A virtual world for sharing my knowledge, feeling and other meaningful things in my life.
Lời Phật dạy
Tuesday, December 21, 2021
Paris By Night 99 Opening - Tình Ca (Phạm Duy)
Sunday, December 12, 2021
HƠI THỞ
HƠI THỞ
“Hít vào tâm tỉnh
lặng
Thở ra miệng mỉm
cười”
Hơi thở là quà
tặng
Cho chúng sanh
muôn đời
Phật dạy thường
an trú
Trong hơi thở,
nụ cười
Chú tâm, luôn tự
nhủ
Vào ra, không
buông lơi
Mạng người
trong phút chốc
Hết thở - là
qua đời
Hơi thở như
vàng ngọc
Cần chuyên chú
– ai ơi
Hơi thở là cầu
nối
Nối liền thân
và tâm
Tâm muốn thôi
chìm nổi
Hơi thở - cần
chú tâm
Vào ra - luôn tỉnh
thức
Theo dõi từng
hơi thở
Hành trì cần miên
mật
Chánh niệm -
thoát mê mờ…
Đức Kiên (12/2021)
Saturday, December 4, 2021
Tình bạn
Tình bạn
ThS. Phạm Văn Cảnh
Tình bạn là một trong những tình cảm đẹp đẽ và cao quí của con người. Nó cũng là một nhu cầu tình cảm, là mối liên hệ giữa người và người trong cuộc sống xã hội. Tình bạn là từ chung để chỉ mối gắn bó giữa người này người khác trong một lãnh vực nào đó của đời sống. Chẳng hạn như bạn học để chỉ tình cảm giữa những người cùng đi học với nhau; bạn đồng nghiệp để chỉ những người cùng ngành nghề, cùng đơn vị công tác với nhau; tình đồng đạo để chỉ những người cùng một chung một con đường hay một tôn giáo với nhau; tình đồng chí để chỉ những người cùng chung chí hướng; bạn vong niên để chỉ những người bạn quí mến nhau bất kể cách biệt về tuổi tác; bạn nối khố để chỉ bạn thân hoặc bạn từ thời thơ ấu; bạn hàng để chỉ những người có quan hệ mua bán với nhau… Tình bạn già để chỉ những người cùng tuổi tác lớn như nhau hoặc chơi với nhau từ lúc trẻ đến khi già… Như vậy chúng ta thấy tình bạn có ý nghĩa thật là rộng rãi, nó bao gồm mối quan hệ tình cảm trong nhiều lãnh vực của đời sống con người. Trong đời sống học sinh, chúng ta chỉ đề cập đến tình cảm giữa những người còn trẻ tuổi và còn đi học.
Tình bạn trong nhà trường :
Trong đời học sinh từ bậc tiểu học qua những năm trung học rồi đến khi lên đại học, chúng ta đã và sẽ có biết bao nhiêu là bạn hữu. Mỗi tuổi có một tính cách lứa tuổi khác nhau, nhưng có lẽ tuổi học trò là tuổi đẹp nhất trong một đời người. Cho nên tình bạn trong tuổi học trò cũng mang nhiều vẻ đẹp thân thương và đặc sắc. Bởi vì bên cạnh đời sống học tập, những người bạn trẻ còn gắn bó biết bao kỷ niệm buồn vui trong những tháng ngày đi học.Tuổi ấu thơ thì có kỷ niệm thời thơ ấu; tuổi mới lớn 15, 17 có biết bao kỷ niệm rộn ràng, rực rỡ và buồn vui lẫn lộn. Tuổi sinh viên có những đam mê và suy tư khi sắp bước vào đời. Nhưng tất cả đều có chung một nét giống nhau đó là mọi chuyện vui buồn xảy ra luôn bên cạnh quá trình học tập. Những giờ học say sưa, sôi nổi, những lúc mệt mỏi rã rời vì quá tải… những mùa học thi, những mùa hè, những nỗi niềm bâng khuâng, ngây ngất…
Tình bạn có thể giúp ta vươn lên trong cuộc sống, nhưng cũng có lúc làm ta đau khổ đến phát khóc, khi bị hiểu lầm hay rơi vào những trạnh thái tiêu cực. Chính vì vậy chúng ta có bổn phận phải xây dựng và nuôi dưỡng những mặt tích cực, đáng yêu nhầt của tình bạn. Hãy biến tình bạn thành những liều thuốc bổ, nuôi đưỡng tinh thần và chia sẻ với chúng ta trên những dặm đường dài. Chính vì thế ông cha ta phải khuyên “chọn bạn mà chơi” hoặc “gần mực thì đen gần đèn thì sáng” mỗi khi đánh giá về mối quan hệ của con em mình với bạn bè của chúng.
Tình bạn có khi cao quí, độc đáo đến mức độ trở thành người tri kỷ ( kẻ hiểu mình), nên khi Dương Khuê mất đi, nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ- Nguyễn Khuyến phải thốt lên :
… Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa
Giường kia treo những hững hờ
Đàn kia luống những ngẩn ngơ tiếng đàn”…
(Khóc Dương Khuê)
bởi vì Nguyễn Khuyến nhớ đến những kỷ niệm thời còn đi học hoặc thuở làm thơ cho nhau :
Có những lúc rượu ngon cùng nhắp
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân
Có khi bàn soạn câu văn
Biết bao đông bích điển phần trước sau
Cái tình bạn ấy chỉ có hai người hiểu biết với nhau, không trộn lẫn với các tình cảm khác, không bị cái cảnh giàu nghèo danh lợi của cuộc sống chi phối.
Bàn sôn thị viễn vô kiêm vị
Phong tửu gia bần chỉ cựu phôi…
(Mâm cơm không có gì để nhắm,
Chỉ còn chút rượu cuối mùa qua).
Vậy mà họ vẫn quí nhau “bác đến chơi đây ta với ta”.
Đó chỉ là một điển hình của tình bạn, mà soi gương xưa mỗi người tự thấy bóng mình thấp thoáng trong đó.
Thursday, November 25, 2021
BÁT CHÁNH ĐẠO
BÁT CHÁNH ĐẠO
Con đường chánh đạo tám ngành
Đức Phật đã
dạy chúng sanh nương nhờ
Chánh kiến
thấy đúng chẳng ngờ
Tỉnh lặng sáng
tỏ mây mờ tiêu tan
Chánh tư duy
– tránh lan man
Suy nghĩ đúng
đắn, vén màn giả chân
Chánh ngữ,
lời nói trong ngần
Xây dựng thương
hiểu, tình thân trong ngoài
Chánh nghiệp,
hành động không sai
Làm lành lánh
ác, vun bồi thiện duyên
Chánh mạng,
nghề nghiệp tinh chuyên
Giữ gìn ngũ
giới, tránh miền ác nhơn
Chánh tinh
tấn, nhớ tinh cần
Siêng tu chánh
đạo, vượt dần tham si
Chánh niệm,
Phật hiệu nhớ ghi
Pháp thân quán
tưởng, chẳng đi sai đường
Chánh định,
kiên cố tâm vương
Thảnh thơi
an trú, tâm thường định an
Ai ơi, chánh
đạo đường vàng
Đưa ta thoát
cõi thế gian – ngậm ngùi.
PQT - 2021
Thursday, November 18, 2021
Đức Phật - thầy tôi
Đức Phật - thầy tôi
Đức Phật thầy của trời người
Người thầy cao quý, tuyệt vời trước sau
Trước Ngài, xin nguyện cúi đầu
Noi gương đức hạnh, ghi sâu lời vàng
Những lời khuyên nhủ bảo ban
Trong kinh Pháp Cú chứa chan ân tình
Tự tu rồi độ chúng sinh
Giác hạnh viên mãn hành trình vượt lên
Làm thầy lập chí cho bền
Nhẫn nhịn, tinh tấn, mới nên đạo mầu
Tùy căn cơ, giảng khác nhau
Vẫn không ra khỏi lý sâu đạo huyền
Tình thương, đạo đức làm nền
Lý luận, tri thức - làm đèn sáng soi
Quay đầu đãnh lễ, thầy ơi!
Cho con xin lạy, một trời yêu thương
Ngài là thầy giáo - phi thường
Chỉ đường thoát khổ, muôn phương an lành!
Đức Kiên - 11/2021
Friday, November 12, 2021
Đạo làm Thầy
Đạo làm Thầy
Mười mấy năm trời trên bục giảng,
Lòng của ta thanh thản nhẹ nhàng,
Những giờ dạy như chẳng bao giờ hết,
Lời thơ tràn, trôi chảy nhẹ thênh thang.
Mười mấy năm trời trên bục giảng,
Suối yêu thương lai láng tuôn tràn
Ta hiểu trò, trò cũng hiểu ta hơn
Mạch nước ngầm có biết bao giờ cạn.
Mà hôm nay giữa cuộc đời khổ nạn,
Ta chợt đau như vết đạn trong tim,
Khi bóng đen che phủ xuống màn đêm,
Không thể nói những điều chua xót,
Ôi tiếng chim bây giờ không thể hót,
Trời mênh mông, khép lại tầm nhìn,
Khi con người đã mất cả niềm tin,
Khi trái tim khô dần vết máu.
Tìm đâu thấy một khoảng trời nương náu,
Đât bình yên che chở con người,
Đạo làm thầy đâu thể lấy làm vui,
Trước thế sự, luân thường đảo ngược.
Đời hỗn loạn, lấy gì cho mực thước,
Ta vẫn cố công lội nước ngược dòng,
Cố giữ trong tim một đốm lửa hồng,
Dù ánh sáng chỉ còn leo lét.
Đời dối trá sinh những loài quỷ quyệt,
Lũ gian tà còn cậy thế, cậy quyền,
Dơ dáng thay, nhơ nhuốc vị đồng tiền
Tủi nhục thay, hồn cha ông lẫm liệt.
Đọc gương xưa những ánh trăng hào kiệt,
Vẫn muôn đời tỏa sáng đường đi,
Là cố hương con cháu sẽ quay về
Là cõi trú cho những hồn tinh vệ...
PTL
Tuesday, November 2, 2021
CHIẾC CẦU MUÔN THUỞ
CHIẾC CẦU
MUÔN THUỞ
Đây là một khu rừng xanh tươi
trong dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, lòng sông Hằng từ ngàn cao đổ về, chầm chậm chảy
như muốn nghỉ ngơi sau khi đã vượt qua nhiều đoạn thác ghềnh.
Bên bờ sông phía Nam, vượt lên
trên muôn ngàn cây lá xanh tốt, có một cây xoài khổng lồ. Thân cây vút tận
trời. Cành xoài đâm ngang che cả một vùng trời rộng lớn. Nhiều nhánh ngã ngang
trên giòng sông, soi hình xuống đáy nước, trái xoài mập mạp, to trĩu cả cây.
Cây xoài là nơi tụ họp của một
đoàn vượn đông đúc. Tám ngàn con, chúng họp thành một quốc gia hẳn hoi đứng đầu
là một vượn chúa, thân hình cao đẹp, sức khỏe phi thường. Nguồn lợi thiên nhiên
đủ cung cấp cho toàn đoàn lương thực trong suốt cả một mùa. Nhưng phải cẩn
thận, không được để trái nào chín tới, phải ăn quả lúc còn xanh. Đó là lịnh của
vượn chúa biết lo xa, và bầy vượn ngoan ngoãn làm theo.
Một hôm, một điều không may xảy
đến. Một trái xoài che khuất bởi một tổ kiến to, dần dà chín mùi, chín mùi, rơi
xuống dòng sông. Trái xoài bị nước cuốn đi, trôi dạt vào bể bơi của vua xứ Ba
La Nại vừa đúng lúc nhà vua đang tắm. Trái xoài to một cách khác thường, mập
mạp và thơm tho. Nhà vua bèn với nhặt lên bóc ra ăn thử, ngài không đợi ý kiến
của viên cận thần. Chưa khi nào vua được ăn một trái cây ngon như thế.
Thế là sau đó, các người thợ rừng
được gọi đến hỏi ý kiến. Mọi người đều trả lời là họ chưa thấy cây xoài nào
trái to như vậy. Nhưng nhà vua đã quyết định sẽ tìm cho kỳ được cây xoài quý
giá kia. Và ngày hôm sau cả một đội binh thuyền được huy động để vượt dòng
sông, họ chuẩn bị rất nhiều lương thực, quyết dừng lại khi nào đến được dưới
gốc xoài.
Sau ba ngày đường, một buổi chiều
kia, người ta tìm thấy trên một triền núi xa, một cây xoài cao lớn. Tin vui
mừng truyền đi rất nhanh. Cánh tay được chuyền thêm sức mạnh. Người ta chèo
suốt đêm ấy và cả ngày hôm sau.
Đến chiều người ta đã gần đến
được dưới cây xoài. Không thể tả hết nỗi ngạc nhiên của quân binh và vua quan.
Họ chưa bao giờ thấy một cây to như thế. Đứng trước cảnh núi non hùng vĩ, con
người thấy mình bé nhỏ quá. Ai nấy đều có ít nhiều lo ngại. Mà hình như trên
cây có những con vật đang chuyển động. Không phải một vài chục, một vài trăm mà
hàng ngàn. Đoàn thuyền đến gần. Người ta nhận ra đó là một thế giới vượn
đang chiếm cứ cả cây xoài và sinh sống ở đấy. Nhà vua đứng ở mũi thuyền
cũng vừa nghiệm thấy như thế. Quả là một sự khinh mạn lớn vì tất cả những trái
xoài ngon từ trước đến giờ đều bị loài vượn đáng ghét kia ăn trước hết cả. Lịnh
truyền ra cho tất cả quân lính phải bao vây chặt chẽ, và chuẩn bị sẵn sàng cung
tên chờ ngày mai, khi mặt trời trở dậy,bắt đầu tàn sát tất cả đoàn vượn kia!
Về phía đoàn vượn, tất cả đều tỏ
vẻ hoảng sợ. Chúng đoán biết có một tai nạn không tiền khoáng hậu sẽ xảy đến
với chúng, mặc dầu vượn chúa đã tìm cách làm an lòng.
Trong đêm ấy, vượn chúa băn khoăn
nát óc nghĩ cách cứu đoàn. Rồi thình lình, vượn chúa vụt trèo ra đầu cành ngả
sang sông. Từ đây qua bờ bên kia còn xa lắm. Sông rộng, nước sâu khó có một con
vượn nào có thể thoát được sang ngã này. Bỗng vượn chúa nhún mình lấy hết sức
mạnh, đánh một cái nhảy sang bên kia bờ. Rồi vượn chúa đi tìm những sợi mây
dài, nối liền lại và loay hoay cột một đầu dây vào thân cây, còn đầu dây kia
cột vào thân mình, xong xuôi, vượn chúa lại lấy hết sức để nhảy trở về cây
xoài. Vượn chúa định làm một chiếc cầu bằng dây để cứu thoát cho cả đoàn mình
chuyển sang bên kia bờ. Nhưng, nguy thay! Sợi dây bị hụt đoạn chừng một sải tay
và vừa đúng khi hai tay vượn chúa nắm được cành xoài đâm ra sông là sợi dây vừa
căng thẳng, kéo chân vượn ra phía sau. Không còn có thể chậm trễ một giây lát
nữa. Tám ngàn vượn phải chuyền sang sông đêm nay. Cho nên vượn chúa nằm ngay
trong thế đó, hai tay vượn nắm kỹ nhánh xoài, chân vượn nối dài thêm sợi dây để
làm cầu, vượn chúa ra lịnh cho toàn đoàn qua sông. Bầy vượn ngần ngừ. Phải bước
lên mình vượn chúa? Phải chuyền mình trên sợi dây đang kéo nặng thân vượn
chúa? Trước sự đau lòng ấy, nhiều con đã nức nở, chảy nước mắt. Nhưng không còn
chậm trễ được. Hoặc xót thương để ngày mai phải tiêu diệt cả? Hoặc phải cứu
sống cả đoàn.
Và lịnh được lập lại một lần nữa
trước sự cương quyết của vượn chúa. Bầy vượn chuyền sang sông. Con nào con nấy
đều cố sức đi thật nhẹ nhàng. Chúng cảm thấy như đang dày vò lên một cái gì
quí, một trái tim đã hết mức hy sinh cho chúng.
Vượn chúa đã ngất đi nhiều lần,
nhưng lại cố trấn tĩnh ngay để nắm vững thân cây. Bầy vượn qua gần hết. Con
vượt qua cuối cùng là con vượn Devadatta. Đây là con vượn xấu xa nhất, đã nhiều
lần tỏ lòng ganh ghét vượn chúa và tìm cách ám hại. Nó cho là cơ hội đã đến. Nó
nhảy mạnh lên mình vượn chúa với tất cả sức mạnh của nó và nhún thật mạnh trên
cầu dây. Vượn chúa tưởng chừng như dập cả buồng gan, nhưng vẫn cố ráng sức nắm
chặt thân cây để nó sang sông được an toàn. Rồi vượn chúa mệt lả đi. Qua bên
kia bờ sông, con vượn Devadatta quay nhìn lại. Trong ánh lờ mờ của ngày sắp
dậy, nó thấy thân hình vượn chúa lông lá phờ phạc, im không cử động. Tự nhiên
nó cuối mặt xuống, rơi hai hàng lệ nóng, nó hối hận, nó cảm phục đức độ bao
dung của vượn chúa.
Sáng hôm sau, vua Ba Tư Nại
truyền tiến quân. Nhưng một ngạc nhiên lớn! Toàn thể bầy vượn đông đảo đang đêm
đã trốn đi ngã nào hết. Quan quân đang đứng dưới gốc cây xoài. Người ta nhìn
lên. Cảnh tượng thật là cảm động. Một con vượn to lớn khác thường đang nối mình
với một sợi dây to bắt từ bên này sang bên kia bờ sông.Vượn nằm im không cử
động, hình như mệt ngất đi. Theo nhiều người thợ săn cho biết thì đây là con
vượn đầu đàn. Lúc bấy giờ nhà vua rõ đầu đuôi. Thì ra con vượn đầu đàn đã lấy
thân mình nối thành cầu để cứu thoát cho cả bầy của mình. Vượn đầu đàn đã nêu
gương hy sinh cao cả làm nhà vua cảm phục lắm. Ngài đột nhiên tỉnh ngộ, nghĩ
đến việc làm ích kỷ và thấp hèn của mình: Chỉ vì muốn có những trái xoài ngon
ngọt mà ngài đã dùng uy quyền huy động nhiều người đến đây. Chỉ vì một ý muốn
tầm thường nếu không muốn nói là sai lầm, một sự tức giận nhỏ nhen mà ngài suýt
gây nên một sự tàn sát thảm khốc. Rồi ngài quay sang bọn thợ săn đang đứng yên,
không còn hăm hở giết hại như trước. Ngài nói to để chỉ cho họ một bài học và
lập tức truyền lịnh lui quân, sau khi đã sai đưa vượn chúa xuống và tự tay ngài
vuốt ve săn sóc cho vượn chúa tỉnh lại.
Vượn chúa đã nêu lòng hy sinh cao
cả để cứu đoàn một cách cảm động trên đây, chính là tiền thân Đức Phật
Thích Ca.
Bài học: Muốn là người lãnh đạo tốt, cần phải học hạnh của vượn chúa trong câu chuyện, phải biết quên mình để lo cho sự an vui của tập thể, biết hy sinh để cứu sống bầy đàn.
(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 1 - Đức Kiên)
Saturday, October 23, 2021
Quan Âm Thị Kính
Quan Âm Thị Kính
Ngày xửa ngày xưa, có một người trải qua nhiều kiếp,
kiếp nào từ bé đến lớn cũng giữ mình đức hạnh và thành bậc chân tu. Cứ luân hồi
chuyển kiếp như vậy liên tiếp đến chín lần, nhưng chưa kiếp nào đặng thành Phật.
Ðến kiếp thứ 10, người này được thác sanh ở nước
Cao Ly làm con gái một nhà họ Mãng, có tên là Thị Kính. Nàng có vẻ người đầy đặn,
mặt mũi dễ coi, tính tình điềm đạm. Lớn lên, nàng thờ cha mẹ hết lòng, việc nhà
việc cửa chăm lo rất đảm. Khi đến tuổi lấy chồng, nàng được bố mẹ gả cho một
anh chàng học trò họ Sùng tên là Thiện Sỹ. Cũng giống như nhà vợ, bên nhà chồng
cũng chẳng khá giả gì. Thấy chồng chăm học, không chơi bời, Thị Kính không ao ước
gì hơn, nàng càng ra công tần tảo cho chồng dốc lòng nấu sử sôi kinh.
Một đêm, bên cạnh án thư, Thiện Sỹ ngồi đọc sách,
Thị Kính cũng ngồi may một bên, hai người chung nhau một ngọn đèn dầu. Chồng học
mãi thấy mệt mỏi, bèn ngả lưng xuống giường, kê đầu lên đầu gối vợ chuyện trò một
chốc rồi thiu thiu ngủ. Thị Kính cố giữ yên lặng cho chồng yên giấc. Nàng có thì
giờ ngắm kỹ khuôn mặt tuấn tú của chồng. Bỗng nàng nhận ra ở cằm chồng có một sợi
râu mọc ngược. - “Ồ, sao lại có sợi râu xấu xí thế này, người ta bảo râu mọc
ngược là tướng bạc ác. Ta phải lén nhổ đi cho chàng mới được!” Nghĩ vậy, sẵn
con dao nhíp trong thúng khảo đựng đồ may, Thị Kính liền cầm lấy mở ra định nhổ
sợi râu, không ngờ lưỡi dao sáng loáng vừa đưa đến gần thì Thiện Sỹ cũng vừa chợt
tỉnh, trông thấy vợ tay cầm dao chĩa vào mặt trong lúc mình chợt ngủ quên, Thiện
Sỹ nghĩ ngay đến chuyện đen tối, liền vùng dậy nắm cổ tay và la lên: “Chết thật!
Nàng định cầm dao giết ta lúc đang ngủ ư?”
Thị Kính đáp: -“Không phải đâu. Thấy chàng có sợi
râu mọc ngược, thiếp định tâm lén nhổ nó đi kẻo trông xấu xí lắm!”
Nhưng trong cơn nghi ngờ và hoảng hốt, chồng nhất
định không tin như vậy. –“Thôi thôi! Ðừng khéo chống chế. Làm sao có chuyện nhổ
râu khi ta đang ngủ. Muốn nhổ thì đợi ta tỉnh dậy, hoặc ban ngày ban mặt có hay
không?”.
Giữa lúc ấy, người mẹ Thiện Sỹ nằm ở buồng bên cạnh
nghe cãi nhau cũng xô cửa bước ra. Vừa nghe con trai kể lại chuyện, bà đã mồm
loa mép giải: “Trời ơi! Con này to gan thực! Dám đang tay làm những việc tày trời,
may mà con ta trở dậy kịp, không thì còn gì tánh mạng”.
Thị Kính nước mắt giàn giụa cố gắng phân trần: “Mẹ
nghĩ xem, con có thù vơ oán chạ gì mà phải làm như vậy. Chẳng qua con muốn làm
cho chồng đẹp mặt...”
–“Rõ ràng mày định tâm giết chồng, bị bắt hai năm
rõ mười mà còn chối leo lẻo”.
Người mẹ Thiện Sỹ chẳng ưa gì nàng dâu nên một mực
đổ riết. Thị Kính thấy giãi bày mãi không ăn thua, nên ngồi xuống cúi đầu nức nở.
Câu chuyện từ bé xé ra to. Cuối cùng gia đình họ Sùng không muốn con cháu có
nòi ác nghiệt, nên Thị Kính bị đuổi về nhà bố mẹ đẻ.
Buồn chán cho số phận éo le, một hôm nàng cải
trang thành một chàng trai, nhân đêm tối bỏ nhà, khăn gói ra đi. Nàng đi đi
mãi, cố tìm trú ngụ một nơi cho thật xa quê hương để xóa bỏ những ký ức đau
xót. Sau cùng đến một tỉnh khác, ở đây có chùa Vân, nàng tìm đến xin cạo đầu
quy y. Sư cụ không biết là gái bèn nhận cho làm tiểu, đặt là Kính Tâm. Sự đời
đã tắt lửa lòng, từ đây nàng yên tâm bạn cùng kinh kệ.
Nhưng tu hành ở chùa Vân chưa được bao lâu thì một
việc mới lại xảy đến với nàng. Tuy ăn mặc nâu sòng, nhưng vẻ mặt của chú tiểu mới
đã làm cho nhiều trái tim của các cô gái làng thổn thức. Trong làng có Thị Mầu,
con gái của một phú ông, những ngày lễ chùa thấy tiểu Kính Tâm thì đem lòng yêu
trộm nhớ thầm. Hai ba phen bị khước từ, Thị Mầu càng si mê càng cố tìm cách quyến
rũ. Sau đó, tuy cá chẳng cắn câu, nàng vẫn không sao quên được chú tiểu.
Quen thói trăng hoa, Thị Mầu bèn tư thông với một
người đầy tớ trai trong nhà. Qua nhiều phen đi lại, không ngờ bụng ngày một lớn.
Bị làng phạt vạ, cô gái nghĩ rằng nếu thú thật thì chẳng hay ho gì bèn đổ riết
cho tiểu Kính Tâm. Vì thế tiểu Kính Tâm cũng bị làng đòi đến khảo tra. Nhưng dù
bị đánh tơi tả, nàng cũng không dám nhận liều cũng như không để lộ mình là gái.
Sư cụ chùa Vân thấy tiểu bị đòn đau thì thương tình kêu xin với làng nộp vạ, bảo
lãnh cho tiểu được tha về. Nhưng sợ miệng thế gian mai mỉa ô danh chốn thiền
môn, nên sư bắt tiểu phải chụm môt cái lều cư ngụ ở phía ngoài cổng chùa. Nàng
cam tâm nhận sự hành hạ này, cắn răng không hề van xin hay than thở.
Thị Mầu sau đó sinh được một trai. Ðã trót đổ vấy
cho tiểu Kính Tâm, nên nàng lại đem đứa con bỏ ở cửa tam quan. Kính Tâm lại
thêm một phen bối rối. Nhận lấy đứa bé thì không khác gì một hành động thú tội,
mà không nhận thì làm ngơ sao đành trước một đứa bé vô tội thế kia. Nhưng những
tràng khóc oa oa của đứa trẻ sơ sinh đã khiến nàng mất hết ngại ngần. Lập tức
nàng bế đứa bé vào lều chăm sóc, và từ đó ngày ngày một công việc mới choán hết
thì giờ và tâm trí của nàng, nàng phải bế nó đi xin sữa ở đầu làng cuối xóm. Mặc
cho dân làng kẻ cười người chê đến rát cả mặt, nàng vẫn âm thầm chịu đựng, tuyệt
không có lấy một lời oán thán.
Cứ như thế sau sáu năm, nàng trông nom con người
như con đẻ. Trong khi đứa bé ngày một khôn lớn, thì sức nàng trái lại ngày một
mỏi mòn kiệt quệ. Một hôm biết mình không thể sống được nữa, tiểu Kính Tâm bèn
viết một phong thư để lại cho bố mẹ đẻ, trong đó nàng thuật lại đầu đuôi nỗi
mình nhẫn nhục bấy chầy. Lại dặn dò đứa bé sau khi mình chết đi thì trao thư lại
cho Sư cụ trên chùa.
Khi đó, mọi người mới hay tiểu Kính Tâm là nữ, và
ai nấy đều nhận thấy rằng sự chịu đựng của nàng từ bấy đến nay quả là cùng cực.
Ðể tỏ lòng hối hận, sư cụ chùa Vân bèn cho lập một
đàn chay cầu cho nàng được siêu sanh tịnh độ. Hôm cử hành đàn chay, thì trên trời,
giữa một đám mây năm sắc, Ðức Phật Thiên Tôn hiện ra phán truyền cho Kính Tâm
thành Phật Quan Âm. Ngày nay, để chỉ cho mối oan to lớn, người ta thường bảo :
“Oan Thị Kính” là từ truyện này mà ra.
Bài học: Trong cuộc sống, cần rèn luyện đức tính Nhẫn nhục,
vì nó sẽ giúp vượt qua được nhiều khó khăn, hoạn nạn. Phật bà Quán Âm là hiện
thân của năng lực nhẫn nhục và từ bi rất lớn vậy.
(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 2 - Đức Kiên)
Friday, October 8, 2021
Luân hồi
Luân hồi
Sớm mai dỡ chết sương mù
Sao trời còn lạnh cho dù nắng lên?
Một cành hoa dại không tên
Một đời rồi cũng xuôi miền thinh không
Riêng người một kiếp thu phong
Lạc miền trần giới theo giòng nước xuôi
Miên du tỉnh giấc nào nguôi
Một trời sầu đọng mắt môi lạnh ngần
Đêm nay thức giấc bao lần
Để cho hồn quạnh xoay vần tháng năm
Lối nào dẫn đến trăm năm?
Đường nào đưa lại muôn trùng kiếp xưa?
Vân Hà (TTHA)
Thursday, September 30, 2021
Bài giảng đầu tiên
Bài giảng đầu tiên
Sau khi thành đạo, Đức Phật đi tìm năm người
bạn đồng tu đã xa lánh ngài trước đây. Ngài tìm thấy họ ở vườn Lộc Uyển gần Be
Na Res. Lúc này, họ nghĩ Đức Phật đã từ bỏ ý định tìm kiếm giác ngộ khi ngài nhận
thực phẩm do Su Ja Ta cúng dường. Bởi vậy, khi thấy ngài đến gần họ. Họ nói, ―
Đấy, Gau Ta Ma đến đấy. Chúng ta không nên nói chuyện với ông ta.
Tuy nhiên, khi Đức Phật đến gần, một luồng hào quang chiếu sáng quanh
ngài. Vẻ uy nghi của Ngài gây ấn tượng đến nỗi năm vị đạo sĩ quên rằng họ đã thống
nhất với nhau không chào đón ngài. Các đạo sĩ hồ hởi khi gặp ngài. Người đem chậu,
người khác xối nước để rửa chân cho ngài. Rồi Đức Phật nói với họ,― Ta đã đạt
được sự giác ngộ và ta đến để nói với các ngài chân lý ta đã nhận ra. Đừng gọi
ta là Gau Ta Ma nữa. Ta bây giờ đã là Đức Phật. Họ cảm thấy xấu hổ khi đã xa
lánh ngài trước đây và cầu xin ngài tha thứ. Rồi họ lắng nghe Đức Phật giảng
bài giảng đầu tiên. Ngài dạy, ― Tất cả nỗi khổ đau, sợ hãi và căm thù đều xuất
phát từ lòng tham lam. Người không tham lam sẽ không lo sợ. Tham lam làm họ sợ
hãi!
Họ bắt đầu hiểu lời dạy của ngài. Sau khi hiểu rõ những lời dạy của Đức Phật, họ xin Đức Phật truyền giới. Đức Phật đồng ý truyền giới và nói rằng, “Hãy là tỳ kheo, đi theo lối sống tu hành để chấm dứt khổ đau”. Họ cạo đầu và mặc áo choàng màu vàng sẫm. Như vậy, Tăng đoàn được thành lập. Sau đó, đức Phật giảng cho họ bài pháp đầu tiên về Bốn Sự thật Cao quý (Tứ Diệu Đế).
Chân lý cao quý thứ nhất: Khổ đau
Đức Phật tìm ra cách giải quyết nổi khổ đau, bắt đầu bằng nhận diện khổ
đau có mặt trong cuộc sống. Đây là cái chân lý cao quý thứ nhất trong Bốn chân
lý. Nếu mọi người ý thức những gì họ trải qua và quan sát kỹ những gì diễn ra
xung quanh, họ sẽ thấy rằng cuộc sống là hoàn toàn khổ đau và không hạnh phúc.
Khổ đau có thể là thuộc về tinh thần hoặc thể xác.
Chân lý về khổ đau của sanh, lão, bệnh, tử
là không thể tránh khỏi. Một vài người giàu có bây giờ có thể vui sướng, hạnh
phúc và được chăm sóc cẩn thận trong cuộc sống, nhưng thời gian, không có gì chắc
chắn họ không trải qua khổ đau. Điều tệ hại, không ai có thể chia sẽ nổi đau với
người khác. Chẳng hạn, một người đàn ông có thể lo lắng người mẹ của mình đang
ngày càng già yếu. Thật ra, anh ấy không thể chịu nổi đau của tuổi tác thay mẹ
minh. Cũng vậy nếu một bé trai bị ốm, người mẹ không thể trải qua những cảm
giác khó chịu vì bệnh tật thay cho đứa con của mình. Cuối cùng, cả nguời mẹ và
người con trai không thể giúp đỡ lẫn nhau trong lúc cái chết cận kề.
Bên cạnh nỗi khổ về mặt thể chất, cũng có những nỗi khổ về tinh thần.
Con người cảm thấy cô đơn, buồn và chán nản khi người họ thương yêu xa cách hoặc
bị chết. Họ trở nên buồn bực, khó chịu khi đối mặt với những điều họ không
thích hoặc những điều họ không hài lòng. Con người cũng khổ đau khi họ không thỏa
mãn nhu cầu và ước muốn. Chẳng hạn những thiếu niên, cảm thấy nản chí và giận dữ
khi cha mẹ của họ không cho phép họ đi chơi quá khuya hoặc tiêu món tiền quá lớn
cho những áo quần thời trang đắt tiền. Ngay cả, người lớn cũng không hạnh phúc
nếu họ không đạt được sự giàu có, quyền lực hoặc danh tiếng theo tham vọng của
bản thân họ.
Ngoài ra, thảm họa thiên nhiên như là động đất, lũ lụt, hỏa hoạn có thể
gây ra nhiều khổ đau cho con người. Con người có thể đối mặt với những khó khăn
gây ra bởi chiến tranh và bất bình đẳng trong xã hội.
Những rắc rối có thể xảy ra trong lớp học. Khi bạn đang cố gắng học bài, nhưng lớp quá ồn ào hoặc bạn bè đang cố quấy rầy bạn, bạn sẽ cảm thấy không hài lòng và giận dữ. Đôi khi, rắc rối có thể do chính bản thân bạn gây ra. Khi bạn không qua được kì thi, nó sẽ làm cho bạn cảm thấy đau buồn và thất vọng.
Chân lý cao quý thứ hai : Nguyên nhân của khổ
Nguyên nhân của khổ đau là lòng tham và sự ích kỷ. Đức Phật đã nhận ra
nguyên nhân của khổ đau là tham lam và ích kỷ. Con người muốn tất cả mọi thứ và
muốn giữ nó bên mình mãi mãi. Tuy nhiên, lòng tham là không có giới hạn, nó giống
như cái thùng không có đáy, không thể làm đầy được. Nếu bạn càng ham muốn nhiều,
thì bạn càng gặp nhiều khổ đau trong cuộc sống. Bởi vậy, những ước muốn, nhu cầu
không có giới hạn của chúng ta là nguyên nhân gây ra khổ đau.
Nhiều trẻ em khi dùng sô cô la đã khăng khăng xin thêm. Khi họ không
xin được, họ cảm thấy buồn chán và thậm chí giận dữ. Cho dù chúng biết rằng ăn
quá nhiều sẽ làm đau bụng hoặc đau răng, nhưng chúng vẫn đòi ăn thêm.
Những điều chúng ta mong muốn phần lớn đều
có thể gây ra khổ đau cho chúng ta.
Chân lý cao quý thứ ba: Hạnh
phúc
Để có cuộc sống hạnh phúc, chấm dứt khổ đau, các ham muốn ích kỷ phải được loại bỏ. Nó như ngọn lửa được dập tắt khi mà chúng ta không cho thêm nhiên liệu vào. Những điều không hạnh phúc sẽ chấm dứt khi năng lượng dành cho sự ham muốn ích kỷ đã được loại bỏ. Khi ham muốn ích kỷ đã hoàn toàn bị loại bỏ thì không còn đau khổ nào nữa. Ý thức của chúng ta sẽ ở trạng thái hoàn toàn thanh thản. Chúng ta sẽ luôn luôn hạnh phúc. Đức Phật gọi trạng thái hạnh phúc cao nhất là Niết Bàn. Đây là trạng thái sung sướng và thanh thản. Nó là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời.
Chân lý cao quý thứ tư: Con đường
thoát khổ
Để đạt được hạnh phúc, con người phải đi theo con đường thoát khổ, đó
là thực hành con đường chính đạo 8 nhánh, hay còn gọi là Tám điều cao quý (Bát
chánh đạo) như sau:
1. Chánh kiến: Hiểu đúng có nghĩa là hiểu chính xác bản chất của sự vật
hoặc hiện tượng. Mặc khác, cho dù chúng ta có quan điểm của chúng ta về sự vật
hoặc hiện tượng, nhưng không phải lúc nào cũng luôn luôn đúng. Nếu chúng ta hiểu
mọi vật đúng bản chất, chúng ta sẽ sống hạnh phúc hơn và cuộc sống có ý nghĩa
hơn. Chẳng hạn, nếu người học sinh hiểu rằng bản thân họ sẽ có lợi ích từ việc
học thì người học sinh đó sẽ chăm chỉ và cố gắng làm bài tốt hơn. Khi họ học tốt,
cha mẹ và thầy giáo của họ sẽ hạnh phúc.
2. Chánh tư duy: Nghĩ đúng có nghĩa là suy nghĩ một cách đúng đắn. Những
người nuôi dưỡng ý thức tham lam hoặc giận dữ, dễ dàng đối mặt các rắc rối.
Nhưng nếu chúng ta nghĩ đúng, chúng ta sẽ nỗ lực làm việc đến cùng cho những việc
đúng đắn. Chẳng hạn, nếu học sinh luôn suy nghĩ đúng đắn, họ sẽ biết lười biếng
có thể làm cho họ thi rớt. Điều này có nghĩa sẽ tốn thêm một năm học khác để học
lại những nội dung đã học. Vì vậy họ quyết định làm việc chăm chỉ, hơn là có
thái độ gắt gỏng không bằng lòng với các bài tập ở trường.
3. Chánh ngữ: Nói đúng có nghĩa là tránh
nói dối, nói cường điệu, nói huyên thuyên, nói xấu sau lưng, nói ám chỉ, nói những
lời nặng nề. Nói lời nặng nề có thể làm tổn thương hơn bất kỳ vũ khí nào. Một câu
nói lịch sự có thể làm thay đổi trái tim của một người nhẫn tâm phạm tội. Điều
này cho thấy tác dụng trong cách chúng ta nói chuyện. Đức Phật nói, ― Nói lời
làm hài lòng như sự dịu ngọt của mật ong, nói lời chân thật nó đẹp như bông hoa
và nói lời thô bạo là một thứ rác ruởi. Bởi vậy, chúng ta sẽ nói lời chân thật,
có nghĩa và có thiện chí.
4. Chánh nghiệp: Hành động đúng có nghĩa là không làm tổn thương, hủy
hoại cuộc sống của bất kỳ sinh vật nào. Không ăn cắp hoặc không lạm dụng tình dục
làm tổn hại người khác.
5. Chánh mạng: Phương kế sinh nhai đúng, có nghĩa là không sống bằng
các công việc gây hại đến cuộc sống của kẻ khác. Đức Phật không khuyến khích
các Phật tử làm các công việc liên quan đến: hàng giả, vũ khí, động vật phục vụ
tiêu khiển, các thức uống độc hại, và ma túy, Đức Phật nói ― Không kiếm tiền bằng
cách làm tổn thương kẻ khác. Không tìm kiếm hạnh phúc bởi làm cho kẻ khác đau
khổ.
6. Chánh tinh tấn: Nỗ lực đúng có nghĩa là cố gắng làm chúng ta trở
thành người tốt hơn. Chẳng hạn, học tập chăm chỉ ở trường và từ bỏ những thói
quen xấu như là lười biếng, nóng nảy, hút thuốc lá và sử dụng ma túy.
7. Chánh niệm: Sự quan tâm & nhớ nghĩ đúng đắn, có nghĩa là chúng
ta luôn ý thức và ân cần chu đáo. Chúng ta sẽ luôn ý thức về điều chúng ta suy
nghĩ, điều chúng ta nói và điều chúng ta làm. Chúng ta phải tập trung vào mọi
thứ chúng ta đang làm để chúng ta có thể làm tốt. Chẳng hạn, nếu chúng ta tập
trung trong lớp học, chúng ta sẽ không bỏ sót những điều thầy giảng.
8. Chánh định: Suy nghĩ, thiền định một cách đúng đắn, có nghĩa là
chúng ta giữ cho tâm chúng ta vững chắc và bình thản với mục đích nhìn rõ về bản
chất của sự vật. Đây là thực tập tinh thần có thể giúp cho chúng ta trở nên hiểu
biết và là người hạnh phúc hơn nữa.
Làm theo Tám điều cao quý (Bát chánh đạo) có thể giúp chúng ta ngăn ngừa những rắc rối hoặc xử lý với bất kỳ những rắc rối nào, để có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nếu chúng ta làm theo nó, chúng ta luôn đi trên đường có ít đau khổ và dẫn đếnhạnh phúc.
Bài học: Học Phật cần phải hiểu rõ về bốn chân lý cao quý, đó là: Cuộc đời là khổ, Nguyên nhân của khổ là do thói quen xấu, Có thể chấm dứt khổ đau và đạt hạnh phúc, Con đường đưa đến hạnh phúc chính là con đường Bát chánh đạo.
(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 2 - Đức Kiên)