Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Monday, June 28, 2021

TUỔI GIÀ

TUỔI GIÀ


Thân này tuy đẹp sáng, 

Chỗ chất chứa vết thương, 

Và khổ đau, bệnh hoạn, 

Thật biến đổi vô thường.


Sắc này sẽ suy già,

Ổ tật bệnh, mỏng manh, 

Bất tịnh, dễ tan rã, 

Mạng sống cũng hết nhanh.


Người ít nghe kém học, 

Lớn già như trâu đực. 

Tuy thân nó lớn thật, 

Nhưng trí tuệ còi cọc.


Lúc trẻ, không học hỏi, 

Không tích lũy bạc tiền. 

Tuổi già như cò đói, 

Thật vất vả, ưu phiền.

(Nguồn: Thơ Phật cho trẻ em - Đức Kiên)

Friday, June 25, 2021

NÓI TỚI TÍN NHIỆM TỨC LÀ NÓI TỚI ĐỘ TIN CẬY

NÓI TỚI TÍN NHIỆM TỨC LÀ NÓI TỚI ĐỘ TIN CẬY

Quan sát mười người, quan sát một trăm người, có thể nhận ra người nào là người chín chắn, người nào là người trông cậy được. Giao việc cho người này giải quyết thì nhất định là ổn thoả. Giao việc cho người kia làm chắc chắn là sẽ hoàn thành tốt. Ai bộc lộ được những phẩm chất vượt trội, được kỳ vọng hơn so với những người bình thường khác là người được tín nhiệm.

Trong xă hội con người, thường thì nếu không được mọi người đặt lòng tin, không được trọng dụng thì khó mà làm nên trò trống gì.

Thống đốc ngân hàng điều hành khối lượng tiền lớn theo sự uỷ thác tin tưởng của người gửi, của khách hàng. Bộ trưởng, tỉnh trưởng được giao trọng trách đảm bảo lợi ích trong cuộc sống và danh dự của người dân. Do họ được mọi người tín nhiệm, được tin tưởng trọng dụng nên mới có thể hoàn tất được những công việc lớn như vậy trong cuộc sống.

Sản phẩm hàng hoá của các Tổ hợp bách hoá Mitsukoshi hay Daimaru giá cả luôn niêm yết rõ ràng, chất lượng bảo đảm, được người tiêu dùng tín nhiệm, yên tâm mua. Các tác phẩm của nhà văn Takizawa Bakin, chỉ cần thấy tên ông trên sách in là người đọc đă cảm thấy tin tưởng, đặt mua ngay. Vì những nơi này, người này được khách hàng, được độc giả một mực tín nhiệm. Cho nên các cửa hàng của Mitsukoshi, Daimaru rất phát đạt. Sách của Bakin bán rất chạy.

Tầm quan trọng của việc được mọi người tín nhiệm trọng dụng là ở chỗ đó.

Yêu cầu một người có sức lực đủ sức vác nổi một trọng lượng sáu mươi ký lô mang đúng sáu mươi ký lô. Cho người có tài sản trị giá một nghìn yên vay đúng số tiền một nghìn yên. Đó là điều dĩ nhiên. Nó hoàn toàn không liên quan gì tới việc tin tưởng hay tín nhiệm cả. Quan hệ con người trong xă hội đơn giản như vậy. Trên thực tế, có người bình thường chỉ đủ sức lực vác được một khối lượng ba chục ký lô, nhưng người đó chỉ cần ngồi mà cũng có thể làm chuyển động một khối lượng hàng hoá nặng hàng trăm ký lô. Có người, tài sản cá nhân chỉ đáng giá một ngàn yên, nhưng nếu được sự tin tưởng, tín nhiệm của người khác thì người ấy có thể điều hành một khối lượng tiền lên tới hàng triệu triệu yên.

Bây giờ tôi đưa ra một số thí dụ. Hăy thử giở sổ sách thu chi của một thương nhân có tiếng là giàu có ra xem sao. So với số thu vào thì số chi ra gấp nhiều lần. Khoản chênh lệch này còn nhiều hơn so với tài sản của anh ta. Hoá ra anh ta còn nghèo hơn cả những người ăn mày không một đồng xu dính túi. Vậy mà tại sao mọi người trong xă hội lại không nhìn anh ta với con mắt như vậy. Chẳng cần phải nói ai cũng biết vì anh ta có được lòng tin của xã hội.

Con người, không phải cứ chỉ cần có năng lực và cũng không phải do có tài sản lớn là có được sự tín nhiệm. Mà sự tín nhiệm có được là kết quả của cả quá trình tích tụ dần dần bởi tài năng và trí tuệ, bởi tấm lòng chính trực, lòng thành thật của người đó.

(Nguồn: Khuyến học - Fukuzawa Yukichi)

Monday, June 14, 2021

CHẠY THEO ĐỘC LẬP VẬT CHẤT SẼ ĐÁNH MẤT ĐỘC LẬP TINH THẦN

CHẠY THEO ĐỘC LẬP VẬT CHẤT SẼ ĐÁNH MẤT ĐỘC LẬP TINH THẦN

Thời gian gần đây, "độc lập không bị trói buộc" là câu nói cửa miệng của nhiều giới trong xã hội. Nhưng phần lớn người ta đều hiểu sai ý nghĩa của nó. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần phải hiểu đúng nghĩa của câu chữ khi dùng. Từ "độc lập" có hai cách hiểu phân biệt nhau. Đó là độc lập hữu hình và độc lập vô hình. Hay còn gọi là độc lập về vật chất và độc lập về tinh thần.

Độc lập về vật chất là mỗi người trong xã hội đều có một gia đình, có nghề nghiệp, tự lo được cuộc sống của bản thân và của gia đình, không phải nhờ vả làm phiền ai. Tức là không phải ngửa tay xin xỏ ai.

Độc lập hữu hình nhìn thấy, nên dễ nhận biết. Còn độc lập vô hình, độc lập về tinh thần rất khó nhận biết vì ý nghĩa sâu sắc của nó và liên quan tới nhiều lãnh vực rộng lớn. Thoạt nhìn có những thứ tưởng như chẳng liên can gì với độc lập, nhưng lại mang sự ràng buộc sâu xa.

Tôi lấy ví dụ từ con người để giải thích cụ thể hơn.

Tục ngữ có câu "Chén thứ nhất, người uống rượu. Chén thứ ba, rượu uống người". Câu tục ngữ này muốn nhắc nhở con người đừng để dục vọng chế ngự mình. Trong xã hội hiện nay, không chỉ có rượu đang chế ngự con người, mà "thiên hình vạn trạng" thứ đang chế ngự, làm cản trở sự độc lập về tinh thần con người. Ví dụ, cái áo lành lặn đang mặc tự nhiên chê lỗi thời không dùng nữa, phải đi cắt may áo mới cho hợp thời. Nhà cửa yên lành đang ở bỗng nhiên chê là chật hẹp, phải kiếm nhà mới cho đủ chỗ để làm phòng yến tiệc thiết đãi bạn bè. Cơm dẻo canh ngọt ở nhà chê là đạm bạc, phải kéo nhau ra ăn tiệm mới là ngon. Hết thứ này tới thứ khác, được một lại muốn mười, lòng ham muốn không bao giờ có giới hạn. Nhiều gia đình trở thành nô lệ của tiền bạc, vật chất.

Chưa hết, có nhiều trường hợp còn bị vật chất của người ngoài chi phối. Đó là, thấy người ta may áo vét thì mình cũng phải may áo vét. Thấy người ta xây nhà hai tầng thì mình cũng phải xây lên thành ba tầng mới chịu. Nhà bạn bè có cái gì thì dù có phải chạy vạy vay mượn nhà mình cũng phải sắm y như vậy. Đồng nghiệp xì xầm về mặt hàng nào là cũng lẳng lặng tìm mua cho bằng được mặt hàng đó. Có người bàn tay vốn đen đúa, sần sùi thô kệch, vậy mà cũng cố đeo nhẫn vàng thật to. Đêm hè oi bức, tắm xong lẽ ra chỉ cần mặc bộ đồ yukata, rồi phe phẩy cái quạt nan cho dịu mát. Vậy mà lại đi vận luôn bộ đồ pyjama dày sụ nóng nực. "Có thế mới giống với Tây chứ". Dù phải "ngậm đắng nuốt cay", người ta vẫn cứ cố miễn sao cho giống người phương Tây, miễn sao không thua kém người khác là được.

Tuy vậy, việc bắt chước người khác vẫn còn có thể bỏ qua. Có trường hợp "nhìn gà hoá cuốc" còn nực cười hơn nữa. Nghe đồn bà hàng xóm mới sắm chiếc áo vải tơ thêu chỉ vàng óng ánh, ngay lập tức cũng đặt may một cái áo như vậy. Mặc sang khoe thì hỡi ôi chiếc áo của bà hàng xóm chỉ là cái áo sợi bông thô, điểm một vài đường chỉ mạ lấp lánh chứ có phải là tơ lụa, là sợi vàng ròng gì đâu.

Đến nước này thì cái đang chi phối tinh thần không còn là vật chất của mình, hay vật chất của người khác, mà chính là giấc mộng ảo. Nó đang huỷ hoại dần cuộc sống của bản thân và mỗi gia đình.

Chúng ta phải tự tỉnh ngộ. Mỗi người, hãy tự mình đo thử khoảng cách đến với độc lập về tinh thần còn bao xa?

(Nguồn: Khuyến học - Fukuzawa Yukichi)

Sunday, June 6, 2021

Tiến bộ công nghệ và những mặt trái

 


Tiến bộ công nghệ và những mặt trái

1.     Giới thiệu:

Ngày nay, với sự tiến bộ nhanh chóng của CNTT-VT và cuộc CMCN 4.0, mọi lĩnh vực từ công nghiệp đến đời sống đều chịu ảnh hưởng to lớn của các công nghệ mới này. Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà các công nghệ hiện đại như: di động, mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo, robot, Internet vạn vật (IoT), blockchain, xe tự hành, máy in 3D... mang lại cho xã hội hiện đại như: tăng chất lượng cuộc sống, tăng năng suất, tiện lợi hơn, nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn, thông minh hơn... Chúng làm thay đổi đáng kể cách mọi người làm việc, học tập, giải trí, kể cả cách suy nghĩ và thói quen sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh những lợi ích, công nghệ cũng có nhiều mặt trái, tác động tiêu cực đến cuộc sống con người, mà nếu không được nhận diện và có giải pháp khắc phục ngay bây giờ thì hậu quả trong tương lai có khi còn to lớn hơn nhiều những lợi ích mà nó mang lại. Tuy khoa học đã đạt được những bước tiến lớn, nhưng công nghệ là con dao hai lưỡi, vì vậy chúng ta cũng cần thận trọng đối với tác động của nó trong tương lai. Khi đọc quyển sách “Muôn kiếp nhân sinh” của tác giả Nguyên Phong [1], trong đó có đoạn cảnh báo về tác hại của công nghệ đối với thế hệ tương lai, thậm chí nó có thể làm biến mất một nền văn minh nếu bị sử dụng sai mục đích, khiến tôi có cảm hứng viết về chủ đề này. Bài viết này sẽ tập trung phân tích những mặt trái của các công nghệ hiện đại đến cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, những người đang ngày càng trở nên lệ thuộc vào các phát minh công nghệ dễ gây nghiện như điện thoại thông minh, máy tính bảng và mạng xã hội.

Ở đây, đối tượng chịu tác động bởi công nghệ chính là con người, như là cá nhân hoặc tập thể (tổ chức, xã hội). Theo WHO [2], sức khỏe con người chịu ảnh hưởng bởi: môi trường, thể chất và tinh thần, trong đó, tinh thần bao gồm khả năng nhận thức và cảm xúc. Vì vậy, để bao quát hết các tác động tiêu cực của công nghệ đến con người và xã hội trong kỷ nguyên số, chúng ta sẽ xem xét tác động của công nghệ hiện đại đối với cá nhân, tổ chức và xã hội ở bốn khía cạnh sau: khả năng hiểu biết (nhận thức), khả năng cảm xúc (tâm lý), sức khỏe thể chất (vật lý), và môi trường xung quanh. Một số tác hại của các công nghệ mới đến cuộc sống đã được nhận diện trong một số nghiên cứu trước và có thể được tóm tắt trong bảng sau:

Bảng 1. Một số các hại của công nghệ đối với cá nhân, tổ chức và xã hội

 

Cá nhân

Tổ chức

Xã hội

Nhận thức/ Tri thức

giảm độ tập trung

không phân biệt được thật-ảo, đúng-sai

mất khả năng ra quyết định

 lệ thuộc giải thuật

thông tin giả lan tràn

hiện tượng thao túng dữ liệu/thông tin

Tâm lý/ Cảm xúc

hội chứng tự kỷ

khó kiểm soát cảm xúc

giảm tương tác người-người

xã hội bị cơ giới hoá

đạo đức suy giảm

Vật lý/    Thể chất

sức khỏe suy kiệt

tật về mắt

- mệt mỏi, uể oải

căng thẳng, stress

-  tỷ lệ thất nghiệp tăng

tội phạm tăng

Môi trường

ô nhiễm từ trường và sóng vô tuyến

cạnh tranh ngày càng khốc liệt

con người bị thống trị bởi máy móc

2.     Ảnh hưởng đến cá nhân:

Xét ví dụ về ảnh hưởng của điện thoại thông minh và máy tính bảng, trên phương diện công nghệ thì đó là một phát minh tuyệt vời, nhưng chúng ta cũng cần xét đến hệ quả của nó. Đối với giới trẻ, thay vì chú tâm vào việc học, chúng chỉ biết theo dõi mọi thứ qua điện thoại thông minh và bị “thôi miên” trong một “thế giới ảo” qua màn hình nhỏ bé này. Những người trẻ ngày nay như đều bị một loại “ma lực” hấp dẫn, rút hết sinh lực và trí thông minh của chúng. Các nhà sản xuất công nghệ thường tự hào coi đó là văn minh, là tiến bộ mà không biết rằng thế hệ tương lai sẽ phải trả một cái giá rất đắt cho những phát minh mà họ coi là kỳ diệu này. Khi quan sát các lớp học ở các trường đại học, dễ dàng nhận thấy các sinh viên ngày nay không còn chăm chỉ học như trước, nhiều em đến lớp nhưng vẫn bị xao lãng bởi điện thoại thông minh, không chú tâm vào những điều đang được giảng dạy. Thầy/cô thường phải nhắc nhở họ chăm chú nghe bài giảng nhưng chỉ vài phút sau, một số sinh viên lại lén lút rút điện thoại thông minh ra, lướt Facebook, rồi gửi tin nhắn cho nhau.

Hiện nay, một số phụ huynh đã bắt đầu đặt vấn đề về việc trẻ em nghiện Internet, video game, làm ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và sự phát triển bình thường của trẻ [3]. Nhiều phụ huynh đã cho các bé tiếp xúc máy tính bảng từ rất sớm, với lý do giúp con học tiếng Anh và xem nó như một công cụ giữ trẻ thay mình. Điều này, vô hình chung đã gây tác hại rất lớn đến khả năng nhận thức, cảm xúc và tương tác của trẻ sau này. Tệ hơn nữa là những video game, và những video quảng cáo trên mạng đã dạy cho trẻ những hành vi kỳ lạ, khác thường, khó lòng tưởng tượng được. Chúng học cách bắn giết, cướp bóc trong những cuộc phiêu lưu của “thế giới ảo”, rồi về sau không còn biết rõ đâu là thật và đâu là ảo nữa. Do đó, chúng sẽ mất đi khả năng phân biệt đúng sai. Từ những đứa trẻ cho đến những thanh niên lớn tuổi, ai ai cũng say mê với những điều nguy hại này. Những người trẻ chưa biết phân biệt tốt xấu, chưa được dạy bảo cẩn thận nên dễ dàng trở thành nạn nhân của thứ “ma lực” này. Chúng dán tai, dán mắt vào chiếc điện thoại nhỏ bé và quên đi tất cả mọi sự xảy ra chung quanh, bởi vì chúng chỉ biết sống trong “thế giới ảo” mà thôi. Có những đứa trẻ quên ăn, quên ngủ và sống trong “thế giới ảo” này, do đó chúng không thể trưởng thành, không có trách nhiệm với thế giới chung quanh, trở nên dửng dưng vô cảm, vì đầu óc của chúng đã bị “thôi miên” rồi. Nếu việc tiếp xúc với các công nghệ này kéo dài sẽ gây tác hại cả về tâm lý và thể chất của trẻ. Thực tế, nhiều số liệu thống kê [4] cho thấy trong xã hội hiện đại, ngày càng nhiều trẻ mắc các chứng bệnh như: tự kỷ, béo phì, cận thị, tăng động… Mà một trong những nguyên nhân là sự tiếp xúc quá sớm và quá nhiều với những công nghệ có khả năng gây nghiện như trên.

Về mặt thói quen sinh hoạt, công nghệ cũng tạo ra những thói quen xấu, nhất là ở giới thanh thiếu niên, chẳng hạn như: thức khuya để tán gẫu, xem livestream/ video/ film online, sống trong thế giới ảo, dành nhiều thời gian để lên mạng xã hội, ít giao tiếp mặt đối mặt… Điều này, làm phá hủy đồng hồ sinh học bình thường do thói quen sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ. Chính thói quen đó đã lấy đi giấc ngủ yên bình, làm tổn hại sức khỏe, gây nguy cơ cao đối với các chứng bệnh thời đại, như: cận thị, béo phì, trầm cảm, hay nóng giận và suy giảm trí nhớ… Hơn nữa, tiếp xúc nhiều với sóng điện thoại vô tuyến cũng được cho là một trong các nguyên nhân gây các chứng bệnh như: mất ngủ, ung thư, vô sinh… [4]

3.     Ảnh hưởng đến tổ chức và xã hội:

Về mặt tổ chức, với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau một cách khốc liệt trong việc đổi mới công nghệ, sản phẩm và mô hình kinh doanh. Sự cạnh tranh gay gắt này vừa là động lực cho sự phát triển, vừa là nguyên nhân cho sự đầu tư ồ ạt và thiếu thận trọng vào các công nghệ mới nhằm dành thế tiên phong. Việc này tạo ra những rủi ro lớn cho xã hội khi sử dụng các sản phẩm dựa trên những công nghệ bị lỗi hoặc chưa trưởng thành. Thử tưởng tượng, vì cạnh tranh mà các hãng dược đưa ra thị trường những loại thuốc có những tác dụng phụ chưa được kiểm định đầy đủ đối với sức khỏe con người, hay các xe hơi tự lái sử dụng các giải thuật AI có lỗi được bán rộng rãi thì hậu quả sẽ như thế nào. Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp sẽ tạo áp lực ngày càng lớn lên đội ngũ quản lý và nhân viên, khiến họ thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mõi và dễ nổi giận. Điều này, lại làm giảm hứng thú trong công việc, kéo theo năng suất giảm, giảm khả năng đổi mới, sáng tạo. Hơn nữa, việc tương tác nhiều với máy móc cũng làm giảm tương tác trên thế giới thực, từ đó làm giảm sự gắn kết và niềm vui trong công việc. Việc ra quyết định được hỗ trợ rất lớn bởi các hệ thống thông tin kinh doanh dựa trên công nghệ data mining và khoa học dữ liệu vừa giúp nhà quản lý ra được các quyết định thông minh hơn, vừa khiến họ ngày các lệ thuộc vào các dữ liệu và báo cáo tạo sinh từ hệ thống. Tệ hơn nữa, một số nhà quản lý quá lệ thuộc vào máy móc đến nỗi mất khả năng ra quyết định khi không thể kết nối với hệ thống hoặc hệ thống gặp sự cố. Chất lượng báo cáo để ra quyết định còn lệ thuộc vào chất lượng dữ liệu đầu vào và giải thuật được nạp vào hệ thống, những thứ mà nhà quản lý không làm chủ được.

Về mặt xã hội, phân tích dữ liệu lớn đã giúp các doanh nghiệp trong việc hiểu rõ hơn khách hàng, đưa ra các chiến lược tiếp thị thu hút khách hàng tiềm năng và gia tăng doanh số bán hàng. Càng nhiều dữ liệu tổng hợp liên quan đến người dùng, họ càng dễ bị thuyết phục, chi phối và thâu tóm [5]. Điều này, sẽ khiến cho người dùng suy nghĩ, hành xử theo tác động của các công ty quảng cáo, tiêu thụ quá mức cần thiết mà không nhận thức được. Tuy nhiên, khi nhiều người biết rằng họ đang bị theo dõi, họ sẽ bắt đầu thay đổi hành vi của bản thân. Đó là lý do tại sao, ngày nay, lòng tin của người dùng đối với các hệ thống thương mại điện tử sụt giảm đáng kể. Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tin giả hơn, thông tin ít tin cậy hơn, và người dùng cũng trở nên thận trọng hơn trên Internet. Bên cạnh đó, sự tiến bộ của công nghệ tự động hóa và robot sẽ dẫn đến nguy cơ thất nghiệp, thiếu việc làm. Ở nhiều nước, số lượng công nhân bị cắt giảm ngày càng tăng, tỷ lệ thất nghiệp tăng, kéo theo các bất ổn về mặt xã hội, như: tỷ lệ nghèo đói và tội phạm tăng, làn sóng bất mãn cũng ngày càng tăng nếu không được giải quyết một cách ổn thỏa. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra ở các quốc gia kém phát triển khác, khi máy móc sẽ dần thay thế lao động chân tay. Không chỉ ở lĩnh vực sản xuất mà còn ở các lĩnh vực dịch vụ và trong đời sống hàng ngày, ví dụ như: robot giúp việc nhà, xe không người lái, máy bán hàng, máy thu tiền… Tất cả các công việc thủ công có thể dần được thay thế bằng công nghệ vừa giúp tăng sự tiện nghi của đời sống hiện đại, vừa làm ảnh hưởng đến cuộc sống của một bộ phận lao động. Không có việc làm đồng nghĩa với việc không kiếm được tiền để trang trải cuộc sống, chất lượng cuộc sống đối với họ sẽ giảm [8]. Điều này, đòi hỏi nổ lực chuyển đổi công việc của từng người lao động và sự hỗ trợ của các chính phủ qua các chính sách như: đào tạo lại, cơ cấu lại lao động, thông tin dự báo, cải cách bảo hiểm xã hội, phân bổ lại dân cư…

Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học sinh học và điện tử, người ta có thể ghép những tế bào của động vật vào cơ thể con người, hay đặt vào cơ thể con người những thiết bị gọi là “trí tuệ nhân tạo” khiến họ phát triển những khả năng mà người thường không thể làm được. Về mặt nào đó, có thể coi những việc làm đó là tạo ra “nửa người, nửa siêu nhân” (cyborg) cũng được. Điều này sẽ tạo ra những thách thức to lớn vượt qua khả năng nhận thức của con người. Nếu như robot hoặc cyborg trong tương lai có khả năng thông minh hơn con người, thì việc con người bị thống trị bởi những cổ máy siêu nhiên do chính mình tạo ra không còn là chuyện khoa học viễn tưởng nữa. Và khi đó, hậu quả sẽ thế nào chúng ta sẽ không thể lường trước được. Trong cuộc nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) trong phòng thí nghiệm tại Đại học Carnegie Mellon, những con robot “vô tri giác” lại có thể tìm cách lừa nhau để thắng cuộc – không phải bằng việc đoán trước nước cờ của đối thủ, mà tìm cách lừa bịp lẫn nhau và đây là điều các nhà khoa học không hề lập trình cho chúng [6]. Chắc mọi người vẫn còn nhớ về robot Sophia, robot đầu tiên được Ả rập cấp quyền công dân, đã trả lời phỏng vấn thông minh như thế nào và đã đưa ra lời nói đùa là “sẽ tiêu diệt loài người” [7]. Với đà tiến bộ của công nghệ robot và AI, việc robot sẽ trở nên phổ biến và ảnh hưởng đáng kể đến xã hội loài người là điều sẽ xảy ra. Khi đó, việc xã hội bị thống trị bởi robot vô cảm hoặc thiểu số người thiếu đạo đức có khả năng điều khiển robot là một viễn cảnh cần phải nghĩ đến. Lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến biết bao nền văn minh đã bị lụi tàn vì những tiến bộ về mặt công nghệ vật chất, mà thiếu sự dẫn dắt của đạo đức, tâm linh và cảm xúc.

4.     Một số giải pháp hạn chế tác hại của công nghệ:

Mặc dù một số người đã nhận thức được các mặt trái của công nghệ đến bản thân, gia đình, tổ chức, xã hội và môi trường mình đang sống, nhưng chưa ai tìm được giải pháp hợp lý cho các vấn đề nêu trên, như: sự nghiện smartphone của giới trẻ, sự phát triển nhanh chóng của AI và robot, sự suy giảm về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội, sự gia tăng của các chứng bệnh thời đại, sự dẫn dắt của xã hội vật chất, tiêu thụ quá mức… Để hạn chế một số tác hại của công nghệ, và hướng tới một xã hội tương lai phát triển bền vững, lành mạnh trên nền tảng của công nghệ điều trước tiên cần phải giúp mọi người nhận thức một cách đầy đủ về lợi ích và tác hại của công nghệ lên mọi mặt của đời sống. Trên cơ sở nhận thức đó, mọi người từ các doanh nghiệp, chính phủ, người dân cần phải chủ động thay đổi hành vi, thói quen của mình một cách phù hợp theo hướng cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần, để có thể khai thác lợi ích của công nghệ và hạn chế các tác hại của nó đến bản thân, tổ chức và môi trường xung quanh mình. Điều cần thiết là phải đảm bảo con người làm chủ được công nghệ, phải hiểu được mục tiêu tối thượng của mọi tiến bộ công nghệ là để phục vụ đời sống hướng thượng của con người và mang lại một xã hội yên bình, hạnh phúc.

Từ phân tích trên, một vài đề nghị ở phạm vi cá nhân, gia đình có thể thực hiện như sau: 

-          Hạn chế việc sử dụng thiết bị thông minh của bản thân và con em trong nhà, cần có thời gian biểu và nguyên tắc sử dụng thiết bị công nghệ một cách hợp lý.

-          Nên dành nhiều thời gian để sinh hoạt chung, chơi thể thao, ngồi thiền, dã ngoại…

-          Cẩn trọng khi chia sẻ thông tin trên Internet và mạng xã hội, cần lọc lựa thông tin và rèn luyện các kỹ năng tìm kiếm và đánh giá độ tin cậy của các thông tin nhận được.

-          Cập nhật các thông tin về tiến bộ công nghệ và các cảnh báo về rủi ro, an toàn thông tin nhằm bảo vệ bản thân và gia đình khỏi các tác hại của công nghệ.

Một vài gợi ý chính sách cho chính phủ có thể tóm tắt như sau: 

-    Tăng cường đào tạo về an toàn, rủi ro trong ứng dụng công nghệ và hệ thống thông tin.

-      Có các chính sách đảm bảo sự phát triển cân bằng về trí dục, thể dục và đạo đức.

-   Khuyến khích các đầu tư ứng dụng công nghệ hướng tới sự phát triển bền vững: giảm khí thải, giảm các vấn đề xã hội, nhiên liệu mới, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng sống…

-        Hạn chế hoặc đánh thuế cao đối với các dịch vụ dễ gây nghiện/ có nhiều rủi ro như: game online, video chat, truyền thông xã hội...

-       Có chính sách quản lý về an toàn, an ninh và đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu người dùng.

-    Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới.

5.     Kết luận:

Tóm lại, tiến bộ nhanh chóng của công nghệ đã mang lại nhiều lợi ích cho xã hội hiện đại, nhưng cũng có nhiều mặt trái, thách thức cần phải nhận diện khắc phục. Sự hiểu biết và tự nhận thức một cách cân bằng về lợi ích và hạn chế của công nghệ sẽ giúp mỗi người có thể tự tin trong việc tận dụng các lợi thế của công nghệ, và hạn chế các rủi ro của nó. Điều này giúp đảm bảo công nghệ được khai thác một cách phù hợp nhằm phục vụ cho lợi ích lâu dài của con người.

Tiến bộ công nghệ cần gắn liền với tiến bộ về nhận thức, cảm xúc và chất lượng môi trường sống. Không thể vì quá say sưa với những thành tựu của công nghệ mang lại cho đời sống vật chất, mà quên đi những tác hại của nó đối với đời sống tinh thần, trí tuệ, cảm xúc và sự phát triển cân bằng của thế hệ tương lai. Đối mặt với đà phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ kỹ thuật số, con người càng cần phải tỉnh táo, nhận thức rõ mình cần phải làm gì ở phạm vi cá nhân, gia đình, tổ chức và xã hội. Những hành động hay chính sách hợp lý vào lúc này sẽ giúp hạn chế được các mặt trái của công nghệ, và khai thác được thế mạnh của nó nhằm nâng cao chất lượng sống và mang lại cho chúng ta một đời sống viên mãn cả về vật chất và tinh thần.

Rất mong bài viết này như một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh về các tác hại của công nghệ đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con em mình, để có những thay đổi phù hợp nhằm hạn chế tác hại của công nghệ mới. Qua đó, tác giả cũng mong muốn cả xã hội hãy cùng chung tay để tìm giải pháp nhằm hướng sự phát triển của công nghệ đến một tương lai xán lạn và bền vững hơn. Nếu không nhận thức được hết các mặt trái của công nghệ mới thì những tiến bộ về mặt vật chất hiện nay chỉ là sự phát triển thiếu định hướng dưới sự dẫn dắt của những nhà tư bản tham lam và các chuyên gia công nghệ thiếu hiểu biết về nền tảng tâm linh, điều đó sẽ dẫn đến các rủi ro rất lớn cho xã hội loài người trong tương lai khi chẳng may công nghệ nằm trong tay của những thế lực hắc ám. Mong sao trong tương lai, loài người có thể cùng chung sống yên bình ở một xã hội tươi đẹp, ở đó con người có thể nắm tay robot như những người bạn trong xứ sở thần tiên như trong Doraemon!

Sài Gòn, 5/6/2021  

PGS. TS. Phạm Quốc Trung – Khoa QLCN, ĐHBK HCM

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyên Phong (2020), Muôn kiếp nhân sinh, NXB. Tổng hợp TP.HCM

[2] WHO, Định nghĩa sức khỏe, nguồn: https://www.who.int/about/who-we-are/frequently-asked-questions

[3] Những tác nhân lợi và hại của thiết bị công nghệ đối với trẻ em, nguồn: https://vnreview.vn/tu-van-may-tinh/-/view_content/content/1217706/nhung-tac-nhan-loi-va-hai-cua-thiet-bi-cong-nghe-doi-voi-tre-em

[4] Tác hại của công nghệ đối với sức khỏe, nguồn: https://suckhoedoisong.vn/tac-hai-cua-cong-nghe-doi-voi-suc-khoe-n124698.html

[5] Ảnh hưởng của AI và công nghệ đối với đời sống xã hội, nguồn: https://tinhte.vn/thread/anh-huong-cua-ai-va-cong-nghe-doi-voi-xa-hoi.3094799/

[6] Các bài viết về KH-CN của GS. John Vũ, nguồn: https://science-technology.vn/

[7] The world’s most viral robot issues new warning: Tech, nguồn: https://finance.yahoo.com/news/

[8] Các xu hướng công nghệ trong CMCN 4.0 và Khuyến nghị chính sách, nguồn: http://trungpham.ultimatefreehost.in/

Friday, May 28, 2021

CHỈ CÓ HỌC VẤN MỚI NUÔI DƯỠNG NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN

CHỈ CÓ HỌC VẤN MỚI NUÔI DƯỠNG NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN

Những tiến bộ của văn minh đều ra đời từ sự phát hiện chân lý trong quá trình nghiên cứu mọi sự vật tự nhiên xung quanh ta. Nguyên nhân phát triển của nền văn minh phương Tây cũng xuất phát từ tinh thần hoài nghi. Galile tìm ra thuyết Trái đất quay quanh Mặt trời vì nghi ngờ thuyết Mặt trời quay quanh Trái đất. Newton tìm ra quy luật vạn vật hấp dẫn từ việc quan sát trái táo rơi. Watt phát minh ra máy hơi nước do để ý tới hơi khói bốc ra từ phích nước. Tất cả đều đạt tới chân lý xuất phát từ sự hoài nghi trước các hiện tượng, sự vật.

Và không phải chỉ có khoa học tự nhiên, những tiến bộ của khoa học xã hội cũng vậy. Từ chỗ hoài nghi chế độ chiếm hữu nô lệ, nên đã đề xuất Luật cấm buôn bán nô lệ. Và về sau, Thomas Clark đă chấm dứt thảm cảnh này. Hoài nghi về Công giáo Roma, Martin Luther đă thực hiện cải cách tôn giáo. Nhân dân Pháp vì căm giận sự bạo ngược của tầng lớp quý tộc nên đã làm cuộc cách mạng Pháp. Nhân dân mười ba bang Hoa kỳ đã giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh giành độc lập vì hoài nghi những luật lệ của Anh quốc. Chưa hết, người Nhật Bản thường nghĩ rằng đàn ông làm việc ngoài xã hội, còn đàn bà trông nom nhà cửa, cơm nước trong nhà. Nhưng Steward Mill đă viết bài "Giải phóng phụ nữ" để xóa bỏ tập quán này. Nước Anh với học thuyết mậu dịch tự do được cả giới kinh tế trên toàn cầu thừa nhận. Nhưng tại Hoa Kỳ, các học giả lại chủ trương học thuyết bảo hộ mậu dịch, thể hiện lập trường coi trọng việc nuôi dưỡng và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước. Vì vậy, chính hoài nghi sinh ra chân lý.

.....

Những thí dụ trên đây có lẽ đã làm sáng tỏ vấn đề. Việc những người theo chủ nghĩa tiến bộ, vất bỏ tập quán cũ của Nhật Bản, tin tưởng hoàn toàn văn hóa phương Tây là hành động hết sức bộp chộp, thiếu thận trọng. Bằng thái độ hết sức bộp chộp, thiếu thận trọng. Bằng thái độ giống hệt như đã từng mù quáng tin vào những tập quán cũ Nhật Bản, giờ đây họ lại tin tưởng mù quáng cái mới - văn minh phương Tây, đến mức bắt chước rập khuôn cả những khuyết điểm của nó. Điều thể hiện rõ nhất là trong khi vẫn chưa tìm ra được tư tưởng nào cần phải tin, thì nhiều người trở nên mất phương hướng, trở nên dao động tinh thần và đã vội vất bỏ tư tưởng đã từng một thời tin tưởng. Theo như sự báo động của các bác sĩ, thì gần đây trong xã hội có rất nhiều người mắc bệnh thần kinh, suy nhược tinh thần.

Học hỏi văn minh phương Tây là điều tốt. Nhưng thà suốt đời không tin còn hơn là việc tin tưởng thiếu phê phán.

Chính sách "Phú quốc cường binh" của các quốc gia phương Tây rất tuyệt vời, nhưng không thể học và bắt chước luôn cả sự chênh lệch mức sống giữa người giàu và người nghèo trong xã hội phương Tây. Tôi không nghĩ rằng tô thuế đánh vào nông dân Nhật Bản là nhẹ, nhưng nếu so với nông dân Anh quốc bị tầng lớp địa chủ ngược đãi tàn bạo ra sao thì nông dân Nhật Bản còn hạnh phúc hơn nhiều.

Vì thế tôi đã cảnh báo không thể cứ để nguyên tình trạng như hiện nay mà phát triển. Trong xã hội đang hỗn loạn giữa cái mới và cái cũ, đang chứng kiến tư tưởng cùng văn vật phương Tây tràn vào thì việc lựa chọn đúng là rất cần thiết và cấp bách trên cơ sở so sánh văn minh Nhật Bản với văn minh phương Tây, phải du nhập cái gì, phải kiên quyết loại bỏ cái gì.

Hiện nay, không có ai có thể làm được trọng trách này.

Chỉ có học sinh sinh viên của trường Keio nghĩa thục chúng ta mà thôi.

Các bạn hãy đọc nhiều, suy nghĩ khách quan mọi sự vật, nuôi dưỡng trí thức, tìm kiếm sự thực tại thực địa. Cái mà vừa mới tin hôm qua, thì hôm nay phải hoài nghi suy xét lại coi có còn đúng hay không và tìm cách giải quyết vào hôm sau.

Vì lẽ đó các bạn phải học tập.

Tháng 7 năm Minh Trị thứ chín (tức năm 1876)

(Nguồn: Khuyến học - Fukuzawa Yukichi)

Thursday, May 20, 2021

Tạ ơn Phật


Tạ ơn Phật

Phật đản - tạ ơn Đức Phật 
Cho con ánh sáng tự tâm
Ngài đem ánh trăng - sự thật 
Chiếu soi khắp cõi mê lầm.

Bảy bước sen hồng khai mở 
Hài nhi chỉ đất chỉ trời 
Từ đó thế gian rạng rỡ
Ngài gieo thương hiểu khắp nơi.

Lạy ngài, con quy y Phật
Thắp lên tỉnh thức mỗi ngày
Pháp, Tăng - kính thành, miên mật 
Tam quy, quyết chẳng đổi thay.

Ngũ giới, vâng lời Phật dạy 
Xa lìa đường ác từ đây 
Chắp tay kính thành đảnh lễ
Tâm kinh dẫn lối con về...

Trước đài trang nghiêm Phật đản
Lòng con kính ngưỡng ơn ngài
Mong cho thế gian tỏa sáng 
Tình thương, trí tuệ - một mai!

Đức Kiên (Rằm tháng tư-2021)

Sunday, May 16, 2021

Tu Bồ Đề

Tu Bồ Đề

Qua 45 năm thuyết pháp, tùy theo căn cơ trình độ của chúng sinh Đức Phật đã nói rất nhiều vấn đề. Từ những vấn đề đó sau khi Phật vào Niết Bàn, giáo đoàn chia thành nhiều bộ phái và có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng không ngoài hai phái chính yếu là Nam Tông và Bắc Tông. Nam tông theo hệ kinh Pali, Bắc Tông theo hệ kinh Sanskrit. Trung tâm và cơ bản của Bắc tông là Bát Nhã (Praijrà). Trung Quốc dịch là Tuệ, Trí tuệ, Không trí. Trí tuệ của Bát Nhã không phải là thế trí biện thông, mà là loại trí tuệ siêu thiện ác vô phân biệt.

Trong bản chất trí tuệ nầy thanh tịnh và vắng lặng, trong suốt như hư không, cho nên gọi là không trí có nghĩa là trí tuệ hiểu về tánh không của các pháp, vì các pháp hiện tượng vốn là duyên sinh cho nên tự thể nó là không, thảy đều giả hữu, hết thảy đều vô ngã, sâu xa. Tánh này không thật sâu xa huyền diệu, ngôn thuyết không diễn tả hết, tâm tư cũng khó hiểu thấu, vì không mà có, có mà không, nói theo lý Bát Nhã là chân không diệu hữu. Khi Phật nói kinh Bát Nhã trong số 1.250 vị đại A La Hán nói chung, 10 đại đệ tử nói riêng, người thấu hiểu không trí hơn hết là Tu Bồ Đề, bậc Giải Không Đệ Nhất.

Trong các sách sử, các đệ tử Phật đều có ghi chép lịch sử hoặc nhiều hoặc ít, riêng Tu Bồ Đề không có ghi chép về gia thế dòng họ. Tuy nhiên trong kinh đIển Bắc Tông có chép về truyền thuyết sự tích của Tu Bồ Đề qua một vài chi tiết. Tôn giả chào đời ngay trong lúc gia đình như thiếu may mắn, tất cả tài sản vơi cạn, kho lẫm trống trơn một cách ngẫu nhiên. Cả nhà đều lo sợ, nhiều người cho là điềm lạ kéo đến quan sát luận bàn và cuối cùng đều quyết đoán đó là một điềm lành, ngày sau đứa bé sẽ trở thành một nhân vật phi thường.

Dựa theo sự quyết đoán của số đông, bà mẹ đặt tên cho đứa bé là Tu Bồ Đề (Subhuti), có nghĩa là không sanh hay Thiện Cát (tốt lành), hay Thiện hiện (hiện điềm tốt). Quả thật về sau gia đình gặp nhiều điều may mắn, trở lại giàu có, tiền của tràn đầy kho lẫm. Tuy tuổi còn nhỏ Tu Bồ Đề không mấy thiết tha với tài lợi, cha mẹ cho bất cứ một vật gì Tu Bồ Đề đem bố thí hết cho người thiếu thốn. Với trí thông minh xét thấy muôn vật đều hư giả, trống không, tự thể cũng mất khả năng chủ động, bởi thế khi gặp Đức Phật Tu Bồ Đề liền xin xuất gia.

Vì sẵn có từ tâm hay thương người nghèo khó, từ hồi còn nhỏ ở với cha mẹ Tu Bồ Đề thường đem của cải ban bố cho người. Nhiều lần bị cha mẹ rầy la, Ngài vẫn không từ bỏ hạnh bố thí.

Bởi thế sau khi theo Phật mỗi sáng đi khất thực, Tôn giả không nỡ dừng buớc trước cửa những ngôi nhà lụp xụp xơ xác, có vẻ nghèo nàn, dù xa đến đâu Ngài cũng đến khất thực những gia đình giàu có. Với phong cách khất thực của Tôn giả, các đệ tử của Phật cho là khác thường và chẳng rõ vì sao? Bởi theo pháp hành hóa của Phật, Tỳ kheo phải tuần tự khất thực trước mỗi nhà dù nghèo hay là giàu đều phải dừng bước để cho người gieo giống phước điền. Đằng này mỗi sáng ra khỏi Tinh Xá Tôn giả tách đoàn đi riêng và tránh xa nhà nghèo, dù đôi lúc phải mang bát không về, chịu đói. Có người hỏi lý do, Ngài giải thích:

- Khất phú hay khất bần cũng đều vì lợi ích chúng sanh cả, nhưng khất người nghèo là tước đoạt phần ăn của họ, vả lại nếu không có vật thực để cúng dường người nghèo có thể sinh buồn tủi, thế là vô tình đã gieo ưu sầu cho người.

Trong chúng đệ tử Phật ngược với Tu Bồ Đề, có Ngài Ma Ha Ca Diếp lại chỉ khất thực nhà nghèo, tránh xa nhà giàu. Vì theo Ca Diếp người giàu đã có thừa phước báu khỏi cần đem phước báu lại cho họ, người nghèo mới cần đem gieo trồng phước báu, để mai sau khỏi bị nghèo túng. Bởi thế người xuất gia cần đem ruộng phước đến cho người gieo giống phước đức.

Thái độ của hai Ngài đã trở thành hai thái cực, nên đã bị Đức Phật quở trách. Theo Phật con người cần giữ tâm quân bình, không được phân biệt, thiên kiến. Người đứng lằn ranh này tất phải đối đầu với lằn ranh kia, cuộc đời vì có đối kháng mà tương tranh, mất bình đẳng gây nên nhiều thảm họa. Đức Phật đi xuất gia vì muốn san bằng cuộc sống bất công, từ đó giáo pháp của Phật hàm chứa tinh thần hòa đồng, không phân chia ranh giới, kể cả giàu và nghèo. Phép khất thực chân chính là không phân chia giàu nghèo, sang hèn, Tỳ kheo cần giữ oai nghi nghiêm túc, thứ lớp khất thực. Với đức tính trống rỗng sẵn có, Tu Bồ Đề dễ dàng thuận theo lời Phật dạy, khi đi khất thực không còn phân chia giàu nghèo, đem phước điền đến cho tất cả mọi người.

Trong hàng Thánh chúng, Tu Bồ Đề dùng trí quán chiếu soi thấy tánh không của các pháp, thể chứng lý không, từ đó Tôn giả thưòng nói lý không và các oai nghi tế hạnh đều biểu thị lý không. Tương truyền một hôm, tại động Kỳ Xà Quật trên núi Linh Thứu, trong lúc đang vá áo, Tôn giả dùng trí quán chiếu biết Đức Phật du hóa phương xa sắp trở về. Tôn giả ngưng việc vá áo định đi đón Phật nhưng liền nghĩ rằng: Phật là bậc vô ngã, pháp thân không tịch vắng lặng, ngã và ngã sở đều không, tuyệt dứt đối đãi. Phật đã từng nói không ngã, không nhơn, không chúng sanh, không thọ giả, các pháp rỗng lặng pháp tánh biến khắp không gian và thời gian. Pháp thân Phật ở đâu mà chẳng có, vì thế ta đi đón Phật có thể bị Phật quở trách là người hành tà đạo. Trong hội Bát Nhã Đức Phật đã nói: “Nếu lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, đó là người tà đạo, không thể thấy Như Lai”.

Sau khi suy nghĩ, Tôn giả ngồi vá áo một cách bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Lúc bấy giờ trên đường trở về Phật được Tăng đoàn và đông đảo quần chúng chuẩn bị đón tiếp vô cùng trang trọng. Trong số đó có Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc, vị chứng thần thông đệ nhất bên nữ, vận dụng thần thông để đón Phật trước nhất. Khi gặp Phật Liên Hoa Sắc đảnh lễ và bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Nhờ có phép thần thông con hay tin Thế Tôn về và đến đây chờ đảnh lễ Thế Tôn trước hơn ai hết”.

Trước nét hân hoan của Liên Hoa Sắc, Phật mỉm cười từ tốn nói rằng: “Liên Hoa Sắc! Người nghinh đón ta trước tiên chẳng phải là ngươi”.

Nhìn bốn phía chẳng thấy ai, tất cả đều còn ở sau xa, với vẻ hoài nghi bàng hoàng, Liên Hoa Sắc quỳ thưa: “Bạch Đức Thế Tôn! Con vận dụng sức thần thông khi đến đây chẳng thấy có ai cả. Thế ai là người đón Đức Thế Tôn trước con?”

Trong lúc Liên Hoa Sắc vừa chấm dứt câu hỏi, Ca Diếp và Tăng đoàn từ từ tiến đến. Đợi chúng Tăng quy tụ đông đảo, Phật mỉm cười nói với tất cả mà cũng để trả lời cho Liên Hoa Sắc, Phật nói: “Này các Tỳ kheo! Ta cám ơn tất cả, các ông đã không quản xa xôi để đến đây đón ta, nhưng người gặp ta trước tiên chính là Tu Bồ Đề. Hiện giờ tại núi Kỳ Xà Quật, Tu Bồ Đề đang chiếu quán tánh không của các pháp. Người thấy thể tánh rỗng lặng như như bất động, chính là người trực tiếp nghinh đón ta trước nhất”.

Chúng đệ tử kể cả Liên Hoa Sắc, nghe Phật nói mới thấu rõ tướng của các pháp là hư vọng như chiêm bao, ảo thuật, bóng nước, ảnh tượng, sương mai, điện chớp. Thể tính các pháp là pháp không tịnh, ly ngã, nhơn, chúng sinh, thọ giả, Tu Bồ Đề đã thấu rõ chân lý đó nên Tôn giả là người đón Đức Thế Tôn trước hơn ai hết. Tôn giả xứng đáng là vị Giải Không Đệ Nhất trong hàng Thánh chúng.

(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi-Đức Kiên (tập 2)-NXB. Hồng Đức)

Sunday, May 9, 2021

Lời mẹ

Lời mẹ


Con ơi! mẹ khổ nhiều rồi
Sao con không nhớ những lời mẹ răn
Anh em giết được nhau chăng
Người ngoài sao lại đối bằng lòng tin
Con ơi, họ sẽ giết mình
Anh em hờn giận, dứt tình được sao?
Con ơi, mẹ nhớ hôm nào
Các con chung sống bên nhau êm đềm
Bây giờ sao đã vội quên
Mới thương yêu đó, trở nên hận thù
Con ơi, con chớ quáng mù
Lầm tin lòng tốt kẻ thù nghe con
Tình thân hãy giữ vẹn tròn
Đó là hiếu đạo các con ghi lòng
Con ơi, trời đã sang đông
Đây vòng tay ấm, mẹ mong con về

Vân Hà (TTHA)

Saturday, May 1, 2021

Xá Lợi Phất

 


Xá Lợi Phất

Trong kinh tạng Pàli, Tôn giả Xá Lợi Phất chiếm địa vị quan trọng hàng đầu, chỉ đứng sau Phật. Nhiều kinh được mở đầu với câu cổ điển “Như vậy tôi nghe”, mà người thuyết kinh thay vì đấng giác ngộ, thì lại chính là bậc Thánh đệ tử uyên bác ấy giảng thay cho Ngài. Có khi đức Ðạo Sư thăng pháp tòa, chỉ trình bày một bài kệ ngắn gọn, rồi lui về am thất của Ngài. Trong những dịp như vậy, chúng ta thường gặp Tôn giả Xá Lợi Phất xuất hiện khai diễn ý nghĩa lời dạy súc tích của Phật và cuối cùng, chính Phật đã xác chứng cho lối giải thích của Tôn giả bằng một câu còn giá trị hơn tất cả những lời khen tặng : “Nếu các ông hỏi ta, ta cũng giải thích như Xá Lợi Phất!”.

Tôn giả Xá Lợi Phất (Sàriputra, dịch nghĩa là Thu Tử) là con trưởng trong một gia đình thuộc thế cấp Bà La Môn giàu nhất làng Upatissa, gần Nàlanda ngày nay. Upatissa cũng là tên được đặt cho Ngài khi sơ sinh. Mẹ Ngài tên Sarì. Trong bốn người con trai Ngài được mang tên của mẹ, trong khi một người em của Ngài lại có tên của cha là Vagantaputra. Tôn giả có ba em trai và ba em gái, về sau đều theo Ngài xuất gia đắc quả A La Hán.

Thông thường, những người quá thông minh xuất chúng phải trả giá thiên tài của họ bằng nỗi cô đơn. Nhưng Tôn giả Xá Lợi Phất lại là một ngoại lệ. Ngài có rất nhiều bạn, có thể nói Ngài là bạn của tất cả, kể từ Ðức Phật trở xuống.

Nhiều kinh điển Pali đã ghi lại những cuộc luận đàm kỳ thú giữa Tôn giả Xá Lợi Phất với những bực Thánh đệ tử khác. Chính đức Ðạo sư dường như cũng ưa nói chuyện với Tôn giả hơn với những người khác. Ngài thường gọi: “Này Xá Lợi Phất” mỗi khi thuyết pháp. Thật là một địa vị đáng thèm.

Một đức tính khác làm cho Tôn giả Xá Lợi Phất được tất cả đồ chúng của Phật yêu kính là Ngài biết tôn trọng ý kiến của mọi người. Ngài không bao giờ tự cho là trí tuệ đệ nhất để áp đảo kẻ khác bằng lý luận. Trong những cuộc luận đàm Tôn giả thường hỏi ý kiến từng người, để họ tự do phát biểu, và khi có sự bất đồng Ngài rủ mọi người cùng đi đến yết kiến Phật để xin đức Ðạo sư giải quyết, chứ không bao giờ tự cho ý kiến mình đúng, thiên hạ đều sai.

Một kinh của Trung bộ III kể, vào một đêm rằm, trăng sáng vằng vặc chiếu xuống khu vườn cây Sa La nơi Tôn giả đang trú ngụ. Ðêm khuya, trăng tỏ, hương hoa đang mùa rộ nở cùng với sương đêm tỏa ngát không gian. Cảnh thật xứng với người: một cuộc hội kiến giữa những bậc thượng thủ đến thăm Tôn giả Xá Lợi Phất. Tôn giả mở màn cho cuộc pháp thoại bằng một câu hỏi, cũng vừa là một lời chào:

- Ðêm thanh, trăng tỏ, vườn Sa La khả ái thơm nức một mùi hương như thiên giới, chư Hiền nghĩ sao, vị Tỳ kheo nào, theo ý chư Hiền, sẽ là người làm sáng chói khu vườn (tức một mẫu Tỳ kheo lý tưởng trong Phật giáo phải như thế nào?)

Tôn giả A Nan đáp:

- Theo tôi, một vị Tỳ kheo làm sáng chói khu vườn là vị nào đa văn đệ nhất.

Tôn giả Ca Diếp:

- Vị Tỳ kheo sáng chói khu vườn là vị trì khổ hạnh đầu đà đệ nhất.

Tôn giả Mục Kiền Liên:

- Tôi thì cho rằng vị Tỳ kheo làm sáng chói khu vườn, chính là vị nào thành tựu biện tài số một.

Tôn giả Ly Bà Ða:

- Ý kiến của tôi thì, vị Tỳ kheo làm sáng chói khu vườn phải là người thiền định bậc nhất.

Khi tất cả mọi người đều cho ý kiến, Tôn giả Mục Kiền Liên giục bạn:

- Hiền giả nghĩ sao? Ý kiến của người nào đúng? Và ý Hiền giả như thế nào về một vị Tỳ kheo làm sáng chói khu vườn?

Tôn giả Xá Lợi Phất đáp:

- Vị Tỳ kheo nào chế phục được tâm, không bị tâm chế phục. Vị Tỳ kheo nào, buổi sáng muốn trú tâm như thế nào, có thể an trú tâm như thế ấy vào buổi sáng. Buổi trưa vị ấy muốn an trú tâm nào vị ấy cũng có thể làm như ý muốn vào buổi trưa. Buổi chiều, buổi tối cũng vậy.

Như một vị vua hay đại thần có một tủ đầy áo đẹp, và khi vị ấy sáng muốn mặc áo nào, trưa muốn mặc áo nào, chiều muốn mặc áo nào đều có thể làm theo ý muốn của mình. Cũng thế, đối với một vị Tỳ kheo đã chế phục được tâm ý, không bị tâm chế phục, vị Tỳ kheo như thế sẽ làm sáng chói khu vườn Sa La khả ái này. Nhưng này chư Hiền, chúng ta hãy đi đến đảnh lễ đấng Ðạo sư để thỉnh giáo về vấn đề này nhé.

Khi Ðức Phật nghe thuật lại ý kiến của từng vị. Ngài dạy rằng mọi người đều trả lời đúng theo địa vị khả năng của mình. Tuy nhiên, Ngài thêm ý kiến của Ngài theo đó:

- Vị Tỳ kheo sáng chói khu vườn chính là vị nào sau khi đi khất thực về, sau khi chánh niệm thọ thực xong, rửa chân rồi trải tọa cụ ngồi thiền cho đến khi nào không còn lậu hoặc mống khởi.

Ðiểm lý thú trong câu chuyện này là ở chỗ khi mới nghe qua, chúng ta thấy dường như mỗi vị tự đề cao cá nhân vậy, song kỳ thật không thế. Mỗi người phát biểu cái lý tưởng mình muốn đạt, cho nên ngài A Nan, con người ưa đa văn, tôn trọng học vấn, đương nhiên phải cho đa văn là nhất. Ngài Ca Diếp cho hạnh đầu đà là lý tưởng của xuất gia, nên Ngài mới chuyên môn hạnh ấy. Mục Kiền Liên yêu thích biện tài, muốn phát triển mặt ấy, nên cho rằng thành tựu biện tài là nhất. Ly Bà Ða chú trọng thiền định cũng thế, vì cho thiền định là lý tưởng. Câu đúc kết của Phật rất ý vị ở chỗ, cái điều Ngài cho là lý tưởng chính là những việc làm rất thường, không có gì quái dị phức tạp, thế mà lại rất khó, chỉ có Phật mới thành tựu trọn vẹn được. Ðó là những việc thường ngày như ăn cơm, rửa chân, trải tọa cụ ra ngồi... Như vậy, ta thấy rõ Phật muốn ám chỉ đạo là rất giản dị, đó là cái tâm bình thường (bình thường tâm thị đạo), nhưng đồng thời quả thật cái việc “thường” ấy lại khó khăn gấp bội những việc “phi thường” của các bậc đa văn, biện tài, trí tuệ.

Tôn giả Xá Lợi Phất cũng là một người con rất hiếu thảo. Biết mẹ mình không tin Phật pháp, nên ông đã xin phép Phật về quê hóa độ mẹ, trước khi nhập Niết Bàn. Khi thấy con mình trở về, bà rất vui. Đêm đó, nhìn thấy các vị trời Phạm thiên mà bà thường tôn thờ, đến đảnh lễ tôn giả Xá Lợi Phất, bà mới biết đạo đức và trí tuệ của con mình còn cao vượt hơn cả những vị trời. Từ đó, bà phát sinh lòng tin tưởng vào Phật, và nghe theo những lời thuyết pháp của tôn giả Xá Lợi Phất để có thể đi trên con đường sáng hướng tới an lạc, hạnh phúc tối thượng. Hoàn tất việc hóa độ mẹ, tôn giả an nhiên nhập Niết Bàn ngay tại quê nhà của ngài.

(Nguồn: Những mẫu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 2 - Đức Kiên - NXB. Hồng Đức)

Sunday, April 25, 2021

Tệ hại nhất là tham lam

“Tham lam” đối với người khác chính là nguồn gốc của mọi thói xấu

Ngoài ra, ranh giới giữa thói xấu và đức tốt chỉ là một sợi tóc. Ví dụ như thói ngạo mạn và lòng dũng cảm. Thói lỗ mãng và tính cương trực. Thói ngoan cố và lòng thành thực. Tính nông nổi và sự nhanh nhạy. Tố chất gốc tự nó không phải là xấu.

Tuy vậy, duy có một thứ, vốn dĩ tố chất gốc đã là xấu, cho nên bất cứ ở đâu, dù ở mức độ nào và nhằm mục đích ra sao, thì nó vẫn cứ là thói xấu. Thứ đó chính là tham lam.

Tham lam thường ngấm ngầm nảy sinh trong lòng. Tham vọng khiến người ta lập mưu tính kế hãm hại người khác nhằm thỏa mãn sự ghen tức, hay xoa dịu nỗi bất hạnh của chính mình. Vì thế những kẻ ôm ấp lòng tham không hề đóng góp gì mà chỉ phá hoại hạnh phúc xã hội.

Ghen ghét, lường gạt, giả dối là những thói mà người ta thường gọi là lừa đảo bịp bợm. Đây là một thói đê tiện. Nhưng nó không phải là nguyên nhân đẻ ra sự tham lam. Ngược lại, phải thấy rằng chính tham lam đã sản sinh ra những thói đê tiện ấy mới đúng.

Tham lam là nguồn gốc của mọi thói xấu. Có thể nói: Không có thói xấu nào trong con người mà lại không xuất phát từ tham lam.

Thái độ cay cú ngờ vực, ghen tức, hèn nhát… cũng từ tham lam mà ra. Từ những hành vi thậm thụt, mật đàm, mưu mô cho đến việc lôi kéo bè cánh, ám sát, nổi loạn… tất cả đều phát sinh từ tham lam.

Trên phạm vi quốc gia, những tai họa do lòng tham gây ra khiến cho dân chúng đều trở thành nạn nhân. Khi đó thì mọi lợi ích công đều biến thành lợi ích riêng của một nhóm người.

Nghèo khổ không phải là nguyên nhân

Trên đây tôi đã đề cập tới tác hại của lòng tham trong quan hệ giao tiếp giữa con người với con người.

Vậy thì cái gì là nguyên nhân chủ yếu khiến cho con người ghen tức trước hạnh phúc của người khác, cầu cho người khác gặp bất hạnh?

Phải chăng đó là do cuộc sống quá khổ cực, quá bế tắc?

Không, không phải như vậy. Nếu cho rằng gốc rễ của lòng tham lam là nghèo khổ thì tất cả những người nghèo khổ trong xã hội đều bày tỏ sự bất bình, những người giàu có trong xã hội sẽ trở thành cái “đích” của sự căm tức và như thế thì mọi quan hệ, giao tiếp trong thế giới này một ngày cũng không giữ nổi.

Nhưng thực tế thì khác hẳn. Con người dù có nghèo khổ đến đâu đi nữa, khi đã hiểu được vì sao mình nghèo khổ, vì sao mình hèn kém và nguyên nhân là tại mình thì sẽ không bao giờ họ mang thói đố kỵ bừa bãi đối với người khác. Bằng chứng có lẽ cũng không cần phải trưng ra đây.

Hiện nay, trong xã hội tồn tại sự chênh lệch giàu nghèo, sang hèn… cứ nhìn vào quan hệ giao tiếp giữa người với người thì sẽ rõ. Vì thế tôi mới nói rằng, phú quý giàu sang không phải là đối tượng của sự căm tức. Và nghèo khổ hèn kém không phải là nguồn gốc của sự bất bình.

Thực trạng hậu cung, nơi thói tham lam hoành hành

Những cung tần, mỹ nữ trong hậu cung hầu hạ lãnh chúa trong thời đại phong kiến ở nước ta là ví dụ rõ ràng nhất về sự tham lam hoành hành, về sự cản trở giao tiếp.

Chốn hậu cung là nơi cư ngụ của các cung tần, mỹ nữ để hầu hạ các bậc lãnh chúa thất đức. Các cung tần, mỹ nữ có chăm chỉ chuyên cần cũng không được khen, có lười nhác cũng không bị phạt. Có can ngăn cũng bị quở trách, mà không can ngăn cũng bị quở trách. Tóm lại, đó là một thế giới khác hẳn với xã hội bình thường, là nơi mà các cung tần mỹ nữ dùng mọi thủ đoạn lấy lòng lãnh chúa, triệt hạ lẫn nhau, miễn sao thỏa mãn giấc mộng được lãnh chúa sủng ái.

Sống trong thế giới như thế, tính cách con người trở nên khác thường, vui buồn, cáu giận đều bị biến dạng. Thấy đồng cung được sủng ái là lập tức ghen ghét đố kỵ, rồi căm tức luôn cả lãnh chúa. Trung, tín, tiết nghĩa chỉ còn là mỹ từ. Lãnh chúa có ốm thập tử nhất sinh thì cũng chỉ vì đố kỵ và sợ bị đồng cung gièm pha mà bỏ mặc chẳng thèm chăm sóc. Tham lam, ghen tức trở nên cực đoan đã dẫn tới những vụ giết người bằng thuốc độc. Nếu có bảng thống kê các vụ đầu độc từ trước tới nay, thì sẽ thấy rõ các hành động tội ác trong hậu cung đã hoành hành dữ dội như thế nào so với các vụ đầu độc ngoài xã hội. Chúng ta cần phải thấy tham vọng khủng khiếp đến nhường nào.

Nhật Bản hiện nay vẫn chưa thoát khỏi tính chất “hậu cung”

Thói xấu xa tệ hại nhất trong xã hội là tham lam. Nguồn gốc của tham lam là ở chỗ trói buộc tự do. Vì thế, ngôn luận phải được tự do. Hoạt động của con người không thể bị cản trở.

Thử so sánh giữa xã hội Nhật Bản và xã hội các nước Âu Mỹ xem sao. Xã hội nào gần giống với tình trạng trong chốn hậu cung nói trên? Chẳng phải là xã hội Nhật Bản đó sao. Ở dân chúng Anh, Mỹ không phải là không có thói tham lam, xa xỉ, lỗ mãng… Họ cũng không thiếu những kẻ lừa đảo, bịp bợm. Và không phải là cái gì trong phong tục của họ cũng đều tốt đẹp cả.

Nhưng có một điểm không thể nói là giống hệt với tình trạng của xã hội Nhật Bản. Đó là tham vọng. Trong xã hội văn minh người ta không đến nỗi ghen ghét, căm tức trước hạnh phúc của người khác và ngấm ngầm mong cho người khác gặp bất hạnh như con người trong xã hội Nhật Bản.

Hiện nay, trong xã hội Nhật Bản, những người hiểu biết, các thức giả đang nói lên tiếng đòi tự do xuất bản, tự do ngôn luận, yêu cầu lập viện dân biểu. Vì sao và hoàn cảnh nào buộc những thức giả phải lên tiếng như vậy?

Xã hội không thể là chốn hậu cung như trước đây. Nhân dân không thể như những cung tần, mỹ nữ. Chỉ có đoạn tuyệt với tham lam, lòng đố kỵ, ghen ghét và được tự do mới có thể giành lại và dấy lên dũng khí ganh đua lẫn nhau. Hạnh phúc hay bất hạnh, danh dự hay nhơ nhuốc… phải làm sao để đó là kết quả đương nhiên từ nỗ lực của mọi cá nhân.

Cản trở tự do ngôn luận, trói buộc hoạt động của dân chúng đa phần đều liên quan đến chính sách của chính phủ. Và ai cũng đổ hết cho nền chính trị. Nhưng thực ra không hẳn là vậy. Chính trong nhân dân cũng thải ra nhiều thứ độc hại không kém. Nếu chỉ cải cách chính trị không thôi cũng không thể gột sạch những thứ độc hại đó ngay được. Tôi xin bổ sung thêm hai, ba điểm nữa.

Mặt đối mặt mới vỡ lẽ…

Thông thường, con người cảm thấy vui sướng trong quan hệ, trong giao tiếp với người khác. Vậy mà cũng có người lại cảm thấy ghét giao tiếp. Trong xã hội, có những người khác thường, họ cố tình chuyển về sống trong rừng núi, xa lánh cuộc sống. Và người ta gọi họ là những người “ẩn cư”. Hoặc có những người không đến mức cực đoan đến vậy, nhưng không thích giao tiếp với xã hội, ở lì trong nhà không bao giờ ló mặt ra ngoài và lấy làm đắc ý “lánh đời ô trọc”.

Tư thế của những loại người này không phải chỉ là do không bằng lòng với đường lối của chính phủ. Mà cái chính là họ không có dũng khí trong các mối quan hệ với sự việc vì ý chí yếu đuối. Họ không có lòng bao dung vì thiếu sự độ lượng. Họ không thể thu nhận được người. Và người ta cũng không thu nhận được họ. Cả hai phía từng bước từng bước tránh mặt nhau. Kết cục là cả hai phía đều mang ý nghĩ phân biệt, nhìn nhau bằng con mắt xa lạ. Và rồi chẳng biết tự lúc nào trở thành kẻ thù của nhau. Bên nào cũng mang những bất mãn đối với nhau. Không có gì bất hạnh hơn thế. Mặt khác họ cũng chẳng muốn biết, muốn hiểu đầy đủ về đối phương. Chỉ nghe thông tin một chiều mà không kiểm chứng, cũng không thèm xác nhận. Chỉ cần thấy đối phương suy nghĩ khác mình là không còn giữ được bình tĩnh… căm ghét đố kỵ xuất hiện ngay cả trong ý nghĩ.

Văn bản thư từ nhiều khi không giải quyết được vấn đề bản thảo mà còn gây hiểu sai, hiểu lầm. Nhưng khi gặp gỡ trực tiếp thì lại giải quyết được mọi thứ. Lúc đó con người mới vỡ lẽ “vậy mà cứ nghĩ xấu về nhau…”, hoặc “không gặp trực tiếp thì đúng là sẽ gây nên tai họa cho nhau…”.

Lo lắng, quan tâm lẫn nhau vốn là tình cảm bẩm sinh ở trong con người. Sự thật tình, thật lòng sẽ làm hai phía xích lại với nhau. Và chỉ khi đó thì sự đố kỵ, lòng ghen tức mới biến mất.

Từ xưa tới nay có vô số những vụ ám sát. Tôi vẫn thường nói thế này: “Nếu như cả hai phía ám sát và bị ám sát cùng ngồi lại với nhau, có cơ hội trao đổi thẳng thắn, không che giấu, không úp mở những suy nghĩ của cả hai bên, thì cho dù có là kẻ thù không đội trời chung của nhau, họ nhất định sẽ hòa giải và không những thế mà có khi lại trở thành bạn hữu.”

Mới hay là việc cản trở tự do ngôn luận, tự do hành động, hoàn toàn không phải chỉ là lỗi do chính phủ, mà còn là lỗi trong dân chúng. Ngay cả trong giới học giả cũng vậy.

Năng lượng làm cuộc đời sống động khó có thể sinh ra nếu không tiếp xúc, tiếp cận với sự vật. Phải làm sao trong các mối quan hệ, các cuộc giao tiếp mọi người đều tự do nói lên suy nghĩ của mình, tự do hành động. Và sự suy nghĩ ấy, hành động ấy là kết quả của việc tự lựa chọn bất kể con người đó thuộc đẳng cấp nào, quý tộc, giàu có hay hạ đẳng, nghèo hèn.

Không ai có thể cản trở tự do của con người.

Tháng 12 năm Minh Trị thứ bảy (tức năm 1874)

(Nguồn: Khuyến học - Fukuzawa Yukichi)