Người thầy thầm lặng
A virtual world for sharing my knowledge, feeling and other meaningful things in my life.
Lời Phật dạy
Wednesday, November 20, 2024
Người thầy thầm lặng
Friday, November 15, 2024
Tưởng Nhớ Ơn Thầy
Tưởng Nhớ Ơn Thầy
Con chẳng thể nào quên buổi đầu đến lớp
Đã cho con bao cảm xúc rộn ràng
Trường thì lạ và bạn bè chưa có,
Chưa đến giờ luẩn quẩn dưới chân thang.
Thầy đã đến và nhìn con rất lạ,
Thật nghiêm trang mà thân ái dịu dàng
"Vào lớp đi, can đảm lên chú bé
Ba bữa thôi lại phá xóm phá làng"
Lời nói thầy thẳng băng như thước kẻ,
Mà sao con lại thấy ấm cả lòng,
Đôi mắt thầy trầm ngâm và lặng lẽ
Thắp trong tim con bao ánh lửa hồng.
Kể từ đó con say mê học tập,
Thôi biếng lười, thôi phá lớp xé rào.
Lời thầy giảng âm vang cao lồng lộng
Trăm điều hay, lẽ phải, sống thanh cao
Đời học sinh có đến trăm thầy giáo
Đã cho con bao tình cảm tin yêu
Đã cho con sự hiểu biết thật nhiều,
Từ cuộc sống, từ kho tàng tri thức.
Nhưng riêng thầy, thầy ơi, sự thực
Đã cho con rướm máu tâm hồn
Bởi chiều sâu thăm thẳm của lòng con,
Thầy đã tới và giúp con biết sống.
Kể từ đó, khi đáy lòng con rung động
Hòa nhịp vào cuộc sống của nhân gian
Con vui tươi vẫn học tập chăm ngoan
Nhưng con hiểu cả chiều sâu sự việc.
Con thể hiện lòng yêu đời tha thiết,
Yêu con người, yêu cuộc sống vô biên,
Biết chế ngự mình trước những đảo điên,
Dẫu nghịch cảnh, vẫn điềm nhiên khoan thứ.
Nét đẹp lòng thầy mỗi khi xử xự,
Thật dịu dàng, sắc sảo cánh hoa bay,
Đối với người trên, kẻ dưới giữ lòng ngay
Đối với mình biết dung nhân khắc kỷ
Và hôm nay, con đã làm thầy giáo
Bên bảng đen, trường lớp vẫn còn đây
Nhưng bóng thầy xưa như cánh hạc bay
Đã về cõi vô cùng xa, lồng lộng
Và đâu đó, giữa biển trời cao rộng
Lòng của thầy hòa nhập với lòng con
Ước mơ xưa thầy, giấc mộng vàng son,
Con sẽ viết nên trong cuộc đời cách mạng...
PTL
Thursday, October 31, 2024
LẮNG LÒNG NGHE PHÁP
LẮNG LÒNG NGHE PHÁP
“Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu, đưa về nhất tâm”
Lắng lòng nghe diệu pháp âm
Lời kinh, tiếng kệ – thâm trầm vô ngôn
Bánh xe pháp mãi trường tồn
Nhờ người nghe học – pháp môn diệu huyền
Lắng tai nghe tiếng Phật khuyên
Hai ngàn năm trước, vọng miền nhân gian
Lời kinh pháp cú âm vang
Từ bi, trí tuệ – đôi đàng giải phân
Bánh xe pháp vẫn xoay vần
Lắng lòng nghe, tiếng chuông ngân xưa giờ
Lặng im – thính pháp, đến bờ
Cùng nhau tu tập, mê mờ xua tan
Thỉnh mời Phật đến thế gian
Ngồi tòa thuyết giảng – âm vang pháp màu
Chúng con nghe hiểu tin sâu
Nguyện cho chánh pháp – ngàn sau mãi còn…
Đức Kiên (Nguồn: tập thơ Chánh Niệm)
Tuesday, October 15, 2024
Cuộc xâm lăng không tiếng súng
Cuộc xâm lăng không tiếng súng
Trong thời đại toàn cầu hóa, Internet và các tiến bộ công nghệ về thương mại điện tử (TMĐT) đã mở ra nhiều cơ hội cho việc kinh doanh xuyên biên giới. Ngày nay, mọi người không còn lạ gì với các nền tảng TMĐT như Amazon, Alibaba... Ở Việt Nam, việc mua sắm thông qua các nền tảng thương mại điện tử như: Shoppee, Tiktok, Lazada, Tiki... đã trở nên ngày càng quen thuộc với giới trẻ. Tuy nhiên, gần đây với sự trỗi dậy của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới như Taobao, Temu... với khả năng cung ứng hàng hóa với giá cực rẻ, thời gian và chi phí giao hàng được rút ngắn đáng kể khiến nhiều quốc gia lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh và đe dọa đối với các nhà sản xuất nhỏ ở trong nước. Bên cạnh việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ trong việc tiếp thị và quản lý chuỗi cung ứng, các nền tảng này có sự phát triển nhanh chóng còn nhờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc cho việc vận hành các tổng kho dọc biên giới các nước Đông Nam Á, sự lỏng lẻo trong cơ chế thu thuế của các quốc gia, và khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm kém của các quốc gia nhập khẩu.
Một vài con số thống kê (trích dẫn từ Dantri.com.vn) cho thấy sự tăng trưởng thần tốc của các nền tảng TMĐT xuyên quốc gia của Trung Quốc. Giá trị xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới tăng vọt lên 2.380 tỷ nhân dân tệ (336 tỷ USD), tăng 15,6% so với năm trước đó. Đáng chú ý là phân khúc xuất khẩu đã chứng kiến sự tăng trưởng đột biến 19,6%, vượt qua mức tăng 10,1% của năm 2022 và đạt tổng giá trị 1.830 tỷ nhân dân tệ (258 tỷ USD). Đến quý I năm 2024, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới đạt 577,6 tỷ nhân dân tệ (81,6 tỷ USD), tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu đạt 448 tỷ nhân dân tệ (63,3 tỷ USD), tăng 14%. Theo số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, tính đến cuối tháng 5/2024, quốc gia tỷ dân này có hơn 120.000 doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới, hơn 1.000 khu công nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới. Các công ty Trung Quốc cũng đang sở hữu hơn 2.500 kho hàng ở nước ngoài với tổng diện tích 30 triệu m2. Trong đó, hơn 1.800 kho hàng chuyên phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới, với tổng diện tích 22 triệu m2.Có thể so sánh sự trỗi dậy của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới này, đặc biệt với sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của Temu và các nền tảng tương tự của Trung Quốc là một cuộc xâm lăng mới của thế kỷ 21. Cuộc xâm lăng này không có tiếng súng, nhưng rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gục ngã vì không thể cạnh tranh với làn sóng hàng giá rẻ tràn ngập thị trường. Người tiêu dùng sẽ được lợi trong ngắn hạn, nhưng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn trong tương lai như: hàng kém chất lượng, khó đổi trả, bị điều hướng bởi các trang mạng xã hội, ngày càng lệ thuộc vào các nền tảng này khi các sản phẩm tương tự trong nước không thể tồn tại được... Khi các doanh nghiệp nhỏ trong nước không thể tồn tại, thì số lượng doanh nghiệp đóng cửa/ phá sản ngày càng tăng, số người thất nghiệp cũng sẽ gia tăng và nền kinh tế có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng. Đó là lý do vì sao nhiều quốc gia nhìn nhận sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới này là một mối đe dọa và cần phải tìm ra những giải pháp để bảo hộ các doanh nghiệp nhỏ trong nước.
Trước bối cảnh xâm nhập và phát triển nhanh chóng của Temu và các nền tảng TMĐT xuyên biên giới tương tự, các quốc gia Đông Nam Á đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để ứng phó với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, đặc biệt là những mặt hàng được kinh doanh thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Ví dụ: Malaysia đã áp dụng thuế bán hàng 10% đối với hàng hóa nhập khẩu được mua trực tuyến với giá dưới 500 ringgit (116 USD) vào tháng 1/2024. Tương tự, từ tháng 5/2024, Thái Lan áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1.500 baht (44,76 USD). Đồng thời, thủ tướng Thái Lan cũng chỉ đạo Bộ Thương Mại có biện pháp để hạn chế tình trạng hàng giá rẻ tràn ngập thị trường thông qua TMĐT xuyên biên giới. Chính phủ Indonesia đã lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu lên tới 200% đối với nhiều loại hàng hóa bao gồm hàng dệt may, quần áo, giày dép, mỹ phẩm và đồ điện tử... Bộ trưởng Thương mại Indonesia, cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng 7/2024 "Nếu Indonesia tràn ngập hàng nhập khẩu, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể sẽ phá sản".
Trong khi đó, dường như Việt Nam chưa có động thái gì để đối phó với làn sóng xâm nhập mới của hàng giá rẻ qua các nền tảng TMĐT như Temu. Mọi người vẫn hào hứng với những chủ đề vĩ mô như Chuyển đổi số, CMCN 4.0 hay AI, mà chưa mấy ai nhận ra hiểm họa to lớn đến từ những nền tảng TMĐT xuyên biên giới này. Nhiều đại biểu quốc hội vẫn loay hoay thảo luận những vấn đề dường như chẳng liên quan trực tiếp đến số mệnh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất nhỏ lẻ. Đã đến lúc cần phải gióng lên tiếng chuông cảnh báo trước hiểm họa xâm lăng mới, mà cực kỳ nguy hiểm đối với nền kinh tế quốc gia. Ít nhất chúng ta cũng cần nhận thấy hiểm họa và cần có những chính sách ngăn chặn làn sóng hàng giá rẻ tràn ngập thị trường, và bảo hộ các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất nhỏ trong nước.
Hãy học những gì các nước bạn trong khu vực Đông Nam Á đã làm trong việc dựng lên các tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào thuế quan, hỗ trợ các DN nhỏ trong nước với những điều kiện thuận lợi trong việc xuất nhập khẩu và khai thác các nền tảng công nghệ mới để cải thiện hiệu quả vận hàng, giảm các chi phí thủ tục về hải quan, logistics... Muốn phát triển kinh tế đất nước, muốn dân giàu, nước mạnh thì các quan chức, viên chức cần phải tận tụy với trách nhiệm của mình, bảo hộ và hỗ trợ các DN trong nước tồn tại và phát triển, sửa chữa những bất cập về chính sách. Hy vọng chúng ta sẽ có được những lãnh đạo thật sự vì dân, vì nước để có thể tìm được giải pháp đối phó với cuộc xâm lăng không tiếng súng này. Mong lắm thay!
PQ. Trung
Wednesday, October 2, 2024
Tùy Hỷ
TÙY HỶ
Tùy hỷ thấy người bố thí
Thật tâm mong mỏi điều lành
Công đức sánh bằng người thí
Bởi tâm thiện đã phát sanh
Vui với cái vui người khác
Hoa tâm bừng nở đẹp thay
Mình, người – không hai, không khác
Vô tâm, chánh pháp hiện bày
Dẹp bỏ cái tôi nhỏ hẹp
Trừ lòng ích kỷ xưa nay
Hoan hỷ - niềm vui thật đẹp
Không ghen, vui trọn đời này
Hạnh phúc nào hơn hoan hỷ
Trên môi Di Lặc mĩm cười
Chắp tay, cúi đầu bạn nhỉ
Nụ cười, an lạc vui tươi…
Đức Kiên (tập thơ Chánh niệm)
Tuesday, September 24, 2024
Trí tuệ
Trí tuệ
Khi phân tích các tố chất của một người lãnh đạo giỏi, nhiều nhà nghiên cứu đều nhận thấy Trí tuệ là một trong những đặc tính quan trọng của những lãnh đạo vĩ đại. Trí tuệ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người, nó giúp chúng ta giải quyết vấn đề, ra quyết định và phát triển bản thân. Tuy nhiên, trí tuệ tồn tại ở nhiều dạng thức khác nhau và đều có tầm quan trọng cho sự thành công và phát triển của một người. Dưới đây là một số loại trí tuệ và cách thức phát triển chúng:
1. Trí tuệ logic - toán học: Đây là loại trí tuệ mà mọi người thường nghĩ đến nhất. Nó chỉ đến
khả năng suy luận, phân tích và giải quyết vấn đề một cách logic. Một số gợi
ý về cách phát triển loại trí tuệ này là:
·
Tham gia các khóa học toán học, logic.
·
Chơi các trò chơi trí tuệ như cờ vua, Sudoku.
·
Thực hành giải quyết các bài toán và vấn đề hàng
ngày.
2. Trí tuệ ngôn ngữ: Chỉ đến khả năng sử dụng ngôn ngữ hiệu quả để giao tiếp và diễn đạt
ý tưởng. Loại trí tuệ này gắn liền với khả năng giao tiếp hiệu quả của một người.
Một số cách đề phát triển trí tuệ ngôn ngữ là:
·
Đọc sách, viết nhật ký, tham gia các câu lạc bộ đọc
sách.
·
Tham gia các khóa học viết và nói trước công chúng.
·
Thực hành viết và nói hàng ngày, sử dụng nhật ký điện
tử hoặc sổ tay ghi chép.
3. Trí tuệ cảm xúc: Khả năng nhận biết, hiểu và quản lý cảm xúc của bản thân và người
khác. Đây là loại trí tuệ được chú ý nhiều trong thời gian gần đây, bởi nó giúp
một người giữ ddwwojc bình tĩnh và vượt qua những tình huống căng thẳng dễ dàng. Một
số lời khuyên giúp phát triển trí tuệ cảm xúc bao gồm:
·
Thực hành tự nhận thức và tự điều chỉnh cảm xúc thông
qua thiền hoặc Yoga.
·
Tham gia các hoạt động tình nguyện, làm việc nhóm.
·
Học cách lắng nghe và thấu hiểu người khác.
4. Trí tuệ xã hội: Chỉ đến khả năng tương tác và xây dựng mối quan hệ với người khác.
Loại trí tuệ này cần thiết cho hoạt động cộng tác. Cách phát triển trí tuệ
xã hội là:
·
Tham gia các hoạt động xã hội, câu lạc bộ, nhóm học
tập.
·
Học cách giao tiếp hiệu quả và xây dựng mạng lưới
quan hệ.
·
Thực hành kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết xung
đột.
5. Trí tuệ sáng tạo: Là khả năng tưởng tượng, sáng tạo và đưa ra các ý tưởng mới. Trí
tuệ này đòi hỏi trực giác, và những góc nhìn mới mẻ. Một số cách để phát
triển óc sáng tạo là:
·
Tham gia các hoạt động nghệ thuật như vẽ, viết, âm
nhạc.
·
Khuyến khích tư duy sáng tạo thông qua các bài tập
và dự án.
·
Thực hành tư duy phản biện và tìm kiếm các giải
pháp mới cho vấn đề.
Wednesday, September 11, 2024
DẤU CHÂN NGUỒN CỘI
DẤU CHÂN NGUỒN CỘI
Kính tặng nhà thơ Phan Lạc Tuyên
Ta đi giữa cuộc nhân gian
Dấu chân nguồn cội dặm ngàn
mai sau.
Được gì đâu - mất gì đâu ?
Lá bay theo trận gió đầu nguyên sơ,
Kể từ sông núi mịt mờ
Xốc gươm vào giữa cuộc cờ mà chơi,
Ai hay đá lở đất bồi
Bừng con mắt đạo giữa đời
oan khiên
Bước chân lạc giữa hư huyền
Còn đăm đắm mộng giữa triền miên xanh.
Phạm Trường Linh
Thursday, August 29, 2024
Chuyện tiền thân Bồ tát Địa tạng
Chuyện tiền thân Bồ tát Địa tạng
Khoảng thời gian mà đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại
Vương giáo hóa chúng sanh có thể gọi là dài nhất so với các đức Phật khác. Đức
Phật ấy thọ mạng bốn vạn ức A tăng kỳ kiếp. Trong thời tượng pháp của Phật Giác
Hoa Định Tự Tại Vương, có một người nữ dòng Bà la môn, trang nghiêm đoan chánh,
siêng tu phước thiện, cứu người nghèo đói, được mọi người ngưỡng mộ kính phục.
Cha cô đã mất, chỉ còn bà mẹ. Rất tiếc, người mẹ lại tin theo tà giáo, xem
thường chánh giáo, làm cho cô gái cảm thấy vô cùng sầu khổ. Cô gái cũng thường
khuyên mẹ làm thiện, cải tà quy chánh. Lần lần, bà mẹ cũng sanh khởi một chút
lòng tin. Rủi thay, chưa kịp hưởng được ánh sáng lợi ích của chánh pháp, thì bà
đột nhiên bị bệnh qua đời.
Cô gái Bà la môn biết rằng mẹ mình lúc còn sống
không tin nhơn quả, tạo nhiều nghiệp sát sanh, ác khẩu, v.v… ắt sẽ bị đọa vào
ba đường ác. Cô bèn bán tất cả tài sản, lấy tiền mua các loại danh hương, hoa
quả, phẩm vật, v.v… đem đến các chùa bố thí cúng dường. Đến một chùa nọ, thấy
trong chùa thờ tượng Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, vô cùng trang nghiêm,
tướng hảo phi phàm, càng thêm kiền thành cung kính, bèn chí thành đảnh lễ,
trong lòng nghĩ thầm: “Đức Phật là bậc thánh đại giác ngộ, có trí tuệ bất khả tư
nghì. Nếu như đức Phật còn tại thế gian, con đến hỏi ngài về việc đầu thai của
mẹ, ắt ngài sẽ biết rõ.” Nghĩ như thế xong, cô bèn bất giác rơi lệ.
Cô gái đứng trước tượng Phật chiêm ngưỡng rất lâu,
bổng nhiên từ trên không trung có âm thanh vọng xuống: “Này hiếu nữ đang khóc
kia! Con không nên bi ai quá lắm. Ta sẽ chỉ chỗ sanh của mẹ con.” Vừa xong,
không còn nghe âm thanh nào khác. Cô gái cảm thấy rất phấn khởi, vui mừng chắp
tay hỏi vọng lên: “Vị thánh nào có lòng thương tưởng đến con như vậy! Từ khi mẹ
con mất đến nay, ngày đêm con thương nhớ vô vàn, nhưng không biết đi hỏi ai chỗ
đầu thai của mẹ con!”
Lúc đó, trên không lại có âm thanh vang lên: “Hiếu
nữ! Ta là Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương mà con đang đảnh lễ. Nhân vì thấy con
thương tưởng đến mẹ tha thiết, quá hơn người thường, cho nên ta đến bảo cho con
biết.”
Cô gái Bà la môn nghe âm thanh từ bi của đức Phật,
cảm động đến đỗi ngã quỵ trên mặt đất, giống như núi đổ. Những người chung
quanh bèn đỡ cô dậy, một lúc lâu sau mới tỉnh. Lúc đó, cô gái lại ngước mặt lên
không trung thưa rằng: “Nguyện Phật từ bi thương xót! Xin hãy cho biết mẹ con
sanh về chỗ nào. Hiện nay, mạng sống của con cũng chẳng còn bao lâu nữa. Xin
Phật từ bi thương xót!”
– Hiếu nữ! Con hãy an tâm. Sau khi cúng dường
xong, con hãy về nhà, ngồi ngay thẳng, niệm danh hiệu ta, liền có thể biết được
mẹ con sanh về chốn nào.
Cô gái cúng dường xong, tuân theo lời đức Phật,
bèn trở về nhà, dùng lòng hiếu thảo tha thiết nhớ mẹ, ngồi ngay ngắn, niệm danh
hiệu của đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Trải qua một ngày đêm, bổng
nhiên cảm thấy thân mình đến một bờ biển. Nước trong biển sôi sùng sục. Trên
mặt biển có nhiều ác thú, chó sắt, rắn sắt, v.v…, đang chạy tới lui, rượt đuổi
vô số nam nữ đang trồi hụp. Lại có những quỷ dạ xoa nhiều tay, nhiều mắt, nhiều
đầu, răng nanh chỉa ra như gươm, hành hạ tội nhân làm cho họ cực kỳ thống khổ!
Cảnh tượng hãi hùng, không ai dám nhìn lâu. Đang lúc cô gái chứng kiến cảnh
tượng khủng khiếp xảy ra, bổng có một quỷ vương tên là Vô Độc đến gần cung kính
vái chào: “Thánh nữ! Cô vì cớ gì mà đến nơi này?”
Cô gái cảm thấy rất kỳ quái, bèn hỏi quỷ vương:
“Xin hỏi đây là chốn nào?”
– Đây là tầng biển thứ nhất ở phía tây núi Đại
Thiết Vi.
– Nghe nói trong núi Thiết Vi có địa ngục, điều
này có đúng không?
– Dạ đúng như thế!
– Nếu vậy, tại sao hiện nay tôi lại đến đuợc chốn
này?
– Có hai nguyên nhân đến được địa ngục. Nếu không
nhờ uy đức thần lực của chư Phật Bồ tát, thì phải do ác nghiệp lực chiêu cảm.
Ngoài ra, không cách nào đến được chốn này.
– Nước trong biển tại sao lại sôi sùng sục? Những
kẻ kia vì cớ gì mà bị ác thú rượt đuổi như vậy?
– Đây là những chúng sanh tạo ác ở cõi Nam Diêm
Phù Đề, vừa mới chết trong vòng bốn mươi chín ngày, không có bà con thân thuộc
tu tập công đức để cứu vớt khổ nạn cho họ. Bọn họ lúc sống cũng không tích tập
thiện nhân, căn cứ vào những ác nghiệp mà họ đã tạo, chiêu cảm quả báo địa
ngục, tự nhiên trước tiên phải đến biển này. Tại phía đông biển này, cách đây
khoảng mười vạn do tuần, lại có một biển nữa, những điều thống khổ phải chịu
lại còn gấp bội. Qua phía đông nữa, lại có một biển, sự khổ ở đó lại tăng gấp
bội. Đây gọi là nghiệp hải, do thân, khẩu, ý tạo nghiệp ác chiêu cảm.
– Như vậy, địa ngục còn ở nơi nào nữa?
– Địa ngục ở trong ba biển vừa nói. Mỗi biển đều
có trăm ngàn đại địa ngục khác nhau. Trong mỗi đại địa ngục có mười tám đại địa
ngục, hình phạt thống khổ nhất, lại có năm trăm trung địa ngục và trăm ngàn
tiểu địa ngục. Trong mỗi ngục đều có vô lượng sự thống khổ.
– Mẹ tôi mới chết chưa được bao lâu, không rõ thần
hồn hiện ở chốn nào?
– Thánh nữ! Mẹ cô tên họ là gì?
– Cha mẹ tôi dòng dõi Bà la môn. Cha tôi tên Thi
La Thiện Hiện, mẹ tôi tên Duyệt Đế Lợi.
Vô Độc nghe đến tên Duyệt Đế Lợi, bèn vội chắp tay
thưa: “Thánh nữ! Xin cô hãy an tâm trở về, không cần phải lo lắng nữa. Tội nhân
Duyệt Đế Lợi đã được sanh lên trời ba ngày rồi. Nghe nói nhờ cô tu phước cúng
dường chùa tháp thờ đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương. Ngày hôm đó không
những bà ấy được thoát khổ, mà nhiều tội nhân trong địa ngục cũng được sanh lên
trời ».
Vô Độc nói xong, bèn chắp tay cáo từ. Cô gái Bà la
môn dường như tỉnh mộng. Nhớ lại câu chuyện trong giấc chiêm bao, bèn đến trước
tháp thờ đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, thành kính phát nguyện: « Nguyện
cho đến cùng tận đời vị lai, con sẽ thiết lập mọi phương tiện, cứu độ tất cả
tội khổ chúng sanh đều được giải thoát ». Sau khi phát nguyện, cô ta bèn
chuyên tâm tinh tiến tu tập phước đức. Người con gái ấy chính là một tiền thân
của đức Bồ Tát Địa Tạng. Còn quỷ vương Vô Độc là tiền thân của Bồ Tát Tài Thủ.
Bài học: Bồ Tát Địa Tạng chính là biểu tượng của lòng đại bi,
ngài có đại nguyện cứu khổ tội nhân trong địa ngục : « Địa ngục chưa
trống không, ta quyết không thành Phật ! ». Nhiều tiền thân của ngài
đều thể hiện lòng hiếu thảo rất lớn. Đó là tấm gương mà người con Phật cần noi
theo. Theo truyền thuyết, ngài cũng thường bảo hộ trẻ nhỏ, và các bà mẹ khi
sanh nở.