Sáng tạo, đổi mới trong nền kinh tế tri thức
Toàn cầu hóa và sự thay
đổi nhanh chóng của khoa học kỹ thuật đã khiến mọi thứ nhanh chóng trở nên lạc
hậu, và không còn phù hợp nữa, nếu không đổi mới, thay thế thì chúng có thể trở
thành những rào cản cho sự phát triển và tiến bộ của tổ chức và xã hội. Nhu cầu
đổi mới này không chỉ giới hạn ở các tổ chức kinh doanh, mà nó đã nhanh chóng mở
rộng cả về phạm vi (quốc gia, khu vực, quốc tế), và cả về lĩnh vực (chính trị,
văn hóa, xã hội…).
Theo Stiglitz, một nhà
kinh tế lớn của World Bank, ngày nay, tri thức đóng một vai trò quan trọng
trong việc phát triển kinh tế và đảm bảo phúc lợi xã hội. Vì vậy, cần phải xem
xét các vấn đề phát triển kinh tế dưới góc nhìn tri thức, ở đó, giáo dục đóng một
vai trò dẫn dắt cho sự phát triển. Trong nền kinh tế tri thức đó, sáng tạo và đổi
mới là cực kỳ quan trọng.
Hơn
nữa, theo Savage (1996) trong tác phẩm “Fifth Generation Management”, xã hội
loài người đang bước vào làn sóng thứ 3 của sự phát triển: làn sóng thứ 1 là
thời đại Nông nghiệp, sự giàu có đặt trên việc sở hữu đất đai; làn sóng thứ 2
là thời đại Công nghiệp, sự thịnh vượng dựa trên sự sở hữu vốn tư bản; và làn
sóng thứ 3 là thời đại Tri thức, sự thịnh vượng đặt trên việc sở hữu tri thức
và khả năng sử dụng tri thức để tạo ra và cải tiến các sản phẩm và dịch vụ.
Chính vì vậy, ở thời đại này, quốc gia nào tạo được nhiều điều kiện thuận lợi
để phát triển nguồn vốn trí tuệ (phát triển giáo dục, thu hút nhiều nhân tài
hơn, khuyến khích sáng tạo…) và biến nó thành giá trị nhằm phát triển đất nước
thì sẽ có được vị thế cao trong cộng đồng quốc tế.
Sáng
tạo và đổi mới là 2 khái niệm thường đi liền với nhau và có ý nghĩa tương đồng
với nhau. Tuy nhiên, đổi mới thường chỉ đến những thay đổi về phương pháp hoặc
quy trình ở phạm vi tổ chức hoặc quốc gia, còn sáng tạo thường chỉ đến năng lực
tạo ra tri thức mới của cá nhân (Boulden, 2004). Thuật ngữ “đổi mới sáng tạo” khi
gộp chung thường được hiểu là quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ và quy trình
mới nhằm tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tính cạnh
tranh trên thị trường. Đổi mới sáng
tạo (Innovation) cũng là quá trình biến những ý tưởng mới, kiến thức mới thành
các sản phẩm, dịch vụ và quy trình mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường, mang
lại lợi ích thiết thực cho người lao động và xã hội. Nói tóm lại, đổi mới &
sáng tạo chính là hoạt động tạo ra tri thức mới, làm phát triển nguồn vốn trí
tuệ, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm, dịch vụ, tăng năng suất lao động,
cải thiện hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống.
Trong các nghiên cứu hàn
lâm, “đổi mới” thường được phân thành 2 loại là: đổi mới tiệm tiến (incremental
innovation), và đổi mới đột phá (disruptive innovation). Đổi mới tiệm tiến chỉ
đến các sáng kiến, cải cách, sửa đổi nhỏ để hoàn thiện dần sản phẩm, quy trình.
Còn đổi mới đột phá chỉ đến các thay đổi mang tính cách mạng, như là: công nghệ,
giải pháp, sản phẩm mới hoàn toàn, nó góp phần thay đổi thị trường, tạo ra cách
tiếp cận mới, hoặc thay đổi thang giá trị sẳn có.
Ở Nhật, có một thuật ngữ
tương tự như đổi mới tiệm tiến, đó là "Kaizen". Tuy nhiên, kaizen đã
được phát triển và trở thành một triết lý được áp dụng một cách sinh động trong
nhiều công ty, tổ chức của Nhật Bản. Về mặt từ nguyên, “Kai” có nghĩa là
“thay đổi”, còn Zen có nghĩa là “trở nên tốt hơn”. Triết lý Kaizen đề ra
5 yếu tố nền tảng và 3 nguyên lý. Năm yếu tố nền tảng của Kaizen bao gồm: (1)
Làm việc nhóm (Teamwork), (2) Kỷ luật tự thân (Personal discipline), (3)
Phát huy ý chí (Improved morale), (4) Vòng tròn chất lượng (Quality
circles), (5) Đề xuất cải tiến (Suggestions for improvement). Ngoài ra,
kaizen còn phát triển 3 nguyên lý là: (1) Loại bỏ lãng phí và kém
hiệu quả, (2) Áp dụng nguyên tắc 5S (gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, trật tự,
kỷ luật) cho quản lý văn phòng và gia đình, và (3) Chuẩn hóa.
Ở Việt Nam, ta thường
nghe nhiều đến cụm từ "đổi mới", đặc biệt là liên quan đến chính sách
mở cửa nền kinh tế từ những năm 1980. Tuy nhiên, khái niệm “đổi mới” thường có
ý nghĩa vĩ mô, ở phạm vi nhà nước, mà ít gắn với các hoạt động của doanh nghiệp.
Trong khi, khái niệm “sáng kiến”, “sáng tạo” lại thường được hiểu ở khía cạnh
vi mô, gắn trực tiếp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Một thế kỷ trước, cụ
Phan Bội Châu đã đến Nhật tiếp thu triết lý kaizen và đề xướng phong trào Duy
Tân ở nước ta. Rất tiếc là phong trào Duy Tân kéo dài không lâu, nên cũng chưa
tạo được thay đổi nào đáng kể, và chưa tạo được ảnh hưởng sâu rộng trong lối
suy nghĩ và lối sống của người Việt Nam. Để tiếp nối ý nguyện đó, đồng thời đưa
đất nước phát triển trong thời đại tri thức này, việc khuyến khích đổi mới sáng tạo,
ở cả phạm vi nhà nước và doanh nghiệp là cấp bách hơn bao giờ hếtđối với sự tồn
tại và phát triển của đất nước. Lúc này, nếu không đổi mới, cũng đồng nghĩa với
việc chấp nhận nhìn thấy đất nước mình sẽ tụt hậu ngày càng xa trong cuộc tranh
đua quốc tế, mà tốc độ và mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Thời đại ngày
nay đòi hỏi chúng ta phải hành động một cách nhanh chóng, dứt khoát và không
thể chần chừ hơn nữa, bởi nếu chần chừ trong việc đổi mới nghĩa là chúng ta đã
có tội với các thế hệ cha ông vì đã không thực hiện được mong mỏi của các vị,
và cũng có tội cả với các thế hệ con cháu sau này khi để đất nước ngày càng tụt
hậu so với các nước khác trên thế giới.
Trách
nhiệm to lớn này đặt lên vai tất cả mọi người Việt Nam, đặc biệt là trông chờ ở
thế hệ trẻ, những người có đầu óc dám đổi mới, biết học hỏi, tiếp thu tri thức
khoa học và công nghệ, tạo ra những giá trị độc sáng dựa trên tri thức và óc
sáng tạo, đưa đất nước vững bước phát triển đi lên theo kịp với các nước tiên
tiến trên thế giới. Chỉ có con đường đổi mới và sáng tạo không ngừng mới có thể
đưa đất nước cất cánh đi lên, mang lại sự thịnh vượng, ấm no cho cả dân tộc, và
giúp người Việt Nam có thể hãnh diện “sánh vai” cùng bạn bè năm châu, bốn biển,
như ước vọng muôn thuở của cha ông ta.
Nhiều nghiên cứu trước (Nonaka
& ctg., 2010; Carr, 2013) đã chỉ ra rằng năng lực sáng tạo của cá nhân
không những phụ thuộc vào kiến thức của họ, mà còn phụ thuộc vào khả năng tư
duy và nhìn nhận vấn đề một cách khác biệt, từ đó khám phá ra cách thức mới hoặc
phương pháp mới để giải quyết vấn đề. Ở mức độ tổ chức, năng lực đổi mới sáng tạo
gắn liền với quá trình quản lý nguồn vốn tri thức, và biến nó thành các giá trị
của tổ chức dưới dạng sáng chế và sáng kiến. Sáng chế và sáng kiến là 2 khái niệm
khá gần gũi và thường được hiểu giống nhau. Tuy nhiên, cụ thể hơn, sáng chế là chỉ
đến 1 giải pháp cho 1 vấn đề kỹ thuật (có thể là 1 ý tưởng đổi mới, hoặc 1 mô
hình hoặc sản phẩm mẫu vận hành được); còn sáng kiến là chỉ đến việc chuyển
sáng chế thành các sản phẩm hoặc quy trình có thể bán được trên thị trường (Cục
SHTT, 2008). Ngày nay, để nâng cao năng lực sáng tạo, các tổ chức đều phải đầu
tư đáng kể vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đồng thời, phải tạo
ra một môi trường văn hóa cởi mở, thân thiện và có chính sách hỗ trợ hoạt động
sáng tạo của các cá nhân trong tổ chức.
Trong nền kinh tế ngày
nay, việc quản lý sáng kiến trong công ty đòi hỏi nhà quản lý phải có một kiến
thức vững vàng về hệ thống sáng chế để đảm bảo công ty có thể thu được lợi ích
tối đa từ khả năng đổi mới và sáng tạo của mình. Ngoài ra, tổ chức cần xây dựng
quan hệ đối tác có lợi (bao gồm: quy chế bảo mật, quy chế quản trị tài sản trí
tuệ, hợp đồng chuyển giao công nghệ, mua/ bán li xăng…) với các chủ thể sáng chế
và cần tránh việc sử dụng trái phép công nghệ do người khác sở hữu. Khác với
trước đây, nhiều sáng kiến ngày nay rất phức tạp và phải dựa trên nhiều sáng chế
thuộc sở hữu của nhiều chủ sở hữu sáng chế khác nhau.
Đứng
từ góc độ luật về sở hữu trí tuệ, đầu ra của quá trình sáng tạo và đổi mới
chính là những sản phẩm trí tuệ, chúng được tạo ra theo một chuỗi giá trị bên
trong 1 tổ chức, bao gồm: hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), sản xuất,
bán hàng & tiếp thị… hoặc liên tổ chức, như: nghiên cứu & phát triển,
chuyển giao tri thức (đại học, viện nghiên cứu), thử nghiệm, sản xuất &
tiêu thụ (doanh nghiệp). Tuy nhiên, để được bảo hộ bởi luật sở hữu trí tuệ và
mang lại giá trị cho tổ chức, các ý tưởng, sáng kiến phải biến thành các tài
sản trí tuệ, được đăng ký bảo hộ với cơ quản quản lý nhà nước về sở hữu trí
tuệ, dưới các hình thức như: quyền tác giả, bằng độc quyền sáng chế, giải pháp
hữu ích, bí mật kinh doanh, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu …
Đối
với cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, một ý tưởng sản phẩm, quy trình
hay công nghệ mới muốn được bảo hộ, cần phải thỏa mãn các tiêu chí, trong đó 2
tiêu chí quan trọng nhất là tính sáng tạo
và tính mới. Tính sáng tạo được hiểu
là đối tượng phải chưa được công bố và có khác
biệt đáng kể với những đối tượng đã được bộc lộ công khai trước đó. Tính mới
được hiểu là đối tượng cần bảo hộ phải không
thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình
trong lĩnh vực đó (điều này đòi hỏi sự nổ lực, kiến thức, và khả năng tư duy
của tác giả).
Trong
xu thế chú trọng vào sáng tạo và đổi mới đó, một khái niệm cũng có liên quan và
được thảo luận nhiều trong thời gian gần đây là sáng nghiệp (entrepreuneuship).
Có thể xem sáng nghiệp/ khởi nghiệp là mức cao nhất của quá trình đổi mới và
sáng tạo, bởi nó không chỉ hướng tới việc cải tiến quy trình, công nghệ, hay
tạo ra một sản phẩm/ dịch vụ mới, mà nó còn hướng tới việc đem những ý tưởng
mới vào kinh doanh, hoặc lập ra một doanh nghiệp mới dựa trên những sáng kiến,
hoặc những kết quả thu được từ quá trình sáng tạo, đổi mới. Ngày nay, các
trường đại học, viện nghiên cứu và chính phủ đều bắt đầu đề cập đến tầm quan
trọng của khởi nghiệp, và thúc đẩy đào tạo về khởi nghiệp nhằm tạo ra sự năng
động của nền kinh tế, và đảm bảo sự cạnh tranh hiệu quả trong thế kỷ 21.
(Nguồn: Giáo Trình Quản lý Tri Thức, NXB. Xây dựng, 2016)
---
PS. Bạn nào quan tâm đến lĩnh vực này có thể tìm đọc Giáo trình trên ở quầy sách ĐHBK nhé!