Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Wednesday, April 13, 2022

Chim Phượng hoàng

Chim Phượng hoàng

Thuở quá khứ xa xưa, có một kiếp nọ Như-Lai làm chim Phượng-hoàng chúa với năm trăm người vợ đẹp theo hầu hạ, cuộc sống vinh hoa phú quý quyền uy hạnh phúc như thế, tưởng đã êm đềm với ngày tháng trôi qua. Nhưng bỗng một ngày kia Phượng-hoàng chúa bay dạo trên khu rừng già để thưởng ngoạn những hoa thơm trái lạ, chợt thấy một nàng Phượng-hoàng trẻ đẹp sắc xanh da trời với bộ lông tuyệt mỹ, dáng bay dịu dàng, tiếng hót thanh tao, khiến cho Phượng-hoàng chúa khởi tâm đắm sắc, mê mẩn dục tình, bỏ năm trăm vợ hiền trẻ đẹp để theo nàng Phượng-hoàng yêu kiều diễm lệ kia. Nàng Phượng-hoàng trẻ đẹp mới nầy khó tánh, kén ăn kén ở lại thích chiều chuộng, làm cho Phượng-hoàng chúa phải chiều lòng để cho đẹp dạ nàng. Vì thế, ngày ngày Phượng-hoàng chúa phải bay đi khắp đó đây để tìm những trái cây ngon ngọt thơm tốt đem về để làm đẹp lòng nàng Phượng-hoàng tình nhân. 

Lúc bấy giờ Hoàng-hậu thành Vương-Xá đau nặng, nhà vua đã mấy phen cho mời các ngự y, danh y trong nước đến xem bệnh hốt thuốc, nhưng bệnh tình Hoàng-hậu vẫn không thuyên giảm chút nào. Một hôm, Hoàng-hậu bị cơn bệnh hoành hành mê sảng thiếp đi, trong cơn mê sảng chiêm bao thấy có người đến mách rằng, bệnh của lệnh bà chỉ có ăn thịt Phượng-hoàng chúa mới hết, bằng không thì chẳng bao lâu nữa sẽ phải chết. Khi thức giấc, Hoàng-hậu lo sợ khóc lóc đem điềm chiêm bao tâu cho vua nghe. Vua lấy làm lo âu liền triệu tập quần thần để đoán mộng. Các thầy đoán mộng tâu vua rằng: "Nếu căn cứ vào điềm chiêm bao của Hoàng-hậu, thì chỉ còn có cách là ăn thịt chim Phượng-hoàng chúa, hoàng hậu mới hết bệnh". 
Thế rồi, nhà vua truyền lệnh rằng: "Ai bắt được chim Phượng-hoàng chúa về dâng lên vua thì sẽ được trọng thưởng ngàn lượng vàng và gả công chúa làm vợ". 

Khi lệnh nhà vua vừa truyền ra, các người thợ săn vội vã thi đua nhau đi khắp núi rừng để tìm bắt chim Phượng-hoàng chúa với hy vọng được trọng thưởng và được làm chồng công chúa. Những thợ săn không quản ngại ngày đêm đi lùng tìm, họ dùng đủ trăm phương ngàn kế bủa vây khắp nơi để tìm cách bắt cho được Phượng-hoàng chúa. Chẳng bao lâu, một trong số những thợ săn đã theo dõi biết được tông tích nơi ẩn trú của Phượng-hoàng chúa và nàng Phượng-hoàng tình nhân. 

Gã thợ săn này biết rằng con Phượng-hoàng chúa không dễ gì bắt được. Trong lúc suy tư tìm phương cách, thì anh ta nghĩ ra một diệu kế, lấy mật và bánh bột nhồi trộn lẫn nhau rồi tự trét lên thân mình anh ta. Ðồng thời chọn mua trái cây thơm ngọt gắn dính lên khắp mình anh nhìn như một đống trái cây. Xong rồi, gã thợ săn giả trang ngồi yên bất động trên một cành cây cổ thụ, kiên nhẫn đợi chờ mấy ngày liền. 

Bỗng vào một buổi mai khi ánh bình minh vừa rạng chiếu chân trời, chim chóc khắp nơi trên cành cây kẽ lá reo hò thi đua nhau bay đi tìm mồi, thì Phượng-hoàng chúa cũng như mọi ngày bay đi tìm trái cây ngon ngọt cho tình nhân. Khi Phượng-hoàng chúa bay qua đám rừng già, thoạt ngửi thấy mùi thơm ngọt thoảng trong gió, liền tìm bay đến chỗ phát ra mùi thơm, lượn mấy vòng trên không quan sát kiếm tìm. Phượng-hoàng nhìn kỹ thì thấy trên cây cổ thụ một đống trái cây thơm tốt, nên lòng rất mừng rỡ tự nhủ rằng: "Ðỡ quá! Sao mà nhiều trái cây ngon ngọt thế nầy! Từ đây ta sẽ không còn phải mất thì giờ khổ công ngày ngày tìm kiếm trái cây cho người yêu quý của ta nữa!" 

Chẳng ngần ngại, Phượng-hoàng đáp nhanh xuống cây cổ thụ quán sát một hồi thấy rõ một khối trái cây tươi tốt thơm ngọt. Tin chắc không còn ngại ngùng e sợ, Phượng-hoàng liền bay đến đậu trên đống trái cây, đúng ngay vị trí bả vai của gã thợ săn ngụy trang kia, miệng vừa cắn trái cây, chân dính mật. Nhanh như chớp, gã thợ săn chụp lấy. Phượng-hoàng kinh hãi thét lên mấy tiếng vùng vẫy. Nhưng đã quá chậm rồi. Phượng-hoàng run rẩy van xin: "Ông ơi! Chắc ông đã phải khổ cực lắm mới bắt được tôi. Vì tôi mà ông đã phải ngồi bất động cực nhọc như thế nầy. Chắc là để đổi lấy điều gì lợi ích lớn lao lắm đây, nên ông mới tốn hao khổ công thế nầy? Nếu ông chịu thả tôi ra, tôi sẽ dẫn chỉ cho ông một núi vàng. Nơi đó, ông sẽ lấy được nhiều vàng, trở thành giàu sang triệu phú. Còn mạng tôi đây có đáng gì đâu! Xin ông thương xót tha cho". 

Gã thợ săn đáp: "Sao lại không đáng? Nhà vua đã hứa rằng, hễ ai bắt được ngươi đem nộp, thì sẽ được thưởng ngàn lượng vàng và được gả công chúa làm vợ. Còn núi vàng kia làm sao bằng công chúa? Bộ ngươi muốn đùa với ta sao chớ?" 

Nói xong, kẻ thợ săn trói chặt Phượng-hoàng đem về dâng nạp lên vua. Ðược chim Phượng-hoàng chúa, nhà vua rất đỗi vui mừng, liền truyền lệnh làm thịt nấu cho Hoàng-hậu ăn để hết bệnh. 
Phượng-hoàng chúa thưa:

"Muôn tâu Thánh-thượng! Thánh thượng là bậc chí tôn trong thiên hạ, ân đức trùm khắp cả bốn phương. Nay vì cứu mạng sống của Hoàng-hậu mà tôi phải hy sinh, thì tôi cũng không lấy gì làm tiếc cái thân mạng hèn hạ nầy. Nhưng tâu Thánh-thượng, tôi vốn biết bùa phép linh thiêng kỳ diệu, có thể cứu Hoàng-hậu ra khỏi ngặt nghèo mà không cần phải ăn thịt tôi. Nếu Thánh-thượng tin thương, thì xin cho một thau nước, tôi sẽ vẽ thần chú linh phù trong nước rồi đem dâng cho Hoàng-hậu uống và tắm thì bệnh hết ngay. Nhược bằng không hiệu nghiệm, tôi xin chịu tội mất mạng cũng chẳng muộn. Còn nếu Hoàng-hậu lành bệnh, xin Ngài thả tôi về lại với núi rừng".

Nhà vua lấy làm ngạc nhiên, nhưng vẫn nhận lời và ra lệnh cận thần bưng thau nước đến. 

Quả đúng như vậy. Sau khi Hoàng-hậu uống và tắm nước linh phù xong, thì cảm thấy mạnh khỏe và sắc diện Hoàng-hậu trở nên trẻ đẹp hơn trước. Nỗi sầu lo ưu buồn của nhà vua và của cả hoàng triều cũng liền theo đó không còn nữa. Ðược tin Hoàng-hậu bình phục như thường, từ trong thành nội cho đến ngoài nhân gian, khắp mọi cõi lòng tràn ngập nguồn vui. 

Sau khi Hoàng-hậu trở nên mạnh khỏe trẻ đẹp hơn xưa, nhà vua vô cùng mừng rỡ và thầm khen tài nghệ thần bí của Phượng-hoàng. Nhà vua muốn giữ Phượng-hoàng ở lại hoàng cung. Nhưng trước đó nhà vua đã hứa thả Phượng-hoàng về với núi rừng, khi Hoàng-hậu lành bệnh. Trong lúc đó, Phượng-hoàng để thử ý nhà vua, xem có con thiết tha cần mình nữa không, nên xin nhà vua giữ lời hứa. Riêng về nhà vua lúc nầy thì mãi bận vui với Hoàng-hậu, nên chẳng còn để ý tới Phượng-hoàng nữa. 

Trước khi rời khỏi cung vua để bay về núi rừng sống lại cuộc đời mây nước trời cao rừng thẳm bao la, Phượng-hoàng còn tâu với vua lần chót rằng: "Muôn tâu Bệ-hạ! Ðể trả ơn Bệ-hạ tha sống, xin Bệ-hạ cho phép tôi được đáp xuống hồ sen bán nguyệt đọc thần chú linh phù, để nhân dân trong nước của Ngài nếu ai có bệnh tật mà uống nước hồ nầy thì cũng sẽ được tiêu trừ". Nhà vua cả mừng bằng lòng ngay. Từ đấy, nhân dân trong nước, hễ ai có bệnh tật gì đến xin lấy nước hồ sen uống thì đều được lành bệnh ngay. 

Phượng-hoàng bay đậu trên nóc cung điện bái chào nhà vua và hoàng triều lần cuối trước khi từ biệt. Từ trên nóc cung điện, Phượng-hoàng nói lớn lên rằng:

"Trên đời nầy có ba kẻ điên: Kẻ thứ nhất là tôi, kẻ thứ nhì là gã thợ săn, và kẻ thứ ba là Bệ-hạ". 

Nói xong thấy nhà vua và cả hoàng triều nhìn chim Phượng-hoàng với dáng điệu ngơ ngác ngạc nhiên, Phượng-hoàng liền nói tiếp:

"Chư Phật đã từng nói, nữ sắc cắt giết mạng người. Tôi vì mê sắc đẹp của tình nhân mà bội bạc bỏ năm trăm người vợ hiền chung tình ngày đêm săn sóc cho tôi. Tôi vốn là vua của loài Phượng-hoàng, trời cao mây nước vốn là giang sơn của tôi. Thế mà vì nữ sắc, tôi phải ngày ngày đem thân làm tôi mọi đi kiếm tìm thức ăn ngon ngọt để về cung phụng cho một con Phượng-hoàng mái, để đến nỗi phải rơi vào tay gã thợ săn xuýt nữa toi mạng. Ấy là tôi điên. 

Còn gã thợ săn kia, tôi đã thật tình khẩn khoản chỉ núi vàng cho gã để đổi lấy mạng sống của tôi, để gã trở nên người giàu sang triệu phú. Nhưng gã vì quá ước mơ được lấy công chúa. Lời hứa của đàn bà chẳng khác sương sáng cành hoa, mây chiều lãng đãng, có chắc gì đâu? Nghe thì hay ho êm dịu, thấy thì đẹp như hoa nở bướm lượn, nhưng tất cả đều là ảo tưởng huyễn mộng, không có gì thật cả. Sự nghiệp danh giá của kẻ nam nhi sẽ lại tan tành trong nháy mắt vì nữ sắc. Như gã thợ săn kia, vì nghe lời hứa của nhà vua, say sưa sẽ được công chúa, mà mất cả núi vàng, mất cả giàu sang và mất cả công chúa. Ấy là kẻ điên thứ hai. 

Còn Bệ-hạ được một danh y cứu sống Hoàng-hậu, cứu bệnh tật muôn dân, đem lại sự an lành cho thiên hạ. Ấy thế mà Bệ-hạ để cho danh y ấy ra đi không một lời khẩn khoản nài nỉ, không một chút tiếc nuối. Bệ-hạ chỉ biết vui với Hoàng-hậu, sẵn sàng chém đầu bất cứ ai, miễn là được Hoàng-hậu vui vẻ bên vua. Nếu tôi không có thần chú linh phù thì chắc cái đầu tôi cũng bay đi rồi, và giờ nầy thân tôi đã vào bụng Hoàng-hậu. Thế có phải Bệ-hạ là kẻ điên thứ ba không?"

Nói xong, Phượng-hoàng cất cánh bay cao vào khoảng trời mây bao la cao rộng xanh biếc. 

Thuật câu chuyện xong, đức Phật nói với đại chúng rằng: "Người thợ săn trong mẩu chuyện mà ta mới vừa kể chính là tiền thân của Ðề-Bà Ðạt-Ða. Còn Hoàng-hậu đòi ăn thịt chim Phượng-hoàng kia chính là tiền thân vợ của Ðề-Bà Ðạt-Ða ngày nay. Nhà vua thuở đó chính là tiền thân của Xá-Lợi-Phất. Chim Phượng-hoàng chính là tiền thân của Như-Lai đây vậy". 

Ðức Phật còn nói tiếp, thuở ấy, tuy đọa làm thân súc sanh, nhưng ta đã phát tâm tu Bồ-Tát hạnh, hành Bồ-Tát đạo với tâm từ bi hỷ xả cứu độ thế nhân. Chẳng qua vì một niệm mê đắm sắc dục mà ta đã phải lụy thân làm kiếp con Phượng-hoàng.

Bài học: Không nên đắm mê sắc dục, bởi đó là nguyên nhân của khổ đau và nhiều tai nạn trong cuộc sống. Ái dục dễ làm con người mê đắm và sa đọa, trôi lăn trong nhiều kiếp luân hồi. Nhưng bản chất của ái dục thì vui ít, khổ nhiều, và chẳng mấy khi được thỏa mãn. Người tu học cần “thiểu dục, tri túc”, tránh xa các cám dỗ của ái dục để có thể an ổn, và đạt được chân hạnh phúc, giải thoát. Trong câu chuyện trên, cả chim Phượng hoàng, gã thợ săn và nhà Vua đều là nạn nhân của ái dục, dẫn đến trí tuệ mê mờ và hành động không sáng suốt (được chim Phượng hoàng ví như 3 kẻ điên). Vì vậy, người tu cần tránh xa ngũ dục (tài, danh, sắc, thực, thùy), đặc biệt là sắc dục là thứ dễ khiến con người ta điên đảo và trầm luân sanh tử.

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 3 - Đức Kiên)

Thursday, April 7, 2022

Nguyện lành

Nguyện lành

Ta, cũng một con người trong vũ trụ
Sống hiên ngang, không lùi trước gian nguy
Khi hiểu đời ta cất bước ra đi
Mong tìm đến nơi cao hơn cõi sống

Nhưng lâu rồi, tâm hồn ta vẫn trống
Vì niềm tin nhỏ bé tự bao giờ
...Chưa thành hình ta cảm thấy bơ vơ
Khi nắng sớm, mưa chiều trong cô quạnh

Mùa xuân đến sao lòng ta vẫn lạnh
Xuân đi rồi, ta sống kiếp đơn côi
Màn đêm lên ta cảm thấy bồi hồi
Thương số kiếp mê lầm trong u tối

Vì vô minh khiến bao người lầm lỗi
Ham lợi danh bao kẻ tiếc thời xuân
Còn thân ta dù gặp phải gian truân
Ta không ngại vẫn đương đầu thử thách

Mong giúp đời ta lo tìm phương cách
Cứu chúng sinh còn đắm cảnh luân hồi
Đem đạo vàng gieo rắc khắp nơi nơi
Cho nhân thế sớm quay về nẻo chánh

Ta không ngại quyền uy hay sức mạnh
Vẫn một lòng nuôi thiện chí của ta
Mong chúng sinh không mê đắm ái hà
Đấy ước nguyện của lòng ta muôn thuở

Vân Hà (TTHA)

Wednesday, March 23, 2022

Về mái chùa xưa

 


Về mái chùa xưa


Con về thăm thầy giữa ngày đông giá rét
Cũng không bằng cái lạnh giữa lòng con
Bên chùa xưa chánh điện vẫn vàng son
Hoa vẫn nở, khói hương nghi ngút đó

Thầy ở đâu giữa muôn trùng quốc độ
Du hí thần thông hay nặng nợ non sông
Giữa mây ngàn gió núi cõi phiêu bồng
Hay miên viễn giữa cõi thiền tĩnh lặng

Con đi mãi cuộc hành trình vượt thắng
Trong đêm dài bóng tối lẫn cuồng phong
Nghe tâm mê, sóng dục, trí ma vương
Chan hoà khắp biển trời mây sông nước

Con nhớ lời thầy như lời non nước
Giữ tim trong mắt sáng chí kiên cường
Giữa yêu ma, tà nguỵ vẫn nêu gương
Không chùn bước sờn lòng không thối chuyển

Đi một bước, có thể đi ngàn bước,
Việc hôm nay con chớ để ngày mai
Giúp được gì thì con hãy làm ngay,
Cuộc sống cõi người ta ngắn lắm

Con đứng lặng sân chùa chiều tắt nắng.
Tưởng ơn thầy hoài niệm những ngày qua,
Giữa vô biên, lắng đọng cõi ta bà
Thầy vẫn đó, dẫu sân chùa quạnh vắng…


PTL

Friday, March 11, 2022

Vào Cuộc Vô Thường

Vào Cuộc Vô Thường

Chào nhau ngả nón bên đường
Em đi vào cuộc vô thường mà chơi
Trời sinh chiếc lá phải rơi
Tiếng chim phải lảnh lót đời tịch liêu
Sợi vàng
cho nắng ban chiều
Xanh xao
cho ánh trăng điêu tàn và
Lửa hồng cho gió đông qua
Giáo gươm cho cuộc phong ba chuyển dời

Yêu thương cho ấm hồn người
Prajna bỉ ngạn cho đời trầm luân...

PTL

Friday, February 25, 2022

Chiến tranh và Hoà bình

Xin chia sẻ cùng nhân dân Ukraine đang bị nước Nga xâm chiếm. Cầu mong hòa bình và độc lập sẽ sớm trở lại với nước Ukraine!



Chiến tranh và Hoà bình


Nhân loại ơi, thôi đừng gây chiến nữa
Mấy ngàn năm sao chẳng chịu ngừng tay
Vì ngu dốt, tham lam và xằng bậy,
Gieo bạo tàn, vơ vét mấy cho vừa ?

Nhìn lịch sử, bao nhiêu là bạo chúa 
Xây cơ đồ trên xương máu bao người 
Mộng bá vương, mong thống trị muôn đời 
Rồi cũng chết, chẳng mang theo gì nữa.

Tần Thuỷ Hoàng, Alexandre đại đế
Thành Cát Tư Hãn, rồi Hitler đã thế
Chẳng còn chi, chỉ tiếng xấu muôn đời 
Tạo làm chi bao oán hận ai ơi ?

Hãy nhìn xuống bao phận người cơ khổ 
Khói bụi ngập tràn, máu đổ nhà tan !
Súng đã nổ, bình yên đâu còn chỗ 
Ai sẽ được gì trong khói bụi tan hoang ?

Sao chẳng dừng tay, hoà bình chung sống 
Kiến tạo văn minh, thịnh vượng, nghĩa tình 
Lãnh đạo giỏi, phải nhìn xa trông rộng 
Tạo hạnh phúc chung tức giúp nước mình.

Thế giới văn minh hãy cùng chung sức 
Ngăn cản độc tài bạo chúa lên ngôi 
Thiện phải thắng, bạo tàn đành bất lực 
Hoà bình cần cùng bảo vệ người ơi!

Hãy chấp tay nguyện cầu bồ câu trắng 
Sẽ trở về trên khắp nẻo địa cầu 
Tình thương sẽ xoá tan bao thù hận 
Hoà bình lại về - tay nắm tay nhau!

PQT - 25/02/2022

Friday, February 18, 2022

Thơ Xuân

 

Thơ Xuân

Phạm Trường Linh

Mấy nghìn năm lịch sử, mấy thăng trầm
Lại mở đầu bằng một trang sử mới

Năm cũ đã qua,
Thế nước còn đen cơn bĩ cực
Ngày xuân mới đến,
cơ trời đã chuyển vận hanh thông

Vượt chướng duyên phiền não, đến bờ không,
Tâm thường lạc giữa muà xuân vạn hạnh
Hoa lại nở, ngoài hiên đêm một nhánh
Đạo vô cùng, trong nhất niệm bất sinh,
Bốn mùa vần chuyển chung quanh
Xuân sinh thu liễm … tàn đêm đến ngày

Chút tình non nước vơi đầy
Lòng xuân man mác biết ngày nào đây.

(Bài thơ Xuân chào thế kỷ 21)

Monday, February 14, 2022

Tuesday, February 8, 2022

Trên thuận dưới hoà

 


Trên thuận dưới hoà

“Một năm cốt ở mùa Xuân
Một ngày cốt ở giờ Dần mà ra
Một nhà cốt ở thuận hoà
Một đời cốt ở lòng ta chuyên cần”
Em ơi, hoa nở mùa Xuân
Mỉm cười hạnh phúc thật gần trong ta
Bốn mùa mưa thuận gió hoà
Bởi tâm Chánh niệm chớ mà bỏ quên
Gia đình hạnh phúc ấm êm
Bởi nhờ hoà thuận dưới trên kính nhường
Thuận là hành động yêu thương
Hoà là an ổn chẳng vương hận sầu
Hiểu thương đối xử với nhau
Chuyên cần nối lại nhịp cầu truyền thông
Chúc nhau hạnh phúc thành công
Chuyên tâm hành thiện trong lòng an vui
Xuân về chúc khắp mọi nơi
Gia đình hoà thuận, một đời ấm êm…

Mùng 4 - Tết Nhâm Dần
PQT

Saturday, January 22, 2022

Kính tiễn thầy Nhất Hạnh

Kính tiễn thầy Nhất Hạnh

Một vì sao rụng đêm qua
Thầy ra đi bỏ ta bà khổ đau
Nhất tâm đảnh lễ... nguyện cầu
Hạnh ngài đã vượt bè lau… tới bờ
Đã về đã tới xưa giờ
Sao lòng thảng thốt, không ngờ hợp tan
Bóng thầy tỏa mát trần gian
Hoà bình kêu gọi, vén màn vô minh
Thuyền từ cứu độ chúng sinh
Làng Mai tạo dựng mô hình tòng lâm
Quay về nương tựa bổn tâm
Hiện pháp lạc trú - âm thầm sáng soi
Hiểu thương - an lạc cho đời
Thong dong mây trắng, thảnh thơi thiền hành
Niết Bàn - thầy dạo an lành
Chúng con noi bước, thiền hành vững an
Thực hành hơi thở vững vàng
Mĩm cười an lạc - sen vàng tỏa hương
Mát lòng giọt nước cành dương
Chúng con xin mãi tựa nương lời thầy
Bóng thầy vượt chín tầng mây
Thế gian nhớ mãi ơn thầy… thầy ơi!
22/1/22 - Đức Kiên

Friday, January 14, 2022

TU TÂM

 


TU TÂM

 

Tâm là gốc tội

Nên cần phải tu

Luân hồi chìm nổi

Bởi tâm mịt mù

 

Quay về nương tựa

Uốn nắn tâm xưa

Nhận ra bản chất

Tham sân xin chừa

 

Tâm vốn không hình

Dẫn dắt chúng sinh

Thành ma thành Phật

Cũng bởi tâm mình

 

Bởi tâm điên đảo

Chạy theo vọng tình

Đắm mê hư ảo

Nổi chìm lênh đênh

 

Cầm dây hơi thở

Chăn trâu - tâm mình

Chẳng rời chẳng hở

Trâu nằm lặng thinh

 

An ban thủ ý

Thở vào thở ra

Lắng dừng tâm ý

Đưa tâm về nhà

 

Đã về đã tới

Bây giờ ở đây

Trâu nằm yên đợi

An vui nơi này

 

Tu tâm thuần thục

Quên trâu quên người

Tâm đà nhiếp phục

Tháng ngày rong chơi

 

Không giẫm lúa gạo

Tùy duyên giúp đời

Thong dong nếp đạo

Niết bàn thảnh thơi…


Đức Kiên