Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Thursday, September 30, 2010

4 NGÀN NĂM VĂN HIẾN


"Lịch sử Việt Nam 4000 năm văn hiến" là câu chúng ta thường rất hay nghe. Nhưng nhiều người không biết tại sao gọi là văn hiến mà không phải là văn hóa. Bởi vì, văn hóa được chia cụ thể hơn thành 2 phần là văn hóa tinh thần hay còn gọi là văn hiến và văn hóa vật chất hay còn gọi là văn vật. Do đó, người ta thường nói "Hà Nội ngàn năm văn vật". Tiếc thay, cái văn hóa vật chất ít ỏi đó đã bị mai một dần đi, không chỉ do chiến tranh trong suốt 1000 năm đó, mà còn do chính bàn tay của thế hệ sau phá hủy bởi vì thiếu hiểu biết.

Trước đây cả ngàn năm, một trong những mục tiêu lớn nhất của người Trung Quốc khi muốn thôn tính Việt Nam, đó là tiêu diệt văn hóa. Và họ đã thành công phần nào đối với văn hóa vật chất, nhưng vẫn chưa thể xâm phạm được đến văn hóa tinh thần. Bởi vẫn còn đó lũy tre làng, mái đình, cây đa, làn quan họ... Ông cha ta còn cố gắng để làm rõ thêm văn hóa Việt, bằng những sự khác biệt ở chữ viết, cách mặc áo, để tóc, nhuộm răng... Đó là lý do mà dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại và phục quốc sau 1000 năm bị đô hộ. Nhờ đó mà việc xây dựng đất nước và khôi phục văn hóa vật chất đã được các triều đại Lý, Trần khôi phục một cách nhanh chóng.

Thế mà, ngày nay, thành trì kiên cố của nền văn hiến 4000 năm sắp bị lung lay, bởi những thế hệ con cháu ngu dốt và yếu hèn. Một vài dẫn chứng, như việc làm các bộ phim mừng đại lễ "sặc mùi Tàu", các đài truyền hình thi nhau chiếu phim Tàu, các viện Khổng Tử được mọc lên tại các đại học, học sinh không hiểu biết và hứng thú đối với lịch sử đất nước, báo chí VN đăng lại các bài cổ vũ sự bành trướng của TQ, cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ văn hóa lại tiếp tay cho việc quảng bá văn hóa Tàu...

Càng nhìn vào thực trạng đất nước hiện nay, lại càng buồn! Nếu con cháu ngày nay, không biết thức tỉnh, cùng nhau bảo vệ nền văn hóa tinh thần của dân tộc, thì việc mất nước chỉ là một sớm một chiều mà thôi. Đó là lý do tại sao tôi không thể vui trước thềm kỷ niệm sự kiện ngàn năm một thuở này.

4 NGÀN NĂM VĂN HIẾN

Tổ quốc Việt Nam bốn ngàn năm
Sáng soi lịch sử những thăng trầm
Thái bình – ước vọng ông cha đó
Còn mãi lòng ta, ánh trăng rằm…

Văn hiến từ xưa đã dựng xây
Văn Lang, Âu Lạc - máu xương dầy
Một giọt máu hồng nòi Bách Việt
Chảy từ quá khứ đến ngày nay…

Trãi bao tàn phá bởi ngoại xâm
Văn hóa Việt Nam vẫn âm thầm
Sáng soi đốm lửa trong đêm tối
Để một ngày mai lại nảy mầm...

Còn nhớ truyện xưa thuyết Tiên Rồng
Trăm nòi Bách Việt, giống Lạc Hồng
Văn minh lúa nước, cùng vui sống,
Trống đồng, cung nỏ - vững non sông.

Ngày nay, chinh chiến đã sạch rồi
Hãy cùng dựng lại núi sông thôi
Con cháu gắng lòng, quê hương đó,
Văn hiến Việt Nam mãi sáng ngời…

(Quốc Trung)

Sunday, September 26, 2010

KM strategy based on Web 2.0

This is the presentation for my 2nd paper in Knowledge Management. The title is "Combination 2 KM strategies by Web 2.0". It talks about the important role of Web 2.0 in creating a more effective KM strategy.
Web 2.0 can be used for combining 2 main KM strategies (Personalization and Codification) and integrating various enabling technologies for KMS. This paper is published on the Proceeding of 3rd International Conference of Knowledge Science, Engineering and Management 2009 (Vienna, Austria).

Wednesday, September 15, 2010

ĐẤT NƯỚC NGÀN NĂM


ĐẤT NƯỚC NGÀN NĂM

Đất nước Việt Nam, đất nước tôi
Mỗi lần nghĩ đến lại bồi hồi
Bao nhiêu lịch sử oai hùng đó
Giờ chỉ còn trong sách vở thôi

Đất nước còn đây – quê ta đây
Chiến chinh đã hết biết bao ngày
Mà sao dân tộc còn đau khổ
Chia rẽ, nghèo nàn – do ai gây ?

Vong thân, vọng ngoại mất tự do
Một thời oanh liệt – hóa thành tro
Bao nhiêu lý tưởng, giờ đâu mất
Con đường phía trước, thấy mà lo ?

Đất nước này đâu của mình ai
Của chung dân tộc - “lắm người tài”
Cùng chung nỗi khổ, cùng ao ước
Sao chẳng cùng nhau - đắp, dựng, xây ?

Lắng nghe tiếng gọi của non sông,
Nghe dòng máu chảy, máu Tiên Rồng.
Quên đi danh lợi, quên thù hận
Sáng mãi ngàn năm – nước Lạc Hồng.

PQT

Friday, August 27, 2010

TÂM SỰ NÀNG MỴ CHÂU


Đọc truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy, ai cũng kết tội nàng Mỵ Châu, bởi đó là người có tội rất lớn để mất nước vào tay giặc Tàu.
Nghĩ cũng phải, nếu không có Mỵ Châu trao nỏ thần, một bí mật quân sự quan trọng của đất nước, vào tay Trọng Thủy thì cơ sự đâu đến nỗi. Nếu khi chiến tranh xảy ra, Mỵ Châu biết thức tỉnh và không rắc lông ngỗng chỉ đường, thì hai cha con đâu phải cùng đường và cơ đồ nước Việt đâu có tiêu tan nhanh như vậy. Đến khi bị thần Kim Quy phán là có tội, thì Mỵ Châu cũng bị cha xử chết mà không có được một lời phân giải nào cả. Nghĩ cũng tội nghiệp! Bài thơ dưới đây, đặt mình vào tâm trạng của nàng Mỵ Châu, để nói lên những tâm sự thay cho nàng.
Có lẽ tội lớn nhất phải kể đến vua cha, đã xem thường quân giặc, đã tin vào những lời lẽ tốt đẹp của kẻ thù mà không thấy được tâm địa cay độc của bọn chúng. Nàng Mỵ Châu là con, ở thời đó, thì chỉ được nghe lời cha, nên đã vô tình trở thành thủ phạm bán nước.
Giá như, nàng Mỵ Châu biết nghĩ đến họa mất nước, không nghe lời cha kết hôn cùng Trọng Thủy, hoặc giá như, khi đã kết hôn, biết cảnh giác bảo vệ bí mật quốc gia, hoặc giá như, khi chiến tranh xảy ra, biết thức tỉnh nhận ra kẻ thù, thì 1000 năm Bắc thuộc có thể đã không xảy ra. Nhưng lịch sử thì không có chữ "Nếu".
Hy vọng "Tâm sự nàng Mỵ Châu" sẽ là lời nhắn nhủ đến những người đang nắm vận mệnh quốc gia, cần tỉnh táo, để không biến mình trở thành những nàng Mỵ Châu của thế kỷ 21. Mong rằng, nhờ bài học này, đất nước sẽ tránh được những hiểm họa xâm lăng mới từ kẻ thù phương Bắc.

TÂM SỰ NÀNG MỴ CHÂU

“Phải chi anh là người Việt
Cùng em kháng cự giặc Tàu
Phải chi anh là người Việt
Cho đời em bớt khổ đau…

Tình em trao anh trọn vẹn
Chẳng hề suy tính thiệt sâu
Sao anh nỡ đành lỗi hẹn
Can qua – gây chuyện khổ sầu ?”

Tình yêu là không biên giới
Yêu nhau chẳng kể bắc nam
Quê hương - em quên nghĩ tới
Đành ôm mối hận ngàn năm !

Tình em sáng trong như ngọc
Nghe cha, em thiệt yêu anh
Khiến em trở thành kẻ ngốc
Nước tan – em sống sao đành

Mai sau, ai ơi nhớ mãi
Mối tình Trọng Thủy – Mỵ Châu
Quê hương, nếu em chẳng đoái
Tình yêu - đâu khỏi bể dâu…

PQT

Thursday, August 19, 2010

Rằm Tháng Bảy - Lễ hội Vu Lan


Sắp tới rằm tháng bảy, lễ hội Vu Lan theo truyền thống của Phật giáo, chợt nhớ về tục lệ cúng cô hồn của Việt Nam. Lễ hội Vu Lan có nhiều sự kiện và ý nghĩa to lớn trong Phật giáo, như là: kết thúc mùa an cư kiết hạ, cúng thí thực cho các cô hồn, truyền thống báo hiếu... Nhắc đến ngày này, mọi người thường nhớ đến tục lệ bông hồng cài áo, báo hiếu cha mẹ. Câu chuyện gắn với ngày lễ này là việc ngài Mục Kiền Liên xuống địa ngục cứu mẹ đang chịu tội. Dù được xem là đệ tử thần thông đệ nhất của Phật, nhưng cũng không cứu được mẹ. Phải nhờ Phật chỉ cách cúng chư tăng, và nhờ sức mạnh của tập thể tăng chúng, lập đàn cầu siêu mới cứu được mẹ ngài. Từ đó về sau, truyền thống cúng cô hồn vào dịp rằm tháng bảy mới bắt đầu xuất hiện và được duy trì đến ngày nay. Nhớ lại hồi còn nhỏ, ấn tượng của tôi về ngày Vu Lan là lúc lũ trẻ trong xóm xúm nhau trước một mâm cúng cô hồn của một nhà nào đó, để chờ dành được những món đồ cúng sẽ được ném ra đường sau khi cúng xong. Chỉ là những thứ bánh kẹo bình thường, nhưng đối với lũ trẻ, đó là những chiến lợi phẩm, và là một sự kiện thú vị đối với chúng. Vài dòng dông dài để nhắc nhở mọi người rằm tháng bảy sắp về, để cùng nhau nhớ về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và cố gắng sống tốt để đền đáp công ơn to lớn đó.

RẰM THÁNG BẢY - VU LAN

Thoáng chốc Vu Lan lại đã về
Mưa buồn quạnh quẽ bước đường quê
Thắp hương cúng khấn siêu thân quyến
Đốt giấy bạc vàng độ kẻ mê
Lễ Phật mong đền ơn cha mẹ
Nghe kinh khó đáp nghĩa muôn bề
Mong nhờ ân đức – tai ương khỏi
Thoát nợ trần gian – vẹn câu thề.

Friday, August 13, 2010

Tiếng chuông gửi người


For whom the bell tolls
(John Donne)

No man is an island
Entire of itself.
Each is a piece of the continent,
A part of the main.
If a clod be washed away by the sea,
Europe is the less…
Each man’s death diminishes me,
For I am involved in mankind.
Therefore, send not to know
For whom the bell tolls,
It tolls for thee.

------

Tiếng chuông gửi người
(Quốc Trung phỏng dịch)

Không ai - ốc đảo tự thân
Mỗi người ấy chính một phần thế gian
Ta là một giữa muôn vàn
Một phần của quả đất ngàn mến thương
Chẳng may, đất lở đại dương
Địa cầu bị khuyết, bị thương một phần
Chẳng may, ai đó vãn phần
Lòng ta cũng nhói, bần thần, xót xa
Bởi người xa lạ với ta
Cùng chung máu đỏ một nhà thế gian
Thế nên, mượn tiếng chuông vang
Đánh lên một tiếng tỏa lan xa gần
Cho người dẫu lạ hay thân
Cùng nghe được tiêng chuông ngân đồng đều…

Friday, August 6, 2010

Vietnam competitiveness in 2009



Compared with last year (2008), Vietnam competitiveness has been improved in most factors. The overall mark of Vietnam in 2009 increases to 38.2 (rank 42) from 34.5 (rank 48) of 2008. However, 2 lowest factors fall into Education (rank 48) and Science&Technology (rank 49). This trend shows an unsustainable development of Vietnam. So that, the most important problem for Vietnam at this time is how to improve the quality of education and scientific research.

(Data source: Japan Center for Economic Research - http://www.jcer.or.jp/eng/pdf/potential2009appendix.pdf)

Saturday, July 24, 2010

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ (5)

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ

Hội 8

Chưng ấy :
Chỉn xá tua rèn;
Chớ nên tuyệt học.
Lay ý thức, chớ chấp trằng trằng;
Nén niềm vọng, mựa còn xóc xóc.
Công danh mảng đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ;
Phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cốc.
Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu;
Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc.
Rèn lòng làm Bụt, chỉn xá tua một sức dồi mài;
Đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lựa lọc.
Xem kinh đọc lục, làm cho bằng thửa thấy thửa hay;
Trọng Bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc.
Cùng nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo;
Rất thửa cơ quan, mựa còn để tám hơi lọt lọc.

Hội 9

Vậy cho hay :
Cơ quan Tổ giáo;
Tuy khác nhiều đàng,
Chẳng cách mấy gang.
Chỉn xá nói từ sau Mã Tổ;
Ắt đã quên thuở trước Tiêu Hoàng.
Công đức toàn vô, tính chấp si càng thêm lỗi;
Khuếch nhiên bất thức, tai ngu mảng ắt còn vang.
Sanh Thiên Trúc, chết Thiếu Lâm, chôn dối chân non Hùng Nhĩ;
Thân bồ đề, lòng minh kính, bài giơ mặt vách hành lang.
Vương lão chém mèo, lạt trẩy lòng ngừa thủ tọa;
Thầy Hồ khua chó, trỏ xem trí nhẹ con giàng.
Chợ Lư Lăng gạo mắc quá ư, chẳng cho mà cả;
Sở Thạch Đầu đá trơn hết tấc, khôn đến thưa đang.
Phá Táo cất cờ, đạp xuống dấu thiêng thần miếu;
Câu Chi day ngón, dùng đòi nếp cũ ông ang.
Lưỡi gươm Lâm Tế, nạng Bí Ma, trước nạp tăng no dầu tự tại;
Sư tử ông Đoan, trâu thầy Hựu, răn đàn việt hượm xá nghênh ngang.
Đưa phiến tử, cất trúc bề, nghiệm kẻ học cơ quan nhẹ nhẵn;
Xô hòn cầu, cầm mộc thược, bạn thiền hòa chước móc khoe khoang.
Thuyền tử rà chèo, dòng xanh chửa cho tịn tẩy;
Đạo ngô múa hốt, càn ma dường thấy quái quàng.
Rồng Yển lão nuốt càn khôn, ta xem chỉn lệ ;
Rắn ông Tồn ngang thế giới, người thấy ắt giang.
Cây bách là lòng, thác ra trước phải phương Thái Bạch;
Bính Đinh thuộc hỏa, lại trở sau lỗi hướng Thiên Cang.
Trà Triệu lão, bánh Thiều Dương, bầy thiền tử hãy còn đói khát;
Ruộng Tào Khê, vườn Thiếu Thất, chúng nạp tăng những để lưu hoang.
Gieo bó củi, nẩy bông đèn, nhân mang mới nát;
Lộc đào hoa, nghe tiếng trúc, mặc vẻ mà sang.

Hội 10

Tượng chúng ấy,
Cốc một chân không;
Dùng đòi căn khí.
Nhân lòng ta vướng chấp khôn thông;
Há cơ Tổ nay còn thửa bí.
Chúng tiểu thừa cốc hay chửa đến, Bụt xá ngăn bảo sở hóa thành;
Đấng thượng sĩ chứng thực mà nên, ai ghẽ có sơn lâm thành thị.
Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao;
Chiền vắng am thanh, chỉn thực cảnh đạo nhân du hí.
Ngựa cao tán cả, Diêm vương nào kể đứa nghênh ngang;
Gác ngọc lầu vàng, ngục tốt thiếu chi người yêu quý.
Chuộng công danh, lồng nhân ngã, thực ấy phàm phu;
Say đạo đức, dời thân tâm, định nên thánh trí.
Mày ngang mũi dọc, tướng tuy lạ xem ắt bẵng nhau;
Mặt thánh lòng phàm, thực cách nhẫn vàn vàn thiên lý.

Kệ rằng :

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

------

VUI ĐẠO CÕI TRẦN

Hồi thứ 8

Vậy nên hãy khá tu rèn,
Chớ nên sao lãng, bỏ đèn huệ tâm,
Chuyển ý thức, chớ chấp lầm,
Vọng tâm xả bỏ, dứt mầm lao xao.

Đường công danh, biết bao người mãi,
Tuệ phúc tu, mới phải người hay,
Dựng cầu, xây tháp, siêng thay,
Từ bi, hỷ xả, ngày ngày tụng kinh.

Chuyên sức tu, rèn mình làm Bụt,
Tốn nhiều phen lựa lọc đãi vàng,
Theo kinh, tu chứng rõ ràng,
Tu theo gương Bụt, lỗi càng sạch trơn.

Không lo ngại, khởi tình thương,
Nói làm như nhất – tâm thường an vui,
Việc làm chuyên nhất không lùi,
Tu thân, tu ý, chẳng lui bao giờ.

Hồi thứ 9

Cho hay lời dạy khác nhau,
Tổ sư một ý, khác nào mấy gang.

Nhớ sự tích Tiêu Hoàng ngày trước,
Lời tổ sư, công đức đều không ,
Từ sau Mã Tổ rất đông,
“Nhân tâm trực chỉ…”, vẫn trong ý này.

Sanh Thiên Trúc, chết Thiếu Lâm, giả chôn chân núi Hùng Nhĩ [1];
“Thân bồ đề, lòng minh kính” [2], viết lên mặt vách hành lang.
Vương lão chém mèo [3], để thử lòng ngừa thủ tọa;
Thầy Hồ khua chó, chỉ xem trí nhẹ cháu con.
Chợ Lư Lăng gạo mắc quá ư, chẳng cho mặc cả;
Chốn Thạch Đầu đá trơn quá sức, khó đến hỏi han.
Phá bếp dẹp cờ, đạp xuống dấu thiêng thần miếu;
Câu Chi giơ ngón, dùng theo nếp cũ ông cha.
Lưỡi gươm Lâm Tế, nạng Bí Ma, trước tăng sĩ tùy nghi tự tại;
Sư tử ông Đoan, trâu thầy Hựu, răn phật tử chớ nghênh ngang.
Đưa cây quạt, ném thiền trượng, nghiệm kẻ học lòng nhẹ nhẵn;
Xô quả cầu, cầm gáo gỗ, bạn thiền cùng khoe mưu chước.
Thuyền Tử đánh chèo, dòng xanh vẫn chưa rửa sạch;
Đạo ngô múa hốt, càn ma dường thấy quái lạ.
Rồng lão Yển nuốt trời đất, ta xem chỉ sợ;
Rắn ông Tồn ngang thế giới, người thấy ắt đồn đại.
Cây bách phía trước, nghĩa đằng tây lại hiểu đằng đông;
Bính Đinh thuộc hỏa, Phật phương nam lại tìm phương bắc.
Trà Triệu lão, bánh Thiều Dương, bầy thiền tử còn đói khát;
Ruộng Tào Khê, vườn Thiếu Thất, chúng tăng vẫn để lưu hoang.

Gieo củi, nẩy đèn, tham mới ngộ,
Nhìn đào, nghe trúc, tỏ đúng thời,
Mới hay mê ngộ trong đời,
“Kiến tánh thành Phật”, ấy lời tổ sư.

Hồi thứ 10

Những việc ấy chỉ cùng chân lý
Đại chúng mê, căn trí không đồng
Do lòng vướng chấp khôn thông,
Chứ đâu phải tổ hẹp lòng giấu ta.

Chúng tiểu thừa trí căn còn cạn,
Bụt khuyến tu, chỉ dẫn hóa thành.
Thượng căn, trí sáng tâm nhanh,
Đâu cần phân biệt thị thành, sơn lâm.

Núi hoang vắng, là nơi tu đạo;
Chùa tịnh thanh, chỗ đạo nhân tìm.
Diêm vương nào kể áo xiêm,
Lầu son đâu thoát, nổi chìm tử vong.

Hình tướng khác, thực ra chẳng khác
Lòng phàm phu, mới khác thánh hiền
Phàm phu – nhân ngã, bạc tiền,
Thánh nhân – tu đạo, vui miền trí chơn.

Kệ rằng :

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Nếu đói thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà đầy báu, thôi tìm kiếm,
Trước cảnh vô tâm, khỏi hỏi thiền.

------

[1] Nói về sự tích Tổ Bồ Đề Đạt Ma, người đưa Thiền tông từ Ấn Độ vào Trung Hoa, đồng thời cũng là tổ sư của võ phái Thiếu Lâm. Theo truyền thuyết, sau khi ngài mất, đem chôn ở chân núi Hùng Nhĩ. Sau đó, có người thương buôn về bảo đã gặp ngài giữa đường, trên tay quãy 1 chiếc dép. Mọi người thấy lạ, cho lệnh đào mộ ngài lên, thì chỉ thấy trong quan tài có 1 chiếc dép mà thôi.
[2] Nói về sự tích Lục tổ Huệ Năng. Khi Ngũ tổ muốn truyền y bát, ngài nói với các đệ tử, mỗi người làm một bài thơ, nếu ai chứng ngộ thì sẽ được kế tục sự nghiệp của ngài. Một đệ tử lớn lúc đó là Thần Tú đã làm 1 bài thơ, nhưng không dám trình, bèn viết lên vách, với nội dung "Thân như cội bồ đề, Tâm như đài gương sáng, Ngày ngày năng lau chùi, Đừng để cho bụi dính". Ngài Huệ Năng lúc đó đang giã gạo trong bếp, nghe được bài thơ trên, biết người viết chưa tỏ ngộ, bèn nhờ 1 người viết dùm 1 bài bên cạnh, với nội dung "Bồ đề vốn không thân, Gương sáng đâu cần đài, Xưa nay không một vật, Chỗ nào vướng trần ai?". Cuối cùng, Huệ Năng được trao y bát từ Ngũ tổ, trở thành tổ sư thiền đời thứ 6 của thiền tông Trung Hoa.
[3] Toàn bộ đoạn này nói về các điển tích Thiền học, xem thêm trong Nửa Ngày Của Thái Thượng Hoàng, Nhật Quang, NXB.Tổng Hợp Tp.HCM.

(hết)

Thursday, July 22, 2010

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ (4)

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ

Hội 6

Thật thế!
Hãy xá vô tâm;
Tự nhiên hợp đạo.
Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm;
Đạt một lòng thì thông tổ giáo.
Nhận văn giải nghĩa, lạc lài nên thiền khách bơ vơ;
Chứng lý tri cơ, cứng cát phải nạp tăng khôn khéo.
Han hữu lậu, han vô lậu, bảo cho hay : the lọt, duộc thưng;
Hỏi đại thừa, hỏi tiểu thừa, thưa thẳng tắt : lòi tiền, tơ gáo.
Nhận biết làu làu lòng vốn, chẳng ngại bề thời tiết nhân duyên;
Chùi cho vặc vặc tánh gương, nào có nhuốm căn trần huyên náo.
Vàng chưa hết quặng, xá tua chín phen đúc, chín phen rèn;
Lộc chẳng còn tham, miễn được một thì chay, một thì cháo.
Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm;
Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới Trượng phu trung hiếu.
Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân;
Học đạo thờ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo.

Hội 7

Vậy mới hay;
Phép Bụt trọng thay;
Rèn mới cốc hay.
Vô minh hết, bồ đề thêm sáng;
Phiền não rồi, đạo đức càng say.
Xem phỏng lòng kinh, lời Bụt thốt dễ cho thấy dấu;
Học đòi cơ tổ, sá thiền không khôn chút biết nơi.
Cùng căn bản, rủa trần duyên, mựa để mấy hào ly đương mặt;
Ngã thắng chàng, viên tri kiến, chớ cho còn họa trữ cong tay.
Buông lửa giác ngộ, đốt hoại thảy rừng tà ngày trước;
Cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tánh thức thuở nay.
Vâng ơn Thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo;
Mến đức Cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay.
Cảm đức từ bi, để nhiều kiếp nguyền cho thân cận;
Đội ơn cứu độ, nát muôn thân thà chịu đắng cay.
Nghĩa hãy nhớ, đạo chẳng quên, hương hoa cúng xem còn nên thảo;
Miệng rằng tin, lòng lại lỗi, vàng ngọc thờ cũng chửa hết ngay.


------


VUI ĐẠO CÕI TRẦN

Hồi thứ 6

Hãy vô tâm, tự nhiên hợp đạo
Ấy thật là lẽ đạo xưa nay
Lặng tâm, ba nghiệp [1] dừng ngay
Một lòng chánh niệm, lời đây tổ truyền.

Tìm giải nghĩa, khách thiền lạc lối
Khéo tri cơ, cứng cỏi – tổ xưa,
Hữu, vô [2] hỏi, đáp : gáo dừa,
Cỗ xe lớn nhỏ [3], rằng thưa : dây thừng.

Lòng ngay thẳng, nhân duyên chẳng ngại,
Tánh như gương, nào phải bụi trần,
Quặng vàng rèn giũa bao lần,
Cháo cơm qua bửa, chuyên cần, không lay.

Trang nghiêm tịnh giới trong ngoài
Hành bồ tát đạo, thảo ngay, trung hiền,
Nát thân, kén bạn tham thiền
Nhớ ơn nghĩa nặng, trao truyền tổ sư.

Hồi thứ 7

Mới hay phép Phật nhiệm màu,
Xóa tan phiền não, khá mau tu rèn
Vô minh hết, sạch bóng đen,
Bồ đề tỏa sáng, ngọn đèn đạo tâm.

Xem kinh, lời Phật cao thâm,
Truyện xưa, cơ tổ, khó tầm ý sâu.
Trần duyên chớ để tâm sầu,
Chủ mình, tỉnh thức, chỗ đâu họa vào ?

Lửa giác ngộ, đốt bao tà vạy,
Kiếm tuệ căn, quét thảy thức tình,
Thờ thầy, học đạo, sửa mình,
Đền ơn cha mẹ, chúng sinh bao đời.

Cảm đức Bụt, nguyện mong gần mãi,
Đội ơn ngài, dù phải đắng cay,
Gìn đạo nghĩa, sống thảo ngay,
Nói làm như một – quý thay ngọc vàng.

------
[1] Ba nghiệp : là các nghiệp tạo ra trong đời sống, gồm : thân nghiệp (hành động), khẩu nghiệp (lời nói), ý nghiệp (suy nghĩ).
[2] Hữu, vô : hữu lậu, vô lậu. Chỉ mức độ tu chứng cao thấp, thoát khỏi các tập khí phiền não nhiều hay ít.
[3] Cỗ xe lớn, nhỏ : tiểu thừa, đại thừa. Vì phương tiện mà chia pháp lớn, nhỏ, chứ thật sự chỉ có 1 Phật thừa. Ở đây dùng những hình ảnh như gáo dừa, dây thừng để chỉ đó chỉ là phương tiện, mục đích chính là để múc được nước.

(còn tiếp)

Sunday, July 18, 2010

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ (3)

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ

Hội 4


Tin xem;
Miễn cốc một lòng ;
Thì rồi mọi hoặc.
Chuyển tam độc mới chứng tam thân;
Đoạn lục căn nên trừ lục tặc.
Tìm đường hoán cốt, chỉn xá năng phục dược luyện đan;
Hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.
Biết chân như, tin Bát Nhã, chớ còn tìm Phật tổ tây đông;
Chứng thực tướng, ngỏ Vô Vi, nào nhọc hỏi kinh thiền nam bắc.
Xem Tam Tạng giáo, ắt học đòi Thiền Uyển thanh quy;
Đốt ngũ phần hương, chẳng tốn đến chiên đàn, chiêm bặc.
Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca;
Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thật ấy là Di Lặc.

Hội 5

Vậy mới hay!
Bụt ở cong nhà;
Chẳng phải tìm xa.
Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt;
Đến cốc hay chỉn Bụt là ta.
Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãng cong quê Hà hữu ;
Kinh xem ba bận, ngồi ngơi mái quốc Tân la ;
Trọng đạo nghĩa, khoảng cơ quan, đà lọt lẫn trường kinh cửa tổ;
Lánh thị phi, ghê thanh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa.
Đức Bụt từ bi, mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận;
Ơn Nghiêu khoáng cả, lọt toàn thân phô việc đã tha.
Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể ;
Cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa.
Ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội;
Lẫy tam huyền, nong tam yếu, một cắt một ma.
Cầm vốn thiếu huyền, xá đàn dấu xoang vô sinh khúc;
Địch chăng có lỗ, cũng bấm chơi xướng thái bình ca.
Lẫy cội tìm cành, còn khá tiếc Câu Chi trưởng lão;
Quay đầu chấp bóng, ắt kham cười Diễn Nhã Đạt Đa.
Lọt quyện kim cương, há mặt hầu thông nên nóng;
Nuốt bồng lật cức, nào tay phải xước tượng da.

------

VUI ĐẠO CÕI TRẦN

Hồi thứ 4


Lòng tin, một niệm chẳng lay
Bao nhiêu lậu hoặc [1], từ nay chẳng còn.

Trừ tam độc [2], lục căn [3] là giặc
Chứng tam thân [4], lục tặc [5] dẹp tan
Sống lâu thì phải luyện đan
Chân không, chẳng ngại lánh đàng sắc thanh

Khi đã biết chân như, Bát Nhã [6]
Phật chẳng tìm vất vả đông tây,
Vô Vi [7] thực tướng đã bày,
Kinh thiền nam bắc chốn này khác đâu.

Ba tàng [8] kinh sách thuộc làu,
Thanh quy Thiền Uyển mau mau thực hành;
Hương ngũ giới [9] đã đốt thành,
Không chiên đàn, vẫn sáng danh nhà thiền.

Nghĩa nhân, đạo đức giữ gìn,
Thích Ca [10], ấy chính lòng mình chẳng sai.
Chẳng tham, giữ giới không lay
Đó là Di Lặc [11] - tương lai trong mình.


Hồi thứ 5

Mới hay Bụt ở trong nhà,
Chẳng cần lặn lội phương xa kiếm tìm,
Vì quên mất Bụt trong tim
Chính ta là Bụt, lặng im hiểu rồi !

Thiền [12] đã rõ, thảnh thơi khắp chốn
Nhà nơi đâu ? Quê vốn nơi đâu ?
Kinh xem ba bận thuộc làu,
Nghỉ ngơi mé nước, khác đâu thiên đường.

Trọng đạo nghĩa, lòng thường rộng mở
Nghĩa tổ sư, chính ở nơi này,
Thị phi, thanh sắc – ghê thay
Liễu hoa, e ngại – giới này chớ buông.

Đức từ phụ [13], nguyền mong thân cận,
Nhờ ơn trời được vận hanh thông.
Cà sa [14] áo vá ấm lòng,
Cháo cơm đạm bạc chẳng mong thêm gì.

Ngăn tám thức [15], tám cơn gió lớn [16],
Trau dồi ba yếu [17], đờn ba dây
Vô sinh khúc, thích đờn thay,
Thiếu dây, không lỗ – khúc hay thái bình.

Câu Chi [18] bỏ gốc tìm cành
Đạt Đa [19] chấp bóng, sử xanh chê cười.
Kim cương - rõ mặt muôn đời,
Dây gai chẳng xước, tay người biết tu.

---

[1] Lậu hoặc : là các tập khí phiền não, hoặc vọng nghiệp còn rơi rớt lại, hay nói đơn giản hơn là các tâm niệm xấu, ác còn chưa dứt, có thể dễ thấy hoặc khó thấy, mà người Phật tử cần phải dứt trừ mới bước lên địa vị Phật được.
[2] Tam độc : Tham lam (muốn tất cả là của mình), Sân giận (nổi nóng đối với việc không vừa ý), Si mê (ngu tối, không phân biệt thiện ác, tốt xấu)
[3] Lục căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý – là các đối tượng căn bản (của cơ thể) tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Nếu sống buông lung thì đây là sáu cửa ngõ để dẫn giặc vào nhà.
[4] Tam thân : một người khi đã chứng ngộ, sẽ đạt được 3 loại thân là : Pháp thân, Báo thân và Hóa thân.
[5] Lục tặc : để chỉ 6 tên giặc (tâm niệm xấu, ác) ảnh hưởng đến tâm từ 6 căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
[6] Bát Nhã : hay còn gọi Trí tuệ Bát nhã là để chỉ sự hiểu biết lớn, hiểu rõ ràng, đúng đắn vê vạn pháp (chân lý).
[7] Vô Vi : không giới hạn trong 1 phạm vi nào, đôi khi được hiểu đồng nghĩa như vô ngã, nghĩa là trong vũ trụ này, không vật nào tồn tại bất biến theo thời gian.
[8] Ba tàng kinh : tam tạng kinh điển là chỉ kinh sách của Phật được các để tử kết tập, ghi lại, gồm : Kinh, Luật, Luận.
[9] Ngũ giới hương: còn gọi ngũ phần hương, chỉ năm loại hương thơm mà chỉ người tu hành thanh tịnh, giải thoát mới có, gồm : giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương và giải thoát tri kiến hương.
[10] Thích Ca : là Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, người giác ngộ thành Phật tại Ấn Độ cách đây trên 2500 năm và đem giáo lý từ bi, trí tuệ truyền dạy, lập nên Đạo Phật. Người được coi là giáo chủ của cõi ta bà (cõi thế gian hiện nay).
[11] Di Lặc : theo lời dạy của Phật Thích Ca, thì vào thời mạt pháp (sau Phật diệt độ khoảng 5000 năm), sẽ có 1 đức Phật ra đời hiệu là Di Lặc Tôn Phật, biểu tượng bằng hình “bụng phệ, miệng cười”, người sẽ tiếp tục công việc giáo hóa, độ sanh và trở thành giáo chủ của cõi tương lai đó.
[12] Thiền : hay thiền-na là một phương pháp tu tập của nhà Phật, được sử dụng khá phổ biến ngày nay. Thiền chú trọng vào việc an tĩnh tâm hồn bằng phương pháp ngồi thiền, định tâm, quán chiếu…
[13] Từ phụ : cha lành, là từ thường dùng để chỉ đức Phật Thích Ca Mâu Ni vì tình thương của người đối với chúng sanh.
[14] Cà sa : chỉ trang phục của các tăng sĩ Phật giáo.
[15] Tám thức : theo duy thức học của nhà Phật, con người nhận thức về thế giới xung quanh bằng 8 loại thức, gồm : nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức và alaya thức.
[16] Tám cơn gió lớn: hay Bát đại phong, là chỉ tám yếu tố làm ảnh hưởng nhiều và thường làm dao động tâm trí của chúng ta, gồm : thắng, thua, thành, bại, được, mất, khen, chê.
[17] Ba yếu : 3 điều quan yếu khi tu, là : thân, khẩu, ý.
[18] Câu Chi : Câu Chi trưởng lão, một nhân vật trong truyện thiền Phật giáo.
[19] Đạt Đa : Diến Nhã Đạt Đa, một nhân vật trong truyện thiền Phật giáo.

(còn tiếp)