Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Monday, January 30, 2023

Chùm thơ Xuân Quý Mão

 


Mẹ là mùa Xuân

Mỗi năm sinh nhật mẹ
Là mùa Xuân lại về
Nhìn mẹ cười “thật trẻ”
Táo chầu trời nhanh ghê

Phố phường người nhộn nhịp
Chuẩn bị đón Xuân sang
Đem Tết về cho kịp
Mẹ cười – ấm không gian

Hạnh phúc thay còn mẹ
Là còn cả bầu trời
Tình yêu thương rất nhẹ
Hãy trở về vui chơi…

Chúc mẹ luôn mạnh khỏe
Xuân vui đón giao thừa
Cho chúng con điểm tựa
Bình an mỗi Xuân về…

PQT – 23/12 al

***

Khai bút Xuân Quý Mão

Gặp mặt đầu Xuân chúc Tết nhau
Mỉm cười nghe kể chuyện xưa sau
Mong cho thế giới an bình khắp
Nguyện cầu đất nước đổi thay mau
Quý Mão đến mang nhiều may mắn
Tân Xuân về quét sạch thương đau
Tỉnh tâm – nghe tiếng thời gian bước
Chậm lại – mùa Xuân qua rất mau…

PQT- Mùng một-Tết Quý Mão

***

Tết quê

Về quê ăn Tết thật yên bình
Hoa nở khắp vườn – ôi đẹp xinh
Trời xanh chim hót thanh bình quá
Nắng ấm ly trà thật nghĩa tình
Giữ mãi thiện chân – Xuân thường lạc
Gìn đạo chân thường – Tết bên mình
Chúc Xuân an lạc cùng no ấm
Nhà nhà vui đón Tết văn minh…

PQT – mùng 5 Quý Mão

Tuesday, January 17, 2023

Tứ Chánh Cần

Tứ Chánh Cần


Làm người ai chẳng có khi
Đam mê lầm lỡ chỉ vì ham vui
Tham sân si hận nào nguôi
Nghiệp kia ác báo ngậm ngùi kiếp xưa
Hiểu ra, hành giả ngăn ngừa
Chặt cành cây ác, trổ hoa thiện lành
Tâm hiền, phước báo trổ sanh
Ngày ngày nuôi dưỡng căn lành sớm hôm
Năm điều gìn giữ, luyện ôn
Sát sanh, trộm cắp, vọng ngôn, rượu chè
Tà dâm nhớ phải kiêng dè
Ấy là ngăn cấm, răn đe ác thần.

Vân Hà (TTHA)


(*) Tứ chánh cần: là 4 điều người Phật tử cần siêng năng thực hiện để tiến tu, bao gồm: Việc ác đã làm thì không làm nữa, Việc ác chưa làm thì kiên quyết không phạm, Việc lành chưa làm thì cố gắng làm, Việc lành đã làm thì càng làm nhiều hơn nữa.

Saturday, January 7, 2023

Sự tích quả dưa hấu

 

Sự tích quả dưa hấu

 

Ngày xưa có một người trẻ tuổi tên là Mai An Tiêm. Chàng là người ở một nước đâu tận vùng biển phía Nam, bị bán làm nô lệ. Một hôm, chàng bị bọn lái buôn chở đến bán cho Hùng Vương. Mai An Tiêm học nói tiếng Việt rất chóng. Chàng nhớ nhiều chuyện, biết nhiều điều thường thức, lại lắm tài nghề. Càng ngày vua càng yêu dấu, không lúc nào rời.

Năm ba mươi lăm tuổi, chàng làm quan hầu cận, có một ngôi nhà riêng ở gần cung vua. Vợ Mai An Tiêm là con gái nuôi của vua đã sinh được một trai lên năm tuổi. Mai An Tiêm có đủ mọi người hầu hạ, trong nhà của ngon vật lạ không thiếu thứ gì. Tuy oai quyền không lớn lắm nhưng chàng được mọi người sợ phục. Nhiều kẻ vẫn thường lui tới cầu cạnh. Nhưng thấy Mai An Tiêm có địa vị cao, cũng không hiếm gì những kẻ sinh lòng ghen ghét.

Một hôm, trong một bữa tiệc đãi các quan khách, giữa lúc mọi người không ngớt lời xưng tụng mình, Mai An Tiêm nhún nhường bảo họ:

- Có gì đâu ! Tất cả mọi thứ trong nhà này đều là phước báo kiếp trước của tôi cả !

Mai An Tiêm nói rất tự nhiên. Bởi vì tôn giáo xứ sở chàng bảo rằng cái sướng cái khổ hiện tại là kết quả của sự ăn ở tốt hay xấu của tiền kiếp. Nhưng trong số người dự tiệc có mấy viên quan hầu gần vua, vốn ghét chàng từ lâu. Chụp lấy câu nói mà họ cho là ngạo mạn đó, họ bèn vội vàng về tâu cho vua biết.

Vua Hùng nghe nói vô cùng giận dữ. Vua gầm lên:

- Chà! Thằng láo! Hôm nay nó nói thế, ngày mai nó còn tuôn ra những lời bất kính đến đâu. Quân nô lệ phản trắc! Giam cổ nó lại cho ta!

Buổi chiều hôm ấy, Mai An Tiêm bị bắt bỏ vào ngục tối. Bấy giờ chàng mới hiểu chàng lỡ lời. Mai An Tiêm tự bảo: "Nếu từ nay trở đi ta bị đày đọa là vì kiếp trước ta đã cư xử không phải".

Trong khi đó thì ở triều, các quan họp bàn để xử án Mai An Tiêm. Nhiều người đề nghị xử tử. Có người đề nghị cắt gót chân. Nhưng lời tâu của một ông quan già làm cho Hùng Vương chú ý:

- Hắn bị tội chết là đúng. Nhưng trước khi hắn chết ta nên bắt hắn phải nhận ra một cách thấm thía rằng những của cải của hắn đây là do ơn trời biển của bệ hạ chứ chả phải là vật tiền thân nào cả. Tôi nghe ngoài cửa Nga-sơn có một hòn đảo. Cho hắn ra đấy với một hai tháng lương để hắn ngồi ngẫm nghĩ về "phước báo kiếp trước" của hắn trước khi tắt thở.

Vua Hùng gật đầu chấp thuận. Nhưng sau khi ra lệnh, vua còn dặn: "Cho hắn lương vừa đủ dùng trong một mùa, nghe không".

Hôm đi đày, tuy ai nấy hết lời can ngăn nhưng vợ Mai An Tiêm vẫn nhất quyết theo chồng ra hải đảo. Nàng bồng cả con trai đi theo. Tất cả mọi người đều cho là việc rồ dại. Còn nàng thì tin ở lời chồng:  "Trời sinh voi trời sinh cỏ. Lo gì!".

Nhưng khi bước chân lên bãi cát hoang vu mịt mù, người thiếu phụ đó cũng không ngăn nổi cảm giác tủi thân, nức nở gục vào vai chồng:

- Chúng ta đành chết mất ở đây thôi.

Mai An Tiêm ôm con, bảo vợ:

- Trời luôn luôn có con mắt. Cứ phấn chấn lên. Đừng lo!

Hơn một tháng đầu, đời sống của vợ chồng đã tạm ổn. Nhà ở thì chui trong hốc đá đã được đan phên che sương gió. Nước uống thì đã có suối. Muối không có thì đã có nước biển. Nhưng còn việc kéo dài sự sống? Hai vợ chồng nhìn vào bồ gạo đã vơi:  "Nếu chúng ta có được một nắm hạt giống thì quyết không lo ngại gì cả".

Tự nhiên, một hôm có một đàn chim lớn bay từ phương Tây lại, đậu đen ngòm cả một bãi cát. Rồi chúng bay đến trước mặt hai vợ chồng kêu váng cả lên, thả xuống năm sáu hạt. Ít lâu sau từ những hạt ấy mọc ra một loại cây dây bò lan xanh um cả bãi. Dây bò đến đâu, những quả xanh non mơn mởn nhú ra đến đấy. Ít lâu sau nữa, vợ chồng ra xem thì quả nào quả ấy đã lớn lên như thổi, da xanh mượt, tròn to bằng đầu người. Mai An Tiêm trẩy một quả, bổ ra thấy ruột đỏ hồng, hạt đen nhánh. Vợ chồng con cái cùng nếm thấy vị thanh thanh dịu ngọt. Càng ăn càng mát đến ruột gan. Mai An Tiêm reo lên:

- Ồ! đây là thứ dưa lạ, chưa từng thấy bao giờ. Hãy gọi nó là dưa Tây, vì thứ dưa này được bầy chim đưa từ phương Tây lại, từ đất liền ra cho chúng ta. Trời nuôi sống chúng ta rồi!

Từ hôm đó hai vợ chồng cố trồng thêm cho thật nhiều dưa. Họ trù tính ăn dưa thay cơm để đỡ phải dùng số gạo đã gần kiệt.

Một hôm vợ chồng Mai bắt gặp một chiếc thuyền đánh cá đi lạc ra đảo. Sau khi giúp họ sửa buồm lái để trở về đất liền, Mai còn đưa biếu một số dưa để họ đưa về cho mọi người nếm thử. Mai bảo họ chở gạo ra đổi lấy dưa. Chỉ cách mấy ngày, con thuyền thứ nhất đã đến cắm neo ở bến, chở ra cho hai vợ chồng khá nhiều gạo. Hai bên y ước: một bên nhận lấy số gạo còn một bên xếp dưa xuống thuyền.

Từ đó trở đi, bữa ăn của họ đã khác trước. Ngồi bên nồi cơm trắng hơi lên nghi ngút, vợ Mai An Tiêm ôm lấy con, lẩm bẩm: "Trời nuôi sống chúng ta thực!". Cũng từ hôm đó, hai vợ chồng trồng thêm nhiều dưa nữa. Kết quả là thuyền buôn có, thuyền chài có, lũ lượt ra đỗ ở hải đảo đưa gạo, áo quần, gà lợn, dao búa, lại có cả các thứ hạt giống khác, để đổi lấy dưa.

Những người trong thuyền nói với Mai An Tiêm:

- Thật quả từ xưa chưa hề có loại dưa nào quý đến thế.  Ở vùng chúng tôi ai cũng ao ước được nếm một miếng thứ "dưa hấu" này dù phải đổi bao nhiêu gạo cũng không tiếc.

Ngày ấy người ta tranh nhau mua dưa lấy giống cho nên chỉ trong vài ba năm giống dưa lan tràn khắp nơi. Tên tuổi vợ chồng Mai An Tiêm được truyền đi xa rộng. Dân gọi tôn là "Bố cái dưa Tây".

Lại nói chuyện vua Hùng, một hôm la rầy viên quan hầu đã vì dốt nát để thợ dựng hỏng một ngôi nhà. Vua buột miệng than thở : "Phải chi có Mai An Tiêm thì đâu đến nỗi". Ngày hôm đó vua nhắc mãi đến chàng. Đã hai lần vua cho hỏi Lạc hầu xem hiện giờ Mai An Tiêm đang làm gì ở đâu. Lạc hầu đáp liều: "Chắc hắn không còn nữa!".

Nhưng vua không tin. Vua sai ngay một tên nô khác cấp cho lương ăn và thuyền để hắn vào châu Ái tìm Mai An Tiêm. Một tháng sau, hắn ta mang về cho vua một thuyền đầy dưa Tây và nói:

- Đây là lễ vật của ông bà Mai An Tiêm dâng bệ hạ.

Hắn kể cho vua biết rõ những ngày tân khổ và tình trạng hiện nay của hai vợ chồng Mai An Tiêm. Rồi hắn tâu tiếp:

- Bây giờ, ông bà Mai An Tiêm đã có nhà cửa ở ngoài ấy khá đẹp, có đến hơn mười người hầu hạ, có bãi dưa, có ruộng lúa và rất nhiều lợn gà...

Vua Hùng càng nghe càng sửng sốt. Vua chắt lưỡi bảo mấy viên quan hầu cận ngày nọ đã tố cáo Mai An Tiêm:

- Hắn bảo là vật tiền thân của hắn, thật đúng chứ không sai!

Vua bèn sai một đoàn lính hầu đi đón hai vợ chồng về, cho Mai trở lại chức cũ. Vua lại ban cho hai người con gái hầu để an ủi chàng.

Bây giờ chỗ hải đảo, người ta còn gọi là bãi An Tiêm. Những người kế tiếp công việc của hai vợ chồng Mai An Tiêm trên đảo vẫn còn dòng dõi đông đúc. Họ lập thành làng gọi là làng Mai-An. ở ngôi nhà cũ của Mai An Tiêm thì họ lập đền thờ hai vợ chồng chàng. Nhân dân gọi là "ông bà tổ dưa Tây (hay dưa hấu)".

Bài học : Theo đạo Phật, những gì ta được hưởng trong đời là do phước báo (thiện nghiệp) của ta đã tạo trong quá khứ, những khó khăn ta gặp phải cũng là do nghiệp báo của các hành động xấu trong quá khứ. Vì vậy, cần phải làm việc lành, tránh việc dữ để tạo ra những hoàn cảnh tốt, và được an vui, hạnh phúc trong tương lai.

Saturday, December 31, 2022

Ánh sáng giác ngộ


Ánh sáng giác ngộ


Bình minh vừa chớm đằng đông

Hào quang tỏa sáng vầng hồng thánh nhân

Nhạc trời réo rắt xa gần

Phật đà giác ngộ - sáng bừng nhân gian

Trần gian đón ánh đạo vàng

Từ bi ngài vén bức màn vô minh

Đẹp thay cõi Phật hiện hình

Khắp nơi tăm tối, chúng sinh reo mừng

Như hoa nở thắm mùa xuân

Nắng về tươi tốt, tưng bừng chồi non

Tuệ khai, mê muội chẳng còn

Tình thương thắp sáng, giận hờn tiêu tan

Từ ngài giác ngộ đạo vàng

Ta bà chuyển hóa - đạo tràng muôn nơi...


(Đức Kiên)

Friday, December 23, 2022

Chánh Niệm

 


CHÁNH NIỆM

 

Tỉnh thức lặng trong - luôn nhớ

Chiếu soi khắp cả trong ngoài

Chuyên chú vào từng hơi thở

Đèn tâm tỏa sáng không lay

 

Niệm Phật, Pháp, Tăng thường trụ

Quán thân – tâm – cảnh ngay đây

Đi đứng ngồi nằm an trú

A Di Đà mỗi phút giây

 

Nhớ đừng chê khinh Phật tánh

Mỗi người mỗi hạt minh châu

Hãy mau trở về đường chánh

Gia tài tiếp nhận – nên giàu

 

Mỗi ngày dùng viên ngọc quý

Thấy ra sự thật xưa sau

Trở về giữ gìn tâm ý

Pháp thân hiển hiện sạch làu

 

Hãy thôi làm thân cùng tử

Nhắc mình kho báu trong tâm

An vui – đã về đã tới

Bồ đề tâm đã nảy mầm…

 

(Đức Kiên)

Thursday, December 8, 2022

XÁ LỢI PHẤT

 XÁ LỢI PHẤT
(Trí huệ đệ nhất)

 

VÂN HÀ (TTHA)

 


 

Xứ Nam An cách thành Vương Xá

Mấy dặm đường có một thôn trang

Gia tư quý cách giàu sang

Luận tài, đức độ thuộc hàng quốc sư

 

Tuổi niên thiếu thường khi đàm đạo

Bạn tâm giao thông thạo võ, văn

Mục Liên tài trí sánh bằng

Luận sư trong khắp mọi đàng chúng sinh

 

Xá Lợi Phất cũng hàng sĩ tử

Vốn môn đồ cư sĩ bàng môn

Phụ thân Đề Xá - tiếng đồn

Luận sư nổi tiếng như cồn, khắp nơi

 

Ai cũng biết, nhiều người ca tụng

Bà la môn, Thánh chúng đều khen

Thiên nhơn xuống thế mấy phen

Thử lòng tâm đạo, ngợi khen đúng người148

 

Quy y Phật, một đời hành đạo

Chứng quả thành am thảo khai nguyên

Lục thông, trí huệ vô biên

Bao phen chuyển Pháp mấy miền giới xa

 

Nơi tịnh xá Kỳ Hoàn thuở ấy

Đức Thế Tôn gặp phải chướng ma

Tranh quyền đoạt chức, Đề Bà

Muốn thay Đức Phật để mà hơn, thua

 

Xá Lợi Phất ngăn ngừa khuyên giải

Hiển thần thông hoán cải tâm người

Đề Bà kinh sợ đành thôi

Không còn kiêu hãnh đổi ngôi, thay người

 

Nhóm Lục quần cả cười khiêu khích

Đoạt Kỳ Hoàn tịnh xá chư tăng

Xá Lợi Phất cố cản ngăn

Nhẫn, nhường thuyết phục: ăn năn kịp thời

 

Đức đại trí người người kính trọng

Quy phục Ngài nào khác Thế Tôn

Vào ra giữa chốn Bàng môn

Khác nào tịnh giữa Thiền môn Niết bàn

 

Xá Lợi Phất đúng hàng đệ tử

Đại môn đồ Thích tử Thiền gia

Khai thông Pháp Bảo Phật Đà

Sen vàng trổ giữa Ta bà thế gian.

Tuesday, November 29, 2022

Làm sao để nông sản Việt Nam phát triển bền vững

Làm sao để nông sản Việt Nam phát triển bền vững

Việt Nam là một quốc gia đi lên từ nông nghiệp, phần lớn người dân sinh sống ở nông thôn và cuộc sống phụ thuộc vào nghề nông. Tuy nhiên, nông nghiệp lại là ngành có năng suất thấp nhất, đối diện với nhiều rủi ro nhất. Đến nay, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán phát triển bền vững, tránh điệp khúc “được mùa, mất giá, được giá, mất mùa”.

Trong thời gian qua, Cty TNHH XNK Mầm Xanh (Green Bud) rất hân hạnh được đồng hành cùng người nông dân đưa những nông sản Việt Nam chất lượng cao đến các thị trường thế giới. Từ kinh nghiệm thu mua và xuất khẩu nông sản của mình, đội ngũ của Cty Mầm Xanh đã nhận ra một số vấn đề cần cải thiện trong hoạt động trồng trọt, thu hoạch, chế biến, bảo quản, và xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới. Dưới đây là tóm tắt 1 vài điểm yếu cần khắc phục để ngành nông sản Việt Nam có thể phát triển bền vững.

1/ Phương thức trồng trọt và canh tác lạc hậu: Tư duy trồng trọt theo thói quen, kinh nghiệm, khiến nhiều nông dân lạm dụng thuốc trừ sâu và các loại phân bón hóa học. Điều này, chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn, nhưng về dài hạn sẽ có tác hại đến độ màu mỡ của đất, chất lượng tăng trưởng của cây, và tăng khả năng trái cây thu hoạch sẽ bị vướng dư lượng các loại hóa chất độc hại, khiến không thể xuất khẩu đến các quốc gia phát triển, nơi có tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt. Vì vậy, người nông dân cần tự trang bị kiến thức, tìm kiếm các phương thức canh tác hữu cơ, thân thiện môi trường, giảm lượng thuốc trừ sâu sử dụng, thì mới hy vọng tăng năng suất, và tăng cơ hội đầu ra cho sản phẩm. 

2/ Thiếu khả năng dự báo và tư duy cộng tác dài hạn: Hầu hết các nông dân, hợp tác xã nông nghiệp và cả những DN tham gia trong chuỗi cung ứng nông sản ở Việt Nam đều chưa tận dụng được sức mạnh của CNTT-VN để hỗ trợ cho việc dự báo và lập kế hoạch dài hạn. Vì vậy, không thể đảm bảo độ ổn định của sản lượng và chất lượng các sản phẩm cung cấp trên thị trường. Điều này gây khó khăn cho tất cả các mắc xích trong chuỗi cung ứng. Vì mở rộng hay thu hẹp diện tích trồng trọt 1 loại cây trái nào đó sẽ có ảnh hưởng đến lượng cung cầu trên thị trường, nên cần phải dựa trên phân tích thấu đáo vào nhu cầu thị trường, năng lực cung cấp, điều kiện thời tiết… Trên thực tế, các hoạt động giữa nhà nông, hợp tác xã, DN xuất khẩu hiện vẫn rời rạc, thiếu sự cộng tác và định hướng dựa trên thông tin dự báo và tầm nhìn dài hạn. Chính phủ, các hiệp hội ngành nghề cần hỗ trợ xây dựng các CSDL dùng chung, thúc đẩy việc khai thác các nguồn thông tin công cộng như dự báo thời tiết, nhu cầu nông sản của thị trường thế giới theo thời gian… để có thể chuẩn bị nguồn lực và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường.

3/ Thiếu khả năng đổi mới và sáng tạo: Trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của thị trường thương mại quốc tế, ảnh hưởng của CMCN 4.0, đòi hỏi nông nghiệp Việt Nam phải thích ứng bằng cách tăng cường năng lực đổi mới và sáng tạo. Cần phải dành nguồn lực để đầu tư cải tiến chất lượng giống cây trồng đạt năng suất cao hơn, cải thiện phương thức canh tác theo hướng thân thiện môi trường, xây dựng thương hiệu, đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm… Đặc biệt, các viện nghiên cứu nông nghiệp, các hợp tác xã và DN thương mại cần phải chú trọng liên kết với nhau trong các dự án đổi mới sản phẩm, góp phần hình thành những sản phẩm mới, tạo nên thương hiệu mạnh của quốc gia. Chỉ có đầu tư đáng kể vào đổi mới sản phẩm, quy trình, thực hiện cải tiến liên tục mới có thể làm tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

4/ Thiếu liên kết giữa nhà máy chế biến, nhà XNK và công ty logistics: Để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng đòi hỏi một sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan trong việc kiểm soát chất lượng, nhiệt độ, phương thức bảo quản, vận chuyển, thủ tục thông quan… để đảm bảo duy trì được chất lượng sản phẩm lâu dài. Bởi vấn đề đối với nông sản là loại sản phẩm có thời hạn sử dụng ngắn, chất lượng giảm rất nhanh khi thay đổi nhiệt độ hoặc do vận chuyển quá lâu. Không những cộng tác trong từng đơn hàng riêng lẻ, mà cần hình thành những mối quan hệ chiến lược lâu dài để cùng chia sẻ lợi ích và giảm bớt rủi ro về giá, sản lượng và chất lượng của ngành hàng này.

5/ Thiếu sự hỗ trợ hiệu quả từ cơ quan quản lý nhà nước: Mặc dù chính phủ Việt Nam có một vài động thái hỗ trợ sự phát triển của ngành nông sản, như: liên kết ba nhà, khuyến khích nông nghiệp 4.0, thúc đẩy xuất khẩu 1 vài mặt hàng nông sản… Tuy nhiên, các hoạt động trên vẫn còn rời rạc và mang tính phong trào mà chưa đi vào hỗ trợ thực chất cho sự phát triển ngành nông sản. Cụ thể hơn, ngành nông sản cần sự hỗ trợ thông tin của chính phủ về các hiệp định tự do thương mại với các nước, các quy định về chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc, các thông tin thống kê, dự báo về tình hình xuất nhập khẩu từng loại mặt hàng, các cơ quan ngoại giao cần tích cực vận động để ngày càng nhiều các mặt hàng có thể được xuất khấu đến các nước phát triển, giảm các thủ tục hành chính, miễn giảm các loại thuế và lệ phí liên quan đến việc cấp phép, kiểm dịch, thông quan… Cần tận dụng tối đa nền tảng CNTT-VT, chính phủ điện tử để cung cấp thông tin kịp thời đến người dân về các quy định, chính sách, tình hình thương mại quốc tế có liên quan, để người dân, doanh nghiệp có thể chủ động trong việc kết nối, tìm kiếm cơ hội và đối tác kinh doanh phù hợp.

Tóm lại, để nông sản Việt Nam có thể nâng cao giá trị, và vị thế trên thị trường thế giới, để ngành nông sản có thể phát triển bền vững, đòi hỏi các bên liên quan trong chuỗi cung ứng nông sản (bao gồm: người nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, nhà máy chế biến, nhà XNK, DN logistics…) cần phải cộng tác và thay đổi những điểm tồn tại đã được nhận diện trên. Cụ thể là: 1/ người nông dân phải thay đổi phương thức canh tác theo hướng hiện đại, sạch, an toàn, và ít sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học; 2/ cần sử dụng sức mạnh CNTT-VT để nâng cao năng lực dự báo, và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thu hoạch, kinh doanh một cách linh hoạt; 3/ cần đầu tư đổi mới sản phẩm và quy trình để tăng năng suất và giá trị sản phẩm; 4/ cần xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa các bên trong chuỗi cung ứng để gắn kết bền vững vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu; 5/ cơ quan quản lý nhà nước cần có nhiều chính sách cụ thể, thiết thực và hiệu quả để cải thiện chất lượng, giá trị và hình ảnh thương hiệu của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Hy vọng rằng, khi 5 vấn đề trên được nhận diện và giải quyết triệt để, sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho các bên trong chuỗi cung ứng ngành nông sản, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông sản Việt Nam nói riêng, và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung. 

Phạm Quốc Trung

Thursday, November 24, 2022

Tâm Không

 


TÂM KHÔNG

 

“Chim nhạn qua sông

Ảnh soi đáy nước” [1]

Bóng trăng làn nước

Đâu rồi tâm không?

 

Hữu hình hữu sắc

Bởi lòng vướng mắc

Vô tâm vô cảnh

Ngã từ đâu sanh?

 

Có có không không

Bởi niệm cầu mong

Bất sinh bất tử

Hãy tìm chân như

 

Phật vốn không sanh

Tánh sáng vẫn dành

Bỏ lòng mê vọng

Quay đầu – tâm không…


Đức Kiên (PQT)



[1] Lấy ý từ “Nhạn quá trường giang, Ảnh trầm hàn thủy…”

Thursday, November 10, 2022

KHƠI ĐÈN TRÍ TUỆ



KHƠI ĐÈN TRÍ TUỆ


Trí tuệ bừng lên, hết lỗi lầm

Làm thầy thắp sáng ngọn đèn tâm

Truyền trao tri thức, đời thêm sáng

Dẫn dắt tương lai, tuệ nảy mầm

Giữ lửa cho đời, qua bão tố

Gìn tia hy vọng, vượt sóng ngầm

Một mai ánh sáng bừng đất nước

Thầy trò - ôn lại chuyện tri âm... 


PQT

Friday, October 28, 2022

Sa di mê cọp

Sa di mê cọp 

Thuở xưa, có thầy tỳ kheo tu hành trong tịnh thất nhỏ trên núi, nơi xa xôi hẻo lánh, ít người lai vãng. Nếu có ai, cũng chỉ có các vị thợ rừng, thợ săn và tiều phu mà thôi.

Một hôm, thầy tỳ kheo xuống làng khất thực, lượm được một đứa bé trai kháu khỉnh dễ thương, bị người ta bỏ. Thầy đem về, xin sữa nuôi nấng cho đến lớn. Rồi thầy dạy tụng kinh, bái sám, công phu và cho thọ giới Sa di.

Năm ấy, chú Sa di được hai mươi tuổi, ngây thơ, hồn nhiên và chưa lần nào xuống nhân gian. Một hôm, thầy tỳ kheo có pháp sự cần có chú đi theo. Khi xuống làng xóm, chú thấy cái gì cũng lạ, chú liền đưa mắt nhìn say mê, tuy nhiên chú cũng phải đi theo thầy.

Khi pháp sự xong, hai thầy trò trở về tịnh thất. Trên đường tình cờ chú gặp một cô gái độ mười bảy, mười tám tuổi, thân thể dịu dàng, vẻ mặt xinh đẹp. Chú trân người mà nhìn, không chịu đi. Thầy tỳ kheo ngó lại biết việc nên nói, “Đi mau chớ cọp đồng nó bắt nó ăn mất hồn xác đó!”

Chú Sa di miễn cưỡng ra đi. Nhưng khi về tới tịnh thất thì quên ăn, biếng ngủ, vẻ mặt bơ phờ như người mất hồn. Thầy tỳ kheo thấy thế, hỏi, “Sa di, con sao như thế?”

Chú Sa di nước mắt ràn rụa nói rằng, “Con nhớ thương con cọp đồng quá! Thà con xuống núi cho cọp đồng nuốt xác, ăn hồn con cũng được chớ sống thế này khổ lắm thầy ơi!”

Thầy tỳ kheo biết Sa di này nghiệp ái quá nặng không thể tu được, thầy an ủi vỗ về và cho chú xuống núi.

Thế mới biết, nghiệp ái của con người rất là nặng. Người tu hành muốn thoát khỏi nghiệp này cũng thiên nan, vạn nan.

Kinh dạy: Người tu hành thoát khỏi ái dục, giới hạnh thanh tịnh, cho đến mãn tuổi thọ là vị xuất trần La Hán.

Tổ cũng dạy: “Ái bất trọng bất sanh Ta Bà. Niệm bất nhất bất sanh tịnh độ.” Nghĩa là: Ái không nặng nghiệp thì không sanh vào cõi Ta Bà. Niệm Phật không nhất tâm thì không sanh về Tịnh Độ.

Bài học: Người tu học cần tránh xa 5 món dục, là : tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn uống, và ngủ nghỉ. Câu chuyện trên nói đến lòng tham sắc đẹp (ái dục) của cậu sa di. Đây là thứ dễ cám dỗ nhất, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Người tu học cần rèn luyện hạnh « thiểu dục, tri túc », đồng thời, cần quán chiếu bản chất vô thường của cuộc đời, và bất tịnh của thân thể để đối trị lòng tham dục.

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)