Chim con về với Phật
Buổi
tối lên ngồi học kinh trên giảng đường, chú tiểu mang chim để trên bàn, nơi có
ngọn đèn ne-on toả sáng. Hơi ấm của ánh đèn làm cho bộ lông chim khô ráo, và
ánh mắt của nó trở nên linh hoạt hơn đôi chút.
Chú
tiểu nhìn vào quyển kinh ngâm nga đọc, nhưng mắt cứ cụp xuống, gật gù. Bỗng chú
giật mình khi nghe có tiếng chim hót. Mà không, hình như chim đang nói. Một
giọng nói thật nhỏ nhẹ mà rõ ràng:
- Chú
tiểu ơi! Tôi là loài chim sẻ ra đời chưa bao lâu mà đã bị bắt lui bắt tới đã
bao lần rồi. Sáng nay khi được thả, tôi yếu quá nên không thể bay ra khỏi cổng
chùa. Nhưng ở đây tôi có thể an tâm vì không sợ bị bắt lại nữa.
Thấy
chú tiểu có vẻ ngạc nhiên, chim lại nói tiếp:
- Chú
tiểu ở chùa nên không hiểu hết mọi chuyện ở bên ngoài cuộc đời đâu. Tôi và các
anh chị mình cùng được sanh ra bên bìa rừng, cạnh một làng quê yên ả. Khi chúng
tôi vừa chập chững biết bay liền rơi ngay vào một mẻ lưới của mấy tay chuyên
bẫy chim đem bán. Tôi may mắn trôi dạt về tận chợ chim trên thành phố. Sau
nhiều ngày bị nhốt chật chội, một hôm có người đến mua chúng tôi đem về chùa
nhờ mấy thầy tụng kinh chú nguyện. Sau đó thì được sổ lồng cho bay đi. Khi được
tự do tung cánh trên bầu trời, tôi định bay về nơi cánh rừng xưa, để mong sống
lại với những cảm giác thân thương của thuở mới lọt lòng. Nhưng trời đất bao
la, giữa chốn thị thành muôn lối, tôi không còn tìm thấy đâu lối về quê cũ xa
tít mù sương khói, nên đành ở lại làm một kẻ tha hương. Vậy mà…hỡi ơi! Dòng đời
là một trò cạm bẫy khôn lường. Một sinh vật nhỏ bé lạc bước như tôi lại dễ dàng
sa chân vào những chiếc lưới giăng ra cách sân chùa không bao xa. Tôi bị săn
bắt đem bán, rồi được mang đến sân chùa nhiều lần làm vật phóng sanh cầu thọ cho
người. Nhờ được nghe quý thầy tụng kinh thuyết giảng mà dần dần tôi thoáng hiểu
ra rằng: Đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ. Phật vì muốn trừ tai ách cho chúng sanh
nên dạy họ tu phước. Người có tín tâm thì hết lòng làm lành, cứu giúp sinh
linh. Và cũng có những người chuyên lợi dung niềm tin của kẻ khác để mưu cầu
lợi lộc cho mình. Vậy thì tôi xin hỏi chú tiểu câu này: Như tôi đây bỗng trở
thành chiếc cầu nối cho người tu phước và tạo tội, vậy rốt cuộc tôi là kẻ có
tội hay có phước?
Bị
hỏi bất ngờ, tiểu Minh hơi lúng túng, giây lâu chú mới trả lời:
- À…
điều này theo như tôi được biết thì… à... vào thời Phật chưa có tục phóng sanh,
nên Phật chỉ nói đến việc giữ giới chớ nên giết hại sanh mạng dù là những loài
vật nhỏ nhít. Làm việc phước lành không gì hơn là cứu độ muôn sinh. Và thế là
lệ phóng sinh bỗng trở nên một nhu cầu cấp thiết cho người tu cầu phước thọ sau
này. Làm phước thì được phước, tạo tội thì chịu tội. Chuyện nhân quả trong kinh
Phật đều có nói rõ. Còn như chim nói mình có phước hay tội. Theo tôi nghĩ: khi
thọ thân súc sanh là đã mang lấy tội nghiệp từ nhiều đời rồi. Nhưng nay chim
được đến chùa, được nghe tụng kinh, lại hiểu rõ tội phước, đó cũng là gieo chút
duyên lành giải thoát cho ngày sau. Tôi chỉ có hiểu chừng đó thôi… còn gì nữa
thì để tôi đi hỏi sư phụ rồi sẽ trả lời cho chim sau nhé!
Chim thở dài, thều thào:
- Tôi đâu còn sống để đợi chú đi
hỏi sư phụ. Có điều tôi cũng tự nhận biết rằng: Dù đời sống ngắn ngủi. Thân này
lại mang nhiều tội nghiệp. Nhưng loài súc sanh như tôi vẫn có quyền và những
giá trị riêng của nó. Ít nhiều chúng tôi đã khơi dậy chút từ tâm nơi lòng người
và giúp họ có được một niềm tin sâu sắc vào những điều làm phước tu thiện. Còn
với ai vì cuộc sống nên phải lợi dụng niềm tin của người cùng sự vụng dại của
những con vật nhỏ bé này, thì tôi cũng có góp phần giúp họ trong việc tồn tại
mưu sinh. Một bên vì đời sống tâm linh. Một bên vì nhu cầu hiện tại. Ai cũng
tìm thấy mục đích thiết thực của mình. Như vậy tôi cũng làm được điều lợi ích
cho đời, cho người. Tội phước dẫu vô hình. Nhưng tôi vẫn tin là phước này sẽ
diệt được tội chướng kia. Thế nên hôm nay tôi mới được trở về nơi đây, được
chết trong niềm tin chánh đạo.
Chú tiểu chợt tỉnh dậy khi nghe có
tiếng động vang lên từ bên ngoài. Trời đêm tĩnh lặng. Ngọn đèn điện vẫn toả
sáng một góc phòng. Và trên bàn học, chú chim sẻ đã chết tự bao giờ. Trong giấc
chiêm bao chập chờn, câu chuyện về tội phước chưa cạn lời, nhưng chim ắt sẽ hài
lòng ra đi trong sự nhẹ nhàng thanh thản. Chú chim con đã về với Phật. Tiểu
Minh khẽ nói và thầm chú nguyện cho nó.
Những lời nói của chú chim con, dù
chỉ thoáng qua trong giấc mộng, cũng giúp cho tiểu Minh hiểu sâu hơn về sự sống
của muôn vật. Một sinh vật dù bé bỏng cũng mong muốn được sống chan hoà, cùng
góp sức vươn lên một cách hoàn thiện. Khi lòng người luôn biết hướng đến những
điều tốt đẹp vì hạnh phúc của muôn loài, thì thế giới này sẽ không còn cảnh nồi
da nấu thịt, ỷ mạnh hiếp yếu, cậy lớn hiếp bé. Từ đó mà nhân sinh cùng vạn vật
được chung sống trong niềm an lạc vô biên, đầy tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
Bài học: Câu chuyện trên về tâm sự của chú chim phóng sinh giúp
chúng ta hiểu về nhân quả tội phước trong cuộc đời. Nếu
chúng ta làm việc gì với tâm ý trong sạch thì sẽ có phước báu, còn nếu làm việc
gì với tâm ý nhiễm ô, sẽ mang lại tội về sau. Người phóng sinh được phước vì
muốn mang lại tự do cho chim, còn người bẫy chim để bán thì mang tội vì sinh
sống bằng nghề nghiệp không chơn chánh. Tuy nhiên, việc mua chim phóng sinh vô
tình đã tạo ra nhu cầu, và động cơ cho người bẫy chim để bán. Vì vậy, cũng gián
tiếp gây tội. Chính vì vậy, ngày nay, nhiều chùa không khuyến khích phóng sinh,
mà khuyến khích Phật tử nên nuôi dưỡng sự sống. Chúng ta cần biết tôn trọng sự
cân bằng sinh thái và yêu quý thế giới tự nhiên.
(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)
No comments:
Post a Comment