Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Sunday, May 16, 2021

Tu Bồ Đề

Tu Bồ Đề

Qua 45 năm thuyết pháp, tùy theo căn cơ trình độ của chúng sinh Đức Phật đã nói rất nhiều vấn đề. Từ những vấn đề đó sau khi Phật vào Niết Bàn, giáo đoàn chia thành nhiều bộ phái và có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng không ngoài hai phái chính yếu là Nam Tông và Bắc Tông. Nam tông theo hệ kinh Pali, Bắc Tông theo hệ kinh Sanskrit. Trung tâm và cơ bản của Bắc tông là Bát Nhã (Praijrà). Trung Quốc dịch là Tuệ, Trí tuệ, Không trí. Trí tuệ của Bát Nhã không phải là thế trí biện thông, mà là loại trí tuệ siêu thiện ác vô phân biệt.

Trong bản chất trí tuệ nầy thanh tịnh và vắng lặng, trong suốt như hư không, cho nên gọi là không trí có nghĩa là trí tuệ hiểu về tánh không của các pháp, vì các pháp hiện tượng vốn là duyên sinh cho nên tự thể nó là không, thảy đều giả hữu, hết thảy đều vô ngã, sâu xa. Tánh này không thật sâu xa huyền diệu, ngôn thuyết không diễn tả hết, tâm tư cũng khó hiểu thấu, vì không mà có, có mà không, nói theo lý Bát Nhã là chân không diệu hữu. Khi Phật nói kinh Bát Nhã trong số 1.250 vị đại A La Hán nói chung, 10 đại đệ tử nói riêng, người thấu hiểu không trí hơn hết là Tu Bồ Đề, bậc Giải Không Đệ Nhất.

Trong các sách sử, các đệ tử Phật đều có ghi chép lịch sử hoặc nhiều hoặc ít, riêng Tu Bồ Đề không có ghi chép về gia thế dòng họ. Tuy nhiên trong kinh đIển Bắc Tông có chép về truyền thuyết sự tích của Tu Bồ Đề qua một vài chi tiết. Tôn giả chào đời ngay trong lúc gia đình như thiếu may mắn, tất cả tài sản vơi cạn, kho lẫm trống trơn một cách ngẫu nhiên. Cả nhà đều lo sợ, nhiều người cho là điềm lạ kéo đến quan sát luận bàn và cuối cùng đều quyết đoán đó là một điềm lành, ngày sau đứa bé sẽ trở thành một nhân vật phi thường.

Dựa theo sự quyết đoán của số đông, bà mẹ đặt tên cho đứa bé là Tu Bồ Đề (Subhuti), có nghĩa là không sanh hay Thiện Cát (tốt lành), hay Thiện hiện (hiện điềm tốt). Quả thật về sau gia đình gặp nhiều điều may mắn, trở lại giàu có, tiền của tràn đầy kho lẫm. Tuy tuổi còn nhỏ Tu Bồ Đề không mấy thiết tha với tài lợi, cha mẹ cho bất cứ một vật gì Tu Bồ Đề đem bố thí hết cho người thiếu thốn. Với trí thông minh xét thấy muôn vật đều hư giả, trống không, tự thể cũng mất khả năng chủ động, bởi thế khi gặp Đức Phật Tu Bồ Đề liền xin xuất gia.

Vì sẵn có từ tâm hay thương người nghèo khó, từ hồi còn nhỏ ở với cha mẹ Tu Bồ Đề thường đem của cải ban bố cho người. Nhiều lần bị cha mẹ rầy la, Ngài vẫn không từ bỏ hạnh bố thí.

Bởi thế sau khi theo Phật mỗi sáng đi khất thực, Tôn giả không nỡ dừng buớc trước cửa những ngôi nhà lụp xụp xơ xác, có vẻ nghèo nàn, dù xa đến đâu Ngài cũng đến khất thực những gia đình giàu có. Với phong cách khất thực của Tôn giả, các đệ tử của Phật cho là khác thường và chẳng rõ vì sao? Bởi theo pháp hành hóa của Phật, Tỳ kheo phải tuần tự khất thực trước mỗi nhà dù nghèo hay là giàu đều phải dừng bước để cho người gieo giống phước điền. Đằng này mỗi sáng ra khỏi Tinh Xá Tôn giả tách đoàn đi riêng và tránh xa nhà nghèo, dù đôi lúc phải mang bát không về, chịu đói. Có người hỏi lý do, Ngài giải thích:

- Khất phú hay khất bần cũng đều vì lợi ích chúng sanh cả, nhưng khất người nghèo là tước đoạt phần ăn của họ, vả lại nếu không có vật thực để cúng dường người nghèo có thể sinh buồn tủi, thế là vô tình đã gieo ưu sầu cho người.

Trong chúng đệ tử Phật ngược với Tu Bồ Đề, có Ngài Ma Ha Ca Diếp lại chỉ khất thực nhà nghèo, tránh xa nhà giàu. Vì theo Ca Diếp người giàu đã có thừa phước báu khỏi cần đem phước báu lại cho họ, người nghèo mới cần đem gieo trồng phước báu, để mai sau khỏi bị nghèo túng. Bởi thế người xuất gia cần đem ruộng phước đến cho người gieo giống phước đức.

Thái độ của hai Ngài đã trở thành hai thái cực, nên đã bị Đức Phật quở trách. Theo Phật con người cần giữ tâm quân bình, không được phân biệt, thiên kiến. Người đứng lằn ranh này tất phải đối đầu với lằn ranh kia, cuộc đời vì có đối kháng mà tương tranh, mất bình đẳng gây nên nhiều thảm họa. Đức Phật đi xuất gia vì muốn san bằng cuộc sống bất công, từ đó giáo pháp của Phật hàm chứa tinh thần hòa đồng, không phân chia ranh giới, kể cả giàu và nghèo. Phép khất thực chân chính là không phân chia giàu nghèo, sang hèn, Tỳ kheo cần giữ oai nghi nghiêm túc, thứ lớp khất thực. Với đức tính trống rỗng sẵn có, Tu Bồ Đề dễ dàng thuận theo lời Phật dạy, khi đi khất thực không còn phân chia giàu nghèo, đem phước điền đến cho tất cả mọi người.

Trong hàng Thánh chúng, Tu Bồ Đề dùng trí quán chiếu soi thấy tánh không của các pháp, thể chứng lý không, từ đó Tôn giả thưòng nói lý không và các oai nghi tế hạnh đều biểu thị lý không. Tương truyền một hôm, tại động Kỳ Xà Quật trên núi Linh Thứu, trong lúc đang vá áo, Tôn giả dùng trí quán chiếu biết Đức Phật du hóa phương xa sắp trở về. Tôn giả ngưng việc vá áo định đi đón Phật nhưng liền nghĩ rằng: Phật là bậc vô ngã, pháp thân không tịch vắng lặng, ngã và ngã sở đều không, tuyệt dứt đối đãi. Phật đã từng nói không ngã, không nhơn, không chúng sanh, không thọ giả, các pháp rỗng lặng pháp tánh biến khắp không gian và thời gian. Pháp thân Phật ở đâu mà chẳng có, vì thế ta đi đón Phật có thể bị Phật quở trách là người hành tà đạo. Trong hội Bát Nhã Đức Phật đã nói: “Nếu lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, đó là người tà đạo, không thể thấy Như Lai”.

Sau khi suy nghĩ, Tôn giả ngồi vá áo một cách bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Lúc bấy giờ trên đường trở về Phật được Tăng đoàn và đông đảo quần chúng chuẩn bị đón tiếp vô cùng trang trọng. Trong số đó có Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc, vị chứng thần thông đệ nhất bên nữ, vận dụng thần thông để đón Phật trước nhất. Khi gặp Phật Liên Hoa Sắc đảnh lễ và bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Nhờ có phép thần thông con hay tin Thế Tôn về và đến đây chờ đảnh lễ Thế Tôn trước hơn ai hết”.

Trước nét hân hoan của Liên Hoa Sắc, Phật mỉm cười từ tốn nói rằng: “Liên Hoa Sắc! Người nghinh đón ta trước tiên chẳng phải là ngươi”.

Nhìn bốn phía chẳng thấy ai, tất cả đều còn ở sau xa, với vẻ hoài nghi bàng hoàng, Liên Hoa Sắc quỳ thưa: “Bạch Đức Thế Tôn! Con vận dụng sức thần thông khi đến đây chẳng thấy có ai cả. Thế ai là người đón Đức Thế Tôn trước con?”

Trong lúc Liên Hoa Sắc vừa chấm dứt câu hỏi, Ca Diếp và Tăng đoàn từ từ tiến đến. Đợi chúng Tăng quy tụ đông đảo, Phật mỉm cười nói với tất cả mà cũng để trả lời cho Liên Hoa Sắc, Phật nói: “Này các Tỳ kheo! Ta cám ơn tất cả, các ông đã không quản xa xôi để đến đây đón ta, nhưng người gặp ta trước tiên chính là Tu Bồ Đề. Hiện giờ tại núi Kỳ Xà Quật, Tu Bồ Đề đang chiếu quán tánh không của các pháp. Người thấy thể tánh rỗng lặng như như bất động, chính là người trực tiếp nghinh đón ta trước nhất”.

Chúng đệ tử kể cả Liên Hoa Sắc, nghe Phật nói mới thấu rõ tướng của các pháp là hư vọng như chiêm bao, ảo thuật, bóng nước, ảnh tượng, sương mai, điện chớp. Thể tính các pháp là pháp không tịnh, ly ngã, nhơn, chúng sinh, thọ giả, Tu Bồ Đề đã thấu rõ chân lý đó nên Tôn giả là người đón Đức Thế Tôn trước hơn ai hết. Tôn giả xứng đáng là vị Giải Không Đệ Nhất trong hàng Thánh chúng.

(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi-Đức Kiên (tập 2)-NXB. Hồng Đức)

Sunday, May 9, 2021

Lời mẹ

Lời mẹ


Con ơi! mẹ khổ nhiều rồi
Sao con không nhớ những lời mẹ răn
Anh em giết được nhau chăng
Người ngoài sao lại đối bằng lòng tin
Con ơi, họ sẽ giết mình
Anh em hờn giận, dứt tình được sao?
Con ơi, mẹ nhớ hôm nào
Các con chung sống bên nhau êm đềm
Bây giờ sao đã vội quên
Mới thương yêu đó, trở nên hận thù
Con ơi, con chớ quáng mù
Lầm tin lòng tốt kẻ thù nghe con
Tình thân hãy giữ vẹn tròn
Đó là hiếu đạo các con ghi lòng
Con ơi, trời đã sang đông
Đây vòng tay ấm, mẹ mong con về

Vân Hà (TTHA)

Saturday, May 1, 2021

Xá Lợi Phất

 


Xá Lợi Phất

Trong kinh tạng Pàli, Tôn giả Xá Lợi Phất chiếm địa vị quan trọng hàng đầu, chỉ đứng sau Phật. Nhiều kinh được mở đầu với câu cổ điển “Như vậy tôi nghe”, mà người thuyết kinh thay vì đấng giác ngộ, thì lại chính là bậc Thánh đệ tử uyên bác ấy giảng thay cho Ngài. Có khi đức Ðạo Sư thăng pháp tòa, chỉ trình bày một bài kệ ngắn gọn, rồi lui về am thất của Ngài. Trong những dịp như vậy, chúng ta thường gặp Tôn giả Xá Lợi Phất xuất hiện khai diễn ý nghĩa lời dạy súc tích của Phật và cuối cùng, chính Phật đã xác chứng cho lối giải thích của Tôn giả bằng một câu còn giá trị hơn tất cả những lời khen tặng : “Nếu các ông hỏi ta, ta cũng giải thích như Xá Lợi Phất!”.

Tôn giả Xá Lợi Phất (Sàriputra, dịch nghĩa là Thu Tử) là con trưởng trong một gia đình thuộc thế cấp Bà La Môn giàu nhất làng Upatissa, gần Nàlanda ngày nay. Upatissa cũng là tên được đặt cho Ngài khi sơ sinh. Mẹ Ngài tên Sarì. Trong bốn người con trai Ngài được mang tên của mẹ, trong khi một người em của Ngài lại có tên của cha là Vagantaputra. Tôn giả có ba em trai và ba em gái, về sau đều theo Ngài xuất gia đắc quả A La Hán.

Thông thường, những người quá thông minh xuất chúng phải trả giá thiên tài của họ bằng nỗi cô đơn. Nhưng Tôn giả Xá Lợi Phất lại là một ngoại lệ. Ngài có rất nhiều bạn, có thể nói Ngài là bạn của tất cả, kể từ Ðức Phật trở xuống.

Nhiều kinh điển Pali đã ghi lại những cuộc luận đàm kỳ thú giữa Tôn giả Xá Lợi Phất với những bực Thánh đệ tử khác. Chính đức Ðạo sư dường như cũng ưa nói chuyện với Tôn giả hơn với những người khác. Ngài thường gọi: “Này Xá Lợi Phất” mỗi khi thuyết pháp. Thật là một địa vị đáng thèm.

Một đức tính khác làm cho Tôn giả Xá Lợi Phất được tất cả đồ chúng của Phật yêu kính là Ngài biết tôn trọng ý kiến của mọi người. Ngài không bao giờ tự cho là trí tuệ đệ nhất để áp đảo kẻ khác bằng lý luận. Trong những cuộc luận đàm Tôn giả thường hỏi ý kiến từng người, để họ tự do phát biểu, và khi có sự bất đồng Ngài rủ mọi người cùng đi đến yết kiến Phật để xin đức Ðạo sư giải quyết, chứ không bao giờ tự cho ý kiến mình đúng, thiên hạ đều sai.

Một kinh của Trung bộ III kể, vào một đêm rằm, trăng sáng vằng vặc chiếu xuống khu vườn cây Sa La nơi Tôn giả đang trú ngụ. Ðêm khuya, trăng tỏ, hương hoa đang mùa rộ nở cùng với sương đêm tỏa ngát không gian. Cảnh thật xứng với người: một cuộc hội kiến giữa những bậc thượng thủ đến thăm Tôn giả Xá Lợi Phất. Tôn giả mở màn cho cuộc pháp thoại bằng một câu hỏi, cũng vừa là một lời chào:

- Ðêm thanh, trăng tỏ, vườn Sa La khả ái thơm nức một mùi hương như thiên giới, chư Hiền nghĩ sao, vị Tỳ kheo nào, theo ý chư Hiền, sẽ là người làm sáng chói khu vườn (tức một mẫu Tỳ kheo lý tưởng trong Phật giáo phải như thế nào?)

Tôn giả A Nan đáp:

- Theo tôi, một vị Tỳ kheo làm sáng chói khu vườn là vị nào đa văn đệ nhất.

Tôn giả Ca Diếp:

- Vị Tỳ kheo sáng chói khu vườn là vị trì khổ hạnh đầu đà đệ nhất.

Tôn giả Mục Kiền Liên:

- Tôi thì cho rằng vị Tỳ kheo làm sáng chói khu vườn, chính là vị nào thành tựu biện tài số một.

Tôn giả Ly Bà Ða:

- Ý kiến của tôi thì, vị Tỳ kheo làm sáng chói khu vườn phải là người thiền định bậc nhất.

Khi tất cả mọi người đều cho ý kiến, Tôn giả Mục Kiền Liên giục bạn:

- Hiền giả nghĩ sao? Ý kiến của người nào đúng? Và ý Hiền giả như thế nào về một vị Tỳ kheo làm sáng chói khu vườn?

Tôn giả Xá Lợi Phất đáp:

- Vị Tỳ kheo nào chế phục được tâm, không bị tâm chế phục. Vị Tỳ kheo nào, buổi sáng muốn trú tâm như thế nào, có thể an trú tâm như thế ấy vào buổi sáng. Buổi trưa vị ấy muốn an trú tâm nào vị ấy cũng có thể làm như ý muốn vào buổi trưa. Buổi chiều, buổi tối cũng vậy.

Như một vị vua hay đại thần có một tủ đầy áo đẹp, và khi vị ấy sáng muốn mặc áo nào, trưa muốn mặc áo nào, chiều muốn mặc áo nào đều có thể làm theo ý muốn của mình. Cũng thế, đối với một vị Tỳ kheo đã chế phục được tâm ý, không bị tâm chế phục, vị Tỳ kheo như thế sẽ làm sáng chói khu vườn Sa La khả ái này. Nhưng này chư Hiền, chúng ta hãy đi đến đảnh lễ đấng Ðạo sư để thỉnh giáo về vấn đề này nhé.

Khi Ðức Phật nghe thuật lại ý kiến của từng vị. Ngài dạy rằng mọi người đều trả lời đúng theo địa vị khả năng của mình. Tuy nhiên, Ngài thêm ý kiến của Ngài theo đó:

- Vị Tỳ kheo sáng chói khu vườn chính là vị nào sau khi đi khất thực về, sau khi chánh niệm thọ thực xong, rửa chân rồi trải tọa cụ ngồi thiền cho đến khi nào không còn lậu hoặc mống khởi.

Ðiểm lý thú trong câu chuyện này là ở chỗ khi mới nghe qua, chúng ta thấy dường như mỗi vị tự đề cao cá nhân vậy, song kỳ thật không thế. Mỗi người phát biểu cái lý tưởng mình muốn đạt, cho nên ngài A Nan, con người ưa đa văn, tôn trọng học vấn, đương nhiên phải cho đa văn là nhất. Ngài Ca Diếp cho hạnh đầu đà là lý tưởng của xuất gia, nên Ngài mới chuyên môn hạnh ấy. Mục Kiền Liên yêu thích biện tài, muốn phát triển mặt ấy, nên cho rằng thành tựu biện tài là nhất. Ly Bà Ða chú trọng thiền định cũng thế, vì cho thiền định là lý tưởng. Câu đúc kết của Phật rất ý vị ở chỗ, cái điều Ngài cho là lý tưởng chính là những việc làm rất thường, không có gì quái dị phức tạp, thế mà lại rất khó, chỉ có Phật mới thành tựu trọn vẹn được. Ðó là những việc thường ngày như ăn cơm, rửa chân, trải tọa cụ ra ngồi... Như vậy, ta thấy rõ Phật muốn ám chỉ đạo là rất giản dị, đó là cái tâm bình thường (bình thường tâm thị đạo), nhưng đồng thời quả thật cái việc “thường” ấy lại khó khăn gấp bội những việc “phi thường” của các bậc đa văn, biện tài, trí tuệ.

Tôn giả Xá Lợi Phất cũng là một người con rất hiếu thảo. Biết mẹ mình không tin Phật pháp, nên ông đã xin phép Phật về quê hóa độ mẹ, trước khi nhập Niết Bàn. Khi thấy con mình trở về, bà rất vui. Đêm đó, nhìn thấy các vị trời Phạm thiên mà bà thường tôn thờ, đến đảnh lễ tôn giả Xá Lợi Phất, bà mới biết đạo đức và trí tuệ của con mình còn cao vượt hơn cả những vị trời. Từ đó, bà phát sinh lòng tin tưởng vào Phật, và nghe theo những lời thuyết pháp của tôn giả Xá Lợi Phất để có thể đi trên con đường sáng hướng tới an lạc, hạnh phúc tối thượng. Hoàn tất việc hóa độ mẹ, tôn giả an nhiên nhập Niết Bàn ngay tại quê nhà của ngài.

(Nguồn: Những mẫu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 2 - Đức Kiên - NXB. Hồng Đức)

Sunday, April 25, 2021

Tệ hại nhất là tham lam

“Tham lam” đối với người khác chính là nguồn gốc của mọi thói xấu

Ngoài ra, ranh giới giữa thói xấu và đức tốt chỉ là một sợi tóc. Ví dụ như thói ngạo mạn và lòng dũng cảm. Thói lỗ mãng và tính cương trực. Thói ngoan cố và lòng thành thực. Tính nông nổi và sự nhanh nhạy. Tố chất gốc tự nó không phải là xấu.

Tuy vậy, duy có một thứ, vốn dĩ tố chất gốc đã là xấu, cho nên bất cứ ở đâu, dù ở mức độ nào và nhằm mục đích ra sao, thì nó vẫn cứ là thói xấu. Thứ đó chính là tham lam.

Tham lam thường ngấm ngầm nảy sinh trong lòng. Tham vọng khiến người ta lập mưu tính kế hãm hại người khác nhằm thỏa mãn sự ghen tức, hay xoa dịu nỗi bất hạnh của chính mình. Vì thế những kẻ ôm ấp lòng tham không hề đóng góp gì mà chỉ phá hoại hạnh phúc xã hội.

Ghen ghét, lường gạt, giả dối là những thói mà người ta thường gọi là lừa đảo bịp bợm. Đây là một thói đê tiện. Nhưng nó không phải là nguyên nhân đẻ ra sự tham lam. Ngược lại, phải thấy rằng chính tham lam đã sản sinh ra những thói đê tiện ấy mới đúng.

Tham lam là nguồn gốc của mọi thói xấu. Có thể nói: Không có thói xấu nào trong con người mà lại không xuất phát từ tham lam.

Thái độ cay cú ngờ vực, ghen tức, hèn nhát… cũng từ tham lam mà ra. Từ những hành vi thậm thụt, mật đàm, mưu mô cho đến việc lôi kéo bè cánh, ám sát, nổi loạn… tất cả đều phát sinh từ tham lam.

Trên phạm vi quốc gia, những tai họa do lòng tham gây ra khiến cho dân chúng đều trở thành nạn nhân. Khi đó thì mọi lợi ích công đều biến thành lợi ích riêng của một nhóm người.

Nghèo khổ không phải là nguyên nhân

Trên đây tôi đã đề cập tới tác hại của lòng tham trong quan hệ giao tiếp giữa con người với con người.

Vậy thì cái gì là nguyên nhân chủ yếu khiến cho con người ghen tức trước hạnh phúc của người khác, cầu cho người khác gặp bất hạnh?

Phải chăng đó là do cuộc sống quá khổ cực, quá bế tắc?

Không, không phải như vậy. Nếu cho rằng gốc rễ của lòng tham lam là nghèo khổ thì tất cả những người nghèo khổ trong xã hội đều bày tỏ sự bất bình, những người giàu có trong xã hội sẽ trở thành cái “đích” của sự căm tức và như thế thì mọi quan hệ, giao tiếp trong thế giới này một ngày cũng không giữ nổi.

Nhưng thực tế thì khác hẳn. Con người dù có nghèo khổ đến đâu đi nữa, khi đã hiểu được vì sao mình nghèo khổ, vì sao mình hèn kém và nguyên nhân là tại mình thì sẽ không bao giờ họ mang thói đố kỵ bừa bãi đối với người khác. Bằng chứng có lẽ cũng không cần phải trưng ra đây.

Hiện nay, trong xã hội tồn tại sự chênh lệch giàu nghèo, sang hèn… cứ nhìn vào quan hệ giao tiếp giữa người với người thì sẽ rõ. Vì thế tôi mới nói rằng, phú quý giàu sang không phải là đối tượng của sự căm tức. Và nghèo khổ hèn kém không phải là nguồn gốc của sự bất bình.

Thực trạng hậu cung, nơi thói tham lam hoành hành

Những cung tần, mỹ nữ trong hậu cung hầu hạ lãnh chúa trong thời đại phong kiến ở nước ta là ví dụ rõ ràng nhất về sự tham lam hoành hành, về sự cản trở giao tiếp.

Chốn hậu cung là nơi cư ngụ của các cung tần, mỹ nữ để hầu hạ các bậc lãnh chúa thất đức. Các cung tần, mỹ nữ có chăm chỉ chuyên cần cũng không được khen, có lười nhác cũng không bị phạt. Có can ngăn cũng bị quở trách, mà không can ngăn cũng bị quở trách. Tóm lại, đó là một thế giới khác hẳn với xã hội bình thường, là nơi mà các cung tần mỹ nữ dùng mọi thủ đoạn lấy lòng lãnh chúa, triệt hạ lẫn nhau, miễn sao thỏa mãn giấc mộng được lãnh chúa sủng ái.

Sống trong thế giới như thế, tính cách con người trở nên khác thường, vui buồn, cáu giận đều bị biến dạng. Thấy đồng cung được sủng ái là lập tức ghen ghét đố kỵ, rồi căm tức luôn cả lãnh chúa. Trung, tín, tiết nghĩa chỉ còn là mỹ từ. Lãnh chúa có ốm thập tử nhất sinh thì cũng chỉ vì đố kỵ và sợ bị đồng cung gièm pha mà bỏ mặc chẳng thèm chăm sóc. Tham lam, ghen tức trở nên cực đoan đã dẫn tới những vụ giết người bằng thuốc độc. Nếu có bảng thống kê các vụ đầu độc từ trước tới nay, thì sẽ thấy rõ các hành động tội ác trong hậu cung đã hoành hành dữ dội như thế nào so với các vụ đầu độc ngoài xã hội. Chúng ta cần phải thấy tham vọng khủng khiếp đến nhường nào.

Nhật Bản hiện nay vẫn chưa thoát khỏi tính chất “hậu cung”

Thói xấu xa tệ hại nhất trong xã hội là tham lam. Nguồn gốc của tham lam là ở chỗ trói buộc tự do. Vì thế, ngôn luận phải được tự do. Hoạt động của con người không thể bị cản trở.

Thử so sánh giữa xã hội Nhật Bản và xã hội các nước Âu Mỹ xem sao. Xã hội nào gần giống với tình trạng trong chốn hậu cung nói trên? Chẳng phải là xã hội Nhật Bản đó sao. Ở dân chúng Anh, Mỹ không phải là không có thói tham lam, xa xỉ, lỗ mãng… Họ cũng không thiếu những kẻ lừa đảo, bịp bợm. Và không phải là cái gì trong phong tục của họ cũng đều tốt đẹp cả.

Nhưng có một điểm không thể nói là giống hệt với tình trạng của xã hội Nhật Bản. Đó là tham vọng. Trong xã hội văn minh người ta không đến nỗi ghen ghét, căm tức trước hạnh phúc của người khác và ngấm ngầm mong cho người khác gặp bất hạnh như con người trong xã hội Nhật Bản.

Hiện nay, trong xã hội Nhật Bản, những người hiểu biết, các thức giả đang nói lên tiếng đòi tự do xuất bản, tự do ngôn luận, yêu cầu lập viện dân biểu. Vì sao và hoàn cảnh nào buộc những thức giả phải lên tiếng như vậy?

Xã hội không thể là chốn hậu cung như trước đây. Nhân dân không thể như những cung tần, mỹ nữ. Chỉ có đoạn tuyệt với tham lam, lòng đố kỵ, ghen ghét và được tự do mới có thể giành lại và dấy lên dũng khí ganh đua lẫn nhau. Hạnh phúc hay bất hạnh, danh dự hay nhơ nhuốc… phải làm sao để đó là kết quả đương nhiên từ nỗ lực của mọi cá nhân.

Cản trở tự do ngôn luận, trói buộc hoạt động của dân chúng đa phần đều liên quan đến chính sách của chính phủ. Và ai cũng đổ hết cho nền chính trị. Nhưng thực ra không hẳn là vậy. Chính trong nhân dân cũng thải ra nhiều thứ độc hại không kém. Nếu chỉ cải cách chính trị không thôi cũng không thể gột sạch những thứ độc hại đó ngay được. Tôi xin bổ sung thêm hai, ba điểm nữa.

Mặt đối mặt mới vỡ lẽ…

Thông thường, con người cảm thấy vui sướng trong quan hệ, trong giao tiếp với người khác. Vậy mà cũng có người lại cảm thấy ghét giao tiếp. Trong xã hội, có những người khác thường, họ cố tình chuyển về sống trong rừng núi, xa lánh cuộc sống. Và người ta gọi họ là những người “ẩn cư”. Hoặc có những người không đến mức cực đoan đến vậy, nhưng không thích giao tiếp với xã hội, ở lì trong nhà không bao giờ ló mặt ra ngoài và lấy làm đắc ý “lánh đời ô trọc”.

Tư thế của những loại người này không phải chỉ là do không bằng lòng với đường lối của chính phủ. Mà cái chính là họ không có dũng khí trong các mối quan hệ với sự việc vì ý chí yếu đuối. Họ không có lòng bao dung vì thiếu sự độ lượng. Họ không thể thu nhận được người. Và người ta cũng không thu nhận được họ. Cả hai phía từng bước từng bước tránh mặt nhau. Kết cục là cả hai phía đều mang ý nghĩ phân biệt, nhìn nhau bằng con mắt xa lạ. Và rồi chẳng biết tự lúc nào trở thành kẻ thù của nhau. Bên nào cũng mang những bất mãn đối với nhau. Không có gì bất hạnh hơn thế. Mặt khác họ cũng chẳng muốn biết, muốn hiểu đầy đủ về đối phương. Chỉ nghe thông tin một chiều mà không kiểm chứng, cũng không thèm xác nhận. Chỉ cần thấy đối phương suy nghĩ khác mình là không còn giữ được bình tĩnh… căm ghét đố kỵ xuất hiện ngay cả trong ý nghĩ.

Văn bản thư từ nhiều khi không giải quyết được vấn đề bản thảo mà còn gây hiểu sai, hiểu lầm. Nhưng khi gặp gỡ trực tiếp thì lại giải quyết được mọi thứ. Lúc đó con người mới vỡ lẽ “vậy mà cứ nghĩ xấu về nhau…”, hoặc “không gặp trực tiếp thì đúng là sẽ gây nên tai họa cho nhau…”.

Lo lắng, quan tâm lẫn nhau vốn là tình cảm bẩm sinh ở trong con người. Sự thật tình, thật lòng sẽ làm hai phía xích lại với nhau. Và chỉ khi đó thì sự đố kỵ, lòng ghen tức mới biến mất.

Từ xưa tới nay có vô số những vụ ám sát. Tôi vẫn thường nói thế này: “Nếu như cả hai phía ám sát và bị ám sát cùng ngồi lại với nhau, có cơ hội trao đổi thẳng thắn, không che giấu, không úp mở những suy nghĩ của cả hai bên, thì cho dù có là kẻ thù không đội trời chung của nhau, họ nhất định sẽ hòa giải và không những thế mà có khi lại trở thành bạn hữu.”

Mới hay là việc cản trở tự do ngôn luận, tự do hành động, hoàn toàn không phải chỉ là lỗi do chính phủ, mà còn là lỗi trong dân chúng. Ngay cả trong giới học giả cũng vậy.

Năng lượng làm cuộc đời sống động khó có thể sinh ra nếu không tiếp xúc, tiếp cận với sự vật. Phải làm sao trong các mối quan hệ, các cuộc giao tiếp mọi người đều tự do nói lên suy nghĩ của mình, tự do hành động. Và sự suy nghĩ ấy, hành động ấy là kết quả của việc tự lựa chọn bất kể con người đó thuộc đẳng cấp nào, quý tộc, giàu có hay hạ đẳng, nghèo hèn.

Không ai có thể cản trở tự do của con người.

Tháng 12 năm Minh Trị thứ bảy (tức năm 1874)

(Nguồn: Khuyến học - Fukuzawa Yukichi)

Monday, April 19, 2021

Chử Đồng Tử - Tiên Dung

Chử Đồng Tử - Tiên Dung 

Vua Hùng Vương thứ ba có một nàng công chúa rất xinh đẹp. Người ta nói thuở mới lọt lòng, nàng được các bà tiên tô điểm, nên về sau mới có nhan sắc như thế. Vì vậy, vua đặt tên là Tiên Dung. Vua Hùng là người hay nuông con. Đối với Tiên Dung vua lại càng yêu chiều, muốn gì được nấy.

Nhưng công chúa Tiên Dung chỉ có mỗi một sở thích là đi chơi mọi nơi trong nước. Vua phải sắm cho nàng một chiếc thuyền rất xinh, có đủ mọi người hầu hạ và mọi thức ăn cần dùng. Mỗi năm vào khoảng cuối mùa xuân, chiếc thuyền công chúa bắt đầu xuất phát. Cho đến lúc những con chim hậu điểu bay từng đàn ở phía Bắc sang thì công chúa mới trở về nơi cấm cung. Cũng có lúc công chúa quá vui quên cả về, làm cho vua lo lắng. Năm nàng mười tám tuổi, từng có một vài hoàng tử ở các nước láng giềng ngỏ ý muốn được kết duyên nhưng công chúa nhất thiết từ chối. Nàng nói với vua Hùng trong một bữa tiệc: “Cha à! Con sẽ không lấy chồng đâu!”.

Hồi đó ở Chử-xá có một người đánh cá tên là Chử Cù Vân và con trai là thằng bé Chử. Tuy nghèo, họ vẫn sống vui vẻ trong túp lều dựng trên bãi cát.

Không may một hôm trong khi cha con đi câu vắng, ở nhà lửa bèn cháy sạch chả còn tí gì. Hai cha con chỉ còn một bộ đồ nghề và mỗi một chiếc khố vải đang mặc. Chiếc khố độc nhất ấy dùng để làm vật che thân cho cả hai mỗi lần ra ngoài. Khi người này mang khố thì người kia phải chịu khó cởi truồng nằm co để đợi đến lượt mình.

Cha con nhà họ Chử hết nạn này đến tiếp nạn khác, Chử Cù Vân thiếu áo, không chịu được lạnh dần dần sinh bệnh. Bệnh của ông mỗi ngày một nặng. Trước còn gắng gượng đi câu được, nhưng sau nằm liệt nhà. Một hôm biết mình sắp chết, ông gọi con lại dặn dò mọi việc. Qua hơi thở phều phào, ông nói: "Có mỗi một chiếc khố... con giữ mà mặc cứ chôn trần là được rồi". Nhưng thằng bé Chử - sau này người ta gọi là Chử Đồng Tử - rất thương cha, không muốn người cha chết lạnh lẽo. Chàng nghĩ: "Rồi ta sẽ cố kiếm nhiều cá để đổi lấy cái khố khác!". Nghĩ thế, anh quyết định dùng chiếc khố độc nhất đó cuốn cha lại từ đầu đến chân rồi chờ đến nửa đêm, anh đưa đến cồn cao rồi vùi lại.

Từ đó không có cái gì để che thân, Chử Đồng Tử phải làm việc ban đêm. Cứ chiều hôm khi không còn trông rõ mặt người nữa, anh bắt đầu ra bãi câu cá. Cho đến mờ sáng, anh sẽ lội ngập nửa người, lần mò đến bến đổi cá cho thuyền buôn lấy gạo. Thế rồi, lại lội đến bến vắng người, lén về lều của mình nấu ăn và ngủ một giấc đến chiều mới dậy. Rồi lại ăn uống và chuẩn bị đi câu nữa. Đồng Tử đã sống cuộc đời lén lút như thế đã hơn hai năm. Có lúc anh câu được nhiều cá, lúc ít cá không chừng, cũng có lúc không câu được gì cả đành men theo thuyền cá xin ăn. Nhưng chẳng có lúc nào câu được một số cá đủ để đổi lấy một cái khố cả. Vì thế, anh cứ chịu trần truồng mãi. Một hôm, Đồng Tử mang cá đi đổi gạo thì chợt có tiếng huyên náo. Mọi người kháo nhau có thuyền của Công chúa sắp tới địa phương. Từ đàng xa, chiếc thuyền sơn hiện ra mỗi lúc một lớn, có quân gia cờ quạt, chiêng trống đàn sáo vang rộng cả một khúc sông. Thấy mọi người đổ ra đường, ra bến đi xem rất đông, Chử Đồng Tử bí lối không về được, anh đành rúc vào một bụi lau ở bãi, rồi bỗng nghĩ ra một kế giấu mình kín hơn là bới cát thành một huyệt rồi nằm xuống, tự vùi mình lại.

Giữa lúc đó thì Tiên Dung sai cắm sào rồi bỏ thuyền lên bộ. Tự nhiên công chúa có ý muốn tắm. Theo lệ thường, người ta quây màn lại một chỗ kín đáo trên đất rồi đun nước thơm vào để công chúa dùng.

Không ngờ chỗ mà bọn thị tỳ quây màn hôm nay lại chính là chỗ mà Đồng Tử vùi mình dưới đó. Anh nằm dưới đất chả biết gì hết, chỉ nghe có tiếng nện, tiếng chân người giẫm thình thịch và tiếng nước dội rào rào. Cho đến lúc anh toàn thân ướt đẫm cả nước. Rồi chỉ một lúc sau, dòng nước dội hẳn vào người anh. Biết là bại lộ. Đồng Tử ngượng ngùng ngồi nhổm dậy. Công chúa xiết bao kinh ngạc, khi thấy có một người lạ cũng trần truồng như nàng trong màn. Thoạt đầu, Tiên Dung tưởng là ma quái, toan la lên để bọn quân hầu vào cứu, nhưng thấy người con trai đó chẳng có chút gì là độc ác, nên nàng cố trấn tĩnh, ôn tồn bảo: “Ngươi là ai? Tại sao lại vùi mình ở đây? Nói mau!”

Nghe người trai lạ kể nông nỗi của mình, công chúa rơm rớm nước mắt. Nàng không ngờ trong đất đai của cha nàng trị vì lại có hạng người đói khổ đến nỗi không có lấy một mẩu vải che thân.

Cảm lòng chí hiếu của người con trai trước mặt, Tiên Dung nói một mình: "Những người thế này chưa chắc bọn con trai trong thiên hạ đã sánh kịp!". Bỗng chốc nàng đưa gáo cho Đồng Tử: “Thôi anh tắm rửa rồi đi nhé. Lạ thật! Chắc do trời!”

Bọn thị tỳ và lính tráng hôm đó rất lấy làm sửng sốt vì thấy từ trong màn bước về thuyền không phải chỉ một mình công chúa mà là hai người và người thứ hai lại không phải là nữ mà là một chàng trai khỏe đẹp. Nàng bèn sai lấy một bộ võ phục của một viên quan hầu cho Đồng Tử mặc. Bấy giờ, trước mặt mọi người, công chúa thẳng thắn kể cuộc gặp gỡ kỳ dị lúc nãy rồi nói: “Người này sẽ là chồng tôi!”.

Nghe thế, Chử Đồng Tử đỏ mặt: “Tôi không dám, không dám”.

Nhưng Tiên Dung bảo: “Tôi vốn không có ý định lấy chồng. Nay tình cờ gặp gỡ thế này chắc có Trời xui”.

Tất cả đều theo ý Tiên Dung. Duy có hai viên quan hầu và một số thị tỳ, lính tráng không cho là cuộc phối hợp tốt đẹp. Nhưng thấy công chúa táo bạo lại thường được vua chiều chuộng cho nên cuối cùng họ cũng không dám cản. Và rồi hôn lễ cử hành ngay trên sông, có một số bô lão địa phương tới dự.

Nhưng khi tin bắn về cung, vua Hùng không ngăn được cơn giận dữ. Vua bảo quần thần: “Thà nó không có chồng còn hơn. Thực là đốn mạt! Tại sao nó không chịu hỏi ta. Thôi từ nay nhất thiết cấm cửa. Hễ nó vác mặt về Phong-châu thì cho phép Lạc tướng chém chết trước, tâu sau”.

Thuyền của Tiên Dung vừa nhổ neo ra về thì một người em gái của nàng đã lén sai một người đầy tớ trung thành, hỏa tốc báo tin không hay đó cho nàng biết. Nàng nhận tin với một vẻ lo ngại. Nàng đã biết tính vua cha khi thương thì thương rất mực mà khi giận cũng có thể đang tay được. Hai vợ chồng cùng nhau bàn bạc. Cuối cùng, nàng hội họp tất cả những người dưới quyền mình lại rồi nói rõ ý định: “Vua cha nay không thương ta nữa. Vậy vợ chồng ta quyết định không về. Cho các ngươi được về với cha ta và về với bà con làng nước”.

Hai vợ chồng từ đó sống một cuộc đời mới. Họ giao thiệp với các thuyền buôn nước ngoài vẫn thường ghé vào để bán hàng và cất hàng. Công cuộc buôn bán của họ mỗi ngày một khá. Chỗ bến sông ấy dần dần trở thành một cái chợ quyến rũ được nhiều người.

Một hôm, Đồng Tử mang vàng theo một khách buôn lớn định ra nước ngoài mua hàng tận gốc để kiếm một số lãi to.

Họ dong buồm đi về phương Nam. Chỉ trong năm ngày đến một ngọn núi giữa biển, gọi là núi Quỳnh-viên, thuyền dừng lại lấy nước ngọt.

Đồng Tử bước lên đất rồi vui chân, anh trèo mãi lên tận đỉnh đảo. Đang say sưa ngắm cảnh, bỗng nhiên Đồng Tử thấy một cái am nhỏ. Trước am có một đạo sĩ ngồi định thần trên một phiến đá. Anh bước tới toan cất tiếng thì người kia đã hỏi trước: “Thằng bé Chử! Sao lại muộn thế?”

Biết là bậc thần dị, anh phủ phục xuống cạnh người người lạ, xin làm đồ đệ. Khi bọn lái buôn đến am tìm Đồng Tử thì anh trao tất cả vàng cho họ và nói: “Các bác cứ cầm lấy mà buôn bán. Tôi sẽ ở đây cho đến khi thành đạo”.

Đồng Tử hiểu đạo rất chóng. Sư phụ còn dạy cho anh nhiều phép mầu nhiệm. Cho đến khi chiếc thuyền buôn trở lại đón, thì anh được sư phụ trao cho một chiếc gậy và một cái nón và bảo: “Thế là con có thể hạ sơn được. Ta giao cho con những vật này. Tất cả sự linh diệu đều ở đó cả”.

Bước xuống thuyền, Đồng Tử không ngờ số vốn của mình hồi trước giờ đây người ta đã làm nảy nở gấp mười. Nhưng nhìn những thoi vàng sáng chóe, anh không thấy thích thú như xưa. Những câu chào hỏi, những lời bàn bạc tính toán nhao nhao của các bạn buôn bấy giờ đối với anh đều nhạt nhẽo.

Về đến nhà, Đồng Tử truyền đạo lại cho vợ. Cũng như chồng, Tiên Dung học đạo rất chóng. Thế rồi một hôm, hai vợ chồng đem tất cả gia sản của mình phân phát cho những người nghèo khổ trong vùng. Mọi người đều lấy làm lạ khi thấy hai vợ chồng công chúa bỏ sự làm ăn đang thịnh để ra đi, không biết là đi đâu.

Hai vợ chồng ngày đi đêm nghỉ cốt tìm thầy học đạo thêm nữa. Một hôm, trời đã tối, họ đi mãi, rất mệt nhưng vẫn chưa gặp một cái quán nào. Chỗ này không nghe qua một tiếng gà gáy chó sủa. Cuối cùng họ nghỉ lại trên bãi cỏ. Đồng Tử cắm gậy của mình xuống đất rồi úp nón lên che sương. Canh ba đêm hôm đấy, bỗng có tiếng chuyển động dữ dội. Thế là phút chốc họ không phải nằm trên bãi cỏ nữa mà nằm trên một chiếc giường ngọc trong một tòa lầu chăn gối êm dịu như nhung. Quần áo của họ mặc là thứ quần áo mầu, lấp lánh như vảy bạc.

Khi ra dãy hành lang có bao lơn trắng như tuyết, hai vợ chồng mới biết không chỉ có một nhà mà có rất nhiều nhà, nhiều lầu. Ngoài xa lại có một bức thành dày ôm lấy khu vực này. Đến đâu cũng có người hầu hạ và quân lính canh gác. Họ ăn bận nhiều mầu nhiều kiểu rất đẹp. Tiên Dung hỏi hai thị nữ: “Đây là chốn nào?”. Họ đáp: “Đây là giang sơn riêng của công chúa như lời ước muốn của người”. Khi hai vợ chồng bước tới chính đường thì một viên quan từ trong tiến ra, giơ cao một mớ sổ sách, quỳ chào họ: “Xin dâng lên công chúa tất cả mọi vật ở đây!”

Hai vợ chồng cùng giở ra xem thì thấy trong đó kê tất cả bao nhiêu lâu đài nhà cửa, bao nhiêu vật dụng linh tinh, bao nhiêu khí giới, v.v... Trong mười gian nhà kho chứa trữ bao nhiêu châu ngọc, vàng bạc, lương thực. Ngoài ra còn kê tên tuổi bao nhiêu viên quan văn võ, bao nhiêu lính tráng, bao nhiêu nô tỳ, v.v... Chồng bảo vợ: “Thế là từ nay chúng ta làm chủ giang sơn này đây!”.

Từ đó, hai vợ chồng lưu lại vui hưởng một cuộc sống khác trước. Nhân dân quanh vùng nghe đồn hai vợ chồng công chúa có phép tiên xây dựng lâu đài thành quách trong một đêm, nên ai nấy rủ nhau đến xin che chở. Họ lũ lượt mang hoa quả, nếp gạo, gà lợn để làm lễ chào mừng những người chủ mới.

Tiếng đồn thổi mỗi ngày một rộng và sau cùng tới tai Hùng Vương. Mấy tên quân lính do thám về báo cho vua biết nào quân lính đông hàng mấy vạn, nào giáp sắt trống đồng tề chỉnh, nào nhân dân quy phục mỗi ngày một đông, v.v... Chúng quả quyết rằng hai vợ chồng công chúa không có gì hơn là muốn rạch đôi sơn hà với thiên tử.

Hùng Vương từ lâu đã quên Tiên Dung, nay nghe tin báo, tự nhiên lòng giận lại bốc lên bừng bừng. Những lúc như thế mọi người rất lo sợ, người ta thấy các Lạc tướng chuẩn bị ráo riết dường như sắp có một cuộc chiến tranh xảy tới. Trong suốt mười lăm ngày các tay nỏ được lệnh ra sức tập luyện. Trống đồng được dùng báo hiệu liên miên không nghỉ. Trước khi đoàn quân xuất phát, vua Hùng bước ra cửa điện nói với họ: “Nó từ lâu là giặc, hoàn toàn không phải là con ta. Các người cố gắng lấy đầu của chúng về đây sẽ có trọng thưởng ».

Nghe tin cáo cấp, tất cả các tướng sĩ bộ hạ của Tiên Dung hội nhau định kế chống lại. Một viên tướng đến trình bày với hai vợ chồng: « Nếu công chúa muốn, chúng tôi có thể tiêu diệt quân địch trong khoảnh khắc ». Tiên Dung lắc đầu bảo họ: « Không được. Ta đâu dám cự lệnh vua cha? »

Chiều hôm ấy, quân đội của Lạc tướng đã hạ trại ở bên kia bờ sông. Bóng cờ đã thấp thoáng trong lùm cây. Bên này sông trong giang sơn của công chúa vẫn chưa có lệnh chuẩn bị. Quân canh trên mặt thành luôn luôn đưa tin mới cho hai vợ chồng. Nhưng họ vẫn thản nhiên tươi cười. Cũng như lệ thường, đêm hôm nay họ vẫn ngủ trên chiếc giường ngọc. Khoảng canh ba, bỗng có tên quân vào báo tin rằng cầu phao bên địch đã bắc xong và hiện nay họ đang nấu ăn. Hai vợ chồng ngồi dậy cùng hướng mặt trời lên. Thế là một trận bão vụt lên, mỗi lúc một dữ dội. Đồng thời đất chuyển động ầm ầm. Gió xoáy một cách kinh khủng đến nỗi có thể bốc tất cả mọi cái trên mặt đất ném đi một nơi khác.

Sáng hôm sau, nhân dân quanh vùng cũng như quân đội vua Hùng đều thấy một sự lạ chưa từng có. Bão đã tạnh từ lâu nhưng thành quách của công chúa, kể cả cung điện, nhà cửa, quân gia, súc vật, đồ dùng đều bay đâu mất cả không còn sót một tí gì. Giữa đó một cái đầm rộng mênh mang, đầy nước trắng xóa. Duy chỉ có cái nền cung của hai vợ chồng công chúa thì vẫn còn. Người ta gọi cái đầm ấy là đầm Một-đêm (Nhất-dạ) và cái nền ấy là bãi Tự-nhiên. Về sau trên cái nền ấy, người ta có lập miếu thờ hai vợ chồng Chử Đồng Tử.

Bài học : Chử Đồng Tử nhường chiếc khố duy nhất cho cha là thể hiện trọn đạo hiếu của người con. Vợ chồng Chử Đồng Tử-Tiên Dung là biểu tượng của một mối duyên đẹp, họ biết yêu thương, hỗ trợ nhau trong cuộc sống và trong việc tu học. Đầm Nhất-dạ chính là biểu tượng của lẽ biến hóa, vô thường. Đó là lời nhắn nhủ với vua cha về lẽ sinh diệt của đời người, và thể hiện lòng hiếu thảo của 2 vợ chồng khi không muốn chống lại quân đội của cha.

(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 2 - Đức Kiên)

Saturday, April 10, 2021

Diễn thuyết và tranh luận nhằm nâng cao kiến thức

Diễn thuyết và tranh luận nhằm nâng cao kiến thức

Như các bạn đều biết, học vấn không phải là việc chỉ có đọc và cứ đọc thật nhiều sách là đủ. Bản chất của học vấn phụ thuộc vào khả năng ứng dụng. Có học vấn mà không ứng dụng được vào cuộc sống thực tế thì chẳng khác gì vô học.

Ngày trước, có chàng thư sinh lặn lội lên tận Edo cả mấy năm trời, quyết chí theo học thuyết Chu Tử. Anh ta nỗ lực, miệt mài ngày đêm sao chép kinh sách. Số lượng sách vở sao chép lên tới hàng trăm cuốn. Tự nhủ học thế là thành tài rồi, chàng thư sinh bèn trở về quê. Anh ta về theo đường bộ. Sách vở gởi hết xuống tàu thủy. Chẳng may, con tàu chở hàng gặp nạn chìm ngoài khơi tỉnh Shizouka.

Vì chỉ có sao chép chữ vào vở nên bản thân anh ta thì về tới quê, còn chữ thì theo tàu chìm xuống sông xuống biển. Thế là bao nhiêu chữ thầy trả lại thầy. Công lao học hành thành công cốc.

Chẳng phải là ở các nhà Tây học ngày nay cũng có nhược điểm như anh học trò khi xưa đó sao?

Nếu nhìn vào thực trạng giờ học ở các trường thành phố thì thấy học sinh có vẻ siêng năng học tập lắm, cứ đà này xem ra tất cả sẽ trở thành học giả. Nhưng nếu thu hết sách giáo khoa, vở chép của chúng, và “trò ở đâu trả về quê đấy” thì sự thể sẽ ra sao? Chắc là khi cha mẹ, bè bạn hỏi đến thì học sinh chỉ còn nước: “Học vấn để quên tại Tokyo mất rồi”.

Theo như suy nghĩ của tôi, bản chất thực sự của học vấn là phải động não suy nghĩ, chứ không phải chỉ là đọc sách một cách đơn thuần.

Và để ứng dụng sống động ý nghĩ đó vào cuộc sống thực tế thì cần phải biết trù tính, lo liệu. Tức là phải quan sát sự vật. Phải suy đoán đạo lý của sự vật. Phải đưa ra chính kiến, cách nghĩ cách làm của bản thân mình. Ngoài ra đương nhiên là còn phải đọc sách, phải viết sách. Phải nói lên ý kiến của mình cho người khác nghe. Phải tranh luận. Biết vận dụng tổng hợp các biện pháp như vậy thì mới được gọi là nghiên cứu học vấn.

Quan sát sự vật, suy luận, đọc sách là cách để tích lũy tri thức.

Bàn bạc, tranh luận là cách để trao đổi tri thức.

Viết, diễn thuyết là cách để mở rộng tri thức.

Trong các biện pháp trên đây, có cái đạt được bằng sự nỗ lực của chính bản thân mình. Có cái cần có người bàn, người nghe. Đó là khi tranh luận, diễn thuyết. Và như vậy cần thiết phải tổ chức các buổi tranh luận và diễn thuyết.

Hiện nay, vấn đề lo ngại lớn nhất ở nước ta là dân trí quá thấp kém. Khai sáng quốc dân, đưa họ đến tầm cao kiến thức vốn được xem là nhiệm vụ cơ bản của các học giả. Vì vậy các học giả, khi đã nắm bắt được cách thức nghiên cứu, thì phải nỗ lực làm tròn vai trò này.

Tranh luận, diễn thuyết cần thiết ra sao và có tầm quan trọng thế nào, các bạn đều đã rõ. Nhưng tại sao đến giờ này nó vẫn chưa được thực hiện ở nước ta? Tôi buộc phải nói rằng đó là do các học giả quá lười biếng.

Hành vi, hoạt động của con người thường hướng theo hai phía: trong và ngoài. Cần phải nỗ lực cả hai.

Đa số các học giả hiện nay thường chỉ hoạt động hạn hẹp trong phạm vi cá nhân. Họ e ngại, chây lười không muốn mở rộng ra thế giới bên ngoài. Hãy mau tỉnh ngộ. Chỉ khi nào có kiến thức sâu như vực thẳm, tiếp xúc trao đổi với người khác như chim tung cánh rộng mở tự do tự tại trong không trung, mới đúng là học giả thực thụ.

(Nguồn: Khuyến Học - Fukuzawa Yukichi)

Monday, April 5, 2021

Saturday, April 3, 2021

Thi Kệ Tiền Bạc



Thi Kệ Tiền Bạc

Phần lớn bị bạc tiền mờ trí
Mấy ai người chủ trị được tâm
Nghèo thì bị bạc làm câm
Giàu thì bị của giam cầm chung thân,
Xưa nay chốn hồng trần như thế
Hơn thua nhau thị ở đồng tiền,
Giòng đời xuôi ngược đảo điên,
Đều do các thứ bạc tiền mà ra,
Thứ tiền bạc người ta tạo nó,
Rồi người ta lại khổ vì tiền,
Không tiền, nói phải cũng điên,
Có tiền, nói quấy cũng thiên nguời ừ.
Trâu bò thì bị người xỏ mũi
Người bị tiền bạc cỡi trên lưng,
Trâu bò chỉ khổ xác thân,
Người thì xác thịt tinh thần khổ luôn.
Khổ đến chết không buông được nó,
Mà người đời lấy đó làm vinh,
Tiền xem trọng, nghĩa xem khinh,
Ngày nay thế giới chỉ tin đồng tiền,
Tiền và bạc không yên được chỗ,
Nay tay này mai ở tay kia,
Người thường vì nó rẽ chia,
Gây ra đổ máu đầm đìa khắp nơi,
Chủ được nó, là đời hạnh phúc,
Nó chủ mình, là mất tự do,
Làm ra để giúp để cho,
Chớ gom góp để bo bo giữ đời,
Đem giúp đỡ cho người chẳng mất,
Cứ bo bo giữ cất, không còn,
Vật mòn biết dụng, không mòn,
Tiền đừng nên bạc, nên tròn nghĩa ân,
Ham tiền bị hư thân lắm kẻ,
Mến bạc, nhiều người nhẹ giá danh,
Gái thì bán mất tiết trinh,
Trai thì trộm cướp hoặc sanh gian hùng,
Thân cho mấy khi lòng mến bạc,
Tình thân kia cũng nát như tương,
Tự mình bóp chết tình thương,
Vẫn chưa sáng mắt bởi vương bạc tiền,
Tiền dùng đúng, tiền hiền như Phật,
Bạc xài lầm, bạc ác hơn ma,
Phật ma cũng tại người ta,
Chứ tiền bạc nó vốn là vô tri,
Nhiều tiền kiếp Mâu Ni giàu có,
Bạc tiền đâu làm khổ được ông,
Nhưng vì nhờ có tiền đồng,
Giúp ông bố thí khắp trong dân làng,
Đó là một trong ngàn công đức,
Phật Thích Ca chất chứa từ xưa,
Dùng tiền như hạn cho mưa,
Biển non đo cũng chẳng vừa đại ân,
Phật xưa cũng xác phàm cõi tạm,
Người cũng tình cũng cảm như ai,
Thế mà người chứng Như lai,
Nhờ lòng bố thí nhờ hay nhân từ.
Phật làm thế nay người làm thế,
Tất nhiên là ngồi kế Phật ngài,
Nhớ câu trọng nghĩa khinh tài,
Tiền tài chớ để nó sai khiến mình,
Ai có của bỉ khinh cũng mặc,
Đừng vì tiền gay gắt với ai,
Có ra thì đỡ xây xài,
Không thì nhịn chiụ chớ cay đắng lòng,
Nghèo thì nhớ lòng trong dạ sạch,
Giàu thì nên bố đức thi ân,
Có dư chớ hưởng riêng thân,
Nên cho kẻ khác lây phần ấm no.
Được như vậy, được kho công đức,
Sống đời đâu khổ cực vì đời,
Trong tâm thường được thảnh thơi,
Tuy trong cõi tục mà đời thần tiên,
Tiên với tục dính liền mặt trái,
Để vậy phàm, lộn lại là tiên,
Cũng thời sử dụng đồng tiền,
Kẻ lo quần chúng, kẻ riêng lo mình.
Lo quần chúng là tình Tiên Phật,
Lo riêng mình là chất phàm nhân,
Tình Tiên Phật, hết trầm luân,
Chất phàm nhân, tất còn thân luân hồi,
Phật phàm có thế thôi đâu khó,
Làm hay không việc đó tại người,
Người đâu, bóng đó không rời,
Ngoái đầu, ngó lại mặt trời thấy ngay.
Ngài Thanh Sĩ

Monday, March 29, 2021

TẠI SAO LŨ CHÍ SĨ RỞM LẠI CỨ HOÀNH HÀNH MĂI VẬY?


TẠI SAO LŨ CHÍ SĨ RỞM 
LẠI CỨ HOÀNH HÀNH MĂI VẬY?

Trào lưu quyền lợi phụ thuộc vào đẳng cấp địa vị, hành xử công việc theo lợi ích riêng, đang lan rộng. Nó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mưu mô, dối trá, lừa đảo đầy rẫy trong xã hội hiện nay. Tôi gọi những kẻ hùa theo trào lưu này là "chí sĩ rởm".

Ví dụ, các thuộc hạ của các lãnh chúa dưới thời phong kiến là một minh chứng tốt.

Bọn này, kẻ nào người nấy đều tỏ ra trung thành. Ngoài mặt luôn tỏ vẻ biết thân biết phận, lúc nào cũng khúm núm, cúi rạp mình. Trong ngày giỗ chạp, lễ tết, thanh minh, không bao giờ thiếu mặt. Hễ mở miệng là đều có cùng giọng điệu "trung thần báo quốc", hoặc là "thân này sẵn sàng chết vì chủ". Người thường dễ bị lừa phỉnh bằng vẻ bề ngoài của chúng. Kỳ thực, bọn chúng đều là một lũ chí sĩ rởm cả.

Được cất nhắc vào chức vụ cao một chút, ngoài lương bổng, phụ cấp quy định ra, không hiểu sao tiền cứ vào như nước. Hóa ra, kẻ trông coi việc xây cất thì luôn thúc giục chủ thầu cống lễ. Kẻ trông coi ngân khố thì đợi thị dân phải biếu xén quà cáp mới cho vay tiền. Những chuyện như vậy diễn ra như cơm bữa đến độ trở thành lệ. Ngay cả những Võ sĩ vốn được mệnh danh là trung nghĩa luôn trong tư thế chết thay cho chủ thì cũng tìm cách nâng giá trang phục để kiếm chênh lệch. Tất cả cái lũ này phải được gọi là "chí sĩ rởm chính hiệu" mới phải.

Họa hoằn lắm mới có một ông quan chính trực. Không một lời đồn nào về ông ta nhận hối lộ cả. Và thế là người đời ra sức khen ngợi. Nhưng ông ấy cũng chỉ là người không ăn cắp tiền của công quỹ mà thôi. Chẳng lẽ cứ phải khen người ta vì ở họ không có lòng dạ tham lam hay sao? Chẳng qua, vì có quá nhiều các chí sĩ rởm, nên ông ấy mới nổi đình nổi đám như vậy.

Vì sao lũ chí sĩ rởm lại nhiều đến thế? Nếu tra kỹ ngọn nguồn, thì đó là kết quả của ảo tưởng mù quáng luôn coi dân chúng là ngu muội, hiền lành và dễ trị.

Kết cục là tác hại đó đưa tới cách đối xử độc đoán, đẻ ra sự áp chế đối với người dưới. Có thể nói không có gì vô trách nhiệm hơn là cách hành xử dựa vào đẳng cấp, địa vị, tự cho mình là cha là mẹ của dân.

(Nguồn: Khuyến học - Fukuzawa Yukichi)

Wednesday, March 24, 2021

Phú Lâu Na - tấm gương hoằng pháp

Phú Lâu Na - tấm gương hoằng pháp

Mùa Ðông đã tàn, khí trời dần dần ấm áp. Dưới ánh sáng bình minh, muôn cánh hoa đang vươn mình phô sắc. Trên cành, chim chóc đã rời tổ cất tiếng hát trong trẻo, như để chào mừng ánh sáng đã trở về, hay để tiễn chân người tu sĩ sắp lên đường quên mình vì Ðạo.

Trong thành Ba La Nại ngôi Tịnh xá Trúc Lâm kiến trúc trên một cánh đồi rộng rãi, cây cối um tùm tĩnh mịch dần dần hiện rõ trong đám sương mù.

Lúc bấy giờ, Ðức Thế Tôn đang an tọa trong Tịnh xá Trúc Lâm, dùng đạo nhãn thấy dân chúng ở nước Rô Na Ba Răn Ta đang chịu nhiều điều thống khổ dưới quyền thống trị của nhà cầm quyền Kê Hoa Ðà người Bà La Môn giáo. Người ấy đã dùng thế lực sẵn có trong tay, ép buộc dân chúng phải tôn thờ Phạm Thiên và ngược đãi, bắt bớ những người chống đối lại.

Trước hành động bạo ác và bất công ấy, Ðức Thế Tôn thương hại cho Kê Hoa Ðà là một nhà trí thức mà hiện tại không có người hướng dẫn sáng suốt tương lai không tránh khỏi ác báo trong ba đường. Bấy giờ Ðức Thế Tôn thấy trong hàng đệ tử, chỉ có Tôn giả Phú Lâu Na là người có thiện duyên với dân chúng xứ ấy nên sai đến đó để giáo hóa.

Ðức Thế Tôn biết rằng: Trên con đường truyền bá Chánh Pháp dắt người trở về con đường tươi sáng của ánh đạo Từ bi, tôn giả Phú Lâu Na sẽ gặp nhiều trở ngại thử thách của đối thủ.

Biết vậy, nên Ðức Thế Tôn gọi Tôn giả Phú Lâu Na đến dạy rằng: “Dân xứ ấy và Kê Hoa Ðà độc ác lắm, ta sợ ngươi không đủ can đảm để chịu đựng”.

Tôn giả Phú Lâu Na đáp: “Bạch Thế Tôn, con nguyện đem hết năng lực để làm tròn sứ mạng”.

- Nếu đến đó bị chửi mắng, thì ngươi nghĩ sao?

- Con nghĩ, những lời chửi mắng kia cũng như những tặng phẩm nếu họ đem đến tặng cho con, con không nhận, họ sẽ mang về. Và con nghĩ rằng, những người ấy còn hiền từ lắm, vì họ chỉ chửi mắng mà không nhận nước con.

- Nếu họ đem nhận nước ngươi thì sao?

- Con nghĩ rằng, họ là những người tối dạ, vì chỉ nhận nước mà không lấy đá ném vào đầu con.

- Nếu họ dùng đá ném vào đầu ngươi?

- Con nghĩ rằng, họ rất tốt vì chỉ lấy đá ném vào đầu mà không dùng gậy đập con.

- Nếu họ dùng gậy đập ngươi?

- Con nghĩ rằng, họ rất hiền từ vì chỉ dùng gậy đập mà không giam cầm, ngăn cản bước đường truyền đạo của  con.

- Nếu họ giam cầm ngươi?

- Con nghĩ rằng, những người ấy rất tử tế, vì họ giúp con có thời gian tịnh dưỡng để nung luyện thêm ý chí, mà không dùng gươm đâm chém con.

- Nếu họ lấy gươm đâm chém ngươi?

- Con nghĩ rằng, họ rất tốt bụng, vì chỉ đâm chém mà không giết chết con.

- Nếu họ giết chết ngươi?

- Bạch Thế Tôn, con rất vui mừng, vì những người kia đã dùng tâm từ bi giúp cho con sớm thoát khỏi tấm thân giả tạm đau khổ này, để chóng thành quả vị Vô Thượng Giác.

Ðức Thế Tôn dạy: “Hay thay! Hay thay! Phú Lâu Na ngươi đã có một ý chí mạnh mẽ. Ngươi đã biết khinh thường thân mạng để phụng sự chân lý. Ngươi thật là một người đệ tử trung kiên của ta, đáng thay ta đến xứ ấy truyền bá Chánh pháp hướng mọi người trở về con đường sáng đầy an lạc và giải thoát”.

Tôn giả Phú Lâu Na đảnh lễ, vâng lời Phật dạy rồi từ giã lên đường sang xứ Rô Na Ba Răn Ta. Trong mười đại đệ tử của Phật, ông được tôn là người thuyết pháp hay đệ nhất.

(Nguồn: Những mẫu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 2 - Đức Kiên - NXB. Hồng Đức)