Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Sunday, February 9, 2025

Chuyện con báo

 


Chuyện con báo

 

Một thời Trưởng lão Mục Kiền Liên ở trong một am thất có một cửa, trong một vùng đất được rào và núi đồi bao bọc. Lối đi có mái che của nhà ngài ở gần cửa ấy. Một vài mục tử nghĩ rằng hàng rào ấy là chỗ tốt cho đàn dê nên họ lùa dê vào đó. Một hôm họ đến vào buổi chiều đem cả bầy dê đi.

Nhưng có một con dê cái đã lang thang quá xa không thấy bầy dê ra đi, và bị bỏ lại một mình. Sau đó khi nó ra đi, một con báo thấy nó, muốn ăn thịt bèn đứng bên cửa hàng rào. Dê cái nhìn quanh và thấy con báo. Dê suy nghĩ: "Báo đứng đó vì nó muốn giết ta và ăn thịt. Nếu ta quay đầu bỏ chạy, ta sẽ mất mạng. Vậy ta phải can đảm lên".

Rồi dê giương đôi sừng, vùng chạy thẳng trước mặt báo với tất cả dũng lực. Dê thoát được móng vuốt báo trong gang tấc, dù con báo rung mình vì nó tưởng sẽ chụp được dê. Rồi dê chạy hết tốc lực, cuối cùng, nó bắt kịp cả đàn.

Ngài Mục Kiên Liên chứng kiến tận mắt sự can đảm và thành công của con dê, đã đem câu chuyện kể cho đức Phật. Đức Phật nói lời khen ngợi con dê biết nỗ lực tự vệ trước kẻ thù tàn ác. Nhân đó, ngài cũng kể một câu chuyện quá khứ, mà dê đã không dám đương đầu kẻ ác và đã bị ăn thịt.

Bài học: Trong cuộc sống, cần can đảm đương đầu với những khó khăn để vượt qua nó. Trong câu chuyện trên, con dê đã biết rằng "thượng sách là nên xáp lá cà", nhờ đó, nó có cơ may sống còn. Nếu không, kẻ yếu hơn sẽ phải bị tiêu diệt theo quy luật sinh tồn giữa muôn loài.

(Nguồn: Những mẫu chuyện PG dành cho Thiếu nhi - tập 2 - Đức Kiên)

Monday, February 3, 2025

Thắc mắc của vua A Xà Thế

Đầu năm rắn, xin kể một câu chuyện có liên quan đến rắn để mọi người đọc vui xuân. Chúc mọi người, mọi nhà một mùa Xuân an lạc, kiết tường và hạnh phúc!

Thắc mắc của vua A Xà Thế

Vua A Xà Thế sau khi quy y theo Phật đã rất nhiệt tâm trong việc tu học, thường suy tư, tìm hiểu và ứng dụng lời Phật dạy vào việc trị quốc, an dân. Vì vậy, đất nước an bình, thịnh trị. Tuy nhiên, việc vua A Xà Thế theo Phật, thay đổi quan điểm trong việc trị quốc theo hướng nhân từ, không sát hại đã gặp phải sự bài bác, chống đối của các vị Bà La Môn.

Nhân sự việc 2 binh sĩ bỏ nhiệm vụ để trở thành tỳ kheo trong tăng đoàn của Phật, các vị Bà La Môn chất vấn vua A Xà Thế rằng, nếu ai cũng muốn thực hiện theo lời Phật dạy là không sát hại thì lấy ai chiến đấu bảo vệ đất nước và giữ gìn trị an?

Vua A Xà Thế bối rối trước tình huống này, nên đến xin ý kiến Phật để tìm cách hóa giải mâu thuẫn với các vị Bà La Môn, và cũng để giải quyết những khúc mắc trong lòng mình. Sau khi nghe những khúc mắc của vua A Xà Thế về mâu thuẫn giữa nguyên lý bất hại với nhu cầu chiến đấu, trừng phạt để bảo vệ sự an nguy của đất nước, Đức Phật bèn kể một câu chuyện như sau.

Ngày xưa, ở một vương quốc nọ, có một con rắn chúa sinh sống trong ngôi đền cổ. Con rắn này thường bò vào làng và cắn chết nhiều người, nên nó đã trở thành nổi kinh hoàng của mọi người. Không ai dám đến gần ngôi đền và khu vực xung quanh.

Một hôm nọ, có vị đạo sĩ từ phương xa đến và dừng chân trú đêm lại trong ngôi đền đó. Con rắn chúa đã bò đến gần vị đạo sĩ, và định cắn như mọi khi. Tuy nhiên, vị đạo sĩ là người đã có giác ngộ, nên ngài đã dùng tâm từ để cảm hoá con rắn chúa. Ngài đã giảng giải cho nó nghe về nghiệp báo, khiến nó nhận ra lỗi lầm do lòng tham sân si. Nó đã xin quy y với ngài, hứa giữ gìn ngũ giới và nguyện sẽ từ bỏ con đường sát hại.

Từ đó, con rắn trở nên hiền lành, không còn cắn ai nữa. Tuy thế, dần dần mọi người trong làng không còn sợ hãi con rắn, và còn xem thường nó nữa. Chẳng những vậy, nó lại bị lũ trẻ con trong làng chọc phá, dùng gậy gộc đánh một cách rất thảm thương. Con rắn phải trốn vào hang đá vào ban ngày, và ban đêm mới đi ra kiếm ăn. Nó chỉ ăn những thứ cỏ cây, sỏi đá mà không dám giết hại bất kỳ loài vật nào như đã hứa với vị đạo sĩ.

Một ngày kia, vị đạo sĩ trở lại ngôi làng đó, thấy tình cảnh thảm thương của con rắn, ngài nói với nó: "Ta chỉ bảo ngươi không cắn người, chứ đâu bảo ngươi phải từ bỏ bản chất của mình. Ngươi vẫn có thể khò khè làm họ sợ để tự vệ chứ".

Kể đến đây, Đức Phật dạy vua A Xà Thế về trách nhiệm của người cầm quyền, nên dùng tâm nhân từ, công bằng đối xử với mọi người. Khi cần thiết vẫn có thể trừng phạt người phạm lỗi, và vẫn có thể duy trì quân đội để bảo vệ đất nước.

Ngài dạy thêm, điều quan trọng của việc tu tập là đi trên con đường trung đạo, không quá phóng túng, nhưng cũng không quá khắc khổ, cần linh động để ứng xử cho phù hợp với hoàn cảnh, tránh việc cố chấp, quá cứng nhắc trong ứng xử.

Ngoài ra, Đức Phật cũng chỉ cho vua A Xà Thế về bảy nguyên tắc để duy trì hòa bình, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh, đó là:

1/ hai bên cần ngồi đối diện với nhau, cùng nổ lực giải quyết vấn đề.

2/ mỗi bên trình bày vấn đề một cách rõ ràng, bình tĩnh tìm hiểu và ghi nhớ nguyên nhân của vấn đề.

3/ cần dùng trí tuệ khách quan/ công bằng xem xét từng vấn đề, sáng tạo trong việc tìm giải pháp.

4/ nếu nhận thấy điểm sai của mình thì chủ động xin lỗi, không cố chấp cãi bướng. Sẵn lòng tha thứ cho người và cho mình về những khuyết điểm.

5/ mọi quyết sách cần được sự tán đồng của người dân, nếu sau khi đọc lớn 3 lần quyết định trước công chúng mà không ai phản đối, thì mới được ban hành quyết định đó.

6/ trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, các bên cần phải tuân theo quy tắc chung đã đặt ra.

7/ cần mời một người lớn tuổi, có uy tín đứng ra làm trọng tài/ trung gian hoà giải giữa 2 bên.

Phật nói tiếp, nếu đại vương thực hành theo bảy nguyên tắc trên, mọi tranh chấp sẽ có thể được hóa giải, mở ra con đường của hoà bình, an lạc và cùng chung sống giữa mọi người. Nghe xong, vua A Xà Thế vui mừng, tán thán Đức Phật, xin tuân theo lời chỉ dạy và trở về cung.

Bài học: Khi áp dụng lời Phật dạy vào cuộc sống, cần linh động, nên theo tinh thần trung đạo. Nguyên lý bất hại chỉ mang tính tương đối, nên cố gắng tránh sát hại đến mức tối đa. Trong một số tình huống bất khả kháng, việc trừng phạt, hay tiêu diệt kẻ ác để bảo vệ an bình của người thiện một cách công tâm cũng không vi phạm nguyên lý này.

(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Friday, January 24, 2025

Xuân ước vọng



Xuân ước vọng


Ước vọng gì cho xuân mới đây?

Buông bao phiền muộn vẫn đong đầy

Mong cho xuân mới nhiều an lạc

Vững bước an nhiên, mây trắng bay


Cầu cho thế giới hết thiên tai

Chiến tranh, dịch bệnh sớm dừng ngay

Con người giác ngộ - mau buông bỏ

Tham hận, si mê, biết bao ngày


Chắp tay sen trắng, hiện bồ câu

Yêu thương, kham nhẫn... hiện phép màu

Bước đi an lạc trên mặt đất

Nam mô... Tịnh độ - chằng tìm đâu


Xuân về hoa nở khắp nơi nơi

Mong ánh quang minh sáng cõi đời

Mong từ quang xua dần bóng tối

Cho an vui, hạnh phúc... mọi người!


Cảm tác chiều 25 tết Ất Tỵ

Đức Kiên


Sunday, January 5, 2025

Ra Quyết Định Dựa Trên Máy Móc, Nhưng Đừng Máy Móc

 

Ra Quyết Định Dựa Trên Máy Móc, Nhưng Đừng Máy Móc

Trong thời đại số hóa và công nghiệp 4.0 hiện nay, việc ra quyết định dựa trên dữ liệu và thuật toán đã trở thành một yếu tố thiết yếu trong nhiều lĩnh vực, từ kinh doanh, y tế đến giáo dục. Tuy nhiên, trong khi công nghệ mang lại sự chính xác và hiệu quả trong phần lớn trường hợp, nhưng nó vẫn phạm sai sót trong một số trường hợp. Vì vậy, điều quan trọng không kém là con người cần phải thận trọng và linh hoạt trong việc ra quyết định dựa trên máy móc, mà không nên quá phụ thuộc và cứng nhắc trong việc sử dụng công cụ này. Hãy ra quyết định dựa trên máy móc, nhưng đừng máy móc! Một số ví dụ gần đây mà chúng ta thường nghe thấy trên báo đài như: việc phạt người lái xe vượt đèn đỏ nhưng hệ thống đèn xanh đèn đỏ ở một số giao lộ lại nhảy lung tung khiến người tham gia giao thông có thể bị phạt oan, việc phạt nồng độ cồn dựa trên máy thổi độ cồn, đôi khi người bị phạt không uống rượu bia, nhưng thổi vào máy vẫn nhảy ra số…

Các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) đã chứng tỏ khả năng vượt trội trong việc phân tích dữ liệu khổng lồ và đưa ra những dự đoán chính xác. Chúng giúp loại bỏ sự thiên vị và sai sót của con người, mang lại những quyết định hiệu quả hơn và tối ưu hóa quy trình làm việc. Mặc dù công nghệ có thể hỗ trợ, nhưng việc ra quyết định cuối cùng vẫn cần sự tham gia của con người. Chúng ta có khả năng cảm nhận, phân tích từ góc độ đạo đức, và hiểu được những yếu tố phi logic mà máy móc không thể nào nắm bắt. Điều này đặc biệt quan trọng trong những tình huống đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo. Hãy nhìn vào hệ thống chấm điểm công dân của Trung Quốc như là một ví dụ. Rất nhiều nhà khoa học đã chỉ trích hệ thống này vi phạm nhân quyền và tạo ra sự bất bình đẳng trong đối xử với người dân. Có lẽ chính phủ Trung Quốc vì quá hào hứng với các hệ thống ra quyết định tự động, như hệ thống nhận dạng khuôn mặt, đã sử dụng các cỗ máy dựa trên các con số tính toán của giải thuật để phân loại người dân, và từ đó áp dụng các chính sách khác nhau với những nhóm người khác nhau. Điều này giúp phần nào hạn chế tội phạm và tăng cường an ninh quốc gia nhưng lại gây ra nhiều vấn đề liên quan đến quản trị xã hội. Đứng ở góc độ người công dân bị xếp hạng và bị áp đặt các chính sách phân biệt đối xử dựa trên phân loại của máy móc (nhiều khi rất sai), thì bạn nghĩ sao? Quyền con người của bạn có được tôn trọng không? Bạn có được đối xử bình đẳng không? Rất có khả năng bạn bị hạn chế quyền đi lại hoặc xuất cảnh chỉ vì hệ thống nhận dạng khuôn mặt của bạn trông giống với một tội phạm nào đó. Thực tế, điều tương tự cũng xảy ra ở các nước khác. Chẳng hạn, ở Mỹ, khi nhà nước áp dụng một số bộ lọc để hạn chế sự nhập cư từ các nước Hồi giáo, một người có thể bị cấm nhận cư bởi vì trong tên của họ có chữ “Ali” hay “Mohamed” khá giống với tên một số phần tử khủng bố mà Mỹ đang truy nã toàn cầu, nhưng thực tế họ hoàn toàn không liên quan.

Việc quá phụ thuộc vào các thuật toán mà không có sự xem xét từ con người có thể dẫn đến những quyết định sai lầm. Ví dụ, trong y tế, một hệ thống AI có thể chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng và dữ liệu lịch sử, nhưng bác sĩ vẫn cần đánh giá tình trạng bệnh nhân từ nhiều khía cạnh khác nhau. Hơn nữa, các thuật toán có thể bị sai lệch hoặc không cập nhật với những biến động mới. Chúng ta đã thấy một ví dụ rất gần đây là việc sử dụng Test Kit trong đợt dịch Covid-19 để phát hiện dương tính với virus (trong khi kết quả xét nghiệm bị chứng minh là tỷ lệ dương tính giả rất nhiều), từ kết quả đó, nhiều người bị nghi nhiễm đã bị đưa vào các khu cách ly tập trung, gây ra rất nhiều tổn thất về người và của.

Điều quan trọng là chúng ta cần biết cách kết hợp giữa công nghệ và yếu tố con người. Công nghệ chỉ nên được xem là công cụ hỗ trợ, giúp chúng ta có thêm thông tin và lựa chọn thông minh hơn, nhưng không nên thay thế hoàn toàn vai trò của con người. Sự phối hợp này giúp đảm bảo quyết định cuối cùng vừa chính xác vừa mang tính nhân văn. Trong thực tế, để áp dụng công nghệ, máy móc trong việc ra quyết định, con người cần ứng dụng lý thuyết logic mờ thay vì lý thuyết chính xác logic 0-1 của toán học. Lý thuyết mờ yêu cầu nhà khoa học cần xác định lằn ranh mờ, đó thường là một số thập phần nằm giữa 0 và 1, để có thể ra quyết định linh hoạt dựa trên thực tế. Phần rõ 0 hoặc 1 có thể nhờ máy tính ra quyết định, tuy nhiên, phần mờ cần phải có sự can thiệp của con người. Ví dụ: trong giao thông thay vì chỉ có đèn xanh đỏ, chúng ta còn phải có đèn vàng, ở đó báo hiệu cho người tham gia giao thông giảm tốc hoặc tăng tốc nếu ở gần, vượt đèn vàng sẽ không phải là vi phạm, hoặc trong xét nghiệm nếu chỉ số dương tính thấp ở dưới 1 ngưỡng nào đó, cần phải làm xét nghiệm thêm trước khi quyết định có bị nhiễm hay không.

Mỗi quyết định của chúng ta trong thực tế sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người và có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho các bên liên quan. Vì vậy, cần phải rất thận trọng và linh hoạt trong việc ra quyết định và đưa ra chính sách dựa trên máy móc. Thay vì chỉ dựa vào những con số khô cứng khi ra quyết định, chúng ta nên xác định phần ranh mờ mà quyết định có khả năng sai sót nhiều hoặc cần phải có sự tham gia nhiều hơn của con người. Lấy ví dụ như thủ tục thông quan ở Nhật Bản, hải quan Nhật đã làm rất tốt việc này. Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nếu một lô hàng bị chặn lại sẽ gây thiệt hại rất lớn cho cả bên xuất và bên nhập khẩu. Trong trường hợp khi xét nghiệm 1 lô nông sản mà tỷ lệ chất cấm bị phát hiện nhưng ở một nồng độ thấp, phía Hải quan Nhật thường không đưa ra quyết định cấm hoặc tiêu hủy lô hàng ngay, mà họ sẽ phải lấy mẫu để xét nghiệm lại. Nếu kết quả xét nghiệm lại cho thấy mức độ vi phạm nằm trong ngưỡng cho phép thì lô hàng đó sẽ vẫn được thông quan bình thường, còn nếu trên ngưỡng cho phép thì lô hàng sẽ bị cấm. Điều này vừa giúp bảo vệ doanh nghiệp, vừa giúp bảo vệ người tiêu dùng, và phản ánh sự linh hoạt của những người ra quyết định.

Tóm lại, trong thời đại số, chúng ta ủng hộ việc ra quyết định dựa trên máy móc, nhưng hãy nhớ đừng quá máy móc. Cần phải biết sử dụng công nghệ một cách thông minh và linh hoạt trong sử dụng kết quả trả ra từ máy móc để ra quyết định đúng đắn. Bằng cách tận dụng tối đa sức mạnh của dữ liệu và thuật toán, đồng thời không quên giá trị của sự khôn ngoan và nhân văn, chúng ta có thể đạt được những thành tựu vượt bậc mà vẫn giữ được bản chất con người trong mọi quyết định. Nên đưa logic mờ vào các hệ thống ra quyết định hiện nay, để con người có thể can thiệp khi cần và phối hợp với máy tính một cách hiệu quả.

PGS.TS. Phạm Quốc Trung,
Khoa Quản lý Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM