Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label pqt. Show all posts
Showing posts with label pqt. Show all posts

Tuesday, December 22, 2020

Năm 2020 - một năm "trải nghiệm trực tuyến" đáng nhớ


Năm 2020 - một năm "trải nghiệm trực tuyến" đáng nhớ

Cuối năm, là khoảng thời gian để mỗi người cùng ngẫm nghĩ về một năm đã qua và lên kế hoạch cho một năm sắp tới. Năm 2020 sắp khép lại là một năm gắn liền với đại dịch Covid-19, làm ảnh hưởng tới mọi người, mọi quốc gia. Nói chung, trong năm qua, mọi tổ chức thuộc mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực đều bị xáo trộn và ảnh hưởng ở mức độ nhiều hoặc ít khác nhau. Khi nhìn lại năm vừa qua, một cụm từ hiện ngay lên trong đầu tôi, đó là cụm từ "trải nghiệm trực tuyến". Có thể nói, do ảnh hưởng của virus Corona trên phạm vi toàn cầu, các chính sách giãn cách xã hội của nhiều nước, và các quy định hạn chế tiếp xúc giữa người với người do Covid-19, mà trong năm 2020, rất nhiều hoạt động trên thế giới thực đã buộc phải chuyển qua thế giới ảo, môi trường trực tuyến và không gian mạng Internet. Điều này mang lại cho nhiều người những trải nghiệm trực tuyến vừa bỡ ngỡ, lúng túng và cũng vừa thú vị. Xin chia sẻ lại một số trải nghiệm trực tuyến của tôi trong năm vừa qua như là những ký ức thú vị về một năm dịch bệnh và cũng nhiều biến động.

Đầu tiên, là kinh nghiệm giảng dạy livestream bằng video tương tác qua Youtube, phối hợp với Google Meet theo quy định của trường trong HK2 năm 2019-2020. Ngay sau tết Canh Tý, các trường đồng loạt cho HS-SV nghỉ học từ 1-3 tháng, và một số trường đã triển khai giảng dạy trực tuyến một phần hay toàn phần. Một số trường từ tiểu học đến đại học cũng đã áp dụng hình thức giảng dạy trực tuyến để tránh việc mất bài của học sinh do nghỉ học kéo dài. Trong xu thế đó, ĐHBK Tp.HCM cũng không phải ngoại lệ. Ban đầu, giảng dạy online chỉ giới hạn ở việc upload bài giảng và các video quay sẳn lên hệ thống e-learning của trường cho SV tự học. Nhưng sau đó, trường đã ra quy định yêu cầu tất cả các môn phải triển khai thêm phương thức giảng dạy livestream qua Youtube và tương tác qua Google Meet. Việc triển khai này ban đầu cũng gặp phải một số khó khắn, lúng túng trong việc triển khai, do việc yêu cầu các thầy/cô phải đến studio của trường thay vì thực hiện từ nhà, cộng với việc thiếu truyền thông và đào tạo một cách đầy đủ. Nhưng sau một thời gian, thì mọi việc cũng đâu vào đấy, các thầy/cô và SV cũng dần thích nghi với hình thức giảng dạy và học tập trực tuyến. Đối với tôi, việc triển khai các yêu cầu này không có gì khó khăn lắm vì đúng chuyên môn của mình là lĩnh vực MIS. Tuy nhiên, qua trải nghiệm giảng dạy trực tuyến của mình, tôi cũng nhận thấy một số hạn chế của phương pháp giảng dạy online như: mức độ tập trung và gắn kết của SV chưa cao (những tuần đầu có sự hào hứng thì số lượt xem và làm BT online tốt, nhưng giảm dần ở các tuần sau), mức độ tương tác thấp (số câu hỏi trong các buổi tương tác thường ít và chất lượng câu hỏi thấp do người học không chuẩn bị trước), sự sẳn sàng của người học thấp, khó triển khai các phần thực hành và làm việc nhóm...

Cũng trong HK này, tôi cũng đã tham gia một số phiên bảo vệ đề cương, LVTN trực tuyến qua Google Meet. Nhìn chung, cũng không khác mấy so với phiên bảo vệ truyền thống, nhưng bảo vệ trực tuyến đòi hỏi các thành viên HĐ và SV bảo vệ cũng cần làm quen với các công cụ và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng gặp phải một số trục trặc về kỹ thuật, như: âm thanh không rõ, bị tiếng vang, một vài thành viên bị rớt mạng, chia sẻ màn hình cũng chưa tốt do người dùng chưa quen... Việc hỏi đáp cũng tương đối ổn, mặc dù có đôi chỗ âm thanh bị trễ và có cảm giác người nói không diễn tả được hết ý. Điểm hay của bảo vệ online là có thể ghi lại (record) phiên bảo vệ để nghe hoặc xem lại khi ghi biên bản sau này. Ngoài ra, trong dịp này, tôi cũng có trải nghiệm tham gia 1 phiên bảo vệ LATS mà thầy hướng dẫn ở nước ngoài, kết nối với HĐ thông qua hệ thống trực tuyến chuyên dụng. Với hệ thống này thì chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn khi trao đổi. Đây cũng là một kinh nghiệm thú vị, ở đó, các thành viên HĐ có thể nghe nhận xét và trao đổi trực tuyến với GVHD ở  một khoảng cách địa lý rất xa.

Trong thời điểm cao trào của dịch Covid-19, một số buổi họp bộ môn và họp khoa cũng phải được tiến hành online. Việc họp online nói chung là có chất lượng tốt hơn so với giảng dạy, vì quy mô nhỏ hơn, và các thầy/cô cũng đã quen sử dụng công cụ sau 1 HK triển khai giảng dạy tương tác. Ngoài ra, ở 2 học kỳ vừa qua, tôi cũng chủ động sử dụng phương pháp họp trực tuyến qua Google Meet để tổ chức họp lớp giữa GVCN với các SV trong lớp mà tôi chủ nhiệm. Việc họp tỏ ra thuận tiện, vì cả thầy và trò đểu có thể kết nối từ bất cứ nơi nào theo lịch họp đã định. Tuy nhiên, cũng có một vài vấn đề gặp phải, đó là: một vài SV kết nối nhưng không nghe và đi làm việc gì khác (việc này cũng gặp phải khi họp khoa), hoặc tham gia thiếu tích cực khiến chất lượng thảo luận thấp và việc hỏi đáp rất ít, không được như buổi họp trên thế giới thực. Ngoài ra, một số tiếng ồn hoặc trục trặc kỹ thuật cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng buổi họp.

Đến khoảng tháng 8, tôi lại có dịp  được trải nghiêm tham gia một khóa học In-Country Workshop tổ chức trực tuyến do ĐHBK Tp.HCM phối hợp với ĐH. Arizona (Mỹ) với chủ đề về "phát triển kỹ năng giảng dạy trực tuyến và xây dựng hệ sinh thái trực tuyến". Nội dung khóa workshop khá sát và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, so với các workshop truyền thống, thì workshop trực tuyến trên môi trường Zoom có vẻ khó tiếp thu hơn cho người tham dự, mặc dù chất lượng đường truyền và hệ thống kỹ thuật tương đối ổn. Cảm giác chung của tôi là có một khoảng cách "vô hình" giữa người dạy và người học khiến việc tương tác bị hạn chế và workshop không đạt được chất lượng như kỳ vọng. Trên thực tế, các giảng viên từ ĐH. Arizona đã sử dụng và chia sẻ khá nhiều kỹ thuật hỗ trợ cho việc học trực tuyến, như: Kahoot, case study, survey, sandbox trên e-learning, Q&A... , nhưng hiệu quả đạt được vẫn chưa cao. Có lẽ hiểu được hạn chế này, ban tổ chức đã sử dụng hệ thống trợ giảng (TA) tại chỗ để nâng cao hiệu quả buổi học, như: giải đáp một số thắc mắc và hướng dẫn hoạt động..., nhưng có vẻ các TA vẫn chưa hoàn thành tốt vai trò kết nối giữa giảng viên và người học. Hy vọng, ở những khóa học trực tuyến trong tương lai, ban tổ chức và đội ngũ TA sẽ làm tốt hơn vai trò của mình ở khâu kết nối này.

Đến tháng 11/2020, tôi lại có dịp trải nghiệm tham gia một Hội nghị quốc tế trực tuyến do Changwon National University (Hàn Quốc) tổ chức với vai trò là điều phối phiên thảo luận. Hội nghị được chuẩn bị khá chu đáo, với nhiều bài tham dự từ các nước, như: Hàn Quốc, Taiwan, Phillipine, Indonesia, Thailand, Vietnam... Các tác giả phải gửi ppt bài trình bày đến ban tổ chức từ ít nhất 1 tuần trước. Trước buổi Hội nghị chính thức, các diễn giả/ chair cũng phải kết nối và thử nghiệm hệ thống Zoom để xem có trục trặc gì hay không. Nhìn chung, là chất lượng kỹ thuật rất tốt. Tuy nhiên, các bài trình bày trực tuyến có cảm giác hơi thiếu hấp dẫn, và việc trao đổi, hỏi đáp còn khá ít và kém sinh động hơn so với một phiên Hội nghị trên thế giới thực. Dù sao, trải nghiệm tham gia Hội nghị quốc tế trực tuyến từ nhà cũng khá thú vị, giúp mình có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc điều phối các tương tác và hỏi đáp trên môi trường trực tuyến.

Ngoài ra, trong năm 2020, phương tiện trực tuyến cũng được tôi sử dụng để trao đổi với các sinh viên, học viên, đối tác nước ngoài qua các hoạt động, như: hướng dẫn luận văn, hướng dẫn thực tập tốt nghiệp, hướng dẫn (mentor) cho một nhóm khởi nghiệp ở Singapore, hướng dẫn cho 1 nhóm SV tham gia cuộc thi trực tuyến ERPSIM Friendly Global do SAP UCC tổ chức. Các cuộc thi, buổi trao đổi, và gặp mặt online này, dù có ít nhiều bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu do chưa quen, nhưng cũng đem lại nhiều kinh nghiệm thú vị cho các bên tham gia.

Tóm lại, cả năm 2020 đã mang đến cho tôi nhiều cơ hội trải nghiệm trực tuyến, với nhiều vị trí khác nhau: giảng viên, học viên, thành viên HĐ, GVCN, họp với đồng nghiệp, nhà tư vấn, nhà nghiên cứu... Đó là chưa kể đến những trải nghiệm ở vai trò người tiêu dùng khi mua sắm và thanh toán trực tuyến ở các website, ứng dụng thương mại điện tử. Cho dù ở vị trí nào, việc thành thạo công cụ là điều kiện cần thiết cho việc nâng cao hiệu quả trải nghiệm trực tuyến. Tuy nhiên, công cụ chỉ là điều kiện cần, chứ không phải là yếu tố then chốt cho sự thành công của một hoạt động trực tuyến. Điều quan trọng nhất đó là nội dung, kiến thức, và hoạt động tương tác giữa các bên tham gia mới quyết định chất lượng của các hoạt động và trải nghiệm trực tuyến trên thực tế. Ông bà ta thường nói "trong cái rủi có cái may", có lẽ cũng đúng. Chính trong hoàn cảnh rủi ro của dịch bệnh Covid-19, mà chúng ta mới có dịp trải nghiệm nhiều hoạt động trực tuyến đến vậy chỉ trong 1 năm ngắn ngủi. Đây là những kinh nghiệm quý giá, để chúng ta có một tầm nhìn về tổ chức, về môi trường sống trong kỷ nguyên số, một khái niệm mà trước giờ chúng ta vẫn đề cập đến một cách mơ hồ qua cụm từ "cách mạng công nghiệp 4". Hy vọng, những trải nghiệm này sẽ tạo cảm hứng cho chúng ta đẩy mạnh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số ở phạm vi tổ chức và cả quốc gia, để trong tương lai, chúng ta có thể thật sự gặt hái được những lợi ích to lớn mà Internet và cuộc cách mạng kỹ thuật số mang lại. 

Nhân dịp cuối năm, chuẩn bị bước sang năm mới, hy vọng những khó khăn, dịch bệnh, thiên tai, rủi ro của năm cũ cũng sẽ qua đi nhanh chóng. Chúc cho mọi người, mọi nhà cùng đón một năm mới 2021 an lành, thịnh vượng, thành công và hạnh phúc!

PQ. Trung

Tuesday, November 17, 2020

Khi thầy viết bảng


Khi thầy viết bảng


"Khi thầy viết bảng

Bụi phấn rơi rơi..."

Nhớ hoài bài hát

Thương thầy, thầy ơi!


Thầy trao tri thức

Mắt em sáng ngời

Từng dòng phấn trắng

Tình thầy không vơi


Dẫu đời đen bạc

Vẫn nhớ lời thầy

Giữ gìn đạo đức

Trí rèn thêm hay


Học là ngọn đuốc

Thầy đã chỉ đường

Trò xin gắng sức

Soi sáng quê hương


Thầy trò chung bước

Trên đường tương lai

Mong sao đất nước

Sáng bừng... một mai!


PQT - 11/2020




Wednesday, March 25, 2020

Friday, January 10, 2020

THỰC TÂM

THỰC TÂM

Chia se voi ba con Dong Tam dang quyet tu de giu dat. 
Tang cac nha bao "chinh thong" 2 chu "thuc tam" khi dua tin ve vu viec.  

Nửa cái bánh cũng ăn đỡ đói
Sự thật kia, chỉ nói nữa câu
Cũng như giả dối khác đâu
Tiếng là nói thật, mà màu khác xa

Lời nói thật, người ta mở trí
Nói lời gian, không khí nghi ngờ
Giả chân phân biệt xưa giờ
Sự thật soi tỏ, mê mờ phải tan.

Xã hội vững, bởi càng tin cậy
Muốn tin nhau, phải lấy thực tâm
Lời ngay, tin tưởng nảy mầm
Đồng lòng, đồng sức, ngàn năm thái bình

Nói sự thật, giữ mình ngay thật
Sống thành tâm, đánh bật gian tham
Việc nhân, việc nghĩa, thường làm
Nước nhà mong lắm, hoa đàm nở bông…

PQT

Thursday, April 4, 2019

Cảm niệm vua Hùng

Cảm niệm vua Hùng

Ngày giỗ tổ nhớ công người dựng nước
Sử Văn Lang - cổ tích vẫn còn đây
Bầy chim Việt quay về cùng nguyện ước
Lễ vua Hùng, cảm tạ đức ơn dầy

Nòi Bách Việt bốn ngàn năm đã trãi
Chống xâm lăng, cùng xây dựng non sông
Máu đã đổ, mồ hôi người đã chảy
Trên giang sơn, tổ quốc giống Tiên Rồng

Thật tủi hổ - lũ cháu con khờ dại
Để nước Việt nay xơ xác tơi bời
Sông núi đó, chúng đua nhau phá hoại
Để mặc ngoại bang ngang ngược biển khơi!

Mong tiên tổ, hồn thiêng về phù hộ
Bảo hộ muôn dân, làm cuộc chuyển dời
Hiển bày phép, rưới xuống mưa cam lộ
Văn hiến phục hồi, hoa trái tốt tươi...

Hãy nổi trống, tiếng trống đồng muôn thuở
Xua ngoại xâm, cùng ma quỷ bốn phương
Nắm tay lại, kìa thời cơ đã mở
Đoàn kết nhau, chim Việt hãy lên đường...

PQT (4/2019)







Thursday, November 8, 2018

Sau cơn mưa…

Sau cơn mưa…


Mây đen xám bầu trời
Mưa nặng hạt rơi rơi
Em ơi, đừng sợ hãi
Gió bão sớm hết thôi

Trời hết mưa lại sáng
Muộn phiền rồi sẽ tan
Phải bước qua giông bão
Mới đến ngày vinh quang

Thiện tâm xin gắng giữ
Dầu nghịch cảnh không hư
Trí tuệ rèn thêm sáng
Đường chánh nhớ suy tư

Kìa em, cầu vồng hiện
Nắng đã sáng ngoài hiên
Bình tâm mà đón nhận
Thoang thoảng chút hương thiền…

PQT - 11/2018

Monday, August 6, 2018

Viết cho quê hương yêu dấu

Viết cho quê hương yêu dấu


Cánh cò bay lả bay la
Quê hương tôi đó, tiếng gà sớm trưa
Dòng sông in bóng hàng dừa
À ơi tiếng võng, giấc trưa yên bình

Quê hương, đất nước đẹp xinh
Hãy cùng bảo hộ, quê mình trong xanh
Đừng gây ô nhiễm dòng xanh
Chớ khai thác cạn, của dành cháu con...

Đất kia chớ để hao mòn
Biển trời, gắng giữ, từng hòn đảo xa
Quê hương, tài sản ông cha
Cháu con gìn giữ, chớ mà phá tan!

Vì đâu, nên nỗi nhà tan?
Vì đâu khắp chốn, đôi hàng lệ xa?
Vì đâu, bỏ xứ đi xa...
Gây bao đau khổ, chẳng qua tham tiền!

Lắng lòng, nghĩ chút niềm riêng
Trăm năm thoáng chốc, muộn phiền mai sau,
Quê hương, dân tộc dài lâu
Bạc tiền, đảng phái… còn đâu… nấm mồ!

Vô minh, tưởng dựng cơ đồ
Ai hay, tay trắng, hồ đồ, thương đau… !
Lòng người phân tán, vì đâu?
Dân tình cơ cực, nổi sầu ai gây?

Lặng nhìn, đất đó, trời đây
Cầu cho biển lặng, mong ngày an vui
Cầu cho bóng tối mau lùi
Quê hương sáng lại, niềm vui thanh bình…

8/2018 - PQT


 


Thursday, August 9, 2012

Vài góp ý cải tiến hệ thống xe buýt Tp.HCM


Vài góp ý cải tiến hệ thống xe buýt Tp.HCM 

Gần đây có dịp đi xe buýt nhiều, do phải về quê thăm vợ con, nên cũng có điều kiện hiểu thêm về hệ thống xe buýt đô thị ở TP.HCM. Có thể đánh giá chung là so với trước đây, hệ thống xe buýt ở TP.HCM đã có nhiều cải tiến, như: số tuyến nhiều hơn, cung cách phục vụ chuyên nghiệp hơn, thông tin và bản đồ các tuyến nhiều hơn... Tuy nhiên, đó là so với trước đây thôi, chứ so với yêu cầu về chất lượng của một hệ thống xe buýt hiện đại thì cũng còn nhiều vấn đề cần cải tiến, như: hệ thống thông tin, hình thức vé, cơ sở vật chất và cách thức lên xuống xe... Qua kinh nghiệm đi tuyến xe buýt trước nay, cùng với những quan sát gần đây khi đi tuyến Sài Gòn-Củ Chi và Củ Chi-Hậu Nghĩa, tôi có thể rút ra một số vấn đề cần cải tiến. Ngoài ra, bằng việc đối chiếu, so sánh với hệ thống xe buýt ở Kyoto, Nhật Bản, mà tôi cũng có điều kiện đi nhiều trong thời gian du học, hy vọng sẽ có thể rút ra một số góp ý giúp cải tiến sự vận hành của hệ thống xe buýt ở TP. HCM nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

Vấn đề đầu tiên đối với hệ thống xe buýt Tp. HCM hiện tại là hệ thống thông tin còn thiếu và chưa rõ ràng. Lấy ví dụ, khi muốn tra cứu tuyến xe buýt, khách đi xe lần đầu sẽ rất vất vả vì không biết phải tìm kiếm thông tin ở đâu để trả lời rất nhiều thắc mắc, như: đi xe số mấy, đón xe chỗ nào, lúc mấy giờ, có cần phải đổi chuyến hay không... Những thông tin như thế chưa được in và phát một cách rộng rãi tại các bến xe ở TP.HCM. Hiện tại, để tra cứu tuyến xe, hành khách thường phải hỏi thăm người quen biết, hoặc tự mình tra cứu trên các bảng mô tả tuyến đường ở các trạm xe buýt. Tuy nhiên, thông tin chỉ dẫn thường khó đọc và không đầy đủ. Gần đây hơn, hành khách có thể tra cứu các thông tin trên ở website của công ty xe buýt, tuy nhiên thông tin cũng ở dạng liệt kê các tuyến đường đi qua, mà chưa được tích hợp với hệ thống bản đồ trực tuyến và kết nối với các phương tiện giao thông công cộng khác. So với Việt Nam, hệ thống thông tin xe buýt của Nhật tốt hơn hẳn. Ở Nhật, các thông tin về tuyến xe buýt thường được in rõ ràng, đầy đủ và được phát miễn phí ở các bến xe, trung tâm thông tin. Ngoài số lượng phong phú, chất lượng thông tin của các Bản đồ tuyến xe buýt cũng hơn hẳn ta. Thay vì chỉ liệt kê tên đường đi qua của mỗi tuyến, một bản đồ tuyến đường xe buýt được sử dụng biểu diễn lộ trình của các tuyến xe buýt đi qua trạm đó, với mỗi tuyến là một màu khác nhau. Bản đồ này được in to, rõ tại mỗi trạm dừng và trên các tờ rơi được phát miễn phí ở các trạm thông tin khắp thành phố. Hơn nữa, khi bạn đến bất kỳ trạm xe buýt nào, bạn sẽ biết được giờ chạy của tuyến xe mình quan tâm, và biết được còn phải đợi bao nhiêu phút nữa. Ngoài ra, việc tra cứu tuyến đường ở Nhật được thực hiện rất dễ dàng từ website hệ thống thông tin giao thông tích hợp của thành phố. Từ hệ thống này, chỉ cần đưa vào điểm xuất phát, giờ khởi hành và điểm đến, hệ thống sẽ tìm ra các phưong tiện giao thông có thể đi, tuyến xe cần đi, thời gian đi và giá vé tương ứng. Điều này giúp cho hành khách tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức tra cứu, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đi lại bằng các phương tiện vận chuyển công cộng của thành phố.

Vấn đề thứ hai là hình thức phát hành vé xe. Ở TP. HCM hiện chỉ có 2 loại vé là vé xe tháng và vé đi từng lượt, đều dưới dạng giấy in. Vé lượt được bán cho hành khách trên từng lượt đi bởi nhân viên soát vé, còn vé tháng có thể mua tại các quầy vé hoặc mua trên xe. Còn ở Nhật, hành khách có thể mua vé trên xe, tại quầy bán vé ở các nhà ga, hoặc các máy bán vé tự động, và hình thức vé thì rất phong phú. Chẳng hạn, hành khách có thể trả tiền trực tiếp khi đi xe, mua vé ngày, vé tuần, vé tháng hoặc vé dạng thẻ trả trước và có thể nạp tiền về sau. Với vé ngày, hành khách có thể lên xuống xe buýt bao nhiêu lượt trong ngày cũng được. Ngoài ra, còn có các dạng vé khuyến khích du lịch, cho phép hành khách đi lại bằng nhiều phương tiện trong 1 khoảng thời gian hoặc trong 1 khu du lịch. Điều này có lợi cho cả du khách và các hãng vận tải, khách có thể tiết kiệm chi phí đi lại nhờ các vé loại này, còn các tuyến xe thì tăng thêm lượng khách.

Vấn đề thứ ba là cơ sở vật chất, trang thiết bị trên xe, đây cũng là lĩnh vực có nhiều vấn đề cần cải tiến nhất. Đầu tiên, đó là vấn đề giữ gìn vệ sinh trên xe. Có thể nói cảm giác chung là xe buýt không được sạch, máy lạnh không đủ mát, thiếu các ghế ngồi dành riêng cho người già, tàn tật và phụ nữ mang thai. Nếu không được làm vệ sinh thường xuyên, khó có thể đảm bảo chất lượng phục vụ và duy trì hình ảnh chất lượng cao. Việc vệ sinh xe còn phải gắn liền với việc kiểm tra định kỳ nệm chỗ ngồi, tấm trãi sàn, màn che nắng, cung cấp các thông tin hướng dẫn trên xe... Khi xe quá đông, cần bố trí chỗ đứng thoải mái, có tay cầm phù hợp với chiều cao người Việt Nam. Khi trời mưa, cần có miếng dậm chân ở lối lên để hạn chế sàn xe bị dính dơ. Ngoài ra, cũng cần bổ sung các hướng dẫn bằng tiếng Anh hoặc hình vẽ để khách nước ngoài có thể hiểu được. Việc phát triển các tuyến xe buýt mới nối liền các khu vực có nhu cầu đi lại nhiều hoặc tăng mật độ một số tuyến đông khách cũng cần được cân nhắc để thoả mãn hơn nữa nhu cầu đi lại của khách.

Vấn đề sau cùng là cách thức lên xuống xe. Hiện nay, trên mỗi xe buýt ở Việt Nam thường có 2 người là Bác tài và nhân viên phụ trách thu tiền, nhân viên này còn làm nhiệm vụ hỏi xem khách xuống chỗ nào để nhắc Bác tài dừng xe cho khách xuống. Tuy nhiên, số lượng khách thì nhiều, nên không thể nào nhớ hết được. Vì vậy, cách làm thông thường là khi đến trạm nào hay có khách xuống, nhân viên này sẽ hỏi lớn lên xem trên xe có ai xuống trạm XYZ này hay không, nếu có thì nhắc Bác tài dừng xe. Cách làm này thường dẫn đến sự ồn ào trên xe và đôi khi khách bị đi lố trạm vì trạm khách cần xuống bị quên hỏi. Ở Nhật, trên xe buýt chỉ có một mình Bác tài, nhưng việc lên xuống xe vẫn rất hiệu quả và yên ả. Cách làm như sau, trên xe có một bảng thông tin điện tử để thông báo tên trạm sắp tới và các đoạn băng ghi âm sẳn để hướng dẫn các địa điểm khách có thể xuống và chuyển sang các tuyến khác. Trên mỗi ghế ngồi đều có một nút nhấn, nếu khách muốn xuống trạm tới chỉ việc nhấn nút này, khi đó đèn báo hiệu sẽ bật đỏ và Bác tài biết sẽ dừng ở trạm kế. Ngoài ra, với máy thu tiền và đổi tiền được gắn trên xe, khiến cho khách hàng dễ dàng trả tiền trước khi xuống xe, và bác tài có thể kiểm soát được việc trả tiền. Vì vậy, mọi việc diễn tra một cách trật tự và không có một tiếng ồn, chỉ trừ tiếng Cám ơn của Bác tài và hành khách.

Nói tóm lại, trên đây là một vài ghi nhận nhanh về cách vận hành thực tế của một vài tuyến xe buýt ở TP. HCM và một vài gợi ý cải tiến dựa vào kinh nghiệm khi đi xe buýt ở Kyoto, Nhật Bản. Các gợi ý tập trung ở 4 khía cạnh chính: cải thiện hệ thống thông tin xe buýt, mở rộng loại hình vé, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ, và cải tiến hình thức thông tin về nhu cầu xuống xe của khách. Có thể những góp ý này chưa thật đầy đủ, nhưng hy vọng chúng có thể giúp ích được phần nào cho những người làm công tác quản lý vận hành hệ thống xe buýt ở Việt Nam. Từ đó, làm cơ sở để nghiên cứu kỹ hơn và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng của thành phố theo chuẩn khu vực và quốc tế, để có thể đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và tăng hiệu năng vận tải cho các hãng xe buýt.

TS. Phạm Quốc Trung,
Khoa Quản lý Công nghiệp, ĐHBK TP.HCM