Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Sunday, January 31, 2010

VẬN HỘI MỚI


VẬN HỘI MỚI

Thăng Long yêu dấu, một ngàn năm
Một ngàn năm lẻ, lắm thăng trầm,
Đất nước chuyển mình sang vận mới
Sáng soi văn hiến bốn ngàn năm…
*
Mở đầu vận hội, bao hy vọng
Thái bình, tâm nguyện cả non sông
Cuộc sống yên bình và no ấm
Việt Nam, bỗng chốc hóa thành Rồng
*
Dựng lại cơ đồ của ông cha
Quyết lòng xây đắp nước non nhà
Đoàn kết, xóa tan bao thù hận
Tương lai tươi sáng, chắc không xa
*
Xóa bỏ hận thù, phải thật tâm
Hạt giống thương yêu, sẽ nảy mầm
Thẳng thắn, mở lòng - nghe sự thật
Tự do, dân chủ - chẳng ngoài tâm.
*
Thế giới ngày nay đã chuyển mình
Nước nhà, vào đại vận hồi sinh
Toàn dân chung sức lo việc nước
Sáng mãi ngàn năm đất nước mình…

Monday, January 25, 2010

Tứ Chứng Nan Y


Cuối năm đọc truyện cười dân gian để thư giản. Kho tàng truyện dân gian Việt Nam rất phong phú và sâu sắc. Trong chế độ phong kiến, ít tự do ngôn luận, thì đây chính là 1 kênh hữu hiệu để cất lên tiếng nói của người dân để thể hiện suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của mình, để mọi người có dịp được cười và xả stress. Dưới đây là 1 truyện trích từ tập truyện cười dân gian có tên là Xiển Bột.

Tứ Chứng Nan Y
(Trích: Truyện cười dân gian Xiển Bột)

Xiển làm thuốc. cho nên vua thường vời vào kinh chữa bệnh. Một hôm, vua đang nô đùa cùng bầy cung phi, thì thấy Xiển bước vào. Vua ngạc nhiên hỏi có việc gì. Xiển đáp:

- Hạ thần nghe nói Hoàng thượng mắc phải bốn bệnh hiểm nghèo mà sách gọi là "tứ chứng nan y", nên vội vàng vào thăm Hoàng thượng.

Vua khó chịu nói:

- Thiên hạ ác miệng nói càn như vậy, chứ lâu nay Trẫm vẫn khỏe mạnh, có việc gì đâu! à thế "tứ chứng nan y" là nhứng bệnh gì?

Xiển tâu: - Dạ "tứ chứng nan y" họ nói đó là què, mù, câm, điếc.

Vua nổi giận:

- Ðộc ác đến mức ấy là cùng! Trẫm mà biết kẻ nào bịa chuyện phao đồn ra đầu tiên thì Trẫm sẽ cắt lưỡi chứ không tha!

Xiển nói:

- Hạ thần nghe thiên hạ đồn như vậy. Bây giờ mới biết là sai. Nhưng nghĩ cho kỹ, thì lại thấy là có nguyên do cả đấy ạ!

Vua hỏi: - Nguyên do như thế nào?

Xiển giả bộ rụt rè: - Xin Hoàng thượng tha tội kẻ hạ thần mới dám nói.

Vùa bằng lòng. Xiển nói:

- Thiên hạ thấy Hoàng thượng suốt năm chỉ quanh quẩn trong cung điện nên họ lầm tưởng là ngài què. Nước sắp mất mà Hoàng thượng vẫn ung dung vui thú, nên họ lầm tưởng là ngài mù. Trước cảnh núi sông bị quân giặc dày xéo mà Hoàng thượng cứ ngồi im, nên họ tưởng là ngài câm. Khắp nơi người ta đều kêu Hoàng thượng là kẻ hèn yếu, khiếp nhược nhưng ngài vẫn làm ngơ ký hòa ước hàng giặc, nên họ lầm tưởng là ngài điếc.

Vua biết Xiển chửi mình, tức uất người nhưng không đủ lý lẽ để bắt tội được.

Thursday, January 14, 2010

SUY NGHĨ VỀ KHÁI NIỆM TRÍ THỨC

SUY NGHĨ VỀ KHÁI NIỆM TRÍ THỨC

GS.NGND. NGUYỄN NGỌC LANH

“Trí thức” từ đâu ra?

Intellectuel (tiếng Pháp) hay intellectual (tiếng Anh) trong từ điển vốn là một tính từ, còn danh từ gốc của nó là intellect (trí tuệ, trí thông minh). Nhưng một văn bản công bố năm 1906 – do nhà văn Zola ký tên đầu – lại được thủ tướng Pháp Clemenceau (tiến sĩ, nhà báo) gọi là Tuyên ngôn của Trí thức (Manifeste Des Intellectuels). Thế là một tính từ trở thành danh từ mới, chưa có trong các từ điển trước đó như Larousse 1866-1878 hay Đại từ điển Bách khoa 1885-1902.

Đó là bản kháng nghị nổi tiếng, của các nhà văn, nhà khoa học nổi tiếng, chống lại một bản án oan cũng nổi tiếng là xấu xa trong lịch sử tư pháp (xử đại úy Dreyfuss, sau gọi là “sự kiện Dreyfuss”). Như vậy, danh từ “trí thức” ra đời trong một sự kiện chống bất công, còn “người trí thức” ra đời khi xã hội thừa nhận danh từ này.

Thực ra, rất lâu trước đó đã có vô số cá nhân có phẩm chất và tiếng tăm không kém các tác giả bản tuyên ngôn nói trên, nhưng ý thức tự liên kết (ví dụ cùng ký tên vào một tuyên ngôn) và điều kiện cho phép liên kết để thực hiện những thiên chức xã hội thì chỉ xuất hiện khi xã hội có dân chủ; đồng thời người dân khi được hưởng các quyền tự do cũng bắt đầu hiểu rõ chức năng xã hội của tầng lớp trí thức và hưởng ứng họ.

Trí thức và dân chủ

Quả vậy, dẫu các tác giả của bản tuyên ngôn là những người uy tín lớn và đang được xã hội trọng vọng, như Emile Zola (1840-1902), Anatole France (1844-1924), Halevy, Buinot, Leon Blum… nhưng thật ra bản tuyên ngôn của họ chỉ có thể ra đời khi nước Pháp đã có chế độ dân chủ, ba quyền tối thượng đã được phân lập rạch ròi. Thủ tướng đứng đầu ngành hành pháp, quyền hành cực lớn, vẫn không được phép can thiệp vào công việc tư pháp, dẫu tư pháp đưa ra bản án oan.

Thế mà, nhờ “bản tuyên ngôn” và tiếp đó nhờ dư luận và báo chí dấy lên, bản án oan đã phải sửa sau nhiều năm chây ỳ.

Tương tự như vậy, học thuyết Mác cũng chỉ có thể công bố trong một xã hội đã tương đối dân chủ. Thời đó, cố nhiên nền báo chí công quyền không thể đăng những tác phẩm trong đó Mác cổ vũ quần chúng dùng bạo lực tước đoạt tư liệu sản xuất của giai cấp tư bản. Nhưng đã có báo chí và nhà xuất bản tư nhân (bản thân Mác cũng từng là tổng biên tập một tờ báo). Còn dưới thời phong kiến thì một bản án mà vua đã quyết, dù là oan thấu trời (như án Nguyễn Trãi) cũng không một ai dám phản đối. Người bị oan chỉ có một cách là “mong sao thánh thượng hồi tâm”.

Can đảm là một tính cách của trí thức: dám nói ra và dám bảo vệ chân lý. Khổng Tử nói nho sĩ phải là người đủ ba phẩm chất: có trách nhiệm cao, có lòng tự trọng và dũng cảm. Mác còn nói rõ hơn: Trí thức, ngoài khả năng sáng tạo, còn phải “dám phê phán thẳng thừng mọi thứ cần phê phán, không lùi bước trước mọi kết luận, mọi đụng chạm – dù là đụng chạm tới thứ quyền lực nào”.

Như trên đã nói, những cá nhân có trí tuệ cao, có phẩm cách đẹp đã xuất hiện rất sớm và được gọi bằng các tên khác nhau, tuy họ chưa tự ý thức và chưa có quyền liên kết lại. Phương Đông từ cả ngàn năm trước đã gọi họ là bậc thánh hiền (Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử…), bậc hiền tài, sĩ phu, kẻ sĩ… Ngoài tài năng, giới trí thức xưa còn được ca ngợi là “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (sách Mạnh Tử: phú quý không làm mê muội, nghèo khổ không làm lay chuyển, uy vũ không khuất phục nổi). Câu này nói lên dưới chế độ chuyên chế họ từng bị mua chuộc, bị cái nghèo hành hạ và bị trấn áp, chứ không chỉ có tôn vinh mà thôi.

Chính do được tôn vinh, trí thức cũng có “thật” và “giả” vì có những người muốn được tôn vinh bằng công sức tối thiểu. Một xã hội có quá nhiều trí thức “giả” – như chuyện mua quan bán chức cuối thời vua Lê chúa Trịnh – là xã hội thoái hoá và hỗn loạn, vì thứ “giả” này sẽ chiếm những địa vị cao, ảnh hưởng lớn, kể cả có quyền cho phép nhiều loại “giả” khác phát sinh, phát triển và lưu hành.

Về định nghĩa trí thức

Có nhiều định nghĩa trí thức, rất dễ tìm trên internet. Không chỉ nhiều, mà rất nhiều, cho thấy đến nay định nghĩa trí thức vẫn chưa thật định hình. Do vậy, khi bàn về trí thức thường người ta phải xác định khái niệm trước khi bàn tiếp. Nhiều nhà trí thức lớn cũng đưa định nghĩa của mình, trong đó có những định nghĩa mới chỉ nêu tính cách đặc trưng hơn là nêu bản chất. Ví dụ: “trí thức là người phát hiện những điều thuộc bản chất sự vật mà người khác không nhìn ra được”; hoặc "Người trí thức là người luôn có khát vọng tự do”. Nhiều bạn đọc của VietnamNet khi thảo luận đề tài này cũng tự ý đưa ra những định nghĩa theo quan niệm của mình, khiến vấn đề càng phong phú, nhưng sẽ càng khó thảo luận khi khái niệm chưa thống nhất.

Dẫu vậy, vẫn có thể phân chia các định nghĩa hiện hành thành 2 nhóm: nhóm chặt chẽ (rất hữu dụng khi bàn vấn đề ở bình diện triết lý, gồm cả thiên chức, nhiệm vụ trí thức đối với nhân quần, xã hội) và nhóm thông dụng (để dùng rộng rãi trong đời sống, dễ hiểu với trình độ chung).

Một cách chặt chẽ, trí thức phải là người:

1) Sáng tạo những giá trị tinh thần. Mức độ sáng tạo cho phép tách ra những trí thức lớn, tầm cỡ nhân loại; và

2) Chỉ tôn thờ những giá trị tinh thần vĩnh hằng: Chân (chân lý, sự thật), Thiện (cái tốt), Mỹ (cái đẹp).

Từ cái gốc này, do đặc trưng lao động, trí thức có những phẩm chất, tính cách nhất định – không bẩm sinh và cũng không phải là độc quyền của trí thức. Ví dụ, để sáng tạo, trí thức phải có một cái vốn tri thức cao hơn mặt bằng chung (đã đành) nhưng quan trọng là phải bổ sung suốt đời (để sáng tạo tiếp). Điều này rất tương đối, vì mặt bằng dân trí mỗi thời một khác: thầy giáo tiểu học là lao động trí óc (đúng với mọi thời) nhưng trước đây 60 năm có thể là trí thức – nếu có sáng tạo (ví dụ như Nam Cao, Tô Hoài…)

Do tôn thờ chân lý, trí thức chỉ tin những gì đã được chứng minh đầy đủ và do đó bảo vệ sự thật đến cùng. Khám phá chân lý là niềm say mê cao nhất (bị cấm đoán nghiên cứu hoặc cấm nói sự thật là điều đau khổ vô tận – từ đó, suy ra trí thức căm ghét cái gì). Khám phá ra chân lý là hạnh phúc cao nhất, do vậy họ có yêu cầu bức xúc công bố và đòi hỏi được công bố (Galilê bị cấm công bố “quả đất tròn”). Tuy quyết bảo vệ kết quả nghiên cứu bằng tranh luận, nhưng trí thức cũng sẵn sàng nhận sai lầm, từ bỏ niềm tin, nếu có chứng minh đầy đủ – từ đó họ đòi hỏi tự do tư tưởng, tự do ngôn luận… Tôn thờ cái tốt (thiện), trí thức rất nhậy cảm khi cái xấu lộng hành (ví dụ bất công, áp bức, hạn chế quyền tự do, dân chủ giả hiệu…)

Chúng ta có thể suy ra những tính cách khác nữa của trí thức nhưng không nên dùng những tính cách này để định nghĩa, vì đó chỉ là đặc trưng mà chưa phải bản chất của trí thức (và cũng không phải của riêng trí thức). Một cô giáo ở Đà Nẵng chấp nhận tiến thân bằng thi cử công bằng: Đó là thái độ của trí thức, dù cô chưa phải trí thức. Theo cụ Trường Chinh thì:“Phải nói rõ, nói hết sự thật; gọi sự vật bằng đúng tên của nó”; cụ Nguyễn Đức Bình đòi hỏi “Đặt mọi ý kiến khác biệt lên bàn tranh luận”… đều là thái độ thẳng thắn và cầu thị của trí thức, dù đây là những nhà chính trị.

Theo cách thông dụng, trí thức được định nghĩa như những người lao động trí óc nói chung, ví dụ: trong khẩu hiệu “Liên minh Công – Nông – Trí”; hoặc trong một bản thành tích có câu: chế độ ưu việt của ta đã đào tạo được hàng triệu trí thức XHCN… Cách định nghĩa này làm số trí thức trong xã hội tăng lên rất nhiều, có mặt ở mọi lĩnh vực, ngành nghề.

Còn theo cách chặt chẽ, thì một văn hào và người thư ký của ông đều là lao động trí óc, nhưng trong đó chỉ một người là trí thức. Cũng theo cách chặt chẽ, một tiến sĩ nếu không nghiên cứu sáng tạo gì, thì vẫn thiếu vế đầu để được coi là trí thức đúng nghĩa. Bằng cấp cao, nhưng không sống chết tôn thờ Chân, Thiện, Mỹ biểu hiện bằng biết mà không dám nói sự thật, không căm ghét độc tài, thái độ ba phải trước bất công, phản dân chủ… thì thiếu nốt cả vế thứ hai của tiêu chuẩn trí thức.

Nguyễn Du không những sáng tác Truyện Kiều mà trong truyện ông tỏ thái độ rất rõ đối với bất công, áp bức, thân phận con người. Vua Tự Đức đọc đến câu “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” (ca ngợi Từ Hải) đã đòi phạt “đánh đòn” Nguyễn Du (khi ông đã mất). Dưới chế độ phong kiến ngạt thở như vậy, Nguyễn Du vẫn khôn khéo nói được điều cần nói, biểu lộ được thái độ cần có, đúng là trí thức lớn của dân tộc ta.

(Trích dẫn từ: http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Suy_nghi_ve_khai_niem_tri_thuc/)

Thursday, January 7, 2010

Một số hình ảnh luyện tập Vĩnh Xuân Quyền

CLB. VXQ Việt Nam - CV. Lê Thị Riêng
(Tháng 1/ 2009)

Wednesday, December 23, 2009

Những suy nghĩ cuối năm 2009


Còn vài ngày nữa là hết năm 2009, một năm của những biến động, thay đổi...
Thời tiết lúc này khá lạnh, mọi người lại rộn ràng chuẩn bị cho những kế hoạch vui chơi trong những ngày nghỉ tết. Đường phố lại nhộn nhịp với những dòng người qua lại. Các cửa hàng, siêu thị đều được trang hoàng lộng lẫy cho một mùa giáng sinh và năm mới sắp tới.

Năm đến rồi năm đi, đông tàn rồi lại xuân...
Cứ thế mọi việc trên đời cũng trôi chảy bất tận như một dòng sông, không biết lúc nào dừng.

Thời điểm cuối năm, có 1 chút thời gian rảnh rỗi, cũng là lúc mọi người nên dành ít phút để nhìn lại chính bản thân mình, xem rằng một năm qua, mình đã làm được những gì, và những gì chưa làm được. Xem lại những suy nghĩ, lời nói, hành động của mình trong một năm đã qua, có gì còn chưa tốt, còn cần khắc phục để trở nên hoàn thiện hơn.
Có nhìn lại chính mình, đặt những mục tiêu cao hơn để phấn đấu, mình mới thấy là cuộc đời thật ý nghĩa, mới thấy mỗi ngày trôi qua, mỗi bước chân mình đi là mình đang tiến gần đến sự hoàn thiện. Và hành trình đó thì không bao giờ kết thúc cả.
Có thể những cái ở thời điểm này mình cho là hay rồi, là tốt rồi, nhưng một năm sau có khi mình lại thấy vẫn còn chưa hay, chưa tốt, và cứ như thế... mục tiêu cứ mở rộng dần cho đến vô hạn theo tầm hiểu biết của mình về thế giới xung quanh.
Vì vậy, càng sống nhiều, càng có nhiều kinh nghiệm, thì mình càng nhìn thấy cuộc đời rõ hơn, và hành xử đúng hơn. Mình sẽ biết sống với những giá trị lâu dài, bền vững, hơn là chạy theo những hào hoa, giả tạm của cuộc đời.
Những giá trị lâu dài đó chính là tình cảm giữa con người với nhau, là lòng yêu thương, độ lượng, vị tha, là trí tuệ phán đoán đúng sai, là sự bao dung, chấp nhận và ít cố chấp...
Những hào hoa, giả tạm cũng có rất nhiều, như là danh vọng, địa vị, tài sản, lời khen, tiếng chê, thắng, thua, thành, bại...
Biết sống với những giá trị lâu dài, thì mỗi năm qua, mình lại tích lũy thêm được nhiều hạnh phúc bởi mình sẳn sàng cho đi những tình cảm và tri thức mà không có gì để sợ mất, còn sống với những giá trị nhất thời, giả tạm, thì mỗi năm trôi qua, mình sẽ càng cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng bởi mình sẽ phải luôn tranh đua để đạt được, và bất an, lo lắng vì sợ mất.
Mong sao, mọi người luôn biết sống với những giá trị chân thật của cuộc đời, để sau một năm, dù thuận buồm xuôi gió, hay gian nan vất vả, khi nhìn lại, mình vẫn cảm thấy nhẹ nhàng, và mĩm cười hạnh phúc. Để từ đó, sẳn sàng chuẩn bị cho một hành trình mới, hướng tới những mục tiêu cao hơn và đẹp hơn ở phía trước. Dù hoàn cảnh sắp tới có thế nào, nhưng với tình thương và sự hiểu biết, thì lúc nào trên hành trình mình đi qua, cũng sẽ đầy ắp những hoa thơm và trái ngọt.

Chúc cho mọi người một mùa giáng sinh thật vui vẻ và một năm mới 2010 thật nhiều niềm vui, an lành và hạnh phúc !
Kyoto - 23/12/2009

Sunday, December 20, 2009

THỐNG NHẤT SƠN HÀ


THỐNG NHẤT SƠN HÀ

Nước nhà gặp buổi phân ly
Mười hai sứ loạn, kinh kỳ đau thương
Lòng dân ôi nỗi đoạn trường
Quê hương, dân tộc, máu xương chia lìa
Núi sông, quyền lực phân chia
Mỗi người một cõi, nước thì ra sao ?
Hỡi đâu là đấng anh hào,
Ra tay dẹp loạn, đồng bào chịu ơn
Trước là tài, trí phải hơn
Sau là xóa sạch nỗi hờn chiến tranh,
Trẻ thơ mà đã khôn lanh
Bông lau tập trận, đều dành chiến công
Đinh Tiên Hoàng Đế một lòng
Dẹp tan loạn lạc, non sông thu về
Sơn hà thống nhất, vui ghê !
Người dân bớt khổ, đồng quê lại vàng
Lập công, ca khúc khải hoàn
Quê hương xây đắp, lại càng hơn xưa…

Saturday, December 12, 2009

THIÊN NHIÊN


THIÊN NHIÊN

Lắng nghe tiếng hát dòng sông
Gió reo nhè nhẹ cõi lòng thênh thang
Mắt trông hoa nở đỏ vàng
Mây trôi, thác đổ, ngỡ ngàng cảnh tiên
Chú tâm, cảnh đẹp hiện tiền
Lãng tâm, rong ruỗi khắp miền - vẫn không
Hôm nay về lại dòng sông
Lặng im, thưởng cảnh, lòng trong - yên bình.

Saturday, November 14, 2009

TÂM SỰ NGƯỜI LÁI ĐÒ



TÂM SỰ NGƯỜI LÁI ĐÒ

Chèo đò đưa khách sang sông
Rồi tôi ở lại ngóng trông phương trời,
Đưa người lũ khách đến nơi
Vượt qua gian khổ - thảnh thơi trở về
Chèo đò - vất vả gian khê
Nhiều phen sóng gió - nhiều bề gian nan.
Dù cho số phận phủ phàng
Người lái đò vẫn chẳng màng lợi danh
Đưa người đến chốn an lành
Đó là hạnh phúc trời xanh hiểu lòng
Lời ca tiếng hát vang sông
Niềm vui sướng ấy vượt dòng thời gian.

8/1997

Thursday, November 5, 2009

TÂM SỰ NGƯỜI THẦY



TÂM SỰ NGƯỜI THẦY

Làm thầy nhiều niềm vui
Mà cũng lắm nỗi buồn
Vui những giờ đứng lớp
Buồn mỗi lớp trò qua

Tình thầy trò thật đẹp
Như trang giấy điểm hoa
Nếu cuộc đời mãi vậy
Hạnh phúc phải đâu xa ?

Quý trọng từng khoảnh khắc
Nâng niu tháng ngày qua
Tình thương và tri thức
Còn mãi chẳng phôi pha

Làm nghề thầy cao quý,
Đem tri thức cho đời
Dẫu gian lao cực khổ
Vẫn hạnh phúc người ơi !

Sống cho tròn nguyện ước
Vui với đạo an bần
Chẳng buồn bao thế sự
Sống mãi giữa mùa xuân…

Tháng 12/2003