Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Wednesday, January 5, 2022

Năm mới ta cũng mới



Năm mới ta cũng mới


Thời gian như một vòng tròn

Xoay vần một kiếp là tròn một năm

Điểm đầu điểm cuối trong tâm

Đông qua, xuân lại âm thầm chuyển di

Pháp thân tự tánh khắc ghi

Mùa xuân miên viễn chẳng khi nào rời

Lặng nhìn thế cuộc chuyển dời

Mừng xuân, ta viết mấy lời ngâm nga

Mới là mới ở trong ta

Tu tâm, dưỡng tánh, thấy ra lỗi lầm

Sửa mình, soi lại tự tâm

Học tròn bài học, trăm năm chẳng hoài

Một năm lại bắt đầu rồi

Đếm vòng tròn của kiếp người đã qua

Mỗi năm, gắng gỏi trong ta

Trở về quê cũ, ngôi nhà tâm linh

Sống tròn lẽ đạo, chân tình

An vui, hạnh phúc, nơi mình đâu xa... 


PQT

Friday, December 31, 2021

Ý nghĩa thời gian

 

Ý nghĩa thời gian


Rồi anh trở thành một ông già
Trên thành phố này
Đi dưới những hàng cây
Năm xưa chúng ta qua đó

Em sẽ trở thành một bà già
Lưng còng tóc bạc da mồi sương
Lớp bụi thời gian sẽ phủ che tất cả
Chỉ còn ký ức trong bóng đêm nhạt nhoà

Dòng sông năm xưa lặng lẽ trôi
Mang theo những nụ hoa vàng
Tiếng cười em bay trong thinh không
Ngày ấy đã xa rồi

Chúng ta sẽ lặng lẽ từ biệt nhau
Lần cuối
Anh đi vào cõi vô cùng
Không có gì hối tiếc
Em sẽ về, khơi lại chút kỷ niệm
Tàn phai hoa gấm
Đừng khóc nhé! Em yêu!
Như một chút mặt trời trong nước
Một chút nắng mặt trời
Trên đại dương mênh mông…

PTL

Sunday, December 26, 2021

Bồ-tát Di Lặc


Bồ-tát Di Lặc

Trong vô số kiếp trước, có Đức Phật ra đời hiệu là Đại Thống Trí Như Lai thì lúc bấy giờ Đức Di Lặc (tiền thân) và Đức Phật Thích Ca (tiền thân) đồng phát tâm Bồ-đề. Đến khi Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh ra đời thì Đức Di Lặc (tiền thân) mới phát tâm xuất gia. Mặc dầu đã xuất gia nhưng tánh Ngài lại hay cẩu thả và quen theo lối phong lưu đài các. Cộng thêm tính phóng túng cũng như chẳng chịu chú tâm tu hành nên Ngài thành Phật trễ sau Đức Thích Ca gần mười tiểu kiếp. Về sau, nhờ Đức Phật Thích Ca dạy cho pháp tu Duy Thức nên Ngài mới chứng được “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”.

Vì nhận thấy giàu sang phú quý, danh vọng quyền tước đều như chiếc bóng trong gương, như trăng dưới nước nên Ngài tận diệt hết vọng tưởng say mê và hư vọng giả cảnh. Bởi thế Ngài được Phật Thích Ca thọ ký cho Ngài sau sẽ thành Phật ở thế giới Ta bà nầy.

Khi Đức Phật Thích Ca giáng sinh ở Ấn Độ cách đây trên 2500 năm thì Ngài hiện thân vào gia đình của người Bà-la-môn tên là Ba Ba Lợi ở về phía Nam Ấn Độ nhằm ngày mùng một tháng giêng âm lịch. Vì vậy, ngày mùng một tết thường được xem là ngày vía Bồ tát Di Lặc. Họ của Ngài là A Dật Đa (không ai hơn) và tên là Di Lặc (từ thị). Tên họ nầy tiêu biểu cho lòng từ bi hỷ xả vô biên của Ngài. Từ bao nhiêu kiếp cho đến ngày thành Phật, Ngài vẫn lấy hiệu là Di Lặc.

Kinh Di Lặc thượng sanh có nói: Ngày rằm tháng hai sau khi giảng kinh nầy 12 năm thì Ngài nhập diệt nơi Ngài sinh trưởng. Sau đó, Ngài sẽ sanh lên cõi trời Đầu suất để chờ khi tuổi thọ của con người trên thế gian nầy giảm rồi tăng trở lại. Trong khoảng kiếp tuổi thọ tăng thì loài người sẽ sống đến tám vạn tuổi. Và đến bấy giờ thì Ngài mới giáng sinh xuống cõi nầy. Sau đó Ngài đến cây Long Hoa tu thành ngôi Chánh Giác. Khi Ngài thành Phật thì Ngài sẽ hóa độ chúng sinh vô lượng đến sáu vạn năm mới nhập diệt.

Ngài đã hiện ra thành nhiều hóa thân để lẫn lộn với loài người ngõ hầu có cơ hội hóa độ chúng sinh. Trong các hóa thân của Ngài thì Phật tử ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam biết và thờ nhiều hơn hết là Bố Đại Hòa thượng. Chính Ngài đã hiện thân làm một vị Hòa thượng tại đất Minh châu huyện Phụng Hóa bên Trung Hoa. Ngài thường quẩy cái đãy bằng vải và đi khắp chợ búa xóm làng. Ngài thường tụ hợp các trẻ con lại rồi phân phát cho chúng bánh kẹo. Ngài giảng dạy Phật pháp và nói chuyện rất vui thú nên Ngài đi đến đâu thì các em tụ họp đông đảo đến đó. Ngài thường giảng kinh cho người nghèo và làm nhiều điều mầu nhiệm lạ thường. Lúc bấy giờ không ai biết Ngài là người như thế nào cả, do đó họ chỉ cùng nhau kêu là Bố Đại Hòa thượng (ông Hòa thượng mang đãy bằng vải).

Vì căn cứ theo ứng thân nầy nên trong các chùa ở Trung Hoa thường thờ tượng Ngài Bố Đại Hòa thượng với vẻ mặt hiền hòa hân hoan. Miệng thì cười vui vẻ và đó là tượng trưng cho đức hoan hỷ. Ngài thì người béo, bụng to và tay cầm cái đảy. Chung quanh có sáu em bé đang leo trèo trên mình Ngài. Đó là tượng trưng cho lục tặc khi đã bị Ngài hàng phục. Sự hóa thân nầy là một trong trăm ngàn hóa thân của Đức Di Lặc.

Bài học: Đức Di Lặc là một vị Bồ-tát đang ở trên cung trời Đầu suất. Ngài đợi đến khi thế giới nầy hết kiếp giảm thứ 9 rồi đến kiếp tăng thứ 10, khi đó con người sẽ hưởng thọ được trên tám vạn tuổi, thì Ngài mới giáng sinh xuống cõi nầy, mở pháp hội Long Hoa, độ cho vô số người. Bồ tát Di Lặc là biểu tượng của sự từ bi, hỷ xả. Ngày xuân đi chùa, mọi người thường chúc nhau “mùa xuân Di Lặc”, để nhắc đến câu chuyện này, và cùng hẹn nhau ở một pháp hội Long Hoa trong tương lai, nơi có đức Phật Di Lặc hạ sanh.

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - Đức Kiên - tập 3)

Tuesday, December 21, 2021

Paris By Night 99 Opening - Tình Ca (Phạm Duy)

"Tôi yêu tiếng nước tôi..." - Lâu lâu nghe lại bài này để hiểu tấm lòng người xưa và thấy rằng, đó cũng vẫn là mong mỏi của người Việt ngày nay. Ước vọng yên bình, tự do... liệu có quá xa vời !?

Sunday, December 12, 2021

HƠI THỞ

 


HƠI THỞ

 

“Hít vào tâm tỉnh lặng

Thở ra miệng mỉm cười”

Hơi thở là quà tặng

Cho chúng sanh muôn đời

 

Phật dạy thường an trú

Trong hơi thở, nụ cười

Chú tâm, luôn tự nhủ

Vào ra, không buông lơi

 

Mạng người trong phút chốc

Hết thở - là qua đời

Hơi thở như vàng ngọc

Cần chuyên chú – ai ơi

 

Hơi thở là cầu nối

Nối liền thân và tâm

Tâm muốn thôi chìm nổi

Hơi thở - cần chú tâm

 

Vào ra - luôn tỉnh thức

Theo dõi từng hơi thở

Hành trì cần miên mật

Chánh niệm - thoát mê mờ…


Đức Kiên (12/2021)

Saturday, December 4, 2021

Tình bạn


 

Tình bạn

ThS. Phạm Văn Cảnh

Tình bạn là một trong những tình cảm đẹp đẽ và cao quí của con người. Nó cũng là một nhu cầu tình cảm, là mối liên hệ giữa người và người trong cuộc sống xã hội. Tình bạn là từ chung để chỉ mối gắn bó giữa người này người khác trong một lãnh vực nào đó của đời sống. Chẳng hạn như bạn học để chỉ tình cảm giữa những người cùng đi học với nhau; bạn đồng nghiệp để chỉ những người cùng ngành nghề, cùng đơn vị công tác với nhau; tình đồng đạo để chỉ những người cùng một chung một con đường hay một tôn giáo với nhau; tình đồng chí để chỉ những người cùng chung chí hướng; bạn vong niên để chỉ những người bạn quí mến nhau bất kể cách biệt về tuổi tác; bạn nối khố để chỉ bạn thân hoặc bạn từ thời thơ ấu; bạn hàng để chỉ những người có quan hệ mua bán với nhau… Tình bạn già để chỉ những người cùng tuổi tác lớn như nhau hoặc chơi với nhau từ lúc trẻ đến khi già… Như vậy chúng ta thấy tình bạn có ý nghĩa thật là rộng rãi, nó bao gồm mối quan hệ tình cảm trong nhiều lãnh vực của đời sống con người. Trong đời sống học sinh, chúng ta chỉ đề cập đến tình cảm giữa những người còn trẻ tuổi và còn đi học.

Tình bạn trong nhà trường :

Trong đời học sinh từ bậc tiểu học qua những năm trung học rồi đến khi lên đại học, chúng ta đã và sẽ có biết bao nhiêu là bạn hữu. Mỗi tuổi có một tính cách lứa tuổi khác nhau, nhưng có lẽ tuổi học trò là tuổi đẹp nhất trong một đời người. Cho nên tình bạn trong tuổi học trò cũng mang nhiều vẻ đẹp thân thương và đặc sắc. Bởi vì bên cạnh đời sống học tập, những người bạn trẻ còn gắn bó biết bao kỷ niệm buồn vui trong những tháng ngày đi học.Tuổi ấu thơ thì có kỷ niệm thời thơ ấu; tuổi mới lớn 15, 17 có biết bao kỷ niệm rộn ràng, rực rỡ và buồn vui lẫn lộn. Tuổi sinh viên có những đam mê và suy tư khi sắp bước vào đời. Nhưng tất cả đều có chung một nét giống nhau đó là mọi chuyện vui buồn xảy ra luôn bên cạnh quá trình học tập. Những giờ học say sưa, sôi nổi, những lúc mệt mỏi rã rời vì quá tải… những mùa học thi, những mùa hè, những nỗi niềm bâng khuâng, ngây ngất…

Tình bạn có thể giúp ta vươn lên trong cuộc sống, nhưng cũng có lúc làm ta đau khổ đến phát khóc, khi bị hiểu lầm hay rơi vào những trạnh thái tiêu cực. Chính vì vậy chúng ta có bổn phận phải xây dựng và nuôi dưỡng những mặt tích cực, đáng yêu nhầt của tình bạn. Hãy biến tình bạn thành những liều thuốc bổ, nuôi đưỡng tinh thần và chia sẻ với chúng ta trên những dặm đường dài. Chính vì thế ông cha ta phải khuyên “chọn bạn mà chơi” hoặc “gần mực thì đen gần đèn thì sáng” mỗi khi đánh giá về mối quan hệ của con em mình với bạn bè của chúng.

Tình bạn có khi cao quí, độc đáo đến mức độ trở thành người tri kỷ ( kẻ hiểu mình), nên khi Dương Khuê mất đi, nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ- Nguyễn Khuyến phải thốt lên :

… Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa
Giường kia treo những hững hờ
Đàn kia luống những ngẩn ngơ tiếng đàn”…
(Khóc Dương Khuê)
bởi vì Nguyễn Khuyến nhớ đến những kỷ niệm thời còn đi học hoặc thuở làm thơ cho nhau :

Có những lúc rượu ngon cùng nhắp
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân
Có khi bàn soạn câu văn
Biết bao đông bích điển phần trước sau
Cái tình bạn ấy chỉ có hai người hiểu biết với nhau, không trộn lẫn với các tình cảm khác, không bị cái cảnh giàu nghèo danh lợi của cuộc sống chi phối.

Bàn sôn thị viễn vô kiêm vị
Phong tửu gia bần chỉ cựu phôi…
(Mâm cơm không có gì để nhắm,
Chỉ còn chút rượu cuối mùa qua).
Vậy mà họ vẫn quí nhau “bác đến chơi đây ta với ta”.

Đó chỉ là một điển hình của tình bạn, mà soi gương xưa mỗi người tự thấy bóng mình thấp thoáng trong đó.

Thursday, November 25, 2021

BÁT CHÁNH ĐẠO

 


BÁT CHÁNH ĐẠO

Con đường chánh đạo tám ngành

Đức Phật đã dạy chúng sanh nương nhờ

Chánh kiến thấy đúng chẳng ngờ

Tỉnh lặng sáng tỏ mây mờ tiêu tan

Chánh tư duy – tránh lan man

Suy nghĩ đúng đắn, vén màn giả chân

Chánh ngữ, lời nói trong ngần

Xây dựng thương hiểu, tình thân trong ngoài

Chánh nghiệp, hành động không sai

Làm lành lánh ác, vun bồi thiện duyên

Chánh mạng, nghề nghiệp tinh chuyên

Giữ gìn ngũ giới, tránh miền ác nhơn

Chánh tinh tấn, nhớ tinh cần

Siêng tu chánh đạo, vượt dần tham si

Chánh niệm, Phật hiệu nhớ ghi

Pháp thân quán tưởng, chẳng đi sai đường

Chánh định, kiên cố tâm vương

Thảnh thơi an trú, tâm thường định an

Ai ơi, chánh đạo đường vàng

Đưa ta thoát cõi thế gian – ngậm ngùi.   

PQT - 2021

Thursday, November 18, 2021

Đức Phật - thầy tôi


Đức Phật - thầy tôi


Đức Phật thầy của trời người

Người thầy cao quý, tuyệt vời trước sau

Trước Ngài, xin nguyện cúi đầu

Noi gương đức hạnh, ghi sâu lời vàng

Những lời khuyên nhủ bảo ban

Trong kinh Pháp Cú chứa chan ân tình

Tự tu rồi độ chúng sinh

Giác hạnh viên mãn hành trình vượt lên

Làm thầy lập chí cho bền

Nhẫn nhịn, tinh tấn, mới nên đạo mầu

Tùy căn cơ, giảng khác nhau

Vẫn không ra khỏi lý sâu đạo huyền

Tình thương, đạo đức làm nền

Lý luận, tri thức - làm đèn sáng soi

Quay đầu đãnh lễ, thầy ơi!

Cho con xin lạy, một trời yêu thương

Ngài là thầy giáo - phi thường

Chỉ đường thoát khổ, muôn phương an lành! 


Đức Kiên - 11/2021



Friday, November 12, 2021

Đạo làm Thầy

 

Đạo làm Thầy


Mười mấy năm trời trên bục giảng,
Lòng của ta thanh thản nhẹ nhàng,
Những giờ dạy như chẳng bao giờ hết,
Lời thơ tràn, trôi chảy nhẹ thênh thang.

Mười mấy năm trời trên bục giảng,
Suối yêu thương lai láng tuôn tràn
Ta hiểu trò, trò cũng hiểu ta hơn
Mạch nước ngầm có biết bao giờ cạn.

Mà hôm nay giữa cuộc đời khổ nạn,
Ta chợt đau như vết đạn trong tim,
Khi bóng đen che phủ xuống màn đêm,
Không thể nói những điều chua xót,

Ôi tiếng chim bây giờ không thể hót,
Trời mênh mông, khép lại tầm nhìn,
Khi con người đã mất cả niềm tin,
Khi trái tim khô dần vết máu.

Tìm đâu thấy một khoảng trời nương náu,
Đât bình yên che chở con người,
Đạo làm thầy đâu thể lấy làm vui,
Trước thế sự, luân thường đảo ngược.

Đời hỗn loạn, lấy gì cho mực thước,
Ta vẫn cố công lội nước ngược dòng,
Cố giữ trong tim một đốm lửa hồng,
Dù ánh sáng chỉ còn leo lét.

Đời dối trá sinh những loài quỷ quyệt,
Lũ gian tà còn cậy thế, cậy quyền,
Dơ dáng thay, nhơ nhuốc vị đồng tiền
Tủi nhục thay, hồn cha ông lẫm liệt.

Đọc gương xưa những ánh trăng hào kiệt,
Vẫn muôn đời tỏa sáng đường đi,
Là cố hương con cháu sẽ quay về
Là cõi trú cho những hồn tinh vệ...

PTL

Tuesday, November 2, 2021

CHIẾC CẦU MUÔN THUỞ

 

CHIẾC CẦU MUÔN THUỞ   

Đây là một khu rừng xanh tươi trong dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, lòng sông Hằng từ ngàn cao đổ về, chầm chậm chảy như muốn nghỉ ngơi sau khi đã vượt qua nhiều đoạn thác ghềnh. 

Bên bờ sông phía Nam, vượt lên trên muôn ngàn cây lá xanh tốt, có một cây xoài khổng lồ. Thân cây vút tận trời. Cành xoài đâm ngang che cả một vùng trời rộng lớn. Nhiều nhánh ngã ngang trên giòng sông, soi hình xuống đáy nước, trái xoài mập mạp, to trĩu cả cây.

Cây xoài là nơi tụ họp của một đoàn vượn đông đúc. Tám ngàn con, chúng họp thành một quốc gia hẳn hoi đứng đầu là một vượn chúa, thân hình cao đẹp, sức khỏe phi thường. Nguồn lợi thiên nhiên đủ cung cấp cho toàn đoàn lương thực trong suốt cả một mùa. Nhưng phải cẩn thận, không được để trái nào chín tới, phải ăn quả lúc còn xanh. Đó là lịnh của vượn chúa biết lo xa, và bầy vượn ngoan ngoãn làm theo. 

Một hôm, một điều không may xảy đến. Một trái xoài che khuất bởi một tổ kiến to, dần dà chín mùi, chín mùi, rơi xuống dòng sông. Trái xoài bị nước cuốn đi, trôi dạt vào bể bơi của vua xứ Ba La Nại vừa đúng lúc nhà vua đang tắm. Trái xoài to một cách khác thường, mập mạp và thơm tho. Nhà vua bèn với nhặt lên bóc ra ăn thử, ngài không đợi ý kiến của viên cận thần. Chưa khi nào vua được ăn một trái cây ngon như thế. 

Thế là sau đó, các người thợ rừng được gọi đến hỏi ý kiến. Mọi người đều trả lời là họ chưa thấy cây xoài nào trái to như vậy. Nhưng nhà vua đã quyết định sẽ tìm cho kỳ được cây xoài quý giá kia. Và ngày hôm sau cả một đội binh thuyền được huy động để vượt dòng sông, họ chuẩn bị rất nhiều lương thực, quyết dừng lại khi nào đến được dưới gốc xoài.

Sau ba ngày đường, một buổi chiều kia, người ta tìm thấy trên một triền núi xa, một cây xoài cao lớn. Tin vui mừng truyền đi rất nhanh. Cánh tay được chuyền thêm sức mạnh. Người ta chèo suốt đêm ấy và cả ngày hôm sau. 

Đến chiều người ta đã gần đến được dưới cây xoài. Không thể tả hết nỗi ngạc nhiên của quân binh và vua quan. Họ chưa bao giờ thấy một cây to như thế. Đứng trước cảnh núi non hùng vĩ, con người thấy mình bé nhỏ quá. Ai nấy đều có ít nhiều lo ngại. Mà hình như trên cây có những con vật đang chuyển động. Không phải một vài chục, một vài trăm mà hàng ngàn. Đoàn thuyền đến gần. Người ta nhận ra đó là một thế giới vượn đang chiếm cứ cả cây xoài và sinh sống ở đấy. Nhà vua đứng ở mũi thuyền cũng vừa nghiệm thấy như thế. Quả là một sự khinh mạn lớn vì tất cả những trái xoài ngon từ trước đến giờ đều bị loài vượn đáng ghét kia ăn trước hết cả. Lịnh truyền ra cho tất cả quân lính phải bao vây chặt chẽ, và chuẩn bị sẵn sàng cung tên chờ ngày mai, khi mặt trời trở dậy,bắt đầu tàn sát tất cả đoàn vượn kia!

Về phía đoàn vượn, tất cả đều tỏ vẻ hoảng sợ. Chúng đoán biết có một tai nạn không tiền khoáng hậu sẽ xảy đến với chúng, mặc dầu vượn chúa đã tìm cách làm an lòng. 

Trong đêm ấy, vượn chúa băn khoăn nát óc nghĩ cách cứu đoàn. Rồi thình lình, vượn chúa vụt trèo ra đầu cành ngả sang sông. Từ đây qua bờ bên kia còn xa lắm. Sông rộng, nước sâu khó có một con vượn nào có thể thoát được sang ngã này. Bỗng vượn chúa nhún mình lấy hết sức mạnh, đánh một cái nhảy sang bên kia bờ. Rồi vượn chúa đi tìm những sợi mây dài, nối liền lại và loay hoay cột một đầu dây vào thân cây, còn đầu dây kia cột vào thân mình, xong xuôi, vượn chúa lại lấy hết sức để nhảy trở về cây xoài. Vượn chúa định làm một chiếc cầu bằng dây để cứu thoát cho cả đoàn mình chuyển sang bên kia bờ. Nhưng, nguy thay! Sợi dây bị hụt đoạn chừng một sải tay và vừa đúng khi hai tay vượn chúa nắm được cành xoài đâm ra sông là sợi dây vừa căng thẳng, kéo chân vượn ra phía sau. Không còn có thể chậm trễ một giây lát nữa. Tám ngàn vượn phải chuyền sang sông đêm nay. Cho nên vượn chúa nằm ngay trong thế đó, hai tay vượn nắm kỹ nhánh xoài, chân vượn nối dài thêm sợi dây để làm cầu, vượn chúa ra lịnh cho toàn đoàn qua sông. Bầy vượn ngần ngừ. Phải bước lên mình vượn chúa? Phải chuyền mình trên sợi dây đang kéo nặng thân vượn chúa? Trước sự đau lòng ấy, nhiều con đã nức nở, chảy nước mắt. Nhưng không còn chậm trễ được. Hoặc xót thương để ngày mai phải tiêu diệt cả? Hoặc phải cứu sống cả đoàn.

Và lịnh được lập lại một lần nữa trước sự cương quyết của vượn chúa. Bầy vượn chuyền sang sông. Con nào con nấy đều cố sức đi thật nhẹ nhàng. Chúng cảm thấy như đang dày vò lên một cái gì quí, một trái tim đã hết mức hy sinh cho chúng. 

Vượn chúa đã ngất đi nhiều lần, nhưng lại cố trấn tĩnh ngay để nắm vững thân cây. Bầy vượn qua gần hết. Con vượt qua cuối cùng là con vượn Devadatta. Đây là con vượn xấu xa nhất, đã nhiều lần tỏ lòng ganh ghét vượn chúa và tìm cách ám hại. Nó cho là cơ hội đã đến. Nó nhảy mạnh lên mình vượn chúa với tất cả sức mạnh của nó và nhún thật mạnh trên cầu dây. Vượn chúa tưởng chừng như dập cả buồng gan, nhưng vẫn cố ráng sức nắm chặt thân cây để nó sang sông được an toàn. Rồi vượn chúa mệt lả đi. Qua bên kia bờ sông, con vượn Devadatta quay nhìn lại. Trong ánh lờ mờ của ngày sắp dậy, nó thấy thân hình vượn chúa lông lá phờ phạc, im không cử động. Tự nhiên nó cuối mặt xuống, rơi hai hàng lệ nóng, nó hối hận, nó cảm phục đức độ bao dung của vượn chúa.

Sáng hôm sau, vua Ba Tư Nại truyền tiến quân. Nhưng một ngạc nhiên lớn! Toàn thể bầy vượn đông đảo đang đêm đã trốn đi ngã nào hết. Quan quân đang đứng dưới gốc cây xoài. Người ta nhìn lên. Cảnh tượng thật là cảm động. Một con vượn to lớn khác thường đang nối mình với một sợi dây to bắt từ bên này sang bên kia bờ sông.Vượn nằm im không cử động, hình như mệt ngất đi. Theo nhiều người thợ săn cho biết thì đây là con vượn đầu đàn. Lúc bấy giờ nhà vua rõ đầu đuôi. Thì ra con vượn đầu đàn đã lấy thân mình nối thành cầu để cứu thoát cho cả bầy của mình. Vượn đầu đàn đã nêu gương hy sinh cao cả làm nhà vua cảm phục lắm. Ngài đột nhiên tỉnh ngộ, nghĩ đến việc làm ích kỷ và thấp hèn của mình: Chỉ vì muốn có những trái xoài ngon ngọt mà ngài đã dùng uy quyền huy động nhiều người đến đây. Chỉ vì một ý muốn tầm thường nếu không muốn nói là sai lầm, một sự tức giận nhỏ nhen mà ngài suýt gây nên một sự tàn sát thảm khốc. Rồi ngài quay sang bọn thợ săn đang đứng yên, không còn hăm hở giết hại như trước. Ngài nói to để chỉ cho họ một bài học và lập tức truyền lịnh lui quân, sau khi đã sai đưa vượn chúa xuống và tự tay ngài vuốt ve săn sóc cho vượn chúa tỉnh lại.

Vượn chúa đã nêu lòng hy sinh cao cả để cứu đoàn một cách cảm động trên đây, chính là tiền thân Đức Phật Thích Ca.

Bài học: Muốn là người lãnh đạo tốt, cần phải học hạnh của vượn chúa trong câu chuyện, phải biết quên mình để lo cho sự an vui của tập thể, biết hy sinh để cứu sống bầy đàn.

(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 1 - Đức Kiên)