Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Friday, December 23, 2022

Chánh Niệm

 


CHÁNH NIỆM

 

Tỉnh thức lặng trong - luôn nhớ

Chiếu soi khắp cả trong ngoài

Chuyên chú vào từng hơi thở

Đèn tâm tỏa sáng không lay

 

Niệm Phật, Pháp, Tăng thường trụ

Quán thân – tâm – cảnh ngay đây

Đi đứng ngồi nằm an trú

A Di Đà mỗi phút giây

 

Nhớ đừng chê khinh Phật tánh

Mỗi người mỗi hạt minh châu

Hãy mau trở về đường chánh

Gia tài tiếp nhận – nên giàu

 

Mỗi ngày dùng viên ngọc quý

Thấy ra sự thật xưa sau

Trở về giữ gìn tâm ý

Pháp thân hiển hiện sạch làu

 

Hãy thôi làm thân cùng tử

Nhắc mình kho báu trong tâm

An vui – đã về đã tới

Bồ đề tâm đã nảy mầm…

 

(Đức Kiên)

Thursday, December 8, 2022

XÁ LỢI PHẤT

 XÁ LỢI PHẤT
(Trí huệ đệ nhất)

 

VÂN HÀ (TTHA)

 


 

Xứ Nam An cách thành Vương Xá

Mấy dặm đường có một thôn trang

Gia tư quý cách giàu sang

Luận tài, đức độ thuộc hàng quốc sư

 

Tuổi niên thiếu thường khi đàm đạo

Bạn tâm giao thông thạo võ, văn

Mục Liên tài trí sánh bằng

Luận sư trong khắp mọi đàng chúng sinh

 

Xá Lợi Phất cũng hàng sĩ tử

Vốn môn đồ cư sĩ bàng môn

Phụ thân Đề Xá - tiếng đồn

Luận sư nổi tiếng như cồn, khắp nơi

 

Ai cũng biết, nhiều người ca tụng

Bà la môn, Thánh chúng đều khen

Thiên nhơn xuống thế mấy phen

Thử lòng tâm đạo, ngợi khen đúng người148

 

Quy y Phật, một đời hành đạo

Chứng quả thành am thảo khai nguyên

Lục thông, trí huệ vô biên

Bao phen chuyển Pháp mấy miền giới xa

 

Nơi tịnh xá Kỳ Hoàn thuở ấy

Đức Thế Tôn gặp phải chướng ma

Tranh quyền đoạt chức, Đề Bà

Muốn thay Đức Phật để mà hơn, thua

 

Xá Lợi Phất ngăn ngừa khuyên giải

Hiển thần thông hoán cải tâm người

Đề Bà kinh sợ đành thôi

Không còn kiêu hãnh đổi ngôi, thay người

 

Nhóm Lục quần cả cười khiêu khích

Đoạt Kỳ Hoàn tịnh xá chư tăng

Xá Lợi Phất cố cản ngăn

Nhẫn, nhường thuyết phục: ăn năn kịp thời

 

Đức đại trí người người kính trọng

Quy phục Ngài nào khác Thế Tôn

Vào ra giữa chốn Bàng môn

Khác nào tịnh giữa Thiền môn Niết bàn

 

Xá Lợi Phất đúng hàng đệ tử

Đại môn đồ Thích tử Thiền gia

Khai thông Pháp Bảo Phật Đà

Sen vàng trổ giữa Ta bà thế gian.

Tuesday, November 29, 2022

Làm sao để nông sản Việt Nam phát triển bền vững

Làm sao để nông sản Việt Nam phát triển bền vững

Việt Nam là một quốc gia đi lên từ nông nghiệp, phần lớn người dân sinh sống ở nông thôn và cuộc sống phụ thuộc vào nghề nông. Tuy nhiên, nông nghiệp lại là ngành có năng suất thấp nhất, đối diện với nhiều rủi ro nhất. Đến nay, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán phát triển bền vững, tránh điệp khúc “được mùa, mất giá, được giá, mất mùa”.

Trong thời gian qua, Cty TNHH XNK Mầm Xanh (Green Bud) rất hân hạnh được đồng hành cùng người nông dân đưa những nông sản Việt Nam chất lượng cao đến các thị trường thế giới. Từ kinh nghiệm thu mua và xuất khẩu nông sản của mình, đội ngũ của Cty Mầm Xanh đã nhận ra một số vấn đề cần cải thiện trong hoạt động trồng trọt, thu hoạch, chế biến, bảo quản, và xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới. Dưới đây là tóm tắt 1 vài điểm yếu cần khắc phục để ngành nông sản Việt Nam có thể phát triển bền vững.

1/ Phương thức trồng trọt và canh tác lạc hậu: Tư duy trồng trọt theo thói quen, kinh nghiệm, khiến nhiều nông dân lạm dụng thuốc trừ sâu và các loại phân bón hóa học. Điều này, chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn, nhưng về dài hạn sẽ có tác hại đến độ màu mỡ của đất, chất lượng tăng trưởng của cây, và tăng khả năng trái cây thu hoạch sẽ bị vướng dư lượng các loại hóa chất độc hại, khiến không thể xuất khẩu đến các quốc gia phát triển, nơi có tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt. Vì vậy, người nông dân cần tự trang bị kiến thức, tìm kiếm các phương thức canh tác hữu cơ, thân thiện môi trường, giảm lượng thuốc trừ sâu sử dụng, thì mới hy vọng tăng năng suất, và tăng cơ hội đầu ra cho sản phẩm. 

2/ Thiếu khả năng dự báo và tư duy cộng tác dài hạn: Hầu hết các nông dân, hợp tác xã nông nghiệp và cả những DN tham gia trong chuỗi cung ứng nông sản ở Việt Nam đều chưa tận dụng được sức mạnh của CNTT-VN để hỗ trợ cho việc dự báo và lập kế hoạch dài hạn. Vì vậy, không thể đảm bảo độ ổn định của sản lượng và chất lượng các sản phẩm cung cấp trên thị trường. Điều này gây khó khăn cho tất cả các mắc xích trong chuỗi cung ứng. Vì mở rộng hay thu hẹp diện tích trồng trọt 1 loại cây trái nào đó sẽ có ảnh hưởng đến lượng cung cầu trên thị trường, nên cần phải dựa trên phân tích thấu đáo vào nhu cầu thị trường, năng lực cung cấp, điều kiện thời tiết… Trên thực tế, các hoạt động giữa nhà nông, hợp tác xã, DN xuất khẩu hiện vẫn rời rạc, thiếu sự cộng tác và định hướng dựa trên thông tin dự báo và tầm nhìn dài hạn. Chính phủ, các hiệp hội ngành nghề cần hỗ trợ xây dựng các CSDL dùng chung, thúc đẩy việc khai thác các nguồn thông tin công cộng như dự báo thời tiết, nhu cầu nông sản của thị trường thế giới theo thời gian… để có thể chuẩn bị nguồn lực và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường.

3/ Thiếu khả năng đổi mới và sáng tạo: Trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của thị trường thương mại quốc tế, ảnh hưởng của CMCN 4.0, đòi hỏi nông nghiệp Việt Nam phải thích ứng bằng cách tăng cường năng lực đổi mới và sáng tạo. Cần phải dành nguồn lực để đầu tư cải tiến chất lượng giống cây trồng đạt năng suất cao hơn, cải thiện phương thức canh tác theo hướng thân thiện môi trường, xây dựng thương hiệu, đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm… Đặc biệt, các viện nghiên cứu nông nghiệp, các hợp tác xã và DN thương mại cần phải chú trọng liên kết với nhau trong các dự án đổi mới sản phẩm, góp phần hình thành những sản phẩm mới, tạo nên thương hiệu mạnh của quốc gia. Chỉ có đầu tư đáng kể vào đổi mới sản phẩm, quy trình, thực hiện cải tiến liên tục mới có thể làm tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

4/ Thiếu liên kết giữa nhà máy chế biến, nhà XNK và công ty logistics: Để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng đòi hỏi một sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan trong việc kiểm soát chất lượng, nhiệt độ, phương thức bảo quản, vận chuyển, thủ tục thông quan… để đảm bảo duy trì được chất lượng sản phẩm lâu dài. Bởi vấn đề đối với nông sản là loại sản phẩm có thời hạn sử dụng ngắn, chất lượng giảm rất nhanh khi thay đổi nhiệt độ hoặc do vận chuyển quá lâu. Không những cộng tác trong từng đơn hàng riêng lẻ, mà cần hình thành những mối quan hệ chiến lược lâu dài để cùng chia sẻ lợi ích và giảm bớt rủi ro về giá, sản lượng và chất lượng của ngành hàng này.

5/ Thiếu sự hỗ trợ hiệu quả từ cơ quan quản lý nhà nước: Mặc dù chính phủ Việt Nam có một vài động thái hỗ trợ sự phát triển của ngành nông sản, như: liên kết ba nhà, khuyến khích nông nghiệp 4.0, thúc đẩy xuất khẩu 1 vài mặt hàng nông sản… Tuy nhiên, các hoạt động trên vẫn còn rời rạc và mang tính phong trào mà chưa đi vào hỗ trợ thực chất cho sự phát triển ngành nông sản. Cụ thể hơn, ngành nông sản cần sự hỗ trợ thông tin của chính phủ về các hiệp định tự do thương mại với các nước, các quy định về chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc, các thông tin thống kê, dự báo về tình hình xuất nhập khẩu từng loại mặt hàng, các cơ quan ngoại giao cần tích cực vận động để ngày càng nhiều các mặt hàng có thể được xuất khấu đến các nước phát triển, giảm các thủ tục hành chính, miễn giảm các loại thuế và lệ phí liên quan đến việc cấp phép, kiểm dịch, thông quan… Cần tận dụng tối đa nền tảng CNTT-VT, chính phủ điện tử để cung cấp thông tin kịp thời đến người dân về các quy định, chính sách, tình hình thương mại quốc tế có liên quan, để người dân, doanh nghiệp có thể chủ động trong việc kết nối, tìm kiếm cơ hội và đối tác kinh doanh phù hợp.

Tóm lại, để nông sản Việt Nam có thể nâng cao giá trị, và vị thế trên thị trường thế giới, để ngành nông sản có thể phát triển bền vững, đòi hỏi các bên liên quan trong chuỗi cung ứng nông sản (bao gồm: người nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, nhà máy chế biến, nhà XNK, DN logistics…) cần phải cộng tác và thay đổi những điểm tồn tại đã được nhận diện trên. Cụ thể là: 1/ người nông dân phải thay đổi phương thức canh tác theo hướng hiện đại, sạch, an toàn, và ít sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học; 2/ cần sử dụng sức mạnh CNTT-VT để nâng cao năng lực dự báo, và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thu hoạch, kinh doanh một cách linh hoạt; 3/ cần đầu tư đổi mới sản phẩm và quy trình để tăng năng suất và giá trị sản phẩm; 4/ cần xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa các bên trong chuỗi cung ứng để gắn kết bền vững vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu; 5/ cơ quan quản lý nhà nước cần có nhiều chính sách cụ thể, thiết thực và hiệu quả để cải thiện chất lượng, giá trị và hình ảnh thương hiệu của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Hy vọng rằng, khi 5 vấn đề trên được nhận diện và giải quyết triệt để, sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho các bên trong chuỗi cung ứng ngành nông sản, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông sản Việt Nam nói riêng, và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung. 

Phạm Quốc Trung

Thursday, November 24, 2022

Tâm Không

 


TÂM KHÔNG

 

“Chim nhạn qua sông

Ảnh soi đáy nước” [1]

Bóng trăng làn nước

Đâu rồi tâm không?

 

Hữu hình hữu sắc

Bởi lòng vướng mắc

Vô tâm vô cảnh

Ngã từ đâu sanh?

 

Có có không không

Bởi niệm cầu mong

Bất sinh bất tử

Hãy tìm chân như

 

Phật vốn không sanh

Tánh sáng vẫn dành

Bỏ lòng mê vọng

Quay đầu – tâm không…


Đức Kiên (PQT)



[1] Lấy ý từ “Nhạn quá trường giang, Ảnh trầm hàn thủy…”

Thursday, November 10, 2022

KHƠI ĐÈN TRÍ TUỆ



KHƠI ĐÈN TRÍ TUỆ


Trí tuệ bừng lên, hết lỗi lầm

Làm thầy thắp sáng ngọn đèn tâm

Truyền trao tri thức, đời thêm sáng

Dẫn dắt tương lai, tuệ nảy mầm

Giữ lửa cho đời, qua bão tố

Gìn tia hy vọng, vượt sóng ngầm

Một mai ánh sáng bừng đất nước

Thầy trò - ôn lại chuyện tri âm... 


PQT

Friday, October 28, 2022

Sa di mê cọp

Sa di mê cọp 

Thuở xưa, có thầy tỳ kheo tu hành trong tịnh thất nhỏ trên núi, nơi xa xôi hẻo lánh, ít người lai vãng. Nếu có ai, cũng chỉ có các vị thợ rừng, thợ săn và tiều phu mà thôi.

Một hôm, thầy tỳ kheo xuống làng khất thực, lượm được một đứa bé trai kháu khỉnh dễ thương, bị người ta bỏ. Thầy đem về, xin sữa nuôi nấng cho đến lớn. Rồi thầy dạy tụng kinh, bái sám, công phu và cho thọ giới Sa di.

Năm ấy, chú Sa di được hai mươi tuổi, ngây thơ, hồn nhiên và chưa lần nào xuống nhân gian. Một hôm, thầy tỳ kheo có pháp sự cần có chú đi theo. Khi xuống làng xóm, chú thấy cái gì cũng lạ, chú liền đưa mắt nhìn say mê, tuy nhiên chú cũng phải đi theo thầy.

Khi pháp sự xong, hai thầy trò trở về tịnh thất. Trên đường tình cờ chú gặp một cô gái độ mười bảy, mười tám tuổi, thân thể dịu dàng, vẻ mặt xinh đẹp. Chú trân người mà nhìn, không chịu đi. Thầy tỳ kheo ngó lại biết việc nên nói, “Đi mau chớ cọp đồng nó bắt nó ăn mất hồn xác đó!”

Chú Sa di miễn cưỡng ra đi. Nhưng khi về tới tịnh thất thì quên ăn, biếng ngủ, vẻ mặt bơ phờ như người mất hồn. Thầy tỳ kheo thấy thế, hỏi, “Sa di, con sao như thế?”

Chú Sa di nước mắt ràn rụa nói rằng, “Con nhớ thương con cọp đồng quá! Thà con xuống núi cho cọp đồng nuốt xác, ăn hồn con cũng được chớ sống thế này khổ lắm thầy ơi!”

Thầy tỳ kheo biết Sa di này nghiệp ái quá nặng không thể tu được, thầy an ủi vỗ về và cho chú xuống núi.

Thế mới biết, nghiệp ái của con người rất là nặng. Người tu hành muốn thoát khỏi nghiệp này cũng thiên nan, vạn nan.

Kinh dạy: Người tu hành thoát khỏi ái dục, giới hạnh thanh tịnh, cho đến mãn tuổi thọ là vị xuất trần La Hán.

Tổ cũng dạy: “Ái bất trọng bất sanh Ta Bà. Niệm bất nhất bất sanh tịnh độ.” Nghĩa là: Ái không nặng nghiệp thì không sanh vào cõi Ta Bà. Niệm Phật không nhất tâm thì không sanh về Tịnh Độ.

Bài học: Người tu học cần tránh xa 5 món dục, là : tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn uống, và ngủ nghỉ. Câu chuyện trên nói đến lòng tham sắc đẹp (ái dục) của cậu sa di. Đây là thứ dễ cám dỗ nhất, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Người tu học cần rèn luyện hạnh « thiểu dục, tri túc », đồng thời, cần quán chiếu bản chất vô thường của cuộc đời, và bất tịnh của thân thể để đối trị lòng tham dục.

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Tuesday, October 18, 2022

ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT

 


ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT

 

Bồ tát Đại Thế Chí

Trong Tây phương tam thánh

Luôn cứu độ chúng sanh

Vượt hết thảy mê si

 

Tay ngài cầm sen xanh

Chiếu ánh sáng trong lành

Soi đường nơi tăm tối

Đến chúng sanh mọi loài

 

Niệm ngài sanh trí tuệ

Niệm ngài thoát bến mê

Quán âm và Thế chí

Tây phương - nhớ nẻo về

 

Hạnh nguyện Bi – Trí – Dũng

Ngài có đại oai thần

Lưới mê – ngài xuyên thủng

Chiếu soi – tuệ nở bừng.

 

Đại Tinh tấn Bồ tát

Cũng là danh hiệu ngài

Cúi đầu con nguyện học

Không biếng lười từ nay…

 

Đức Kiên

Friday, October 14, 2022

VÍA ĐỨC BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

 


VÍA ĐỨC BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

 

Hôm nay vía Phật Quán Âm
Chắp tay lễ Phật, nhất tâm nguyện cầu
Mong cho dịch bệnh qua mau
Bình yên, mạnh khỏe, cùng nhau an lành
Cầu cho khắp cả chúng sanh
Yêu thương, san sẻ, chiến tranh thôi đừng
Lắng nghe, sân hận xin dừng
Nói lời từ ái, vui mừng hiểu thương
Mát lòng giọt nước cành dương
Mẹ hiền ban rãi tình thương vô bờ
Ban vô uý, dẹp nghi ngờ
Đem yêu thương xoá mê mờ khổ đau
Cúi đầu “mô Phật” một câu
Oan khiên vượt thoát, phép mầu hiện ra
Namo Avalokitesvara!
Quán âm, xin nhớ khúc ca diệu huyền…

Friday, October 7, 2022

PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN

 


PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN

 

Một xin kính lễ Phật đà

Hai xin ca ngợi chói lòa Như Lai

Ba xin bố thí rộng thay

Bốn xin sám hối tội rày xưa sau

Năm xin tùy hỷ cùng nhau

Sáu xin chánh pháp mãi sau xoay vần

Bảy xin Phật pháp luôn gần

Tám xin tinh tấn chuyên cần học tu

Chín xin tùy thuận trí ngu

Mười xin hồi hướng công phu khắp cùng

Nguyện người thoát khổ vui chung

Phổ hiền thập hạnh nhớ cùng ghi tâm…

Đức Kiên - 2022

Wednesday, September 28, 2022

Ca Chiên Diên

Ca Chiên Diên

Vâng theo lời dạy của đức Phật, tôn giả Ca Chiên Diên, vị "luận nghị đệ nhất" trong hàng tăng chúng đã tuyên dương chủ trương "bốn tính bình đẳng". Nhưng rất đông Bà La Môn biết được, không ai tin phục tôn giả. Hễ có cơ hội là họ tìm đến Ca Chiên Diên để bài bác, vấn nạn ngài. Họ nghĩ rằng, nếu không đánh ngã những biện luận của tôn giả thì từ đây về sau, Bà La Môn sẽ có hy vọng không ngước đầu lên được nữa. Tuy nhiên, ngài Ca Chiên Diên rất giỏi biện luận, khi gặp một vị Bà La Môn, dẫu quyền uy tới đâu đến vấn nạn ngài, ngài chỉ cần dùng một vài câu ngắn gọn và đơn giản, thế là vị Bà La Môn nọ cuối cùng cũng phải vui vẻ mà thuần phục.

Có một hôm, tôn giả cùng các vị tỳ kheo bạn đồng tu, sắp bước vào trai đường bên cạnh hồ Ô Nê nước Ba La Nại dùng cơm, thì có một vị Bà La Môn lớn tuổi tìm đến khiêu chiến với ngài. Vị Bà La Môn già chống cây gậy, im lặng đứng bên cạnh tôn giả Ca Chiên Diên, những tưởng rằng khi nào Ca Chiên Diên nhìn thấy ông thì nhất định sẽ đứng dậy nhường chỗ cho ông ngồi. Nhưng nào có ngờ đâu, Ca Chiên Diên chẳng thèm ném cho ông một cái nhìn nữa. Ông kiên nhẫn đứng một hồi lâu, cuối cùng lớn tiếng trách mắng rằng :

-   Mấy ông nghĩ sao mà thấy một vị trưởng giả lớn tuổi như tôi đến, lại không biết đứng lên mà nhường chỗ ngồi ?

Các vị tỳ kheo nghe thế thì giật mình, nhiều người còn vội vàng đứng dậy nhường chỗ ngồi cho vị Bà La Môn già, duy chỉ có Ca Chiên Diên là chẳng chút động lòng, còn hỏi lại rằng :

-    Ông là ai mà tới đây la hét ầm ĩ như vậy ? Chúng tôi ở đây tôn kính phụng hành giáo pháp, nhưng tại chỗ này không có ai là trưởng giả hay là tiền bối  của chúng tôi cả.

Vị Bà La Môn già nọ giận dữ đưa cây gậy đang cầm trong tay lên chỉ vào đầu tóc bạc phơ của mình mà hỏi :

-    Số tuổi đã cao của ta không đủ cho ông tôn làm trưởng giả hay sao ? Không đủ cho các ông cung kính tôn trọng hay sao ?

-  Ông không thể tự xưng là trưởng giả, và cũng không thể chờ đợi chúng tôi cung kính tôn trọng.

Ca Chiên Diên trả lời bằng một giọng nói nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Vị Bà La Môn già giận dữ đến cực điểm, dùng cây gậy chỉ vào mặt Ca Chiên Diên mà mắng.

-    Ông ? Tại sao ông lại khinh người đến thế ?

Ca Chiên Diên điềm nhiên trả lời rằng :

-    Qua âm thanh, giọng nói của ông, và qua những cử chỉ thô bạo của ông, tôi nhận thấy rằng ông không xứng đáng được tôn làm trưởng giả, cũng không xứng đáng được người khác cung kính. Bởi vì cho dầu ông có là một vị Bà La Môn 80, 90 tuổi, tóc bạc răng long, nhưng nếu không hề tu hành một cách chân chính, còn đam mê sắc thanh hương vị xúc, chưa xả bỏ được những phiền não như tham, sân và ganh ghét, thì ông vẫn bị coi như trẻ nít. Còn giả sử ông là một thanh niên 20 tuổi, da dẻ chưa nhăn, đầu tóc đen nhánh, mà đã giải thoát được sự trói buộc của ái dục, đối với thế gian không có sự tham cầu, không có chút niệm tưởng bất bình nào, thì chúng tôi có thể xưng tán ông là trưởng giả, xem ông là người già dặn, xứng đáng cho chúng tôi thân tâm cung kính.

Vị Bà La Môn già nghe Ca Chiên Diên nói thế, không có lời lẽ nào để đối đáp, bèn lặng lẽ bỏ đi.

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi, tập 2 - Đức Kiên)