Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Thursday, May 23, 2013

Tự do tư tưởng trong đạo Phật

Rằm tháng 4 đã về, để đón mừng ngày đản sinh của Đức Phật, không có gì hay bằng đọc lại những giáo lý mà ngài đã giảng dạy. Chúng ta hãy cùng chiêm nghiệm và đắm mình trong ánh sáng trí tuệ và lòng từ bi vô hạn của ngài, để có thể hiểu và áp dụng các giáo pháp đó vào cuộc sống hiện tại, nhằm mang lại lợi lạc cho bản thân và xã hội. 
Một điều mà ai cũng công nhận, đó là tư tưởng tự do trong giáo lý nhà Phật. Ngài không trói buộc các đệ tử trong một chủ thuyết, hay 1 đấng thần linh nào cả như các tôn giáo hay các phe phái chính trị thường làm đối với tín đồ của mình. Khi 1 đệ tử hỏi ngài phải chọn lựa tôn giáo nào để theo trong vô số tôn giáo, ngài trả lời rằng, mỗi người hãy dùng lý trí của mình để soi xét sự đúng, sai, tốt, xấu, thiện, ác của mỗi tôn giáo, chủ thuyết, rồi hãy tự quyết định con đường mình đi. Trong giáo pháp của đức Phật, không có ai ban phúc giáng họa cho chúng ta cả, mà chính những suy nghĩ, lời nói, hành động của mình tạo ra nghiệp và nghiệp đó đã ảnh hưởng trở lại cuộc sống của mình, y như là quy tắc phản lực trong vật lý học vậy.
Hiểu được tư tưởng tự do này, mỗi người sẽ có 1 cách hành xử phù hợp trong cuộc sống. Ví dụ, mình sẽ không trói buộc mình vào những chủ thuyết mà số đông cho là đúng (nhưng thực chất chỉ mang đến đau khổ và mất mát cho bản thân và xã hội), mình có thể đánh giá đúng con người và sự việc bằng 1 nhãn quan độc lập, thay vì nhắm mắt kết luận theo thành kiến hoặc ý kiến của cấp trên (như trong trường hợp bản án sai lầm đối với 2 em SV. yêu nước Phương Uyên & Nguyên Kha gần đây)... 
Cuối cùng, mỗi người hãy tự nhắc nhở mình về lời dạy cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập Niết bàn, đó là "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi!" - Hãy suy nghĩ bằng trí óc của mình và hãy bước đi bằng đôi chân của mình, bạn nhé! Chúc tất cả một mùa Phật đản an lạc và hạnh phúc!
------
Tự do tư tưởng trong đạo Phật
 
Lời khuyên của Đức Phật là không nên tin vào lý thuyết, thờ cúng và các trưởng giáo. Thực sự, bất cứ lúc nào chúng ta cũng phải làm chủ chúng ta qua lòng tự tin. Chúng ta đừng bao giờ chịu khuất phục phẩm giá hay sở thích của chúng ta.
Đức Phật cực lực ủng hộ giáo pháp về lòng tự tin, thanh tịnh, nhã nhặn, giác ngộ, an lạc và tình thương đại đồng. Ngài nhấn mạnh sự cần thiết của hiểu biết vì lẽ không hiểu biết, phần tâm linh bên trong đưa đến trí tuệ không thể đạt được.
Ngài nói: "Nếu quí vị muốn chấm dứt khổ đau, sợ hãi, hãy triển khai kỷ luật, từ bi và trí tuệ". Lúc nào chúng ta cũng phải để cho đầu óc chúng ta tự do suy nghĩ và hiểu rõ không cần ỷ lại vào ảnh hưởng bên ngoài. Kẻ nào trông cậy vào người khác thì chẳng khác trẻ nít.
Chúng ta hãy theo gương Đức Phật, Đức Phật nói khi Ngài thiền định để đạt giác ngộ thì không đấng thiêng liêng nào đến thầm thì bên tai Ngài để khám phá những bí mật giấu kín của sức mạnh tinh thần. Không một ai cho ngài một điều răn hay giới luật nào.
Ngài nói: "Ta không bao giờ có một vị Thầy nào hay một thần linh nào dạy ta hay bảo ta làm cách nào để đạt được giác ngộ. Cái mà ta thành công là do sự cố gắng, năng lực, kiến thức, thanh tịnh của chính ta để đạt được trí tuệ tối thượng”.
Đó là lý do tại sao Ngài nói trí tuệ “trỗi lên” nơi Ngài khi Ngài giác ngộ. Trí tuệ tiềm ẩn trong tất cả chúng ta. Chúng ta chỉ cần tạo điều kiện đúng, trí tuệ sẽ phát sinh.
Tự do tư tưởng, tự do tìm hiểu phát xuất từ nội dung tinh thần và triết lý của Phật Giáo. Không có một tổ chức tôn giáo nào trên thế giới lại tương tự, song hành như vậy. Không bắt buộc, không cưỡng bách để tin theo hay chấp nhận giáo pháp.
Đường hướng của Phật Giáo là thấy và hiểu. Nó là thái độ khoa học của tâm trí. Giáo pháp vể triết lý căn bản dạy trong Phật Giáo càng ngày càng minh chứng vững vàng bởi những khám phá mới của khoa học.
Phật Giáo ủng hộ lòng tự tin, tự kiềm chế, tự tín nhiệm, tự thanh tịnh cho con người trong xã hội.
Một đặc tính đặc biệt của Phật Giáo là tôn giáo này liên kết chặt với các lý tưởng dân chủ. Các cuộc bàn cãi công khai phải được khuyến khích, cả đến những quan điểm trái ngược cũng được phát biểu đưa đến tâm trí được mở rộng và sung mãn. Những giới của các sư nam và sư nữ được cấu tạo hoàn toàn theo các nguyên tắc dân chủ.
Việc này làm theo Pháp khám phá ra bởi Đức Phật tối thượng, một đấng cởi mở và uy hùng can đảm khích lệ các đệ tử không chấp nhận cả đến những gì Ngài tuyên bố mà không khảo sát và xác tín.
Thực ra, Đức Phật đã tuyên bố Pháp là thầy của Ngài và tất cả những gì Ngài làm là để tìm ra. Chân lý của Pháp bao quát đã bị chìm dắm nơi con người vì ngu si. Chúng ta phải để cho tâm trí chúng ta được tự do suy nghĩ không thành kiến và không lệ thuộc.
Trước khi Ngài qua đời, Ngài dặn dò những lới cuối cùng “Hãy tìm nơi nương tựa ngay nơi các con”. Tại sao sau 45 năm hoằng pháp, Ngài lại thốt ra những lời như vậy ? Tại sao Ngài không khuyên mọi người tìm sự cứu rỗi nơi Ngài.
Cái Ngài muốn nói là chúng ta không nên tìm sự cứu rỗi ỷ lại vào người khác. Chúng ta phát triển lòng tự tin ngay nơi chúng ta. Lời khuyên răn thật tuyệt diệu và cao thượng biết bao! Có lẽ bây giờ quí vị có thể hỏi: "Tại sao chúng tôi nói “Buddham saranam gaccami"? (Tôi đến với Đức Phật để nương tựa)
Khi chúng tôi nói như trên không có nghĩa là chúng tôi ỷ lại vào Đức Phật. Chúng tôi muốn nói là nếu chúng tôi theo những phương pháp dạy bởi Đức Phật, chúng tôi sẽ mở mang lòng tự tin để đạt được sự cứu rỗi. Chắc chắn chúng tôi không nghĩ một ngày nào Đức Phật sẽ đến và mang chúng tôi đến “Thiên Đường” trong một chuyến bay vinh quang.
Một số người nói rằng Đức Phật chỉ là một người bình thường không phải là một Thượng đế, tại sao dân chúng lại theo Ngài? Những người này không hiểu rằng người Phật tử không trông chờ sự cứu rỗi từ nơi Đức Phật mà là thực hành phương pháp cao thượng do Ngài dạy.
Phương pháp của Đức Phật ngay từ lúc khởi đầu là chúng ta phải làm thế nào để phát triển lòng tự tin qua việc rèn luyện tâm trí của chúng ta. Tự mình cố gắng, tự mình thực hiện, đó là con đường duy nhất tiến đến sự cứu rỗi.
Bất cứ ai cũng có thể đứng trước Đức Phật trong tư thế một người có phẩm cách chứ không phải trong tư thế một người nô lệ. Với hy vọng và tự tin, một người có thể quyết định vận mạng của chính mình.
Đức Phật hoan nghênh quí vị nếu quí vị giữ lập trường như một con người có phẩm cách. Nhưng quí vị phải sẵn sàng tỏ ra phải chăng và chịu nghe các lý luận có ý thức trái ngược với niềm tin của quí vị nhưng lý luận này đáng được chú ý đến. Đó là thái độ của một người hiểu biết.
Khi Ngài gần tịch diệt, rất nhiều bậc quyền quí, thái tử, tộc trưởng, và cả đến những thánh chúng với các vòng hoa đến gặp Ngài để tỏ bày lòng tôn kính của họ với Ngài, nhưng Đức Phật sai Anan, thị giả của Ngài, nói với họ rằng nếu họ muốn tỏ lòng tôn kính Ngài, họ chỉ việc theo đúng giáo lý của Ngài, vị thầy của họ.
Trên đây cho thấy Ngài không muốn cá nhân Ngài được vinh danh hay đòi hỏi một sự phục tùng tuyệt đối cho uy quyền của Ngài.

(Nguồn: http://www.phattuvietnam.net/) 

Wednesday, May 15, 2013

Kỷ niệm 50 năm Bồ tát Quảng Đức tự thiêu (1963 - 2013)





Một mùa Phật đản nữa lại sắp về, nhân loại cùng nhau hân hoan kỷ niệm ngày sinh của 1 bậc giác ngộ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Người đã khai sáng đạo Phật và đưa ra những giáo pháp nhiệm màu, giúp khai mở tâm trí nhân loại, để đến hôm nay những đóa hoa trí tuệ và tình thương vẫn tiếp tục nở ngát trên địa cầu này.


Cũng vào mùa Phật đản cách đây 50 năm, trên mảnh đất Việt Nam, đã xảy ra 1 biến cố rất lớn làm chấn động lương tâm thế giới liên quan đến Phật giáo. Đó là việc tự thiêu của HT. Thích Quảng Đức  (mà sau này mọi người đều suy tôn là Bồ tát) để phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, nhằm thức tỉnh nhà cầm quyền đang đắm chìm trong vô minh, sân hận. Sự kiện này góp phần dẫn đến sự sụp đổ của chế độ gia đình trị họ Ngô vào cuối năm 1963.

Bức hình chụp ảnh Bồ tát Quảng Đức tự quẹt diêm để thiêu đốt thân mình cho đến nay vẫn là 1 trong những bức ảnh làm lay động mạnh mẽ lòng người, và có sức mạnh thức tỉnh nhiều người.

“Có những phút làm nên lịch sử,
Có cái chết hoá thành bất tử,
Có những lời hơn mọi bài ca,
Có con người như chân lý sinh ra….”


Nhà thơ Tố Hữu đã viết những dòng thơ này để ca ngợi con người liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, nhưng riêng tôi lại muốn mượn những lời thơ này để nhận định và tán thán công đức Bồ Tát Thích Quảng Đức, người đã trọn đời âm thầm hoằng dương chánh pháp, từ các tỉnh miền Nam Trung bộ vào các tỉnh miền Nam, qua cả đến Cambodia, Lào và Myanmar, Miến Địên … để tu học và hoằng pháp độ sanh.

Đời Ngài là một tấm gương mẫu mực về đạo hạnh, đi tu từ năm lên 7, theo khổ hạnh đầu đà (khất thực), âm thầm xây dựng  và trùng tu 31 ngôi chùa : 14 ngôi chùa ở miền Trung và 17 ngôi chùa ở miền Nam.

Nhưng tấm gương phi thường của Ngài  chỉ xuất hiện vụt lên dữ dội, trong những phút giây lịch sử, trong cuộc đấu tranh sống còn của Phật giáo năm 1963,  như đứng vụt dậy từ lòng đất, trong hình ảnh một vị Bồ Tát tùng điạ dũng xuất  ở Phẩm thứ 15 của Kinh Pháp Hoa đã nói.

Cái chết của Ngài như làn sóng điện lan truyền  khắp năm châu, hình ảnh của Ngài được đăng tải trên hầu hết các báo ở Âu Mỹ, nhiều bình luận gia đã xem sự hy sinh của ngài như tiếng chuông báo tử cho chế độ nhà Ngô. Từ đó dẫn đến cuộc lật đổ chế độ bạo quyền, kỳ thị tôn giáo … của các tướng lãnh SàiGòn (1/11/1963), chấm dứt một mùa pháp nạn của Phật giáo Việt Nam. 

Hình ảnh của Ngài ngày nay là biểu tượng cho tinh thần vô úy, cho sức mạnh đấu tranh Phật giáo, tô thắm thêm nét son vào trang sử đẹp của Đạo Phật và dân tộc Việt Nam.

Wednesday, May 8, 2013

Không có thời giờ...

Dạo này bận rộn nhiều việc, đôi lúc không có thời giờ để lang thang đọc tin tức và cập nhật blog. Càng bận rộn, càng thấy ý nghĩa của sự thảnh thơi, và càng trân quý những giây phút mình có thể sống cho riêng mình, lang thang trên facebook, hay thả hồn theo áng mây trời và làm thơ... Buồn buồn search trên google từ khóa "bận rộn" và đọc được bài dưới đây của BS. Đỗ Hồng Ngọc, một cây bút có nhiều bài viết thú vị mà mình đã từng đọc trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo. Xin phép copy lại ở đây và chia sẻ cùng mọi người.

---

Người ta phỏng vấn một bà gìa gần 90 tuổi rằng nếu được sống lại cuộc đời đã qua một lần nữa, bà sẽ sống như thế nào?

- “Nếu được sống lại cuộc đời đã qua lần nữa- bà già nói- thì tôi sẽ dám…phạm nhiều sai lầm hơn. Tôi sẽ ngờ nghệch hơn là tôi đã ngờ nghệch trong cuộc đời này. Tôi sẽ thảnh thơi hơn, linh hoạt hơn. Tôi sẽ coi ít thứ nghiêm chỉnh hơn. Tôi sẽ trèo núi lội đèo nhiều hơn, bơi lội nhiều hơn…Tôi sẽ ăn nhiều…kem hơn. Dĩ nhiên tôi sẽ gặp nhiều rắc rối hơn nhưng tôi sẽ thực tế hơn là chỉ mơ mộng. Tôi sẽ bớt…lành mạnh hơn. Ôi, tôi đã có những khoảnh khắc của đời mình và tôi muốn có nhiều hơn những khảnh khắc đó, cái nọ nối cái kia, cái nọ tiếp cái kia thay vì tôi cứ sống để chờ đợi…Nếu tôi được sống lại cuộc đời đã qua lần nữa tôi sẽ đi chân không nhiều hơn, sẽ bớt mang theo dù và dầu nóng, bình thủy các thứ…Tôi sẽ hái nhiều hoa cúc hơn…”.

Thỉnh thoảng có lẽ ta cũng nên tự hỏi mình một câu như vậy. Có phải ta cũng thường sống trong nhớ tiếc hoặc đợi chờ, mà quên đi cái quà tặng quý báu của cuộc sống chính là sự hiện diện của ngày hôm nay, của giây phút này, của ở đây và bây giờ. Tiếng Anh có một từ khá tuyệt: present, vừa có nghĩa là hiện tại, sự hiện diện, có mặt, lại vừa có nghĩa là món quà. Ta nghe nơi này nơi khác người ta luôn nói, không có thì giờ, không có thì giờ. Đến nỗi một nhà thơ phải kêu lên:

…Không có thì giờ!
Chim lấy đâu mà về tổ.
Tôi lấy đâu mà làm thơ.
Em lấy đâu mà đọc những bài thơ tôi sắp viết!
(Nguyên Sa).

Tiếng chim và khế ngọt vẫn có đó, ánh nắng và sóng biển vẫn có đó, đèo cao và suối mát vẫn có đó, nhưng…hãy đợi đấy, còn phải dành thì giờ để nhớ nắng hôm qua, mưa năm nọ, tiếng chim ngày cũ, rồi còn dành thì giờ để mong ngóng tương lai, sống trong tương lai như cô nàng Perrette mang bình sữa ra chợ! Ta chờ… lớn. Chờ thi đậu. Chờ thành đạt. Chờ có tiền. Chờ cưới vợ. Chờ đẻ con. Chờ con lớn…Chờ con thi đậu. Cứ thế. Cho đến một hôm thảng thốt: “Rồi tàn mùa xuân, rồi tàn mùa hạ, một ngày đầu thu… “ (TCS). Mùa xuân sao không đi hái lộc, mùa hạ sao không dẫn bầy em nhỏ đi tắm sông? “Hạnh phúc rất đơn sơ” vậy mà Khổng Tử suốt đời quần quật chỉ mong được thế đôi lần! Quả thật chúng ta thường sống với dĩ vãng, một thời đã qua hoặc sống với tương lai, một thời chưa tới. Còn hiện tại thì tối tăm mặt mũi; không có thì giờ! Không kịp ăn sáng, không kịp tắm (không kịp thay đồ?). Hộc tốc. Luôn luôn hộc tốc. Nhai ngoàm ngoằm. Đi vội vàng. Thở hào hễn. Và hùng hục. Lâm Ngữ Đường hơn nửa thế kỷ trước đã chê người Mỹ có ba cái tật xấu là luôn muốn tăng hiệu năng, muốn đúng giờ và muốn thành công. Ông nói: “ Họ luôn cau có và quạu quọ vì ba cái tật đó đã cướp đi của họ sự thư nhàn, lại còn làm cho họ luôn bị căng thẳng thần kinh vì luôn cầu toàn trách bị! Viên chủ bút Mỹ lo bạc đầu vì muốn không có một lỗi in nào trong tạp chí của ông ta, còn viên chủ bút Trung Hoa (dĩ nhiên, cách đây hơn nửa thế kỷ!) khôn hơn, để cho độc giả có cái thú tìm ra được ít nhiều lỗi trên báo! Đời sống bây giờ biến người ta thành cái…đồng hồ. Người Mỹ sống như một học sinh tiểu học, giờ nào việc đó, từng giờ từng phút “. Rồi ông kêu lên: Đời sống mà như vậy thì còn giá trị gì nữa (Sống đẹp, LNĐ, bản dịch Nguyễn Hiến Lê). Ngày nay thì các “tật xấu” đó đã toàn cầu hoá, đã trở thành bệnh của thời đại, đến nỗi bây giờ người ta bị cao huyết áp, bị tim mạch, bị trĩ, bị bón….cũng vì không có thì giờ! Nguyễn Công Trứ nói: “So lao tâm lao lực cũng một đàn/ Người trần thế muốn nhàn sao được?” Ý ông là chỉ có tiên mới sướng. Nhưng bây giờ ta cũng có tiền rồi, mà có tiền thì mua tiên cũng được quá đi chứ. Tiện nghi ngày càng cải thiện. Đằng vân giá võ, thiên lý nhãn, thuận phong nhĩ, thần giao cách cảm không thiếu thứ gì! Bấm cái nút gặp ngay người trong mộng. Trò chuyện với người cách xa nửa vòng trái đất như đang ngồi trước mặt…Thế mà vì sao ta không được “sướng như tiên”? Có lẽ là do cái nhu cầu giả tạo cứ ngày càng dày đặc thêm, cứ nhồi nhét mãi rồi thì đến một lúc tưởng là nhu cầu thật. Đẻ con thì phải đẻ mổ, chọn giờ để mong sau này con được làm vua. Ai cũng làm vua cả thì ai sẽ là thường dân cho vua trị vì? Nhưng vua đâu chẳng thấy chỉ thấy nhiều trẻ thiếu oxy não, liệt thần kinh, bị tâm thần… Các thứ sữa dành cho trẻ con bây giờ thì phải có chất tạo… thông minh. Làm như xưa nay không có các sản phẩm đó thì thế giới chỉ toàn người ngu dốt!

Cho nên Tô Đông Pha mới buông thuyền sông Xích Bích, Bạch Cư Dị mới xuống ngựa dừng chèo ở bến Tầm Dương, và Nguyễn Công Trứ mới… mơ ước:

Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi cùng cốc thâm sơn
Nào thơ nào rượu nào địch nào đờn
Đồ thích chí chất đầy trong một túi…
(Kẻ sĩ)

Bây giờ “đồ thích chí” ta còn có thể chất đầy “trong một xe” đời mới, chỉ “không có thì giờ!” thôi vậy!

BS Đỗ Hồng Ngọc