Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Thursday, July 22, 2010

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ (4)

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ

Hội 6

Thật thế!
Hãy xá vô tâm;
Tự nhiên hợp đạo.
Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm;
Đạt một lòng thì thông tổ giáo.
Nhận văn giải nghĩa, lạc lài nên thiền khách bơ vơ;
Chứng lý tri cơ, cứng cát phải nạp tăng khôn khéo.
Han hữu lậu, han vô lậu, bảo cho hay : the lọt, duộc thưng;
Hỏi đại thừa, hỏi tiểu thừa, thưa thẳng tắt : lòi tiền, tơ gáo.
Nhận biết làu làu lòng vốn, chẳng ngại bề thời tiết nhân duyên;
Chùi cho vặc vặc tánh gương, nào có nhuốm căn trần huyên náo.
Vàng chưa hết quặng, xá tua chín phen đúc, chín phen rèn;
Lộc chẳng còn tham, miễn được một thì chay, một thì cháo.
Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm;
Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới Trượng phu trung hiếu.
Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân;
Học đạo thờ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo.

Hội 7

Vậy mới hay;
Phép Bụt trọng thay;
Rèn mới cốc hay.
Vô minh hết, bồ đề thêm sáng;
Phiền não rồi, đạo đức càng say.
Xem phỏng lòng kinh, lời Bụt thốt dễ cho thấy dấu;
Học đòi cơ tổ, sá thiền không khôn chút biết nơi.
Cùng căn bản, rủa trần duyên, mựa để mấy hào ly đương mặt;
Ngã thắng chàng, viên tri kiến, chớ cho còn họa trữ cong tay.
Buông lửa giác ngộ, đốt hoại thảy rừng tà ngày trước;
Cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tánh thức thuở nay.
Vâng ơn Thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo;
Mến đức Cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay.
Cảm đức từ bi, để nhiều kiếp nguyền cho thân cận;
Đội ơn cứu độ, nát muôn thân thà chịu đắng cay.
Nghĩa hãy nhớ, đạo chẳng quên, hương hoa cúng xem còn nên thảo;
Miệng rằng tin, lòng lại lỗi, vàng ngọc thờ cũng chửa hết ngay.


------


VUI ĐẠO CÕI TRẦN

Hồi thứ 6

Hãy vô tâm, tự nhiên hợp đạo
Ấy thật là lẽ đạo xưa nay
Lặng tâm, ba nghiệp [1] dừng ngay
Một lòng chánh niệm, lời đây tổ truyền.

Tìm giải nghĩa, khách thiền lạc lối
Khéo tri cơ, cứng cỏi – tổ xưa,
Hữu, vô [2] hỏi, đáp : gáo dừa,
Cỗ xe lớn nhỏ [3], rằng thưa : dây thừng.

Lòng ngay thẳng, nhân duyên chẳng ngại,
Tánh như gương, nào phải bụi trần,
Quặng vàng rèn giũa bao lần,
Cháo cơm qua bửa, chuyên cần, không lay.

Trang nghiêm tịnh giới trong ngoài
Hành bồ tát đạo, thảo ngay, trung hiền,
Nát thân, kén bạn tham thiền
Nhớ ơn nghĩa nặng, trao truyền tổ sư.

Hồi thứ 7

Mới hay phép Phật nhiệm màu,
Xóa tan phiền não, khá mau tu rèn
Vô minh hết, sạch bóng đen,
Bồ đề tỏa sáng, ngọn đèn đạo tâm.

Xem kinh, lời Phật cao thâm,
Truyện xưa, cơ tổ, khó tầm ý sâu.
Trần duyên chớ để tâm sầu,
Chủ mình, tỉnh thức, chỗ đâu họa vào ?

Lửa giác ngộ, đốt bao tà vạy,
Kiếm tuệ căn, quét thảy thức tình,
Thờ thầy, học đạo, sửa mình,
Đền ơn cha mẹ, chúng sinh bao đời.

Cảm đức Bụt, nguyện mong gần mãi,
Đội ơn ngài, dù phải đắng cay,
Gìn đạo nghĩa, sống thảo ngay,
Nói làm như một – quý thay ngọc vàng.

------
[1] Ba nghiệp : là các nghiệp tạo ra trong đời sống, gồm : thân nghiệp (hành động), khẩu nghiệp (lời nói), ý nghiệp (suy nghĩ).
[2] Hữu, vô : hữu lậu, vô lậu. Chỉ mức độ tu chứng cao thấp, thoát khỏi các tập khí phiền não nhiều hay ít.
[3] Cỗ xe lớn, nhỏ : tiểu thừa, đại thừa. Vì phương tiện mà chia pháp lớn, nhỏ, chứ thật sự chỉ có 1 Phật thừa. Ở đây dùng những hình ảnh như gáo dừa, dây thừng để chỉ đó chỉ là phương tiện, mục đích chính là để múc được nước.

(còn tiếp)

Sunday, July 18, 2010

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ (3)

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ

Hội 4


Tin xem;
Miễn cốc một lòng ;
Thì rồi mọi hoặc.
Chuyển tam độc mới chứng tam thân;
Đoạn lục căn nên trừ lục tặc.
Tìm đường hoán cốt, chỉn xá năng phục dược luyện đan;
Hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.
Biết chân như, tin Bát Nhã, chớ còn tìm Phật tổ tây đông;
Chứng thực tướng, ngỏ Vô Vi, nào nhọc hỏi kinh thiền nam bắc.
Xem Tam Tạng giáo, ắt học đòi Thiền Uyển thanh quy;
Đốt ngũ phần hương, chẳng tốn đến chiên đàn, chiêm bặc.
Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca;
Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thật ấy là Di Lặc.

Hội 5

Vậy mới hay!
Bụt ở cong nhà;
Chẳng phải tìm xa.
Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt;
Đến cốc hay chỉn Bụt là ta.
Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãng cong quê Hà hữu ;
Kinh xem ba bận, ngồi ngơi mái quốc Tân la ;
Trọng đạo nghĩa, khoảng cơ quan, đà lọt lẫn trường kinh cửa tổ;
Lánh thị phi, ghê thanh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa.
Đức Bụt từ bi, mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận;
Ơn Nghiêu khoáng cả, lọt toàn thân phô việc đã tha.
Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể ;
Cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa.
Ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội;
Lẫy tam huyền, nong tam yếu, một cắt một ma.
Cầm vốn thiếu huyền, xá đàn dấu xoang vô sinh khúc;
Địch chăng có lỗ, cũng bấm chơi xướng thái bình ca.
Lẫy cội tìm cành, còn khá tiếc Câu Chi trưởng lão;
Quay đầu chấp bóng, ắt kham cười Diễn Nhã Đạt Đa.
Lọt quyện kim cương, há mặt hầu thông nên nóng;
Nuốt bồng lật cức, nào tay phải xước tượng da.

------

VUI ĐẠO CÕI TRẦN

Hồi thứ 4


Lòng tin, một niệm chẳng lay
Bao nhiêu lậu hoặc [1], từ nay chẳng còn.

Trừ tam độc [2], lục căn [3] là giặc
Chứng tam thân [4], lục tặc [5] dẹp tan
Sống lâu thì phải luyện đan
Chân không, chẳng ngại lánh đàng sắc thanh

Khi đã biết chân như, Bát Nhã [6]
Phật chẳng tìm vất vả đông tây,
Vô Vi [7] thực tướng đã bày,
Kinh thiền nam bắc chốn này khác đâu.

Ba tàng [8] kinh sách thuộc làu,
Thanh quy Thiền Uyển mau mau thực hành;
Hương ngũ giới [9] đã đốt thành,
Không chiên đàn, vẫn sáng danh nhà thiền.

Nghĩa nhân, đạo đức giữ gìn,
Thích Ca [10], ấy chính lòng mình chẳng sai.
Chẳng tham, giữ giới không lay
Đó là Di Lặc [11] - tương lai trong mình.


Hồi thứ 5

Mới hay Bụt ở trong nhà,
Chẳng cần lặn lội phương xa kiếm tìm,
Vì quên mất Bụt trong tim
Chính ta là Bụt, lặng im hiểu rồi !

Thiền [12] đã rõ, thảnh thơi khắp chốn
Nhà nơi đâu ? Quê vốn nơi đâu ?
Kinh xem ba bận thuộc làu,
Nghỉ ngơi mé nước, khác đâu thiên đường.

Trọng đạo nghĩa, lòng thường rộng mở
Nghĩa tổ sư, chính ở nơi này,
Thị phi, thanh sắc – ghê thay
Liễu hoa, e ngại – giới này chớ buông.

Đức từ phụ [13], nguyền mong thân cận,
Nhờ ơn trời được vận hanh thông.
Cà sa [14] áo vá ấm lòng,
Cháo cơm đạm bạc chẳng mong thêm gì.

Ngăn tám thức [15], tám cơn gió lớn [16],
Trau dồi ba yếu [17], đờn ba dây
Vô sinh khúc, thích đờn thay,
Thiếu dây, không lỗ – khúc hay thái bình.

Câu Chi [18] bỏ gốc tìm cành
Đạt Đa [19] chấp bóng, sử xanh chê cười.
Kim cương - rõ mặt muôn đời,
Dây gai chẳng xước, tay người biết tu.

---

[1] Lậu hoặc : là các tập khí phiền não, hoặc vọng nghiệp còn rơi rớt lại, hay nói đơn giản hơn là các tâm niệm xấu, ác còn chưa dứt, có thể dễ thấy hoặc khó thấy, mà người Phật tử cần phải dứt trừ mới bước lên địa vị Phật được.
[2] Tam độc : Tham lam (muốn tất cả là của mình), Sân giận (nổi nóng đối với việc không vừa ý), Si mê (ngu tối, không phân biệt thiện ác, tốt xấu)
[3] Lục căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý – là các đối tượng căn bản (của cơ thể) tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Nếu sống buông lung thì đây là sáu cửa ngõ để dẫn giặc vào nhà.
[4] Tam thân : một người khi đã chứng ngộ, sẽ đạt được 3 loại thân là : Pháp thân, Báo thân và Hóa thân.
[5] Lục tặc : để chỉ 6 tên giặc (tâm niệm xấu, ác) ảnh hưởng đến tâm từ 6 căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
[6] Bát Nhã : hay còn gọi Trí tuệ Bát nhã là để chỉ sự hiểu biết lớn, hiểu rõ ràng, đúng đắn vê vạn pháp (chân lý).
[7] Vô Vi : không giới hạn trong 1 phạm vi nào, đôi khi được hiểu đồng nghĩa như vô ngã, nghĩa là trong vũ trụ này, không vật nào tồn tại bất biến theo thời gian.
[8] Ba tàng kinh : tam tạng kinh điển là chỉ kinh sách của Phật được các để tử kết tập, ghi lại, gồm : Kinh, Luật, Luận.
[9] Ngũ giới hương: còn gọi ngũ phần hương, chỉ năm loại hương thơm mà chỉ người tu hành thanh tịnh, giải thoát mới có, gồm : giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương và giải thoát tri kiến hương.
[10] Thích Ca : là Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, người giác ngộ thành Phật tại Ấn Độ cách đây trên 2500 năm và đem giáo lý từ bi, trí tuệ truyền dạy, lập nên Đạo Phật. Người được coi là giáo chủ của cõi ta bà (cõi thế gian hiện nay).
[11] Di Lặc : theo lời dạy của Phật Thích Ca, thì vào thời mạt pháp (sau Phật diệt độ khoảng 5000 năm), sẽ có 1 đức Phật ra đời hiệu là Di Lặc Tôn Phật, biểu tượng bằng hình “bụng phệ, miệng cười”, người sẽ tiếp tục công việc giáo hóa, độ sanh và trở thành giáo chủ của cõi tương lai đó.
[12] Thiền : hay thiền-na là một phương pháp tu tập của nhà Phật, được sử dụng khá phổ biến ngày nay. Thiền chú trọng vào việc an tĩnh tâm hồn bằng phương pháp ngồi thiền, định tâm, quán chiếu…
[13] Từ phụ : cha lành, là từ thường dùng để chỉ đức Phật Thích Ca Mâu Ni vì tình thương của người đối với chúng sanh.
[14] Cà sa : chỉ trang phục của các tăng sĩ Phật giáo.
[15] Tám thức : theo duy thức học của nhà Phật, con người nhận thức về thế giới xung quanh bằng 8 loại thức, gồm : nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức và alaya thức.
[16] Tám cơn gió lớn: hay Bát đại phong, là chỉ tám yếu tố làm ảnh hưởng nhiều và thường làm dao động tâm trí của chúng ta, gồm : thắng, thua, thành, bại, được, mất, khen, chê.
[17] Ba yếu : 3 điều quan yếu khi tu, là : thân, khẩu, ý.
[18] Câu Chi : Câu Chi trưởng lão, một nhân vật trong truyện thiền Phật giáo.
[19] Đạt Đa : Diến Nhã Đạt Đa, một nhân vật trong truyện thiền Phật giáo.

(còn tiếp)

Thursday, July 15, 2010

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ (2)

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ

Hội 2

Biết vậy!
Miễn được lòng rồi;
Chẳng còn phép khác.
Gìn tính sáng, tính mới hầu an;
Ném niềm vọng, niềm dừng chẳng thác.
Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực kim cang;
Dừng hết tham sân, mới lảu lòng mầu viên giác.
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương;
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc.
Xét thân tâm, rèn tính thức, há rằng mong quả báo phô khoe;
Cầm giới hạnh, địch vô thường, nào có sá cầu danh bán chác.
Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay;
Vận giấy vận sồi, thân căn có ngại chi đen bạc.
Nhược chỉn vui bề đạo đức, nửa gian lều quý nửa thiên cung;
Dầu hay mến thửa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác.

Hội 3

Nếu mà cốc,
Tội ắt đã không;
Phép học lại thông.
Gìn tánh sánh, mựa lạc tà đạo;
Sửa mình học, cho phải chánh tông.
Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ;
Vong tài đối sắc, ắt tìm cho phải thói Bàng Công.
Áng tư tài tánh sáng chẳng tham, há vì ở Cánh Diều Yên Tử;
Răn thanh sắc, niềm dừng chẳng chuyển, lọ chi ngồi am Sạn non Đông.
Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc ;
Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả đồ công.
Nguyền mong thân cận minh sư, quả bồ đề một đêm mà chín;
Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa ưu đàm mấy kiếp đơm bông.

------

VUI ĐẠO CÕI TRẦN

Hồi thứ 2

Đã biết Đạo là tánh sáng
Giữ gìn mới đặng được an
Bỏ đi vọng tâm xưa cũ
Niệm dừng, ánh sáng chang chang.

Trừ nhân ngã [1] , kim cang thực tướng
Dứt tham sân [2] , cảnh tượng tròn đầy,
Tịnh độ [3] - trong sạch, ngay đây
Di Đà [4] sáng tỏ, phút này trong ta.

Xét thân tâm, lòng đà sáng tỏ
Chẳng mong cầu quả trổ thấp cao,
Giữ gìn giới hạnh không nao
Lợi danh nào sá, đảo chao vô thường.

Ăn rau trái, miệng thường thanh tịnh
Mặc đơn sơ, an tĩnh tấm thân.
Chẳng hiềm cay đắng bao lần,
Đời dù đen bạc không cần bận tâm

Chỉ cần đạo đức trong tâm
Nửa gian nhà cỏ, sẳn mầm an vui
Lòng yêu nhân nghĩa không lùi,
Cần chi lầu gác, vẫn vui vô cùng…

Hồi thứ 3

Bởi không biết, người hay phạm lỗi
Nếu biết rồi, ắt tội đã không,
Phép tu ghi nhớ nằm lòng
Làm lành, lánh ác, quyết không đổi dời.

Gìn tánh sáng, chẳng rơi tà đạo,
Quyết sửa mình, phải đạo chánh tông
Hiểu rồi, chính Bụt trong lòng
Sắc tài buông bỏ, chỉ mong tu hành.

Chẳng tham tư lợi, tài danh,
Đâu cần Yên tử núi xanh ẩn mình,
Sắc thanh chẳng vướng bận tình
Niệm dừng, tâm lặng, an bình khắp nơi.

Giữa trần ai, tu thời càng quý
Hơn sơn lâm, lãng phí chẳng tu,
Chỉ mong thân cận minh sư,
Quả bồ đề chín, hương từ bay xa.

---

[1] Nhân, ngã : Nhà Phật thường dạy pháp vô ngã, tức là xem cái ta là không có chủ thể, vì thế mà không bị kẹt ở pháp đối đãi ta và người, chủ thể và khách thể…
[2] Tham, sân : là 2 trong 3 loại độc trong tâm cần phải tiêu diệt, gồm có : Tham lam, Sân hận, Si mê.
[3] Tịnh độ : hay cõi tịnh độ là cõi Phật ở phương Tây của đức Phật A Di Đà, nơi đó hoàn toàn thanh tịnh, an vui. Cõi này còn được gọi với tên là Cực lạc.
[4] Di Đà : hay A Di Đà Phật là danh hiệu đức Phật giáo chủ của cõi nước Cực lạc. Ngài có phát 48 đại nguyện, trong đó có nguyện rằng, nếu có người nào khi sống nếu chuyên niệm danh hiệu ngài và phát nguyện về Cực lạc thì khi chết sẽ được sanh trong ao sen báu của cõi Cực lạc và được gặp Phật, nghe pháp…

(còn tiếp)

Sunday, July 11, 2010

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ (1)

Cư Trần Lạc Đạo Diễn Ngâm

Lịch sử Việt Nam thời nhà Trần đã để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng dân tộc. Trước tiên, đó là 1 giai đoạn lịch sử đầy oai hùng, khi quân dân Đại Việt cùng đồng lòng đẩy lui được 3 cuộc tiến công của đạo quân Nguyên Mông hung hãn nhất bấy giờ. Kế đến, giai đoạn này cũng là giai đoạn Phật giáo Việt Nam cực kỳ phát triển, đã sản sinh ra một vị Phật, với những nét rất riêng biệt của dân tộc, đó là vua Trần Nhân Tông. Người đã thể hiện rất sinh động đạo Phật vào cuộc sống, nhập thế một cách tích cực, để diệt giặc, cứu đời, mà vẫn an nhiên tự tại, với tâm hồn vô vi, không vướng bận.

Tinh thần này đã được thể hiện rất sâu sắc trong tác phẩm Cư Trần Lạc Đạo của ngài, nhằm khuyên bảo về ý nghĩa của việc tu đạo. Nếu mọi người biết sống với Phật tánh của chính mình thì dù có sống giữa trần ai, vẫn có thể vui lẽ đạo. Bài phú được viết cách đây khá lâu, nên có nhiều từ ngữ cổ, khó hiểu, gây khó khăn cho nhiều người khi đọc. Điều đó hạn chế phần nào khả năng tìm hiểu và tiếp cận tinh thần đạo Bụt của Việt Nam giai đoạn này, một tinh thần nhập thế rất tích cực và độc đáo.

Thấy được khó khăn đó, và với mong muốn đem tinh ba giáo lý nhà Phật đến với mọi người, cũng như tự nhắc nhở mình về ý nghĩa tu đạo đơn giản và sâu sắc mà Vua Phật Trần Nhân Tông đã chỉ dạy, tôi cố gắng diễn dịch nội dung tác phẩm này theo ngôn ngữ thời đại, dưới dạng diễn ngâm, mặc dù biết điều này vượt quá khả năng của mình. Nếu quá trình diễn dịch có điều chi sai sót do hiểu chưa đúng ý tổ, mong quý vị độc giả bỏ qua và chỉ bảo.

Sài Gòn, cuối Xuân Bính Tuất – 2006
Quoc Trung


CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ
(Phật Hoàng - Trần Nhân Tông)

Hội 1

Mình ngồi thành thị;
Nết dùng sơn lâm.
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tánh
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.
Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý;
Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.
Chơi nước biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý;
Biết đào hồng, hay liễu tục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm.
Nguyệt bạc vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng;
Liễu mềm hoa tốt, ngất quần sanh tuệ nhật sâm lâm.
Lo hoán cốt, ước phi thăng, đan thần mới phục;
Nhắm trường sanh, về thượng giới, thuốc thỏ còn đâm.
Sách Dịch xem chơi, yêu tánh sáng yêu hơn châu báu;
Kinh nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nửa hoàng kim.


VUI ĐẠO CÕI TRẦN

Hồi thứ 1

Thân tuy ở chốn thị thành,
Vẫn như sống giữa xung quanh núi rừng.
An nhàn, lặng nghiệp, yên thân,
Tâm thường tự tại, ngày dần trôi qua.

Nguồn tham ái, quyết đà dừng lại
Chẳng còn mê, đủ loại ngọc ngà,
Thị phi muôn việc lánh xa
Mặc tình, yến thốt oanh ca sau vườn.

Vui cảnh sắc, người thường đắc ý
Giỏi trăng hoa, thích chí bao người
Đâu hay mây bạc, hoa trời
Vẫn luôn tỏa sáng khắp nơi tuệ thiền.

Muốn trường sinh, tốn tiền luyện thuốc
Xem Dịch mong xấu tốt, sai rồi,
Hãy gìn tánh sáng muôn đời
Đó là chữ Đạo sáng ngời chân tâm.

(con tiep)

Sunday, June 27, 2010

Chuyện vua Dalha-dhamma

Đọc các truyện tích về cuộc đời Đức Phật trong các kiếp xưa, thường giống với các chuyện ngụ ngôn, chủ yếu nói về 1 đức tính tốt đẹp nào đó mà Đức Phật muốn nhấn mạnh. Trong câu chuyện sau đây, bỏ qua yếu tố hoang đường về con voi có thể nói chuyện với người, ta nhận ra bài học về lòng biết ơn. Bài học nhắc nhở những người chủ không nên vô ơn bạc nghĩa đối với những thuộc cấp đã có công lao to lớn đối với mình. Ngày nay, những chính quyền vô ơn đối với các bậc công thần, hay các ông chủ đối xử tệ bạc với nhân viên của mình nên xem kỹ câu chuyện này và tự chiêm nghiệm.

Chuyện vua Dalha-dhamma
(409. Tiền thân Dalha-dhamma)


"Chính con khuân vác tự ngày xanh..."

Bậc đạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại rừng Ghosita (Cù-sư-la) gần Kosambi (Kiều thưởng di), về Bhaddavatika, con voi cái của vua Udena.

*

Một hôm con voi này ra ngoại thành sáng sớm gặp Đức Phật được Thánh chúng vây quanh, trong vẻ oai nghi tối thượng của một bậc Giác ngộ, đang vào thành khất thực, nó quỳ xuống chân Đức Như Lai, than khóc và cầu khẩn Ngài :

-Bạch Thế Tôn, bậc toàn tri kiến, vị cứu khổ toàn thế giới , khi con còn trẻ và có khả năng làm việc, vua Udena, một vị minh quân đã thương yêu con và bảo: "Đời sống của ta cùng vương quốc và hoàng hậu đều nhờ nó tất cả." Rồi ngài ban cho con đại vinh hiển bằng cách trang điểm mọi thư vàng ngọc, ngài truyền trát chuồng voi với đất trộn hương liệu, treo các đồ vật có màu sắc rực rỡ chung quanh, thắp đèn với dầu thơm, đặt đĩa trầm xông tại đó, ngài lại truyền đặt một chậu bằng vàng tại chỗ con đại tiện, cho con đứng trên thảm màu và cho con ăn toàn cao lương thượng vị của vua. Nay con đã già và không làm việc được nữa, nên ngài tước bỏ mọi đặc ân ấy, con sống bơ vơ khốn khổ không ai bảo vệ chăm sóc, chỉ ăn toàn quả ketaka trong rừng, con chẳng có nơi nương tựa nào nữa. Xin Thế tôn nói cho vua Udena nghĩ lại các công đức của con và phục hồi mọi vinh quang cũ cho con.

Bậc đạo sư bảo :

-Ngươi hãy đi về, rồi ta sẽ nói với nhà vua phục hồi mọi vinh quang cũ cho ngươi.

Sau đó Ngài đi đến cửa hoàng cung.

Nhà vua mời Đức Phật vào, thiết đãi trọng thể tất cả hội chúng theo hầu Đức Phật. Khi buổi thọ thực đã xong, bậc Đạo Sư nói lời tùy hỷ công đức và hỏi :

-Thưa Đại vương, con voi Bhaddavatikà đâu rồi?

-Bạch Thế Tôn, Trẫm không biết.

-Thưa Đại vương, sau khi đã ban vinh hiển cho đám nô tỳ, ngài tước bỏ mọi ân huệ lúc chúng già yếu là không phải đạo, vậy cần tỏ lòng biết ân chúng mới hợp lý. Bhaddavatikà nay đã già, mòn mỏi vì tuổi tác và không được ai bảo vệ, chỉ sống bằng trái cây Ketaka trong rừng. Đại vương để cho nó bơ vơ như vậy lúc già yếu là không hợp lý.

Rồi kể các công đức của con voi Bhaddavatikà, ngài bảo:

-Đại vương hãy phục hồi mọi vinh quang cũ của nó.

Xong Ngài ra đi. Nhà vua làm theo lời ngài. cả kinh thành truyền tin rằng vinh quang cũ ấy đã được phục hồi nhờ đức Phật kể lại mọi công đức của nó.

Việc này được Tăng chúng biết chư vị bàn luận trong lúc hội họp. bậc Đạo sư bước vào và nghe đây là đề tài của chư vị, Ngài bảo:

-Này các Tì kheo, đây không phải là lần đầu Như Lai làm cho nó được phục hồi mọi vinh quang cũ bằng cách kể chuyện công đức của nó.

Và Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa có một vị vua mệnh danh là Dalhadhamma cai trị tai Ba la nại. thời ấy Bồ tát được sanh vào gia đình một đại thần quan trọng nhất trong triều. vua có một con voi cái rất dũng mãnh, lực lưỡng. Nó đi một trăm dặm một ngày, làm mọi phận sự sứ thần của vua, khi ra trận nó chiến đấu oanh liệt, dẫm nát quân thù. Vua thường bảo:

-Con voi này thật hữu ích đối với ta.

Rồi vua ban cho nó mọi đồ vật trang điểm và vinh quang giống như vua Udena ban cho Bhaddavatikà ngày nay. Sau đó khi nó già yếu, vua tước hết mọi đặc ân trên.

Từ đó nó không được ai bảo vệ và chỉ sống bằng các thứ cỏ lá trong rừng. Một hôm, các loại đồ gốm sứ trong cung điện vua không đủ dùng, vua truyền thợ gốm lại phán:

-Đồ gốm không đủ dùng.

-Tâu đại vương, tiểu thần không có bò kéo xe để mang phân bò về nung đất sét.

Vua nghe chuyện liền phán:

-Con voi cái của ta đâu rồi?

-Tâu đại vương, nó đang phiêu bạt tuỳ ý.

Vua bảo đem nó cho người thợ gốm:

-Từ nay ngươi buộc nó vào xe rồi đưa đi chở phân.

Người thợ gốm đáp:

-Tâu đại vương tốt quá.

Rồi gã làm theo lời dặn. một hôm, ra ngoại thành, voi cái chợt thấy Bồ tát đi đến, liền quì xuống chân Ngài vừa than khóc vừa nói:

-Thưa tể tướng, thời con còn trẻ, đức vua xem con rất hữu dụng và ban cho con đại vinh hiển, nay con già yếu, ngài tước bỏ mọi đặc ân và không còn nghĩ đến con nữa, con không được ai bảo vệ và chỉ sống bằng cỏ lá trong rừng, con gặp cảnh khốn cùng thế này, ngài lại đem con cho người thợ gốm buộc vào xe chở phân; trừ tể tướng ra, con không còn nơi nương tựa nào cả, chính tể tướng đã biết mọi công lao con phục vụ đức vua, xin ngài cho con được phục hồi mọi vinh hiển đã mẩt.

Rồi voi cái ngâm ba vần kệ :

Chính con khuân vác tự ngày xanh
Như vậy đức vua đã thoả tình?
Vũ khí con mang đầy trước ngực
Xông pha chiến trận, bước hùng anh.

Con đã lập nên lắm chiến công.
Đức vua giờ hẳn có quên chăng.
Bao lần phục vụ nhiều công trạng
Như đã định cho các sứ thần?

Nay con cô độc, quá bơ vơ.
Chắc chắn mạng chung đã đến giờ.
Phục vụ cho nhà người thợ gốm
Con đành làm vật kéo phân dơ.

Bồ tát nghe chuyện, liền an ủi nó và bảo :

-Thôi đừng buồn khổ nữa, ta sẽ đi trình đức vua và phục hồi mọi vinh dự cho ngươi.

Vì thế khi vào thành, ngài đi đến chầu vua sau buổi điểm tâm và bắt đầu câu chuyện, ngài bảo :

-Tâu đại vương, có phải con voi cái mang tên kia đã ra trận chiến tại những nơi nọ với các vũ khí buộc đầy ngực, rồi ngày khác nó lại mang quốc thư ở cổ đi cả trăm dặm làm sứ giả cho đại vương, và đại vương đã ban cho nó nhiều vinh hiển chăng, nay nó đâu rồi?

-Trẫm đã giao nó cho người thợ gốm chở phân bò.

Bồ tát liền đáp :

-Có hợp đạo lý chăng, tâu đại vương, khi giao nó cho người thợ gốm buộc vào xe chở phân?

Rồi để khuýến giáo, ngài ngâm bốn vần kệ :

Do mong cầu ích kỷ cá nhân,
Người ta ban phát mọi vinhquang
Như ngài đối với con voi nọ,
Ném bỏ như nô lệ yếu tàn

Khi người quên hết các huân công.
Thiện sự ngày xưa hưởng trọn phần
Mọi việc mà lòng đang dự tính
Ngày sau chắc hẳn phải suy vong.

Khi người ghi nhớ các công ơn
Thiện sự ngày xưa hưởng trọn phần
Mọi việc mà lòng đang dự tính
Ngày sau chắc hẳn sẽ thành công

Ta nói điều chân lý trọn lành
Cho thần dân tụ tập chung quanh
Phải luôn ghi nhớ công ơn cũ
Thiên giới dành phần sống hiển vinh

Với lời khởi đầu này, Bồ tát giáo giới toàn thể dân chúng đang tụ tập ở đó. Nghe vậy, vua liền ban cho con voi già mọi vinh hiển cũ. Và về sau được an trú vào lời dạy của Bồ tát, vua bố thí cùng thực hành nhiều thiện sự khác, nên được sanh lên cõi Thiên.

*

Khi pháp thoại chấm dứt, bậc đạo sư nhận diện tiền thân: "Thời ấy, voi cái là Bhaddavatikà, vị vua là Ànanda, vị đại thần chính là ta vậy".

(Sưu tầm từ www.thuvienhoasen.org)

Saturday, June 19, 2010

VỌNG TƯỞNG


VỌNG TƯỞNG

Nhắm mắt tưởng đời đẹp quá
Bịt tai, quên tiếng rên la
Tưởng ra bao điều trong trí
Ngờ đâu, điên đảo thật là

Mở mắt, sao đời khác thế
Lắng nghe, tiếng hãi hùng ghê
Phải chăng nghe lầm, hoa mắt
Không đâu, sự thật não nề

Quán sát cuộc đời bằng trí
Xóa đi vọng tưởng thường khi
Biết rằng cuộc đời vẫn thế
Xấu xa, tốt đẹp – tùy nghi…

Vọng nên nhìn sai thực tế
Tốt mà thấy xấu, thấy ghê
Vọng nhìn xấu mà tưởng đẹp
Trí soi – sáng tỏ mọi bề

Vọng tưởng làm ta điên đảo
Đúng sai, chẳng rõ thế nào
Chánh giác soi đường sáng tỏ
Nhìn đời, một giấc chiêm bao…

PQT

Saturday, June 12, 2010

TIẾNG VỌNG LƯƠNG TÂM


TIẾNG VỌNG LƯƠNG TÂM

Có ai nghe chăng từ quê hương Việt Nam
Những tiếng vọng…
Từ lương tâm của bao người yêu nước
Của các nhà trí thức
Của những bậc trung thần
Của những người còn lương tâm

Để cản ngăn bàn tay tội ác
Của kẻ bán nước
Của bọn tham nhũng
Của những kẻ bán rẻ lương tâm
Đang ngày đêm… đục khoét thân thể Mẹ Việt Nam

Từ vùng núi Tây Nguyên
Đến các khoảnh rừng phòng hộ
Từ biên cương phía Bắc
Đến những ruộng cày phía Nam
Từ thượng nguồn các con sông
Đến các hải đảo ngoài khơi
Đều thấy “bàn tay lông lá” của kẻ lạ và kẻ không lạ
Đang ngày đêm… vơ vét cho thỏa lòng tham

Đạo đức suy đồi, tài nguyên cạn kiệt
Những siêu dự án - che khuất những giọt máu và nước mắt
Của người dân nghèo đang bật khóc
Những tiếng lòng… chìm vào hư không… vô vọng
Chỉ còn tiếng quạ kêu quang quác
Những cặp mắt ngơ ngác của trẻ thơ
Nhìn đời - tự hỏi…
Tương lai sẽ ra sao?

Quốc Trung - 6/2010

Friday, June 4, 2010

私の研究

私の研究

今、私の研究していることについて話します。それはベトナムの労働効率を上げるためにKMアプローチを使うことです。

現在、ベトナムの労働効率は東南アジアの他の国より低いです。さらに、グローバル競争はますます激しくなります。それで、ベトナムの企業は今労働効率を上げるための方法を見つける能力をしています。

私の研究はこの目的を解決します。その方法はKnowledge Managementアプローチです。

第一、新しいモデルを提出します。このモデルには知識可能性とテクノロジー可能性、KM,労働の満足度、労働効率があります。

第二、このモデルを使って、質問用紙を作ります。そして、ベトナムの企業に取材します。このデータを使って、モデルを検定します。

第三、その結果によって、ベトナムの社長をインタビューして、ベトナムの労働効率を上げるための提案をします。

以上が私の研究の概略です。

Friday, May 21, 2010

Phat phap can ban qua loi day cua phap su Tinh Khong

Tom tat loi khai thi cua Tinh Khong phap su bang tranh ve
Nguon: tinhkhongphapsu.com
Nhac nen: Niem an vui - Trang Nhung

Friday, May 14, 2010

Rằm Tháng Tư


Rằm Tháng Tư

Tháng tư Phật đản đến rồi
Toàn cầu mở hội, chung vui đón chào
Ngày sinh Đức Phật, vui sao
Trăng tròn tỏa sáng, ngàn sao rạng ngời
Thế gian ai cũng mĩm cười
Muôn hoa khoe sắc, nhạc trời vang xa
Hai lăm thế kỷ trôi xa
Thế gian vắng bóng Phật đà đã lâu
Con nay đảnh lễ cúi đầu
Nhớ về ơn đức cao sâu cha lành
Nhờ Người dẫn dắt chúng sanh
Vượt qua cảnh khổ, nẻo lành bước lên
Từ bi – giáo pháp trao truyền
Mở ra muôn vạn pháp thuyền độ sanh
Tùy căn cơ mỗi chúng sanh
Pháp như liều thuốc chữa lành khổ đau
Dịu kỳ, pháp Phật nhiệm màu
Vô minh phá vỡ, sáng làu chơn tâm
Ơn Người - con gắng tu tâm
Tham, sân, si bỏ, gieo mầm an vui…
Hôm nay, quỳ dưới bóng Người
Mong cho thế giới khắp nơi an lành
Thương yêu, thôi hết chiến tranh
Tương thân, tương ái, thiện lành nở hoa
Tháng tư đảnh lễ Phật đà
Mong cho cõi Phật hiện ra giữa đời!

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

(Mùa Phật Đản - tháng 4 - Canh Dần)