Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label thoisu. Show all posts
Showing posts with label thoisu. Show all posts

Wednesday, October 16, 2019

Đức Phật - nhà cách mạng

Xưa nay, người Việt Nam thường hiểu chưa đúng về 2 chữ "cách mạng". Có khi thì gắn nó với phong trào cộng sản và tô cho nó màu hồng của những gì tốt đẹp nhất, khi thì gắn nó với những cuộc nổi loạn gây bất ổn, xáo trộn xã hội và tô cho nó màu xám của những gì xấu xa nhất. Cả hai góc nhìn đều chưa đúng, và cho thấy cải hiểu chưa đầy đủ về ý nghĩa của 2 chữ này. Cần có một cái nhìn cân bằng và chính xác hơn về khái niệm này, để tránh rơi vào 2 thái cực như trên. Cách mạng có tốt và có xấu tùy theo mục tiêu và kết quả của nó. Bất kỳ ai cũng có thể làm cách mạng, chứ không riêng gì người cộng sản. Cách mạng có rất nhiều biểu hiện và phương thức, không nhất thiết là bạo động.

Theo định nghĩa trên Wikipedia, "cách mạng" là xóa bỏ cái cũ để thay thế bằng cái mới tiến bộ hơn, là một sự thay đổi sâu sắc, thường xảy ra trong một thời gian tương đối ngắn. Các cuộc cách mạng có thể dẫn đến thay đổi trong các thể chế chính trịxã hội, hoặc thay đổi lớn trong một nền kinh tế hay văn hóa. Cách mạng đã từng xảy ra trong nhiều lĩnh vực như xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế, công nghiệp,... Như vậy, theo định nghĩa này, hàm ý của cách mạng là tốt, nó thể hiện một sự thay đổi sâu sắc, thay cũ đổi mới cả về nội dung và hình thức. Vì vậy, sau một cuộc cách mạng, cái mới xuất hiện sẽ tôt hơn và tiến bộ hơn.

Nhưng người ta thường nghĩ đến cách mạng như là một phong trào, một sự thay đổi mang tính đột phá có thể dễ dàng nhìn thấy ở bên ngoài, mà ít ai nhìn thấy đó chỉ là kết quả của những thay đổi sâu xa hơn trong suy nghĩ, và tư tưởng của con người. Hầu hết mọi cuộc cách mạng đề bắt đầu từ thay đổi tư tưởng và cách suy nghĩ vậy. Hãy nhìn vào các cuộc cách mạng xưa nay trên thế giới, như cách mạng dân chủ Pháp, cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng thuế ở Ấn Độ thời Gandhi, hay gần đây hơn là cách mạng nhằm thay đổi các chế độ độc tài ở một số nước như: Ai Cập, Syria, Venezuela hay Hong Kong..., tất cả đều bắt đầu từ thay đổi trong nhận thức, tư tưởng. Dù thành công hay thất bại, mọi cuộc cách mạng đều hướng tới xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn trong tương lai. Những thất bại của các cuộc cách mạng tiến bộ thường là ngắn hạn, nó sẽ góp phần vào cuộc cách mạng tư tưởng và tạo nên những thay đổi thật chất trong dài hạn.

Vô tình đọc được một bài ca ngợi Đức Phật như một nhà cách mạng, mời mọi người cũng đọc để hiểu hơn về ý nghĩa của 2 chữ cách mạng. Xã hội Việt Nam đang ở một thời điểm rất cần một cuộc cách mạng như thế!

---

Ðức Phật - Nhà Cách Mạng

Ðặng Ngọc Chức



Có thể nói từ lúc đản sinh cho đến ngày nhập diệt, cuộc đời của đức Phật là kết tinh của những chuỗi ngày cách mạng kiêu hùng.
Theo sử sách, vừa mở mắt chào đời, thái tử Tất Ðạt Ða (Siddhartha) đã đứng dậy, ngoảnh mặt nhìn bốn phía, rồi đi bảy bước, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất, nói rằng: "Trên trời, dưới đất chỉ có Ta là chí tôn". Xong Ngài nói tiếp: "Từ vô lượng kiếp đến nay, phen này là hết". Hai lời tuyên bố đó có tính cách quyết định mục tiêu hành động của Ngài: đoạn trừ phiền não, quét sạch vô minh, giải thoát sanh tử, chứng đắc Niết bàn, thanh tịnh an lạc.
Chúng ta hãy tìm hiểu vai trò lãnh đạo và sách lược tiến công nhằm đạt đến mục tiêu tối thượng qua các cuộc cách mạng của Ngài.

Cách mạng xã hội:

Trước khi Phật ra đời, Ấn Ðộ là nước nhiễu nhưong, khốn khổ. Giống dân di mục A Ly A (Arya) đã nhanh nhẹn chinh phục thổ dân Ðạt La Tỳ Ðồ (Dravida). Họ thiết lập trật tự xã hội, tạo ra luật Mã Nổ (Manu), độc đoán chia dân Ấn ra làm bốn giai cấp:
  1. Giai cấp Bà La Môn (Brahman): tác giả pháp điển Mã Nổ, là giai cấp cao quí nhất, độc quyền về học thuật, tư tưởng va chủ trì tế lễ.
  2. Giai cấp Sát Ðế Lỵ (Ksatriya): giữ độc quyền về chính trị theo thể chế cha truyền con nối. Họ có toàn quyền sinh sát.
  3. Giai cấp Phệ Xá (Vaisya): gồm giới nông, công, thương, không được quyền học hỏi, sống nai lưng ra làm việc để phục vụ cho hai giai cấp giáp sĩ và quí tộc. Họ tha hồ bị áp bức, bóc lột.
  4. Giai cấp Thủ Ðà La (Sudra): gồm các thổ dân tiền trú và giống người Ðạt La Tỳ Ðồ bại trận. Ðây là giai cấp bần cùng, sống trong tủi nhục, bi đát.
Chế độ phân chia giai cấp và người bóc lột người đã làm cho xã hội Ấn Ðộ ngày càng băng hoại.
Thái tử Tất Ðạt Ða, con người bằng xương bằng thịt, sanh ra và lớn lên như muôn ngàn người khác, và mặc dù sống trong nhung lụa, quyền thế, Ngài đã sớm ý thức được cảnh bất công, gian ác của giai cấp thống trị và số kiếp đọa đày, khốn nạn của giai cấp bị trị, nên khi còn ngồi thiền dưới gốc cây Bồ Ðề, Ngài đã khẳng định nguyên lý của cách mạng ấy là: "Ðại địa chúng sanh giai hữu Như Lai trí tuệ đức tánh (hết thảy chúng sanh đều có đức tánh trí tuệ Như Lai)". Và sau khi đắc đạo, thấy rõ thực tướng của vạn pháp là Vô thường - Khổ - Không - Vô ngã, thấy chúng sanh quay cuồng trong tam đồ lục đạo, thấy mọi hiện tượng thế gian đều sanh thành và hủy diệt theo tiến trình Thành - Trụ - Hoại -Không, Ngài thốt lên những lời hùng tráng như tiếng sư tử giữa núi rừng dày đặc:
Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm kẻ xây nhà
Tìm mãi vẫn không ra
Nên luân hồi đau khổ. (Pháp Cú 153)

Hỡi kẻ làm nhà kia
Ta thấy mặt ngươi rồi
Rui mè đòn dông gãy
Ngươi hết làm nhà thôi
Tâm ta chừ tịch tịnh
Tham ái dứt bặt rồi. (Pháp Cú, 154
)

Với lòng từ bi cứu độ chúng sanh, với ý thức không ai có quyền tước đoạt quyền sống, quyền bình đẳng, và quyền mưu cầu hạnh phúc của người khác, Ngài xác quyết: "Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh (tất cả chúng sanh đều có Phật tánh)", và "Tứ chúng xuất gia đồng qui Thích thị (bốn giai cấp xuất gia đều mang họ Thích)". Chính vì thế mà Ngài đã dang tay đón nhận một Ưu Ba Ly (Upali) sống bằng nghề hớt tóc, thuộc giai cấp Thủ Ðà La vào giáo hội, về sau chứng quả A La Hán, thành một trong mười đệ tử vĩ đại của Phật, đứng đầu về giới luật; một tiện nữ Bát Cát Ðế (Pakati) lăng loàn, sau cũng chứng quả A La Hán; rồi đến vũ nữ Kuvalaya chuyên nghề bán phấn buôn hương; Ương Khuất Ma La (Angulimala) cuồng tín giết người đến loạn trí; vua A Xà Thế (Ajatasatru) tham quyền đến sát hại vua cha là quốc vương Tần Bà Sa La (Bimbisara), cùng vô số công hầu khanh tướng, bá tánh lê dân, tất cả đều được Phật hóa độ theo tinh thần Từ - Bi - Hỷ - Xả.
Rõ là không tốn một viên đạn, không mất một mũi tên, không đổ một giọt máu, đức Phật đã giảng dạy đạo lý như thật, làm đảo lộn cái mà giai cấp Bà La Môn cho là nề nếp vua quan, kỷ cương luân lý và trật tự xã hội. Ðức Phật đã lên án chế độ giai cấp, phong kiến và bóc lột. Con người là con người, không có con người Bà La Môn hay con người Sát Ðế Lỵ. Nhờ tôn chỉ cách mạng, mục tiêu hành động và ý thức giác ngộ của quần chúng, xã hội Ấn Ðộ dần dần được đổi mới, chế độ giai cấp bị tan rả, nhân dân sống trong thuần lương an lạc.

Cách mạng tư tưởng:

Nhờ giáo pháp của Phật, quần chúng nhân dân Ấn Ðộ đã hoàn thành cách mạng xã hội và chuyển sang cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng. Ðây là cuộc cách mạng nồng cốt, nhằm giải quyết tự ngã. Ðức Phật đã chỉ rõ đâu là căn nguyên của khổ đau, sinh tử, và vạch ra phương pháp đi đến giải thoát.
Lịch sử tư tưởng Ấn Ðộ cho thấy trong thời đức Phật có tới 62 hệ phái thần học và triết học khác nhau, luận chiến quyết liệt về nguồn gốc của nhân sinh và vũ trụ. Các luận sư tha hồ triển khai học thuyết: nào là duy vật duy thần, ngẫu nhiên tiền định, tương đối hoài nghi, thường kiến đoạn kiến v.v... Dân chúng hoang mang ngơ ngác không biết đâu mà theo.
Như nước trong đại dương chỉ có một vị mặn, giáo pháp của Phật cũng chỉ có một hương vị giải thoát. Lời Phật dạy là chánh pháp, là chân lý tuyệt đối. Phật dạy khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ. Phật dạy các pháp do duyên sanh, không có thật tướng, gọi là vô ngã. Chân lý ấy xưa nay không ai có thể phủ nhận. Chính vì thế mà Xá Lợi Phất (Sariputra) sau khi nghe Mã Thắng (Assaji) đọc bốn câu kệ thì bỏ thầy bỏ đạo, lên đường theo Phật không chút do dự.
Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên (Maudgalyayana) là hai nhà biện tài và thần thông nổi tiếng thuộc nhóm lục sư ngoại đạo. Một hôm Xá Lợi Phất gặp Mã Thắng đang đi khất thực trong thành Vương Xá, thấy phong thái uy nghi tự tại của Mã Thắng, Xá Lợi Phất cảm phục đến gần hỏi đạo, được Mã Thắng giảng lý duyên sanh gồm trong một bài kệ:
Các pháp do duyên sanh
Lại cũng do duyên diệt
Thầy ta là đức Phật
Thường thuyết giảng như vậy.

Xá Lợi Phất nghe xong thì bừng tỉnh, sung sướng xin quy y Phật. Sau đó Xá Lợi Phất đưa Mục Kiền Liên và hàng trăm đạo hữu đến thọ giáo Ngài. Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên trở thành hai cao đệ trí tuệ và thần thông đệ nhất của Phật. Sáu mươi hai trường phái tư tưởng cũng qui phục Ngài.
Ðức Phật đã làm một cuộc cách mạng tư tưởng tận căn đế. Ngài đã chỉ cho chúng sanh thấy vô minh là nguồn gốc của mọi đau thương khốn khổ trên đời. Do đó, mỗi Phật tử phải là một chiến sĩ dũng mãnh, tinh tấn, mặc giáp trụ giới đức, mang cung kiếm định tuệ, bắn phá rừng vô minh, nhổ gốc rễ tham ái, tiêu diệt địch tham sân. Bởi vì, làm cách mạng văn hóa tư tưởng là làm cách mạng tự thân, tự tâm thanh tịnh thì tư tưởng trong sáng, ngôn ngữ nhu hòa, hành động ái kính, xã hội do đó ngày càng trở nên thanh bình, an lạc. Ðúng là:
Tự ta gây ác nghiệp
Tự ta nhiễm cấu trần
Tự ta tránh ác nghiệp
Tự ta tịnh thân tâm
Nhiễm tịnh do ta cả
Không ai thanh tịnh ai. (Pháp Cú, 165)

Ðức Phật không hô hào đốt cháy, tẩy chay cái gọi là văn hóa lai căn, tư tưởng tiêu cực; Ngài chỉ cho ta thấy đâu là căn nguyên của khổ đau và giải thoát, xung đột và an lạc. Cuộc cách mạng xã hội và tư tưởng văn hóa của Ngài không những thành công ở Ấn Ðộ cách đây 25 thế kỷ, mà sẽ còn ảnh hưởng và thành công trong dòng lịch sử của nhân loại.
(Nguồn: https://www.budsas.org/uni/u-vbud/vbpha106.htm)

Friday, June 15, 2018

THẾ NÀO LÀ MỘT CHÍNH SÁCH TỐT VỀ AN NINH MẠNG?


THẾ NÀO LÀ MỘT CHÍNH SÁCH TỐT VỀ AN NINH MẠNG?

TS. Phạm Quốc Trung, Khoa QLCN, ĐHBK Tp.HCM

Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của CNTT-VT và mạng lưới Internet, các tổ chức, quốc gia đều nhận thấy những lợi ích mà hệ thống thông tin (HTTT) mang lại, như là giúp con người: làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn và thông minh hơn. Vì vậy, các tổ chức và quốc gia đều đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT-VT và Internet trong việc xây dựng các HTTT của mình, như hệ thống TMĐT hay chính phủ điện tử, xem đó như là chiến lược nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của tổ chức hay quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích mang lại, những vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh HTTT và dữ liệu cũng ngày càng trở nên quan trọng, bởi thông tin và HTTT đã trở thành 1 loại tài sản quý giá của tổ chức cần phải được bảo vệ. Ngày nay, các vấn đề về an toàn, an ninh HTTT có thể gặp ở khắp nơi, như: virus, trojan, tấn công mạng, tấn công từ chối dịch vụ, đánh cắp dữ liệu, thiết bị, xâm nhập CSDL trái phép, tiến hành các giao dịch trái phép… Tuy nhiên, làm thế nào để bảo vệ an toàn, an ninh HTTT, hay để đưa ra một chính sách tốt về an ninh máy tính giúp hạn chế đến mức tối thiếu các thiệt hại vẫn là 1 câu hỏi khó đối với các nhà quản lý. Bài viết này, dựa trên kinh nghiệm cá nhân của một người đang giảng dạy và nghiên cứu về lĩnh vực HTTT ở VN để đưa ra một số phân tích, nhận xét, góp ý cho các nhà quản lý về ANM. Hy vọng bài viết sẽ giúp những người ngoài ngành hiểu thêm về vấn đề khá mới và còn nhiều tranh cãi này.

Trước hết, để đơn giản, trong bài viết này, các khái niệm An ninh máy tính, An ninh thông tin, hay An ninh mạng… được xem là tương đồng nhau, cùng chỉ đến phương thức để bảo vệ sự an toàn, an ninh của các hạ tầng CNTT-VT, dữ liệu, thông tin, HTTT quan trọng… của tổ chức, đảm bảo tổ chức vận hành hiệu quả, ổn định và an toàn. Để có được chính sách an ninh thông tin tốt, người quản lý HTTT cần nhận diện các mối đe dọa đối với an toàn, an ninh của HTTT. Theo các tài liệu học thuật về HTTT (Kroenke, 2014), có ba nguồn đe dọa an ninh thông tin chính bao gồm:

-          Sai lầm hoặc vi phạm (không cố ý) của con người, hoặc bất kỳ ai khi sử dụng hệ thống.

-          Hành vi cố ý phá hoại của con người, chủ yếu là các hacker, hay nhân viên chống đối.

-          Thảm họa từ thiên tai, như: động đất, lũ lụt, hỏa hoạn, sóng thần, sét đánh…

Trong đó, hành vi cố ý phá hoại của hacker được xem là nguy hiểm nhất. Theo các thống kê về tình hình tội phạm máy tính và Internet, với xu hướng phát triển của các công nghệ phòng chống virus và ngăn ngừa tấn công phá hoại, ngày nay, số lượng các cuộc tấn công nhỏ lẻ từ các cá nhân đã giảm xuống, nhưng mức độ nghiêm trọng và tổn hại từ các vụ tấn công mang tính tổ chức lại tăng lên. Hơn nữa, các số liệu thống kê cũng cho thấy các vấn đề an ninh nghiêm trọng gần đây liên quan đến việc đánh cắp dữ liệu, gián điệp mạng, tấn công phá hoại, hoặc chiến tranh mạng… chủ yếu đến từ các tội phạm mạng có tổ chức, hoặc được tài trợ bởi các chính phủ độc tài hay được vận hành bởi các tổ chức khủng bố quốc tế. Vì vậy, mối quan tâm về an ninh mạng hiện nay trên thế giới tập trung vào bảo vệ an toàn HTTT trước mối đe dọa từ tội phạm mạng có tổ chức là trên hết. Hơn nữa, việc tấn công mạng ngày nay còn có chiều hướng mở rộng ra các lĩnh vực khác, gây xâm phạm chủ quyền quốc gia, và có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh mạng. Chính vì vậy, tổng thống Obama khi đến TQ đã đề cập bóng gió đến vấn đề này.

Bảng dưới đây tóm tắt một số vấn đề về an toàn, an ninh HTTT mà các tổ chức thường gặp, như là: rò rỉ dữ liệu, chỉnh sửa sai dữ liệu, dịch vụ báo lỗi, từ chối dịch vụ, và mất mát thiết bị... Kết nối các vấn đề này với ba nguồn đe dọa đã được nhận diện trên đây sẽ giúp mọi người dễ hình dung hơn về các vấn đề mà một chính sách an toàn, an ninh HTTT nên chú ý.

Bảng 1. Các vấn đề an ninh HTTT và những nguồn đe dọa

Theo Viện Quốc gia về Chuẩn và Công nghệ (NIST) của Mỹ (https://www.nist.gov/), một chính sách an ninh thông tin tốt cần có các đặc tính sau:

1.      Cần hỗ trợ nhiệm vụ, mục tiêu của tổ chức

2.      Cần tích hợp chặt chẽ với các hoạt động quản trị khác

3.      Cần tiết kiệm chi phí

4.      Trách nhiệm và tính giải trình cần được chỉ rõ

5.      Cần xem xét tính liên đới với an toàn an ninh bên ngoài hệ thống

6.      Cần một cách tiếp cận tích hợp và toàn diện

7.      Cần được tái đánh giá theo định kỳ

8.      Cần tuân theo các ràng buộc và quy chuẩn xã hội

Từ những thông tin trên, hãy cùng nhìn lại luật An ninh mạng (ANM) mà Quốc hội Việt Nam vừa thông qua 12/6/2018, và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019 để xem đó có phải là 1 chính sách tốt về an ninh thông tin hay không. Đầu tiên, cần nhận thấy luật an ninh mạng vừa được thông qua chưa thể xem là tốt bởi nó chưa đáp ứng đầy đủ các đặc tính trên. Cụ thể là, luật ANM của Việt Nam đã không thỏa mãn các đặc tính: 3 (tiết kiệm), 4 (trách nhiệm và giải trình), 6 (tiếp cận toàn diện), và 8 (tuân theo các ràng buộc xã hội). Hãy cùng tìm hiểu vì sao nhé!

-          Về chi phí triển khai: Theo nhiều phân tích trong và ngoài nước, khi triển khai luật này, chi phí cho các DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT-VT và các tổ chức kiểm tra, giám sát sẽ tăng lên rất lớn khi phải trang bị các hạ tầng phần cứng, phần mềm, CSVC liên quan và con người để có thể lưu trữ dữ liệu, quản lý vận hành hệ thống ở Việt Nam. Đó là chưa kể đến chi phí của các DN ngoài ngành có sử dụng các phần mềm, ứng dụng do các DN nước ngoài cung cấp. Theo luật này, họ sẽ phải chuyển đổi sang nhà cung cấp khác, nếu các DN phần mềm nước ngoài không đáp ứng các yêu cầu đặt ra của luật an ninh mạng của VN. Nhìn chung, chi phí (cả vô hình và hữu hình) của DN và các cơ quan nhà nước sẽ tăng vọt khi triển khai. Theo tôi được biết, luật ANM ở Trung Quốc tuy đã được thông qua, nhưng vẫn chưa thể đi vào triển khai trên thực tế, chính vì yêu cầu kỹ thuật về việc dời các trung tâm lưu trữ dữ liệu và kiểm tra, giám sát một lượng lớn dữ liệu là không thể đáp ứng được và làm phát sinh chi phí quá lớn khi đi vào vận hành thực tế. Điều này, trái với nguyên tắc tiết kiệm, và các nhà quản lý ANM phải cân nhắc đánh đổi giữa an ninh và hiệu quả/ thuận tiện khi vận hành. Đôi khi, để tiết kiệm chi phí, DN cần phải chấp nhận 1 mức độ rủi ro ở chừng mực nào đó, chứ không thể đảm bảo an toàn, an ninh 100%.

-          Về trách nhiệm và giải trình: luật ANM cũng trao quyền rất lớn cho các cơ quan an ninh trong việc thu thập dữ liệu khách hàng từ các DN, mà không có các yêu cầu tương ứng về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, điều này sẽ dẫn đến sự lạm quyền, và có khả năng chồng chéo, và vi phạm đến các quyền riêng tư, và tự do kinh doanh, tự do ngôn luận đã được quy định trong các bộ luật khác. Ngay cả ở phạm vi tổ chức, chính sách an ninh tốt cần ngăn ngừa cả sự lạm quyền của người quản trị mạng, admin… để tránh việc vi phạm quyền riêng tư của nhân viên. Điều này đã được thảo luận và gây tranh cãi trong nhiều tình huống, bởi có những hành vi có thể không vi phạm quy định về an toàn an ninh nhưng sẽ vi phạm vấn đề đạo đức, và xâm phạm quyền riêng tư, tự do cá nhân. Các bộ luật tương tự ở các nước phát triển đều nhấn mạnh đến trách nhiệm bảo vệ an toàn dữ liệu và đảm bảo quyền riêng tư, và tự do truy cập của người sử dụng. Ở đây, cần nhấn mạnh sự cân bằng giữa an ninh và an toàn dữ liệu/ thông tin. Luật ANM của VN quá chú trọng vào an ninh, tính dễ kiểm soát, mà xem nhẹ tính an toàn, riêng tư, và thuận tiện của người sử dụng.

-          Về tiếp cận tích hợp và toàn diện: luận ANM của VN chưa xem xét vấn đề an toàn an ninh thông tin dưới nhiều góc nhìn của các bên liên quan, mà chỉ quan tâm đến góc nhìn của cơ quan quản lý, mà cụ thể là Bộ Công An. Điều này, sẽ bỏ qua những góc nhìn khác cũng rất quan trọng trong tổng thể bức tranh về an ninh mạng, như: cá nhân, nhà kỹ thuật, nhà khoa học, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, Bộ Công thương (Cục TMĐT), Bộ KH-CN (Cục SHTT)… Theo cá nhân tôi, bộ luật này đòi hỏi sự hiểu biết sâu về CNTT-VT, một lĩnh vực có sự thay đổi rất nhanh chóng, vì vậy, cần có sự tham gia ý kiến, tư vấn và phối hợp của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ KH-CN, hiệp hội CNTT, doanh nghiệp và người tiêu dùng… thì mới đảm bảo tính tích hợp và toàn diện của các chính sách đề ra, cũng như hạn chế sự chồng lấn của luật ANM với các bộ luật hiện hành có liên quan.

-          Về tuân theo các ràng buộc xã hội: bất kỳ luật mới nào được ban hành cũng cần phù hợp với các ràng buộc đã có trước đây, và phải tương thích với các thỏa thuận VN đã ký với quốc tế. Trái với tinh thần hội nhập quốc tế và tự do hóa thương mại, luật ANM của VN đã hạn chế sự tự do kinh doanh, tự do biểu đạt và tự do truy cập, mà LHQ đã xem là những quyền căn bản của con người. Chính vì vậy, các tổ chức quốc tế và chuyên gia về an ninh mạng cũng đã có những kiến nghị với chính phủ VN về khả năng vi phạm các cam kết quốc tế khi VN thông qua luật ANM. Vừa rồi, chúng ta đã thấy các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân ở cả 3 miền đất nước để phản đối luật đặc khu và an ninh mạng, điều này phản ánh mối quan tâm rất lớn của xã hội đối với 2 vấn đề này. Đặc biệt, cả 2 vấn đề đều ít nhiều liên quan đến Trung Quốc, một thế lực đang gây đe dọa cho thế giới về an ninh cả trên thế giới thực và thế giới ảo. Luật ANM này được cho là bản sao chép từ luật ANM của Trung Quốc, bởi sự giống nhau đến kinh ngạc của 2 bộ luật. Không lo sao được khi cả Mỹ và Úc đều chỉ ra các thiết bị viễn thông sản xuất bởi Huawei (TQ) là có chip gián điệp, trong khi hầu hết các thiết bị ở VN đều sử dụng linh kiện của Huawei. Các trung tâm phân tích dữ liệu từ các cuộc tấn công mạng, lấy cắp dữ liệu… gần đây đều cho thấy chúng được thực hiện từ TQ bởi các tổ chức thân chính phủ hoặc được tài trợ bởi chính phủ TQ. Cần phải xem xét những quan tâm của người dân, xã hội trong việc ban hành và xây dựng luật ANM thì nó mới có thể đi vào cuộc sống, giúp đảm bảo mọi người tuân theo và đạt được mục tiêu của bộ luật ANM là xây dựng 1 không gian mạng an toàn, lành mạnh.

Hơn nữa, một chính sách đầy đủ về an toàn an ninh máy tính trong 1 tổ chức thường bao gồm 3 thành phần như sau:

1.      Một phát biểu chung về chương trình an ninh máy tính của tổ chức.

2.      Các chính sách gắn với từng vấn đề cụ thể.

3.      Các chính sách gắn với từng hệ thống thông tin cụ thể.

Luật ANM hiện nay của VN vừa được thông qua dường như chưa đi vào các vấn đề cụ thể đang còn gây tranh cãi, hay các hệ thống cụ thể. Điều này có lẽ do nhóm soạn thảo cũng chưa có đủ thông tin về các vấn đề ANM mà VN đang gặp phải, hoặc phải cần thêm nhiều thông tư, văn bản hướng dẫn đi kèm. Để có thể đưa ra được các chính sách cho từng vấn đề cụ thể, đòi hỏi nhóm soạn thảo luật ANM cần phải phân tích dữ liệu về các vấn đề an toàn, an ninh thông tin hiện nay ở VN và trên thế giới một cách kỹ lưỡng. Trên cơ sở đó, mới có được các chính sách phù hợp với bối cảnh VN, và đảm bảo theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của lĩnh vực này. Chỉ có trên cơ sở phân tích các vấn đề rủi ro có thể gặp, các thành phần của HTTT dễ bị tổn thương, tần suất xuất hiện, mức độ nghiêm trọng, chi phí cài đặt các giải pháp ngăn ngừa… nhà quản lý mới sắp được thứ tự ưu tiên của các vấn đề cần quan tâm, từ đó, hình thành nên các chính sách chung và riêng phù hợp, giúp đảm bảo sự phát triển lành mạnh của không gian mạng, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế và xã hội trong thời đại kỹ thuật số.

Hơn nữa, luật hay chính sách cần phải đi kèm với các biện pháp kỹ thuật phần cứng, phần mềm, con người và hạ tầng phù hợp. Với đà tiến triển như vũ bão của CMCN 4.0, chúng ta cần những chuyên gia am hiểu về các khái niệm mới, như: dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet của vạn vật, thực tại ảo, kinh tế số… Trong thời đại kỹ thuật số, luật ANM là rất cần thiết, và nên được xây dựng một cách kỹ lưỡng bởi những người am hiểu. Nếu những người đề xuất và bấm nút thông qua luật ANM mà thiếu sự am hiểu cần thiết về lĩnh vực này, thì đó sẽ là một sự rủi ro rất lớn cho đất nước về an toàn, an ninh mạng trong tương lai. Hy vọng, bài viết này sẽ góp phần giúp chúng ta hiểu thêm về một số khái niệm liên quan và nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề ANM. Nếu may mắn, thì biết đâu những góp ý này sẽ góp phần giúp VN có được một bộ luật ANM tốt hơn cho đất nước. Mong lắm thay!

Tuesday, October 18, 2016

Ghét chuột

Ghét chuột

1. Vốn trời sinh ra dân
Ấm no đều muốn được
Ôi! Xưa bậc thánh nhân
Dạy dân trồng ngũ cốc
Cha mẹ được phụng thờ
Vợ con được săn sóc
2.Chuột lớn sao bất nhân ?
Gậm khoét thật thảm độc
Đồng ruộng trơ rơm khô
Kho đụn kiệt gạo thóc
Khó nhọc nông phu than
Đói gầy nông phụ khóc.
Sao dám khinh mạng dân?
Phá hoại thật tàn khốc
Rình mò dưới lỗ hang
Thần dân đều căm tức!
3.Quấy nhiễu mất lòng người 
Tất bị người xé xác
Thây phơi khắp thị thành
Thịt quạ diều rỉa bóc
Khiến cho lớp dân tàn
Cùng an hưởng hạnh phúc.
(Bạch Vân am thi tập - Ngô Lập Chi dịch)

Lâu lâu, đọc lại thơ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để hiểu và cảm nhận hết về tấm lòng thương dân của Cụ. Càng thương người dân nghèo đói khổ lam lũ bao nhiêu, thì càng ghét bọn quan lại tham ô, nhũng nhiễu của dân bấy nhiêu.
Trớ trêu thay tình cảnh người dân ta ngày nay cũng không khác mấy so với tình cảnh đáng thương của cha ông họ hơn 300 năm trước. Hãy nhìn mà xem, nạn tham nhũng ngày nay đã trở thành bất trị, chúng ăn của dân không từ thứ gì, từ tiền lương, tiền thuế, tiền bảo hiểm, rút ruột dự án, tăng giá vô tội vạ... cho đến cả tiền cứu trợ mà chúng còn ăn được. Thật là một lũ sâu bọ!
Người dân ở xứ Vệ ngày nay cũng rất căm ghét bọn cường hào, ác bá mới. Không những tham nhũng tiền bạc, chúng còn tham nhũng cả quyền lực bằng cách xây dựng phe cánh, đưa cả dòng họ vào bộ máy công quyền, mua quan bán chức diễn ra ở khắp mọi nơi mọi cấp độ. Khắp nước, nhìn đâu cũng thấy đủ loại chuột bọ. Chúng ăn tàn phá hại, cả một đất nước tan hoang. Vì thế, ai cũng muốn diệt cho sạch lũ chuột này càng sớm chừng nào càng tốt chừng ấy. Chuyện buồn cười là, bọn chuột ấy tổ chức đại hội bắt chuột. Trong đại hội 1, chúng nhắc nhau rằng "diệt chuột đừng để vỡ bình nhé". Sau 1 thời gian, không bắt được chuột mà tình hình tham nhũng ngày càng ổn định. Chúng tổ chức đại hội lần 2, lần này chúng đề ra khẩu hiệu "đánh chuột phải làm thường xuyên và nhẹ nhàng như chải răng". Cả đại hội chuột vỗ tay tán thưởng. Người dân biết chuyện chỉ còn biết kêu trời: "Trời ơi, mau cử ông Thiên lôi xuống đây diệt dùm lũ chuột này cho dân nhờ".
Mong sao, ông trời sớm nghe được tiếng kêu cứu này để người dân xứ Vệ bớt khổ. Để những người thức giả không phải ngồi ngâm nga bài thơ Ghét chuột nữa.