Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Friday, June 17, 2022

ÁC NGHIỆP

 

ÁC NGHIỆP

 

Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn được quả ác nghiệp.

Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn khỏi tay Thần Chết.

Làm ác thì gặt ác
Làm lành sẽ gặt lành
Nhân quả không mất mát
Ác nghiệp sẽ gặt nhanh.

(Nguồn: Thơ Phật cho trẻ em - Đức Kiên)

Monday, June 6, 2022

Gia Tài Của Mẹ

Gia Tài Của Mẹ 

Ba mẹ nào cũng từng thao thức làm sao để lại một cái gì cho con cái. Thông thường, đa số bậc cha mẹ muốn để lại một gia tài đồ sộ, nhiều nhà cửa, lắm ruộng đất và tiền bạc cho con cái. Họ không muốn con cái phải lâm vào tình trạng nghèo khổ, thiếu thốn trong tương lai. Bởi vậy, suốt một đời, ba mẹ chịu cực, chịu khổ lam lũ làm việc. Miễn sao xây dựng nên một cơ ngơi càng to lớn, càng nhiều tiền bạc trong ngân hàng càng tốt. Có lúc cũng vì con cái mà ba mẹ phải làm những nghề nghiệp không được lương thiện. Vậy, ta mới biết được tấm lòng hy sinh, thương yêu vô bờ bến của ba mẹ dành cho con cái.

Sau khi ba mẹ mất, đa số của cải không phải do các con làm ra bằng mồ hôi, nước mắt thì chúng tiêu xài thoải mái. Những đứa con nhà giàu thường nhác học, ỷ lại, tiêu tiền như nước, không thể chịu nổi cực khổ. Đã có nhiều trường hợp, con nhà giàu đi theo con đường chơi bời, trụy lạc.Vì vậy, dù của cải lớn cách mấy, cuối cùng các con cũng tiêu sạch hết trong một đời. 

Cũng có các bậc cha mẹ không muốn để lại gia tài vật chất, mà muốn để lại cho con cháu phúc đức của mình. Họ thường nói: “Tôi sống là để phúc cho con cháu.” Những bậc cha mẹ này cố gắng sống đời lương thiện, làm phúc, tạo đức bằng cách giúp đỡ người nghèo, kẻ neo đơn, người bệnh tật, chăm nuôi trẻ mồ côi. Họ không phải là những người giàu có, nhưng có miếng ăn nào thì họ đều chia sẻ với những kẻ thiếu thốn, người bất hạnh. Họ ăn ở với nhau có tình có nghĩa. Bởi sẵn tấm lòng thương người, vợ biết lắng nghe chồng, chồng biết nâng đỡ cho vợ. Vợ chồng biết chấp nhận lỗi lầm của nhau. Mỗi khi chồng nóng giận lớn tiếng, thì vợ giữ im lặng. Mỗi khi vợ cằn nhằn thì chồng giữ nét bình tĩnh, vui vẻ. Vợ chồng để thật nhiều thì giờ chăm sóc, tâm tình, hướng dẫn cho con cái như tâm tình với những người bạn. Tình thương trong họ quá lớn, cho nên nó ảnh hưởng tới đời sống con cái. Sống gần ba mẹ, các con cảm nhận được tấm lòng độ lượng, thương người của ba mẹ, cái hạnh phúc của ba mẹ, sự bình tĩnh trong lúc hướng dẫn các con, vì vậy các con tự động biết thương người nghèo khổ và học những đức tính tốt kia của ba mẹ. 

Một bên để lại tài sản vật chất, tiền bạc đồ sộ. Một bên để lại tình thương đối với người nghèo khổ, để lại hạnh phúc của chính ba mẹ, để lại những kỷ niệm trong những lúc chăm sóc, dạy dỗ, thương yêu các con. Tất cả đều là phát xuất từ tình thương bao la của ba mẹ. Nhưng, các bậc ba mẹ thử đặt lại câu hỏi: “Gia tài nào của ba mẹ là quí báu hơn? Món quà nào cho con từ ba mẹ là quan trọng hơn?” 

Nếu ba mẹ để lại vừa một gia tài vật chất to lớn, vừa trao truyền lại tình thương với những giá trị tinh thần, thì phúc đức cho con cái biết mấy! Tiền bạc vật chất cũng cần thiết trong đời sống, nhưng con cái có thể tự xây dựng nên bằng hai bàn tay làm lụng của chúng. Nhưng tình thương, hạnh phúc gia đình không thể đi làm lụng ở các xưởng hãng mà có được. Tình thường phát xuất từ con tim của ba mẹ, hạnh phúc gia đình biểu lộ trong đời sống bằng lời nói, hành động và tư duy của ba mẹ và con cái. Trái tim ba mẹ rung động như thế nào, thì các con đều cảm nhận như thế. Ba mẹ thương người thì con cái cũng thương người. Ba mẹ keo kiệt thì con cái cũng keo kiệt. Ba mẹ nóng giận thì con cái cũng nóng giận. Ba mẹ thương nhau thì con cái cũng thương nhau. Ba mẹ cãi vã, làm khổ nhau thì lớn lên lập gia đình con cái cũng hành xử như thế. 

Tóm lại, sự sống của ba mẹ sẽ được tiếp nối nơi sự sống của con cái. Đó là gia tài của mẹ để lại cho con. Tất cả đời sống vật chất tuy cần thiết, nhưng không có nghĩa lý gì nữa, sau khi ba mẹ nằm xuống trong lòng đất. Chỉ còn lại tình thương yêu trong tâm hồn của con cái sẽ tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác.

(Nguồn: trích trong Món Quà Nào Cho Con - Chân Pháp Đăng) 

Saturday, May 14, 2022

Vui thay Phật ra đời

 


VUI THAY PHẬT RA ĐỜI

 

Tháng Tư mừng Phật ra đời

Tin vui lan khắp - người, trời hoan ca

Đón mừng xuất hiện Phật đà

Từ trời Đâu suất – ta bà hiện thân

Ngàn năm mới có một lần

Hoa ưu đàm nở - xa gần ngát hương

Phúc thay ai được cúng dường

Lành thay người biết về nương bóng từ

Cúi đầu đảnh lễ Bổn Sư

Cho con thấy được chân như pháp màu

Trần gian mưa pháp sạch làu

Ánh dương tỏa sáng trước sau trong ngoài

Từ bi – trí tuệ tròn hai

Hào quang tỏa sáng liên đài ngát hương

Chắp tay kính lễ mười phương

Phật thân thường trụ - pháp thường chiếu soi

Mong cho Phật pháp trụ đời

Bồ tát tùng địa - khắp nơi hiện hình

Ban vui, cứu khổ chúng sinh

Chiến tranh chóng tắt, hòa bình dài lâu

Hiểu thương, tay nắm tay nhau

Quay đầu quy ngưỡng – niệm câu Phật đà

Mong cho cõi Phật hiện ra

Hoa sen nở ngát – gần xa thơm lừng

Trần gian vui đón tin mừng

Phật tâm tỏa rạng trong từng chúng sinh…


Đức Kiên 

(Phật đản 2022)

Sunday, May 8, 2022

Tình mẹ

 

Tình mẹ


Mẹ nuôi con một đời vất vả,
Mẹ nuôi con khuya sớm cơ cầu,
Mẹ thương con nên sớm bạc đầu,
Khi con hiểu thì đầu con đã bạc.

Đối với mẹ, con một thằng tai ác,
Bao năm rồi, làm mẹ khổ nhiều hơn,
Tâm ngu si, khiến lòng mẹ héo hon,
Tâm ích kỷ, chỉ biết mình, khôn lõi.

Nhưng lòng mẹ như biển trời nắng dội,
Rộng mênh mông bát ngát bốn phương trời,
Vì thương con, mẹ quên suốt một đời,
Đã lận đận trăm chiều vất vả.

Con tấm bé, đêm hôm khóc lả,
Mẹ ôm con, lòng dạ xót xa,
Rồi mong cho năm tháng đi qua,
Mẹ cũng lớn theo từng bước trẻ.

Tấm lòng mẹ, ôi biển trời lặng lẽ,
Như phù sa bồi đắp bãi đồng xanh,
Như giọt mưa, tươi mát trong lành,
Như gió nhẹ, xôn xao hồn trẻ.

Con đã lớn, mẹ vẫn còn khổ thế,
Bước con đi trên khắp nẻo quan hà
Là bóng mẹ vẫn dõi bước đường qua,
Như che chở con giữa đời xuôi ngược.

Con lớn dậy theo lời thề non nước,
Quyết ra đi cho thỏa mộng sông hồ,
Tự quê xưa mẹ dõi mắt trông chờ,
Con của mẹ sẽ trở về chiến thắng.

Và sẽ có một ngày mai sớm nắng,
Đường con đi phơi xác quân thù,
Bóng quân về từ khắp nẻo chiến khu,
Cờ lồng lộng bay giữa trời tổ quốc.

Con sẽ viết nên bài ca đất nước,
Để làm quà dâng tặng mẹ hôm nay,
Mẹ của con, mẹ cả núi sông này,
Lời mẹ nói là lời thề non nước...

PTL

Friday, May 6, 2022

Mừng em bé Bụt


Mừng em bé Bụt


Phật đản đến chùa tắm Phật
Hình hài em bé sơ sinh 
Tưới dòng nước trong- sự thật 
Phật tâm ắt sẽ hiện hình 

Tháng tư mừng Bụt đản sinh
Nhớ về hai ngàn năm trước 
Lâm Tỳ Ni người đã bước 
Bảy bước bảy đoá sen xinh 

Mỗi người một em bé Bụt
Cùng nhau thức dậy tâm sen 
Mỗi bước tiến tu từng phút 
Bụt tâm thêm sáng ánh đèn 

Chắp tay trước đài Phật đản 
Hoa thơm, cờ phất phới bay
Mong sao thế gian tỏa rạng
Hương sen giới hạnh hiện bày

Tắm Bụt gội bao phiền não 
Về an trú phút giây này 
Ô kìa- minh châu chéo áo (*)
Chớ tìm hạnh phúc đông tây!

Phật đản 2022 - Đức Kiên

(*) minh châu chéo áo: nhắc đến điển tích trong kinh Pháp Hoa, kể về chàng cùng tử, đi xin ăn khắp nơi, một hôm chợt phát hiện ra trong chéo áo của mình có viên ngọc minh châu, gia tài mà người cha để lại cho chàng một cách kín đáo.

Tuesday, May 3, 2022

Bồ-tát Hộ-Minh

 


Bồ-tát Hộ-Minh

Ðến lúc Phật Ca-Diếp ra đời, nhằm Hiền-kiếp thứ chín, Bồ-tát Thiện-Huệ tái sanh làm thái tử Hộ Minh, chuyên thực hành hạnh bố thí từ lúc ấu thơ; khi lớn lên làm vua, rồi xuất gia theo Phật Ca-Diếp và trở thành Bồ-tát Hộ Minh. Nhờ công hạnh đầy đủ nên khi lâm chung Bồ-tát Hộ Minh được sanh về cõi trời Ðâu-Suất làm Bồ-tát bổ-xứ, lãnh đạo chư Thiên cõi này và diễn thuyết pháp mầu cho Thiên chúng nghe. Ngài ở Ðâu-Suất bốn ngàn năm, dùng pháp tướng để giáo-hóa chúng sinh. Một hôm ngài nhìn xuống thế-gian thấy chúng sinh phần nhiều chỉ đua nhau tạo ác, chìm đắm trong tà-kiến, không biết tin nhân quả tội phước, sống đau khổ về thể-xác lẫn tinh-thần, chết bị đọa trong ba đường ác. Ngài phát tâm từ-bi, nguyện giáng thế để giáo-hóa chúng sinh, mang đến ánh sáng chân-lý để cứu chúng sinh thoát khỏi sanh già bệnh chết, chứng được đạo quả niết-bàn, an lạc thanh tịnh.

Ngay lúc đó toàn thân ngài phóng đại-quang-minh, đại địa mười tám tướng động, ma cung ẩn náu, mặt trời mặt trăng hết tinh quang, chấn động tất cả trời rồng tám bộ. Ngài liền quan sát năm việc dưới đây:

1- Quan sát thời kỳ, ngài thấy tuổi thọ con người lúc bấy giờ khoảng 100 năm, rất thuận lợi; vì với thọ mạng quá dài con người không ý thức được thế nào là già chết, với thọ mạng quá ngắn thì không có đủ thời gian tu tập.

2- Quan sát lục địa, ngài chọn bán đảo Ấn-độ vì lúc bấy giờ ngôn ngữ và tư tưởng triết học nơi đây được phát triển hơn hết.

3- Quan sát quốc độ, ngài chọn Vùng Trung Ấn, (thung lũng sông Hắng) vì nơi đây có nhiều nhà hiền triết và minh quân xuất hiện.

4- Quan sát chủng tộc, ngài chọn dòng dõi Thích-Ca với vua Tịnh Phạn là người có tâm đạo nhất. Theo kinh Lalitavistara thì dòng họ này có 64 đức tính cần thiết.

5- Quan sát người có đủ đức tính làm mẹ vị Phật tương lai, ngài chọn hoàng hậu Maha-Maya; biết rằng bà chỉ còn sống thêm 10 tháng 7 ngày nữa. Theo kinh Lalitavistara thì bà Maha-Maya có 32 đức tính cần thiết.

Khi thấy cơ duyên đã đến, Bồ-tát Hộ-Minh bèn phó chúc ngôi vị lãnh đạo chư Thiên lại cho ngài Di-Lặc làm Bồ-tát bổ xứ, rồi từ cung trời Ðâu-Suất  giáng trần, thị hiện nhập thai tại thành Ca Tỳ La Vệ, gần chân núi Himalaya, thuộc vùng biên giới đông bắc nước Ấn-độ và Nepal ngày nay, làm con trai của vua Tịnh-Phạn, và hoàng hậu Maha-Maya. Hoàng tộc xứ này đều thuộc dòng dõi Thích-Ca.

Bài học: Đây là tiền thân gần nhất của Đức phật Thích Ca. Qua đây ta biết được lý do ngài chọn Ấn Độ, và dòng họ Thích ca để đản sinh. Cần nhớ rằng, tất cả các đức Phật ra đời đều vì nhân duyên lớn, đó là : « khai thị chúng sinh ngộ, nhập Phật tri kiến » (giúp cho chúng sanh thấy và thể nhập với sự hiểu biết của chư Phật).

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Thursday, April 28, 2022

Vài suy nghĩ nhân dự một buổi lễ tốt nghiệp

Vài suy nghĩ nhân dự một buổi lễ tốt nghiệp

Sáng nay, khoa QLCN tổ chức lễ tốt nghiệp cho các tân cử nhân tốt nghiệp trong năm nay và cho cả SV tốt nghiệp năm ngoái nhưng chưa nhận bằng. Năm nay, ngoài buổi lễ chung của trường, mỗi khoa đều có 1 ngày riêng để trao bằng cho SV khoa mình, mục tiêu để bớt đông theo yêu cầu phòng tránh Covid-19 và cũng để không khí buổi lễ trang nghiêm và gần gũi hơn. Năm ngoái, do dịch bệnh, phần lớn SV không được nhận bằng ở 1 buổi lễ trang trọng như vậy, điều này tạo nhiều hụt hẩng cho các bạn SV đã tốt nghiệp. Vì vậy, buổi lễ năm nay cũng là 1 điểm được đánh giá là cải tiến tích cực từ phía nhà trường, khi biết lắng nghe ý kiến của SV, rút kinh nghiệm từ năm trước.

Khác với mọi năm, năm nay, các thầy cô trong khoa đều được mời tham dự và phải mặc lễ phục để ngồi trên sân khấu chứng kiến buổi lễ phát bằng. Điều này, cũng là 1 cải tiến khá hay, mà một số trường nước ngoài đã áp dụng. Nó làm cho buổi lễ trang trọng hơn và giúp các phụ huynh và tân cử nhân thấy được tập thể giảng viên đã từng giảng dạy trong suốt 4 năm học qua, làm tăng ý nghĩa của buổi lễ.

Nội dung buổi lễ nhìn chung cũng ngắn gọn, không quá dài dòng. Ban tổ chức cũng đã có nhiều cố gắng để tạo sinh động cho buổi lễ, như: tạo các video clip chia sẻ cảm xúc, phỏng vấn, văn nghệ, trao học bổng, rồi đến phát bằng và chụp hình lưu niệm.

Bên cạnh những điểm tích cực như đã kể trên, cũng có 1 vài điểm cần suy nghĩ như sau:

- Cách nói chuyện của MC có phần máy móc, khiến cho người nghe không cảm nhận được cảm xúc của người nói. Lẽ ra ở một buổi lễ cấp khoa như vậy, việc chia sẻ, trao đổi nên nhẹ nhàng, tình cảm, tránh rập khuôn thì sẽ tạo ra không khí gần gũi, ấm áp và nhiều cảm xúc hơn.

- Một vài tiết mục trao bằng theo tập thể chưa được chuẩn bị kỹ, nên có sự lúng túng trong việc bố trí chỗ đứng của người nhận và cách thức trao bằng của người trao, làm kéo dài thời gian và tạo cảm giác thiếu chuyên nghiệp. Điều này có thể cải tiến trong các buổi lễ sau, bằng việc sắp xếp trước, hướng dẫn và tập luyện.

- Về việc nhận bằng của từng tân cử nhân, hầu hết các bạn khi lên nhận bằng đều quên việc cúi chào tập thể thầy cô đang ngồi chứng kiến, điều này thể hiện 1 văn hóa ứng xử chưa tốt. Tôi thử đếm trong hơn 100 bạn lên nhận bằng, chỉ có khoảng 10 bạn cúi chào thầy cô khi bước lên bục nhận bằng, và chỉ có 5 bạn cúi chào thầy cô sau khi đã nhận bằng và trở về chỗ đứng bên dưới. Điều này tương phản với con số thống kê 90% tân cử nhân có việc làm ngay khi ra trường như thầy trưởng khoa đã chia sẻ trong bài diễn văn khai mạc. Phải chăng, vì quá vui trong ngày trọng đại này, mà các bạn để quên mất 1 hành động nhỏ là thể hiện lòng biết ơn đối với tập thể thầy cô của mình. Điều này, thiết nghĩ không cần hướng dẫn, bởi nó thể hiện suy nghĩ và tình cảm thật sự của mỗi người. Nên chăng, ở những năm sau, tân cử nhân khi lên sân khấu nên cúi chào các thầy cô đang chứng kiến trước khi đến nhận bằng, và khi rời khỏi sân khấu với tấm bằng trên tay, cũng nên cúi chào tri ân các thầy cô của mình, thì sẽ hay hơn.   

Ghi chép nhanh lại một vài suy nghĩ sau buổi lễ. Hy vọng, các bạn SV khóa sau có thể qua đó rút kinh nghiệm để việc tổ chức ngày lễ tốt nghiệp ở các năm sau được hay hơn và trọn vẹn hơn. Chúc các tân cử nhân nhà QLCN luôn vững bước, tự tin trong cuộc sống, và bên cạnh hành trang tri thức đã có, sẽ học được thêm nhiều bài học quý giá về tình người, và giá trị sống. 

SG, 28/04/2022 - PQT

Wednesday, April 13, 2022

Chim Phượng hoàng

Chim Phượng hoàng

Thuở quá khứ xa xưa, có một kiếp nọ Như-Lai làm chim Phượng-hoàng chúa với năm trăm người vợ đẹp theo hầu hạ, cuộc sống vinh hoa phú quý quyền uy hạnh phúc như thế, tưởng đã êm đềm với ngày tháng trôi qua. Nhưng bỗng một ngày kia Phượng-hoàng chúa bay dạo trên khu rừng già để thưởng ngoạn những hoa thơm trái lạ, chợt thấy một nàng Phượng-hoàng trẻ đẹp sắc xanh da trời với bộ lông tuyệt mỹ, dáng bay dịu dàng, tiếng hót thanh tao, khiến cho Phượng-hoàng chúa khởi tâm đắm sắc, mê mẩn dục tình, bỏ năm trăm vợ hiền trẻ đẹp để theo nàng Phượng-hoàng yêu kiều diễm lệ kia. Nàng Phượng-hoàng trẻ đẹp mới nầy khó tánh, kén ăn kén ở lại thích chiều chuộng, làm cho Phượng-hoàng chúa phải chiều lòng để cho đẹp dạ nàng. Vì thế, ngày ngày Phượng-hoàng chúa phải bay đi khắp đó đây để tìm những trái cây ngon ngọt thơm tốt đem về để làm đẹp lòng nàng Phượng-hoàng tình nhân. 

Lúc bấy giờ Hoàng-hậu thành Vương-Xá đau nặng, nhà vua đã mấy phen cho mời các ngự y, danh y trong nước đến xem bệnh hốt thuốc, nhưng bệnh tình Hoàng-hậu vẫn không thuyên giảm chút nào. Một hôm, Hoàng-hậu bị cơn bệnh hoành hành mê sảng thiếp đi, trong cơn mê sảng chiêm bao thấy có người đến mách rằng, bệnh của lệnh bà chỉ có ăn thịt Phượng-hoàng chúa mới hết, bằng không thì chẳng bao lâu nữa sẽ phải chết. Khi thức giấc, Hoàng-hậu lo sợ khóc lóc đem điềm chiêm bao tâu cho vua nghe. Vua lấy làm lo âu liền triệu tập quần thần để đoán mộng. Các thầy đoán mộng tâu vua rằng: "Nếu căn cứ vào điềm chiêm bao của Hoàng-hậu, thì chỉ còn có cách là ăn thịt chim Phượng-hoàng chúa, hoàng hậu mới hết bệnh". 
Thế rồi, nhà vua truyền lệnh rằng: "Ai bắt được chim Phượng-hoàng chúa về dâng lên vua thì sẽ được trọng thưởng ngàn lượng vàng và gả công chúa làm vợ". 

Khi lệnh nhà vua vừa truyền ra, các người thợ săn vội vã thi đua nhau đi khắp núi rừng để tìm bắt chim Phượng-hoàng chúa với hy vọng được trọng thưởng và được làm chồng công chúa. Những thợ săn không quản ngại ngày đêm đi lùng tìm, họ dùng đủ trăm phương ngàn kế bủa vây khắp nơi để tìm cách bắt cho được Phượng-hoàng chúa. Chẳng bao lâu, một trong số những thợ săn đã theo dõi biết được tông tích nơi ẩn trú của Phượng-hoàng chúa và nàng Phượng-hoàng tình nhân. 

Gã thợ săn này biết rằng con Phượng-hoàng chúa không dễ gì bắt được. Trong lúc suy tư tìm phương cách, thì anh ta nghĩ ra một diệu kế, lấy mật và bánh bột nhồi trộn lẫn nhau rồi tự trét lên thân mình anh ta. Ðồng thời chọn mua trái cây thơm ngọt gắn dính lên khắp mình anh nhìn như một đống trái cây. Xong rồi, gã thợ săn giả trang ngồi yên bất động trên một cành cây cổ thụ, kiên nhẫn đợi chờ mấy ngày liền. 

Bỗng vào một buổi mai khi ánh bình minh vừa rạng chiếu chân trời, chim chóc khắp nơi trên cành cây kẽ lá reo hò thi đua nhau bay đi tìm mồi, thì Phượng-hoàng chúa cũng như mọi ngày bay đi tìm trái cây ngon ngọt cho tình nhân. Khi Phượng-hoàng chúa bay qua đám rừng già, thoạt ngửi thấy mùi thơm ngọt thoảng trong gió, liền tìm bay đến chỗ phát ra mùi thơm, lượn mấy vòng trên không quan sát kiếm tìm. Phượng-hoàng nhìn kỹ thì thấy trên cây cổ thụ một đống trái cây thơm tốt, nên lòng rất mừng rỡ tự nhủ rằng: "Ðỡ quá! Sao mà nhiều trái cây ngon ngọt thế nầy! Từ đây ta sẽ không còn phải mất thì giờ khổ công ngày ngày tìm kiếm trái cây cho người yêu quý của ta nữa!" 

Chẳng ngần ngại, Phượng-hoàng đáp nhanh xuống cây cổ thụ quán sát một hồi thấy rõ một khối trái cây tươi tốt thơm ngọt. Tin chắc không còn ngại ngùng e sợ, Phượng-hoàng liền bay đến đậu trên đống trái cây, đúng ngay vị trí bả vai của gã thợ săn ngụy trang kia, miệng vừa cắn trái cây, chân dính mật. Nhanh như chớp, gã thợ săn chụp lấy. Phượng-hoàng kinh hãi thét lên mấy tiếng vùng vẫy. Nhưng đã quá chậm rồi. Phượng-hoàng run rẩy van xin: "Ông ơi! Chắc ông đã phải khổ cực lắm mới bắt được tôi. Vì tôi mà ông đã phải ngồi bất động cực nhọc như thế nầy. Chắc là để đổi lấy điều gì lợi ích lớn lao lắm đây, nên ông mới tốn hao khổ công thế nầy? Nếu ông chịu thả tôi ra, tôi sẽ dẫn chỉ cho ông một núi vàng. Nơi đó, ông sẽ lấy được nhiều vàng, trở thành giàu sang triệu phú. Còn mạng tôi đây có đáng gì đâu! Xin ông thương xót tha cho". 

Gã thợ săn đáp: "Sao lại không đáng? Nhà vua đã hứa rằng, hễ ai bắt được ngươi đem nộp, thì sẽ được thưởng ngàn lượng vàng và được gả công chúa làm vợ. Còn núi vàng kia làm sao bằng công chúa? Bộ ngươi muốn đùa với ta sao chớ?" 

Nói xong, kẻ thợ săn trói chặt Phượng-hoàng đem về dâng nạp lên vua. Ðược chim Phượng-hoàng chúa, nhà vua rất đỗi vui mừng, liền truyền lệnh làm thịt nấu cho Hoàng-hậu ăn để hết bệnh. 
Phượng-hoàng chúa thưa:

"Muôn tâu Thánh-thượng! Thánh thượng là bậc chí tôn trong thiên hạ, ân đức trùm khắp cả bốn phương. Nay vì cứu mạng sống của Hoàng-hậu mà tôi phải hy sinh, thì tôi cũng không lấy gì làm tiếc cái thân mạng hèn hạ nầy. Nhưng tâu Thánh-thượng, tôi vốn biết bùa phép linh thiêng kỳ diệu, có thể cứu Hoàng-hậu ra khỏi ngặt nghèo mà không cần phải ăn thịt tôi. Nếu Thánh-thượng tin thương, thì xin cho một thau nước, tôi sẽ vẽ thần chú linh phù trong nước rồi đem dâng cho Hoàng-hậu uống và tắm thì bệnh hết ngay. Nhược bằng không hiệu nghiệm, tôi xin chịu tội mất mạng cũng chẳng muộn. Còn nếu Hoàng-hậu lành bệnh, xin Ngài thả tôi về lại với núi rừng".

Nhà vua lấy làm ngạc nhiên, nhưng vẫn nhận lời và ra lệnh cận thần bưng thau nước đến. 

Quả đúng như vậy. Sau khi Hoàng-hậu uống và tắm nước linh phù xong, thì cảm thấy mạnh khỏe và sắc diện Hoàng-hậu trở nên trẻ đẹp hơn trước. Nỗi sầu lo ưu buồn của nhà vua và của cả hoàng triều cũng liền theo đó không còn nữa. Ðược tin Hoàng-hậu bình phục như thường, từ trong thành nội cho đến ngoài nhân gian, khắp mọi cõi lòng tràn ngập nguồn vui. 

Sau khi Hoàng-hậu trở nên mạnh khỏe trẻ đẹp hơn xưa, nhà vua vô cùng mừng rỡ và thầm khen tài nghệ thần bí của Phượng-hoàng. Nhà vua muốn giữ Phượng-hoàng ở lại hoàng cung. Nhưng trước đó nhà vua đã hứa thả Phượng-hoàng về với núi rừng, khi Hoàng-hậu lành bệnh. Trong lúc đó, Phượng-hoàng để thử ý nhà vua, xem có con thiết tha cần mình nữa không, nên xin nhà vua giữ lời hứa. Riêng về nhà vua lúc nầy thì mãi bận vui với Hoàng-hậu, nên chẳng còn để ý tới Phượng-hoàng nữa. 

Trước khi rời khỏi cung vua để bay về núi rừng sống lại cuộc đời mây nước trời cao rừng thẳm bao la, Phượng-hoàng còn tâu với vua lần chót rằng: "Muôn tâu Bệ-hạ! Ðể trả ơn Bệ-hạ tha sống, xin Bệ-hạ cho phép tôi được đáp xuống hồ sen bán nguyệt đọc thần chú linh phù, để nhân dân trong nước của Ngài nếu ai có bệnh tật mà uống nước hồ nầy thì cũng sẽ được tiêu trừ". Nhà vua cả mừng bằng lòng ngay. Từ đấy, nhân dân trong nước, hễ ai có bệnh tật gì đến xin lấy nước hồ sen uống thì đều được lành bệnh ngay. 

Phượng-hoàng bay đậu trên nóc cung điện bái chào nhà vua và hoàng triều lần cuối trước khi từ biệt. Từ trên nóc cung điện, Phượng-hoàng nói lớn lên rằng:

"Trên đời nầy có ba kẻ điên: Kẻ thứ nhất là tôi, kẻ thứ nhì là gã thợ săn, và kẻ thứ ba là Bệ-hạ". 

Nói xong thấy nhà vua và cả hoàng triều nhìn chim Phượng-hoàng với dáng điệu ngơ ngác ngạc nhiên, Phượng-hoàng liền nói tiếp:

"Chư Phật đã từng nói, nữ sắc cắt giết mạng người. Tôi vì mê sắc đẹp của tình nhân mà bội bạc bỏ năm trăm người vợ hiền chung tình ngày đêm săn sóc cho tôi. Tôi vốn là vua của loài Phượng-hoàng, trời cao mây nước vốn là giang sơn của tôi. Thế mà vì nữ sắc, tôi phải ngày ngày đem thân làm tôi mọi đi kiếm tìm thức ăn ngon ngọt để về cung phụng cho một con Phượng-hoàng mái, để đến nỗi phải rơi vào tay gã thợ săn xuýt nữa toi mạng. Ấy là tôi điên. 

Còn gã thợ săn kia, tôi đã thật tình khẩn khoản chỉ núi vàng cho gã để đổi lấy mạng sống của tôi, để gã trở nên người giàu sang triệu phú. Nhưng gã vì quá ước mơ được lấy công chúa. Lời hứa của đàn bà chẳng khác sương sáng cành hoa, mây chiều lãng đãng, có chắc gì đâu? Nghe thì hay ho êm dịu, thấy thì đẹp như hoa nở bướm lượn, nhưng tất cả đều là ảo tưởng huyễn mộng, không có gì thật cả. Sự nghiệp danh giá của kẻ nam nhi sẽ lại tan tành trong nháy mắt vì nữ sắc. Như gã thợ săn kia, vì nghe lời hứa của nhà vua, say sưa sẽ được công chúa, mà mất cả núi vàng, mất cả giàu sang và mất cả công chúa. Ấy là kẻ điên thứ hai. 

Còn Bệ-hạ được một danh y cứu sống Hoàng-hậu, cứu bệnh tật muôn dân, đem lại sự an lành cho thiên hạ. Ấy thế mà Bệ-hạ để cho danh y ấy ra đi không một lời khẩn khoản nài nỉ, không một chút tiếc nuối. Bệ-hạ chỉ biết vui với Hoàng-hậu, sẵn sàng chém đầu bất cứ ai, miễn là được Hoàng-hậu vui vẻ bên vua. Nếu tôi không có thần chú linh phù thì chắc cái đầu tôi cũng bay đi rồi, và giờ nầy thân tôi đã vào bụng Hoàng-hậu. Thế có phải Bệ-hạ là kẻ điên thứ ba không?"

Nói xong, Phượng-hoàng cất cánh bay cao vào khoảng trời mây bao la cao rộng xanh biếc. 

Thuật câu chuyện xong, đức Phật nói với đại chúng rằng: "Người thợ săn trong mẩu chuyện mà ta mới vừa kể chính là tiền thân của Ðề-Bà Ðạt-Ða. Còn Hoàng-hậu đòi ăn thịt chim Phượng-hoàng kia chính là tiền thân vợ của Ðề-Bà Ðạt-Ða ngày nay. Nhà vua thuở đó chính là tiền thân của Xá-Lợi-Phất. Chim Phượng-hoàng chính là tiền thân của Như-Lai đây vậy". 

Ðức Phật còn nói tiếp, thuở ấy, tuy đọa làm thân súc sanh, nhưng ta đã phát tâm tu Bồ-Tát hạnh, hành Bồ-Tát đạo với tâm từ bi hỷ xả cứu độ thế nhân. Chẳng qua vì một niệm mê đắm sắc dục mà ta đã phải lụy thân làm kiếp con Phượng-hoàng.

Bài học: Không nên đắm mê sắc dục, bởi đó là nguyên nhân của khổ đau và nhiều tai nạn trong cuộc sống. Ái dục dễ làm con người mê đắm và sa đọa, trôi lăn trong nhiều kiếp luân hồi. Nhưng bản chất của ái dục thì vui ít, khổ nhiều, và chẳng mấy khi được thỏa mãn. Người tu học cần “thiểu dục, tri túc”, tránh xa các cám dỗ của ái dục để có thể an ổn, và đạt được chân hạnh phúc, giải thoát. Trong câu chuyện trên, cả chim Phượng hoàng, gã thợ săn và nhà Vua đều là nạn nhân của ái dục, dẫn đến trí tuệ mê mờ và hành động không sáng suốt (được chim Phượng hoàng ví như 3 kẻ điên). Vì vậy, người tu cần tránh xa ngũ dục (tài, danh, sắc, thực, thùy), đặc biệt là sắc dục là thứ dễ khiến con người ta điên đảo và trầm luân sanh tử.

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Thursday, April 7, 2022

Nguyện lành

Nguyện lành

Ta, cũng một con người trong vũ trụ
Sống hiên ngang, không lùi trước gian nguy
Khi hiểu đời ta cất bước ra đi
Mong tìm đến nơi cao hơn cõi sống

Nhưng lâu rồi, tâm hồn ta vẫn trống
Vì niềm tin nhỏ bé tự bao giờ
...Chưa thành hình ta cảm thấy bơ vơ
Khi nắng sớm, mưa chiều trong cô quạnh

Mùa xuân đến sao lòng ta vẫn lạnh
Xuân đi rồi, ta sống kiếp đơn côi
Màn đêm lên ta cảm thấy bồi hồi
Thương số kiếp mê lầm trong u tối

Vì vô minh khiến bao người lầm lỗi
Ham lợi danh bao kẻ tiếc thời xuân
Còn thân ta dù gặp phải gian truân
Ta không ngại vẫn đương đầu thử thách

Mong giúp đời ta lo tìm phương cách
Cứu chúng sinh còn đắm cảnh luân hồi
Đem đạo vàng gieo rắc khắp nơi nơi
Cho nhân thế sớm quay về nẻo chánh

Ta không ngại quyền uy hay sức mạnh
Vẫn một lòng nuôi thiện chí của ta
Mong chúng sinh không mê đắm ái hà
Đấy ước nguyện của lòng ta muôn thuở

Vân Hà (TTHA)

Wednesday, March 23, 2022

Về mái chùa xưa

 


Về mái chùa xưa


Con về thăm thầy giữa ngày đông giá rét
Cũng không bằng cái lạnh giữa lòng con
Bên chùa xưa chánh điện vẫn vàng son
Hoa vẫn nở, khói hương nghi ngút đó

Thầy ở đâu giữa muôn trùng quốc độ
Du hí thần thông hay nặng nợ non sông
Giữa mây ngàn gió núi cõi phiêu bồng
Hay miên viễn giữa cõi thiền tĩnh lặng

Con đi mãi cuộc hành trình vượt thắng
Trong đêm dài bóng tối lẫn cuồng phong
Nghe tâm mê, sóng dục, trí ma vương
Chan hoà khắp biển trời mây sông nước

Con nhớ lời thầy như lời non nước
Giữ tim trong mắt sáng chí kiên cường
Giữa yêu ma, tà nguỵ vẫn nêu gương
Không chùn bước sờn lòng không thối chuyển

Đi một bước, có thể đi ngàn bước,
Việc hôm nay con chớ để ngày mai
Giúp được gì thì con hãy làm ngay,
Cuộc sống cõi người ta ngắn lắm

Con đứng lặng sân chùa chiều tắt nắng.
Tưởng ơn thầy hoài niệm những ngày qua,
Giữa vô biên, lắng đọng cõi ta bà
Thầy vẫn đó, dẫu sân chùa quạnh vắng…


PTL