Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Saturday, March 22, 2025

Sống có trách nhiệm

 


Sống có trách nhiệm

“Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi xem mình đã làm được gì cho tổ quốc”
(Tổng thống Mỹ – Kennedy)

Là người Việt Nam, ai cũng mang trong mình dòng máu yêu nước, kế thừa từ ông cha với truyền thống chống ngoại xâm kiên cường. Chính dòng máu đó đã thôi thúc mọi người, nhất là tuổi trẻ, phải làm gì đó để đóng góp cho dân tộc và tổ quốc hôm nay. “Tuổi trẻ là tương lai của đất nước” là một câu thành ngữ cho thấy sứ mệnh và trách nhiệm to lớn của thế hệ trẻ đối với bản thân và tổ quốc. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể đóng góp một cách có trách nhiệm nếu ta hiểu rõ về thực trạng của bản thân và tổ quốc mình hôm nay.

Nhìn thẳng sự thật là điều mà chúng ta cần phải có, bởi quanh ta hiện có quá nhiều dối trá, che đậy, sự lẫn lộn giữa nhận định đúng và sai, khiến chúng ta cần phải tỉnh táo để có nhận thức đúng. Chúng ta thường tự hào khi nghe vài lời khen ngoại giao từ các tổ chức quốc tế, tự ru ngủ khi cho rằng mình đã đạt nhiều thành tựu to lớn, nhưng thực tế chưa hẳn là vậy. Phải nhìn thẳng sự thật là hiện đất nước chúng ta còn quá nghèo nàn, lạc hậu, giới trẻ thiếu lý tưởng, chuộng đời sống vật chất, bế tắc trong đường lối phát triển, tham nhũng tràn lan, đạo đức suy thoái trầm trọng…

Trước thực trạng xã hội như vừa thấy, trách nhiệm đặt ra đối với tuổi trẻ càng nặng nề hơn bao giờ hết. Tuổi trẻ cần phải vừa nổ lực học tập để hoàn thiện bản thân về mặt tri thức, đạo đức, đồng thời phải gánh vác trách nhiệm thúc đẩy, xây dựng cái mới tốt đẹp để dần dẹp bỏ những cái cũ xấu xa, kém cỏi, và lạc hậu – là di sản của thế hệ trước để lại.

  1. Trách nhiệm của tuổi trẻ đối với bản thân:
  • Học tập và tự hoàn thiện: Tuổi trẻ cần nỗ lực học hỏi, rèn luyện bản thân, và phấn đấu vươn lên. Bởi chỉ có học hỏi con người mới có thể hoàn thiện bản thân về mặt tri thức chuyên môn, kiến thức và kỹ năng cần có để tạo dựng một cuộc sống an vui, hạnh phúc. Tinh thần sáng tạo, khám phá, và không ngừng học hỏi là những đặc điểm cần có.
  • Tự giác và rèn luyện ý thức đạo đức: Tuổi trẻ cần hiểu rằng trách nhiệm không chỉ là việc thực hiện nhiệm vụ, mà còn là việc sống có ý thức đạo đức. Tự giác trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, và tôn trọng người khác là quan trọng. Đạo đức là những nguyên tắc sống hướng thiện và hướng thượng, giúp cho ta trở thành một Con Người đúng nghĩa, biết sống vì mọi người thay vì chỉ ích kỷ nghĩ đến bản thân mình.
  1. Trách nhiệm của Tuổi Trẻ đối với Tổ Quốc:
  • Tham gia công tác xã hội: Tuổi trẻ nên tích cực tham gia vào các hoạt động công ích, tình nguyện, và giúp đỡ cộng đồng. Sự cống hiến và tinh thần tập thể sẽ giúp xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
  • Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ: Tuổi trẻ cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Đóng góp vào sự đoàn kết quốc gia là nền tảng của sự thịnh vượng.
  • Lao động để đóng góp cho sự phát triển quốc gia: Tuổi trẻ cần có tinh thần cống hiến, hoàn thành tốt công việc của mình dù bất kỳ ở vị trí nào, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Điều này có thể thể hiện qua việc học tập, lao động, và tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội.

Trách nhiệm của tuổi trẻ không chỉ là việc thực hiện nhiệm vụ, mà còn là việc sống có ý thức và tinh thần đóng góp. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một đất nước vững mạnh và phát triển. Để làm được điều đó, tuổi trẻ còn phải góp phần vào việc thay đổi đất nước, đấu tranh với những thực trạng sai, xấu, khơi dậy ý thức tự cường, lòng tự trọng, và ý thức mạnh mẽ để thực hiện ước mơ đưa đất nước phát triển giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Có trách nhiệm đòi hỏi tuổi trẻ phải hoàn thành sứ mệnh của mình trong việc học tập, siêng năng, nổ lực trong công việc và cuộc sống. Ngoài ra, người trẻ còn phải không ngừng tu dưỡng bản thân, vượt qua những thói quen xấu, như: lười biếng, ham chơi, mê game, mê đánh bạc, đá gà, rượu bia, hút sách… Có chiến thắng những thói hư tật xấu của bản thân mình, mới có thể thực hiện trọn vẹn trách nhiệm với gia đình và xã hội được.

Một mục tiêu chung mà tuổi trẻ cần hướng tới đó là xây dựng một nước Việt Nam phú cường, hội nhập quốc tế, trong đó cần chú trọng đến sự đoàn kết dân tộc (mọi miền đất nước, trong vào ngoài nước), xây dựng một xã hội bình đẳng về cơ hội cho mọi người nếu có nổ lực đều sẽ có cơ hội phát triển, và khôi phục các giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông ta, như: trung thực, tôn trọng đời sống tâm linh, hiếu kính ông bà tổ tiên…

Hãy cùng đọc lại bài thơ kêu gọi tuổi trẻ đổi mới để thích ứng với thời đại mới và nắm lấy cơ hội và trách nhiệm để phục hung đất  nước của cụ Phan Bội Châu cách đây 1 thế kỷ để hiểu thêm tấm lòng người xưa, và nổ lực nhận lấy trách nhiệm của tuổi trẻ trong thời đại ngày nay.

NHẬT NHẬT TÂN – HỰU NHẬT TÂN

Thưa các cô, các chị, các anh
Ngày đổi mới, người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Ghé vai vào gánh vác việc giang san
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan
Dây đoàn thể quyết ghe phen thành hiệp lại
Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi
Cởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần
Chẳng thèm ăn, chẳng thèm mặc, chẳng thèm chơi
Lấy gan sắt để dời non lấp bể
Lấy máu nóng rửa vết nhơ nô lệ
Mới thế này là mới hỡi chư quân
Chữ rằng – Nhật nhật tân, hựu nhật tân.

(Phan Bội Châu)

Saturday, March 8, 2025

Quốc tế nữ lưu

 


Quốc tế nữ lưu

(Thương tặng bà xã và các chị em nhân ngày 8-3)

Một trăm năm trước ngày này
Phụ nữ chịu cảnh đoạ đày khổ đau
Vùng lên đoàn kết cùng nhau
Đòi quyền bình đẳng, tiến mau nữ quyền
Bỏ phiếu, đi học bình quyền
Cơ hội thăng tiến mọi miền như nhau
Tám tháng ba nhắc nhở nhau
Thương yêu trân quý như nhau mọi người
Nữ nam tay nắm miệng cười
Đóa hoa hồng thắm cho đời thêm vui
Sáng lên bóng tối phải lui
Hòa bình đoàn kết an vui sống cùng
Nhân quyền thế giới vui chung
Nữ nam bình đẳng sống chung an bình…

8-3-2025
PQT

Friday, February 21, 2025

Đề Bà Đạt Đa và chiếc bát vàng

Đề Bà Đạt Đa và chiếc bát vàng

Nhiều tiền kiếp Đạt Đa và Phật
Có nhân duyên ẩn mật gặp nhau
Một người tinh tấn tiến mau
Một người nghịch hạnh khổ sầu tai ương
Một tiền kiếp làm nghề buôn bán
Buôn cổ trang bạc vạn gần xa
Có người góa phụ lấy ra
Bán chiếc bát cổ nhưng mà chẳng hay
Tuy đến trước, Đề Bà chẳng lấy
Bảo vật này chẳng mấy xu hào
Ý chờ ép giá về sau
Bỏ đi cơ hội lời cao ngàn vàng
Phật đến sau nhìn ra bát quý
Bảo vật này tiền tỷ sao mua
Chủ nhà nói Phật cứ mua
Tám trăm dốc túi chủ đưa bát vàng
Phật vừa khuất Đề Bà trở lại
Hỏi đâu rồi chiếc bát thải kia
Biết ra Phật đã đem đi
Ổng tức ói máu-sân si mất tiền
Có những kẻ ở gần bát quý
Chẳng nâng niu gìn giữ khác gì
Bỏ đi chẳng được lợi chi
Lại mong quay lại còn gì nữa đâu
Thầy Minh Tuệ dạy cho thầy Báu
Đừng tham lam như gã Đề Bà
Cơ hội quý mất đi mà
Sân si tức tiếc… đã qua duyên rồi
Hãy sám hối đừng như Đề Đạt
Như Phật đà, lợi lạc bát vàng
Chánh mạng tinh tấn vững vàng
Con đường gần Phật - đường vàng chớ quên
Đức Kiên

Sunday, February 9, 2025

Chuyện con báo

 


Chuyện con báo

 

Một thời Trưởng lão Mục Kiền Liên ở trong một am thất có một cửa, trong một vùng đất được rào và núi đồi bao bọc. Lối đi có mái che của nhà ngài ở gần cửa ấy. Một vài mục tử nghĩ rằng hàng rào ấy là chỗ tốt cho đàn dê nên họ lùa dê vào đó. Một hôm họ đến vào buổi chiều đem cả bầy dê đi.

Nhưng có một con dê cái đã lang thang quá xa không thấy bầy dê ra đi, và bị bỏ lại một mình. Sau đó khi nó ra đi, một con báo thấy nó, muốn ăn thịt bèn đứng bên cửa hàng rào. Dê cái nhìn quanh và thấy con báo. Dê suy nghĩ: "Báo đứng đó vì nó muốn giết ta và ăn thịt. Nếu ta quay đầu bỏ chạy, ta sẽ mất mạng. Vậy ta phải can đảm lên".

Rồi dê giương đôi sừng, vùng chạy thẳng trước mặt báo với tất cả dũng lực. Dê thoát được móng vuốt báo trong gang tấc, dù con báo rung mình vì nó tưởng sẽ chụp được dê. Rồi dê chạy hết tốc lực, cuối cùng, nó bắt kịp cả đàn.

Ngài Mục Kiên Liên chứng kiến tận mắt sự can đảm và thành công của con dê, đã đem câu chuyện kể cho đức Phật. Đức Phật nói lời khen ngợi con dê biết nỗ lực tự vệ trước kẻ thù tàn ác. Nhân đó, ngài cũng kể một câu chuyện quá khứ, mà dê đã không dám đương đầu kẻ ác và đã bị ăn thịt.

Bài học: Trong cuộc sống, cần can đảm đương đầu với những khó khăn để vượt qua nó. Trong câu chuyện trên, con dê đã biết rằng "thượng sách là nên xáp lá cà", nhờ đó, nó có cơ may sống còn. Nếu không, kẻ yếu hơn sẽ phải bị tiêu diệt theo quy luật sinh tồn giữa muôn loài.

(Nguồn: Những mẫu chuyện PG dành cho Thiếu nhi - tập 2 - Đức Kiên)

Monday, February 3, 2025

Thắc mắc của vua A Xà Thế

Đầu năm rắn, xin kể một câu chuyện có liên quan đến rắn để mọi người đọc vui xuân. Chúc mọi người, mọi nhà một mùa Xuân an lạc, kiết tường và hạnh phúc!

Thắc mắc của vua A Xà Thế

Vua A Xà Thế sau khi quy y theo Phật đã rất nhiệt tâm trong việc tu học, thường suy tư, tìm hiểu và ứng dụng lời Phật dạy vào việc trị quốc, an dân. Vì vậy, đất nước an bình, thịnh trị. Tuy nhiên, việc vua A Xà Thế theo Phật, thay đổi quan điểm trong việc trị quốc theo hướng nhân từ, không sát hại đã gặp phải sự bài bác, chống đối của các vị Bà La Môn.

Nhân sự việc 2 binh sĩ bỏ nhiệm vụ để trở thành tỳ kheo trong tăng đoàn của Phật, các vị Bà La Môn chất vấn vua A Xà Thế rằng, nếu ai cũng muốn thực hiện theo lời Phật dạy là không sát hại thì lấy ai chiến đấu bảo vệ đất nước và giữ gìn trị an?

Vua A Xà Thế bối rối trước tình huống này, nên đến xin ý kiến Phật để tìm cách hóa giải mâu thuẫn với các vị Bà La Môn, và cũng để giải quyết những khúc mắc trong lòng mình. Sau khi nghe những khúc mắc của vua A Xà Thế về mâu thuẫn giữa nguyên lý bất hại với nhu cầu chiến đấu, trừng phạt để bảo vệ sự an nguy của đất nước, Đức Phật bèn kể một câu chuyện như sau.

Ngày xưa, ở một vương quốc nọ, có một con rắn chúa sinh sống trong ngôi đền cổ. Con rắn này thường bò vào làng và cắn chết nhiều người, nên nó đã trở thành nổi kinh hoàng của mọi người. Không ai dám đến gần ngôi đền và khu vực xung quanh.

Một hôm nọ, có vị đạo sĩ từ phương xa đến và dừng chân trú đêm lại trong ngôi đền đó. Con rắn chúa đã bò đến gần vị đạo sĩ, và định cắn như mọi khi. Tuy nhiên, vị đạo sĩ là người đã có giác ngộ, nên ngài đã dùng tâm từ để cảm hoá con rắn chúa. Ngài đã giảng giải cho nó nghe về nghiệp báo, khiến nó nhận ra lỗi lầm do lòng tham sân si. Nó đã xin quy y với ngài, hứa giữ gìn ngũ giới và nguyện sẽ từ bỏ con đường sát hại.

Từ đó, con rắn trở nên hiền lành, không còn cắn ai nữa. Tuy thế, dần dần mọi người trong làng không còn sợ hãi con rắn, và còn xem thường nó nữa. Chẳng những vậy, nó lại bị lũ trẻ con trong làng chọc phá, dùng gậy gộc đánh một cách rất thảm thương. Con rắn phải trốn vào hang đá vào ban ngày, và ban đêm mới đi ra kiếm ăn. Nó chỉ ăn những thứ cỏ cây, sỏi đá mà không dám giết hại bất kỳ loài vật nào như đã hứa với vị đạo sĩ.

Một ngày kia, vị đạo sĩ trở lại ngôi làng đó, thấy tình cảnh thảm thương của con rắn, ngài nói với nó: "Ta chỉ bảo ngươi không cắn người, chứ đâu bảo ngươi phải từ bỏ bản chất của mình. Ngươi vẫn có thể khò khè làm họ sợ để tự vệ chứ".

Kể đến đây, Đức Phật dạy vua A Xà Thế về trách nhiệm của người cầm quyền, nên dùng tâm nhân từ, công bằng đối xử với mọi người. Khi cần thiết vẫn có thể trừng phạt người phạm lỗi, và vẫn có thể duy trì quân đội để bảo vệ đất nước.

Ngài dạy thêm, điều quan trọng của việc tu tập là đi trên con đường trung đạo, không quá phóng túng, nhưng cũng không quá khắc khổ, cần linh động để ứng xử cho phù hợp với hoàn cảnh, tránh việc cố chấp, quá cứng nhắc trong ứng xử.

Ngoài ra, Đức Phật cũng chỉ cho vua A Xà Thế về bảy nguyên tắc để duy trì hòa bình, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh, đó là:

1/ hai bên cần ngồi đối diện với nhau, cùng nổ lực giải quyết vấn đề.

2/ mỗi bên trình bày vấn đề một cách rõ ràng, bình tĩnh tìm hiểu và ghi nhớ nguyên nhân của vấn đề.

3/ cần dùng trí tuệ khách quan/ công bằng xem xét từng vấn đề, sáng tạo trong việc tìm giải pháp.

4/ nếu nhận thấy điểm sai của mình thì chủ động xin lỗi, không cố chấp cãi bướng. Sẵn lòng tha thứ cho người và cho mình về những khuyết điểm.

5/ mọi quyết sách cần được sự tán đồng của người dân, nếu sau khi đọc lớn 3 lần quyết định trước công chúng mà không ai phản đối, thì mới được ban hành quyết định đó.

6/ trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, các bên cần phải tuân theo quy tắc chung đã đặt ra.

7/ cần mời một người lớn tuổi, có uy tín đứng ra làm trọng tài/ trung gian hoà giải giữa 2 bên.

Phật nói tiếp, nếu đại vương thực hành theo bảy nguyên tắc trên, mọi tranh chấp sẽ có thể được hóa giải, mở ra con đường của hoà bình, an lạc và cùng chung sống giữa mọi người. Nghe xong, vua A Xà Thế vui mừng, tán thán Đức Phật, xin tuân theo lời chỉ dạy và trở về cung.

Bài học: Khi áp dụng lời Phật dạy vào cuộc sống, cần linh động, nên theo tinh thần trung đạo. Nguyên lý bất hại chỉ mang tính tương đối, nên cố gắng tránh sát hại đến mức tối đa. Trong một số tình huống bất khả kháng, việc trừng phạt, hay tiêu diệt kẻ ác để bảo vệ an bình của người thiện một cách công tâm cũng không vi phạm nguyên lý này.

(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Friday, January 24, 2025

Xuân ước vọng



Xuân ước vọng


Ước vọng gì cho xuân mới đây?

Buông bao phiền muộn vẫn đong đầy

Mong cho xuân mới nhiều an lạc

Vững bước an nhiên, mây trắng bay


Cầu cho thế giới hết thiên tai

Chiến tranh, dịch bệnh sớm dừng ngay

Con người giác ngộ - mau buông bỏ

Tham hận, si mê, biết bao ngày


Chắp tay sen trắng, hiện bồ câu

Yêu thương, kham nhẫn... hiện phép màu

Bước đi an lạc trên mặt đất

Nam mô... Tịnh độ - chằng tìm đâu


Xuân về hoa nở khắp nơi nơi

Mong ánh quang minh sáng cõi đời

Mong từ quang xua dần bóng tối

Cho an vui, hạnh phúc... mọi người!


Cảm tác chiều 25 tết Ất Tỵ

Đức Kiên


Sunday, January 5, 2025

Ra Quyết Định Dựa Trên Máy Móc, Nhưng Đừng Máy Móc

 

Ra Quyết Định Dựa Trên Máy Móc, Nhưng Đừng Máy Móc

Trong thời đại số hóa và công nghiệp 4.0 hiện nay, việc ra quyết định dựa trên dữ liệu và thuật toán đã trở thành một yếu tố thiết yếu trong nhiều lĩnh vực, từ kinh doanh, y tế đến giáo dục. Tuy nhiên, trong khi công nghệ mang lại sự chính xác và hiệu quả trong phần lớn trường hợp, nhưng nó vẫn phạm sai sót trong một số trường hợp. Vì vậy, điều quan trọng không kém là con người cần phải thận trọng và linh hoạt trong việc ra quyết định dựa trên máy móc, mà không nên quá phụ thuộc và cứng nhắc trong việc sử dụng công cụ này. Hãy ra quyết định dựa trên máy móc, nhưng đừng máy móc! Một số ví dụ gần đây mà chúng ta thường nghe thấy trên báo đài như: việc phạt người lái xe vượt đèn đỏ nhưng hệ thống đèn xanh đèn đỏ ở một số giao lộ lại nhảy lung tung khiến người tham gia giao thông có thể bị phạt oan, việc phạt nồng độ cồn dựa trên máy thổi độ cồn, đôi khi người bị phạt không uống rượu bia, nhưng thổi vào máy vẫn nhảy ra số…

Các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) đã chứng tỏ khả năng vượt trội trong việc phân tích dữ liệu khổng lồ và đưa ra những dự đoán chính xác. Chúng giúp loại bỏ sự thiên vị và sai sót của con người, mang lại những quyết định hiệu quả hơn và tối ưu hóa quy trình làm việc. Mặc dù công nghệ có thể hỗ trợ, nhưng việc ra quyết định cuối cùng vẫn cần sự tham gia của con người. Chúng ta có khả năng cảm nhận, phân tích từ góc độ đạo đức, và hiểu được những yếu tố phi logic mà máy móc không thể nào nắm bắt. Điều này đặc biệt quan trọng trong những tình huống đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo. Hãy nhìn vào hệ thống chấm điểm công dân của Trung Quốc như là một ví dụ. Rất nhiều nhà khoa học đã chỉ trích hệ thống này vi phạm nhân quyền và tạo ra sự bất bình đẳng trong đối xử với người dân. Có lẽ chính phủ Trung Quốc vì quá hào hứng với các hệ thống ra quyết định tự động, như hệ thống nhận dạng khuôn mặt, đã sử dụng các cỗ máy dựa trên các con số tính toán của giải thuật để phân loại người dân, và từ đó áp dụng các chính sách khác nhau với những nhóm người khác nhau. Điều này giúp phần nào hạn chế tội phạm và tăng cường an ninh quốc gia nhưng lại gây ra nhiều vấn đề liên quan đến quản trị xã hội. Đứng ở góc độ người công dân bị xếp hạng và bị áp đặt các chính sách phân biệt đối xử dựa trên phân loại của máy móc (nhiều khi rất sai), thì bạn nghĩ sao? Quyền con người của bạn có được tôn trọng không? Bạn có được đối xử bình đẳng không? Rất có khả năng bạn bị hạn chế quyền đi lại hoặc xuất cảnh chỉ vì hệ thống nhận dạng khuôn mặt của bạn trông giống với một tội phạm nào đó. Thực tế, điều tương tự cũng xảy ra ở các nước khác. Chẳng hạn, ở Mỹ, khi nhà nước áp dụng một số bộ lọc để hạn chế sự nhập cư từ các nước Hồi giáo, một người có thể bị cấm nhận cư bởi vì trong tên của họ có chữ “Ali” hay “Mohamed” khá giống với tên một số phần tử khủng bố mà Mỹ đang truy nã toàn cầu, nhưng thực tế họ hoàn toàn không liên quan.

Việc quá phụ thuộc vào các thuật toán mà không có sự xem xét từ con người có thể dẫn đến những quyết định sai lầm. Ví dụ, trong y tế, một hệ thống AI có thể chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng và dữ liệu lịch sử, nhưng bác sĩ vẫn cần đánh giá tình trạng bệnh nhân từ nhiều khía cạnh khác nhau. Hơn nữa, các thuật toán có thể bị sai lệch hoặc không cập nhật với những biến động mới. Chúng ta đã thấy một ví dụ rất gần đây là việc sử dụng Test Kit trong đợt dịch Covid-19 để phát hiện dương tính với virus (trong khi kết quả xét nghiệm bị chứng minh là tỷ lệ dương tính giả rất nhiều), từ kết quả đó, nhiều người bị nghi nhiễm đã bị đưa vào các khu cách ly tập trung, gây ra rất nhiều tổn thất về người và của.

Điều quan trọng là chúng ta cần biết cách kết hợp giữa công nghệ và yếu tố con người. Công nghệ chỉ nên được xem là công cụ hỗ trợ, giúp chúng ta có thêm thông tin và lựa chọn thông minh hơn, nhưng không nên thay thế hoàn toàn vai trò của con người. Sự phối hợp này giúp đảm bảo quyết định cuối cùng vừa chính xác vừa mang tính nhân văn. Trong thực tế, để áp dụng công nghệ, máy móc trong việc ra quyết định, con người cần ứng dụng lý thuyết logic mờ thay vì lý thuyết chính xác logic 0-1 của toán học. Lý thuyết mờ yêu cầu nhà khoa học cần xác định lằn ranh mờ, đó thường là một số thập phần nằm giữa 0 và 1, để có thể ra quyết định linh hoạt dựa trên thực tế. Phần rõ 0 hoặc 1 có thể nhờ máy tính ra quyết định, tuy nhiên, phần mờ cần phải có sự can thiệp của con người. Ví dụ: trong giao thông thay vì chỉ có đèn xanh đỏ, chúng ta còn phải có đèn vàng, ở đó báo hiệu cho người tham gia giao thông giảm tốc hoặc tăng tốc nếu ở gần, vượt đèn vàng sẽ không phải là vi phạm, hoặc trong xét nghiệm nếu chỉ số dương tính thấp ở dưới 1 ngưỡng nào đó, cần phải làm xét nghiệm thêm trước khi quyết định có bị nhiễm hay không.

Mỗi quyết định của chúng ta trong thực tế sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người và có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho các bên liên quan. Vì vậy, cần phải rất thận trọng và linh hoạt trong việc ra quyết định và đưa ra chính sách dựa trên máy móc. Thay vì chỉ dựa vào những con số khô cứng khi ra quyết định, chúng ta nên xác định phần ranh mờ mà quyết định có khả năng sai sót nhiều hoặc cần phải có sự tham gia nhiều hơn của con người. Lấy ví dụ như thủ tục thông quan ở Nhật Bản, hải quan Nhật đã làm rất tốt việc này. Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nếu một lô hàng bị chặn lại sẽ gây thiệt hại rất lớn cho cả bên xuất và bên nhập khẩu. Trong trường hợp khi xét nghiệm 1 lô nông sản mà tỷ lệ chất cấm bị phát hiện nhưng ở một nồng độ thấp, phía Hải quan Nhật thường không đưa ra quyết định cấm hoặc tiêu hủy lô hàng ngay, mà họ sẽ phải lấy mẫu để xét nghiệm lại. Nếu kết quả xét nghiệm lại cho thấy mức độ vi phạm nằm trong ngưỡng cho phép thì lô hàng đó sẽ vẫn được thông quan bình thường, còn nếu trên ngưỡng cho phép thì lô hàng sẽ bị cấm. Điều này vừa giúp bảo vệ doanh nghiệp, vừa giúp bảo vệ người tiêu dùng, và phản ánh sự linh hoạt của những người ra quyết định.

Tóm lại, trong thời đại số, chúng ta ủng hộ việc ra quyết định dựa trên máy móc, nhưng hãy nhớ đừng quá máy móc. Cần phải biết sử dụng công nghệ một cách thông minh và linh hoạt trong sử dụng kết quả trả ra từ máy móc để ra quyết định đúng đắn. Bằng cách tận dụng tối đa sức mạnh của dữ liệu và thuật toán, đồng thời không quên giá trị của sự khôn ngoan và nhân văn, chúng ta có thể đạt được những thành tựu vượt bậc mà vẫn giữ được bản chất con người trong mọi quyết định. Nên đưa logic mờ vào các hệ thống ra quyết định hiện nay, để con người có thể can thiệp khi cần và phối hợp với máy tính một cách hiệu quả.

PGS.TS. Phạm Quốc Trung,
Khoa Quản lý Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM

Wednesday, December 25, 2024

Mừng Chúa giáng sinh



Mừng Chúa giáng sinh

Giáng sinh về, rực ánh đèn,
Khắp nơi rộn rã, leng keng… tiếng cười,
Chúc nhau hạnh phúc, vui tươi,
Tình yêu nhân thế, tình người trong tim
Năm mới đến, chúc bình yên,
Thành công, mạnh khỏe, niềm tin vững vàng
Thiện tâm gắng giữ, bình an
Yêu thương, bác ái, rộn ràng… giáng sinh!
Merry Christmas and Happy New Year 2025!

Friday, December 13, 2024

Tích tiểu thành đại

TÍCH TIỂU THÀNH ĐẠI 

Chớ chê khinh điều ác,
Cho rằng "chưa đến mình",
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi cũng đầy tràn bình.

Cũng vậy tích lũy ác
Việc ác sẽ đầy dần
Người ngu chứa đầy ác
Do chất chứa dần dần.

Chớ chê khinh điều thiện
Cho rằng "chưa đến mình",
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi cũng đầy tràn bình.

Cũng vậy tích lũy thiện
Việc thiện sẽ đầy dần
Người trí chứa đầy thiện,
Do chất chứa dần dần.

(Nguồn: Thơ Phật cho trẻ em - Đức Kiên)

Wednesday, November 20, 2024

Người thầy thầm lặng



Người thầy thầm lặng 

Không hào quang, chúc tụng 
Không lễ hội, không hoa
Những người thầy thầm lặng 
Khi cần sẽ hiện ra…

Vẫn làm tròn bổn phận 
Dẫu ai nhớ ai quên 
Vẫn đi về mấy bận
Lặng thầm không tuổi tên 

Gieo hạt mầm tri thức 
Âm thầm nuôi ước mơ 
Những người thầy rất thực 
Ít thấy trong vần thơ 

Hãy lắng lòng tĩnh lặng 
Sẽ nhận ra quanh mình 
Bao người thầy thầm lặng 
Cho đời thêm nghĩa tình.

PQT - 20/11/24