VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC, GIÁO DỤC VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG
NỀN KINH TẾ TRI THỨC
PGS.TS. Phạm Quốc Trung
Khái niệm công
nhân tri thức (knowledge worker) hay còn gọi là công nhân cổ trắng, để chỉ đến
những người lao động trí óc nói chung, như là: nhân viên văn phòng, quản lý,
chuyên gia… Khái niệm này đã được Peter Drucker, cha đẻ của quản trị học hiện đại,
đề cập đến từ rất sớm (1960), để phân biệt với công nhân cổ xanh hay người lao
động chân tay. Điểm khác biệt chủ yếu của công nhân tri thức là công cụ lao động
chính là kiến thức nằm trong đầu và năng lực tư duy của họ. Theo dự báo của
ông, lực lượng công nhân tri thức sẽ ngày càng tăng về số lượng và đóng vai trò
ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới.
Ngày nay, khi kinh
tế thế giới chuyển dịch sang nền kinh tế tri thức (hậu công nghiệp), cùng với
đà phát triển của công nghệ và mức độ toàn cầu hóa, thì những dự báo trên là
hoàn toàn chính xác. Trong nền kinh tế tri thức, các quốc gia cạnh tranh với
nhau một cách gay gắt trong việc thu hút lực lượng công nhân tri thức, hay đội
ngũ chất xám đến làm việc và đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế nước
mình. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, do môi trường lao động chưa phù
hợp, nên thường có hiện tượng chảy máu chất xám, tức là sự ra đi của lực lượng
lao động có tay nghề và trình độ cao.
Về định nghĩa, có
một khái niệm gần gũi hơn để chỉ người công nhân tri thức đối với người Việt
Nam, đó là kẻ sĩ, hay các nhà trí thức. Trí thức là tầng lớp mà nhà cầm quyền
nào cũng phải xem trọng, vì ngoài việc tốn công phu đào tạo dài ngày (tốn kém
ngân sách nhà nước, ngân sách gia đình, mỗi cá nhân…) còn là bộ mặt ngoại giao,
chính trị… của một đất nước. Muốn biết chính sách hoặc tiềm năng một quốc gia
như thế nào, người ta cũng quan tâm đến sự đãi ngộ hoặc việc sử dụng tầng lớp
trí thức ra sao ?
Do đó vai trò của
người trí thức hết sức quan trọng đối với xã hội, một phần của khuôn mặt bang
giao quốc tế. Mặt khác, xã hội ta, từ xưa rất chuộng sự học, nó trở thành truyền
thống, đạo thống của dân ta. Ngày xưa các cụ trọng sự học đến nỗi thấy tờ giấy
có viết chữ (chữ nho), dặn con cháu không được buớc qua, bước qua là bất kính
là không bao giờ học giỏi được… Kẻ sĩ còn sống trong lòng người dân, cầm nắm thế
đạo nhân tâm, là khuôn vàng thước ngọc của sự mẫu mực, là người âm thầm lãnh đạo
cả một mặt trận văn hoá từ các tác phẩm lớn của nền văn chương bác học, đồng thời
cũng là đồng tác giả các truyện khuyết danh, vô danh, văn chương bình dân… thẩm
thấu trong mọi tầng lớp nhân dân. Trừ những người đã nổi tiếng, phần lớn họ là
những chiến sĩ vô danh, sống âm thầm trong bóng tối, nhưng nuôi dưỡng cho dân
chúng bao tình cảm cao đẹp, lòng yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần cách mạng…
·
Về
định nghĩa trí thức
Trí thức hay intellectuel (Pháp)
hay intellectual (Anh) trong từ điển vốn là một tính từ, còn danh từ
gốc của nó là intellect (trí tuệ, trí thông minh). Theo lịch sử, danh
từ “trí thức” ra đời sau, gắn liền với một sự kiện chống bất công, còn “người
trí thức” ra đời khi xã hội thừa nhận danh từ này.
Có nhiều định
nghĩa trí thức, rất dễ tìm trên internet. Do vậy, khi bàn về trí thức thường
người ta phải xác định khái niệm trước khi bàn tiếp. Dẫu vậy, vẫn có thể phân
chia các định nghĩa hiện hành thành 2 nhóm: nhóm chặt chẽ (rất hữu dụng khi bàn
vấn đề ở bình diện triết lý, gồm cả thiên chức, nhiệm vụ trí thức đối với nhân
quần, xã hội) và nhóm thông dụng (để dùng rộng rãi trong đời sống, dễ hiểu với
trình độ chung). Một cách chặt chẽ, trí thức phải là người: (1) Sáng tạo những
giá trị tinh thần. Mức độ sáng tạo cho phép tách ra những trí thức lớn, tầm cỡ
nhân loại; và (2) Chỉ tôn thờ những giá trị tinh thần vĩnh hằng: Chân, Thiện, Mỹ.
(Nguồn : http://chungta.com/)
·
Đặc
tính của trí thức
Từ cái gốc này, do
đặc trưng lao động, trí thức có những phẩm chất, tính cách nhất định – không bẩm
sinh và cũng không phải là độc quyền của trí thức. Ví dụ, để sáng tạo, trí thức
phải có một cái vốn tri thức cao hơn mặt bằng chung (đã đành) nhưng quan trọng
là phải bổ sung suốt đời (để sáng tạo tiếp). Điều này rất tương đối, vì mặt bằng
dân trí mỗi thời một khác. Hơn nữa, trí thức phải là người ham học hỏi và xem
việc tiếp nhận, chia sẻ và đóng góp vào kho tri thức của nhân loại là công việc
và bổn phận của mình. Việc tiếp thu kiến thức/thông tin mới phải gắn liền với khả
năng suy nghĩ và nghiên cứu độc lập của mỗi người. Người trí thức là người có
khả năng tiếp cận và áp dụng tri thức một cách tích cực, chủ động và hiệu quả
trong từng phạm vi hoạt động cụ thể của mình.
Do tôn thờ chân
lý, trí thức chỉ tin những gì đã được chứng minh đầy đủ và do đó bảo vệ sự thật
đến cùng. Khám phá ra chân lý là hạnh phúc cao nhất, do vậy họ có yêu cầu bức xúc
công bố và đòi hỏi được công bố (Galilê bị cấm công bố “quả đất tròn”). Tuy quyết
bảo vệ kết quả nghiên cứu bằng tranh luận, nhưng trí thức cũng sẵn sàng nhận
sai lầm, từ bỏ niềm tin, nếu có chứng minh đầy đủ – từ đó họ đòi hỏi tự do tư
tưởng, tự do ngôn luận… Tôn thờ cái tốt (thiện), trí thức rất nhậy cảm khi cái
xấu lộng hành (ví dụ bất công, áp bức, hạn chế tự do, dân chủ giả hiệu…). Can
đảm là một tính cách của trí thức: dám nói ra và dám bảo vệ chân lý. Khổng Tử
nói nho sĩ phải là người đủ ba phẩm chất: có trách nhiệm cao, có lòng tự trọng
và dũng cảm. Ngoài tài năng, giới trí thức xưa còn được ca ngợi là “phú
quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu sang
không làm mê muội, nghèo khổ không làm lay chuyển, bạo lực không khuất phục nổi).
Chính do được tôn
vinh, trí thức cũng có “thật” và “giả” vì có những người muốn được tôn vinh bằng
công sức tối thiểu. Một xã hội có quá nhiều trí thức “giả” là xã hội thoái hoá
và hỗn loạn, vì thứ “giả” này sẽ chiếm những địa vị cao, ảnh hưởng lớn, kể cả
có quyền cho phép nhiều loại “giả” khác phát triển.
·
Giáo
dục & NCKH trong nền kinh tế thế giới
Theo Stiglitz, một
nhà kinh tế lớn của World Bank, tri thức đóng một vai trò quan trọng trong việc
phát triển kinh tế và đảm bảo phúc lợi xã hội. Ông còn đề nghị cần phải xem xét
các vấn đề phát triển kinh tế dưới góc nhìn tri thức, ở đó, giáo dục đóng một
vai trò dẫn dắt cho sự phát triển. Trong nền kinh tế tri thức đó, sáng tạo là cực
kỳ quan trọng, vì vậy các doanh nghiệp nhỏ có thể cung cấp những nền tảng cho sự
đổi mới của xã hội tốt hơn nhiều so với các doanh nghiệp to lớn cồng kềnh.
Trong nền kinh tế
tri thức, các doanh nghiệp không chỉ nhận thấy tầm quan trọng của nghiên cứu
phát triển, mà họ còn thấy rằng việc nhanh chóng đưa các sản phẩm mới ra thị
trường còn quan trọng hơn nhiều. Vì vậy, để nhấn mạnh sự kết nối giữa hoạt động
nghiên cứu khoa học (tìm ra tri thức mới) và hoạt động sản xuất kinh doanh (biến
tri thức thành sản phẩm trên thị trường), các tổ chức đã đặt lại tên của bộ phận
Nghiên cứu & Phát triển (R&D) thành Nghiên cứu, Phát triển & Thương
mại hóa (R&D&C), hoặc Khoa học, Công nghệ & Dự án (S&T&P).
Sự chuyển đổi này càng cho thấy tốc độ ngày càng tăng của việc tạo ra tri thức
mới và đưa tri thức vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngày nay, với sự tiến bộ
của công nghệ, và yêu cầu cạnh tranh của thị trường toàn cầu, tốc độ đưa ra thị
trường của các thế hệ công nghệ mới được rút ngắn một cách đáng kể.
·
Giáo
dục trong bối cảnh Việt Nam
Ngày nay, nước ta
đang tiến hành công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước để theo kịp đà
phát triển của thế giới, việc nâng cao vị thế đất nước để hội nhập với xu hướng
phát triển chung của nhân loại trong nền kinh tế tri thức là một nhu cầu vô cùng
cấp bách. Điều này, đòi hỏi những chính sách đúng đắn của chính phủ trong việc
phát huy các điểm mạnh hiện tại, khắc phục những yếu kém, bất cập trong hai
lĩnh vực Giáo dục và KHKT, tiếp tục phát triển hơn nữa hạ tầng cơ sở và CNTT để
tạo thuận lợi cho các yếu tố khác phát triển.
Trong thời đại tri
thức, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần phải tạo được môi trường thuận lợi cho Giáo
dục đào tạo và NCKH, để từ đó nâng cao trình độ giáo dục chung của toàn dân.
Chính phủ và ngành giáo dục cần chú trọng vào việc tạo ra và đáp ứng đủ nhu cầu
về đội ngũ kỹ sư, công nhân tri thức, khoa học gia có đủ chất lượng, có khả
năng tiếp thu tri thức của thế giới, ứng dụng vào thực tiễn công việc, sáng tạo
và đóng góp và kho tàng tri thức chung của nhân loại.
Nền giáo dục đại học
ở nước ta đã trải qua nhiều lần cải cách, tuy nhiên các mô hình và phương pháp
giáo dục vẫn chưa có nhiều thay đổi mang tính đột phá. Người ta vẫn thấy hình ảnh
ông thầy đến lớp, làm nhiệm vụ truyền bá kiến thức, và sinh viên đến lớp lắng
nghe, ghi chép… Những hoạt động này lặp đi lặp lại như một cái máy, khiến cho
việc dạy và học thiếu hẳn tính sáng tạo, sinh động cần có. Mặc dù, người thầy
có chú trọng sử dụng những kỹ thuật truyền thụ nhằm tạo ra những phản ứng tích
cực nơi người học, và sinh viên cố gắng đến lớp đầy đủ để tiếp thu kiến thức,
nhưng hiệu quả đạt được vẫn không cao, vì cả thầy và trò đều tách rời những gì
được học, được dạy ra khỏi thực tế sinh động của cuộc sống. Thậm chí có những
môn học mang tính chất lý thuyết đơn thuần, hoặc nội dung quá lạc hậu so với thực
tế, khiến cho người học không thấy được những ứng dụng và ý nghĩa thực tiễn của
môn học.
Gần đây, nhiều trường
đại học đã và đang cố gắng tìm ra những hướng đi mới dựa theo các phương pháp
giáo dục ở các nước tiên tiến, chẳng hạn : tăng các giờ trao đổi, thực tập ngoại
khóa, các buổi seminar về những đề tài có liên quan đến môn học, cho sinh viên
đi khảo sát thực tế rồi báo cáo, sử dụng phương tiện Internet trong tìm kiếm
thông tin, tri thức… Những chuyển biến này làm phong phú hơn các nguồn cung cấp
tri thức cho sinh viên, tạo được hứng thú trong công tác học tập, giảng dạy… mặc
dù chưa nhiều và chưa phổ biến, nhưng đã phần nào tích lũy các thay đổi về lượng,
tạo những tiền đề cơ bản để chuẩn bị cho những thay đổi về chất của giáo dục đại
học ở nước ta sau này. Tuy nhiên để có những thay đổi tích cực và mạnh mẽ hơn
đòi hỏi phải có một sự định hướng rõ rệt từ phía nhà nước, sự thay đổi trong nhận
thức của các nhà làm công tác giáo dục, và ý thức của tất cả mọi người về một
nhu cầu đổi mới toàn diện, để có một phương pháp giáo dục đại học tiến bộ, phù
hợp với hoàn cảnh nước ta, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại
hóa đất nước.
·
Tự
do học thuật để thúc đẩy NCKH ở Việt nam
Tinh thần cốt lõi
của Tự do học thuật là biến Đại học trở thành một môi trường lý tưởng cho học tập
và nghiên cứu, ở đó chỉ có tri thức được tôn thờ. Mọi quan điểm, học thuyết, tư
tưởng đều được nghiên cứu và trao đổi một cách nghiêm túc, thẳng thắn, cởi mở để
tìm ra được những tri thức đúng đắn, nhằm ứng dụng vào cuộc sống, đóng góp vào
sự phát triển của xã hội. Ở đó, không có khái niệm gọi là vùng cấm hay nhạy cảm
không được đụng đến. Mọi tri thức đều phải được kiểm chứng và đánh giá dưới
nhãn quan khoa học.
Từ định nghĩa
trên, đối chiếu với bối cảnh Việt Nam, ta nhận thấy nhiều quy định hiện nay của
cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở giáo dục Đại học ở Việt Nam chưa đảm bảo
nguyên tắc Tự do học thuật này. Tư duy quản lý ở Việt Nam từ trung ương đến cơ
sở vẫn còn nặng về thủ tục hành chính theo kiểu "xin cho". Đại học ở
Việt Nam chưa được xem là một đơn vị độc lập có quyền tự chủ về hoạt động giáo
dục và nghiên cứu như ở các nước phát triển. Mọi vấn đề của đại học từ tuyển
sinh, mở ngành, công nhận kết quả, cấu trúc chương trình, giáo trình, cách đánh
giá, ngân sách hoạt động... đều phải thông qua Bộ GD-ĐT & các cơ quan quản
lý nhà nước.
Trên thực tế, mô
hình quản lý trói buộc như trên đã tỏ ra thiếu hiệu quả, và kiềm hãm sự phát
triển của hoạt động giáo dục và NCKH. Điều này thể hiện cụ thể ở nhiều mặt,
như: GV. không có hứng thú làm NCKH, chất lượng đào tạo thấp, năng lực của SV.
tốt nghiệp không đáp ứng nhu cầu xã hội, và sản phẩm giáo dục thường bị đánh
giá thấp bởi các doanh nghiệp sử dụng lao động... Hiện tượng thiếu tin tưởng của
các bậc phụ huynh đối với hệ thống giáo dục trong nước khi cho con em đi
"tỵ nạn giáo dục" ngày càng phổ biến, các biểu hiện tiêu cực trong
ngành giáo dục ngày càng nhiều về số lượng và càng nghiêm trọng về bản chất...
đều là những chỉ dấu cho thấy giáo dục Đại học Việt Nam hiện có quá nhiều vấn đề,
và rơi vào tình trạng khủng hoảng toàn diện. Chính vì vậy, hiện nay đã có sự đồng
thuận rất lớn trong xã hội là cần phải có một cuộc cải cách toàn diện ngành
Giáo dục. Phải thay đổi toàn bộ, từ triết lý giáo dục, tư duy quản lý, giáo
trình, cách đánh giá, cho đến các chính sách cụ thể... mới mong có thể cải thiện
chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, điểm then chốt nhất của đợt
cải cách giáo dục này là phải tạo điều kiện để đảm bảo môi trường tự do học thuật
cho các trường Đại học. Có như vậy, mới tạo ra những tiền đề căn bản và điều kiện
cần thiết cho những thay đổi sâu rộng hơn trong ngành Giáo dục.
Để phát triển
trong nền kinh tế tri thức, Đại học cần phải là thành trì vững chắc nhất cho những
tâm hồn khát khao chân lý và là nơi bất khả xâm phạm để các nhà trí thức có thể
yên tâm nghiên cứu, sáng tạo mà không lo sợ "phạm húy" hay bị đem ra
"đấu tố" một ngày nào đó. Nếu thực trạng thiếu tự do học thuật vẫn
còn duy trì, thì mọi nổ lực cải cách giáo dục đại học Việt Nam sẽ không đạt được
kết quả như kỳ vọng của xã hội. Bởi, bỏ qua tự do học thuật, mọi vấn đề cải
cách chỉ giải quyết được phần ngọn mà không chạm đến được phần gốc rễ, hay
nguyên nhân cốt lõi của nó.
Chỉ có một môi trường Tự do
học thuật thật sự mới có thể đảm bảo Đại học làm tốt vai trò của nó trong thời
đại tri thức, là cái nôi ươm mầm cho những đóa hoa tri thức, cho sự sáng tạo
các tư tưởng mới và cho khát vọng vươn tới những chân trời tri thức. Nếu muốn
thay đổi, chúng ta phải biết vượt qua những rào cản hiện tại, để có thể hái được
trái cấm trên cây tri thức của nhân loại. Có như thế, Đại học mới có thể tạo ra
những người trí thức đúng nghĩa, có năng lực sáng tạo, tự tin trong việc tìm kiếm
tri thức và giải quyết các vấn đề đầy khó khăn và phức tạp mà thời đại đang đặt
ra.