Ðời người trong một câu
Ngày xưa, ở một vương quốc nọ, có một nhà
vua muốn thu thập những cái hay ở đời để dựng một nguyên tắc trị dân. Nhà vua ấy, ngay từ
lúc lên ngôi báu đã giao cho một viên đại thần cái trọng trách sưu tầm dưới các
bầu trời xa lạ những tinh hoa rải rác trong vũ trụ và những triết lý của cuộc đời.
Ba mươi năm đã trôi qua, vị vua thanh niên
anh tuấn ấy chờ đợi tóc đã điểm bạc. Lễ khánh thọ ngũ tuần đã cử hành long trọng
trong Hoàng cung. Lúc ấy, quan đại thần cũng vừa về với một đoàn lạc đà, bốn vó
trắng bụi đường xa, và trên lưng chất hơn nghìn pho sách quý mà ông đã có công
kết tập bấy lâu nay để dâng lên đức vua. Đức vua nói:
– “Trẫm đã nhiều tuổi rồi, tinh hoa của trời
đất nhiều đến thế. Trẫm làm sao xem hết. Khanh hãy mang về rút ngắn lại cho trẫm
đủ thời giờ xem.”
Ðoàn lạc đà lại chở những pho sách đi và
mười năm sau nữa, bộ sách rút ngắn lại còn năm trăm quyển được dâng lên ngự lãm.
Nhà vua vuốt chòm râu bạc phau ngần ngại phán:
– “Hãy còn nhiều quá. Tuổi trẫm đã lớn, đọc
sao cho kịp. Khanh chịu khó về gạn lọc một lần nữa những tư tưởng huyền diệu
trong ấy”.
Viên đại thần tận trung không hề nghĩ đến
số năm tháng đã tàn tạ trên đầu, lui về một nơi u tịch kết tinh kho tư tưởng
theo yêu cầu của nhà vua.
Sau năm năm triền miên, với bao nhiêu tinh
hoa và tư tưởng cổ kim đông tây, viên quan già nua mừng rỡ khi thấy kết quả:
năm trăm cuốn dồn lại chỉ còn một pho sách dầy. Một pho sách dầy chứa tất cả
triết lý của muôn cuộc đời!
Cuốn sách dầy ấy, một buổi sớm được mang
vào ngự lãm. Nhưng nhà vua đã nằm yên trên giường bệnh, chung quanh ngự y chầu
chực.
Vừa mở mắt nhìn vị đại thần tận tâm và cuốn
sách quý giá. Một nụ cười nhàn nhạt nở trên môi vua như ánh hoàng hôn. Vua thở
ra một giọng yếu nhỏ, viên đại thần quỳ xuống lắng tai đón lấy:
– “Trẫm yếu lắm, một trang sách còn chưa
thể xem được huống là cả cuốn… Song trước khi nhắm mắt, trẫm háo hức muốn biết
qua những tư tưởng gì, những triết lý gì, đã chi phối cả đời người, đã điều khiển
cả một vận mệnh… Khanh khá rút ngay quyển sách này thành một câu hay vài chữ
cho trẫm xem kịp và đủ sức hiểu…”.
Nét mặt viên đại thần trở nên trầm ngâm và
hai mắt già nheo lại. Tử thần đã chờn vờn đâu đó. Các ngự y cúi đầu trước số mệnh.
Nhà vua nằm yên khắc khoải chờ. Thời gian như ngừng hẳn lại. Không khí trở nên
nặng nề và nghiêm trọng. Vàng son nội điện tự nhiên cũng hóa rầu rĩ. Mọi người
chăm chú và kính cẩn nhìn viên đại thần đang lặng lẽ đem cuộc đời thu vào một
câu. Sau một hồi suy nghĩ, viên đại thần từ từ bước đến bên án. Cả bộ Văn phòng
tứ bảo hình như run khi bàn tay già đưa ra.
Bàn tay kính cẩn nâng cây bút, và nhẹ
nhàng vạch trên mảnh hoa tiên những nét buồn lung linh tóm tắt tinh hoa của một
đời người.
Mọi người đều ngó theo. Thần chết lúc ấy
đã chập chờn đầu long sàng. Ðã mấy lần nhắm mở, Vua mới cất được mấy tiếng cuối
cùng: “SANH LÃO BỆNH TỬ”.
Bài học: Những triết lý, tư tưởng trong nhân gian
tuy nhiều, nhưng cũng không ra ngoài bốn chữ “Sinh, lão, bệnh, tử”. Bởi mọi lý
thuyết, triết lý đều xuất phát từ cuộc sống con người, và nhằm mang lại an vui,
hạnh phúc cho con người. Đức Phật cũng vậy, ngài vì giác ngộ quy luật sinh,
lão, bệnh, tử, mà quyết chí xuất gia cầu đạo, nhằm giác ngộ, đạt đến hạnh phúc,
thoát ly sinh tử, và chỉ dạy đạo giải thoát cho mọi người, nhằm mang đến cảnh
giới hạnh phúc tối thượng cho nhân loại, đó là Niết bàn.
(Nguồn: Những mẩu chuyện Phật giáo cho thiếu nhi - tập 2 - Đức Kiên)