LÀM THẾ NÀO ĐỂ XÂY DỰNG MỘT XÃ HỘI BÌNH ĐẲNG
Qua bài viết trước đây của tôi, “Bình đẳng – lý tưởng chung của mọi xã hội”, chúng ta đã biết được bình đẳng là mơ ước và mục tiêu chung của mọi xã hội. Qua đó, ta cũng thấy rằng bình đẳng chính là thước đo trình độ văn minh và tiến bộ của một đất nước, một xã hội. Về nghĩa đen, bình đẳng có nghĩa là ngang bằng, còn về nghĩa mở rộng, bình đẳng là lý tưởng xem mọi người đều có giá trị như nhau bất kể sự khác biệt về màu da, sắc tộc, nguồn gốc, tôn giáo, địa vị, sở hữu… Chính nhờ lý tưởng này mà chúng ta thấy rằng mọi người sinh ra trên trái đất này cần được hưởng những quyền lợi và cơ hội thăng tiến như nhau trong xã hội (quyền được mưu cầu hạnh phúc). Tuy vậy, nhìn vào thế giới ngày nay, ta thấy rằng vẫn còn nhiều nước mà lý tưởng này vẫn chưa hiện thực được, người dân ở đó vẫn còn phải chịu nhiều oan khuất, bất công. Tại sao việc xây dựng một xã hội bình đẳng lại quá khó khăn? Phải chăng có sự khác biệt lớn giữa nhận thức và hành động của chúng ta? Vấn đề đặt ra là làm sao để xây dựng một cơ chế để đảm bảo sự bình đẳng giữa mọi người.
Đầu tiên, chúng ta cần tìm hiểu nguồn gốc của sự bất bình đẳng. Nhìn vào hiện tượng bất bình đẳng trong xã hội, ta thấy nguyên nhân nằm ở ý thức của những người sống trong xã hội đó. Chẳng hạn, có những nhóm người tự cho mình ở vị trí cao hơn kẻ khác và, vì vậy (theo họ nghĩ) đương nhiên họ được hưởng những quyền lợi cao hơn kẻ khác. Ví dụ: ở xã hội chiếm hữu nô lệ, người chủ nô nghĩ rằng họ có vị trí cao hơn những người nô lệ, cho nên họ thiết lập những điều luật để đảm bảo quyền lợi của mình bằng cách bóc lột và hạn chế quyền tự do của nô lệ; ở xã hội phong kiến, vua được cho là có vị trí cao nhất trong xã hội, vì vậy những quy định trong xã hội đó nhằm đảm bảo quyền lợi tối thượng của vua, và người dân ở vị trí thấp nhất phải tuân thủ những quy định do vua đặt ra cho dù quy định đó có bất công đến đâu. Ta thấy rằng, sự phát triển của xã hội loài người đi cùng với sự thay đổi nhận thức của họ, theo hướng loại bỏ dần những hiện tượng bất bình đẳng này. Chính nhận thức của con người là nguyên nhân căn bản khiến họ chấp nhận những hiện tượng bất công trong xã hội. Vì vậy, ngày nay nhận thức của chúng ta mở rộng, những kiểu đối xử kỳ thị giữa chủ nô và nô lệ, hay kiểu quan hệ “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” giữa vua-tôi trong thời phong kiến không còn đất tồn tại nữa. Chính vì vậy, vấn đề căn bản để xây dựng xã hội bình đẳng là nuôi dưỡng ý thức yêu chuộng sự công bằng ở mọi người dân, và xây dựng thiết chế xã hội để đảm bảo quyền bình đẳng và cơ hội phát triển như nhau giữa mọi người trong xã hội.
Trong quá khứ, chúng ta thấy có nhiều chủ thuyết đưa ra nhằm xây dựng một xã hội bình đẳng, trong đó gần đây nhất có chủ thuyết về đấu tranh giai cấp. Chủ thuyết này cho rằng trong xã hội luôn tồn tại 2 giai cấp là giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, từ đó dẫn đến những vấn đề bất bình đẳng giữa 2 giai cấp đó, giải pháp cho vấn đề là dùng đấu tranh cách mạng để lật đổ giai cấp thống trị và xây dựng một xã hội đại đồng không còn giai cấp nữa. Nhưng thật tế cho thấy rằng giải pháp này gặp thất bại vì không thể xây dựng được 1 xã hội không giai cấp. Bởi vậy, sau khi lật đổ giai cấp thống trị, họ vẫn không thể xóa bỏ ranh giới giai cấp, mà lại xây dựng nên 1 giai cấp thống trị mới, và như thế vòng luẩn quẩn của đấu tranh giai cấp sẽ không bao giờ chấm dứt. Vì vậy, ta cần phải chấp nhận một thực tế, đó là xã hội loài người luôn đa dạng, gồm nhiều thành phần, giai cấp khác nhau. Vấn đề chính trong việc xây dựng xã hội bình đẳng là làm sao để mọi người có thể chung sống hòa bình, an lạc và tôn trọng lẫn nhau. Muốn được như vậy, ta cần phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của mỗi người trong xã hội, sao cho ai cũng biết yêu chuộng sự công bằng, biết nhìn mọi người bằng con mắt bình đẳng, biết hành xử và tôn trọng quy tắc bình đẳng này để có thể sống chung an lạc với mọi người xung quanh. Ngoài ra, ta cũng cần những luật định để nghiêm phạt những ai vi phạm và áp dụng hình phạt một cách đồng đều. Hơn nữa, ta cũng cần những người lãnh đạo gương mẫu, đi tiên phong trong việc xây dựng xã hội bình đẳng.
Nhìn vào lịch sử, ta thấy việc thay đổi ý thức xã hội và xây dựng cơ chế cho 1 xã hội bình đẳng phát triển là có thể thực hiện được, chỉ cần sự quyết tâm và tài lãnh đạo. Cách đây hơn 2 thiên niên kỷ, ở xứ sở Ấn Độ đầy ý thức phân biệt giai cấp, chính Đức Phật Thích Ca là người đầu tiên đã tuyên bố 1 cách rõ ràng và mạnh mẽ về lý tưởng bình đẳng này qua phát biểu “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, dòng máu cùng đỏ”. Lý tưởng này đến nay ngày càng chứng tỏ giá trị của nó trong một xã hội hiện đại. Để hiện thực lý tưởng đó, Đức Phật đã bắt đầu từ việc chuyển đổi ý thức của các đệ tử, bằng việc giảng dạy và huân tập ý thức về “Vô Ngã, Vị Tha”, luôn tôn trọng sự sống của mọi người, mọi loài. Bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức sai lầm về mối quan hệ giữa mình và người để có được chánh kiến về sự bình đẳng, đi dần đến việc mở rộng lòng yêu thương để có thể cảm thông, chia sẻ nỗi khổ của người khác. Từ đó, làm cơ sở để phát triển một cộng đồng tu học đầy tình yêu thương, nhân ái và bình đẳng. Không những bằng lời giảng, mà chính trong hành động của Ngài cũng thể hiện lý tưởng đó, như nhận vào giáo đoàn tất cả mọi người từ đủ mọi giai cấp, ngành nghề. Đây có thể được xem là kiểu mẫu để xây dựng 1 xã hội bình đẳng trong tương lai.
Nhìn vào hiện trạng nước ta, lý tưởng bình đẳng đã được thực hiện tới đâu? Liệu người dân có hưởng được quyền và lợi ích bình đẳng trước pháp luật như hiến pháp nước ta vẫn thừa nhận? Nhìn chung, mức độ bình đẳng ở nước ta còn thấp và mới dừng nhiều ở lý thuyết mà chưa đi vào thực tiễn cuộc sống. Có thể kể ra 1 số điển hình của bất bình đẳng như: giữa nông thôn & thành thị, giữa đảng viên & người ngoài đảng, chính quyền & nhân dân, người giàu & người nghèo… Dựa vào các nghiên cứu kinh tế gần đây, một hiện tượng nổi bật ở nước ta là sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, kéo theo nó là sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo. Trong khi người giàu được tự do chọn lựa các dịch vụ giáo dục, y tế, giải trí… thì người nghèo chỉ có thể tiếp cận những dịch vụ giáo dục, y tế rẻ tiền nhất (và nếu không có tiền thì bị loại ra khỏi hệ thống). Ngoài ra, một hiện tượng bất bình đẳng cũng đang gia tăng là giữa công chức nhà nước và dân thường trong việc tiếp cận thông tin và việc bào chữa. Khi đối diện với cùng 1 tội trạng thì công chức nhà nước thường được xử nhẹ, còn dân thường thì phải chịu án nặng (vd. công an đánh dân & dân đánh công an). Một hiện tượng cũng được nói tới nhiều trong những năm vừa qua là sự bất bình đẳng giữa công nhân và chủ nước ngoài (thể hiện ở tỷ lệ gia tăng số cuộc đình công ở các khu công nghiệp). Trong khi việc đình công thường bị xem là bất hợp pháp và đầy rủi ro đối với công nhân, thì các chủ tư bản nước ngoài vẫn được các chính quyền địa phương chào đón và tạo nhiều thuận lợi. Đặc biệt nghiêm trọng là sự liên kết giữa chủ dự án đầu tư nước ngoài với chính quyền địa phương trong việc cưỡng chế đất đai của nông dân, dẫn tới tỷ lệ gia tăng của số lượng dân oan và những khiếu kiện dai dẳng liên quan đến đất đai vì mâu thuẫn quyền lợi giữa một bên là người nông dân mất đất và bên kia là chủ đầu tư + chính quyền. Tất cả các hiện tượng trên, cho thấy đã đến lúc chúng ta phải hành động để thay đổi hiện trạng xã hội, theo hướng bình đẳng hơn, giảm bớt bất công, để có thể mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân như mục tiêu xưa giờ của mọi lực lượng lãnh đạo đất nước.
Như vậy, để thay đổi hiện trạng xã hội theo hướng bình đẳng hơn, ta cần phải tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính: (1) giáo dục ý thức yêu chuộng sự công bằng ở mọi người dân, bắt đầu từ giáo dục ở cấp tiểu học; (2) sửa đổi hiến pháp và pháp luật sao cho phản ánh được tiếng nói của mọi thành phần trong xã hội, đảm bảo sự giám sát chéo, hạn chế sự lạm quyền, cho phép sự chỉnh sửa hệ thống theo hướng tiến bộ hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng cần 1 nhà lãnh đạo biết yêu chuộng sự công bằng, có tài lãnh đạo và quyết tâm thay đổi xã hội theo hướng tiến bộ hơn, công bằng hơn.
Liên quan đến giải pháp (1), chúng ta cần sửa đổi chương trình và phương pháp giảng dạy để giúp các em học sinh có ý thức yêu chuộng sự công bằng. Không những bằng bài giảng, mà phải áp dụng trong các công việc cụ thể, như: biết xếp hàng chờ đến lượt mình, biết dừng đèn đỏ, có quy định phạt đối với những em vi phạm tính công bằng, như chen ngang, vượt đèn đỏ… Phụ huynh cũng phải góp phần vào công tác giáo dục này, bằng cách không chạy trường, chạy điểm, cho con em học thêm… Muốn giáo dục các em về sự công bằng, chính thầy cô, nhà trường, và phụ huynh phải là những tấm gương tôn trọng nề nếp, kỷ luật chung, không vì lợi mình mà vi phạm tới lợi ích của người khác. Liên quan đến giải pháp (2), chúng ta cần xây dựng một xã hội pháp trị, trong đó cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp có vai trò giám sát lẫn nhau, đồng thời có sự giám sát của người dân thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí độc lập. Trước mắt, cần xây dựng được một quốc hội đúng nghĩa, gồm những người đại diện xứng đáng của dân, có tâm, có tầm là bước cơ bản để thay đổi các thiết chế sai lầm hiện tại, đề ra các quy định hợp lý, đảm bảo quyền lợi của mọi người dân, hạn chế sự lạm quyền của cơ quan hành pháp. Từ đó, làm cơ sở để xây dựng 1 hệ thống pháp luật vững mạnh, phù hợp với thông lệ quốc tế, nêu cao tính gương mẫu của pháp luật, công bằng với mọi đối tượng, có chiếu cố đến những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Bằng việc thực hiện 2 nhóm giải pháp trên, cùng với thời gian, ta sẽ chọn ra được những người lãnh đạo có tài có tâm để dẫn dắt công cuộc thay đổi xã hội thật sự hướng về mục tiêu Công bằng, Dân chủ, Văn minh. Đó là mơ ước của tôi về một nước Việt Nam bình đẳng, phú cường. Hy vọng rằng ước mơ này sẽ trở thành hiện thực trong 1 ngày không xa.
Sài Gòn, 7/2012
TS. Phạm Quốc Trung
Thân gửi a Trung, e là Phương ở Cà Mau, là học trò của Thầy. Qua bài viết của a, e hoàn toàn thống nhất với ý kiến của a cũng như các giải pháp mà a đã đề ra. Sau đây e cũng xin phép a cho e có đóng góp một vài ý kiến với bài viết bằng kiến thức hạn hẹp của mình.
ReplyDeleteĐầu tiên là 2 giải pháp a đã đưa ra, hoàn toàn chính xác và hiện nay Đảng ta (trước đây cũng vậy, Bác Hồ cũng đã từng để cập đến) và đây cũng là mục tiêu của Đảng và Bác xây dựng đất nước thực sự bình đẳng. Và mục tiêu này ngày nay cũng đang được thực hiện. Tuy nhiên, trong thời kỳ nền kinh tế thị trường, lạm phát, cuốc sống thực dụng đã làm không ít đảng viên, cán bộ công chức Nhà nước đã không còn giữ được lý tưởng của mình với lý tưởng của Đảng, ngày càng làm mất uy tín của Đảng đối với quần chúng nhân dân, mất lòng tin của dân đối với Đảng. Đó là một hậu quả vô cùng nghiêm trọng có thể làm Đảng ta suy yếu một cách nhanh chóng. Vậy việc đầu tiên là chấn chỉnh lại lối sống, đạo đức, cách làm việc cũng như lý tưởng của đảng viên trong đảng và lớp đoàn viên dự bị. Xây dựng như vậy ta không chỉ xây dựng một xã hội công bằng mà còn cho xã hội phát triển giàu mạnh với đội ngũ tiên phong có nhiệt huyết với dân với Tổ Quốc.
Lại nói về việc giáo dục. Phần a đã đề cập e không có ý kiến thêm. E xin đề cập đến vấn đề hiện nay đó là đại bộ phận người dân chưa tận dụng hết quyền và nghĩa vụ của mình để xây dựng và củng cố quyền lợi của mình trong việc xây dựng đội ngũ đảng viên, xây dựng pháp luật, cũng như các vấn đề liên quan đến thể chế hay pháp luật khác hoặc trong việc bầu cử HĐND hay Đại biểu Quốc Hội, người dân đã quên mất quyền lợi đề cử của mình để đề cử những cán bộ thật sự tâm huyết phục vụ nhân dân, chưa giám sát được những người được đề cử mà chỉ nghe được ý kiến một chiều từ thông tin đại chúng. Từ đó khi bầu lên một người đại diện cho quần chúng nhân dân mà không thể đảm trách được nghĩa vụ của mình hoặc những trường hợp trúng cử để phục vụ mục đích cá nhân. Như vậy làm sao lo đến chuyện công bằng cho xã hội được. Do đó, phải củng cố từ những cấp bậc cơ sở từ đó thay đổi dần đến Trung ương đảm bảo giữ vững lý tưởng cao cả của Đảng bằng những biện pháp mà a đã đề cập ở trên.
Trên đây là những chia sẽ của e. Với vốn kiến thức và hiểu biết kém, mong anh bỏ qua cho e nhé!
Phương (đệ tử thầy Hồ Nam Long).
Cám ơn em đã góp ý và chia sẻ! Anh nghĩ với vấn đề 1 em nêu (sự suy thoái đạo đức, lý tưởng ở 1 bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên) không thể chỉ giải quyết bằng kêu gọi chấn chỉnh đạo đức lối sống như hiện nay được, mà cần phải có các biện pháp phát hiện và trừng phạt nghiêm túc, bởi vì có sự gắn kết giữa tiền và quyền, cũng như tác động của các nhóm lợi ích đằng sau. Giải pháp về lâu dài vẫn phải là minh bạch hóa thông tin và có sự cạnh tranh dân chủ ở các vị trí nắm giữ quyền lực. Còn vấn đề 2 em nêu liên quan đến dân chủ hóa ở cấp cơ sở. Anh nghĩ điều này cũng cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải thay đổi cơ chế ứng cử, đề cử và chọn người. Nếu vẫn với cơ chế như cũ, thì sẽ không chọn được người xứng đáng vào các vị trí lãnh đạo. Vấn đề không phải người bầu không biết chọn lựa, mà do quy trình lạc hậu và thông tin chưa được tự do mà thôi.
Delete