả là của mình), Sân giận (nổi nóng đối với việc không vừa ý), Si mê (ngu tối, không phân biệt thiện ác, tốt xấu)
[3] Lục căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý – là các đối tượng căn bản (của cơ thể) tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Nếu sống buông lung thì đây là sáu cửa ngõ để dẫn giặc vào nhà.
[4] Tam thân : một người khi đã chứng ngộ, sẽ đạt được 3 loại thân là : Pháp thân, Báo thân và Hóa thân.
[5] Lục tặc : để chỉ 6 tên giặc (tâm niệm xấu, ác) ảnh hưởng đến tâm từ 6 căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
[6] Bát Nhã : hay còn gọi Trí tuệ Bát nhã là để chỉ sự hiểu biết lớn, hiểu rõ ràng, đúng đắn vê vạn pháp (chân lý).
[7] Vô Vi : không giới hạn trong 1 phạm vi nào, đôi khi được hiểu đồng nghĩa như vô ngã, nghĩa là trong vũ trụ này, không vật nào tồn tại bất biến theo thời gian.
[8] Ba tàng kinh : tam tạng kinh điển là chỉ kinh sách của Phật được các để tử kết tập, ghi lại, gồm : Kinh, Luật, Luận.
[9] Ngũ giới hương: còn gọi ngũ phần hương, chỉ năm loại hương thơm mà chỉ người tu hành thanh tịnh, giải thoát mới có, gồm : giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương và giải thoát tri kiến hương.
[10] Thích Ca : là Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, người giác ngộ thành Phật tại Ấn Độ cách đây trên 2500 năm và đem giáo lý từ bi, trí tuệ truyền dạy, lập nên Đạo Phật. Người được coi là giáo chủ của cõi ta bà (cõi thế gian hiện nay).
[11] Di Lặc : theo lời dạy của Phật Thích Ca, thì vào thời mạt pháp (sau Phật diệt độ khoảng 5000 năm), sẽ có 1 đức Phật ra đời hiệu là Di Lặc Tôn Phật, biểu tượng bằng hình “bụng phệ, miệng cười”, người sẽ tiếp tục công việc giáo hóa, độ sanh và trở thành giáo chủ của cõi tương lai đó.
[12] Thiền : hay thiền-na là một phương pháp tu tập của nhà Phật, được sử dụng khá phổ biến ngày nay. Thiền chú trọng vào việc an tĩnh tâm hồn bằng phương pháp ngồi thiền, định tâm, quán chiếu…
[13] Từ phụ : cha lành, là từ thường dùng để chỉ đức Phật Thích Ca Mâu Ni vì tình thương của người đối với chúng sanh.
[14] Cà sa : chỉ trang phục của các tăng sĩ Phật giáo.
[15] Tám thức : theo duy thức học của nhà Phật, con người nhận thức về thế giới xung quanh bằng 8 loại thức, gồm : nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức và alaya thức.
[16] Tám cơn gió lớn: hay Bát đại phong, là chỉ tám yếu tố làm ảnh hưởng nhiều và thường làm dao động tâm trí của chúng ta, gồm : thắng, thua, thành, bại, được, mất, khen, chê.
[17] Ba yếu : 3 điều quan yếu khi tu, là : thân, khẩu, ý.
[18] Câu Chi : Câu Chi trưởng lão, một nhân vật trong truyện thiền Phật giáo.
[19] Đạt Đa : Diến Nhã Đạt Đa, một nhân vật trong truyện thiền Phật giáo.

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment