Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Thursday, February 24, 2011

THỰC TÂM


THỰC TÂM
Tặng những nhà độc tài,
những người chỉ muốn cai trị dân chúng bằng sự giả dối và bạo lực

Nửa cái bánh cũng ăn đỡ đói
Sự thật kia, chỉ nói nữa câu
Cũng như giả dối khác đâu
Tiếng là nói thật, mà màu khác xa

Lời nói thật, người ta mở trí
Nói lời gian, không khí nghi ngờ
Giả chân phân biệt xưa giờ
Sự thật soi tỏ, mê mờ phải tan.

Xã hội vững, bởi càng tin cậy
Muốn tin nhau, phải lấy thực tâm
Lời ngay, tin tưởng nảy mầm
Đồng lòng, đồng sức, ngàn năm thái bình

Nói sự thật, giữ mình ngay thật
Sống thành tâm, đánh bật gian tham
Việc nhân, việc nghĩa, thường làm
Nước nhà mong lắm, hoa đàm nở bông…

Tuesday, February 1, 2011

Chúc mừng năm mới


Đây là năm đầu tiên tôi đón xuân xa nhà, và cũng là thời điểm kết thúc một quá trình học tập nghiên cứu suốt 3 năm qua. Mới ngày nào đặt chân lên đất nước Nhật Bản xa lạ với nhiều bỡ ngỡ, mà giờ đây đã gần 3 năm trôi qua. Nhật Bản bây giờ đối với tôi không còn xa lạ nữa, nhiều tỉnh thành tôi đã đặt chân đến, nhiều danh lam thắng cảnh đã ghé thăm, nhiều bạn bè mới đã gặp gỡ và tiếp xúc... Ba năm trôi qua là biết bao kỷ niệm, buồn có vui có, là biết bao thay đổi ở hoàn cảnh, ở cuộc đời và ở cả lòng người. Vài tháng nữa, là sẽ phải chia tay mảnh đất Kyoto thân thương này rồi. Vậy mới hiểu hết câu thơ "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở,/ Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn"

Đón xuân nơi đất khách quê người mới càng thấm thía hơn nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Bạn bè tuy nhiều, nhưng có mấy ai thật sự là tri âm tri kỷ? Nước Nhật tuy đẹp, nhưng không nơi đâu sánh được với quê nhà, bởi nơi đó còn có gia đình, người thân và kỷ niệm thời thơ ấu.

Chỉ còn vài giờ nữa là kết thúc năm Canh Dần và bước sang năm Tân Mão. Trước thềm năm mới xin kính chúc mọi người, những người có duyên gặp gỡ nhau trên thế giới thực hay ảo, một năm mới hạnh phúc, an vui và mọi điều như ý!

Chúc đất nước Việt Nam bước sang một năm mới với nhiều tiến bộ, đổi mới. Mong sao cái Chân, Thiện, Mỹ sẽ đẩy lùi được cái Tham lam, Hung bạo và Ngu muội, để mùa xuân mãi hiện hữu trên môi mỗi người Việt Nam bất kể địa vị, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, chính kiến... nào.

Kyoto, 30 tết Tân Mão - 2011

Saturday, January 29, 2011

Bình yên



Bình yên
Nhạc sĩ : Quốc Bảo

Bình yên một thoáng cho tim mềm
Bình yên ta vào đêm
Bình yên để đóa hoa ra chào
Bình yên để trăng cao
Bình yên để sóng nâng niu bờ
Bình yên không ngờ
Lòng ta se sẽ câu kinh bình yên

Bình yên để gió đưa em về
Bình yên ta chờ nghe
Chờ nghe tình vỗ lên tim mình
Chờ nghe tình lung linh
Bình yên để nắng soi môi thơm
Bình yên ta mừng
Mừng em đã hết đau thương về đây ấm cúng
Mừng em đã biết xót thương tình yêu.

Như từ bao la ta ra đời một kiếp nữa
Như từ trong nhau lớn lên khôn lên cùng nhau
Như một câu hát ứa ra từ tim
Tặng nhau nhé tiếng nghe hồn nhiên
Để quên hết khó khăn chia lìa.

Bình yên một thoáng cho tim mềm
Bình yên ta vào đêm
Bình yên để đóa hoa ra chào
Bình yên để trăng cao
Bình yên để sóng nâng niu bờ
Bình yên không ngờ
Lòng ta se sẽ câu kinh bình yên...

Saturday, January 8, 2011

XUÂN NHỚ NHÀ


XUÂN NHỚ NHÀ

Xuân này đón tết ở xa quê
Xa xứ lòng ta vẫn hướng về
Nhớ người, nhớ cảnh và luôn cả
Không khí quê nhà – ôi nhớ ghê!

Nhớ cảnh giao thừa cúng tổ tiên
Nhớ cành mai thắm, cúc bên thềm
Nhớ buổi quây quần cùng chúc tết
Uống ngụm trà thơm, ăn mứt sen.

Xuân đến làm ta thêm nhớ em
Nhớ khi trò chuyện, ngắm trời đêm
Nhớ lúc đi chùa, cùng lễ Phật
Mong gia đình hạnh phúc, ấm êm.

Nhớ đám bạn bè cũng đã lâu
Mỗi khi xuân đến vẫn cùng nhau,
Ăn uống, hẹn hò đi chúc tết
Gieo quẻ - xem năm mới thế nào?

Xuân sau thôi cảnh tết xa quê
Về nước - vui xuân, đón tết về
Có còn nhớ cảnh xuân xa xứ
Ngày tết – nôn nao, lại muốn về?

(Tết Tân Mão - 2011)

Thursday, December 30, 2010

SÁNG MỘT NIỀM TIN


SÁNG MỘT NIỀM TIN

Giữa bể khổ trần gian
Giữa gian trá muôn vàn
Niềm tin luôn tỏa sáng
Sưởi ấm cõi mênh mang

Niềm tin vào lẽ phải
Vào chân lý không hai
Thiện phải luôn thắng ác
Niềm tin đó không lay

Dẫu muôn ngàn gian khổ
Dầu gian hiểm rình vồ
Chẳng làm sao lay chuyển
Niềm tin giữa hư vô

Niềm tin còn sáng mãi
Vượt qua nỗi đau dài
Thời gian như đọng lại
Nở bừng trong sớm mai.

PQT

Thursday, December 16, 2010

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Trịnh Công Sơn, 1977

1. Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười
Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy
Để mắt em cười tựa lá bay

ĐK :
Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi

2. Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi
Đường đến anh em đường đến bạn bè
Tôi đợi em về bàn chân quen quá
Thảm lá me vàng lại bước qua

3. Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Cùng với anh em tìm đến mọi người
Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát
Để thấy tiếng cười rộn rã bay

4. Mỗi ngày tôi chọn một lần thôi
Chọn tiếng ru con nhẹ bước vào đời
Tôi chọn nắng đây chọn cơn mưa tới
Để lúa reo mừng tựa vẫy tay

5. Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim.

Friday, December 3, 2010

CHÍ THÀNH THÔNG THÁNH


Lâu lâu đọc lại bài này của cụ Phan Chu Trinh, chợt thấy nhiều cảm xúc. Sự nghiệp cách mạng của cụ tuy không thành, nhưng lý tưởng "Nâng dân trí, chấn dân khí" của cụ thì vẫn sáng mãi.
Ngày nay, nước nhà đã hòa bình, thống nhất được 35 năm, liệu hoài bão đó của cụ đã được con cháu thực hiện chưa? Hay ta vẫn mãi nghe câu "dân trí ta còn thấp", hoặc mãi chấp nhận cảnh "sĩ khí rụt rè - gà phải cáo" như cách đây cả thế kỷ?

CHÍ THÀNH THÔNG THÁNH

Thế sự hồi đầu dĩ nhất không,
Giang sơn vô lệ khấp anh hùng.
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương tuý mộng trung.
Trường thử bách niên cam thoá mạ,
Bất tri hà nhật xuất lao lung?
Chư quân vị tất vô tâm huyết,
Thỉnh hướng tư văn khan nhất thông.

(PHAN CHU TRINH)


LÒNG THÀNH TRỜI HIỂU

Việc đời nhìn lại – có mà không,
Nước non cạn lệ khóc anh hùng.
Bạo quyền, cam chịu bao người mãi
Văn chương, còn đắm giấc mộng cùn.
Nếu chịu trăm năm người mắng chửi,
Ngày nào thoát khỏi cảnh lao lung?
Mọi người đâu phải không tâm huyết,
Đọc thơ – chia sẻ nỗi niềm chung!


Wednesday, November 10, 2010

Lựa chọn Thành công

Lựa chọn Thành công
Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam
(Một khuôn khổ chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2020)

Đây là một báo cáo của nhóm nghiên cứu Đại Học Harvard về nền kinh tế Việt Nam, được công bố từ vài năm trước, nhưng tới nay đọc lại vẫn còn rất phù hợp. Bài viết này trình bày một khuôn khổ chiến lược giúp Việt Nam xác định các ưu tiên và đưa ra các quyết sách kinh tế cho những năm đầu của thế kỷ 21. Luận điểm chung của bài viết là phân biệt 2 mô hình phát triển kinh tế của các nước Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore) và mô hình của các nước Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine...). Mô hình Đông Á được xem là kiểu mẫu của sự thành công, giúp các nước vượt qua mức thu nhập trung bình để trở thành các nước có mức thu nhập cao (>10.000 USD/người). Mô hình Đông Nam Á được xem là mắc vào bẫy thu nhập trung bình, nghĩa là sau một thời gian phát triển nhanh, thì tốc độ chậm lại và không thể vượt qua ngưỡng thu nhập 5.000 USD/người.

Năm khía cạnh chính về chính sách được tập trung phân tích nhằm so sánh 2 mô hình kinh tế trên là : Giáo dục, Cơ sở hạ tầng, Năng lực cạnh tranh của DN, Hệ thống tài chính, Hiệu năng của nhà nước, và Tính công bằng xã hội. Từ các phân tích, bài viết cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang có nguy cơ đi theo mô hình các nước Đông Nam Á, và đề xuất các khuyến nghị cải cách để giúp Việt Nam có thể điều chỉnh chính sách theo mô hình phát triển của các nước Đông Á, nhằm đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2020.

Đây là một bài viết khá hay và đáng đọc đối với cả các nhà nghiên cứu, các sinh viên kinh tế và những người làm chính sách của đất nước. Tuy nhiên bài viết khá dài, không thể đăng trên blog hết được. Những ai quan tâm, muốn tìm đọc bản pdf của tài liệu này, xin vui lòng liên hệ qua e-mail. Trong phạm vi blog này, chỉ xin giới thiệu một phần liên quan đến chủ đề Giáo dục (phân tích và khuyến nghị chính sách) để mọi người tham khảo. Hy vọng, những góp ý trong bài viết này sẽ mang lại lợi ích nào đó đối với người đọc và những ai đang công tác trong ngành giáo dục.

1. Phân tích hiện trạng giáo dục Việt Nam

Hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện đang khủng hoảng. Mặc dù tỷ lệ đi học ở các cấp phổ thông tương đối cao, nhưng chất lượng của các bậc học này rất đáng lo ngại. Kết quả trượt tốt nghiệp trung học phổ thông trong năm 2007 cho thấy nhiều học sinh thậm chí còn không nắm được kiến thúc cơ bản. Bên cạnh đó, số lượng sinh viên được vào đại học cũng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong những người ở độ tuổi học đại học. Trong năm 2000, tỷ lệ lao động tốt nghiệp đại học chỉ chiếm 2% tổng dân số, so với 5% ở Trung Quốc và 8% ở Ấn Độ là những nước đông dân hơn rất nhiều.

Năm 2005, tỷ lệ sinh viên đỗ đại học ở Việt Nam chỉ là 16%, trong khi con số này ở Trung Quốc và In-đô-nê-xia là 17%-19%, còn ở Thái-lan là 43%. Mặc dù số lượng sinh viên đại học đã tăng một cách đáng kể từ năm 1990 nhưng với hạn chế về cả số lượng và chất lượng giảng viên, hệ thống đào tạo đang ngày càng bị dồn nén. Không những thế, chất lượng đào tạo ở các trường đại học của Việt Nam chưa đạt chuẩn. Giảng viên ở các trường đại học của Việt Nam có rất ít bài đăng trên các tạp chí quốc tế. Trên thực tế, trường đại học của Việt Nam thua xa khi so với ngay cả trường của các nước Đông Nam Á - vốn chưa phải là những trường đẳng cấp quốc tế. Nếu nhìn vào sản phẩm đào tạo thì khoảng phân nửa sinh viên ra trường ở Việt Nam không được làm đúng ngành đào tạo.

Những kết quả đáng buồn như vừa miêu tả không phải do hệ thống giáo dục hiện nay thiếu tiền. Trên thực tế, tỉ lệ ngân sách dành cho giáo dục trong GDP của Việt Nam cao hơn hầu hết các nước trong khu vực. Như vậy, vấn đề thực sự nằm ở chỗ nguồn lực này được sử dụng như thế nào, và đặc biệt, nằm ở cấu trúc quản trị xơ cứng và bất cập ở mọi cấp độ của hệ thống giáo dục. Chi tiêu của hệ thống giáo dục hiện nay kém minh bạch và lãng phí. Như lời bình luận của một tác giả trên báo Tuổi Trẻ, nếu những con số chính thức về quỹ lương là đáng tin cậy thì mức lương trung bình của giáo viên phải cao gần gấp đôi mức lương thực tế họ đang được nhận. Vậy thì tiền đi đâu? Không lẽ nó đã bị cơ chế hiện nay “nuốt chửng”? Với một hệ thống quản trị như vậy, đổ thêm tiền vào chỉ là giải pháp tình thế mà không thể giải quyết được những vấn đề cơ bản nhất của nền giáo dục Việt Nam về chất lượng và khả năng tiếp cận. Trong giáo dục đại học, các trường cần phải có nhiều quyền tự chủ hơn để có thể chuyên môn hóa sâu, cạnh tranh trên cơ sở chất lượng và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Chế độ tuyển dụng, đãi ngộ, đề bạt phải chuyển từ tiêu chuẩn “thâm niên” sang “kết quả”. Cần mở rộng nguồn tài trợ cho các trường đại học, không chỉ bao gồm học phí và các khoản hỗ trợ của nhà nước, mà còn bao gồm hợp đồng nghiên cứu và đóng góp hảo tâm của khu vực tư nhân. Chất lượng các trường đại học là một chỉ báo đáng tin cậy cho mức độ phát triển của nền kinh tế. Những nước giàu và đang trở nên giàu thường có nhiều trường đại học tốt, còn những nước nghèo thì không. Hiện nay, các trường đại học của Việt Nam có thể bị xem như là kém nhất so với hầu hết các nước đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á, chứ chưa cần so với Đông Á. Nếu như không có những biện pháp cấp thiết để cải cách giáo dục thì chắc chắn là Việt Nam sẽ không thể đạt được các mục tiêu đã đề ra về công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Như đã lưu ý ở trên, các nước Đông Á rất chú trọng tới việc thúc đẩy năng lực phát triển công nghệ của quốc gia. Sử dụng mọi thước đo khách quan, dường như nền khoa học và công nghệ của Việt Nam là một thất bại. Điều này, đến lượt nó, lại là một trong những trở ngại chính cho tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2002, Việt Nam chỉ đăng ký có 2 bản quyền với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO). Năm 2006, các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đăng được 41 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế. Cũng trong năm đó, chỉ riêng các nhà nghiên cứu của trường Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải đã đăng được 2.286 bài trên các tạp chí quốc tế. Mặc dù kết quả đáng thất vọng như vậy nhưng mới đây chính phủ đã tuyên bố kế hoạch biến các nhà nghiên cứu của VAST thành hạt nhân cho một trường đại học khoa học và công nghệ mới của Việt Nam. Liệu có nên đặt niềm tin của việc đào tạo các thế hệ nhà khoa học và kỹ sư tương lai của Việt Nam vào một tổ chức yếu kém về năng lực nghiên cứu khoa học? Đây lại là một ví dụ nữa cho nỗ lực che chắn cạnh tranh của các tổ chức thất bại thông qua các biện pháp hành chính. Một lựa chọn tốt hơn là nới lỏng kiểm soát đối với các viện nghiên cứu và trường đại học, và cho phép các tổ chức này cạnh tranh với nhau để thu hút được những giảng viên và sinh viên xuất sắc nhất và những nguồn tài trợ dồi dào nhất - tất cả đều dựa trên kết quả hoạt động thực tế.

Để cải thiện chất lượng giáo dục đại học và khoa học, các trường đại học của Việt Nam phải tạo những điều kiện thuận lợi nhất và có những ưu đãi hấp dẫn nhất để thu hút được những nhà khoa học hàng đầu. Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các trường đại học của mình xâm nhập thị trường chất xám toàn cầu, và các trường này đang ngày càng thành công trong việc mời được những nhà khoa học Trung Quốc xuất sắc nhất từ Mỹ và từ các nước khác trở về với mức đãi ngộ và hỗ trợ nghiên cứu cạnh tranh. Trái lại, Việt Nam chưa sẵn sàng chấp nhận tham gia “cuộc chơi” săn lùng chất xám này. Trên thực tế, những người xuất sắc nhất trong hệ thống của Việt Nam vẫn phải chịu một sự ghen tị nếu như họ có may mắn được đãi ngộ một cách trọng thị hơn những người khác. Thị trường chất xám là một thị trường toàn cầu, và những nhà khoa học xuất sắc nhất của Việt Nam có rất nhiều lựa chọn trong thị trường này. Chắc chắn là chỉ có một số rất ít nhà khoa học xuất sắc chịu chấp nhận các điều kiện làm việc ở các trường đại học của Việt Nam như hiện nay. Lòng yêu nước của mỗi nhà khoa học đều có, nhưng họ cũng cần cả những sự đãi ngộ và tôn trọng xứng đáng nữa.

2. Khuyến nghị chính sách phát triển giáo dục Việt Nam

(1). Cần công khai các ngân sách nhà nước dành cho giáo dục: Cuộc khủng hoảng hiện nay trong giáo dục không phải là hậu quả của việc thiếu đầu tư mà một phần là do sự lãng phí và kém hiệu quả trong chi tiêu giáo dục. Tăng cường tính minh bạch là một bước thiết yếu đầu tiên để cải thiện hệ thống giáo dục. Thứ nhất, nếu phụ huynh học sinh và báo chí có những hiểu biết đầy đủ hơn về cách thức phân bổ ngân sách giáo dục thì họ có thể thực hiện chức năng giám sát một cách hiệu quả hơn. Chính quyền trung ương khi ấy cũng có thể quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương và lãnh đạo nhà trường một cách dễ dàng hơn. Thứ hai, sự minh bạch sẽ giúp chính phủ thành công hơn trong việc huy động nguồn tài trợ từ khu vực tư nhân và thiện nguyện vì khi ấy các nhà tài trợ sẽ có cơ sở để tin rằng đồng tiền đóng góp của mình được sử dụng một cách hiệu quả.

(2). Thực hiện một cuộc cách mạng trong giáo dục đại học: Tình trạng khủng hoảng trong giáo dục đại học là một trở ngại cơ bản cho sự tiếp tục phát triển của Việt Nam, và vì vậy, những trở ngại này cần phải được giải quyết một cách mạnh mẽ, càng sớm càng tốt. Thực tế là chính phủ Việt Nam biết phải hành động như thế nào. Quyết định 14 kêu gọi một cuộc “cải cách toàn diện” đối với hệ thống giáo dục đại học, trong đó bao gồm những cải cách then chốt cần thiết để thổi một luồng sinh khí mới vào hệ thống. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện quyết định này đang quá chậm chạp. Nếu tốc độ cải cách giáo dục vẫn chậm chạp như hiện nay thì ngay cả việc đuổi kịp các nước Đông Nam Á cũng đã là một cái đích xa vời, còn nói gì đến việc đuổi kịp các nước Đông Á.

Nếu không cải thiện được kết quả của giáo dục đại học thì Việt Nam sẽ không thể tận dụng được một cách trọn vẹn lợi ích của đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã thành công trong việc thu hút được một số nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao như Intel, Canon, Nidec, và Foxconn. Đây là một cơ hội ngàn vàng để Việt Nam chuyển đổi và vượt lên chiếm lĩnh những ngành có giá trị gia tăng cao hơn. Để có thể tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam cần đào tạo một số lượng lớn lao động có kiến thức và công nhân có kỹ năng để cung cấp cho những nhà đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước. Nếu không thì có lẽ Việt Nam sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự như Ma-lay-xia - chịu thua trong cuộc cạnh tranh với các quốc gia có lao động tay nghề cao hơn với chi phí thấp hơn. Ngay ở Việt Nam hiện nay thì tình trạng mặt bằng lương gia tăng nhanh chóng, cùng với sự thiếu hụt lao động và công nhân liên tục chạy từ nơi này sang nơi khác đã làm nhiều nhà đầu tư tiềm năng phải cân nhắc kỹ trước khi đầu tư vào Việt Nam.

(Trích từ Lựa Chọn Thành Công)

Saturday, November 6, 2010

ĐÔI MẮT


ĐÔI MẮT

Những đôi mắt thơ ngây
Bao tin yêu tròn đầy,
Cuộc đời ôi thương quá !
Hạnh phúc là nơi đây.

Hạnh phúc thì chóng qua,
Tình nghĩa cũng phôi pha
Đôi mắt em - khoảnh khắc
Nhớ mãi lúc rời xa…

Mắt tin yêu sáng ngời
Thắp sáng giữa cuộc đời,
Bao ước mơ khát vọng,
Thuyền rẽ sóng lên khơi.

Dòng thời gian cuốn trôi,
Nhớ mãi giữa lòng tôi
Đôi mắt em tỏa sáng,
Niềm tin cho cuộc đời…

(PQT)