Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Tuesday, October 15, 2024

Cuộc xâm lăng không tiếng súng

Cuộc xâm lăng không tiếng súng

Trong thời đại toàn cầu hóa, Internet và các tiến bộ công nghệ về thương mại điện tử (TMĐT) đã mở ra nhiều cơ hội cho việc kinh doanh xuyên biên giới. Ngày nay, mọi người không còn lạ gì với các nền tảng TMĐT như Amazon, Alibaba... Ở Việt Nam, việc mua sắm thông qua các nền tảng thương mại điện tử như: Shoppee, Tiktok, Lazada, Tiki... đã trở nên ngày càng quen thuộc với giới trẻ. Tuy nhiên, gần đây với sự trỗi dậy của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới như Taobao, Temu... với khả năng cung ứng hàng hóa với giá cực rẻ, thời gian và chi phí giao hàng được rút ngắn đáng kể khiến nhiều quốc gia lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh và đe dọa đối với các nhà sản xuất nhỏ ở trong nước. Bên cạnh việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ trong việc tiếp thị và quản lý chuỗi cung ứng, các nền tảng này có sự phát triển nhanh chóng còn nhờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc cho việc vận hành các tổng kho dọc biên giới các nước Đông Nam Á, sự lỏng lẻo trong cơ chế thu thuế của các quốc gia, và khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm kém của các quốc gia nhập khẩu.

Một vài con số thống kê (trích dẫn từ Dantri.com.vn) cho thấy sự tăng trưởng thần tốc của các nền tảng TMĐT xuyên quốc gia của Trung Quốc. Giá trị xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới tăng vọt lên 2.380 tỷ nhân dân tệ (336 tỷ USD), tăng 15,6% so với năm trước đó. Đáng chú ý là phân khúc xuất khẩu đã chứng kiến sự tăng trưởng đột biến 19,6%, vượt qua mức tăng 10,1% của năm 2022 và đạt tổng giá trị 1.830 tỷ nhân dân tệ (258 tỷ USD). Đến quý I năm 2024, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới đạt 577,6 tỷ nhân dân tệ (81,6 tỷ USD), tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu đạt 448 tỷ nhân dân tệ (63,3 tỷ USD), tăng 14%. Theo số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, tính đến cuối tháng 5/2024, quốc gia tỷ dân này có hơn 120.000 doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới, hơn 1.000 khu công nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới. Các công ty Trung Quốc cũng đang sở hữu hơn 2.500 kho hàng ở nước ngoài với tổng diện tích 30 triệu m2. Trong đó, hơn 1.800 kho hàng chuyên phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới, với tổng diện tích 22 triệu m2.

Có thể so sánh sự trỗi dậy của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới này, đặc biệt với sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của Temu và các nền tảng tương tự của Trung Quốc là một cuộc xâm lăng mới của thế kỷ 21. Cuộc xâm lăng này không có tiếng súng, nhưng rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gục ngã vì không thể cạnh tranh với làn sóng hàng giá rẻ tràn ngập thị trường. Người tiêu dùng sẽ được lợi trong ngắn hạn, nhưng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn trong tương lai như: hàng kém chất lượng, khó đổi trả, bị điều hướng bởi các trang mạng xã hội, ngày càng lệ thuộc vào các nền tảng này khi các sản phẩm tương tự trong nước không thể tồn tại được... Khi các doanh nghiệp nhỏ trong nước không thể tồn tại, thì số lượng doanh nghiệp đóng cửa/ phá sản ngày càng tăng, số người thất nghiệp cũng sẽ gia tăng và nền kinh tế có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng. Đó là lý do vì sao nhiều quốc gia nhìn nhận sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới này là một mối đe dọa và cần phải tìm ra những giải pháp để bảo hộ các doanh nghiệp nhỏ trong nước.

Trước bối cảnh xâm nhập và phát triển nhanh chóng của Temu và các nền tảng TMĐT xuyên biên giới tương tự, các quốc gia Đông Nam Á đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để ứng phó với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, đặc biệt là những mặt hàng được kinh doanh thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Ví dụ: Malaysia đã áp dụng thuế bán hàng 10% đối với hàng hóa nhập khẩu được mua trực tuyến với giá dưới 500 ringgit (116 USD) vào tháng 1/2024. Tương tự, từ tháng 5/2024, Thái Lan áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1.500 baht (44,76 USD). Đồng thời, thủ tướng Thái Lan cũng chỉ đạo Bộ Thương Mại có biện pháp để hạn chế tình trạng hàng giá rẻ tràn ngập thị trường thông qua TMĐT xuyên biên giới. Chính phủ Indonesia đã lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu lên tới 200% đối với nhiều loại hàng hóa bao gồm hàng dệt may, quần áo, giày dép, mỹ phẩm và đồ điện tử... Bộ trưởng Thương mại Indonesia, cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng 7/2024 "Nếu Indonesia tràn ngập hàng nhập khẩu, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể sẽ phá sản".

Trong khi đó, dường như Việt Nam chưa có động thái gì để đối phó với làn sóng xâm nhập mới của hàng giá rẻ qua các nền tảng TMĐT như Temu. Mọi người vẫn hào hứng với những chủ đề vĩ mô như Chuyển đổi số, CMCN 4.0 hay AI, mà chưa mấy ai nhận ra hiểm họa to lớn đến từ những nền tảng TMĐT xuyên biên giới này. Nhiều đại biểu quốc hội vẫn loay hoay thảo luận những vấn đề dường như chẳng liên quan trực tiếp đến số mệnh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất nhỏ lẻ. Đã đến lúc cần phải gióng lên tiếng chuông cảnh báo trước hiểm họa xâm lăng mới, mà cực kỳ nguy hiểm đối với nền kinh tế quốc gia. Ít nhất chúng ta cũng cần nhận thấy hiểm họa và cần có những chính sách ngăn chặn làn sóng hàng giá rẻ tràn ngập thị trường, và bảo hộ các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất nhỏ trong nước. 

Hãy học những gì các nước bạn trong khu vực Đông Nam Á đã làm trong việc dựng lên các tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào thuế quan, hỗ trợ các DN nhỏ trong nước với những điều kiện thuận lợi trong việc xuất nhập khẩu và khai thác các nền tảng công nghệ mới để cải thiện hiệu quả vận hàng, giảm các chi phí thủ tục về hải quan, logistics... Muốn phát triển kinh tế đất nước, muốn dân giàu, nước mạnh thì các quan chức, viên chức cần phải tận tụy với trách nhiệm của mình, bảo hộ và hỗ trợ các DN trong nước tồn tại và phát triển, sửa chữa những bất cập về chính sách. Hy vọng chúng ta sẽ có được những lãnh đạo thật sự vì dân, vì nước để có thể tìm được giải pháp đối phó với cuộc xâm lăng không tiếng súng này. Mong lắm thay!

PQ. Trung


3 comments:

  1. Cảm ơn nhiều và xin được chia sẻ.

    ReplyDelete
  2. Thanks! Ok, cứ chia sẻ tự do nhé.

    ReplyDelete
  3. Bài viết rất hay, rất thiết thực

    ReplyDelete