Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Friday, February 25, 2022

Chiến tranh và Hoà bình

Xin chia sẻ cùng nhân dân Ukraine đang bị nước Nga xâm chiếm. Cầu mong hòa bình và độc lập sẽ sớm trở lại với nước Ukraine!



Chiến tranh và Hoà bình


Nhân loại ơi, thôi đừng gây chiến nữa
Mấy ngàn năm sao chẳng chịu ngừng tay
Vì ngu dốt, tham lam và xằng bậy,
Gieo bạo tàn, vơ vét mấy cho vừa ?

Nhìn lịch sử, bao nhiêu là bạo chúa 
Xây cơ đồ trên xương máu bao người 
Mộng bá vương, mong thống trị muôn đời 
Rồi cũng chết, chẳng mang theo gì nữa.

Tần Thuỷ Hoàng, Alexandre đại đế
Thành Cát Tư Hãn, rồi Hitler đã thế
Chẳng còn chi, chỉ tiếng xấu muôn đời 
Tạo làm chi bao oán hận ai ơi ?

Hãy nhìn xuống bao phận người cơ khổ 
Khói bụi ngập tràn, máu đổ nhà tan !
Súng đã nổ, bình yên đâu còn chỗ 
Ai sẽ được gì trong khói bụi tan hoang ?

Sao chẳng dừng tay, hoà bình chung sống 
Kiến tạo văn minh, thịnh vượng, nghĩa tình 
Lãnh đạo giỏi, phải nhìn xa trông rộng 
Tạo hạnh phúc chung tức giúp nước mình.

Thế giới văn minh hãy cùng chung sức 
Ngăn cản độc tài bạo chúa lên ngôi 
Thiện phải thắng, bạo tàn đành bất lực 
Hoà bình cần cùng bảo vệ người ơi!

Hãy chấp tay nguyện cầu bồ câu trắng 
Sẽ trở về trên khắp nẻo địa cầu 
Tình thương sẽ xoá tan bao thù hận 
Hoà bình lại về - tay nắm tay nhau!

PQT - 25/02/2022

Friday, February 18, 2022

Thơ Xuân

 

Thơ Xuân

Phạm Trường Linh

Mấy nghìn năm lịch sử, mấy thăng trầm
Lại mở đầu bằng một trang sử mới

Năm cũ đã qua,
Thế nước còn đen cơn bĩ cực
Ngày xuân mới đến,
cơ trời đã chuyển vận hanh thông

Vượt chướng duyên phiền não, đến bờ không,
Tâm thường lạc giữa muà xuân vạn hạnh
Hoa lại nở, ngoài hiên đêm một nhánh
Đạo vô cùng, trong nhất niệm bất sinh,
Bốn mùa vần chuyển chung quanh
Xuân sinh thu liễm … tàn đêm đến ngày

Chút tình non nước vơi đầy
Lòng xuân man mác biết ngày nào đây.

(Bài thơ Xuân chào thế kỷ 21)

Monday, February 14, 2022

Tuesday, February 8, 2022

Trên thuận dưới hoà

 


Trên thuận dưới hoà

“Một năm cốt ở mùa Xuân
Một ngày cốt ở giờ Dần mà ra
Một nhà cốt ở thuận hoà
Một đời cốt ở lòng ta chuyên cần”
Em ơi, hoa nở mùa Xuân
Mỉm cười hạnh phúc thật gần trong ta
Bốn mùa mưa thuận gió hoà
Bởi tâm Chánh niệm chớ mà bỏ quên
Gia đình hạnh phúc ấm êm
Bởi nhờ hoà thuận dưới trên kính nhường
Thuận là hành động yêu thương
Hoà là an ổn chẳng vương hận sầu
Hiểu thương đối xử với nhau
Chuyên cần nối lại nhịp cầu truyền thông
Chúc nhau hạnh phúc thành công
Chuyên tâm hành thiện trong lòng an vui
Xuân về chúc khắp mọi nơi
Gia đình hoà thuận, một đời ấm êm…

Mùng 4 - Tết Nhâm Dần
PQT

Saturday, January 22, 2022

Kính tiễn thầy Nhất Hạnh

Kính tiễn thầy Nhất Hạnh

Một vì sao rụng đêm qua
Thầy ra đi bỏ ta bà khổ đau
Nhất tâm đảnh lễ... nguyện cầu
Hạnh ngài đã vượt bè lau… tới bờ
Đã về đã tới xưa giờ
Sao lòng thảng thốt, không ngờ hợp tan
Bóng thầy tỏa mát trần gian
Hoà bình kêu gọi, vén màn vô minh
Thuyền từ cứu độ chúng sinh
Làng Mai tạo dựng mô hình tòng lâm
Quay về nương tựa bổn tâm
Hiện pháp lạc trú - âm thầm sáng soi
Hiểu thương - an lạc cho đời
Thong dong mây trắng, thảnh thơi thiền hành
Niết Bàn - thầy dạo an lành
Chúng con noi bước, thiền hành vững an
Thực hành hơi thở vững vàng
Mĩm cười an lạc - sen vàng tỏa hương
Mát lòng giọt nước cành dương
Chúng con xin mãi tựa nương lời thầy
Bóng thầy vượt chín tầng mây
Thế gian nhớ mãi ơn thầy… thầy ơi!
22/1/22 - Đức Kiên

Friday, January 14, 2022

TU TÂM

 


TU TÂM

 

Tâm là gốc tội

Nên cần phải tu

Luân hồi chìm nổi

Bởi tâm mịt mù

 

Quay về nương tựa

Uốn nắn tâm xưa

Nhận ra bản chất

Tham sân xin chừa

 

Tâm vốn không hình

Dẫn dắt chúng sinh

Thành ma thành Phật

Cũng bởi tâm mình

 

Bởi tâm điên đảo

Chạy theo vọng tình

Đắm mê hư ảo

Nổi chìm lênh đênh

 

Cầm dây hơi thở

Chăn trâu - tâm mình

Chẳng rời chẳng hở

Trâu nằm lặng thinh

 

An ban thủ ý

Thở vào thở ra

Lắng dừng tâm ý

Đưa tâm về nhà

 

Đã về đã tới

Bây giờ ở đây

Trâu nằm yên đợi

An vui nơi này

 

Tu tâm thuần thục

Quên trâu quên người

Tâm đà nhiếp phục

Tháng ngày rong chơi

 

Không giẫm lúa gạo

Tùy duyên giúp đời

Thong dong nếp đạo

Niết bàn thảnh thơi…


Đức Kiên

 

Wednesday, January 5, 2022

Năm mới ta cũng mới



Năm mới ta cũng mới


Thời gian như một vòng tròn

Xoay vần một kiếp là tròn một năm

Điểm đầu điểm cuối trong tâm

Đông qua, xuân lại âm thầm chuyển di

Pháp thân tự tánh khắc ghi

Mùa xuân miên viễn chẳng khi nào rời

Lặng nhìn thế cuộc chuyển dời

Mừng xuân, ta viết mấy lời ngâm nga

Mới là mới ở trong ta

Tu tâm, dưỡng tánh, thấy ra lỗi lầm

Sửa mình, soi lại tự tâm

Học tròn bài học, trăm năm chẳng hoài

Một năm lại bắt đầu rồi

Đếm vòng tròn của kiếp người đã qua

Mỗi năm, gắng gỏi trong ta

Trở về quê cũ, ngôi nhà tâm linh

Sống tròn lẽ đạo, chân tình

An vui, hạnh phúc, nơi mình đâu xa... 


PQT

Friday, December 31, 2021

Ý nghĩa thời gian

 

Ý nghĩa thời gian


Rồi anh trở thành một ông già
Trên thành phố này
Đi dưới những hàng cây
Năm xưa chúng ta qua đó

Em sẽ trở thành một bà già
Lưng còng tóc bạc da mồi sương
Lớp bụi thời gian sẽ phủ che tất cả
Chỉ còn ký ức trong bóng đêm nhạt nhoà

Dòng sông năm xưa lặng lẽ trôi
Mang theo những nụ hoa vàng
Tiếng cười em bay trong thinh không
Ngày ấy đã xa rồi

Chúng ta sẽ lặng lẽ từ biệt nhau
Lần cuối
Anh đi vào cõi vô cùng
Không có gì hối tiếc
Em sẽ về, khơi lại chút kỷ niệm
Tàn phai hoa gấm
Đừng khóc nhé! Em yêu!
Như một chút mặt trời trong nước
Một chút nắng mặt trời
Trên đại dương mênh mông…

PTL

Sunday, December 26, 2021

Bồ-tát Di Lặc


Bồ-tát Di Lặc

Trong vô số kiếp trước, có Đức Phật ra đời hiệu là Đại Thống Trí Như Lai thì lúc bấy giờ Đức Di Lặc (tiền thân) và Đức Phật Thích Ca (tiền thân) đồng phát tâm Bồ-đề. Đến khi Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh ra đời thì Đức Di Lặc (tiền thân) mới phát tâm xuất gia. Mặc dầu đã xuất gia nhưng tánh Ngài lại hay cẩu thả và quen theo lối phong lưu đài các. Cộng thêm tính phóng túng cũng như chẳng chịu chú tâm tu hành nên Ngài thành Phật trễ sau Đức Thích Ca gần mười tiểu kiếp. Về sau, nhờ Đức Phật Thích Ca dạy cho pháp tu Duy Thức nên Ngài mới chứng được “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”.

Vì nhận thấy giàu sang phú quý, danh vọng quyền tước đều như chiếc bóng trong gương, như trăng dưới nước nên Ngài tận diệt hết vọng tưởng say mê và hư vọng giả cảnh. Bởi thế Ngài được Phật Thích Ca thọ ký cho Ngài sau sẽ thành Phật ở thế giới Ta bà nầy.

Khi Đức Phật Thích Ca giáng sinh ở Ấn Độ cách đây trên 2500 năm thì Ngài hiện thân vào gia đình của người Bà-la-môn tên là Ba Ba Lợi ở về phía Nam Ấn Độ nhằm ngày mùng một tháng giêng âm lịch. Vì vậy, ngày mùng một tết thường được xem là ngày vía Bồ tát Di Lặc. Họ của Ngài là A Dật Đa (không ai hơn) và tên là Di Lặc (từ thị). Tên họ nầy tiêu biểu cho lòng từ bi hỷ xả vô biên của Ngài. Từ bao nhiêu kiếp cho đến ngày thành Phật, Ngài vẫn lấy hiệu là Di Lặc.

Kinh Di Lặc thượng sanh có nói: Ngày rằm tháng hai sau khi giảng kinh nầy 12 năm thì Ngài nhập diệt nơi Ngài sinh trưởng. Sau đó, Ngài sẽ sanh lên cõi trời Đầu suất để chờ khi tuổi thọ của con người trên thế gian nầy giảm rồi tăng trở lại. Trong khoảng kiếp tuổi thọ tăng thì loài người sẽ sống đến tám vạn tuổi. Và đến bấy giờ thì Ngài mới giáng sinh xuống cõi nầy. Sau đó Ngài đến cây Long Hoa tu thành ngôi Chánh Giác. Khi Ngài thành Phật thì Ngài sẽ hóa độ chúng sinh vô lượng đến sáu vạn năm mới nhập diệt.

Ngài đã hiện ra thành nhiều hóa thân để lẫn lộn với loài người ngõ hầu có cơ hội hóa độ chúng sinh. Trong các hóa thân của Ngài thì Phật tử ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam biết và thờ nhiều hơn hết là Bố Đại Hòa thượng. Chính Ngài đã hiện thân làm một vị Hòa thượng tại đất Minh châu huyện Phụng Hóa bên Trung Hoa. Ngài thường quẩy cái đãy bằng vải và đi khắp chợ búa xóm làng. Ngài thường tụ hợp các trẻ con lại rồi phân phát cho chúng bánh kẹo. Ngài giảng dạy Phật pháp và nói chuyện rất vui thú nên Ngài đi đến đâu thì các em tụ họp đông đảo đến đó. Ngài thường giảng kinh cho người nghèo và làm nhiều điều mầu nhiệm lạ thường. Lúc bấy giờ không ai biết Ngài là người như thế nào cả, do đó họ chỉ cùng nhau kêu là Bố Đại Hòa thượng (ông Hòa thượng mang đãy bằng vải).

Vì căn cứ theo ứng thân nầy nên trong các chùa ở Trung Hoa thường thờ tượng Ngài Bố Đại Hòa thượng với vẻ mặt hiền hòa hân hoan. Miệng thì cười vui vẻ và đó là tượng trưng cho đức hoan hỷ. Ngài thì người béo, bụng to và tay cầm cái đảy. Chung quanh có sáu em bé đang leo trèo trên mình Ngài. Đó là tượng trưng cho lục tặc khi đã bị Ngài hàng phục. Sự hóa thân nầy là một trong trăm ngàn hóa thân của Đức Di Lặc.

Bài học: Đức Di Lặc là một vị Bồ-tát đang ở trên cung trời Đầu suất. Ngài đợi đến khi thế giới nầy hết kiếp giảm thứ 9 rồi đến kiếp tăng thứ 10, khi đó con người sẽ hưởng thọ được trên tám vạn tuổi, thì Ngài mới giáng sinh xuống cõi nầy, mở pháp hội Long Hoa, độ cho vô số người. Bồ tát Di Lặc là biểu tượng của sự từ bi, hỷ xả. Ngày xuân đi chùa, mọi người thường chúc nhau “mùa xuân Di Lặc”, để nhắc đến câu chuyện này, và cùng hẹn nhau ở một pháp hội Long Hoa trong tương lai, nơi có đức Phật Di Lặc hạ sanh.

(Nguồn: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - Đức Kiên - tập 3)

Tuesday, December 21, 2021

Paris By Night 99 Opening - Tình Ca (Phạm Duy)

"Tôi yêu tiếng nước tôi..." - Lâu lâu nghe lại bài này để hiểu tấm lòng người xưa và thấy rằng, đó cũng vẫn là mong mỏi của người Việt ngày nay. Ước vọng yên bình, tự do... liệu có quá xa vời !?