Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Thursday, August 29, 2024

Chuyện tiền thân Bồ tát Địa tạng

 


Chuyện tiền thân Bồ tát Địa tạng

Khoảng thời gian mà đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương giáo hóa chúng sanh có thể gọi là dài nhất so với các đức Phật khác. Đức Phật ấy thọ mạng bốn vạn ức A tăng kỳ kiếp. Trong thời tượng pháp của Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, có một người nữ dòng Bà la môn, trang nghiêm đoan chánh, siêng tu phước thiện, cứu người nghèo đói, được mọi người ngưỡng mộ kính phục. Cha cô đã mất, chỉ còn bà mẹ. Rất tiếc, người mẹ lại tin theo tà giáo, xem thường chánh giáo, làm cho cô gái cảm thấy vô cùng sầu khổ. Cô gái cũng thường khuyên mẹ làm thiện, cải tà quy chánh. Lần lần, bà mẹ cũng sanh khởi một chút lòng tin. Rủi thay, chưa kịp hưởng được ánh sáng lợi ích của chánh pháp, thì bà đột nhiên bị bệnh qua đời.

Cô gái Bà la môn biết rằng mẹ mình lúc còn sống không tin nhơn quả, tạo nhiều nghiệp sát sanh, ác khẩu, v.v… ắt sẽ bị đọa vào ba đường ác. Cô bèn bán tất cả tài sản, lấy tiền mua các loại danh hương, hoa quả, phẩm vật, v.v… đem đến các chùa bố thí cúng dường. Đến một chùa nọ, thấy trong chùa thờ tượng Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, vô cùng trang nghiêm, tướng hảo phi phàm, càng thêm kiền thành cung kính, bèn chí thành đảnh lễ, trong lòng nghĩ thầm: “Đức Phật là bậc thánh đại giác ngộ, có trí tuệ bất khả tư nghì. Nếu như đức Phật còn tại thế gian, con đến hỏi ngài về việc đầu thai của mẹ, ắt ngài sẽ biết rõ.” Nghĩ như thế xong, cô bèn bất giác rơi lệ.

Cô gái đứng trước tượng Phật chiêm ngưỡng rất lâu, bổng nhiên từ trên không trung có âm thanh vọng xuống: “Này hiếu nữ đang khóc kia! Con không nên bi ai quá lắm. Ta sẽ chỉ chỗ sanh của mẹ con.” Vừa xong, không còn nghe âm thanh nào khác. Cô gái cảm thấy rất phấn khởi, vui mừng chắp tay hỏi vọng lên: “Vị thánh nào có lòng thương tưởng đến con như vậy! Từ khi mẹ con mất đến nay, ngày đêm con thương nhớ vô vàn, nhưng không biết đi hỏi ai chỗ đầu thai của mẹ con!”

Lúc đó, trên không lại có âm thanh vang lên: “Hiếu nữ! Ta là Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương mà con đang đảnh lễ. Nhân vì thấy con thương tưởng đến mẹ tha thiết, quá hơn người thường, cho nên ta đến bảo cho con biết.”

Cô gái Bà la môn nghe âm thanh từ bi của đức Phật, cảm động đến đỗi ngã quỵ trên mặt đất, giống như núi đổ. Những người chung quanh bèn đỡ cô dậy, một lúc lâu sau mới tỉnh. Lúc đó, cô gái lại ngước mặt lên không trung thưa rằng: “Nguyện Phật từ bi thương xót! Xin hãy cho biết mẹ con sanh về chỗ nào. Hiện nay, mạng sống của con cũng chẳng còn bao lâu nữa. Xin Phật từ bi thương xót!”

– Hiếu nữ! Con hãy an tâm. Sau khi cúng dường xong, con hãy về nhà, ngồi ngay thẳng, niệm danh hiệu ta, liền có thể biết được mẹ con sanh về chốn nào.

Cô gái cúng dường xong, tuân theo lời đức Phật, bèn trở về nhà, dùng lòng hiếu thảo tha thiết nhớ mẹ, ngồi ngay ngắn, niệm danh hiệu của đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Trải qua một ngày đêm, bổng nhiên cảm thấy thân mình đến một bờ biển. Nước trong biển sôi sùng sục. Trên mặt biển có nhiều ác thú, chó sắt, rắn sắt, v.v…, đang chạy tới lui, rượt đuổi vô số nam nữ đang trồi hụp. Lại có những quỷ dạ xoa nhiều tay, nhiều mắt, nhiều đầu, răng nanh chỉa ra như gươm, hành hạ tội nhân làm cho họ cực kỳ thống khổ! Cảnh tượng hãi hùng, không ai dám nhìn lâu. Đang lúc cô gái chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp xảy ra, bổng có một quỷ vương tên là Vô Độc đến gần cung kính vái chào: “Thánh nữ! Cô vì cớ gì mà đến nơi này?”

Cô gái cảm thấy rất kỳ quái, bèn hỏi quỷ vương: “Xin hỏi đây là chốn nào?”

– Đây là tầng biển thứ nhất ở phía tây núi Đại Thiết Vi.

– Nghe nói trong núi Thiết Vi có địa ngục, điều này có đúng không?

– Dạ đúng như thế!

– Nếu vậy, tại sao hiện nay tôi lại đến đuợc chốn này?

– Có hai nguyên nhân đến được địa ngục. Nếu không nhờ uy đức thần lực của chư Phật Bồ tát, thì phải do ác nghiệp lực chiêu cảm. Ngoài ra, không cách nào đến được chốn này.

– Nước trong biển tại sao lại sôi sùng sục? Những kẻ kia vì cớ gì mà bị ác thú rượt đuổi như vậy?

– Đây là những chúng sanh tạo ác ở cõi Nam Diêm Phù Đề, vừa mới chết trong vòng bốn mươi chín ngày, không có bà con thân thuộc tu tập công đức để cứu vớt khổ nạn cho họ. Bọn họ lúc sống cũng không tích tập thiện nhân, căn cứ vào những ác nghiệp mà họ đã tạo, chiêu cảm quả báo địa ngục, tự nhiên trước tiên phải đến biển này. Tại phía đông biển này, cách đây khoảng mười vạn do tuần, lại có một biển nữa, những điều thống khổ phải chịu lại còn gấp bội. Qua phía đông nữa, lại có một biển, sự khổ ở đó lại tăng gấp bội. Đây gọi là nghiệp hải, do thân, khẩu, ý tạo nghiệp ác chiêu cảm.

– Như vậy, địa ngục còn ở nơi nào nữa?

– Địa ngục ở trong ba biển vừa nói. Mỗi biển đều có trăm ngàn đại địa ngục khác nhau. Trong mỗi đại địa ngục có mười tám đại địa ngục, hình phạt thống khổ nhất, lại có năm trăm trung địa ngục và trăm ngàn tiểu địa ngục. Trong mỗi ngục đều có vô lượng sự thống khổ.

– Mẹ tôi mới chết chưa được bao lâu, không rõ thần hồn hiện ở chốn nào?

– Thánh nữ! Mẹ cô tên họ là gì?

– Cha mẹ tôi dòng dõi Bà la môn. Cha tôi tên Thi La Thiện Hiện, mẹ tôi tên Duyệt Đế Lợi.

Vô Độc nghe đến tên Duyệt Đế Lợi, bèn vội chắp tay thưa: “Thánh nữ! Xin cô hãy an tâm trở về, không cần phải lo lắng nữa. Tội nhân Duyệt Đế Lợi đã được sanh lên trời ba ngày rồi. Nghe nói nhờ cô tu phước cúng dường chùa tháp thờ đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương. Ngày hôm đó không những bà ấy được thoát khổ, mà nhiều tội nhân trong địa ngục cũng được sanh lên trời ».

Vô Độc nói xong, bèn chắp tay cáo từ. Cô gái Bà la môn dường như tỉnh mộng. Nhớ lại câu chuyện trong giấc chiêm bao, bèn đến trước tháp thờ đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, thành kính phát nguyện: « Nguyện cho đến cùng tận đời vị lai, con sẽ thiết lập mọi phương tiện, cứu độ tất cả tội khổ chúng sanh đều được giải thoát ». Sau khi phát nguyện, cô ta bèn chuyên tâm tinh tiến tu tập phước đức. Người con gái ấy chính là một tiền thân của đức Bồ Tát Địa Tạng. Còn quỷ vương Vô Độc là tiền thân của Bồ Tát Tài Thủ.

Bài học: Bồ Tát Địa Tạng chính là biểu tượng của lòng đại bi, ngài có đại nguyện cứu khổ tội nhân trong địa ngục : « Địa ngục chưa trống không, ta quyết không thành Phật ! ». Nhiều tiền thân của ngài đều thể hiện lòng hiếu thảo rất lớn. Đó là tấm gương mà người con Phật cần noi theo. Theo truyền thuyết, ngài cũng thường bảo hộ trẻ nhỏ, và các bà mẹ khi sanh nở.

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 2 - Đức Kiên)

Thursday, August 15, 2024

Nhớ mẹ


Nhớ mẹ 

Vu Lan tháng bảy lại về rồi 
Mưa buồn lặng lẽ phận mồ côi 
Nương tựa về đâu khi vắng mẹ 
Mất mẹ rồi-mất cả bầu trời 

Đảnh lễ Phật đà-nguyện bình an 
Cửu Huyền thất tổ nơi suối vàng 
Nương ánh từ quang-đồng giải thoát 
Siêu sanh tịnh độ cõi lạc bang 

Nhớ lại tích xưa ngài Mục Liên
Lập đàn cứu mẹ-độ oan khiên 
Nêu gương Hiếu hạnh cho hậu thế 
Còn lễ Vu Lan “giải đảo huyền“

Tình mẹ và con nặng xiết bao 
Vì con - mẹ chẳng quản gian lao 
Cứu mẹ - con quyết tìm mọi cách 
Lòng mẹ thương con thật dạt dào 

Mẹ là giọt nước cành dương 
Cho con mật ngọt như đường mía lau
Tình thương của mẹ nhiệm màu 
Hóa thân Bồ tát, bè lau cứu người 
Nhớ mẹ, con ngước nhìn trời 
Đám mây có bóng mẹ ngồi an nhiên 
Làm mưa tưới mát mọi miền
Tay con - dòng máu trinh tuyền còn đây 
Mẹ cha trong máu thân này 
Bất sinh bất diệt tự ngày mẹ sinh
Vu Lan-lễ Phật, tụng kinh 
Nguyện cầu cha mẹ, chúng sinh - an lành!

Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát 

Đức Kiên (Vu Lan 2024)

Saturday, August 3, 2024

Chính trị hà khắc đáng sợ hơn cọp dữ



Hà chính mãnh ư hổ 🐅 

Đức Khổng Tử khi sang nước Tề, đi qua núi Thái Sơn thấy một người đàn bà khóc ở ngoài đồng, nghe thê thảm lắm. Ngài nói rằng: “Người đàn bà này xem như trong nhà có trùng tang”. Rồi sai thầy Tử Cống đến hỏi. Người đàn bà thưa rằng:

- Ở đây lắm hổ, bố chồng tôi đã chết vì hổ, chồng tôi đã chết vì hổ, bây giờ con tôi lại chết vì hổ nữa. Thảm lắm ông ạ!

Thầy Tử Cống bảo:

- Thế sao không bỏ chỗ này đi ở chỗ khác?

Người đàn bà nói:

- Tuy vậy nhưng ở đây chính sách quan trên không đến nỗi hà khắc tàn bạo như các nơi khác.

Thầy Tử Cống đem câu chuyện thưa lại với Đức Khổng Tử.

Đức Khổng Tử nói: “Các ngươi nhớ đây: Chính sách hà khắc khốc hại hơn là hổ!”.

Lễ Ký

Lời bàn: Người đàn bà ở một nơi lắm hổ, hổ ăn thịt mất bố chồng, mất chồng lại mất con, đáng lẽ phải bỏ nơi ấy mà đi nơi khác. Nhưng không là tại làm sao? Tại người đàn bà cho chính sách các nơi khác là hà khắc dữ hơn là hổ. Ôi! Hổ có hại chỉ một số ít người, chứ hà chính hại cả muôn dân, hổ có hại chỉ hại một phương, chứ hà chính hại cả toàn quốc. Hổ hại còn có cạm bẫy, trừ bỏ được, chứ hà chính hại, trừ bỏ rất khó lòng. Thật vậy, kẻ dùng hà chính hại dân đã dữ quá hổ, lại còn bao nhiêu thần tử bè cánh, phần làm cho hổ thêm cánh, phần mượn oai hổ đi ăn thịt người. Hà chính một khi trừ bỏ được thì dân cũng đã điêu tàn và nước cũng đã hao kiệt. Vậy ai là người có chút quyền chính trong tay mà chẳng nên lấy câu “Hà chính mãnh ư hổ” để làm câu cảnh giới thống thiết cho dân được nhờ ư!

Theo Cổ học tinh hoa

Tuesday, July 30, 2024

SÁM HỐI

 

SÁM HỐI

Chắp tay con niệm Phật đà
Thành tâm sám hối, tâm ma xưa giờ
Vô minh, tham giận, nghi ngờ
Gây bao lầm lỗi - đôi bờ tử sinh
Nào hay, biển khổ do mình
Đắm mê, sân hận – tội tình thế gian
Ý luôn trôi nổi lan man
Đắm chìm qua lại đôi đàng khổ vui
Bởi tâm mê đã quen rồi
Khổ cho là sướng, sướng thời chẳng an
Miệng thường nói dối, đôi đàng
Thị phi đàm luận, trăm ngàn đắng cay
Nguyện xin chừa bỏ từ nay
Nói lời ái ngữ, thẳng ngay thiện lành
Vì mê, nghiệp ác thường hành
Gieo bao tội khổ, oán sanh nghiệp dầy
Từ nay xin nguyện đổi thay
Dừng tâm vọng niệm, đổi ngay tâm mình
Quán tâm, chú ý, giữ gìn
Hễ tâm niệm khởi, lặng nhìn sẽ thôi
Chú tâm hơi thở, dáng ngồi
Vào ra, niệm Phật, tâm thôi đắm chìm
Nói làm, thận trọng tinh chuyên
Giới luật suy xét, hành thiền muôn nơi
Nguyện xin sửa lỗi, Phật ơi
A Di Đà Phật, con thời quy y!

Đức Kiên

(Tập thơ Chánh Niệm)

Friday, July 19, 2024

TRƯỜNG ĐỜI

TRƯỜNG ĐỜI

Buổi chiều đi học về, trời mát, tôi hay chạy xe lang thang qua các ngả đường để dạo chơi trước khi trở về nhà. Từ nhà đến trường cũng khá xa, tôi thường đi dọc theo các đường Hai bà Trưng, Hồng Thập Tự, Gia Long, Phan Đình Phùng… rồi mới rẻ vào Lý Thái Tổ để về nhà ở đường Bà Hạt…khi tôi rẽ ngang chợ Bàn Cờ, nằm ở đường Phan Đình Phùng, tôi thấy một cô gái giơ tay vẫy tôi dừng lại. Tôi cũng không nghĩ ngợi gì, dừng xe lại ngay để xem cô ấy cần giúp đở gì chăng? cô gái khoảng trên ba muơi tuổi, ăn mặc khá diêm dúa, son phấn đậm đà… nắm lấy tay tôi, vẻ mặt hốt hoảng :

– Em ơi, em có thể cho chị quá giang một đoạn đường không? chị đi chợ bị móc túi hết rồi, không còn tiền để về xe nữa…

– Nhà chị ở đường nào ?

– Phú Thọ Lò Da, cũng gần đây thôi…

Thấy còn sớm, vả lại cũng cùng đường về nhà tôi nên tôi vui vẻ nhận lời :

– Chị lên đi, em chỡ dùm cho một đoạn đường thôi nhé

– Ừ, cám ơn em lắm

Nói xong cô gái nhảy phóc lên ngồi sau lưng tôi, hai tay ôm chặt lấy tôi như sợ té. Tôi rồ máy xe chạy đi, tự nhiên tôi kín đáo dò xét thái độ của cô gái qua kính chiếu hậu. Một trực giác mơ hồ nhưng khiến tôi cảm thấy có điều gì đó bất ổn. Dường như cô gái nầy không thành thật, những gì cô nói với tôi có lẽ chỉ là lý do ngụy tạo mà thôi. Nhưng đã muộn rồi, cô ấy đang ngồi sau lưng tôi hai tay ôm chặt tôi như người thân, nét mặt lộ vẻ sành đời với son phấn lòe loẹt mà bây giờ tôi mới nhận ra, nhưng tôi cố trấn tỉnh, giữ vẻ tự nhiên như không biết mình đã lỡ giúp kẻ gian. Cô gái áp sát vào lưng tôi hỏi:

– Ngày nào em cũng đi học về đường nầy à?

– Dạ,… sao nhà chị ở Phú Thọ mà chị đi chợ Bàn Cờ chi cho xa?

– Ờ, tại chị thích đi chợ Bàn Cờ…

– Sắp đến nhà chị chưa, chị chỉ đường em đưa đến tận nhà cho…

– Ờ, bao giờ đến đầu ngõ chị sẽ nói …

Tôi vòng qua ngã bảy để rẻ vào đường lên Phú Thọ thì đột nhiên cô ấy đổi ý :

– Thôi em, cho chị quá giang qua cầu chữ Y nhé, bây giờ mà về nhà chắc chị khó sống với ba, ông đánh chị chết, bỡi vì chiếc xe chị làm mất là của ba chị mượn ông chú, bây giờ chị phải đến nhà chú trước năn nỉ thú tội, chứ nếu không chị không dám về nhà đâu…

Tôi ái ngại :

– Chắc không sao đâu chị, với lại bị ba đánh khi mình có lỗi cũng chẳng sao, ráng chịu chút xíu thôi mà…

– Ờ em nói cũng phải, nhưng chị muốn về nhà chú trước để chú dắt chị về dùm, chắc sẽ bị đòn ít hơn…

Nghe hợp lý, tôi đổi hướng đi về cầy chữ Y. Cô gái ôm chặt lấy tôi hơn nữa, lén nhìn qua kính chiếu hậu tôi thấy cô ấy cười rất tươi chẳng có vẽ gì lo lắng cả, rồi cô nói chuyện huyên thuyên về mọi thứ…tôi lắng nghe nhưng vẫn không biết cô thuộc thành phần nào trong xã hội, khi thì có vẻ như một người buôn bán nhỏ , khi thì giống như một người mẹ trẻ đã từng vấp ngã trên đường đời, khi thì mang tâm trạng chán chường của kẻ đang vất vả, bôn ba trên đường đời vì miếng cơm, manh áo….nhưng có một điều tôi biết rõ là việc quá giang của cô chắc có chủ ý, đột nhiên tôi cảm thấy lo lo, giọng tươi cười của cô không ngớt vang sau lưng tôi:

– Em có cho ai quá giang như thế nầy bao giờ chưa ?

– Chưa, chị ạ…đây là lần đầu em cho chị quá giang đấy. Hồi nào đến giờ có ai chận em lại để quá giang kiểu nầy đâu…

Chị ấy ởm ờ:

– Nếu như chị là người không đàng hoàng thì em làm sao?

– Không đàng hoàng là thế nào, hả chị?

– Gỉa dụ như chị là kẻ lừa đảo, xấu bụng chuyên đi gạt gẫm người khác để có lợi cho mình…

– Em nghĩ… chắc là không ai nở hại người tốt đâu. Người ta tốt với mình, giúp đỡ mình khi mình gặp hoạn nạn thì có lẽ nào mình đi hại người ta sao ?

– Ờ… em nói cũng phải…nhưng ở đời có những việc ngoài ý muốn của mình em ơi…

– Chị nói vậy là sao, em không hiểu…

– Thì em cứ hiểu đại khái là cái người xấu đó cũng đang làm việc theo ý của người khác mà họ bị lệ thuộc…rồi…vì áp lực của nhóm người ấy mà họ phải thực hiện một kế hoạch nào đấy của nhóm để làm kế sinh nhai, tuy có hơi bất lương, tàn nhẫn đôi chút, nhưng vì…cuộc sống mà em… Tôi nói một cách chân tình:

– Có thể có loại người đó, nhưng em rất tin ở tha lực của Trời Phật, nếu như mình thương người, giúp người bằng tất cả lòng yêu thương con người không vụ lợi thì…chắc là họ không nở hại mình đâu, vả lại em cũng tin ở luật nhân quả, nếu như trước đây em chưa từng hại ai thì chắc chắn là sẽ không ai nở làm hại em cả, cũng như quỉ thần hai vai sẽ không để em bị họ làm hại một cách dễ dàng đâu…

– Có thể em có lý… em cũng tự tin quá nhỉ ?

Tôi cười nhẹ:

–Ba má em dạy… phải biết giúp đở người khác khi họ cần mình giúp, giúp ngay mới đáng quí chứ nếu từ chối thì không có dịp khác để giúp đở ai đâu…

Cô ấy không cười cợt nữa:

– Ba má em chắc là người tốt lắm, lại khéo dạy con, chị không có được cái may mắn như em, từ nhỏ tới lớn chị phải sống nhờ vào gia đình của chú… chị mồ côi mà…

– Ua sao lúc nảy chị nói chị còn ba má…

Tôi chưa hết ngạc nhiên, thì cô ấy bảo tôi:

– Thôi em dừng lại bên nây cầu, cho chị xuống…

– Không sao đâu chị, để em chở chị tới tận nhà cho…

– Thôi, qua bên kia cầu chữ Y… chị không thể tự ý quyết định được đâu…em cho chị xuống ngay đi…nhanh lên…

Gịong nói của cô gái có vẻ hối hả nhưng cương quyết, tôi dừng lại bên đây cầu để cho cô xuống đi bộ một mình về nhà. Trước khi vội vả băng qua đường, cô ấy nói vừa đủ cho tôi nghe:

– Chị dặn em điều nầy: lần sau nếu như có ai đó xin em cho quá giang thì em hãy cho họ tiền để họ tự đi về, đừng cho quá giang như thế nầy rất nguy hiểm cho em, thôi… đi đi…kẻo bạn chị nhìn thấy thì không đi được đâu…cám ơn em…

Linh cảm điều chị nói không phải là chuyện đùa, tôi cho xe chạy thẳng mà đầu óc còn bàng hoàng không hiểu vì sao mình có thể thoát qua một đại nạn…

Về đến nhà, tôi kể lại cho mọi người nghe chuyện cô gái quá giang tôi trên đường về, ai cũng cãm thấy lạ và cùng bảo với tôi:

– Mầy còn may mắn lắm đấy, chứ nếu không giờ nầy cả nhà không biết mầy ở đâu để mà đi tìm nữa. Sao mầy dám tin tưởng người lạ như thế, lỡ họ gạt mầy đem bán mầy và cả cái xe mất tiêu thì sao ?…cái con nhỏ nầy…

Má tôi cũng lo lắng không kém:

– Chắc là con còn phước báu nên mới thoát ra được chứ con nhỏ đó chắc không phải thuộc loại người đàng hoàng đâu, có thể nó chỉ là “cò mồi” đi dụ dỗ con người ta về cho đồng bọn nó…

Tôi cười với má:

– Có lẽ vậy má à… nhưng con cũng tin tưởng ở Trời Phật nữa. Nếu như mình luôn luôn đối xử tốt với mọi người thì cũng có khi cảm hóa họ trở thành người tốt với mình…

– Ờ… nhưng con cũng đừng có dễ ngươi lắm mà có ngày ân hận. Con gái lớn rồi, đi đâu đừng có la cà…

– Dạ, con biết rồi…má dạy con luôn đối xữ tốt với mọi người mà…

Tuy nói thế nhưng tôi cũng cãm thấy mọi chuyện không đơn giản như tôi nghĩ, bỡi có những sự việc ta tưởng như đơn giản mà thật ra không đơn giản chút nào, giá như cô gái ấy không còn nhất đáng lương tâm thì giờ nầy không biết tôi đã ra sao nữa. Khi tôi kể chuyện ấy cho người yêu tôi nghe thì anh ấy chỉ cười và bảo:

– Có lẽ cô ta thấy em “ ngu” quá nên tha cho đó. Từ rày hãy nhớ lời khuyên của cô ấy, đừng có dại dột mà “tốt bụng” như thế nữa nhé…

Khi chúng tôi lập gia đình được một năm thì cũng là lúc đất nước thay đổi cục diện chính trị. Hai miền Nam Bắc không còn bị chia cắt nữa. Miền Nam được giải phóng hoàn toàn không còn lệ thuộc chế độ tư bản chủ nghĩa nữa mà cả ba miền đều được thống nhất dưới chế độ cộng sản, xã hội chủ nghĩa. Đối với tôi đó cũng là niềm vui vì mọi người được gặp lại người thân của mình sau hơn ba mươi năm trời không gặp nhau vì đất nước bị chia cắt. Các cậu tôi, bác tôi, anh chị em con dì, con chú, con bác… đi tập kết trở về sau những năm biền biệt không hề có một lá thư hay một tin tức gì gửi về cho người thân… bây giờ gặp lại nhau mừng mừng, tủi tủi…ai cũng khóc vì…vui. Có những gia đình còn nguyên vẹn gặp lại nhau , nhưng chỉ biết nhìn nhau nuối tiếc rưng rưng nước mắt vì ai cũng đã bạc phơ mái tóc, các con thì đứng nhìn cha lạ lẫm vì từ lúc sinh ra đến giờ có gặp mặt đâu, chỉ nghe mẹ hay bà kể về người cha vắng mặt… đau đớn nhất là những gia đình “xãy đàn tan nghé…ngày cha trở về cũng là ngày phụ tử tình thâm bị chia biệt…mẹ lấy chồng khác, con phải theo mẹ và người cha dượng lên đường rời khỏi quê hương, xứ sở sang xứ người định cư vì không quen với chế độ mới…đó là gia đình của cậu tôi, người cậu yêu quí mà cả gia đình tôi luôn nhắc nhở mỗi khi nghe tiếng bom rền vang ở nơi nào đó vọng lại, má tôi lại thắp hương cầu nguyện cho cậu được bình yên cho đến ngày trở về…bây giờ thì cậu cũng đã trở về và vết thương trong lòng cậu cũng tạm nguôi ngoai bỡi cậu cũng đã có một gia đình mới trông bề ngoài khá hạnh phúc. Má tôi và các dì cũng yên tâm, ai cũng lo bồi đắp cho gia đình cậu để đền bù những năm cậu vắng nhà…nói chung, những năm đầu giải phóng, có quá nhiều biến đổi : sự thay đổi chế độ kèm theo sự đổi mới toàn diện trên khắp đất nước về mọi mặt… mà sự thay đổi nào cũng được xây trên cái nền rạn nứt, đổ vỡ của cái cũ…cho nên, những thành viên trong đó đều cãm thấy hụt hẫng, nuối tiếc một cái gì đó đã mất. Sự nuối tiếc đó cũng giống như người ta đánh vỡ một món đồ cổ bằng sứ, tuy giá trị món cổ vật không đáng là bao nhưng cái giá trị tinh thần của nó thì không thể so sánh với bất cứ món hàng mới nào…

Cái gia đình nhỏ bé của chúng tôi chỉ mới được hình thành không bao lâu, tôi sắp sinh đứa con đầu lòng, tình hình cả nước lúc ấy thật là bất ổn…sự giao thời giữa hai chế độ củ, mới làm cho chúng tôi, những người mới ra riêng, mới ra trường thật sự không biết phải đặt chân đặt tay vào đâu vì tình hình lúc đó chưa ổn định, ai cũng âm thầm lo sợ chế độ mới không hợp với mình, sợ mình không có một chỗ đứng tương thích trong chế độ mới, sợ chế độ mới không dung chứa người của chế độ củ..vv.. và ..vv… nhưng thực tế là miếng cơm ,manh áo mà chúng tôi là người phải trực tiếp tự giải quyết cho chính mình trước khi nhà nước có chế độ cụ thể cho cả nước… tôi lúc ấy hãy còn ở chung với gia đình nhà chồng, ông xã tôi thì mỗi ngày tham gia ở ngoài ủy ban để mong nhà nước bố trí cho một công ăn việc làm phù hợp với khả năng. Ngoài việc tham gia các hoạt động văn hóa tích cực cùng với các công tác phong trào như : xóa mù chữ, xóa các tệ nạn, xóa đói giảm nghèo cho dân…( trong khi bản thân mình cũng nghèo không kém gì họ), tuy nhiên đó là công tác địa phương mà ai còn trẻ cũng phải tham gia để gọi là có đóng góp công sức của mình cho xã hội, cho đất nước…Nhà tôi cũng tham gia hầu hết các hoạt động ấy, anh đăng kí dạy lớp xóa mù chữ buổi tối, bỡi anh cũng từng là giáo viên tư nhân dạy giờ khi hãy còn là sinh viên, cho nên việc dạy học đối với anh không có trở ngại gì, đó cũng là công việc anh rất yêu thích. Anh còn đi quyên góp, phân phát gạo cho các hộ quá nghèo trong xóm, đi dán bích chương chống tệ nạn ma túy cùng với các anh em trong xóm vào những lúc rỗi rảnh… tôi lúc ấy chỉ biết ở nhà chờ đợi sinh con, vì bác sĩ bảo tôi sắp đến ngày sinh… tôi thường xuyên về nhà ba má mình ở đường Bà Hạt để má tôi hướng dẫn những chuẩn bị cần thiết khi sinh em bé. Ngày con tôi chào đời là lúc o giờ ngày 7 tháng 5 năm 1975, sau ngày giải phóng Sài Gòn đúng một tuần lễ. Tôi được nằm lại bệnh viện phụ sản Hùng Vương một tuần lễ vì là sinh con so. Các bác sĩ, đa số đều đi nước ngoài nên chỉ còn lại một số y tá và các cô nữ hộ sinh trông coi bệnh viện cũng giống như các bệnh viện khác, tuy nhiên vì là bệnh viện công nên người nhà được quyền vào tự do để chăm sóc cho các bà mẹ và trẻ sơ sinh…Nằm một chỗ nhưng tôi vẫn được nghe tin tức hàng ngày nhờ vào chiếc loa phóng thanh gần đó: cứ năm giờ sáng là người ta phát loa gọi tất cả mọi người dậy để tập thể dục và sau đó là điểm báo và liên tục nhả nhạc kháng chiến vang lừng như để reo mừng chiến thắng vừa đạt được…Lúc đầu, tôi cũng hơi dị ứng với cái không khí dị thường đó nhưng nghe riết rồi cũng quen, mọi chuyện trở nên bình thường như trước. Tôi đang tập cho quen dần với những thay đổi bên ngoài cũng như bên trong bỡi có những đổi thay mà chúng ta không ngờ đến nhưng…nó vẫn đến một cách tự nhiên mà không hẹn trước bao giờ, “pháp nhĩ như thị”… không thể nào khác được cho dù chúng ta muốn hoặc không muốn thì nó vẫn cứ diễn ra như thế, …rồi chúng tôi ra riêng để tập “tự lực cánh sinh” cho gia đình của mình, con tôi lúc ấy vừa tròn một tháng rưỡi, hãy còn bé bỏng lắm… nhưng biết làm sao được…! khi ba má tôi đều đã hồi hương nếu không muốn bị buộc đi kinh tế mới. Gía như mà ba má tôi còn ở Sài Gòn thì chắc là tôi cũng đở vất vả hơn…rồi đứa thứ hai, thứ ba…ra đời trong hoàn cảnh không mấy sáng sủa đó …không đói lắm, cũng không thể gọi là no đủ bỡi đồng lương giáo viên quá ít ỏi chỉ đủ mua gạo bằng tem phiếu mà thôi, còn lại thì…tự mình bươn chãi, làm sao cho các con không đói là được, còn riêng mình thì…sao cũng chịu…tôi thường hay bị “hiệu trưởng” của mình chửi là “ chị cứ “chân trong, chân ngoài” như thế thì làm sao lo cho chuyên môn của mình được”?Nói chung, hiệu trưởng nói cũng đúng nên tôi làm thinh rút kinh nhiệm không dám tự biện hộ một lời nào cho mình…vừa đi dạy, vừa tham gia bán căn tin để cải thiện cuộc sống nhưng rồi tình hình cũng chẳng thay đổi được gì hơn, chỉ là cuộc sống tạm bợ cho các con được ổn định qua ngày…Thế thôi ! Ông xã tôi cũng thế, ngoài giờ đi dạy ra, anh ấy cũng phải chạy vạy khắp nơi để có đủ miếng ăn cho gia đình và thỉnh thoảng có chút đồng quà cho ông bà nội của các cháu ở gần đó…nào làm nước tương, làm giá, làm đậu hủ, làm các loại bánh mứt vv…vv…cái gì anh ấy cũng làm rất tốt, từ khâu dự tính cho đến ra thành phẩm nhưng cái “ mác” giáo viên làm cho khâu tiêu thụ bị khựng lại, thành ra rốt cuộc rồi việc gì cũng không xong, cũng chỉ là tạm thời mà thôi…không kéo dài được bao lâu vì đồng vốn quá ít ỏi…trong khi đó thì cuộc sống cứ tiếp tục chạy theo nhịp độ tự nhiên của nó…ngày một chóng mặt…

Một buổi sáng, tôi quyết định cầm cái áo lạnh đẹp nhất của mình ra chợ Sài Gòn định bán đi để mua gạo.Nhà hết gạo đã mấy ngày nay nhưng đồng lương ít oi cũng chưa có…thật đáng xấu hổ…! nhưng rồi, tôi cũng cố dẹp lòng tự ái để không cho ông xã tôi biết điều đó, một mình đi giải quyết vấn đề cơm áo cho các con. Lúc ấy, ở bên cạnh chợ Sài Sòn xa hoa lộng lẩy kia còn có một khu vực “chợ trời” hình thành tự nhiên do nhu cầu của những người không làm khu vực ăn lương nhà nước. Họ sống và buôn bán với nhau đủ mọi mặt hàng, phần nhiều là hàng củ đã xài rồi nhưng có người cần dùng là có người tìm hàng bán ngay theo giá cả không dựa vào đâu hết, nhưng ai cũng chấp nhận mặc nhiên không hề thắc mắc…tôi cũng đi ra đó để giải quyết vấn đề của mình…tôi đi ngẫn ngơ như người mất hồn bỡi chưa bao giờ tôi phải đi chợ trong tâm trạng như thế. Tôi nhìn ngắm mọi người mua mua, bán bán mà không biết làm sao để mở lời…một người phụ nữ trung niên nắm tay tôi kéo lại, đon đả:

– Có gì bán không em ?

Tôi như được tiếp sức, nhìn chị ta vui vẻ, miệng ấp úng:

– Chị có mua áo lạnh không ?

– Mua chứ, đưa đây cho chị xem nào…

– Bao nhiêu?

– Hai chục ngàn…

– Mắc vậy? Năm ngàn thôi, chị đưa tiền ngay, chịu không?

– Mười ngàn, tôi lấy…

Một người phụ nữ khác, có vẻ lam lũ cầm lấy cái áo ngắm nghía rồi nói:

– Đấy là tôi mua để xài chứ bạn hàng không lấy giá nầy đâu…

Vừa nói, chị vừa móc túi lấy tiền dúi vào tay tôi. Tôi còn đang phân vân chưa muốn bán vì tiếc cái áo mới tinh chưa mặc lần nào, miệng kỳ kèo giá cả:

– Không được đâu chị, chắc giá hai chục ngàn tôi mới bán…

Một cô gái cũng trạc khoảng tuổi tôi, dáng điệu nhanh nhẩu, lanh lợi từ bên kia đường băng qua, tước lấy cái áo từ trong tay của người phụ nữ đang trả giá, rồi quay sang tôi tươi cười:

– Để tôi lấy cho…

Vừa nói cô ấy vừa cầm cái áo của tôi chạy sang bên kia đường, tôi chưa kịp mừng vì có người đồng ý mua cái áo theo giá mình muốn bán thì người phụ nữ đứng kế bên đã thích vào tay tôi:

– Chạy theo mà lấy tiền, coi chừng nó chạy mất đó…

Tôi đứng ngẫn ngơ nhìn theo cô gái rồi nhìn người phụ nữ:

– Các chị không phải cùng bạn hàng với nhau à? Thế còn cái áo của tôi…?

– Thì đi kiếm cô ta mà lấy tiền…

Vừa nói họ vừa nhìn nhau cười bí hiểm rồi mỗi người lãng đi một nơi. Tôi lúc ấy có điên mới không nhận ra mình vừa mới bị một cú lừa ngoạn mục. Tất cả bọn họ “một đồng một cốt”với nhau, chỉ có tôi là cô học trò mới vào lớp ở cái “trường đời”mênh mông nầy… tôi chỉ hơi tiếc cho họ vì rằng họ đã đánh đổi nhân cách của mình quá rẻ, chỉ đáng giá bằng một cái áo cũ … thì thật là đáng buồn cho kiếp người của họ ! Tôi lững thững đi bộ về nhà vì ngay cả hai ngàn đi xe bus cũng không có, vừa đi vừa gậm nhấm nỗi đau của riêng mình và của cả kiếp người không đầy một trăm năm… vậy mà phải tạo nghiệp quá nhiều…để rồi cứ luôn vướng víu mãi vào cái “nghiệp chướng nặng nề, si mê lầm lạc” ấy mà không biết đến bao giờ mới thoát ra được…?!

Một lần khác nữa, tôi đi lang thang ở chợ Nguyễn Tri Phương để tìm mua một xấp vải đen may quần tây, với đồng lương giáo viên thì làm gì có đủ để mà mua vải tốt nên tôi cố đi tìm một một loại vải nào đó hơi rẻ một chút miễn là để có thể tự tay mình cắt may một cái quần như ý muốn là được… tôi đi tìm mãi lòng vòng qua biết bao nhiêu hàng nhưng cũng chưa mua được vì mắc quá… tôi cứ đi hết hàng nầy đến hàng khác chỉ để xem mà thôi…rồi bỗng nhiên có một bà cụ đến làm quen với tôi, nhìn bà cười móm mém, tôi bỗng có thiện cãm. Bà cụ hỏi tôi:

– Cô tìm mua hàng gì thế? Đã mua được chưa ?

– Dạ chưa, cháu định mua một xấp vải để may quần tây nhưng chưa mua được

Bà cụ có vẻ do dự một chút rồi bảo tôi :

– Nầy, tôi có một xấp vải quần của các cháu cho nhưng tôi không dùng, hay tôi bán cho cô nhé…

– Dạ…bà cho cháu xem thử

Bà cụ lấy trong giỏ ra một xấp vải quần tây màu đen như ý tôi đang tìm, bà vừa đưa cho tôi vừa bảo :

– Của cháu tôi được phân phối ở cơ quan, nó cho tôi bảo tôi không dùng thì bán đi lấy tiền xài, cô cần thì tôi để rẻ cho…

Tôi mừng lắm nhưng còn e ngại sợ mình không đủ tiền mua. Thấy tôi ngần ngừ, bà cụ bảo:

– Cô đừng ngại, tôi để rẻ cho mà…

Bà cụ cho một cái giá mà tôi có thể lấy được xấp vải, tôi mừng lắm, bèn đưa tiền cho bà rồi cầm xấp vải cất vào giỏ, tôi dợm bước đi sau khi nói cám ơn bà, bà cụ bảo tôi đưa đây bà gói lại cho, tôi chưa kịp đưa thì bà đã nhanh tay nhón lấy xấp vải rồi đưa lại cho tôi gói vải đã đuợc bà gói gọn gàng, xinh xắn…rồi bà cụ rảo bước thật nhanh, không một lời từ biệt. Tôi cũng hơi lưu ý điều đó một chút, nhưng cũng chẳng buồn suy nghĩ xem tại sao thế ? rồi tôi vui quá lấy sắp vải ra mân mê định xem lại , nhưng tôi chợt khựng lại… niềm vui chưa kịp trọn vẹn tôi bỗng nhận ra có điều gì đó là lạ… xấp vải trên tay tôi sao mà nhẹ hẫng, lù xù như một mớ bòng bong, tôi nhíu mày quay tìm bà cụ bởi trực giác cho biết mình đã bị lừa nhưng…bóng dáng bà cụ đã mất hút, tôi run run mở gói hàng ra xem thì…ôi thôi…! Đúng là tôi đã bị lừa, xấp vải trên tay tôi không còn là xấp vải quần tây hồi nãy tôi được bà cụ năn nỉ bán rẻ cho, mà là một cái quần đen củ rách bươm, tả tơi như bị chuột cắn… tôi đứng chết lặng, lòng đau đớn như bị ai đó lấy kim châm vào tim mình vậy, tôi đau không phải vì bị mất mấy chục ngàn đồng mà vì bị…mất lòng tin ở con người, nhất là người đó lại là người ở vào cái tuổi đáng kính trọng nhất…tại sao bà cụ ấy lại nỡ phụ lòng tin của kẻ chỉ đáng tuổi con cháu của mình? giá như mà bà đi xin thì còn có người cho tiền nhiều hơn thế nữa mà, sao lại đi gạt gẫm mọi người để có được đồng tiền bất chính như thế?Tôi đứng tần ngần giờ lâu rồi lặng lẽ trở về nhà với cõi lòng nặng trĩu ưu phiền…có những bài học ở trường đời làm cho ta khôn ra nhưng đáng buồn là nó lại làm cho lòng từ bi của ta bị hao mòn, thật khó để giữ cho tâm mình không bị những cảnh đời như thế làm ảnh hưởng đến tâm từ của chính mình. Tôi nghĩ như thế, rồi kể từ hôm đó…tôi thường có những cái nhìn không mấy thiện cảm đối với những bà cụ mà tôi chưa có dịp tiếp xúc, tôi cũng biết là mình không nên “quơ đũa cả nắm” nhưng tôi rất tiếc cho người đã làm mất lòng tin của tôi… và đối với tôi như thế cũng là đã phạm tội rồi !

Buổi chiều cuối tuần, sau khi dạy xong hai tiết văn tôi đạp xe thong thả dọc theo con đường khá vắng vẻ bên hông chợ An Đông. Tôi muốn tìm chút thư giản sau những giờ phút căn thẳng vì cơm áo, gạo, tiền… nói chung, thì rất hiếm khi tôi có thì giờ để rong chơi đây đó cho đúng nghĩa, bỡi vì con mọn ba đứa, ngoài thì giờ đi làm ra, tôi còn phải lo mọi chuyện trong gia đình: từ việc chợ búa, nấu nướng, cơm nước, giặt giũ, cho các con ăn, tắm rửa… cho đến dạy cho chúng học, đứa lớn thì làm bài, đứa nhỏ cũng chuẩn bị học đánh vần và cho chúng đi ngủ, đó là công việc hàng ngày của tôi mà không ai có thể thay thế được, ngay cả khi nếu như ông xã tôi giàu có, có thể mượn người giúp việc cũng thế…và tôi cũng nghĩ đó là thiên chức mà không phải ai cũng có được, cho nên dù cực nhọc dến đâu tôi cũng cho đó là niềm vui, là niềm hạnh phúc của riêng mình…chiếc xe đạp cọc cạch lăn bánh chầm chậm cũng như đầu óc lan man của tôi lúc bấy giờ; tôi nghĩ ngợi lung tung hết chuyện nầy đến chuyện khác…giá như…giá như…biết bao là từ giá như…chạy trong đầu tôi cũng chỉ vì muốn tìm ra cho mình một con đường sáng sủa hơn để lo cho các con được sung sướng hơn, có tương lai hơn hiện tại…ông xã và tôi cùng là giáo viên thì tuy là đồng lương ổn định nhưng ở cái thời buổi chuyển tiếp nầy, đời sống khó khăn quá đi cho nên ngoài việc dạy học ra, chúng tôi vẫn phải chạy vạy khắp nơi để lo cho các con mà không phải làm phiền đến gia đình. Tôi vẫn thường bị hiệu trưởng phê bình là “chân trong, chân ngoài” và không bao giờ đạt được danh hiệu “tiên tiến” bởi ngày giờ công không cao…chỉ vì mỗi khi các con đau thì mẹ lại phải xin nghỉ để ở nhà để chăm sóc cho con, nên dù có cố gắng đến đâu tôi cũng chỉ đạt được danh hiệu “ giáo viên không bỏ nghề” mà thôi. Đột nhiên, từ phía sau lưng tôi một chiếc xe gắn máy vượt lên, ép sát… tôi hết hồn lách tận vào lề rồi dừng lại, chút xíu nữa là toi mạng..! Tôi định hồn nhìn theo hai người thanh niên chở nhau chạy bạt mạng bất kể mạng sống của người khác kia, và tôi cũng vừa thoáng thấy một vật gì đó văng ra từ hai người rơi xuống lề đường, còn chưa hoàn hồn vì diễn tiến quá nhanh của tình huống đầy kịch tính ấy, tôi nghe tiếng một người phụ nữ từ phía sau trờ tới :

– Chị ơi, chị xem chừng để em xuống lượm xem chúng làm rơi cái gì kìa…

Vừa nói cô gái vừa trờ tới để xe đạp bên lề đường rồi chạy đến lượm gói giấy lên, mở ra xem, cô ấy cũng đưa cho tôi xem. Không thể tin vào mắt mình nữa : trong gói giấy là những chỉ vàng chói lọi, mới nguyên như vừa mới mua ở tiệm vàng nào đấy. Không hiểu sao tôi đột nhiên run rẫy như bị điện giật. Có lẽ là xúc cảm tự nhiên khi thấy của cải từ trên trời rơi xuống chăng? Không biết nữa nhưng tôi run thật sự và nhìn cô gái ngẫn ngơ khi nghe cô ấy nói:

– Chị ơi, như vậy là trời cho bọn mình rồi, nếu họ có trở lại chị đừng nói cho họ biết là em đã lượm được nhé, tụi mình sẽ chia đôi…

Cô gái chưa nói hết lời thì từ xa hai thanh niên chạy xe gắn máy lúc nảy đã quay trở lại, rồi họ đảo xe mấy vòng như tìm kiếm một vật gì vừa đánh rơi, tôi nhìn cô gái định bảo cô ấy trả lại nhưng cô ấy đã nắm tay tôi dằn lại không cho. Hai người thanh niên nhìn chúng tôi dò xét:

– Lúc nãy tôi có đánh rơi mấy chỉ vàng, hai cô có lượm được cho xin lại…

Cô gái nhanh nhẩu:

– Không có đâu anh ơi, bọn em vừa đi tới, lúc nãy em thấy ông xích lô lượm được gói gì đó, ông ấy rẽ ngõ đằng kia kìa….

Nhìn theo tay cô gái chỉ, hai gã thanh niên có vẻ bán tín bán nghi nhưng không làm sao được bèn nói với cô gái trước khi bỏ đi:

– Nầy, vàng ấy chúng tôi mới mua ở tiệm ra, đã có đánh dấu rồi, nếu như hai cô có lượm được thì cho xin lại chứ nếu đem bán ở bất cứ tiệm nào cũng sẽ bị phát hiện ra đó…

Cô gái vẫn một mực không nói gì, còn tôi cứ đứng như trời trồng, đầu óc quay cuồng…hai gã đàn ông rồ máy xe vọt đi cũng nhanh như khi đến. Cô gái nắm tay tôi kéo sang bên kia đường vừa nói:

–Đi chị… chúng ta chia nhau, hắn không biết đâu…

Tôi vẫn còn run không nói được câu gì, nhưng đột nhiên trong đầu óc u mê của tôi lúc đó nảy ra một ý nghĩ: tại sao cô ta nhặt được vàng mà không hưởng một mình lại cứ nằng nặc đòi chia cho tôi? Rồi tôi nhớ lại có lần tôi đã đọc được một mẫu tin cảnh giác trên báo công an, bọn xấu đã lợi dụng lòng tin và sự nhẹ dạ của mọi ngừơi để thực hiện trót lọt mọi hành vi lừa đảo tinh vi của chúng… tôi chợt run lên với phát hiện nầy, nếu như chúng là đồng bọn với nhau, có nghĩa là tôi đang gặp nguy hiểm, chúng định làm gì đây…? Tôi nhìn cô gái, cô ta vẫn thản nhiên nắm lấy tay tôi như chỗ thân tình:

– Đi chị…hình như hồi nảy chúng có bảo là vàng nầy đã có làm dấu rồi, chúng mình không thể đem bán sợ bị phát hiện, hay là chị đưa em một số tiền tương đương, còn chị cầm hết số vàng nầy…

– Nhưng tôi đâu có dủ tiền để lấy số vàng nầy…

– Vậy…chị có bao nhiêu cũng được, em chịu lỗ cho…

Tôi ngần ngừ:

– Tôi chỉ có chiếc nhẫn cưới đang đeo trên tay đây…còn tiền thì chẳng đáng là bao…

Cô gái nhanh nhẩu:

– Cũng được…chị cứ đưa cho em và cho em địa chỉ, còn thiếu bao nhiêu mai mốt em đến nhà lấy…nhanh nhanh rồi mình đi chị… kẻo chúng trở lại…

Tôi đã có nghi ngại trong lòng nên càng thấy thái độ của cô ta đáng nghi hơn nhất là sự sốt sắng và tử tế quá đỗi của cô ấy, tôi chợt run lên khi nghĩ đến hai gã kia có thể vòng lại bất cứ lúc nào, nếu như chúng thấy đồng bọn của chúng không dụ dỗ được tôi thì không biết chuyện gì sẽ xãy ra…kinh nghiệm đọc báo công an khiến cho tôi càng cảnh giác hơn. Tôi quyết định tức khắc không do dự:

– Vàng nầy của chị lượm được…thôi thì chị cứ giữ lấy, tôi không muốn chia của chị đâu…chị yên tâm, nếu như bọn chúng có trở lại…tôi cũng không nói là chị đã lượm của chúng đâu…

Rồi, không cần nghe câu trả lời của cô gái, tôi lên xe đạp chạy thẳng một nước ra đường lớn, nơi có đông người hơn mà tim hãy còn đập thình thịch như sợ bọn chúng phát hiện ra mình đã nhìn thấy “chân tướng” của chúng…

Hai hôm sau tôi đọc thấy một mẫu tin trên báo công an. Câu chuyện diễn tiến y hệt như chuyện tôi đã gặp, nhân vật nữ là một cô giáo, sau khi trao đổi vàng với tiền xong, về nhà cô mới biết số vàng đó đều là vàng giả mà bọn lừa đảo đã cùng nhau lên kế hoạch đi gạt gẫm mọi người, đã rất nhiều người bị chúng gạt lấy hết tiền, vàng cũng vì lòng tính toán, so đo và tham lam…tôi cũng suýt bị cuốn vào cơn lốc đó nếu như tôi không kịp suy nghĩ, nếu như tôi bị lòng tham cuốn hút vào… Khi tôi kể lại cho các con và ông xã tôi nghe, các con tôi nhao nhao lên:

– Mẹ hay quá, nhờ mẹ đọc báo công an thường xuyên nên mẹ mới có tinh thần cảnh giác đó, chứ nếu không… mẹ cũng bị rồi, ai mà chẳng thích vàng, nhất là của trời cho, đúng không mẹ…?

Chúng nhìn tôi cười ý nhị, riêng ông xã tôi lừng khừng bảo:

– Tại mẹ mầy không có gì để trao đổi với chúng, chứ nếu…

Anh im lặng nhìn ngón tay tôi có đeo chiếc nhẫn cưới, còn tôi thì cười xòa hiểu ý anh muốn nói gì, bởi chiếc nhẫn của tôi đeo cũng chỉ là chiếc nhẫn giả mà thôi…!

Trường đời thì quá rộng lớn… gần như vô hạn, vô biên… mỗi con người là một học viên ở trong đó. Những bài học đều khác nhau, bởi giáo viên cũng là học viên, họ tuần tự, luân phiên nhau lên lớp, thay đổi vai trò… khi là thầy cô, khi là học sinh ở trong cái trường đời mênh mang của cõi người nầy. Bài học nào cũng đáng giá bởi nó đã được soạn bằng tất cả tim, óc, máu xương… của cả một kiếp người- tôi nghĩ thế- Chỉ để duy trì cái sinh mạng phù du, hư ảo nầy mà con người đã làm không biết bao nhiêu việc… tốt, xấu, thiện, ác…v..v… và tùy theo tâm niệm của mỗi người khi thực hiện hành vi ấy mà kết quả thưởng hay phạt sẽ luôn đi kèm theo sát họ không khi nào rời…tôi đọc thấy ý tưởng ấy qua bài thuyết giảng của vị chân sư khả kính trong một tờ tạp chí Phật Gíao…

Cho đến bây giờ, nếu như tôi có dịp gặp lại những người ấy, tôi vẫn sẽ giúp đở họ tận tình nếu họ cần tôi, cũng như tôi đã từng giúp những người khác, tôi cũng không hề giận, ghét những người đã gạt gẫm tôi mà chỉ thấy thương cho sự bất hạnh của họ vì đã không có được hoàn cảnh tốt đẹp hơn để sống cho chân chính, và nếu như có làm được việc gì thiện lành tôi đều xin hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh trong pháp giới nầy đều được hưởng phước báu nhau…

VÂN HÀ (TTHA)

Tuesday, July 16, 2024

ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT

 


ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT

 

Tay cầm tích trượng minh châu

Đi vào cảnh khổ, ngục sâu cứu người

Nguyện xưa cứu độ phát lời

“Địa ngục chưa trống, ta thời còn vô” [1]

Cứu cho hết thảy tội đồ

Mới mong thành Phật, hư vô Niết bàn

Tạ ơn lời nguyện ngàn vàng

Chúng sanh tội khổ vô vàn vô biên

Địa ngục thống khổ triền miên

Bởi tâm điên đảo, chướng duyên trùng trùng

Tham sân si não vô cùng

Nhớ niệm Địa tạng, sáng bừng tâm ngay

Địa ngục vượt thoát ngay đây

Minh châu tỏa sáng, đọa đày tiêu tan

Dẹp bao xiềng xích buộc ràng

Đưa người thoát khổ, đường vàng bước đi

Học ngài, quyết dẹp tham si

Dũng lực vượt thoát những khi mê lầm

Minh châu nhớ mãi trong tâm

Địa tạng bồ tát – âm thầm cứu nguy…



[1] Đây là lời nguyện của Địa tạng vương Bồ tát

Tuesday, July 2, 2024

Hoàng Hạc Lâu

 


Hoàng Hạc Lâu
(Thôi Hạo)

Tích nhân dĩ thừa Hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán dương thụ
Phương thảo thê thê Anh võ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

Người xưa cỡi hạc bay rồi,
Còn đây lầu vắng bên trời tịch liêu,
Hạc vàng đi đứt một chiều,
Ngàn năm mây trắng tiêu điều vẫn bay,
Hán dương nắng ửng hàng cây,
Chòm phương thảo lạnh xanh dầy Võ châu,
Chiều hôm quê cũ là đâu ?
Đầy sông khói sóng gợi sầu thế nhân.

PTL.

Wednesday, May 29, 2024

Phú Lâu Na

Hình ảnh vị sư Minh Tuệ đi khất thực với hạnh dầu đà khắp nước Việt Nam đã thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian gần đây. Khi nghe một đoạn ngài trả lời phỏng vấn về liệu có những trở ngại gì trên bước đường hành đạo, ngài cho biết sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn như: không có ai cúng dường, bị cản trở, phỉ báng, đánh đập, thậm chí cả việc có thể mất mạng ở đâu đó trên hành trình. Thật cảm phục và chợt nhớ đến câu chuyện về ngài Phú Lâu Na khi quyết tâm lên đường hành đạo ở một xứ sở hung bạo. Xin mời mọi người cùng đọc lại để thêm hiểu và tin tưởng vào con đường mà thầy đã chọn.

Phú Lâu Na

Mùa Ðông đã tàn, khí trời dần dần ấm áp. Dưới ánh sáng bình minh, muôn cánh hoa đang vươn mình phô sắc. Trên cành, chim chóc đã rời tổ cất tiếng hát trong trẻo, như để chào mừng ánh sáng đã trở về, hay để tiễn chân nhà Ðạo sĩ sắp lên đường quên mình vì Ðạo.

Trong thành Ba La Nại ngôi Tịnh xá Trúc Lâm kiến trúc trên một canh đồi rộng rãi, cây cối um tùm tĩnh mịch dần dần hiện rõ trong đám sương mù.

Lúc bây giờ Ðức Thế Tôn đang an tọa trong Tịnh xá Trúc Lâm, dùng đạo nhãn thấy dân chúng ở nước Rô Na Ba Răn Ta đang chịu nhiều điều thống khổ dưới quyền thống trị của nhà cầm quyền Kê Hoa Ðà người Bà La Môn giáo. Người ấy đã dùng bạo thế lực sẵn có trong tay, ép buộc dân chúng phải tôn thờ Phạm Thiên và ngược đãi bắt bớ những người chống đối lại.

Trước hành động bạo ác và bất công ấy, Ðức Thế Tôn thương hại cho Kê Hoa Ðà là một nhà trí thức mà hiện tại không có người hướng dẫn sáng suốt tương lai không tránh khỏi ác báo trong ba đường.

Bấy giờ Ðức Thế Tôn thấy trong hàng đệ tử, chỉ có Tôn giả Phú Lâu Na là người có thiện duyên với dân chúng xứ ấy nên sai đến đó để giáo hóa.

Ðức Thế Tôn biết rằng: Trên con đường truyền bá Chánh Pháp dắt người trở về con đường tươi sáng của ánh đạo Từ bi, tôn giả Phú lâu Na sẽ gặp nhiều trở ngại thử thách của đối thủ.

Biết vậy, nên Ðức Thế Tôn gọi Tôn giả Phú lâu Na đến dạy rằng: “Dân xứ ấy và Kê Hoa Ðà độc ác lắm, ta sợ ngươi không đủ can đảm để chịu đựng”

- Tôn giả Phú lâu Na đáp: “Bạch Thế Tôn, con nguyện đem hết năng lực để làm tròn sứ mạng”.

- Nếu đến đó bị chửi mắng, thì ngươi nghĩ sao?

- Con nghĩ, những lời chửi mắng kia cũng như những tặng phẩm nếu họ đem đến tặng cho con, con không nhận, họ sẽ mang về. Và con nghĩ rằng, những người ấy còn hiền từ lắm, vì họ chỉ chửi mắng mà không nhận nước con.

- Nếu họ đem nhận nước ngươi?

- Con nghĩ rằng, họ là những người tối dạ, và chỉ nhận nước mà không lấy đá ném vào đầu con.

- Nếu họ dùng đá ném vào đầu ngươi?

- Con nghĩ rằng, họ rất tốt vì chỉ lấy đá ném vào đầu mà không dùng gậy đập con.

- Nếu họ dùng gậy đập ngươi?

- Con nghĩ rằng, họ rất hiền từ vì chỉ dùng gậy đập mà không giam cầm, ngăn cản bước đường truyền đạo của con.

- Nếu họ giam cầm ngươi?

- Con nghĩ rằng, những người ấy rất tử tế, vì họ giúp con có thời gian tịnh dưỡng để nung luyện thêm ý chí, mà không dùng gươm đâm chém con.

- Nếu họ lấy gươm đâm chém ngươi?

- Con nghĩ rằng, họ rất tốt bụng, vì chỉ đâm chém mà không giết chết con.

- Nếu họ giết chết ngươi?

- Bạch Thế Tôn, con rất vui mừng, vì những người kia đã dùng tâm từ bi giúp cho con sớm thoát khỏi tấm thân giả tạm đau khổ này, để chóng thành quả vị Vô Thượng Giác.

Ðức Thế Tôn dạy: “Hay thay! Hay thay! Phú Lâu Na ngươi đã có một ý chí mạnh mẽ. Ngươi đã biết khinh thường thân mạng để phụng sự chân lý. Ngươi thật là một người đệ tử trung kiên của ta, đáng thay ta đến xứ ấy truyền bá Chánh pháp hướng mọi người trở về con đường sáng đầy an lạc và giải thoát”.

Tôn giả Phú Lâu Na đảnh lễ, vâng lời Phật dạy rồi từ giã lên đường sang xứ Rô Na Ba Răn Ta.

Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi- tập 2-Đức Kiên

Wednesday, May 15, 2024

Phật ra đời



Phật ra đời

Từ trời Đâu Suất hóa sinh,
Hộ Minh bồ tát hiện hình Như Lai
Tháng tư trăng nở hoa khai
Hoa sen đỡ bước hình hài đản sinh
Từ đây một cuộc hành trình
Vén màn tăm tối, tự mình chứng tu
Sáu năm khổ hạnh mịt mù
Tìm ra trung đạo tiến tu giữa đời
Tháng tư trăng sáng đạo ngời
Người thành chánh giác độ đời trầm luân
Lập tăng, độ chúng chuyên cần
Tình thương, trí tuệ, xa gần tỏa hương
Chúng sinh quy ngưỡng mười phương
Sáu đường ba cõi về nương bóng từ
Chắp tay kính lễ chân như
Hào quang tỏa khắp, lòng từ lan xa
Hai ngàn năm đã trôi qua
Chúng sanh còn hưởng mưa hoa đạo vàng
Tháng tư ngài nhập Niết bàn
Trở về tịch tịnh, lời vàng còn lưu
Giới là thầy, gắng công phu
Học theo lời dạy, ngục tù thoát ra
Tìm về nẻo sáng Phật đà
Gặp nhau ở hội Long Hoa… sau này
Nam mô, kính lễ bậc thầy
Thích Ca từ phụ… nhân ngày đản sinh
Cầu cho hết cả sinh linh
Làm lành, lánh ác, an bình trong tâm
Mỗi ngày Phật tánh nẩy mầm
Hoa khai thấy Phật, pháp âm mãi còn…

Đức Kiên – Mùa Phật đản, 2024