Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Sunday, December 24, 2017

Đạo Phật giữa lòng người Việt

Đạo Phật giữa lòng người Việt

(Lời bạt Sách Kiến Thiết Văn Minh Phật Giáo)

Đạo Phật với tâm hồn người dân Việt chúng ta đã bao đời gắn bó, như tế bào, như hơi thở, là tình tự dân tộc, từng chia ngọt sẻ bùi trong mọi bước thăng trầm lịch sử. Mỗi khi vận nước nguy nan, sóng to gió lớn, thì tinh thần bất khuất quật khởi của dân tộc lại như ngọn thủy triều dâng lên, thể hiện lòng yêu nước mà chiến đấu, đó cũng chính là tinh thần vô úy của đạo Phật; mỗi khi gặp nghịch cảnh, không thuận lợi cho việc phát triển đất nước và đạo pháp, thì đạp Phật vẫn tùy duyên bất biến, giữ vững niềm tin và đức vô úy, cũng như dùng trí tuệ Bát Nhã, xóa bỏ vô minh thù hận tham si, để cứu độ chúng sinh vượt khỏi sông mê.

Có khi, gặp thuận cảnh, thì đạo Phật lại tham gia triều chính, quốc sự... tùy duyên hóa độ, mở ra những trang sử vừa rực rỡ của chiến công, vừa đầy lòng nhân ái của tình người và đại nghĩa. Triều Lý nước ta đã có những vị chân tu làm quốc sư, các vị quan lại là Phật tử, kiến thiết đất nước, xây dựng nhân sinh quan trên tư tưởng đạo Phật làm cho đất nước được phú cường, nhân dân hạnh phúc. Triều Trần, nước ta có vị anh hùng, Trần Nhân Tông lại là một thiền sư đắc đạo, mở ra cả một giòng thiền... Văn hóa của đạo Phật và văn hóa của dân tộc ta gắn bó với nhau hơn bao giờ hết.

Không chỉ dừng lại trong hạnh từ bi hay lòng nhân nghĩa, mà tinh thần vô úy, đại hùng đại lực còn kết hợp với tình yêu đất nước đã khiến các triều đại này lập nên bao chiến công hiển hách, để lại cho con cháu niềm kiêu hãnh ngàn đời : đánh Tống bình Chiêm, mở mang bờ cõi... Ba lần phá tan đạo quân Nguyên hung hãn và tàn bạo bậc nhất trong lịch sử chiến tranh xâm lược của loài người.

Cũng từ cái nôi của thời văn hóa thăng hoa Lý Trần mà các trào lưu tư tưởng đã ra đời : Sự xuất hiện của hai phái Thiền Thảo Đường (dưới triều Lý), Thiền Trúc Lâm (dưới triều Trần)... cùng với các tác phẩm văn hóa tiêu biểu, như : Chiếu Dời Đô, Nam Quốc Sơn Hà, Hịch Tướng Sĩ, Khóa Hư Lục, Lĩnh Nam Chích Quái, Việt Điện U Linh Tập, Thiền Uyển Tập Anh... đã đánh dấu thời kỳ sáng tạo rực rỡ của văn hóa Việt. Không chỉ trên lĩnh vực tư tưởng, mà cả các tác phẩm binh thư võ công kiệt xuất, như : An Nam Hành Quân Pháp (đời Lý), Vạn Kiếp Bí Truyền Thư, Binh Thư Yếu Lược... (Trần Hưng Đạo), thể hiện sự độc sáng của dân Việt trên cơ sở tư tưởng đạo Phật, kết hợp cùng tinh thần Khổng và Lão giáo.

Thế cho nên không ai còn hoài nghi về sự gắn bó, thủy chung giữa tư tưởng đạo Phật và văn hóa Việt. Nó hòa quyện, chia sẻ với nhau trên suốt hành trình lịch sử, lúc nào đạo Phật hưng vượng thì đất nước được thái bình thịnh trị, lúc nào đạo Phật suy vi, gặp pháp nạn... thì vận nước cũng đảo điên.
Về nền văn học dân gian, chỉ xem qua kho tàng cổ tích Việt Nam (1), chắc không ai ngạc nhiên về hình ảnh của ông Bụt xuất hiện ở khắp mọi nơi, như một cái gì gần gũi gắn bó với tâm hồn Việt Nam từ rất sớm... Chỉ mỗi khi nguy nan, nhọc nhằn đau khổ, ức hiếp, bất công và tai nạn... thì ngọn gió từ bi trong lành, giọt nước cành dương tươi mát, lại xuất hiện trong mỗi hoạn nạn nhân gian để cứu khổn phò nguy, trừ tai giải họa... qua hình ảnh ông Bụt. Bụt trong Tấm Cám, Cây Tre Trăm Đốt, trong Chử Đồng Tử... và hầu hết các truyện cổ tích Việt Nam. Bụt khắp mọi nơi, trong nỗi đau khổ của nhân gian đều chờ đợi Bụt hiện ra... thật kỳ diệu lạ lùng...

Trong kho tàng ca dao có vô số câu dẫn chứng tư tưởng đạo Phật, về thuyết nhân quả, ở hiền gặp lành, làm ác gặp dữ, quả báo nhãn tiền, tu là cội phúc... chỉ cần dẫn một vài câu cũng chứa đủ cả triết lý thâm sâu lẫn thực hành ứng dụng:
Dẫu xây chín vạn phù đồ,
Không bằng làm phúc cứu cho một người
hoặc:
Không thờ lạy Phật trong nhà,
Lại đi thờ những quỷ ma ngoài đường.
hoặc:
Thứ nhất là tu tại gia
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa...

Theo các tài liệu nghiên cứu lịch sử gần đây, thì Đạo Phật đã đến với người Âu Lạc từ 240 năm trước Tây Lịch, vào thời đại Hùng Vương, qua các thương nhân Ấn Độ, Trung Á... bằng "con đường đồng cỏ", và các giòng sông Cửu Long (phát nguyên từ Tây Tạng), Hồng Hà, Hắc Giang... tiếp đó lại với "con đường hồ tiêu", trục lộ giao thông đường biển của các thương nhân vùng Địa Trung Hải, Trung Cận Đông, Ấn Độ sang buôn bán với Champa và người Giao Chỉ, sau đó đạo Phật mới đến bằng con đường lục địa từ Trung Quốc truyền sang... (2)

Thế cho nên, tư tưởng Phật đã mọc mầm bén rễ từ rất lâu đời, là nguồn trợ duyên đắc lực cho sự phát triển mọi mặt của nước ta.

Nhưng giòng sống Việt không phải lúc nào cũng thăng hoa, thuận lợi cho sự phát triển, mà bản thân xã hội ta, từ sau thế chiến, đang rơi vào một tình trạng phân hóa, diễn biến phức tạp. Qua bao biến chuyển của thời đại, giờ đây một thứ văn minh hình thức đang ngự trị : tư tưởng thực dụng chủ nghĩa, mâu thuẫn giữa các ý thức hệ ngoại lai, sự sùng bái đồng tiền và vật chất nói chung, lòng ham mê hư danh bổng lộc, sự đảo lộn cương thường, phong hóa, sự phủ nhận các giá trị truyền thống, sự tha hóa của cá nhân, xuống cấp nhân cách của con người thời đại... tất cả thực trạng đó, đòi hỏi mỗi người dân Việt phải tìm hiểu lại cội gốc tư tưởng tinh hoa Việt, uống lại suối nguồn của lòng yêu thương vô ngã, của tinh thần từ bi trí tuệ, xây dựng nhân cách cao thượng của đạo Phật, đạo lý Đông Phương... để tu dưỡng mình và nhập thế trong hoàn cảnh hiện tại, làm những nhân tố phát triển cho thời đại mới, thức tỉnh lòng người, và đốt lên ngọn lửa tâm trong lành tươi mát... cho đất nước, giang sơn Việt, để mong còn có cơ hội thịnh vượng, thăng hoa...

Điều đó, ta sẽ tìm thấy trong tập tiểu luận Kiến Thiết Văn Minh Phật Giáo của Thiền sư Thích Đức Nhuận.

Phạm Văn Cảnh, M.A.


Chú thích: (1) Kho tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam - Nguyễn Đổng Chi, NXB. KHXH, Hà Nội, 1972. (2) A Correlated History of The Far East - Maria Penkala - Tokyo, 1966.

No comments:

Post a Comment