Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Monday, February 5, 2018

Xuân Mậu Tuất – 2018

Xuân Mậu Tuất – 2018


Gà đi, Chó đến sủa gâu gâu
Tham nhũng, cướp ngày, chạy trốn đâu
Vơ vét của dân, rồi bỏ trốn
Ăn tàn đất nước, muốn ngồi lâu
Xuân mới, xua tan quân trộm cướp
Tết sang, dựng lại nghiệp xưa sau
Mong ai hữu chí cùng gắng sức
Đạo nhà xây lại, quyết cùng nhau…

PQT

Thursday, December 28, 2017

Dòng thời gian

Dòng thời gian


Thời gian ơi,
      Chậm chậm thôi
            Chờ ta với...

Đầu năm tất bật
Cuối năm tất bật
Cả năm vội vã
Lúc nào... cho ta?

Cuối năm sắp qua
Thôi đừng hối hả
Hãy buông, hãy xả
Lắng nhìn trong ta.

Một năm nhìn lại
Được gì mất gì?
Thêm gì bớt gì?
Hay là vẫn vậy?

Hãy ngồi thật yên
Ngẫm lại đời mình
Thời gian chớ vội
Giữ lấy niềm tin...

Có mà không đó
Được mất hơn thua
Trận cười trong gió
Đúng thật trò đùa

Thời gian bất tận
Đông rồi lại xuân
Tâm là điểm tựa
Vượt sóng hồng trần

Dòng trời gian trôi
Hãy hát cùng tôi
Bài ca bất tận
Xuân mãi muôn đời...

PQT - 28/12/2017






Sunday, December 24, 2017

Đạo Phật giữa lòng người Việt

Đạo Phật giữa lòng người Việt

(Lời bạt Sách Kiến Thiết Văn Minh Phật Giáo)

Đạo Phật với tâm hồn người dân Việt chúng ta đã bao đời gắn bó, như tế bào, như hơi thở, là tình tự dân tộc, từng chia ngọt sẻ bùi trong mọi bước thăng trầm lịch sử. Mỗi khi vận nước nguy nan, sóng to gió lớn, thì tinh thần bất khuất quật khởi của dân tộc lại như ngọn thủy triều dâng lên, thể hiện lòng yêu nước mà chiến đấu, đó cũng chính là tinh thần vô úy của đạo Phật; mỗi khi gặp nghịch cảnh, không thuận lợi cho việc phát triển đất nước và đạo pháp, thì đạp Phật vẫn tùy duyên bất biến, giữ vững niềm tin và đức vô úy, cũng như dùng trí tuệ Bát Nhã, xóa bỏ vô minh thù hận tham si, để cứu độ chúng sinh vượt khỏi sông mê.

Có khi, gặp thuận cảnh, thì đạo Phật lại tham gia triều chính, quốc sự... tùy duyên hóa độ, mở ra những trang sử vừa rực rỡ của chiến công, vừa đầy lòng nhân ái của tình người và đại nghĩa. Triều Lý nước ta đã có những vị chân tu làm quốc sư, các vị quan lại là Phật tử, kiến thiết đất nước, xây dựng nhân sinh quan trên tư tưởng đạo Phật làm cho đất nước được phú cường, nhân dân hạnh phúc. Triều Trần, nước ta có vị anh hùng, Trần Nhân Tông lại là một thiền sư đắc đạo, mở ra cả một giòng thiền... Văn hóa của đạo Phật và văn hóa của dân tộc ta gắn bó với nhau hơn bao giờ hết.

Không chỉ dừng lại trong hạnh từ bi hay lòng nhân nghĩa, mà tinh thần vô úy, đại hùng đại lực còn kết hợp với tình yêu đất nước đã khiến các triều đại này lập nên bao chiến công hiển hách, để lại cho con cháu niềm kiêu hãnh ngàn đời : đánh Tống bình Chiêm, mở mang bờ cõi... Ba lần phá tan đạo quân Nguyên hung hãn và tàn bạo bậc nhất trong lịch sử chiến tranh xâm lược của loài người.

Cũng từ cái nôi của thời văn hóa thăng hoa Lý Trần mà các trào lưu tư tưởng đã ra đời : Sự xuất hiện của hai phái Thiền Thảo Đường (dưới triều Lý), Thiền Trúc Lâm (dưới triều Trần)... cùng với các tác phẩm văn hóa tiêu biểu, như : Chiếu Dời Đô, Nam Quốc Sơn Hà, Hịch Tướng Sĩ, Khóa Hư Lục, Lĩnh Nam Chích Quái, Việt Điện U Linh Tập, Thiền Uyển Tập Anh... đã đánh dấu thời kỳ sáng tạo rực rỡ của văn hóa Việt. Không chỉ trên lĩnh vực tư tưởng, mà cả các tác phẩm binh thư võ công kiệt xuất, như : An Nam Hành Quân Pháp (đời Lý), Vạn Kiếp Bí Truyền Thư, Binh Thư Yếu Lược... (Trần Hưng Đạo), thể hiện sự độc sáng của dân Việt trên cơ sở tư tưởng đạo Phật, kết hợp cùng tinh thần Khổng và Lão giáo.

Thế cho nên không ai còn hoài nghi về sự gắn bó, thủy chung giữa tư tưởng đạo Phật và văn hóa Việt. Nó hòa quyện, chia sẻ với nhau trên suốt hành trình lịch sử, lúc nào đạo Phật hưng vượng thì đất nước được thái bình thịnh trị, lúc nào đạo Phật suy vi, gặp pháp nạn... thì vận nước cũng đảo điên.
Về nền văn học dân gian, chỉ xem qua kho tàng cổ tích Việt Nam (1), chắc không ai ngạc nhiên về hình ảnh của ông Bụt xuất hiện ở khắp mọi nơi, như một cái gì gần gũi gắn bó với tâm hồn Việt Nam từ rất sớm... Chỉ mỗi khi nguy nan, nhọc nhằn đau khổ, ức hiếp, bất công và tai nạn... thì ngọn gió từ bi trong lành, giọt nước cành dương tươi mát, lại xuất hiện trong mỗi hoạn nạn nhân gian để cứu khổn phò nguy, trừ tai giải họa... qua hình ảnh ông Bụt. Bụt trong Tấm Cám, Cây Tre Trăm Đốt, trong Chử Đồng Tử... và hầu hết các truyện cổ tích Việt Nam. Bụt khắp mọi nơi, trong nỗi đau khổ của nhân gian đều chờ đợi Bụt hiện ra... thật kỳ diệu lạ lùng...

Trong kho tàng ca dao có vô số câu dẫn chứng tư tưởng đạo Phật, về thuyết nhân quả, ở hiền gặp lành, làm ác gặp dữ, quả báo nhãn tiền, tu là cội phúc... chỉ cần dẫn một vài câu cũng chứa đủ cả triết lý thâm sâu lẫn thực hành ứng dụng:
Dẫu xây chín vạn phù đồ,
Không bằng làm phúc cứu cho một người
hoặc:
Không thờ lạy Phật trong nhà,
Lại đi thờ những quỷ ma ngoài đường.
hoặc:
Thứ nhất là tu tại gia
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa...

Theo các tài liệu nghiên cứu lịch sử gần đây, thì Đạo Phật đã đến với người Âu Lạc từ 240 năm trước Tây Lịch, vào thời đại Hùng Vương, qua các thương nhân Ấn Độ, Trung Á... bằng "con đường đồng cỏ", và các giòng sông Cửu Long (phát nguyên từ Tây Tạng), Hồng Hà, Hắc Giang... tiếp đó lại với "con đường hồ tiêu", trục lộ giao thông đường biển của các thương nhân vùng Địa Trung Hải, Trung Cận Đông, Ấn Độ sang buôn bán với Champa và người Giao Chỉ, sau đó đạo Phật mới đến bằng con đường lục địa từ Trung Quốc truyền sang... (2)

Thế cho nên, tư tưởng Phật đã mọc mầm bén rễ từ rất lâu đời, là nguồn trợ duyên đắc lực cho sự phát triển mọi mặt của nước ta.

Nhưng giòng sống Việt không phải lúc nào cũng thăng hoa, thuận lợi cho sự phát triển, mà bản thân xã hội ta, từ sau thế chiến, đang rơi vào một tình trạng phân hóa, diễn biến phức tạp. Qua bao biến chuyển của thời đại, giờ đây một thứ văn minh hình thức đang ngự trị : tư tưởng thực dụng chủ nghĩa, mâu thuẫn giữa các ý thức hệ ngoại lai, sự sùng bái đồng tiền và vật chất nói chung, lòng ham mê hư danh bổng lộc, sự đảo lộn cương thường, phong hóa, sự phủ nhận các giá trị truyền thống, sự tha hóa của cá nhân, xuống cấp nhân cách của con người thời đại... tất cả thực trạng đó, đòi hỏi mỗi người dân Việt phải tìm hiểu lại cội gốc tư tưởng tinh hoa Việt, uống lại suối nguồn của lòng yêu thương vô ngã, của tinh thần từ bi trí tuệ, xây dựng nhân cách cao thượng của đạo Phật, đạo lý Đông Phương... để tu dưỡng mình và nhập thế trong hoàn cảnh hiện tại, làm những nhân tố phát triển cho thời đại mới, thức tỉnh lòng người, và đốt lên ngọn lửa tâm trong lành tươi mát... cho đất nước, giang sơn Việt, để mong còn có cơ hội thịnh vượng, thăng hoa...

Điều đó, ta sẽ tìm thấy trong tập tiểu luận Kiến Thiết Văn Minh Phật Giáo của Thiền sư Thích Đức Nhuận.

Phạm Văn Cảnh, M.A.


Chú thích: (1) Kho tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam - Nguyễn Đổng Chi, NXB. KHXH, Hà Nội, 1972. (2) A Correlated History of The Far East - Maria Penkala - Tokyo, 1966.

Sunday, December 17, 2017

THẰNG ĐEN

THẰNG ĐEN

Quăng chiếc cặp táp lên bàn, tôi chạy thẳng vào nhà rót một ly nước mát uống ừng ực…khát quá…rồi tôi chạy thẳng ra nhà sau kiếm nó. Trong nhà, trước sau vắng lặng chẳng thấy bóng nó đâu, các em tôi còn đi học chưa về, chị và má tôi đang nấu nướng trong bếp. Mọi khi thấy tôi về đến là nó chạy đi rót nước cho tôi, rồi lăn xăn, tíu tít kể hết chuyện nầy đến chuyện khác ở nhà cho tôi nghe…nó đâu rồi nhỉ? Tôi chạy lên gác, cũng chẳng thấy nó, tôi ra sau nhà, tôi chạy ra con hẻm mà nó vẫn thường đứng xem bọn trẻ trong xóm tụ lại bắn bi, cũng chẳng thấy nó, tôi dáo dác nhìn trước, nhìn sau…rồi chạy vào bếp hỏi má tôi
– Nó đâu rồi má?
– Ai ?
– Thằng đen…
–À má nó đón rồi
–Dì Ba lên rồi hả má?
–Ừ, nhưng chỉ lên thăm nó một chút rồi về dưới…chắc là dì dẫn nó đi chơi đâu đó thôi…
Tôi thở phào, nhẹ nhỏm, chỉ sợ nó bỏ đi bởi vì nhớ má nó. Dì Ba, má nó, mướn nhà ở sát cạnh nhà tôi. Tuy chỉ là người hàng xóm nhưng má tôi thương dì như một người em ruột vậy…từ ngày dì về ở cái xóm Bà Hạt nầy, lũ trẻ trong xóm có thêm đề tài để đùa giỡn, trêu chọc…hàng ngày dì đi làm cho một nhà hàng ở đâu đó, còn thằng đen thì mới học lớp đệ thất, ngoài giờ đi học ở trường về, được mẹ dẫn theo, hoặc có khi gởi sang nhà tôi…Dì Ba ít khi cho nó chạy theo chơi với bọn trẻ trong xóm bỡi Dì không muốn nó bị trêu chọc…vậy mà nó vẫn bị bọn trẻ trêu chọc, trêu chọc thường xuyên một cách tội nghiệp…có lần, tôi chứng kiến nó bị một bọn trẻ con bao vây, đứa nắm tóc, đứa nắm tay, đứa kéo áo làm cho nó ngã lăn ra đất, vậy mà bọn trẻ cũng không tha, mỗi đứa một câu châm chọc:
–Ê…thằng tây đen…ba mầy đâu rồi?…
–Thằng Mỹ đen gớm ghiếc… mầy ở đâu đi lạc đến đây vậy?
–Ê, thằng chà và, mầy qua đây để học đá banh hả?
–Mầy dám đánh lộn tay đôi với tao không, thằng đen kia?
– Chấp…luôn cả má mầy nữa, dám hông…?
Nó chẳng nói chẳng rằng lăn xã vào thằng bé đó, hai đứa quần nhau tơi tả trong tiếng reo hò cổ vũ của bọn trẻ, khi mẹ nó và tôi chạy đến thì đứa nào đứa nấy mặt mũi cũng thâm tím, trầy xước, rướm máu, mẹ nó ôm con vừa khóc:
–Đi về, con…
–Sao mà đánh nhau dữ vậy, Tí ?
Tôi không gọi nó là thằng Đen như mọi người vẫn thường gọi, mà tôi thích gọi nó là thằng Tí một cách âu yếm như mẹ nó vẫn thường gọi nó như thế. Nó vừa gở tay mẹ ra vừa muốn xông vào đánh tiếp với thằng bé kia, vừa trả lời tôi:
–Tại nó gây sự với con trước, con đánh cho nó chừa cái tật hỗn hào với người lớn…
– Thôi con…nhịn nó một chút đi, cho nó ăn quen gặp người khác dữ hơn, người ta sẽ dạy nó…
–Không được, nó chọc con hoài, con cố nhịn nhưng nó cứ làm tới, lần nầy con phải cho nó biết tay
–Thôi, nghe lời mẹ đi cưng, để rồi chị mét má nó cho nó bị đòn…
–Em không cần mét, má nó bênh nó lắm… có mét cũng như không, em tự tay trừng trị nó cho nó bỏ cái tật chọc ghẹo người khác…
Nó gờm gờm nhìn lũ trẻ như thách đố. Thấy có người lớn, chúng bỏ chạy tản mác về nhà. Dì Ba chỉ biết phân trần với tôi:
–Cháu xem, chúng nó cứ chọc ghẹo thằng bé luôn…Dì đến khổ với chúng…
–Kệ chúng mà dì, chúng cũng là trẻ con thôi, lớn lên chúng sẽ hiểu…
Tôi cũng chỉ biết an ủi Dì như mẹ tôi mỗi lần Dì phiền muộn vì thằng Đen bị người khác trêu chọc, kỳ thị…và việc ấy cứ tái diễn luôn…Từ khi dì dọn nhà đến ở cái xóm nầy, hai mẹ con dì thường là đề tài cho các bà mẹ trong xóm ngồi lại thì thào nói chuyện với nhau. Họ xem hai mẹ con dì như một hiện tượng lạ của cái xóm nầy. Có những bà mẹ, tuy không phải là quí tộc nhưng cũng ra cái điều ta đây là loại người cao quí, không thích chơi với loại người vừa nghèo vừa điều tiếng như dì. Họ tụm năm, tụm ba mỗi khi xong việc cơm nước để nói chuyện người khác trong xóm, và dề tài của họ luôn là mẹ con dì, thằng đen thì luôn bị họ nhìn bằng cặp mắt khinh bỉ, họ cấm con mình không được chơi với nó dường như là sợ bị lây bệnh truyền nhiễm vậy. Có lẽ đó là nguyên do khiến cho thằng đen bị những đứa trẻ khác trong xóm kỳ thị và ghét bỏ…trẻ con thì biết gì, chỉ tại người lớn…đó là lời má tôi thường nói để an ủi dì mỗi khi dì sang nhà chơi và tỏ vẽ buồn tủi vì bị ghét bỏ, vì lở có một đứa con lai da đen…má tôi cũng không hỏi vì sao dì có nó, sợ động vào nỗi đau trong lòng dì, mặc nhiên má tôi coi đó là sự kiện bình thường của kiếp người. Ai mà chẳng một lần gặp hoạn nạn trong đời, vậy thì phải thương nhau không hết chứ soi mói nhau làm chi cho mình và người đều khổ?Dì thường khóc khi nghe má tôi nói thế. Má tôi cũng thường hay nói chuyện đời với dì, thường là những câu chuyện ngụ ý để an ủi dì…
Mấy hôm rày dì phải gởi thằng Đen sang nhà tôi.Mẹ dì ở dưới quê mất mà dì thì không muốn con bị họ hàng đàm tiếu nên dì không dẫn nó về. Nó cứ hỏi tôi tại sao mẹ không dẫn nó về đám tang bà ngoại? Tôi cũng chỉ biết giải thích với nó là tại vì em bận học, mẹ không muốn em phải nghỉ học mấy ngày vì bà ngoại mất. Nó thấy tôi hơi lúng túng nên cũng không dám hỏi thêm gì nữa, nhưng tôi nghĩ là nó có thể đoán ra vì sao mẹ không dẫn nó về.Nó có vẽ buồn rồi lẳng lặng đi ra ngoài sân thơ thẩn một mình bên mấy bụi hoa nguyệt quế của má tôi trồng …
Mấy hôm rày có những người lạ không biết ở đâu đến xóm để hỏi thăm về mẹ con thằng đen, má tôi phải tiếp họ vì bà con trong xóm cứ thấy hỏi thăm mẹ con nó là chỉ sang má tôi, làm như mẹ con dì là bà con ruột thịt của nhà tôi vậy. Mà quả có thế thật, má tôi xem dì chẳng khác gì người em gái ruột của mình, có món gì ngon cũng bảo tôi đem sang cho mẹ con dì. Thằng đen đau ốm, bệnh hoạn má tôi cũng trông nom, lo lắng không khác gì em ruột tôi, má tôi còn giữ dùm mỗi khi dì có việc hoặc về quê vài ngày… cho nên, nó cũng ra vào nhà tôi thường xuyên như nhà của mẹ nó vậy, các em tôi cũng không kỳ thị nó như những đứa trẻ khác trong xóm, chúng thương yêu, chơi thân với nhau như anh em một nhà. Đó là nhờ sự giáo dục của má tôi, bằng tình thương và lòng từ bi của một Phật tử thuần thành, má tôi thường dạy chúng tôi là trẻ con không được phân biệt đối xử với nhau vì như thế sẽ hình thành một quan niệm không tốt cho tới lớn, làm hao tổn từ tâm trong lòng mỗi người… chúng tôi không biết gì nhưng cũng ngoan ngoãn nghe lời má, riết rồi chúng tôi thấy việc thương người, giúp người như lời má dạy là bình thường, tự nhiên, là cần thiết như cơm ăn, áo mặc vậy…
Tôi lễ phép chào người đàn bà trông rất đẹp và sang trọng như một phu nhân của một chính khách nào đó. Bà ấy mỉm cười với tôi :
– Có má ở nhà không con ?
– Dạ, má con đi chợ chút xíu về liền… mời bà vào nhà uống nước đợi má con…
– Ừ, để bà tự nhiên, con bận làm gì thì cứ làm đi…
Tôi nhẹ nhàng đặt ly nước trà trên bàn cho bà khách rồi quay sang công việc của mình, với mớ rau cải tươi non chờ tôi lặt cho sạch sẽ để làm cơm trưa… Má tôi cũng vừa về đến, nhìn thấy bà khách, má tôi hơi ngạc nhiên, bỡi từ hồi nào tới giờ má tôi có người bạn nào đâu…suốt ngày “đầu tắt, mặt tối” với mớ nồi niêu soong chảo, với lũ con đủ mọi lứa tuổi còn nhỏ xíu “ ăn chưa no, lo chưa tới”, với mọi lo toan cơm, áo, gạo, tiền…thì còn rảnh rổi đâu để mà lui tới với bạn bè? Cho nên, má tôi nói họ cũng dần dần xa cách mình luôn, và cho đến giờ phút nầy, người bạn duy nhất còn lui tới với má tôi đó là má thằng đen. Nhìn bà khách tươi cười nhìn mình, má tôi hơi bở ngở:
– Chào bà…bà tìm tôi… có việc gì…?
Bà khách vồn vả nắm lấy tay má tôi:
–Em xin phép làm phiền bác một chút thôi ạ…
Gịong miền Bắc ngọt ngào, bà ấy kể lể đủ thứ, nào là gia đình chỉ có hai mẹ con, của ăn, của để không hết nhưng nay con bà muốn đi du học…nói chung, bà muốn má tôi nói với dì ba cho bà nhận thằng đen làm con nuôi hay con đẻ cũng được miễn là nó sẽ cùng đi với bà sang định cư ở nước ngoài, má tôi chỉ biết ậm ừ rồi hẹn ngày cho bà đến gặp dì ba và thằng đen, bỡi má tôi cũng chẳng biết tại sao bà ấy tử tế với mẹ con dì như vậy? Theo má tôi thì chắc là bà ấy ít con nên muốn nhận thêm con nuôi cho thằng bé có bầu có bạn cho vui…Dì ba tiếp bà ấy cũng bở ngở không kém má tôi vì đây là lần đầu dì được đối diện với một vấn đề khá phức tạp. Nếu như dì đồng ý, cuộc sống của hai mẹ con sẽ đổi khác ngay, con dì – thằng Đen – sẽ được đi nước ngoài với người mẹ nuôi giàu có ấy, tương lai nó sẽ được sáng sủa hơn…nhất là nó không phải bị sự kỳ thị, trêu chọc nhẫn tâm của chúng bạn ở cùng xóm nữa, dì Ba nghĩ đến điều đó nhiều nhất bỡi dì rất thương con, dì muốn cho thằng đen có cuộc sống bình thường như mọi đứa trẻ khác, bà khách hiểu được sự đắn đo của dì nên bà vui vẻ đứng lên :
– Dì ba cứ suy nghĩ cho kỹ đi nhé…bao giờ quyết định thì vui lòng gọi cho tôi, tôi sẽ chờ quyết định của dì…
– Chào bác… cám ơn bác…
Dì ba ấp úng nói lời cảm ơn mà vẫn tưởng như mình đang nằm mơ, sự việc thật quá bất ngờ ngoài trí tưởng tượng của dì. Chưa bao giờ dì dám mơ tưởng đến việc cho con đi học nước ngoài cả, bỡi cuộc sống khó khăn, nghèo túng thường xuyên khiến cho dì quên cả việc thằng đen không phải là đứa trẻ bình thường.Với dòng máu lai thể hiện qua màu da của nó đã luôn là đề tài cho mọi người đàm tiếu cuộc sống của dì. Gia đình không chấp nhận, bạn bè xa lánh, xóm giềng chẳng mấy ai lui tới…xem như dì bị cô lập trong cái thế giới của riêng hai mẹ con. Khi dì đến ở cái xóm nầy, ai cũng thắc mắc về đứa con không cha mang màu da đen của dì nhưng có cạy răng dì cũng không chịu nói. Dì im lặng dấu cái quá khứ đau buồn của mình, không hề tâm sự với ai, ngay cả với mẹ tôi là người dì thương yêu và tin tưởng không kém gì người thân trong gia đình…Bà khách ra về đã lâu mà tôi thấy dì hãy còn ngồi thừ người, bàng hoàng với những gì đã và đang buộc dì phải suy nghĩ cặn kẻ để quyết định cho mình một hướng đi mới…
Những ngày sau đó, tôi thấy dì buồn ghê lắm bỡi nếu quyết định thì ngay bây giờ dì phải xa con một thời gian không biết đến bao giờ mới gặp lại, dì cũng biết là bà khách sở dĩ đi tìm một đứa con da đen để nhận làm con, chỉ là vì chế độ ăn theo diện con lai để cả gia đình bà được đi nước ngoài mà thôi, một sự trao đổi có điều kiện, không biết trong thời gian vắng mặt dì, thằng đen có được họ đối xử tử tế không?Nó mới mười hai tuổi đầu đã biết gì về lòng người để mà ăn ở cho vừa lòng họ, rồi thì…bao nhiêu chuyện phức tạp khác nữa…nhưng nếu dì không đồng ý thì hai mẹ con cứ phải sống chui rúc trong cái xóm nhỏ hẹp nầy để mà tập tính nhẫn nhục cho đến hết một đời người ư ? Dì thì không sao nhưng thằng đen thì dì muốn cho nó có một cuộc sống khác tốt đẹp hơn, dù hoàn cảnh ra đời của nó chỉ làm cho dì tủi nhục mỗi khi nhớ lại những ngày còn làm công ở một khách sạn mà thôi…bây giờ có dịp để cho con mình có thể thay đổi cuộc sống tại sao dì không có can đảm dứt khoát một lần?Dì hỏi ý kiến má tôi:
–Chị thấy thế nào? Em có nên cho thằng đen làm con họ để nó được đi nước ngoài không?
Má tôi cũng đắn đo không kém:
–Ờ nếu nó đi được thì cũng hay…bây giờ người ta đang tìm mọi cách để được đi nước ngoài, mình có dịp may như thế cũng nên đi cho biết. Ông bà mình thường nói: đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn, dì đừng lo, rồi mai mốt nó lớn, học thành tài, nó sẽ trở về đón mẹ cho mà xem…
Dì rưng rưng nước mắt:
– Chỉ sợ những ngày không có em, không biết người ta đối xữ với nó có tốt không?
–Chắc cũng không đến nổi nào vì cũng nhờ nó mà gia đình họ được đi chính thức không phải vượt biên đầy nguy hiểm, nên tôi nghĩ họ phải biết điều với nó, vả lại nó cũng lớn rồi, nếu có gì nó sẽ gởi thư báo với dì, lúc đo mình sẽ tính tiếp…
Được sự đồng tình của má tôi dì can đảm nhận lời của bà khách. Khi thằng đen biết được quyết định của má nó, nó khóc quá chừng, nó không chịu đi nếu như không có má nó ở bên cạnh, dì dỗ thế nào nó cũng không chịu và dọa sẽ bỏ nhà đi bụi đời nếu như dì ép buộc nó phải ra đi nước ngoài với một gia đình lạ hoắc.Dì không biết làm cách nào khác hơn là đành nói thật với bà khách để từ chối lòng tốt của người ta…kể từ hôm đó tôi thấy thằng đen ngoan ngoãn lạ thường, chắc là nó sợ làm mẹ buồn lòng vì không nghe theo tính toán của mẹ, làm mất đi dịp may hiếm có trong đời để mẹ và nó có thể thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn hiện tại…
Rồi một hôm bà khách tốt bụng trở lại, lần nầy bà nhận cho cả hai mẹ con cùng đi nhưng dì đi với tư cách là mẹ của hai đứa con trai khác màu da, có nghĩa là dì phải nhận cậu bé con của bà khách là con trai của mình, sang bên ấy cậu bé có người thân ra đón là dì hoàn tất nhiệm vụ… lần nầy thì cả hai mẹ con dì cùng vui vì không phải xa nhau mà còn có thể thay đổi cuộc sống dễ chịu hơn…dì cám ơn bà khách đã đem đến dịp may cho mẹ con mình hết lời và tự hứa sẽ làm bất cứ điều gì nếu như bà khách yêu cầu. Ngày hai mẹ con dì lên đường, trong xóm không ai đưa tiễn, chỉ có má tôi là thức với dì suốt đêm đó để tâm sự, rồi hai mẹ con lặng lẽ ra đi không ai hay biết. Thỉnh thoảng lối xóm có hỏi thì má tôi chỉ nói là mẹ con dì đã về quê lập nghiệp…
Thoắt chốc mà đã hai mươi năm trôi qua, má tôi mất cũng đã gần mười năm, cuộc đời cứ lặng lẽ trôi như tự bao giờ vẫn thế, con người vẫn cứ được sinh ra, lớn lên, quay tròn theo cuộc sống, trong cuộc mưu sinh chìm nổi của cả một đời người rồi lặng chìm vào hư vô hay trở lại để tiếp tục trò chơi muôn thuở của kiếp người ? không ai biết, chỉ biết rằng cuộc sống cứ đi tới và con người thì vẫn phải tiếp tục sống để vươn lên, vươn lên mãi…như cỏ cây, dù có bị sinh ra nơi heo hút, nơi hang cùng, hố thẳm vẫn cứ cố gắng vươn thẳng lên để đón ánh mặt trời… Một hôm tôi lên chùa, hôm ấy chùa đông vui lạ thường bỡi vì có phái đoàn của một thiền sư từ nước ngoài về thăm quê, trong đoàn có rất nhiều sư và ni người nước ngoài về theo. Ai cũng thấy lạ nên kéo đến chùa rất đông để xem và nghe thuyết pháp…tôi cũng không dằn được lòng hiếu kỳ nên cũng cố gắng chen cho được vào tận trong chánh điện để được xem và nghe họ nói chuyện…có một nhà sư, người da đen, cứ khiến tôi chú ý mãi – trông ông ấy rất quen – tôi đột nhiên nhớ đến thằng đen, con của dì ba mà lòng cứ ngờ ngợ nhưng không dám và cũng không có dịp đến gần để hỏi cho ra lẽ…có thể nào chính là nó không ? cũng có thể, nhưng thời gian qua đã lâu biết nó có còn nhớ về cái xóm Bà Hạt nhỏ bé cùng với những người bạn thuở ấu thơ ? vả lại bây giờ trong hình thức là một nhà sư khả kính, thì ai mà dám nhìn nó là người bạn ngày xưa nữa cơ chứ. Tôi chợt giật mình khi thoáng thấy ở một góc khuất nào đó, có một bà lão với dáng dấp rất giống dì ba đang chăm chú lắng nghe thuyết pháp - đúng là dì ấy rồi - tôi không thể nào lầm lẩn được – dù đi đâu, ở đâu và thời gian có xa cách bao nhiêu năm đi nữa tôi cũng không bao giờ quên được mẹ con dì ấy… tôi cũng hơi ngạc nhiên không biết hoàn cảnh nào đã đưa đẩy mẹ con dì đến với Phật pháp nhưng tôi hiểu được trong cuộc đời nầy điều gì cũng có thể xãy ra một khi hội đủ nhân duyên…

VÂN HÀ (TTHA) - Trich Truyen ngan Van Ha (tap 3)

Thursday, November 9, 2017

Tình thầy trò

Tình thầy trò

Thầy trò - ân nghĩa trong đời
Truyền trao tri thức, sáng ngời tương lai
Mở ra đường lớn ngày mai
Giúp trò sáng trí, rèn tài, luyện tâm

Ai ơi, ghi khắc trong tâm
Giữ gìn nhân nghĩa, âm thầm thầy trao
Duyên thầy - trò đẹp xiết bao
Nếu không biết giữ, trò nào giỏi giang?

Ai mà trân trọng, mở mang
Tình thầy luôn sáng ngời trang thánh hiền
Ai mà xem nhẹ lời khuyên
Làm sao sáng tỏ đôi miền giả chơn?

Ngày nay tiền bạc trọng hơn
Xã hội điên đảo, trò lờn thầy cô...
Lời hay giảng mãi chẳng vô
Đạo tình đâu nữa, nhấp nhô sóng vờn...

Quay đầu tỉnh giấc thì hơn
Lời xưa ôn lại, tiếng đờn ngân xa
Tình thầy, trân trọng trong ta
Sáng hoài tâm trí, nở hoa sớm chiều

"Muốn sang thì bắt cầu kiều
Muốn cho hay chữ thì yêu mến thầy"
Lời xưa đọng lại hôm nay
Tình thầy trò đó, còn đầy trong tim...

PQT - 11/2017




Monday, October 9, 2017

Chuyện con chó



 



Chuyện con chó

Thuở xưa, khi vua Brahamadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát do duyên hành động lợi ích cho bà con như vậy, được sanh làm con chó đầu đàn rất thông minh, sống trong một nghĩa địa lớn với đàn chó hàng trăm con vây quanh.
Một hôm, vua ngự lên xe được trang hoàng đẹp đẽ, được kéo bởi những con ngựa Sindh giống quý, đi đến khu vườn, trọn ngày vui chơi tại đấy, và khi mặt trời lặn, vua mới trở về thành. Yên cương của xe vẫn mắc vào xe, và quân hầu để xe trong sân hoàng cung trọn đêm. Ban đêm, trời mưa, yên cương bị ướt. Các con chó nhà vua thuộc nòi giống tốt, từ trên lầu đi xuống, nhai ăn da và dây cương chiếc xe ấy. Hôm sau, họ báo cáo với vua:
- Thưa Thiên tử, từ những miệng cống chui vào, các con chó đã nhai ăn da và dây cương chiếc xe.
Vua nổi giận, ra lệnh giết tất cả chó mà họ thấy được. Từ đấy trở đi, khởi lên tai nạn lớn cho loài chó. Chúng chạy trốn vào nghĩa địa và đến bên cạnh Bồ-tát. Bồ-tát hỏi:
- Các con tụ họp đông ở đây vì duyên cớ gì?
Chúng đáp:
- Trong nội thành, da và dây cương của chiếc xe vua bị chó nhai ăn. Vua tức giận ra lệnh tàn sát chúng con. Nhiều anh em con bị giết hại. Cuộc khủng bố lớn đã khởi lên.
Bồ-tát suy nghĩ: "Tại một chỗ được bảo vệ như vậy, các con chó ở ngoài không có cơ hội để vào. Ðây là việc làm của đàn chó giống tốt trong nội cung. Nay những con có tội không gặp việc gì, còn những con vô tội lại bị giết. Ta hãy cho vua thấy những con chó có tội kia và cứu mạng sống cho bà con vô tội của ta.
Bồ-tát an ủi:
- Các con chớ sợ, ta sẽ làm cho các con hết sợ hãi. Hãy chờ ở đây cho đến khi ta yết kiến nhà vua.
Rồi ngài hướng tâm đến các Ba-la-mật, đặt hạnh từ bi lên hàng đầu, ngài nguyện: "Không một ai dám quăng đá hay gậy để hại ta". Rồi Bồ-tát một mình đi vào thành.
Sau khi ra lệnh sát hại các con chó, vua ngồi một mình trong pháp đình. Bồ-tát đi đến đây, nhảy thẳng đến dưới chỗ ngồi của vua. Các người hầu cận của vua cố gắng hết sức đuổi ra, nhưng vua ngăn lại. Bồ-tát nghỉ một lát, từ dưới ghế đi ra, đảnh lễ vua rồi hỏi:
- Có phải Ðại vương sai giết hại các loài chó?
- Phải, chính ta.
- Lỗi của chúng là gì, thưa bậc nhơn chủ?
- Chúng nhai ăn đồ da phụ tùng và dây cương ở xe của ta!
- Ngài có biết những con nào đã ăn đồ da không?
- Ta không biết.
- Không biết những con chó nào đã ăn đồ da, lại ra lệnh giết, như vậy không phải lẽ, thưa Ðại Vương.
- Vì các con chó đã ăn đồ da ở xe ta, nên ta ra lệnh tàn sát tất cả con chó thấy được.
- Các người của ngài giết tất cả chó hay có tha chết một số chó?
- Những con chó nòi giống tốt trong cung của ta được khỏi chết!
- Tâu Ðại vương, vừa rồi ngài nói ra lệnh giết tất cả con chó mà họ thấy được vì chúng đã ăn đồ da ở xe của ngài. Nhưng nay ngài lại nói những con chó giống tốt trong cung của ngài được khỏi chết! Sự việc là vậy, ngài đã thực hành theo bốn sở hành vô lý: thiên vị, ghét bỏ, ngu si và sợ hãi. Hành động vô lý như vậy là không chính đáng, không phải là phép vua. Vì vua, trong khi xử kiện, cần phải giống như cán cân. Nay các con chó nòi giống tốt được khỏi chết, còn các con chó yếu đuối lại bị giết. Sự việc như vậy, thì đây không phải sự giết hại không thiên vị tất cả loài chó mà chỉ là sự giết hại các loài chó yếu đuối thôi!
Nói xong, bậc Ðại Sĩ, với âm thanh dịu ngọt bảo vua:
- Tâu Ðại vương, sở hành của ngài không phải là công lý.
Rồi thuyết pháp cho vua, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Những con chó lớn lên
Trong cung điện nhà vua,
Thuộc loài nòi giống tốt,
Có dung sắc, sức mạnh,
Chúng khỏi bị giết hại.
Chỉ chúng tôi bị giết.
Ðây không giết tất cả;
Chỉ giết kẻ yếu hèn.
Nghe Bồ-tát nói, vua bèn hỏi:
- Này chó hiền trí, ngươi có biết ai đã ăn da ở xe ta không?
- Vâng, tôi có biết
- Ai đã ăn?
- Chính những con chó nòi giống tốt trong cung của ngài!
- Làm thế nào biết được chúng đã ăn?
- Tôi sẽ nêu rõ chính chúng đã ăn.
- Này chó hiền trí, hãy nói rõ đi.
- Hãy cho gọi các con chó nòi giống tốt trong cung của ngài, cho đem một ít nước sữa và cỏ dabba đến đây.
Vua làm theo lời yêu cầu. Rồi bậc Ðại Sĩ nói:
- Hãy cho nghiền nát cỏ này trong nước sữa và cho những con chó ấy uống.
Vua làm theo như vậy. Khi đang uống, các con chó liền nôn ra những miếng da.
- Ôi! Thật giống như đức Phật toàn tri xử kiện!
Vua reo mừng, liền tỏ lòng tôn kính Bồ-tát bằng cách dâng cúng cái lọng trắng. Nhưng Bồ-tát thuyết pháp cho vua với mười câu kệ về pháp hành, mở đầu với câu:
- Hãy hành Chánh pháp! Thưa bậc Ðại vương thuộc dòng Sát-đế-lỵ, từ nay trở đi, Ðại vương chớ phóng dật!
Sau khi khuyên nhà vua giữ Năm giới, Bồ-tát trả lại vua cái lọng trắng.
Nghe lời bậc Ðại Sĩ thuyết pháp, vua tha chết cho mọi loài chúng sanh, rồi ra lệnh cung cấp cho tất cả loài chó, bắt đầu từ Bồ-tát, cơm ăn thường xuyên giống như thức ăn của vua. Tuân theo lời Bồ-tát khuyến giáo cho đến trọn đời, vua làm các phước đức như bố thí, giữ giới v.v..., vì vậy sau khi mạng chung, vua sanh lên cõi trời. Lời "Khuyến giáo của con Chó" tồn tại đến mười ngàn năm. Còn Bồ-tát sống đến hết thọ mạng, rồi đi theo nghiệp của mình.
Thời ấy, nhà vua là Ànanda, hội chúng của đức Phật là bầy chó hiền lành, còn con chó hiền trí là Như Lai vậy.

Bài học: Là người lãnh đạo cần giữ được đạo công bằng, bởi một quyết định của người lãnh đạo sẽ gây ảnh hưởng tốt/ xấu lên rất nhiều người. Trong câu chuyện trên, nhà vua đã không công bằng khi ra lệnh sát hại tất cả những con chó trong thành vì nghi chúng ăn da ở xe của vua, nhưng lại không đụng đến những con chó quý tộc. Nhờ tài trí của Bồ tát, mà nhà vua đã tìm ra thủ phạm chính là những con chó quý tộc, và trả lại công bằng cho các con chó trong thành. Sau khi nghe theo lời con chó Bồ tát, nhà vua đã làm nhiều việc tốt, nhờ đó mà tăng trưởng phước đức và mang lại nhiều lợi lạc cho bản thân và thần dân trăm họ. Vì vậy, việc tu dưỡng đạo đức, và làm nhiều việc lành nên là bài học cho mọi nhà lãnh đạo trên thế giới.

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 3)

Thursday, October 5, 2017

Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3



LỜI NÓI ĐẦU

Sau khi xuất bản tập 1 và 2 « Những mu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi », tác giả đã nhận được nhiều phản hồi, góp ý tích cực và khuyến khích tiếp tục mở rộng các câu chuyện Phật giáo hướng tới các đối tượng thanh thiếu niên, những đối tượng rất quan trọng trong việc truyền bá Phật pháp. Nhận thấy, tác dụng tích cực của những mẫu chuyện này không những đối với các em ở lứa tuổi mầm non, thiếu nhimà còn có tác dụng tích cực đối với các vị phụ huynh trong công tác giáo dục con trẻ, tác giả đã mạnh dạn tiếp tục sưu tầm và hoàn thiện tập 3, với mong muốn bổ túc những câu chuyện hay còn thiếu ở các tập trước, đề cập nhiều hơn đến các chuyện tiền thân của Đức Phật, việc học, hiểu và ứng dụng Phật pháp ở tuổi thanh thiếu niên, cũng như các bài học ứng dụng gắn liền với cuộc sống học tập và vui chơi của các em.
Trung thành với mục tiêu ban đầulà giáo dục trẻ, nên các câu chuyện được chọn lọc trong tuyển tập này tiếp tục dựa trên tiêu chí ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với tâm lý thanh thiếu niên.Đồng thời, thông qua những câu chuyện trong tập 3 này, các khái niệm Phật học căn bản cũng sẽ được giới thiệu, như : Vô thường, Vô ngã, Nhân quả, Nghiệp báo, Bố thí, Ngũ giới, Tịnh độ… Cuối mỗi câu chuyện đều có phần Bài học liên hệ với những giáo lý căn bản của đạo Phật, sẽ giúp trẻ nhớ, hiểu rõ và có thể áp dụng những bài học này vào cuộc sống. Từ hiểu biết này, hy vọng trẻ có thể tự mình tìm đọc để hiểu thêm về Phật pháp và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày của mình ở trường và ở nhà.
Cấu trúc tập 3 được chia thành 4 phần, gồm: Chuyện tiền thân Đức Phật, Phật pháp và tuổi trẻ, Chuyện loài vật, và Phật pháp ứng dụng. Bên cạnh các câu chuyện gắn liền với Đức Phật và Phật pháp, một số truyện về loài vật, cổ tích Việt Nam cũng được đưa vào nhằm giúp các em cảm thấy vui thích qua các hình ảnh thân thương của các loài vật, giúp các em hiểu hơn về thế giới tự nhiên, cũng như phát triển lòng yêu thiên nhiên, và biết bảo vệ môi trường sống. Chúc các em nhỏ và các bậc phụ huynh có những niềm vui khi đọc cuốn sách này, và ứng dụng được những điều Phật dạy trong cuộc sống để gia đình luôn an lạc và hạnh phúc !
Nhân đây, cũng xin bày tỏ lòng biết ơn đối với các tác giả, tác phẩm, hình vẽ đã được sử dụngtrong tuyển tập này, mà tác giả không có điều kiện liên lạc và xin phép. Xin gửi tặng món quà này đến mẹ, bà xã và các con, những người luôn bên cạnh động viên, và khuyến khích tôi hoàn thành tập sách này. 
Mong tiếp tục nhận được sự hưởng ứng từ các em thiếu nhi và các bậc phụ huynh đối với Những mu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi tập 3 này. Rất mong nhận được các góp ý để bổ khuyết cho lần tái bản sau được hoàn thiện hơn. Mọi góp ý xin gửi về địa chỉ e-mail: pqtrung@gmail.com

Tác giả kính bút,
Đức Kiên (Phạm Quốc Trung)


MỤC LỤC