Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Sunday, August 3, 2014

Đạo Hiếu


Đạo Hiếu

Ai ơ
i, nghĩa mẹ công cha
Làm người nên nhớ mới là hiếu nhân
Mẹ cha - công khó muôn phần
Cho con có mặt - tấm thân trên đời,

Bao nhiêu nước mắt mồ hôi
Gian lao vất vả một đời nuôi con
Tình thương như núi như non
Hy sinh tất cả - cho con nên người

Bao năm con lớn, nên người
Bấy năm lao khổ, mấy mươ
i nhọc nhằn
Lo từng tấm áo, miếng ăn
Ốm đau chăm sóc, khó khăn chẳng màng

Ân cần, khuyên nhủ bảo ban
Dõi theo con trẻ bước đàng công danh
Tuổi đời thấm thoắt trôi nhanh
Vì con bạc mái tóc xanh - một đời

Công cha, nghĩa mẹ, ai ơ
i
Làm sao báo đáp một trời yêu thươ
ng
Cúi xin lạy Phật mười phươ
ng
Mong cho cha mẹ luôn thường an vui

Mùa Vu Lan sắp đến rồi
Tròn câu hiếu đạo ai ơ
i ghi lòng...

PQT

Thursday, July 10, 2014

Nam bộ có phải của người Khmer hay không ?


Nam bộ có phải của người Khmer hay không ?


PHẠM VĂN CẢNH, Thạc sĩ.Hội Khoa Học Lịch Sử TP.HCM
Học sử phải hiểu biết sử và sống có hồn sử mới thấy máu cha ông ngàn năm vẫn chảy trong huyết quản chúng ta; mới cảm thấy sợi dây vô hình nối kết đời đời chưa bao giờ làm đứt mạng sống của sử. Trước đây, khi bàn về mảnh đất Nam bộ hay nền văn minh Nam bộ, các sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật, tôn giáo… mọi thứ có vật thể và phi vật thể … chúng ta đều có thể qua sách vở thư tịch, sử liệu … mà có thể tìm hiểu được , khái quát được tính cách đặc thù sáng tạo của văn minh Nam bộ nói chung, say sưa với nền văn minh trà đá, hoá giải mọi tị hiềm bằng tình anh em tứ hải giai huynh đệ. Nhưng trong tâm thức không ít đồng bào miền Nam nói chung hay chúng ta nói riêng, những người trẻ đang làm công tác học tập, nghiên cứu khoa học lịch sử .. thì vẫn dấy lên chút mặc cảm về nguồn gốc mảnh đất Nam bộ trước những kiểu lập luận không cần chứng minh rằng “chủ nhân nền văn hoá Ốc Eo, chủ nhân mảnh đất thiêng liêng mầu nhiệm này là tổ tiên của người Khmer”. Ông cha chúng ta đã chiếm đoạt mảnh đất này của người Khmer ! Nếu quả thật như thế, thì thực là một chiến thắng đầy hối hận!
Nhưng dưới ánh sáng của những nghiên cứu mới, những chứng cớ mới, những lập luận khoa học … thì vấn đề không phải như vậy. Trước hết, chúng ta chưa bao giờ đặt câu hỏi những điều ta biết có đúng là sự thực lịch sử không ?
Thực vậy, khi nghiên cứu sử, cần chú trọng vào sử liệu, tìm hiểu cả độ xác thực của nó, đối chiếu với tài liệu sử nước ngoài, xem xét lập luận có khoa học và logic không, trước khi kết luận ? Đó là bài học đầu tiên ta phải biết.
Cho nên, Sau giai đoạn học tập, nghiên cứu về vùng đất Nam bộ, điều tâm đắc nhất của tôi là tôi hiểu nhiều hơn về mảnh đất này, tôi và đồng bào tôi xứng đáng đứng trên mảnh đất này, xứng đáng kế thừa công sức của cha ông, vì ông cha chúng ta đã đổ bao mồ hôi công sức, xương máu và tâm huyết, ngoại giao và hoà bình… để được lịch sử, công luận, quốc tế công nhận là chủ nhân mảnh đất Nam bộ chứ không phải bằng sức mạnh của bạo lực, của chiến tranh để cướp đoạt của kẻ cướp đoạt.

Thực vậy, qua các tài liệu khoa học, với những cơ sở trình bày có hệ thống các diễn biến lịch sử, phân tích mọi yếu tố liên hệ đã khẳng định tính chất chính đáng, chính danh… phù hợp với thông lệ quốc tế về quá trình thụ đắc lãnh thổ phía Nam của dân tộc ta, các lập luận khoa học và nghiên cứu gần đây càng góp phần làm sáng tỏ và nâng cao hiểu biết cho công luận về chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam bộ.
Sở dĩ có ngộ nhận cho rằng vùng đất Nam bộ từ xưa vốn là lãnh thổ của Campuchia, như đã trình bày như trên là vì người ta đã đã xếp chung hai sự kiện nước Phù Nam ở phía hạ lưu sông Mê Kông với nhà nước đầu tiên của người Khmer. Ngay trong một cuộc hội thảo khoa học ở nước ngoài khi bàn về bảo tồn di sản văn hoá , như ở Nara (Nhật) năm 1993, một quan chức Campuchia cũng xếp văn minh Phù Nam vào cái gọi là “dạng thức đặc biệt của nhóm Khmer”.Thực là một cách nói khó thuyết phục.
Theo thư tịch cổ Trung quốc (Lịch Đạo Nguyên- Thuỷ Kinh Chú) thì Phù Nam nằm ơ phía nam Lâm Ấp (Champa), các nhà khoa học cũng nhận định rằng nước Phù Nam xuất hiện vào khoảng đầu công nguyên và biến mất vào khoảng thế kỷ thứ VII .
Gần đây, cuộc khai quật năm 1944 của nhà khảo cổ học Pháp tại vùng núi Ba Thê (huyện Thoại Sơn,Tỉnh An Giang) đã phát hiện các đồ vật của một thời đại được gọi là nền văn minh Ốc Eo. Các nhà khoa học cũng kết luận di vật thuộc văn hoáỐc Eo là di tích văn hoá vật thể của nước Phù Nam. Ốc Eo là một nền văn hoá có nguồn gốc bản địa, ít ra là từ thời đại kim khí. Thời cường thịnh nhất, Phù Nam đã từng phát triển thành một đế chế rộng lớn bao gồm toàn phía nam bán đảo Đông Dương (Nam bộ ngày nay, nước Campuchia và một phần Nam Lào), một phần Thái Lan và bán đảo Malaca, nhưng trung tâm văn hoá vẫn là vùng đất Nam bộ.
Chủ nhân của nền Văn hoá Ốc Eo không phải là tổ tiên người Khmer, vì dưới ánh sáng của những nghiên cứu mới : di tích văn hoá Ốc Eo khác hẳn với văn hoá Khmer. Các chuyên gia An Độ như Ramesh, Raman và của N. Karashima (Nhật Bản) cho rằng những dấu vết của Chân Lạp (Campuchia) trên đất Nam bộ không thể hiện sự phát triển liên tục của văn hoá Phù Nam. Về phong tục, tang lễ và hôn nhân của Phù Nam gần giống Lâm Ap (Champa); Sử ký nhà Tuỳ (thư tịch cổ Trung quốc) chép rằng nước Chân Lạp ở phía tây nam Lâm Ap, nguyên là một chư hầu của Phù Nam. Đầu thế kỷ thứ VII, nhân lúc Phù Nam suy yếu , Chân Lạp đã tấn công và chiếm lấy. Lãnh thổ Phù Nam về tay Chân Lạp do kết quả của những cuộc chiến tranh.
Nhưng việc khai khẩn và cai quản vùng lãnh thổ mới vô cùng khó khăn vì đó là vùng sình lầy, ngập nước, người Khmer thì dân số ít oi chưa thể tổ chức khai thác trên qui mô lớn. Do đó Thuỷ Chân Lạp (Vùng Nam bộ) đã bị quân Srivijaya của người Java chiếm. Cả vương quôc Chân Lạp gần như bị lệ thuộc vào Srivijaya đến năm 802 mới kết thúc.
Thời gian từ thế kỷ IX đến cuối thế kỷ XI , Chân Lạp trở thành một quốc gia cường thịnh, tạo nên nền văn minh Angkor rực rỡ, mở rộng lãnh thổ lên cả Nam Lào và trùm lên khu vực sông Chao Phaya. Trong khi những di tích khảo cổ , thì dấu tích của văn hoá Khmer và văn minh Angkor ở vùng Đồng Nai-Gia Định là hết sức mờ nhạt. Theo Chu Đạt Quan trong Chân Lạp phong thổ ký (bản chữ Hán- mục Sơn xuyên) thì cho đến thế kỷ XIII vùng Nam bộ vẫn còn là một vùng đất hoang vu với … “những cánh đồng bị bỏ hoang phế…cỏ kê đầy rẫy, hàng trăm, hàng ngàn con trâu rừng tụ họp thành từng bầy, tiếp đó là nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm dặm…”
Từ thế kỷ XVI triều đình Chân Lạp bị sâu xé do sự can thiệp của Xiêm, và bắt đầu bước vào thời kỳ suy vong, hầu như không có điều kiện để quan tâm đến mảnh đất còn ngập nước phía Đông, trên thực tế họ không đủ sức quản lý vùng này. Trong bối cảnh đó, nhiều cư dân Việt từ Thuận Quảng đã vào vùng Mõ Xoài, Đồng Nai (miền Đông Nam bộ) chịu khai khẩn đất hoang lập làng sinh sống.
Vụ hôn nhân năm 1620 giữa vua Chân Lạp và con gái chúa Nguyễn Phúc Nguyên , đã tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt vốn đã có mặt từ trước, được tự do khai khẩn đất hoang và mở rộng suốt miền Đông Nam bộ. Trong vòng gần 20 năm, vùng đất từ Bà Rịa đến sông Tiền, vốn đã được cư dân Việt đến lập nghiệp từ trước nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế quan trọng, với phố phường sầm uất, hải cảng nhộn nhịp có thuyền buôn các nước Trung quốc, Nhật Bản, Tây Dương, Bồ Bà (Java) tới buôn bán.
Với quá trình lịch sử trên, không thể quan niệm giản đơn là chủ quyền của người Việt trên đất Nam bộ là do chiếm của người Chân Lạp.
Chứng cứ lịch sử, cũng như các sử liệu nước ngoài đã cho ta biết rằng quốc gia đầu tiên trên mảnh đất này là Phù Nam, đến thế kỷ thứ VII mới bị Chân Lạp tấn công tiêu diệt. Tuy nhiên Chân Lạp không có đủ điều kiện để quản lý và khai thác vùng này, kéo dài hàng nhiều thế kỷ.
Sự sầm uất trù phú của Nam bộ là do công lao khai phá của những cư dân người Việt từ thế kỷ XVII. Người Việt đã sớm hoà đồng với các cộng đồng cư dân tại chỗ và các cư dân mới cùng nhau mở mang, phát triển Nam bộ thành một vùng đất trù phú.
Quá trình thụ đắc vùng đất Nam bộ của chúa Nguyễn thông qua việc khai phá mở mang trong lao động hoà bình, kết hợp vối đàm phán ngoại giao để khẳng định chủ quyền. Đó là phương thức được thừa nhận phù hợp với thông lệ lịch sử và các văn bản quốc tế đang lưu hành. Từ đó đến nay, chủ quyền lãnh thổ đã được khẳng định không những bằng thực tế lịch sử mà còn trên các văn bản có giá trị pháp lý được quốc tế công nhận.
Trong hơn ba thế kỷ với mọi thăng trầm, nhiều thế hệ người Việt đã đổ bao công sức để khai phá và xây dựng, đã nằm xuống bảo vệ mảnh đất này. Mỗi luống cỏ ngọn rau đều có mồ hôi nước mắt và cả máu của người dân Việt. Chúng ta ngày nay được hưởng bao thành quả lao động của ông cha, đừng bao giờ quên điều đó :
“…Cày đồng đang buổi ban trưa, Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày,
Ai ơi bưng bát cơm đầy, Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”
Mảnh đất Nam bộ, đã trở thành mảnh đất thiêng liêng và mầu nhiệm đối với mỗi người Việt Nam chúng ta.

Friday, June 27, 2014

Tưởng người xưa khóc

Tưởng người xưa khóc

(Phạm Trường Linh)

Xưa người viết Đoạn Trường Tân Thanh khóc
Một Kiều nhi lăn lóc giữa đời
Cánh hoa tươi trong gió dập sóng vùi
Để nước mắt người đời sau thổn thức

Nay gẩy khúc đoạn trường thi ngày trước
Sóng muôn trùng giữa thời đại siêu thanh
Nỗi bất công, oan khuất thấu trời xanh
Để nước mắt người đời sau vẫn khóc

Đời chỉ đẹp khi thầy trò trên lớp
Giảng Kiều xưa, tưởng khúc đàn trăng
Có ngờ đâu, đời quá đỗi nhố nhăng
Rặt một lũ Sở khanh, Bạc hạnh

Đời vô đạo, sinh những loài gian ác
Đất vô tình, nuôi dưỡng bọn hôi tanh
Trời vô tâm, chậm chuyển hoá cao xanh !
Nỗi đau thảm trùm kiếp người oan khuất!

Tiếng thơ xưa từ những hồn oan ức
Xuôi về đâu đêm thế kỷ mịt mờ
Chảy thành giòng sông lớn hoá thành thơ
Là tiếng khóc đoạn trường siêu thanh đó

Monday, June 16, 2014

Bút nở hoa đàm



Trước đây, chỉ biết đến thi sĩ Vũ Hoàng Chương qua bài thơ Lửa từ bi, mô tả một cách bi tráng về hành động tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức 1963. Hôm nay, vô tình đọc được thêm 1 bài thơ Bút nở hoa đàm, mới thấy thi sĩ quả là 1 tài năng, và có sự thâm nhập về Đạo pháp rất sâu, mới viết được những vần thơ truyền cảm như vậy. Thật bái phục! Chép lại đây để làm tư liệu về sau.



Bút nở hoa đàm

 Vũ Hoàng Chương
 
Ai sẽ là Ngươi trong tương lai
Một sớm một chiều
Vươn tay hái cành hoa Thương Yêu
Làm bút viết
Nối vào trang sử loài người
Vẫn chép
Từ lâu
Bằng gươm, bằng súng đạn
Của Mông cổ Thành-cát-tư Đại-Hãn
Của Nã-phá-luân Hoàng đế Âu châu?

Bút sa nở trắng bồ câu
Xé đường bay, vỏ đêm sầu rách bung.

Dư ảnh chiến thuyền chưa nhạt
Hồi âm ngựa trận còn rung
Từng đã lên màu sát phạt
Hồn Chữ linh lung,
Từng đã say men gió cát
Hơi văn chập chùng
Muôn nét chữ, một nghe triều nhựa mát
Thấm quanh mình, cất cánh sẽ bay tung.

Ôi, mùa đăng trình
Có hoa làm bút
Nhựa tuôn giòng mực trắng tinh và trang giấy mang mang nằm đợi phút
Quay về bản thể nguyên trinh!
Đâu đó Trường sa Quảng đảo
Vật vờ tro bụi chúng sinh
Ngang dọc xương phơi chừ...
Nam Việt Bắc Bình!
Cao thấp máu trôi kìa...
Đông Tây Bá-Linh!
Ác mộng ấy phải không còn dấu vết!

Ai sẽ là ngươi, cánh tay hào kiệt,
Trong tương lai, một sớm một chiều
Đủ sức hái cành hoa làm bút viết
Những vần Thương Yêu?

Sunday, May 25, 2014

LỬA VIỆT


LỬA VIỆT

Gió đã nổi, lửa thiêng bùng dậy
Đến thời cơ, đã thấy chuyển mình
Nước nhà đến vận hồi sinh
Muôn người đồng sức, dân mình đứng lên

Lửa thiêu đốt những tên bạo ngược
Lửa bừng lên – thấy được anh tài
Quê hương yêu dấu một mai
Vẻ vang nòi giống, hát bài hòa chung…

Lửa thiêng, soi sáng khôn cùng
Mở ra nền thái bình chung lâu dài
Tương lai tươi sáng ngày mai
Muôn đàn chim Việt tung bay khắp trời
Đẹp thay, đất nước xinh tươi
Chung vui hạnh phúc, người người ấm no
Lửa thiêu cái ác thành tro
Khơi mầm sự sống đến cho muôn loài,
Tỏa soi ánh sáng lâu dài
Văn minh nước Việt, từ nay rạng ngời…

tu-thieu-vn-305.jpg

Saturday, May 10, 2014

Kính mừng đại lễ Phật đản 2014


Cảm tác về cuộc đời Đức Phật


Kể từ Người khai mở con đường
Thế gian tràn ngập nắng tình thương
Từ bi, nhân ái chan hòa khắp…
Độ biết bao người khổ chẳng vương

Từ bậc quyền uy nhứt thế gian
Đến kẻ cùng đinh sống cơ hàn…
Trời, người, muông thú đều ra chốn…
Gỉai thoát trầm luân hướng Niết bàn

Đệ tử xa gần khắp mọi nơi
Đón người như thể đón tin vui
Vườn Pháp rộn ràng người tấp nập
Kinh thành hoang vắng kẻ xa rời

Vương tử khước từ chốn lợi danh
Nâu sồng khoác áo kẽ tu hành
Rừng già lui tới mong tầm Đạo
Từ bỏ ngai vua đã sẵn dành

Từ đó ra đi dạ chí thành
Xa hẳn cuộc đời chốn lợi danh
Mặc ai tráo trở đường danh, lợi
Rừng trúc hành Thiền cõi tịnh thanh


Chỉ mong thoát khỏi lưới luân hồi
Sinh, già, bệnh ,chết khổ bao đời
Trầm luân ái nghiệp còn chưa dứt
Bến giác bao giờ đạt đến nơi ?

Thuyền từ cứu độ khắp muôn loài
Khách trần cho đến chốn Thiên thai
Sáu đường, ba cõi : người, thiên, vật
Tất cả không phân biệt thứ, ngôi

Cho đến hôm nay quá trễ rồi
Sao ta còn đứng mãi trong đời ?
Thế Tôn chờ đợi bao lâu nữa ?
Nhà lửa chưa ra, sẽ cháy thôi !


Vân Hà (TTHA)

Tuesday, April 29, 2014

TÌNH QUÊ

TÌNH QUÊ 

PHẠM-TRƯỜNG-LINH 

Một thời làm thiền sư 
Một thời làm tráng sĩ 
Tiếng gầm như sư tử 
Tiếng cười như trẻ thơ 

Gió lùa qua khóm trúc 
Gió về ngang lũy tre 
Cả linh hồn của nước 
Hòa với chút hồn quê 

Em ơi hoa gạo đỏ 
Mênh mông trên đường về 
Cây đa làng trước ngõ 
Khói lam chiều xanh ghê 

Bóng đàn em bé nhỏ 
Đang chạy diều trên đê 
Có còn trong trí nhớ 
Buổi ra đi chưa về...

Monday, March 31, 2014

Bàn về Tự do học thuật

Bàn về Tự do học thuật


Ngày nay, khi bàn về cải cách giáo dục Đại học, mọi người thường nhắc đến nhiều yếu tố cần thiết cho sự phát triển của bậc học này, trong đó có yếu tố Tự do học thuật. Đây có thể được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất đảm bảo Đại học đi đầu trong việc nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới, mở rộng kho tri thức chung của nhân loại và góp phần định hướng cho sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, vì lịch sử phát triển của giáo dục Đại học Việt Nam thời hiện đại còn khá ngắn và đây lại là 1 khái niệm có nguồn gốc từ phương Tây, nên không phải ai cũng hiểu rõ về khái niệm này. Vì vậy, bài viết này muốn bàn luận vài nét về khái niệm Tự do học thuật nói chung, và liên hệ nó với bối cảnh cải cách giáo dục Đại học ở Việt Nam hiện nay.

Theo từ điển Bách khoa toàn thư Britannica, "Tự do học thuật là quyền tự do giảng dạy, học tập, và theo đuổi tri thức và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên mà không bị can thiệp vô lý hay bị giới hạn bởi luật pháp, các quy định của cơ sở giáo dục, hoặc áp lực của công chúng". Theo đó, những yếu tố cơ bản của tự do học thuật đối với giảng viên bao gồm quyền tự do trong việc tìm hiểu bất cứ chủ đề tri thức nào mà mình quan tâm, quyền trình bày những khám phá của mình cho sinh viên, đồng nghiệp, và những người khác biết, quyền công bố bằng cách xuất bản những số liệu và kết luận của mình mà không bị kiểm soát hay kiểm duyệt, và quyền giảng dạy theo cách mà mình thấy phù hợp về mặt chuyên môn; Đối với sinh viên, đó là quyền tự do học tập và nghiên cứu những gì mình quan tâm và quyền đưa ra những kết luận của chính mình, cũng như quyền biểu đạt những ý kiến của mình. Nhiều trường Đại học nổi tiếng trên thế giới đã lấy Tự do học thuật như là 1 tiêu chí hàng đầu cho hoạt động của mình. Lấy ví dụ như ở Đại học Kyoto của Nhật Bản, nơi tôi đã từng du học trước đây, tinh thần Tự do học thuật rất được coi trọng, ở đó SV. và GV. có thể theo đuổi bất kỳ chủ đề nghiên cứu nào, miễn là nó có ý nghĩa và được cộng đồng khoa học công nhận. Ngoài ra, SV. cũng có thể tự do thành lập hay tham gia bất kỳ câu lạc bộ học thuật nào theo sở thích mà không bị cản trở bởi những lý do hành chính hay chính trị nào. 

Tinh thần cốt lõi của Tự do học thuật là biến Đại học trở thành một môi trường lý tưởng cho học tập và nghiên cứu, ở đó chỉ có tri thức được tôn thờ. Mọi quan điểm, học thuyết, tư tưởng đều được nghiên cứu và trao đổi một cách nghiêm túc, thẳng thắn, cởi mở để tìm ra được những tri thức đúng đắn, nhằm ứng dụng vào cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Ở đó, không có khái niệm gọi là vùng cấm hay nhạy cảm không được đụng đến. Mọi tri thức đều phải được kiểm chứng và đánh giá dưới nhãn quan khoa học. Nói đến đây, tôi lại nhớ đến 1 câu truyện cổ ở phương Tây về Cây tri thức, trên đó có những trái cấm mà con người không được đụng vào, nếu chạm vào thì sẽ bị trừng phạt. Nhưng vì quá tò mò, nên loài người đã chạm vào những trái cấm đó, và ăn nó. Sau khi ăn, con người đã có được tri thức để có thể phân biệt được đúng-sai, phải-trái và thoát khỏi tình trạng mông muội như trước đây. Theo câu truyện, sau đó, con người phải bị trừng phạt, nhưng có lẽ đó là cái giá phải trả để con người có thể tiếp cận được tri thức, vượt qua được sự ngu dốt vốn có và trở nên trưởng thành hơn. Cũng như vậy, hành trình đến với Tự do học thuật là tiến trình lâu dài và đầy gian khổ, nhưng nếu Tự do học thuật không được đảm bảo, thì con người không thể đến gần với chân lý và kho tàng tri thức của nhân loại không thể được phát triển như ngày nay.

Từ định nghĩa trên, đối chiếu với bối cảnh Việt Nam, ta nhận thấy nhiều quy định hiện nay của cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở giáo dục Đại học ở Việt Nam chưa đảm bảo nguyên tắc Tự do học thuật này. Tư duy quản lý ở Việt Nam từ trung ương đến cơ sở vẫn còn nặng về thủ tục hành chính theo kiểu "xin cho". Đại học ở Việt Nam chưa được xem là 1 đơn vị độc lập có quyền tự chủ về hoạt động giáo dục và nghiên cứu như ở các nước phát triển. Mọi vấn đề của đại học từ tuyển sinh, mở ngành, công nhận kết quả, cấu trúc chương trình, giáo trình, cách đánh giá, ngân sách hoạt động... đều phải thông qua Bộ GD-ĐT & các cơ quan quản lý nhà nước. Lấy ví dụ về quá trình tái thiết kế chương trình đào tạo ở trường ĐHBK TP.HCM theo mô hình CDIO, một mô hình tiên tiến về xây dựng CTĐT trên thế giới hiện nay. Thế nhưng, trong quá trình triển khai dự án tái thiết kế này, các thầy cô phụ trách đã gặp không ít khó khăn vì đụng phải những vùng cấm, những khối kiến thức lỗi thời, không còn giá trị, nhưng không được phép thay đổi, và phải giữ nguyên trong cấu trúc chương trình vì những quy định cứng của Bộ GD-ĐT. Và còn rất nhiều vấn đề khác sẽ mãi mãi không thể cải tiến được trong giáo dục Đại học, nếu tư tưởng về Tự do học thuật chưa được tôn trọng bởi đội ngũ GV. Đại học và những người làm công tác quản lý giáo dục.

Trên thực tế, mô hình quản lý trói buộc như trên đã tỏ ra thiếu hiệu quả, và kiềm hãm sự phát triển của hoạt động giáo dục và NCKH. Điều này thể hiện cụ thể ở nhiều mặt, như: GV. không có hứng thú làm NCKH, chất lượng đào tạo thấp, năng lực của SV. tốt nghiệp không đáp ứng nhu cầu xã hội, và sản phẩm giáo dục thường bị đánh giá thấp bởi các doanh nghiệp sử dụng lao động... Hiện tượng thiếu tin tưởng của các bậc phụ huynh đối với hệ thống giáo dục trong nước khi cho con em đi "tỵ nạn giáo dục" ngày càng phổ biến, các biểu hiện tiêu cực trong ngành giáo dục ngày càng nhiều về số lượng và càng nghiêm trọng về bản chất... đều là những chỉ dấu cho thấy giáo dục Đại học Việt Nam hiện có quá nhiều vấn đề, và rơi vào tình trạng khủng hoảng toàn diện. Chính vì vậy, có 1 sự đồng thuận rất lớn trong xã hội là cần phải có 1 cuộc cải cách toàn diện ngành Giáo dục. Phải thay đổi toàn bộ, từ triết lý giáo dục, tư duy quản lý, giáo trình, cách đánh giá, cho đến các chính sách cụ thể... mới mong có thể cải thiện chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, điểm then chốt nhất của đợt cải cách giáo dục này là phải tạo điều kiện để đảm bảo môi trường tự do học thuật cho các trường Đại học. Có như vậy, mới tạo ra những tiền đề căn bản và điều kiện cần thiết cho những thay đổi sâu rộng hơn trong ngành Giáo dục.

Một ví dụ gần đây về sự thiếu tự do học thuật trong môi trường Đại học Việt Nam đó là hiện tượng can thiệp thô bạo của cơ quan quản lý vào hoạt động học thuật qua "vụ án Nhã Thuyên". Một luận văn thạc sỹ của tác giả có bút danh là Nhã Thuyên đã được bảo vệ tại ĐH Sư Phạm Hà Nội, và đạt điểm xuất sắc cách đây 4 năm. Nay, đã bị đem ra đánh giá lại dưới lăng kính chính trị. Mặc dù, về mặt khoa học, hội đồng đánh giá lại cũng không chỉ ra được sai phạm nào về mặt lập luận, phương pháp, quá trình thu thập dữ liệu, cũng như cách phân tích của đề tài, nhưng kết quả cuối cùng là luận văn bị đánh rớt và văn bằng thạc sỹ bị thu hồi, chỉ vì luận văn nghiên cứu về 1 chủ đề nhạy cảm về mặt chính trị. Chủ đề nghiên cứu của luận văn là về khía cạnh văn hóa của phong trào đòi hỏi tự do trong sáng tác và xuất bản của nhóm "Mở miệng". Đây là 1 nhóm nhà văn/ nhà thơ tự do, chủ trương các tác phẩm văn học phải được tự do xuất bản và không bị kiểm duyệt bởi bất cứ ai. Họ đã lập ra nhà xuất bản "Giấy vụn" để xuất bản các tác phẩm của các thành viên trong nhóm, mà không phải thông qua sự kiểm duyệt của cơ quan kiểm soát văn hóa nhà nước. Gần đây, hoạt động của nhóm này cũng đã gây được sự chú ý của dư luận quốc tế, và 1 vài cây bút của nhóm đã được trao giải thưởng về tự do sáng tác và xuất bản. Có lẽ, đây là lý do chính mà luận văn của Nhã Thuyên đã bị đem ra "xét lại" một cách thô bạo và thiếu khoa học. Thực tế, điều này chỉ chứng tỏ môi trường giáo dục Đại học Việt Nam chưa thật sự có Tự do học thuật. Đại học chưa phải là thành trì vững chắc nhất cho những tâm hồn khát khao chân lý và là nơi bất khả xâm phạm để các nhà trí thức có thể yên tâm nghiên cứu, sáng tạo mà không lo sợ "phạm húy" hay bị đem ra "đấu tố" một ngày nào đó. Nếu thực trạng này vẫn còn duy trì, thì mọi nổ lực cải cách giáo dục đại học Việt Nam sẽ không đạt được kết quả như kỳ vọng của xã hội. Bởi, bỏ qua tự do học thuật, mọi vấn đề cải cách chỉ giải quyết được phần ngọn mà không chạm đến được phần gốc rễ, hay nguyên nhân cốt lõi của nó.

Tuy nhiên, cũng cần biết rằng đòi hỏi về tự do học thuật trong môi trường Đại học Việt Nam không có nghĩa là các sinh hoạt nghiên cứu, giảng dạy ở Đại học sẽ không bị trói buộc bởi bất kỳ điều gì. Đương nhiên, tự do học thuật cũng phải có giới hạn của nó, nhưng đó không phải là các giới hạn hành chính hay chính trị, mà là các giới hạn dựa trên các tiêu chí khách quan và khoa học. Thực tế, trong một môi trường tự do học thuật, các ràng buộc, như là: phương pháp làm việc khoa học, đạo đức nghiên cứu, đánh giá của đồng nghiệp... còn là những rào cản chặt chẽ và khó khăn hơn đối với những người làm công tác sáng tạo và NCKH thật sự.

Từ những nhận định trên, đòi hỏi các nhà giáo dục và những người làm công tác quản lý giáo dục ở Việt Nam cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về cam kết của mình đối với Tự do học thuật. Liệu người Việt Nam có thực sự khao khát tri thức, và sẳn sàng tiếp cận tri thức bằng mọi giá hay không? Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thay đổi những thói quen lâu nay trong cách nghĩ, cách làm của chúng ta, để có thể đảm bảo sự Tự do học thuật trong môi trường Đại học. Câu trả lời phải đến từ các nhà quản lý giáo dục, cộng đồng GV., SV., các nhà nghiên cứu và những người làm công tác NCKH hiện nay ở Việt Nam. Cần nhớ rằng, để các ĐH. phương Tây đạt được mức độ tự do học thuật như ngày nay, đòi hỏi họ phải trải qua một thời gian dài để đấu tranh và chiến thắng các thế lực vô minh, phản khoa học, đến từ tôn giáo/ chính trị. Những thế lực mạnh mẽ này luôn muốn can thiệp vào sinh hoạt học thuật của môi trường ĐH và cản trở sự tự do học thuật đúng nghĩa.

Chỉ có một môi trường Tự do học thuật thật sự mới có thể đảm bảo Đại học làm tốt vai trò của nó trong thời đại tri thức, là cái nôi ươm mầm cho những đóa hoa tri thức, cho sự sáng tạo các tư tưởng mới và cho khát vọng vươn tới những chân trời tri thức mới lạ. Nếu thật tâm muốn thay đổi, chúng ta phải biết vượt qua những rào cản hiện tại, cho dù phải vượt qua bao gian khó, hiểm nguy, để có thể hái được trái cấm trên cây tri thức của nhân loại. Có như thế, thì Đại học mới có thể tạo ra những người trí thức đúng nghĩa, có năng lực sáng tạo, tự chủ, tự tin trong việc tìm kiếm tri thức và giải quyết các vấn đề đầy khó khăn và phức tạp mà thời đại đang đặt ra. Hy vọng, một ngày gần đây, "Tự do học thuật" sẽ là 1 cụm từ được hãnh diện ghi trong các Sứ mạng và Định hướng phát triển của các trường Đại học hàng đầu Việt Nam. Mong lắm thay!

Sài Gòn, 3/ 2014.
TS. Phạm Quốc Trung, Khoa QLCN, ĐHBK TP.HCM

Sunday, March 16, 2014

Hoa Vương

Hoa Vương

Ngày xửa, ngày xưa có một Minh Quân cai trị một quốc gia thanh bình trù phú. Moị việc đều xuôi chèo mát mái, ngoaị trừ một điều là dù tuổi đã khá cao, nhà Vua hiền đức của chúng ta vẫn chưa có được Hoàng nam nối dõi.

Một bữa tốt trời đức Vua cho yết bảng, truyền lệnh cho vời các đồng tử lên 7 đến 12 vào sân rồng cho Ngài tuyển chọn ngườikế nghiệp. Các thần dân của đức Vua trong số tuổi ấn định lũ lượt kéo nhau về kinh đăng ký. Bất kể gia tộc sang hèn, nghèo giàu mỗi cậubé đều được nhận một hạt giống tí tẹo. Các thí sinh phải đem hạt giống về tự tay gieo trồng và chăm bón. Ðến bao giờ hạt giống nẩy mầm, nứt lộc, đâm chồi, ra nụ kết hoa thì sẽ mang đến Hoàng cung dự thí.

Ngày khảo thí được ấn định vào đêm rằm tháng tám, chậu hoa nào được đức Vua chấm giải nhất thì người gieo trồng nó sẽ được vào cung làm Hoàng tử. Người sẽ kế vị đức Vua sau này. Cái ngày chờ đợi đó đã đến, vườn ngự uyển chất đày các lẳnghoa do thí sinh đem nộp, không chê vào đâu được, vì loài hoa nào cũng rực rỡ ngát hương. Nhưng đức Vua và Hoàng hậu xem chừng vẫn chưa chọn được thứ nào vừa mắt.

Cuối cùng một chú bé khoảng 8 tuổi, áo quần rách rưới nhưng mặt mũi dễ thương, xin được vào chầu đức Vua của chú. Mọi người cười ồ khi thấy chú khư khư ôm một cái chậu bằng đất nung chứa đày phân và rác bẩn. Vị thần dân tí hon này qùy trước bệ rồng, nước mắt chảy quanh, sụt sịt nói:
- Muôn tâu, con đã làm hết sức mình, con đã chọn chiếc chậu lành lặn nhất, để vào đó thứ đất mịn nhất, trộn vào đất thứ phân đã hoai và tốt nhất... rồi mới đặt hạt giống của đức Vua ban cho con vào đó... Con đã phơi sương ủ nắng và tưới nước cho nó... Vậy mà nó không chịu nứt cái mầm nào cả.
Ðức Vua nghe xong không dấu được sự xúc động, ôm chầm lấy cậu bé reo:
- Ôi! Con chính là vị Hoàng tử mà ta chờ đợi.
Mọi người kinh ngạc lẫn bất bình. Ðức Vua vuốt râu mỉm cười giải thích:
- Tất cả các hạt giống trao cho thí sinh đều đã được hấp chín... Nó chỉ có thể nở hoa trung thực mà thôi...
Ðưa tay chỉ chiếc chậu đầy đất bẩn của chú bé dân giả, đứcVua tiếp:
- Ðóa hoa trung thực ấy chỉ đâm chồi nẩy lộc trong mỗi một chiếc chậu này. Con người đã gieo trồng được loại hoa ấy, nhất định sẽ là vị anh quân mà đất nước ta chờ đợi.

Ðức Vua đã không lầm trong sự lựa chọn ấy.

(Sưu tầm)

Monday, February 17, 2014

Tần Hoài Dạ Bạc

Hôm nay 17/2, kỷ niệm 35 năm ngày quân Trung Quốc xâm lăng biên giới phía bắc nước ta. Khoảng 6 vạn binh sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc ngắn ngày, nhưng thảm khốc này.

Vừa rồi, rất cám ơn một số nhân sĩ trí thức ở Hà Nội đã tổ chức tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc ở vườn hoa gần tượng đài Lý Thái Tổ vào sáng CN 16/2/2014. Đây là hành động thật ý nghĩa và đáng quý!

Tuy nhiên, buổi lễ tưởng niệm này đã bị quấy nhiễu bởi 1 nhóm người nhảy múa, hát hò ở cùng địa điểm và thời gian. Cảm thấy buồn và xấu hổ cho nhóm người này!

Chợt nhớ tới bài thơ Tần hoài Dạ bạc của Đỗ Mục, kể về cảnh những ca nhi vui vẻ đờn ca, hát xướng trong 1 quán rượu ở bến Tần Hoài, mà không hay biết về nỗi nhục mất nước. Đáng thương lắm thay!

Hình như, vườn hoa ở Hà Nội đâu có gần quán rượu, và những người nhảy nhót nọ cũng thuộc hàng U50, U60, đâu phải là phường "ca nhi". Điều này, càng khiến nỗi đau của những người có tấm lòng với đất nước, muốn tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống 35 năm trước để bảo vệ đất nước, càng trở nên thấm thía hơn!

Tần Hoài Dạ Bạc – Đỗ Mục


Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa

Bến Tần Hoài


Khói lồng trên nước, trăng lồng cát
Bến Tần Hoài nằm cạnh tửu gia,
Ca nhi đâu biết hờn vong quốc
Vẫn vui hoài khúc Hậu Đình Hoa

(Phạm Trường Linh)