Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Friday, November 10, 2023

PHÁP HÀNH

PHÁP HÀNH 

Đường công danh chớ đắm tham 
Hướng tâm tu tuệ, siêng làm phúc thay 
Dựng cầu, xây tháp, giúp ngay, 
Cứu người đói khổ, hăng say giúp đời 
Từ bi, hỷ xả, người ơi 
Bốn tâm vô lượng , tu thời chớ quên 
Ngày ngày giữ chí cho bền 
Dẹp dần phiền nào, dựng nền giác tâm 
Tụng kinh, niệm pháp, gieo mầm 
Văn-tư-tu, chớ để tâm nhiễm trần 
Trong ngoài, tu tiến, tâm thân 
Đó là hạnh nguyện chánh chân ở đời 
Bên ngoài phước báo vun bồi 
Bên trong tu dưỡng, sáng ngời chân tâm 
Tham-sân-si nguyện dứt mầm 
Tín-nguyện-hành nhớ trong tâm – mỗi ngày 
Niềm vui đạo pháp – đẹp thay 
Giúp người, mình cũng mỗi ngày an vui 
Trên đường chánh pháp chẳng lùi 
Càng tu càng tiến – nếm mùi giác hương… 

(Nguồn: Đức Kiên - tập thơ Chánh Niệm)

Thursday, November 2, 2023

Lời tựa Truyện “Nam Hải Quan Âm” diễn xuôi

 


Lời tựa

Truyện “Nam Hải Quan Âm” diễn xuôi

Theo thế giới quan của đạo Phật thì tất cả nơi nào có sự sống, có chúng sinh (tất cả mọi loài từ vô tình đến hữu tình chúng sinh ) đều được làm nên từ 3 yếu tố: Thần lực của chư Phật, Nguyện lực của chư Bồ Tát và Nghiệp lực của chúng sinh. Nếu thiếu một trong 3 điều kiện trên thì khối vật chất kia hãy còn là 1 cõi hỗn mang, tăm tối. Chân lý đó con người sẽ lần lần chứng nghiệm trên lộ trình phát triển trí tuệ tột cùng nhờ trình độ tu chứng mỗi ngày một thăng hoa. Cho nên, chắc chắn sẽ không ai ngạc nhiên khi một ngày nào đó, họ khám phá ra rằng nơi chúng ta đang sống, đang sinh hoạt đây cũng chỉ là một cõi đang diễn ra trong thân của một vị Phật, hay tất cả thế giới mà chúng ta đang sống đây từ phần thô kệch đến phần cực kỳ vi tế đều mọc lên từ trong tâm của mỗi chúng ta: những chúng sinh có cùng tư tưởng, cùng ý thích, cùng mơ ước, cùng hoài bão, cùng cộng nghiệp như nhau. Còn chư Bồ Tát? Tuy là các ngài đã đạt đến trình độ gần như rốt ráo của con đường tu chứng nhưng vì bản nguyện độ sinh nên phải hóa thân bời bời để đi lại giữa thế gian, để dẫn dắt những kẻ còn quá tối tăm, mê muội. Bởi đại nguyện: “Bao giờ còn một chúng sinh chưa giác ngộ thì ta chưa vào niết bàn” nên các đại Bồ Tát vẫn luôn quan sát, lắng nghe và cứu giúp kịp thời. Điều đó được biểu hiện bằng tướng nghìn tay, nghìn mắt mà ta thường thấy dân gian tạc tượng các Ngài để thờ.

Khi một Bồ Tát thị hiện xuống thế gian, ít ai nhận ra hóa thân của Ngài, bởi vì lợi ích của chúng sinh mà Ngài cũng mang hình hài phàm tục, cũng làm việc, ăn uống, ngủ, nghỉ như bất cứ một người nào, chỉ khác là những việc làm của Ngài không phải vì lợi ích riêng của bản thân mà là vì chúng sanh, vì tha nhân, vì đại nguyện tế độ… và tùy căn cơ của mỗi chúng sinh mà hóa thân cho thích ứng. Trong tam thế Phật gồm 3 vị: Phật A Di Đà, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí thì Đức Quan Âm được xem là gần gũi với chúng sanh nhất. Ngài thường thị hiện dưới bất cứ hình thức nào để độ sinh, và nơi nào còn chúng sinh đau khổ Ngài đều có mặt. Trong dân gian, không ai là không thuộc lòng truyện “Quan Âm Thị Kính” hay “Nam Hải Quán Thế Âm” tức “Quan Âm Diệu Thiện” còn gọi là “Bà Chúa Ba” các vị đó đều là hóa thân của Đức Quán Thế Âm . Mỗi khi gặp hiễm nguy, nạn tai hay khổ đau ta thường niệm thầm danh hiệu của Ngài, sẽ thấy lòng bớt đi đau khổ, sợ hãi và an tâm hơn, đó là nhờ sức mạnh của đại nguyện “vô úy thí” mà Đức Quán Thế Âm thường dùng để độ sinh. “Quán Thế Âm” có nghĩa là quán xét và lắng nghe những âm thanh đau khổ, kêu cứu của mọi loài với lòng từ bi bình đẳng để ban vui, cứu khổ không từ một ai. Đọc truyện tiền thân hay hóa thân của Ngài cũng có nghĩa là chúng ta sẽ học hạnh từ bi đó để huân tập cho mình biết sống vì mọi người.

VÂN HÀ
(Trần Thị Hồng Anh)

(Nguồn: http://thovan.trungpham.dx.am/pmwiki.php/VH/L%e1%bb%9cIT%e1%bb%b0A)

Monday, October 23, 2023

Đêm Hư-Vô



Đêm Hư-Vô

PHẠM-TRƯỜNG-LINH

Bài thơ tình giữa cơn mơ
Đêm xanh nguyệt lạnh hồn mờ phiêu linh

Ôi, một tình yêu lạc nẻo về
Cuộc tình thăm thẳm mấy sơn khê
Thuyền anh lạc giữa trời băng tuyết
Đắm đuối hồn anh giữa bến mê
Anh nhớ hoài em giữa cuộc đời
Đi về ngàn dặm vẫn khôn nguôi
Quay đầu mấy độ băng sương gió
Em vẫn bạt ngàn giữa viễn khơi

Từ độ đưa em xuống tận cùng
Bốn bề mây nước gió trùng dương
Lồng lộng thổi qua hồn lạnh buốt
Trên bước tìm em, lạc giữa đường

Anh gặp em rồi giữa giấc mơ
Đêm nay bến vắng lặng như tờ
Đã nghe giông bão như tiền kiếp
Thổi tự ngàn năm rét buốt thơ

Em đi giữa biển trời hư ảo
Một chiếc thuyền mơ lộng gió mơ
Anh thổi đến em hồn viễn xứ
Thuyền tính phiêu dạt bến hư vô

Thực mộng nào hay ai hiểu được
Chỉ biết đêm nay chẳng bến bờ
Có một tình em xa bát ngát
Cùng anh trôi dạt cuối trời mơ.

Friday, October 13, 2023

SÓNG GIÓ GIÒNG ĐỜI

SÓNG GIÓ GIÒNG ĐỜI

Năm 1954, gia đình tôi rời miền quê Cần Thơ để lên thành phố sinh sống. Năm ấy tôi chỉ mới lên sáu hay bảy tuổi gì đó nhưng tôi nhớ rất rõ là ba tôi đã phải vất vả lắm mới đưa được cả nhà lên thành phố. Ở nhà quê tình hình bất an, má tôi thường xuyên một mình chạy vạy với lủ con sáu đứa chẳng biết làm gì ngoài ăn, ngủ, học,… còn ba tôi thì thường xuyên vắng nhà vì đi theo kháng chiến chống thực dân Pháp. Thỉnh thoảng ba cũng dắt tôi theo vào tận trong chiến khu nơi ba làm việc. Cái trí nhớ lúc năm hay sáu tuổi gì đó của tôi thật là mù mờ. Cố lắm tôi mới còn nhớ được chổ đó là một tòa nhà màu trắng ở giữa một khu vườn ruộng vắng vẻ. Ba tôi lúc ấy có lẽ là trưỡng nơi đó hay sao mà tôi thường thấy các cô chú đến báo cáo mọi việc. Lúc ăn cơm không dùng đủa chén như ở nhà mà dùng dĩa và cầm muỗng, nĩa để ăn.Tôi cảm thấy ngồ ngộ làm sao nhưng không dám hỏi ba. Khi ba làm việc tôi chỉ biết chạy chơi thơ thẩn gần đó. Không ai ngăn cản tôi cả, tôi muốn đi đâu thì đi miễn là quanh quẩn gần đó, vả lại còn đi đâu được nữa khi mà chung quanh chỉ toàn là ruộng đồng và đầm lầy… có lần tôi lang thang xuống bếp, nhà bếp rộng lắm, có tới mấy gian, tôi chạy hết phòng nầy đến phòng khác, có một phòng hơi tối, tôi tò mò đi ngang và nhìn vào thấy dưới gầm giường có rất nhiều người bị trói hai tay đang chen chúc trong ấy. Thấy tôi đi ngang qua họ ra dấu vẫy tay nhưng tôi sợ không dám đến gần. Một vài cô chú dưới nhà bếp lấy cho tôi mấy trái chuối rồi bảo tôi ra chỗ khác chơi. Đó là những hình ảnh mà tôi còn nhớ nhiều nhất những khi theo ba ra chỗ ba làm việc. Mãi sau nầy khi tôi kể lại cho má tôi nghe, má mới nói với tôi những người đó là thực dân Pháp bị nghĩa quân bắt. Lúc đó, tôi hãy còn bé quá để hiểu thế nào là lòng yêu nước, lòng căm thù giặc, tôi vẫn còn chưa được cắp sách đến trường kia mà… sau đó má tôi cũng có cho tôi đến học ở một ngôi trường làng gần nhà nhưng chẳng được bao lâu thì lại phải thay đổi chổ ở, lại nghỉ học để đến một chỗ ở mới… gia đình tôi thường xuyên thay đổi chỗ ở như thế vì phải theo ba, mà ba thì cũng thay đổi nơi công tác luôn luôn… có lần má kể cả nhà về thăm ngoại, đến khi trở về thấy nhà mình bị đốt cháy cũng không dám nhìn, má âm thầm lặng lẽ dẫn các con tìm nơi khác tạm lánh để đợi ba về, rồi từ đó theo ý ba, cả nhà phải ở dưới một cái thuyền rày đây mai đó, vừa theo ba vừa có thể tránh những nơi bọn giặc Pháp ruồng bố nghĩa quân. Tuy vất vả, khó khăn như thế nhưng đến nơi nào ba cũng cho các con đến trường học ở nơi đó, có nơi học được trọn năm, có nơi chỉ học có vài tháng rồi lại phải giong thuyền sang bến khác vì nơi đó giặc ruồng bố nhiều quá không thể ở lâu được… Mỗi khi ba đi công tác thì má ở nhà lo cơm nước cho chúng tôi và buôn bán lặt vặt với các ghe xuồng chung quanh để ba không phải lo lắng nhiều, cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi… Nếu như chiều hôm đó chúng tôi không chứng kiến cái chết thảm thương của một người anh rễ trong họ, con dì Bảy, chị của má tôi : lập gia đình được hai năm, có hai con một trai một gái, anh và chị họ tôi sống hạnh phúc bên nhau không được bao lâu thì biến cố xãy ra… là nông dân nên anh chị tôi cũng tằn tiện dành dụm cho gia đình mình được khá giả đôi chút. Buổi sáng hôm ấy anh đi Sài Gòn mua sắm cho gia đình một ít vật cần dùng : một cái tủ, vài cái ghế, bàn… mọi người ai cũng mừng cho gia đình anh. Khi anh ghé chơi, má tôi cũng mừng cho anh, vậy mà chỉ sáng hôm sau tin anh bị giết thảm thương đã làm mọi người bàng hoàng ngơ ngẫn. Trong trí nhớ lờ mờ của tôi lúc ấy chỉ là hình ảnh chị ngồi khóc bên cạnh vũng máu của anh đã khô đặc trên sân nhà, anh bị giết hồi đêm sau khi bị kết tội là việt gian và bị bỏ xác trên bè thả trôi sông… chị và gia đình phải chờ đến tối, sau khi không còn ai thăm hỏi nữa mới dám mượn người xuống cuối sông tìm xác anh vớt lên để chôn. Tôi còn quá nhỏ để có thể nhận định anh bị giết đúng hay oan, nhưng theo má tôi thì anh bị giết do lòng ghen ghét, tị hiềm, nhỏ nhen của con người, bỡi vì trong xóm anh được tiếng là người tốt bụng, thật thà… ai cũng yêu mến anh. Nên nếu không vu cho anh một cái tội nào đấy… thì khó mà không bị quần chúng lên án, có lẽ trong xóm, mọi người ai cũng biết thủ phạm là ai nhưng… với tâm lý của người dân thấp cổ bé miệng hay sợ hãi mọi thứ trên đời nầy thì biết chỉ để mà biết thôi chứ không ai có can đảm để vạch mặt chỉ tên kẻ “ lòng lang dạ sói” đó. Má tôi nói tuy là không ai tố cáo hắn nhưng luật nhân quả cũng không buông tha hắn đâu, quả nhiên, chỉ vài năm sau, hắn cũng bị kẻ khác giết chết thảm thiết y như anh rễ tôi. Có lẽ hôm ấy là ngày chị tôi vui nhất, sau đó chị giả từ vùng quê đau khổ đó để lên thành phố làm lại cuộc đời… Má tôi bàn với ba nên tìm cách sắp xếp lại cuộc sống để cho các con có nơi ăn, chốn ở ổn định và có nơi học hành đến nơi, đến chốn… không thể sống trôi nổi trên bến sông rày đây mai đó hoài như thế… có lẽ má tôi sợ hãi một bất trắc nào đó không lường trước sẽ xãy đến cho gia đình mình chăng ? chỉ biết là sau đó ba tôi nghe lời má xin nghĩ công tác một thời gian để lo ổn định cuộc sống gia đình. Thế là cả nhà chuẩn bị rời làng quê để lên thành phố sinh sống. Má tôi kể những ngày đó thật là cực khổ, nhưng vì tương lai của chúng tôi má nhất quyết rời bỏ làng quê nhiều bất trắc đó để có thể sống còn, để có thể bảo vệ được các con hãy còn qúa bé bỏng của má. Với hai bàn tay trắng, ba má dẫn sáu đứa con từ miệt vườn lên thành phố Sài Gòn lập nghiệp mà không biết tương lai sẽ ra sao ? Nhưng với quyết tâm bảo vệ các con, cho chúng có được những tháng ngày yên ổn cắp sách đến trường, không để chúng phải cực khổ vì sinh kế mà dỡ dang việc học, ba má tôi chịu đựng tất cả, không hề ta thán một lời miễn là các con vẫn được vui chơi và đến trường như mọi đứa trẻ khác là được…

Thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ – đối với tôi – cũng không khác ở quê là mấy, chỉ nhiều xe hơn một chút mà thôi, bỡi có những vùng còn vắng vẻ vô cùng, đi cả cây số cũng không gặp bóng người, chỉ có nghĩa trang là nhiều mà nghĩa trang nào cũng lớn, cũng rộng khiến tôi luôn sợ hãi nắm chặt tay ba mỗi khi có dịp đi ngang, có khi tôi còn nhắm tịt mắt lại suốt quảng đường phải đi qua đấy… những ngày mới lên thành phố, gia đình tôi phải tá túc nhà một bà dì, em mẹ tôi, hàng ngày, ba tôi phải đi bộ các nơi để tìm cho được một mãnh đất thích hợp với túi tiền không nhiều nhặn gì của ba má, cho nên, phải rất lâu, ba tôi mới tìm được một nơi như thế.Miếng đất đó nằm cạnh một con lạch nhỏ, sau nầy con lạch trở thành cái cống nho nhỏ phía trước nhà chúng tôi. Ba tôi, sau khi mua được miếng đất bèn lên kế hoạch xây cất, mà có phải mượn người, mượn thợ chi đâu, bỡi tiết kiệm, sợ tốn nhiều tiền thì không còn đủ chi phí cho vợ con nên ba quyết định tự xây cất lấy. Dì tôi kinh hãi, gợi ý là dì sẽ cho ba má mượn tiền để nhờ thợ xây cất nhưng ba tôi còn sợ nợ nần hơn nên không nhận và… thế là ba tự mua xi măng và cát để in lấy những viên gạch thô chất đống để dành dần… rồi cũng đến lúc đầy đủ nguyên vật liệu để làm nhà, bấy giờ ba mới mượn một người thợ cùng với ba dựng nhà, có sự trợ giúp của cậu Chín… anh của má tôi, chỉ là bốn bức tường vách và một cái gác xép nhỏ thế mà cũng mất hơn hai tháng mới xong. Dì tôi vừa chúc mừng vừa cười thán phục : – Tao sợ ba mầy luôn, chưa thấy ai gan lỳ như vậy, một mình mà dám xây cả căn nhà như thế trong lúc chẳng có bao nhiêu tiền… không biết có chắc không đây, đã vậy mà còn làm tàng không thèm mượn tiền của tao nữa…

Má tôi chỉ cười không nói nhưng má biết tánh ba, tuy ít nói nhưng rất thương yêu anh, chị, em và không bao giờ muốn làm phiền bất cứ ai, nếu như có phải nhờ vả là vạn bất đắc dĩ chứ việc còn có thể… là ba không bao giờ làm phiền người khác cho dù đó là anh, chị, em ruột của mình cũng vậy. Thế là gia đình tôi đã có được mái ấm của riêng mình, chấm dứt những ngày tá túc ở nhà dì. Ba tôi bấy giờ mới bắt đầu đi xin việc ở khắp mọi nơi, làm nhiều nơi những cũng chỉ là làm tạm để chờ một công việc khác ổn định hơn mà thôi, má tôi thì chẳng biết làm gì ngoài việc buôn bán lặt vặt để kiếm ít tiền chợ giúp ba trong giai đoạn còn quá khó khăn đó.Rồi má sinh thêm em trai, tuy không khá gỉa gì nhưng mỗi lần sinh thêm em, ba má đều vui mừng như được thêm của, tôi còn nhỏ quá để nhận ra nỗi khổ cực càng chồng chất thêm trên đôi vai vốn nặng oằn của ba má tôi… Hai năm sau, ba tôi xin được việc làm ơ Tổng Công ty điện lực thành phố, đó là ngày má tôi vui nhứt bởi như thế là ba tôi đã được công nhận là cư dân thành phố và gia đình tôi gần như có được cuộc sống ổn định hơn nhờ vào đồng lương công chức của ba.

Tôi phải học trễ một năm vì sự thay đổi đó của gia đình, ngày tôi vào trường công để học lại lớp hai cũng là ngày tôi có thêm một em gái, má tôi sinh thêm em thứ mười, sau nầy còn thêm hai em nữa : một trai, một gái… như vậy là chúng tôi có tất cả mười một anh, chị, em, nếu như chúng tôi không mất đi người anh thứ năm. Thật đúng là đại gia đình, má tôi không có thì giờ để lo cho riêng mình nữa, với ngần ấy miệng ăn thì còn thì giờ đâu để mà lo việc khác ngoài việc kiếm cơm, kiếm gạo cho các con. Ba tôi cũng vậy, chưa bao giờ tôi thấy ba đi chơi hay tiêu xài gì cho riêng mình. Cứ đến ngày lãnh lương là Ba đưa hết cho má để má mua gạo, mắm, muối… và mọi thứ thực phẩm khác cho gia đình chi dùng trong cả tháng, thỉnh thoảng dì tôi kéo gạo cho thì tháng ấy má mới có dư chút đỉnh để mua thêm cho các con bộ quần áo mới, thường thì chúng tôi phải mặc quần áo cũ lẫn nhau, cứ anh mặc chật là tới phiên em kế, riêng tôi là con gái nên được dì hay sắm cho, có khi dì soạn quần áo cũ của Đào, con gái độc nhất của dì, lớn hơn tôi vài tuổi, nên quần áo cũ của Đào tôi mặc cũng vừa, có khi hơi rộng một chút nhưng được cái còn rất mới nên tôi cũng thích. Cứ thế, chúng tôi sống bình yên bên nhau suốt những năm tháng ấu thơ hồn nhiên không nghĩ ngợi, lo lắng gì bởi mọi chuyện đã có ba má lo cả. Có năm Bình Xuyên đánh nhau với các đảng phái để tranh giành thế lực chính trị, không khí loạn lạc bao trùm cả thành phố, vậy mà ba má tôi cũng không trở về quê như một số người khác, vẫn bám trụ ở thành phố để cho chúng tôi không dở dang việc học… Năm ấy, tôi mới lên lớp năm, trường tiểu học Nguyễn Tri Phương là nơi tôi có nhiều kỷ niệm thuở đầu đời lên thành phố, học trường thành phố không như trường ở dưới quê tôi, mỗi lần đi học phải đi bằng xuồng, có khi lội nước cả mấy cây số mới đến lớp được… Ở cái thành phố nầy, tuy nhà tôi nghèo, đông con nhưng ba má tôi cũng vẫn nuôi chúng tôi ăn học chứ chưa bao giờ có ý bắt chúng tôi nghỉ học để phụ giúp gia đình cả.Trường học lại gần nên rất tiện cho chúng tôi, ba má không phải đón, đưa… giá học phí của trường tư thục cũng không mắc nên ba má tôi cũng cố gắng cho chúng tôi học đến nơi đến chốn, dù là chúng tôi thi rớt trường công, chúng tôi vẫn tiếp tục việc học ở các trường tư thục có rất nhiều trong thành phố… Lúc bấy giờ, chúng tôi vẫn chưa hiểu thế nào là vật lộn với cuộc sống để có miếng cơm, manh áo. Trong sự bảo bọc của mẹ, cha, chúng tôi gần như vô tư, chẳng biết gì đến những sóng gió của giòng đời mà ba, má chúng tôi hàng ngày phải đương đầu, để cho chúng tôi được sống hồn nhiên với tuổi thơ của mình… Thỉnh thoảng tôi cũng có nghe ba, má nhắc đến các chú, bác, anh, chị của người còn ở trong bưng, hoặc tập kết ra Bắc, nhưng đó chỉ là những câu chuyện rời rạc do tôi nghe lóm được những khi tôi trằn trọc không ngủ.Tôi hãy còn quá non để có thể hiểu được thế nào là chiến tranh ý thức hệ, thế nào là lý tưởng, thế nào là sống có niềm tin, thế nào là biết chọn cho mình một hướng đi theo chính nghĩa, chính đạo…. Nhưng có một điều tôi hiểu rất rõ là ba má tôi đã phải rất vất vả để nuôi chúng tôi bằng chính mồ hôi, sức lực của người, bằng chính cuộc kiếm sống chân chính trường kỳ gian khổ ở cái thành phố càng lúc càng đông người nầy… tôi cũng thường nghe ba má tôi nói với nhau là bây giờ “người khôn, của khó”, cho nên kiếm được đồng tiền chân chính không phải là dễ, để có thể nuôi được ngần ấy các con mà không một đứa nào phải chịu mù chữ hay học hành dang dở cả… Dạo ấy, Sài Gòn hãy còn là một thành phố nữa quê nữa tỉnh, có những vùng chẳng khác gì vùng quê đúng nghĩa, cũng có đồng ruộng, cây vườn, ao bèo, cũng có bò, ngựa đi rong trên đường, cũng có ao để mọi người câu cá giải khuây… nói chung, Sài Gòn dạo ấy hãy còn hoang sơ lắm. Nhà tôi ở đường Bà Hạt (bây giờ cũng vẫn còn mang tên ấy), khu xóm lao động có rất nhiều người mới di cư vào, họ từ miền Bắc vào Nam theo hiệp định GENEVE, không phải là một, hai người mà là cả một làng với từng gia đình có đầy đủ cả cha, mẹ, vợ, con, ông, bà… Họ đến ở phía sau nhà chúng tôi, có lẽ là họ được cấp nhà ở chung một xóm với nhau , đó là những người theo đạo Thiên Chúa , nên cứ chiều đến là xóm tôi rền vang tiếng đọc kinh cầu nguyện của cả cái xóm đạo ấy… có một điều rất buồn cười là cả xóm cùng làm nghề nấu đậu nành để làm tàu hũ cung cấp thực phẩm chay cho người theo Đạo Phật dùng, má tôi thường nói họ là sản phẩm của thực dân Pháp, bỡi vì họ đã được thực dân Pháp phát triển và ưu đãi rất nhiều… để có thêm tay sai đắc lực làm việc cho họ tại cái thuộc địa mới chiếm được ấy. Má tôi còn kể rất nhiều về tội ác của thực dân Pháp mà người Việt Nam chúng ta phải chịu đựng trong thời Pháp thuộc, theo Má tôi thì một trong những sai lầm lớn nhất của ông bà ta là nhượng bộ – một thái độ hòa hoãn tạm thời để bảo vệ con cháu khỏi họa diệt vong, trước bọn giặc Tây vừa mạnh về vũ khí vừa gian ác về thế lực chính trị là tạm thời thoả hiệp với chúng, cộng tác với chúng để chờ đợi một thời cơ tốt hơn mà quật khởi – Thế cho nên có những người đang làm việc với họ bị buộc phải theo Đạo Thiên Chúa, các nhà truyền giáo cũng nhân đó mà phát triển thêm tín đồ để lập công với tòa thánh Vatican, với bọn thực dân lúc nào cũng muốn chiếm thêm thuộc địa mà đằng sau chúng luôn luôn là cuộc thập tự chinh của tòa thánh Thiên chúa giáo, nói chung cũng chỉ là tham vọng của một số người muốn làm bá chủ hoàn cầu dưới chiêu bài tôn giáo mà thôi. Ông bà ta nghĩ rằng mình đã chọn được một giải pháp khôn ngoan để con cháu được sinh tồn nhưng có biết đâu rằng bọn con cháu ngu dốt kia không làm sao hiểu được ngụ ý của người, đã một lòng một dạ phò bọn thực dân và coi chúng như là người khai sáng, là tổ tiên thứ hai của mình, lại còn hãnh diện vì mình được làm thần dân của chúng nữa… Thật đáng buồn biết bao ! nhưng “ cái vòng kim cô” đã siết lại rồi, mà câu thần chú để gỡ nó ra là trí tuệ, là sự giác ngộ, ý thức được điều thiêng liêng mà tổ tiên ta đã gởi gắm qua những câu truyện truyền thuyết như một khẩu quyết để lại cho con cháu đó… chỉ tiếc rằng con cháu của người không phải ai cũng sáng dạ để có thể hiểu được mật ngôn ấy. Má tôi là một phụ nữ nhà quê mà còn nhìn thấy được điều đó, thì tôi nghĩ rằng các bậc thức giả của đất nước ta sẽ không đành lòng khoanh tay đứng nhìn đàn con cháu của mình càng lúc càng lún sâu vào tà đạo, càng lúc càng đi xa dần con đường chân chính của những người yêu nước,của ông bà tổ tiên … Những người di cư lúc bấy giờ đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi ngành nghề… thế cho nên cuộc kiếm sống càng lúc càng khó khăn, càng lúc càng khốc liệt, và cái hố chia rẽ do thực dân Pháp cố tình làm cho ba miền Bắc, Trung, Nam căm ghét nhau để dễ cai trị đã thành công mỹ mãn. Thậm chí, cho đến mãi sau nầy, các nàng dâu, chàng rể khác miền vẫn còn phải chịu ảnh hưởng độc hại ấy mỗi lần gặp thân tộc trong các ngày giỗ chạp… khéo lắm thì cũng có đến vài đứa con rồi mới được công nhận là người thân trong gia đình…

Năm ấy, anh hai tôi được lệnh gọi nhập ngũ để làm tròn nghĩa vụ của người trai trong thời chiến, rồi đến anh ba… má tôi rất lo lắng vì nhà nghèo quá không có của để lo cho các con như người ta, cũng không có ai quen biết để gởi gắm… ngày các anh lên đường, má chỉ biết khóc và thắp hương khấn nguyện Trời Phật cho các con được bình yên trở về. Tôi thường nghe má kể hồi má còn trẻ, tức là lúc anh hai tôi vừa mới chào đời, má đã phải theo ba chạy vào trong chiến khu, rày đây mai đó, má chứng kiến biết bao cảnh nát lòng do chiến tranh gây ra, chia ly, mất mát là chuyện xảy ra hằng ngày… má đã tiễn đưa không biết bao nhiêu là người thân chết trẻ, má đã an ủi những góa phụ còn xanh tóc trong đó có cả chị em của mình, thậm chí má còn khóc đến khô cả nước mắt vì các em cháu của mình chưa kịp hưởng chút đắng cay của kiếp người đã phải lìa bỏ người thân ra đi vì cuộc chiến càng lúc càng khốc liệt một cách vô lý… thế nhưng nó vẫn đang diễn ra trên khắp đất nước Việt Nam đã bị chia cắt nầy, lúc ấy má chỉ biết mỗi tối thắp hương cầu nguyện Phật Trời cho cuộc chiến qua mau, cho những người đã hi sinh được siêu sinh Tịnh độ, cho những người chưa hi sinh đừng chết chóc nữa, cho cuộc chiến tranh sớm kết thúc… và cho các anh tôi khi lớn lên không phải ra đi vì cuộc chiến vô nghĩa ấy… bỡi vì, theo má tôi đó chỉ là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn mà thôi, cậu tôi, các anh em của má cũng còn đang tập kết ở bên kia sông Bến Hải, vẫn hàng ngày trông ngóng tin nhà một cách vô vọng, má tôi và các chị em trong nầy cũng thế, hằng ngày, luôn dõi theo tin chiến sự qua đài phát thanh để may ra biết chút tin tức gì của người thân đang ở ngoài ấy chăng ? nhưng làm sao mà biết được khi hai miền gần như mất liên lạc của nhau- bặt vô âm tín- đúng nghĩa là như thế, chỉ có chiến trường là nơi người ta dùng làm nơi gặp nhau cho cả hai miền… Những năm Hà Nội bị ném bom, má tôi gần như là lúc nào cũng thảng thốt, lúc nào má cũng ứa nước mắt lo cho những người thân còn đang ở ngoài ấy, xem ti vi cảnh ném bom, má tôi vừa che mắt vừa khóc, rồi má không xem nữa mà vào thắp hương trên bàn Phật cầu nguyện cho mọi người được an lành cho đến ngày đoàn viên… Lời cầu nguyện của má - của một người mẹ Việt Nam bình thường đúng nghĩa – luôn luôn hướng về các chú, bác, cô, dì, các anh, chị em, các con, các cháu của mình không phân biệt Bắc, Trung, Nam … không phân biệt Quốc gia hay Cộng sản…không phân biệt đảng phái, tôn giáo… dường như cũng động lòng Trời Phật nên cuộc chiến năm đó cũng có phần lắng dịu đi, tin vi phạm mỗi ngày không còn căng thẳng nữa, cuộc sống ở miền Nam có vẻ ổn định hơn. Má tôi bàn với ba nên mở một cửa hàng bán cơm để cho chúng tôi vừa có việc làm phụ giúp gia đình, vừa có tiền học phí mà không phải xin ba má… khi nghe má tôi nói như thế ai cũng cười chê má tôi là nhà quê, bán gì không bán ở cái thành phố nầy mà lại đi bán cơm, cơm thì nhà ai mà không có… nhưng dì Út tôi có vẽ ủng hộ má.

Dì bảo : – Má các con có lý đấy, tuy là ở thành phố, nhưng ai người ta cũng phải đi làm cả, cho nên họ rất bận rộn chuyện cơm nước, mình mở cửa hàng bán cơm là giúp cho người ta đỡ phải lo việc bếp núc, vả lại các con cũng đông và đều lớn cả rồi, có thể giúp má được nhiều việc lắm…

Rồi Dì vui vẻ nói thêm : – Nhất là… có cơm cho tụi bây ăn mỗi ngày mà không phải tốn tiền là quí rồi…

Thế là nhà tôi mở một cửa hàng bán cơm nho nhỏ trong xóm, bà con ai cũng thương nên ngày nào cũng rất đông khách… chúng tôi, sau anh hai, anh ba đã đi quân dịch, đứa lớn nhất là chị tôi, đứng bán hàng, lúc ấy cũng chỉ mới mười sáu tuổi, còn chúng tôi chạy bàn cũng chỉ là những đứa bé con lóc nhóc khiến ai nhìn thấy cũng phải phì cười, nhưng được cái ngoan ngoãn nên ai cũng thương và ủng hộ cho quán. Họ đặt tên cho quán là “ quán cơm Bà Mười” vì ở nhà ông ngoại má tôi đứng thứ mười mà… Sáng ra, má tôi dậy sớm đi chợ từ năm giờ khuya để mua được thức ăn tươi mà rẻ, vì giờ đó chỉ có những bạn hàng bán sỉ với nhau. Má thường đi chợ cá Trần Quốc Toản ( bây giờ là siêu thị Sài Gòn), nói là chợ cá nhưng cũng bán đủ mọi thứ như ở các chợ khác nhưng được cái rẻ hơn chợ khác rất nhiều… chúng tôi lúc ấy còn nhỏ quá, đâu biết thức khuya, dậy sớm để đỡ đần cho má, khi chúng tôi dậy là má đã vào bếp rồi, còn chúng tôi cũng chỉ biết lặt hành, lặt rau sơ sịa không đáng gọi là công việc… nhưng má vẫn để yên cho chúng tôi ngủ thẳng giấc không hề gọi đứa nào dậy sớm để đi chợ với má cả. Có hôm, má về rất trễ, chúng tôi hỏi má tại sao, má cười nói :

 - Hôm nay, má phải theo dõi một thằng nhỏ chuyên ăn cắp ở chợ cá…

Chúng tôi nhao nhao : - Rồi má có bắt được nó không ? - Được chớ, nhưng tao thả rồi… thấy nó cũng tội nghiệp quá…

Đó là thằng nhỏ mà mấy tháng nay thường xuyên lấy cá của má tôi , má biết vì thấy nó thường lai vãng đến gần những người đã mua cá còn để đó chưa về vội, vả lại má đã đếm số cá mua rồi, và thường là thiếu vài con khi đếm lại nhưng chưa bao giờ bắt được tại trận nên má cũng chỉ để ý xem chừng thôi. Tôi hỏi má : - Làm sao má bắt được nó phải nhận tội ? rồi má có giao nó cho cảnh sát không ?

Má tôi cũng chỉ cười : - Bắt được rồi cũng như không, tao thấy nó xách mấy con cá chạy trối chết, tao cũng chạy theo sau… - Má chạy theo về nhà nó hả ? - Không, đến một góc chợ, tao thấy nó mang cá về cho bà ngoại nó già lụm cụm, lại bị mù nữa, đang ngồi đợi ở đó, cũng có một vài người bị nó lấy cá nhưng họ cũng không làm gì nó, họ chỉ lấy cá lại thôi… - Còn má…? - Má cho nó luôn không lấy lại làm gì, tội nghiệp, chỉ có vài con cá thôi mà…

Má tôi thở dài không nói nữa nhưng tôi biết má lại cảm động ứa nước mắt nên nghẹn lời không nói được đó thôi. Má tôi là như vậy đó, không phải má chỉ thương các con của mình mà đối với bất cứ đứa trẻ nào, má cũng xem như con của mình vậy. Có những đứa trẻ bụi đời, đi đánh giày… má thường giúp đỡ chúng cũng như người thân, má cho chúng ăn cơm giá rất rẻ, hoặc có khi má không lấy tiền của chúng nữa, tôi cằn nhằn, thì má vỗ về : - Đừng như vậy, con. Chúng còn nhỏ quá mà đã khổ rồi, cũng vì quá nghèo khổ thiếu thốn, nếu như tụi bây ở vào hoàn cảnh tụi nó, thì cũng như vậy thôi. Má thương nó vì nghĩ đến các con… nếu các con ở vào hoàn cảnh đó… chắc còn khổ hơn nó nữa… - Chúng tôi, tất cả đều im lặng suy nghĩ về lời nói của má, đó là lời dạy dỗ thiết thực nhất mà chúng tôi thường xuyên nhận được ở má: mỗi một hành động, mỗi một lời nói, mỗi một cách hành xử,… má tôi đều nghĩ đến chúng tôi… và có đôi khi chỉ là một nụ cười, một cái nhìn khen ngợi, hay một sự im lặng chấp nhận… má tôi đã dạy dỗ chúng tôi rất nhiều, má đã cho chúng tôi biết thế nào là lòng trắc ẩn, biết thế nào là sự chia sẻ với mọi người trong hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống, biết cảm thông và chịu đựng… và nhất là biết yêu thương con người như chính người thân của mình.Ngày xưa má tôi đâu có được cắp sách đến trường như chúng tôi bây giờ, có chăng chỉ là được ông ngoại mời cô giáo đến nhà để dạy cho má và mấy dì biết đọc biết viết rồi thôi, vì quan niệm ngày xưa không cho con gái học nhiều, việc chính của má là nội trợ, một cái nghề không phải là nghề mà nó đã làm cho má bận rộn suốt cả ngày, suốt cả đời… cho nên, má tôi đâu có thì giờ để đọc sách, để học hỏi những tinh hoa của loài người được ghi lại trong sách vỡ bằng mớ ngôn từ lý thuyết mà con người chắt lọc để lại, nhưng tất cả những gì tốt đẹp mà má tôi có được đều do cuộc sống đem lại, đều do kinh nghiệm sống hằng ngày mà người luôn phải đụng chạm với thực tế, cùng với tình yêu thương chân thành mà ông bà ngoại đã truyền lại cho má… để giờ này má cũng truyền lại cho chúng tôi bằng cách đó… Cứ thế, chúng tôi lớn dần lên theo thời gian… nếu như giòng đời cứ bình thản trôi không có sóng gió, không có những đoạn quanh co, khúc khuỷu sình lầy, không có chướng ngại trên đường mưu sinh… thì cuộc đời sẽ đẹp biết bao nhiêu và… chúng tôi chắc cũng sẽ chỉ có những suy nghĩ hết sức đơn giản, hết sức bình thường về cuộc sống, về con người để rồi cứ tiếp tục sống như cây cỏ : hồn nhiên, vô tư, bình lặng… cho đến hết một kiếp người… Sáng hôm đó, có một người đàn ông tìm đến gia đình tôi, thật ra ông ấy dến tìm ba tôi thì đúng hơn. Ông ấy khoảng trên bốn mươi tuổi, dáng người tầm thước, nước da đen nhẻm có vẻ là người bôn ba ngoài cuộc đời nhiều hơn, ông ấy đi nhờ một cái xe tải dừng ở bên kia đường rồi đi tìm nhà tôi. Một người hàng xóm đã được hỏi thăm về người ông muốn tìm. Ông Tư Hổ à ? ở đây không có ai tên đó hết, rồi họ kể một lô tên của các người mà họ biết trong xóm, trong đó có ba tôi, ông Mười, thu ngân viên của tổng công ty điện lực Sài Gòn, bà Mười bán cơm, cùng một đàn con chín đứa rưỡi… lúc ấy má tôi bước ra cửa nhìn xem có phải là người quen không, chợt, tôi thấy má tái mặt đi, bước lùi vào trong nhà có vẻ sợ hãi. Tôi hỏi má : - Người quen của nhà mình phải không má ? - Không… không phải… chắc là má nhìn lầm…

Rồi tôi cũng không để ý đến nữa, khoảng vài hôm sau, khi tôi đi học về thì thấy chính người đàn ông đó đang ngồi nói chuyện với ba tôi trong nhà, tôi chào rồi lẳng lặng vào bếp làm phụ má, nhưng trong bụng cảm thấy bất an. Má tôi thì đứng ngồi không yên, hết ra châm thêm trà rồi lại lấy trái cây mời khách… má có vẻ bồn chồn : - Con vào nấu giúp má nồi canh, rồi chuẩn bị dọn hàng, nhớ những phần cơm tháng cho vào các “gào mên”cho xong để còn đem giao cho người ta nữa… - Dạ, má cứ yên tâm, để con làm cho…

Tôi chạy vội vào bếp nhưng mắt cứ thỉnh thoảng liếc xem thái độ của má, rồi vờ đi ngang để lắng nghe chuyện của ba và ông khách. Tôi chỉ nghe lỏm bỏm, rời rạc một vài câu xã giao : Anh dạo nầy khoẻ không ? cũng được, nhưng con đông quá, tôi chẳng giúp gì được cho chú đâu. Lo kiếm cơm gạo nuôi tụi nó không cũng đủ mệt rồi.Không sao, tôi chỉ nhờ anh cho phép thỉnh thoảng ghé anh chơi và cho tôi gởi một ít hàng, được không ? chú thông cảm giùm anh, nhà anh trống huơ trống hoác không kín đáo lắm đâu, vả lại ở trong cái xóm lao động nầy, bà con chòm xóm hay để ý, sợ không tiện cho hoạt động của chúng ta… tôi chỉ nghe loáng thoáng có thế, tuy không hiểu gì hết nhưng tôi cũng ngầm đoán ra việc ông khách nhờ ba tôi có thể gây nguy hiểm đến chúng tôi nên ba không nhận lời. Sau khi ông khách ra về, tôi thấy má nhìn ba hết sức lo lắng rồi nói nhỏ gì đó với ba nhưng ba không nói gì, lẳng lặng vào cái ghế bố thường khi nằm gác tay lên trán…

Tôi hỏi má về những điều đã nghe thấy, má ngạc nhiên nhìn tôi : - Con nghe cả rồi sao ? - Dạ, nhưng con không hiểu, ông khách có bà con gì với nhà mình không má ? - Không… đấy là ông Sáu Lành, là bạn của ba trong chiến khu, đúng ra ông ấy là cấp dưới của ba con, cái chỗ mà ba có chở con theo khi đi công tác đó… - À, con nhớ rồi, sao ông ấy gọi ba là ông Tư Hổ hả má ? - Thì ba con tuổi Dần, tên hiệu khi làm việc là Sơn Quân nhưng các bạn và những người làm việc với ba thường gọi là tư Hổ, riết rồi quen luôn… - Ông ấy tìm ba có việc gì vậy má? con thấy ba có vẻ lo lắng khi gặp ông ta… - Con còn con nít đừng để ý chuyện của người lớn, thôi ra giúp chị bán hàng đi con…

Tôi chạy ra ngoài bưng cơm cho khách cùng với các em mà trong lòng vẫn luôn nghĩ ngợi về ông khách lạ. Tôi không biết ông ta nhờ ba chuyện gì nhưng nỗi lo lắng của má tôi thì tôi biết, má vào nhà… lẳng lặng làm việc bếp núc của người nội trợ, cho đến một ngày kia, ba tôi đi làm rồi không về nữa… Buổi sáng, ba vẫn đi làm bằng chiếc mô bi lết xanh như thường khi, má đi chợ, chúng tôi đứa đi học, đứa ở nhà đợi má về chợ thì phụ giúp một tay, việc buôn bán cũng đã quen rồi nên chúng tôi không cảm thấy vất vả lắm, vả lại việc chính má đã làm hết nên chúng tôi cũng chỉ phụ công việc lặt vặt mà thôi. Sau lưng nhà tôi là các trại lính nối tiếp nhau: trại Triệu Đà, trại Nguyễn Tri Phương, trại Trần Nguyên Hãn… cho nên, đến giờ ăn là các chú lính chở nhau ra ăn cơm rất đông, có khi cả một xe nhà binh chở nguyên một đại đội… khi họ đỗ quân xuống là quán không còn một chỗ trống. Chúng tôi chạy bàn lăn xăn, một đám trẻ con tíu tít, lúc cười giỡn, lúc gọi nhau ơi ới, lúc cãi nhau chí chóe…làm cho các ông khách cũng bật cười không giận về việc chậm trễ hay bưng sai bàn…họ ăn rất chân tình mà má tôi cũng bán rất rẻ: một phần cơm chỉ có mười ngàn lại còn cho thêm ly trà đá và một trái chuối, còn cơm thì ăn thoãi mái không tính thêm tiền… Quán má tôi lúc nào cũng đông, khi nào hết chỗ ngồi họ mới đi sang quán khác…

Buổi chiều hôm đó, đã hơn sáu giờ rưỡi rồi mà ba tôi vẫn chưa về. Cả nhà đứng ngồi không yên, má tôi cứ ra cửa nhìn xem rồi lại trở vào bồn chồn như có linh tính ba gặp chuyện chẳng lành, nếu như có anh hai tôi ở nhà thì má đã bắt anh chạy xuống nơi ba làm việc để hỏi thăm rồi, thế nhưng chúng tôi, những đứa còn lại ở nhà còn nhỏ quá không biết gì nên má cũng không sai đi… một ngày, hai ngày, rồi ba ngày đã trôi qua mà tin tức về ba cũng không có , má tôi nhờ người quen biết các cơ quan chính quyền , đồn bót cảnh sát,… cuối cùng là các bệnh viện… cũng bặt vô âm tín. Nơi ba tôi làm việc cũng thế, họ bảo rằng ba tôi là người gương mẫu, làm việc rất chuyên cần, không bao giờ đi làm trễ, về sớm cả, lại hiền lành, tốt bụng nên ai cũng thương mến. Thấy má tôi đến tìm ba, họ xúm hại hỏi han đủ thứ và cũng lo lắng không kém nhưng cũng chỉ biết thăm hỏi mà thôi chứ không ai giúp được gì cả…Thế là ba tôi mất tích một cách đột ngột ở giữa cái thành phố Sài Gòn người khôn, của khó nầy… má tôi lúc đầu rất hụt hẫng, chúng tôi cũng thế, đang có một chỗ dựa hết sức vững chắc là ba tôi thì bỗng nhiên… cái cột trụ đó không còn nữa, bảo sao chúng tôi không hốt hoảng, chao đảo như người say rượu ? nữa năm trôi qua chúng tôi sống trong nỗi sợ hãi, lo lắng khôn nguôi, không biết giờ nầy ba đang ở đâu? Còn sống hay đã chết? Má tôi đã đi đến tất cả các đền miếu có tiếng là linh thiêng để cầu khấn, xin xăm, bói quẻ… ai cũng nói là tốt cả, không chết đâu… nhưng thực tế thì cũng chẳng có tin tức gì khả quan cả…rồi thì gần một năm trôi qua, chúng tôi cũng quen dần với việc vắng ba… cuộc sống càng cơ cực hơn. Một mình má lo toan không xuể, các dì cũng thương giúp đỡ thường xuyên, chúng tôi ngoài việc giúp má buôn bán, mỗi tối, chị tôi còn lãnh hàng chợ về may thêm để phụ giúp gia đình, có hôm chị phải thức suốt đêm để may kịp hàng cho người ta… đến lúc má tôi phát hiện chị bị nám phổi thì má không cho chị lãnh hàng về may nữa. Chúng tôi, mỗi đứa đều tự giác đóng góp phần công sức của mình để má bớt đi nỗi cực nhọc và nỗi buồn vắng cha, các em tôi đi lượm củi khô để má không phải tốn tiền mua chất đốt. Ở thành phố mà việc kiếm củi không khó như ở nhà quê chút nào, người ta nấu bằng dầu, bằng than nên họ cho chúng tôi những thanh củi khô, những đồ vật bằng gỗ không xài đến, chúng tôi chịu khó đi xin về cho má làm củi chụm không hết… tôi thì mỗi đêm đi gánh nước ở phông tên gần đấy thay cho anh ba tôi đã đi quân dịch để má không phải tốn thêm tiền mướn người ta gánh nước. Dạo ấy Sài Gòn, ở những xóm lao động còn xài nước chung ở những nơi công cộng, chứ chưa có nước vào từng nhà như bây giờ… những lúc nước chảy yếu tôi phải thức gần sáng để gánh cho đầy các lu, vại chứa trong nhà… cực nhất là gánh tranh với những người gánh nước mướn. Họ gánh mướn chuyên nghiệp nên xếp hàng bằng thùng rất nhiều, thường thì họ hứng được năm đôi nước rồi mới nhường cho người thường một đôi, tôi thì có cô bạn làm nghề ấy nên nó cũng giúp đỡ bằng cách cứ hai đôi thì cho tôi xen kẽ một đôi nên tôi cũng mến nó lắm…

Cuối năm đó, má tôi sinh thêm em gái út, bé Phượng, lúc ba tôi mất tích em hãy còn nằm trong bụng mẹ, nhà càng cơ cực hơn, chị tôi phải nghỉ học để đi làm thêm, cũng may có người chị họ làm ở công ty đường Việt Nam nên chị ấy cũng giới thiệu cho vào công ty làm chung phòng với chị, năm ấy, tôi buồn quá nên học hành cũng sa sút, thi rớt Đệ thất trường công, tôi phải nghỉ học một năm để bớt đi gánh nặng cho má, rồi tôi tự học để thi lại năm sau, lại cũng rớt nữa…! Tôi buồn lắm, tự nghĩ chắc là mình phải nghỉ học thôi, bỡi má còn lo cho các em nữa, tiền đâu mà đóng học phí trường tư cho mình… thế nhưng má cũng không cho tôi nghỉ học, tôi học ở trường tư thục gần đấy, trường Chi Lăng. Có lẽ tôi là đứa lớn nhất lớp vì học trễ đến hai năm cơ mà, nhưng tôi cũng không ngượng vì trong lớp cũng có nhiều đứa như tôi, chúng tôi ngồi chung nhau ở bàn cuối lớp, thầy gọi là xóm nhà lá vì học đã dở lại hay nói chuyện rì rầm suốt buổi… Má tôi vừa nuôi con mọn, vừa chăm sóc một bầy con nhàng nhàng đủ mọi lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới, vậy mà má vẫn không một lời ta thán, vẫn hàng ngày ra chợ để mua thức ăn về làm cơm bán cho mọi người, không cần lời nhiều, chỉ cần có cơm cho các con ăn để đi học là được rồi, chúng tôi dù vất vả theo má nhưng không một đứa nào phải nghỉ học cả. Cứ đứa nầy đi học thì đứa kia ở nhà giúp má, chúng tôi luân phiên nhau, đứa học sáng, đứa học chiều để lúc nào cũng có đứa ở nhà giúp má, bây giờ ngoài việc bán hàng ra, chúng tôi còn phải trông em nữa… Một buổi sáng, tôi đi học về thấy má đang tiếp chuyện với một vị linh mục, tôi cũng không ngạc nhiên vì nhà tôi ở gần nhà thờ, bà con lối xóm mới di cư vào ở chung quanh nhà cũng là người theo đạo Thiên Chúa, có lẽ là họ theo đạo từ lúc thực dân Pháp xâm lăng đất nước ta đến giờ…họ thuộc giai cấp rất nghèo trong xã hội, theo để được quyền lợi gì chăng ? Chính quyền lúc bấy giờ là chính phủ Ngô Đình Diệm, cũng theo đạo Thiên Chúa, anh của Tổng Thống Diệm cũng làm linh mục, đang phấn đấu để được lên chức Hồng Y nên họ càng ra sức chiêu dụ giáo dân để lập công với tòa thánh, ai theo đạo sẽ được lên chức, được cấp đất, cấp vốn, cấp nhà,… thậm chí còn được gả con cho mà không tốn một xu, sau nầy, anh hai tôi cũng là một nạn nhân, nên tôi biết điều đó và nghĩ rằng nghiệp dĩ của anh là như thế để không bận lòng nữa… má tôi là người nhà quê nên rất cứng rắn trong việc cãi đạo, má nói : ông bà tổ tiên của mình ngày xưa sống thế nào, bây giờ mình phải giữ gìn nề nếp như thế ấy, cái gì hợp với phong tục tập quán tốt đẹp của tổ tiên và không đi ngược lại với truyền thống của ông bà thì tự nó sẽ tồn tại không cần phải chiêu dụ…Tôi hỏi má : - Vậy khi vị linh mục đề nghị gia đình ta theo đạo, má bảo sao ? - Thì tao nhất định không theo, cho dù ông ấy hứa can thiệp cho ba mầy được về hoặc ít ra là cũng được thăm nuôi…

Tôi ngạc nhiên: – Vậy ra ông ấy biết là ba bị chính quyền bắt hả má ? Nhưng tại sao ?

Má tôi thở dài : – Thì tại… cái ông khách, ông Sáu Lành đến nhà mình hôm rồi ấy. Ông ta bị bắt, rồi khai là dùng nhà ba làm liên lạc, thế là ba mầy cũng bị liên lụy… má đã đoán ra rồi…!

Tôi nhìn má ngạc nhiên : – Vậy sao má còn đi bói toán làm chi ? Sao má không hỏi xem ba bị giam ở đâu ? để còn đi thăm nuôi ba nữa chứ – Thì… trong lúc có bệnh phải vái tứ phương chứ, má cũng hi vọng…điều má nghĩ là sai, nhưng, con khờ quá… đã có tin tức của ba là quí rồi, ai người ta cho mình đi thăm nuôi, vã lại ba con bị bắt cóc, tức là bị bắt trong vòng bí mật, có nơi nào nhận là đang giam giữ ba con đâu… mà đòi đi thăm nuôi ?

Má tôi lại thở dài chịu đựng, cả đời má có lẽ là như vậy. Chúng tôi cũng chẳng giúp được gì cho má. Tôi buồn lắm, nếu như tôi có phép thần thông, tôi sẽ không để yên cho những kẻ tranh quyền đoạt lợi bằng cái ghế uy quyền sống trên sự đau khổ của kẻ khác đâu ! Gia đình tôi lúc đó đã khổ lắm rồi mà so với nổi khổ của cả nước bấy giờ cũng vẫn không có ý nghĩa gì .Năm ấy, cuộc chiến giữa hai miền Nam, Bắc càng lúc càng khốc liệt hơn. Sáng hòa đàm, chiều tin vi phạm như cơm bữa, có những gia đình phải tiễn đưa con trong nỗi uất ức, nghẹn ngào… bỡi chúng chỉ là những thanh, thiếu niên mới tốt nghiệp ra trường chưa được chuẩn bị vào đời đã phải giã từ cuộc sống. Anh Sơn, anh họ tôi, con cậu Tám anh của má, vừa mới ra trường bộ binh, chưa một lần ra trận đã phải ra đi lặng lẽ trong sự tiếc thương, đau đớn tột cùng của thân bằng, quyến thuộc…Mỗi lần về Cần Thơ, tôi như người mộng du khi chứng kiến hàng trăm xác lính trẻ được chở về phi trường mỗi ngày. Nhà dì bảy tôi ở cạnh phi trường nên việc đó gần như là cảnh sinh hoạt thường ngày ở trong xóm. Mỗi lần có chuyến bay chở xác về là lũ trẻ con chúng tôi đều chạy qua xem, riết rồi không đứa nào còn biết sợ hãi là gì nữa.Má tôi, mỗi lần nhìn thấy cảnh ấy thì nước mắt chan hòa, chắp tay cầu nguyện cho các con, cháu ở cả hai miền, má nói : – Ở đây như thế thì ngoài kia khác gì, cuộc chiến nầy không biết có lợi cho ai mà con cháu tao phải hi sinh nhiều quá…hai thằng anh của các con không biết có thoát được không nữa…

Má thở dài chẳng nói trọn câu, nước mắt đã lại lặng lẻ chảy dài trên khuôn mặt đã hốc hác lại càng hốc hác thêm của má. Nói cho cùng, má tôi không lo sao được khi mà các con của má cũng đang ở một chiến trường nào đó, đang phải đối mặt với không phải kẻ thù xâm lăng, mà là những anh em, đồng bào ruột thịt của mình ở chiến tuyến bên kia, cũng ngày đêm hi sinh xương máu cho một ý thức hệ nào đó. Thật là đau khổ cho má, cho những bà mẹ Việt Nam chân quê chỉ biết có thương yêu con cháu là vũ khí duy nhất để chống lại quá nhiều kẻ thù đang rình rập chung quanh : những kẻ ôm tham vọng làm chủ đất nước nầy, những kẻ muốn biến các con cháu của má làm tay sai cho ngoại bang, những kẻ muốn lợi dụng xương máu của những người lính trẻ để có được cấp bậc, quân hàm vẻ vang cho mình, những kẻ muốn lợi dụng công sức của cả một dân tộc để củng cố quyền lực đương thời của chúng… nhiều, nhiều lắm… không thể kể hết mọi tham vọng của con người nhằm vào con người đâu, má tôi tuy nhà quê nhưng cũng biết thế nào là lòng yêu thương chân chính của con người đối với con người, má suy ra từ tình thương của má đối với các con của mình, đối với người thân của mình, đối với đồng bào dân tộc của mình, một tình thương chất phác vô điều kiện, không hề vụ lợi bao giờ… Tôi cảm thấy điều đó rất rõ, một người đàn bà nhà quê không được đi học như má tôi thì biết được gì ngoài việc dạy dỗ các con của mình qua thực tế cuộc sống hàng ngày mà má phải gồng gánh thay cho ba tôi. Đối với má, lòng yêu nước, chính là thương yêu những đồng bào, đồng loại còn đang đói khổ chung quanh mình. Quán cơm của má tôi cũng đã đóng góp một phần cho xã hội, những em nhỏ bụi đời mà má thường cho ăn không tính tiền hay những anh lính “ deuxième cùi bắp”, những sinh viên nghèo đến ăn chịu thường xuyên… má nói đó là sự chia xẻ, sự thương yêu, đồng cảm đối với các con, các cháu của mình, má cũng không cần ai biết đến, cũng không cần một sự đền đáp nào hết, má coi đó là nghĩa vụ của mình, của người dân ở bất cứ một đất nước nào cũng đều như thế cả… Má tôi thường dạy chúng tôi như thế, cho nên, tuy quán cơm của má tôi đã hoạt động bao nhiêu năm trời mà má tôi nghèo vẫn hoàn nghèo, chỉ đủ cơm cho các con ăn đi học mà thôi. Nhiều lúc, dì tôi phải góp ý : – Chị Mười bán như thế chẳng khác nào quán cơm xã hội, bao giờ mà khá lên được. Chị cứ vừa bán vừa cho thì có đến hết kiếp cũng không có dư…làm sao mà giàu có được như người ta

Má tôi chỉ cười : – Dì Ut nói thế… chứ tôi còn để dành được nhiều lắm đó…

Rồi má chỉ vào chúng tôi : – Mười cái ống heo con của chị đó, chúng nó lớn đến đâu là vốn của chị nở ra đến đó…

Dì tôi lắc đầu, thán phục : – Tao sợ má mầy luôn, hồi ba mầy còn ở nhà cũng thế, ngang không chịu được, ai bảo cũng không nghe, ai khuyên cũng không được, cứ theo ý mình mà làm, giống như một cặp trời sinh vậy đó…

Chúng tôi nghe dì nhắc đến ba bỗng cảm thấy buồn vô hạn, ba tôi giờ nầy đang ở đâu ? có được bình yên hay không ? họ có làm gì ba không ? nghe má nói những loại can phạm chính trị tình nghi như ba được đối xử rất đặc biệt, được ở riêng chứ không giam chung với các loại tội phạm khác, nên chúng tôi cũng yên lòng chờ đợi một sự thay đổi tình cờ nào đó…

Tình hình xã hội lúc bấy giờ cũng rối loạn không khác gì ở chiến trường, tuy là hậu phương nhưng lúc nào cũng bất an, người dân, điển hình là gia đình tôi, luôn sống trong sự lo lắng khôn nguôi. Ba tôi, một người dân lương thiện, chỉ biết nuôi con, dạy con trở nên người hữu dụng cho xã hội, vậy mà cũng không không được yên thân. Ba bị bắt cóc một cách mờ ám trên đường đi làm về, để rồi ba năm đã trôi qua mà tin tức vẫn bặt tăm. Má đi tìm kiếm khắp nơi sau khi vị linh mục đến chiêu dụ, nhưng không một nơi nào nhận là có giam giữ ba tôi. Chúng tôi sống trong hi vọng và tuyệt vọng, bỡi má tôi lo rằng nếu như gia đình tôi không nhượng bộ thì chắc chắn là ba tôi sẽ không bao giờ được trở về với gia đình nữa. Chính quyền Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ ra sức đàn áp Phật Gíáo để lập công với tòa thánh Vatican, sinh viên học sinh biểu tình khắp nước để phản đối chế độ độc tài, gia đình trị của họ: nào chiêu dụ dân cải giáo, nào cấm Phật tử đến chùa, chụp mũ cộng sản để bắt bớ tăng ni và đồng bào theo đạo Phật. Cao điểm phong trào tranh đấu của sinh viên Phật tử, tăng ni là tuyệt thực và tự thiêu để phản đối chính quyền bất công trong việc đối xử phân biệt với 95% dân số theo đạo Phật trong nước. Hòa thượng Quảng Đức đã làm ngọn đuốc thiêng đầu tiên, để rồi sau đó hàng ngàn ngọn đuốc khác được thắp lên thiêu đốt cả một triều đại bị vô minh sai khiến… Sự nỗi dậy của lực lượng quân đội do Đại tướng Dương văn Minh cầm đầu đã kết thúc chế độ nhà Ngô. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã phải tháo chạy khỏi Dinh Độc Lập trong đêm tối để rồi bị bắn chết ở cuối đường hầm nhà thờ Cha Tam. Không hiểu họ thất bại vì chế độ độc tài đi ngược với lòng dân ? hay đó là sự trừng phạt của chư thần hộ pháp khi thấy họ ra tay quá đáng đối với các bồ tát tại thế ?

Tôi lúc ấy hãy còn quá nhỏ để có thể nhận định tình hình nhưng tôi cũng hay đọc báo để có được hiểu biết chút ít về tình hình chiến sự và chính trị trong nước. Sau khi chính quyền nhà Ngô sụp đổ thì một loạt thay đổi khác diễn ra trong nước: Tướng Dương Văn Minh, Tướng Nguyễn Khánh, ông Nguyễn văn Hương,…mỗi người cầm quyền được vài tháng thì tổng tuyển cử : ông Nguyễn văn Thiệu được bầu làm Tổng Thống và ông Nguyễn Cao Kỳ làm phó tổng thống. Dân chúng tạm thời yên lòng để làm ăn sinh sống mà không sợ bị khủng bố để ép buộc cải giáo nữa…

Một buổi sáng kia, cả nhà tôi đang chuẩn bị hàng như mọi khi để bán thì bỗng ba tôi xuất hiện, mái tóc trắng xoá. Tôi nhớ lúc ba còn ở nhà, tóc ba hãy còn đen nhánh kia mà, chắc là tại vì ba lo lắng, suy nghĩ nhiều quá cho má và chúng tôi ở nhà? Một chiếc xe tải nhỏ chở ba tôi về, có cả chiếc mô bi lết xanh của ba. Họ trả ba về cũng đột ngột như lúc họ bắt cóc ba. Chiếc xe dừng lại, ba tôi vào nhà, họ không nói một lời rồi rồ xe chạy đi. Tôi nhìn thấy trên xe cũng còn một vài người trạc tuổi ba tôi, chắc họ là bạn của ba trong thời gian ba bị giam giử. Tôi nghĩ thế. Cả nhà túa ra bu chung quanh ba không nói được lời nào. Má tôi ứa nước mắt, lăng xăng đi pha nước chanh cho ba…chỉ có bé Phượng là tròn mắt nhìn ba ngạc nhiên, bỡi em ra đời trong lúc ba không có nhà, ba là một thành viên mới, lạ đối với em. Tối hôm đó, cả nhà phì cười khi em bảo ba ra ngoài ngủ đi, nhất định không cho ba vào phòng… Ba kể lại thời gian ba bị giam giữ: buổi sáng ba đi làm bình thường, lúc về thì bị họ chận lại khi sắp về tới nhà, rồi cả người lẫn xe được họ mời về đồn. Lúc vào cổng họ bịt mắt ba lại nên ba chỉ đoán mò là nơi ấy rất gần nhà, vì thời gian đến đó không đầy mười phút…bây giờ ba mới biết là đúng vì khi trả tự do ba không bị bịt mắt nữa. Đó là tầng hầm của một trại lính phía sau nhà chúng tôi. Ba kể lúc họ mang ba về trại cũng có rất nhiều người trạc tuổi ba, họ được đi lại tự do…trong khuôn viên của trại. Má tôi hỏi: – Còn ông Sáu Lành, có bị giam chung với ông không? Có đúng là ông ta đã làm liên lụy đến ông không?

Ba tôi gật đầu, có vẻ thương cảm: – Tội nghiệp, anh ta bị tra tấn nhiều quá, tôi chỉ gặp lúc vào trại, sau đó không gặp nữa… cho đến bây giờ…

Má tôi lặng lẽ vào nhà dọn cơm cho ba, rồi nhìn ba, nhìn mái tóc trắng xóa của ba mà ứa nước mắt. Chúng tôi ngồi quanh ba, hỏi han đủ thứ, kể đủ thứ chuyện về má, về chúng tôi trong thời gian ba vắng mặt… Ngày hôm sau ba tôi đến cơ quan trình diện , công ty điện lực vẫn nhận ba tôi trở lại làm việc như lời đã hứa, nhưng lần nầy ba phải đi làm xa hơn, tận chi nhánh của công ty điện lực ở Biên Hòa…

Chúng tôi yên tâm học hành mà không sợ phải bị nghỉ nữa chừng, lúc ấy tôi đang học lớp đệ ngũ, đệ tứ ở trường Bồ Đề, trường nằm trong chùa Gíác Ngộ nên tôi cũng có dịp học hỏi thêm giáo lý Đạo Phật. Ngày chủ nhật, ba má cũng cho tôi được đi sinh hoạt trong gia đình Phật tử của chùa, một đoàn thể Hướng đạo sinh Phật tử lúc bấy giờ. Đi sinh hoạt đoàn thể ấy rất vui và bổ ích, ngoài việc học những thao tác của một hướng đạo sinh như : các kiến thức trong những buổi cắm trại ngoài trời, dấu đi đường, morse, sémaphore, nấu ăn, sơ cấp cứu thương…vv… chúng tôi còn được học hỏi giáo lý giải thoát của Đức Phật, được đi cắm trại ngoài trời để thực hành những gì các anh chị huynh trưởng và quí thầy đã dạy xong phần lý thuyết… cho nên sau nầy, trong cuộc sống chúng tôi cũng được ảnh hưởng rất nhiều tinh thần từ bi đó trong cách hành xử đối với con người, đối với bất cứ ai mà chúng tôi có thiện duyên gặp gở trong kiếp nầy…Anh hai tôi, năm ấy cũng được phép về thăm nhà vào dịp tết, trông anh đen nhẻm đi, nhưng rất khoẽ mạnh. Má tôi mừng lắm . Cả nhà vui không gì bằng, chỉ có anh ba là chưa về nhưng cũng có gởi thư cho biết tin tức bình yên, khoẽ mạnh… Mặc cho sóng gió, giòng đời đưa đẩy cuộc sống của từng người, từng gia đình khi lên lúc xuống như con nước thủy triều ngày hai bận xuống, lên… chúng tôi vẫn sống êm đềm bên cạnh ba, má cùng với nổi chật vật áo, cơm, nhưng trên hết, chúng tôi luôn hiểu rằng để có được cuộc sống yên lành như thế thật không phải dể, sau nầy, nếu như chúng tôi- các con của ba má- có được cuộc sống tốt hơn chúng tôi đều tự dặn lòng là phải biết thương yêu nhau hơn vì chúng tôi đã được trui rèn trong lửa đỏ, đã được diễm phúc làm người thân của nhau trong kiếp nầy. Ba má cũng đã từng dạy chúng tôi như thế-“ nếu các con vì sự giàu sang mà rẻ khinh anh em của mình, hay vì lòng tị hiềm, đố kị, ghen ghét mà xa lánh, không thương anh em ruột thịt của mình thì trăm ngàn kiếp sau các con sẽ không được làm người thân của nhau nữa đâu”.Điều nầy tôi không biết má nghe thấy ở đâu nhưng tôi biết má rất tin là đúng vì má cứ nhắc đi nhắc lại luôn để răn dạy chúng tôi như một câu kinh nhật tụng. Tôi hiểu ý má nên tôi luôn tự nhủ lòng là phải sống như thế nào để mỗi lúc đêm về, tự vấn lương tâm mà không cảm thấy hổ thẹn với chính mình, để ba má hài lòng, để xứng với công ơn dạy dỗ của ba má… và nhất là để… không uổng phí cả một kiếp người …

Vân Hà (TTHA)

Sunday, September 24, 2023

PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN

 


PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN

 

 Một xin kính lễ Phật đà

Hai xin ca ngợi chói lòa Như Lai

Ba xin bố thí rộng thay

Bốn xin sám hối tội rày xưa sau

Năm xin tùy hỷ cùng nhau

Sáu xin chánh pháp mãi sau xoay vần

Bảy xin Phật pháp luôn gần

Tám xin tinh tấn chuyên cần học tu

Chín xin tùy thuận trí ngu

Mười xin hồi hướng công phu khắp cùng

Nguyện người thoát khổ vui chung

Phổ hiền thập hạnh nhớ cùng ghi tâm…


(Đức Kiên - tập thơ Chánh Niệm)

Thursday, September 14, 2023

ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT

 


ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT

 

Tay cầm tích trượng minh châu

Đi vào cảnh khổ, ngục sâu cứu người

Nguyện xưa cứu độ phát lời

“Địa ngục chưa trống, ta thời còn vô” [1]

Cứu cho hết thảy tội đồ

Mới mong thành Phật, hư vô Niết bàn

Tạ ơn lời nguyện ngàn vàng

Chúng sanh tội khổ vô vàn vô biên

Địa ngục thống khổ triền miên

Bởi tâm điên đảo, chướng duyên trùng trùng

Tham sân si não vô cùng

Nhớ niệm Địa tạng, sáng bừng tâm ngay

Địa ngục vượt thoát ngay đây

Minh châu tỏa sáng, đọa đày tiêu tan

Dẹp bao xiềng xích buộc ràng

Đưa người thoát khổ, đường vàng bước đi

Học ngài, quyết dẹp tham si

Dũng lực vượt thoát những khi mê lầm

Minh châu nhớ mãi trong tâm

Địa tạng bồ tát – âm thầm cứu nguy…


Đức Kiên



[1] Đây là lời nguyện của Địa tạng vương Bồ tát

Sunday, September 10, 2023

Thơ tặng em

 


Thơ tặng em

Đến thăm Cô nhi viện chùa Diệu Giác 28/12/2002, tặng Hồng Anh và các đồng nghiệp

Hãy đến như gió thoảng
Hãy đi như mây trôi,
"Nhạn không lưu dấu vết,
Nước chẳng giữ bóng hình"

Có nụ cười rất nhẹ
Ánh mắt em hiền hòa
Bỏ sau lưng tất cả,
Danh lợi và phù hoa

Nỗi buồn em quá nhỏ
Trước biển trời bao la
Hơn thua và được mất,
Như câu chuyện hôm qua

Ta muốn em lắng nghe
Nỗi đau từng ngọn cỏ,
Nỗi đau từng cành hoa,
Nỗi đau tình nhân loại,
Mỗi bước đường em qua...

Chiều về mây phố trắng
Giữa giòng đời bao la
Có một đàn em nhỏ,
Vẫn dõi trong hồn ta...

Phạm Trường Linh - 2002

Thursday, August 31, 2023

Chim con về với Phật

 


Chim con về với Phật

 Chú tiểu Minh nhặt được chú chim con lúc chiều khi đang cúng thí thực. Con chim run rẩy sà xuống như chiếc lá khô rơi rụng trong buổi chiều tà. Nó cùng bầy với lũ chim được phóng sanh hồi sáng này. Nhưng lại quá kiệt sức nên không thể bay xa được. Động lòng, chú mang chim về liêu mình để chăm sóc và cho ăn.

Buổi tối lên ngồi học kinh trên giảng đường, chú tiểu mang chim để trên bàn, nơi có ngọn đèn ne-on toả sáng. Hơi ấm của ánh đèn làm cho bộ lông chim khô ráo, và ánh mắt của nó trở nên linh hoạt hơn đôi chút.

Chú tiểu nhìn vào quyển kinh ngâm nga đọc, nhưng mắt cứ cụp xuống, gật gù. Bỗng chú giật mình khi nghe có tiếng chim hót. Mà không, hình như chim đang nói. Một giọng nói thật nhỏ nhẹ mà rõ ràng:

- Chú tiểu ơi! Tôi là loài chim sẻ ra đời chưa bao lâu mà đã bị bắt lui bắt tới đã bao lần rồi. Sáng nay khi được thả, tôi yếu quá nên không thể bay ra khỏi cổng chùa. Nhưng ở đây tôi có thể an tâm vì không sợ bị bắt lại nữa.

Thấy chú tiểu có vẻ ngạc nhiên, chim lại nói tiếp:

- Chú tiểu ở chùa nên không hiểu hết mọi chuyện ở bên ngoài cuộc đời đâu. Tôi và các anh chị mình cùng được sanh ra bên bìa rừng, cạnh một làng quê yên ả. Khi chúng tôi vừa chập chững biết bay liền rơi ngay vào một mẻ lưới của mấy tay chuyên bẫy chim đem bán. Tôi may mắn trôi dạt về tận chợ chim trên thành phố. Sau nhiều ngày bị nhốt chật chội, một hôm có người đến mua chúng tôi đem về chùa nhờ mấy thầy tụng kinh chú nguyện. Sau đó thì được sổ lồng cho bay đi. Khi được tự do tung cánh trên bầu trời, tôi định bay về nơi cánh rừng xưa, để mong sống lại với những cảm giác thân thương của thuở mới lọt lòng. Nhưng trời đất bao la, giữa chốn thị thành muôn lối, tôi không còn tìm thấy đâu lối về quê cũ xa tít mù sương khói, nên đành ở lại làm một kẻ tha hương. Vậy mà…hỡi ơi! Dòng đời là một trò cạm bẫy khôn lường. Một sinh vật nhỏ bé lạc bước như tôi lại dễ dàng sa chân vào những chiếc lưới giăng ra cách sân chùa không bao xa. Tôi bị săn bắt đem bán, rồi được mang đến sân chùa nhiều lần làm vật phóng sanh cầu thọ cho người. Nhờ được nghe quý thầy tụng kinh thuyết giảng mà dần dần tôi thoáng hiểu ra rằng: Đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ. Phật vì muốn trừ tai ách cho chúng sanh nên dạy họ tu phước. Người có tín tâm thì hết lòng làm lành, cứu giúp sinh linh. Và cũng có những người chuyên lợi dung niềm tin của kẻ khác để mưu cầu lợi lộc cho mình. Vậy thì tôi xin hỏi chú tiểu câu này: Như tôi đây bỗng trở thành chiếc cầu nối cho người tu phước và tạo tội, vậy rốt cuộc tôi là kẻ có tội hay có phước?

Bị hỏi bất ngờ, tiểu Minh hơi lúng túng, giây lâu chú mới trả lời:

- À… điều này theo như tôi được biết thì… à... vào thời Phật chưa có tục phóng sanh, nên Phật chỉ nói đến việc giữ giới chớ nên giết hại sanh mạng dù là những loài vật nhỏ nhít. Làm việc phước lành không gì hơn là cứu độ muôn sinh. Và thế là lệ phóng sinh bỗng trở nên một nhu cầu cấp thiết cho người tu cầu phước thọ sau này. Làm phước thì được phước, tạo tội thì chịu tội. Chuyện nhân quả trong kinh Phật đều có nói rõ. Còn như chim nói mình có phước hay tội. Theo tôi nghĩ: khi thọ thân súc sanh là đã mang lấy tội nghiệp từ nhiều đời rồi. Nhưng nay chim được đến chùa, được nghe tụng kinh, lại hiểu rõ tội phước, đó cũng là gieo chút duyên lành giải thoát cho ngày sau. Tôi chỉ có hiểu chừng đó thôi… còn gì nữa thì để tôi đi hỏi sư phụ rồi sẽ trả lời cho chim sau nhé!

Chim thở dài, thều thào:

- Tôi đâu còn sống để đợi chú đi hỏi sư phụ. Có điều tôi cũng tự nhận biết rằng: Dù đời sống ngắn ngủi. Thân này lại mang nhiều tội nghiệp. Nhưng loài súc sanh như tôi vẫn có quyền và những giá trị riêng của nó. Ít nhiều chúng tôi đã khơi dậy chút từ tâm nơi lòng người và giúp họ có được một niềm tin sâu sắc vào những điều làm phước tu thiện. Còn với ai vì cuộc sống nên phải lợi dụng niềm tin của người cùng sự vụng dại của những con vật nhỏ bé này, thì tôi cũng có góp phần giúp họ trong việc tồn tại mưu sinh. Một bên vì đời sống tâm linh. Một bên vì nhu cầu hiện tại. Ai cũng tìm thấy mục đích thiết thực của mình. Như vậy tôi cũng làm được điều lợi ích cho đời, cho người. Tội phước dẫu vô hình. Nhưng tôi vẫn tin là phước này sẽ diệt được tội chướng kia. Thế nên hôm nay tôi mới được trở về nơi đây, được chết trong niềm tin chánh đạo.

Chú tiểu chợt tỉnh dậy khi nghe có tiếng động vang lên từ bên ngoài. Trời đêm tĩnh lặng. Ngọn đèn điện vẫn toả sáng một góc phòng. Và trên bàn học, chú chim sẻ đã chết tự bao giờ. Trong giấc chiêm bao chập chờn, câu chuyện về tội phước chưa cạn lời, nhưng chim ắt sẽ hài lòng ra đi trong sự nhẹ nhàng thanh thản. Chú chim con đã về với Phật. Tiểu Minh khẽ nói và thầm chú nguyện cho nó.

Những lời nói của chú chim con, dù chỉ thoáng qua trong giấc mộng, cũng giúp cho tiểu Minh hiểu sâu hơn về sự sống của muôn vật. Một sinh vật dù bé bỏng cũng mong muốn được sống chan hoà, cùng góp sức vươn lên một cách hoàn thiện. Khi lòng người luôn biết hướng đến những điều tốt đẹp vì hạnh phúc của muôn loài, thì thế giới này sẽ không còn cảnh nồi da nấu thịt, ỷ mạnh hiếp yếu, cậy lớn hiếp bé. Từ đó mà nhân sinh cùng vạn vật được chung sống trong niềm an lạc vô biên, đầy tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

Bài học: Câu chuyện trên về tâm sự của chú chim phóng sinh giúp chúng ta hiểu về nhân quả tội phước trong cuộc đời. Nếu chúng ta làm việc gì với tâm ý trong sạch thì sẽ có phước báu, còn nếu làm việc gì với tâm ý nhiễm ô, sẽ mang lại tội về sau. Người phóng sinh được phước vì muốn mang lại tự do cho chim, còn người bẫy chim để bán thì mang tội vì sinh sống bằng nghề nghiệp không chơn chánh. Tuy nhiên, việc mua chim phóng sinh vô tình đã tạo ra nhu cầu, và động cơ cho người bẫy chim để bán. Vì vậy, cũng gián tiếp gây tội. Chính vì vậy, ngày nay, nhiều chùa không khuyến khích phóng sinh, mà khuyến khích Phật tử nên nuôi dưỡng sự sống. Chúng ta cần biết tôn trọng sự cân bằng sinh thái và yêu quý thế giới tự nhiên.

(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Sunday, August 27, 2023

Nghĩ về chữ Hiếu qua Sự tích Bà chúa Ba


Nghĩ về chữ Hiếu qua Sự tích Bà chúa Ba

Đạo Phật đi vào lòng người không phải vì phần xuất thế¸ cao siêu, mầu nhiệm của con đường đạt đến chân như, mà có lẽ vì phần nhập thế đầy tính người: Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa, Từ Bi… Trong mọi hạnh lành đó, chữ Hiếu và chữ Nhân được dân gian đề cao bởi nó bao gồm cả 2 ý nghĩa: tự lợi và lợi tha. Khi một vị tu hành đắc đạo vị đó có thể độ cho người thân của mình : gồm 2 đấng sinh thành, anh chị em, thân bằng quyến thuộc và hơn nữa có thể độ tất cả chúng sinh còn trầm luân trong bể khổ trần gian. 

Trong Kinh Phổ Môn, Đức Phật Thích Ca đã nói về hạnh nguyện độ sinh của Đức Quán Thế Âm và vô số hóa thân của Ngài thể hiện bằng tướng nghìn mắt, nghìn tay có nghĩa là Ngài có đầy đủ thần thông để nghe thấy và cứu giúp những ai niệm danh hiệu Ngài trong lúc nguy nan, đau khổ. Dân gian thường gọi Ngài là “Đức Phật Bà” và mỗi khi gặp nguy hiểm hay tuyệt vọng khổ đau, người ta thường thành tâm niệm danh hiệu của Ngài là “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát” thì đều cảm thấy an tâm đôi khi thoát khỏi nạn tai một cách mầu nhiệm. Có lẽ là do tâm thành của người niệm đã chiêu cảm với nguyện lực của Đại Bồ Tát Quan Thế Âm chăng?

Câu truyện truyền thuyết về Phật Bà Quan Âm Diệu Thiện trong kinh Lăng Nghiêm có ghi lại. Đó là phép phật nhiệm mầu, lạ lùng để cảm hoá vua Trang Vương giác ngộ chánh đạo, vừa cứu Ngài khỏi căn bệnh hiểm nghèo, vừa đưa người thoát khỏi chốn trầm luân sinh tử, vừa cho Ngài thấy được sự thiên biến vạn hoá của người đã đắc đạo. Thật là phi thường! Ngày nay, ở các chùa thường tạo hình tượng Ngài với hình tướng nghìn tay, nghìn mắt mang ý nghĩa : “Phép Phật linh thiêng, mầu nhiệm tưởng như không mà lại có, tưởng như có mà thật ra chỉ là giả tướng nhất thời. Không nên cố châùp để vướng mắc lỗi lầm, luôn làm điều thiện để tạo công đức hồi hướng cho chúng sinh và xả bỏ mọi ý tưởng yêu ghét.”

Đối với đạo Phật, thực hành hiếu thảo là con đường giải thoát theo chánh pháp, là con đường của mọi người Phật tử. Không có lòng hiếu thảo với cha mẹ thì không thể gọi là một người Phật tử chân chính được. Là người Phật tử, chúng ta luôn thực hành các thiện pháp, mà trong kinh "Nhẫn nhục" nói rằng : "Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cực ác là bất hiếu". Vì vậy, báo hiếu là bản chất của người Phật tử và đã trở thành truyền thống tốt đẹp của người Phật tử Việt Nam. 

Quan niệm về đạo hiếu của nhà Phật được đề cập đến trong nhiều kinh, luận, nhưng thể hiện rõ nét, phổ biến nhất qua hai cuốn kinh : Kinh Vu Lan và Kinh Báo Ân Cha Mẹ. Đây là hai bộ kinh mà không người Phật tử nào không biết, thường được đọc, tụng vào dịp tháng bảy, lễ Vu Lan. Kinh Vu lan nói về Ngài Mục Kiền Liên, một đệ tử ưu tú của Đức Phật, sau khi đắc đạo, thấy mẹ của mình sống trong cảnh giới quỷ đói, thân hình tiều tuỵ khổ sở. Ngài sử dụng thần thông của mình, đưa bát cơm dâng cho mẹ. Mẹ Ngài được cơm, lòng tham khởi lên, nên cơm chưa tới miệng đã hóa ra lửa, nên không ăn được. Từ đó, Ngài xin Phật chỉ phương cách cứu mẹ và cho phép các phật tử sau này được thực hành phương pháp báo hiếu cha mẹ bằng cách cúng dường Vu – Lan - Bồn để báo đáp ơn cha mẹ. Đức Phật khen ngợi và chấp thuận. Cũng từ đó, ngày rằm tháng bảy là ngày báo hiếu truyền thống cuả Phật Giáo. 

Nhân dịp rằm tháng bảy, mùa Đại lễ Vu Lan, mùa báo hiếu, chúng ta cùng nhắc nhở nhau ý nghĩa cao quý của Ngày Đại lễ, mùa xá tội vong nhân… để thắp nén hương lòng, hồi hướng công đức cho cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp được siêu sinh tịnh độ, cho cha mẹ hiện tiền của chúng ta được đạo tâm tăng trưởng, cho hạt giống bồ đề mọc lên tươi tốt, cho hạnh từ bi, bố thí, nhẫn nhục, trì giới… phủ khắp bầu trời trần gian này, để hạt giống trí huệ bừng nở xua đi bóng tối của hận thù, vô minh và đau khổ. Xin cài lên áo anh, áo chị… đóa hoa hồng của lòng yêu thương để cùng tưởng nhớ, về cha mẹ của mình trong mùa báo hiếu.

Thơ tưởng ơn đức của Ngài Mục Kiền Liên & công ơn cha mẹ trong mùa Vu Lan

Thuở tiền kiếp làm nghề đánh cá
Nhờ đại duyên nên đã gặp lành …
Bích Chi Phật, phát tâm thành
Quy y từ đó tín thành thiện tâm.

Đổi nghề khác làm ăn sinh sống
Gieo nhân lành, quả trổ về sau
Hiện tiền gặp Phật chứng mau
Đại A La Hán, phép màu thần thông.

Nhóm ngoại đạo bất đồng quan điểm
Tranh hơn thua thách đố thi tài
Mục Liên tôn giả tỏ bày
Ý hoà đồng duyệt cùng ai phân tường.

Chúng cậy khoẻ cao cường tà thuật
Thách đố Ngài dời núi lấp sông
Mục Liên : đệ nhất thần thông
Núi kia dời hộ, tiếc công xá gì?

Chúng Phạm Chí gan lì đọ sức
Qủy ác kia hàng phục tức thì
Ngại ngùng ngoại đạo ra đi
Bởi không thắng nổi còn gì tương tranh.

Cùng thuở ấy Thế Tôn thuyết pháp
Vườn Kỳ Đà phương bắc xa xôi
Phật âm vang động khắp trời
Bạt già hoá độ cùng người giác tha.

Liên Hoa Sắc cùng là tứ chúng
Cám ơn Ngài tạo đúng cơ duyên
Giúp người dứt hẳn não phiền
Quả nhân tiền kiếp trổ liền hôm nay.

Nếu chẳng khéo chẳng xoay từ trước
Nghiệp ác kia đeo đẳng muôn đời
Tạo thêm quả phúc sáng ngời
Thay vào ác nghiệp chuyển dời thiện duyên.

Thần thông đệ nhất : Mục Liên
Hoá thân cứu giúp người hiền, người ngay.

Cũng ngày ấy trên đường hoằng pháp
Cùng Thế Tôn khất thực thường khi
Thấy xương trắng thật lạ kỳ
Thế Tôn đảnh lễ, ven mi lệ tràn.

Cả tứ chúng ngỡ ngàng e ngại
Cúi xin Ngài giải toả nguồn cơn:
Cớ sao đảnh lễ , Thế Tôn ?
Xương kia lẫn lộn bởi cơn cớ gì ?

Đức Phật tổ từ bi giải thích :
“Đống xương này xương, của chúng sinh
Nhiều đời nhiều kiếp phiêu linh
Là thân quyến thuộc của mình kiếp xưa.

Ta đảnh lễ cũng chưa tạ hết
Ơn sinh thành, dưỡng dục cù lao
Mẹ, cha từ những kiếp nào
Bây giờ trông thấy lệ trào xót xa !

Xương trắng kia đúng là nam tử
Sắc thâm đen là nữ đó thôi
Bởi sinh con , mẹ dưỡng nuôi
Máu kia thành sữa mẹ vui trong lòng.

Con càng lớn mẹ mong chờ mãi
Ngày thành thân chi mỹ , trưởng thành
Mẹ già bạc hết tóc xanh
Để con thắm sắc như cành hoa xuân.

Bao khó nhọc gian truân nào ngại
Miễn sao con khôn lớn nên người
Mẹ cha vất vả nào nguôi
Công ơn trời biển xin người chớ quên”.

Nghe Thế Tôn không quên từ mẫu
Mục Kiền Liên nghĩ : dẫu bây giờ…
Mẹ cha dù vẫn kính thờ
Nhưng đà khuất bóng, biết giờ nơi đâu?

Lòng chí hiếu khấn cầu Tam Bảo
Hiển thần thông tìm mẹ Thanh Đề
Mẹ ngài ác nghiệp gần kề
Thác sanh địa ngục A Tỳ khổ thay !

Thương mẹ đói thảo ngay hiếu tử
Mục Kiền Liên dâng thử cơm chay
Mẹ người chụp vội ăn ngay
Hỡi ôi, hoá lửa cũng hoài phí thôi !

Bụng tuy đói… nhưng rồi đói lả
Cơm chưa ăn đã hoá thành than
Chỉ vì hiện kiếp vương mang
Khinh thường tăng chúng, phô phang tài hèn.

Nghiệp quả ấy nhiều phen tích trữ
Thác đi rồi nghiệp dữ còn theo
Sân si, keo bẩn, gieo neo
Ác tâm chưa dứt còn đeo đẳng hoài.

Thương mẹ già đêm ngày ray rứt
Mục Kiền Liên cầu Đức Bổn Sư :
Làm sao giúp mẹ giải trừ
Tiêu tan tai ách, an cư cõi lành ?

Đức Thế Tôn không đành lòng thấy
Chúng sanh kia dù quấy kiếp xưa
Bây giờ khổ mấy cho vừa ?
Dạy ngài cứ độ đến mùa an cư.

Rằm tháng bảy nhờ Sư tế dộ
Lập đàn tràng cứu khổ hồn oan
Là ngày tự tứ chư Tăng
Mười phương Tam Bảo giải nàn chúng sanh.

Nghe Thế Tôn vì mình chỉ dẫn
Mục Kiền Liên ngơ ngẩn khôn cầm…
Lệ rơi mẫu tử tình thâm
Nguyện cầu cho mẹ , Pháp âm vang rền.

Nhờ con hiếu mẹ liền ra khỏi
Chốn ngục tù khổ ải trầm luân
Phúc lành cho cả chúng sinh
Đều ra khỏi chốn u minh, đoạ đày.

Mùa Vu Lan là ngày đáng nhớ
Mục Kiền Liên đại hiếu thuở xưa
Nhờ ân đức ấy bây giờ
Khi hoa hồng nở báo mùa Vu Lan.

Khắp nơi nơi rộn ràng nô nức
Lên chùa xin tổ chức nguyện cầu
Hiện tiền cha mẹ sống lâu
Những ai đã khuất qua mau khổ nàn.

Thật đúng nghĩa Vu Lan : báo hiếu
Cũng là ngày tự tứ chư Tăng
Mười phương Tam Bảo thường hằng
Khắp nơi còn ánh đạo vàng mãi soi…

Vân Hà (Trần Thị Hồng Anh)

(Nguồn: Sự tích Bà chúa Ba - Vân Hà)

Thursday, August 17, 2023

Vu Lan nhớ mẹ


Vu Lan nhớ mẹ


Tháng bảy Vu Lan lại trở về

Năm nay vắng mẹ - thật buồn ghê!

Đâu rồi bóng mẹ hiền yêu dấu?

Chỉ thấy mưa buồn khắp nẻo về

Hoa trắng tủi lòng, cài trên áo

Nỗi buồn nhớ mẹ, đọng bờ mi

Mong mẹ siêu sanh về Tịnh Độ

Nguyện cầu sanh chúng thoát bờ mê...


Đức Kiên