Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Monday, March 29, 2021

TẠI SAO LŨ CHÍ SĨ RỞM LẠI CỨ HOÀNH HÀNH MĂI VẬY?


TẠI SAO LŨ CHÍ SĨ RỞM 
LẠI CỨ HOÀNH HÀNH MĂI VẬY?

Trào lưu quyền lợi phụ thuộc vào đẳng cấp địa vị, hành xử công việc theo lợi ích riêng, đang lan rộng. Nó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mưu mô, dối trá, lừa đảo đầy rẫy trong xã hội hiện nay. Tôi gọi những kẻ hùa theo trào lưu này là "chí sĩ rởm".

Ví dụ, các thuộc hạ của các lãnh chúa dưới thời phong kiến là một minh chứng tốt.

Bọn này, kẻ nào người nấy đều tỏ ra trung thành. Ngoài mặt luôn tỏ vẻ biết thân biết phận, lúc nào cũng khúm núm, cúi rạp mình. Trong ngày giỗ chạp, lễ tết, thanh minh, không bao giờ thiếu mặt. Hễ mở miệng là đều có cùng giọng điệu "trung thần báo quốc", hoặc là "thân này sẵn sàng chết vì chủ". Người thường dễ bị lừa phỉnh bằng vẻ bề ngoài của chúng. Kỳ thực, bọn chúng đều là một lũ chí sĩ rởm cả.

Được cất nhắc vào chức vụ cao một chút, ngoài lương bổng, phụ cấp quy định ra, không hiểu sao tiền cứ vào như nước. Hóa ra, kẻ trông coi việc xây cất thì luôn thúc giục chủ thầu cống lễ. Kẻ trông coi ngân khố thì đợi thị dân phải biếu xén quà cáp mới cho vay tiền. Những chuyện như vậy diễn ra như cơm bữa đến độ trở thành lệ. Ngay cả những Võ sĩ vốn được mệnh danh là trung nghĩa luôn trong tư thế chết thay cho chủ thì cũng tìm cách nâng giá trang phục để kiếm chênh lệch. Tất cả cái lũ này phải được gọi là "chí sĩ rởm chính hiệu" mới phải.

Họa hoằn lắm mới có một ông quan chính trực. Không một lời đồn nào về ông ta nhận hối lộ cả. Và thế là người đời ra sức khen ngợi. Nhưng ông ấy cũng chỉ là người không ăn cắp tiền của công quỹ mà thôi. Chẳng lẽ cứ phải khen người ta vì ở họ không có lòng dạ tham lam hay sao? Chẳng qua, vì có quá nhiều các chí sĩ rởm, nên ông ấy mới nổi đình nổi đám như vậy.

Vì sao lũ chí sĩ rởm lại nhiều đến thế? Nếu tra kỹ ngọn nguồn, thì đó là kết quả của ảo tưởng mù quáng luôn coi dân chúng là ngu muội, hiền lành và dễ trị.

Kết cục là tác hại đó đưa tới cách đối xử độc đoán, đẻ ra sự áp chế đối với người dưới. Có thể nói không có gì vô trách nhiệm hơn là cách hành xử dựa vào đẳng cấp, địa vị, tự cho mình là cha là mẹ của dân.

(Nguồn: Khuyến học - Fukuzawa Yukichi)

Wednesday, March 24, 2021

Phú Lâu Na - tấm gương hoằng pháp

Phú Lâu Na - tấm gương hoằng pháp

Mùa Ðông đã tàn, khí trời dần dần ấm áp. Dưới ánh sáng bình minh, muôn cánh hoa đang vươn mình phô sắc. Trên cành, chim chóc đã rời tổ cất tiếng hát trong trẻo, như để chào mừng ánh sáng đã trở về, hay để tiễn chân người tu sĩ sắp lên đường quên mình vì Ðạo.

Trong thành Ba La Nại ngôi Tịnh xá Trúc Lâm kiến trúc trên một cánh đồi rộng rãi, cây cối um tùm tĩnh mịch dần dần hiện rõ trong đám sương mù.

Lúc bấy giờ, Ðức Thế Tôn đang an tọa trong Tịnh xá Trúc Lâm, dùng đạo nhãn thấy dân chúng ở nước Rô Na Ba Răn Ta đang chịu nhiều điều thống khổ dưới quyền thống trị của nhà cầm quyền Kê Hoa Ðà người Bà La Môn giáo. Người ấy đã dùng thế lực sẵn có trong tay, ép buộc dân chúng phải tôn thờ Phạm Thiên và ngược đãi, bắt bớ những người chống đối lại.

Trước hành động bạo ác và bất công ấy, Ðức Thế Tôn thương hại cho Kê Hoa Ðà là một nhà trí thức mà hiện tại không có người hướng dẫn sáng suốt tương lai không tránh khỏi ác báo trong ba đường. Bấy giờ Ðức Thế Tôn thấy trong hàng đệ tử, chỉ có Tôn giả Phú Lâu Na là người có thiện duyên với dân chúng xứ ấy nên sai đến đó để giáo hóa.

Ðức Thế Tôn biết rằng: Trên con đường truyền bá Chánh Pháp dắt người trở về con đường tươi sáng của ánh đạo Từ bi, tôn giả Phú Lâu Na sẽ gặp nhiều trở ngại thử thách của đối thủ.

Biết vậy, nên Ðức Thế Tôn gọi Tôn giả Phú Lâu Na đến dạy rằng: “Dân xứ ấy và Kê Hoa Ðà độc ác lắm, ta sợ ngươi không đủ can đảm để chịu đựng”.

Tôn giả Phú Lâu Na đáp: “Bạch Thế Tôn, con nguyện đem hết năng lực để làm tròn sứ mạng”.

- Nếu đến đó bị chửi mắng, thì ngươi nghĩ sao?

- Con nghĩ, những lời chửi mắng kia cũng như những tặng phẩm nếu họ đem đến tặng cho con, con không nhận, họ sẽ mang về. Và con nghĩ rằng, những người ấy còn hiền từ lắm, vì họ chỉ chửi mắng mà không nhận nước con.

- Nếu họ đem nhận nước ngươi thì sao?

- Con nghĩ rằng, họ là những người tối dạ, vì chỉ nhận nước mà không lấy đá ném vào đầu con.

- Nếu họ dùng đá ném vào đầu ngươi?

- Con nghĩ rằng, họ rất tốt vì chỉ lấy đá ném vào đầu mà không dùng gậy đập con.

- Nếu họ dùng gậy đập ngươi?

- Con nghĩ rằng, họ rất hiền từ vì chỉ dùng gậy đập mà không giam cầm, ngăn cản bước đường truyền đạo của  con.

- Nếu họ giam cầm ngươi?

- Con nghĩ rằng, những người ấy rất tử tế, vì họ giúp con có thời gian tịnh dưỡng để nung luyện thêm ý chí, mà không dùng gươm đâm chém con.

- Nếu họ lấy gươm đâm chém ngươi?

- Con nghĩ rằng, họ rất tốt bụng, vì chỉ đâm chém mà không giết chết con.

- Nếu họ giết chết ngươi?

- Bạch Thế Tôn, con rất vui mừng, vì những người kia đã dùng tâm từ bi giúp cho con sớm thoát khỏi tấm thân giả tạm đau khổ này, để chóng thành quả vị Vô Thượng Giác.

Ðức Thế Tôn dạy: “Hay thay! Hay thay! Phú Lâu Na ngươi đã có một ý chí mạnh mẽ. Ngươi đã biết khinh thường thân mạng để phụng sự chân lý. Ngươi thật là một người đệ tử trung kiên của ta, đáng thay ta đến xứ ấy truyền bá Chánh pháp hướng mọi người trở về con đường sáng đầy an lạc và giải thoát”.

Tôn giả Phú Lâu Na đảnh lễ, vâng lời Phật dạy rồi từ giã lên đường sang xứ Rô Na Ba Răn Ta. Trong mười đại đệ tử của Phật, ông được tôn là người thuyết pháp hay đệ nhất.

(Nguồn: Những mẫu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi - tập 2 - Đức Kiên - NXB. Hồng Đức)

Saturday, March 20, 2021

Mục đích của học vấn là gì?

Mục đích của học vấn là gì?

Nếu khảo sát cụ thể các hoạt động ở mỗi con người thì sự hoạt động đó có thể chia thành hai loại như sau:

Thứ nhất là hoạt động với tư cách của một cá nhân độc lập.

Thứ hai là hoạt động với tư cách của một thành viên trong xã hội con người.

Có những người cảm thấy thỏa mãn chẳng khác gì loài sâu kiến

Mưu cầu cái ăn, cái mặc, chỗ ở ổn định dựa vào hoạt động ở khối óc và cơ thể là lẽ thường tình ở con người.

Mọi sự vật trong thế giới tự nhiên xung quanh ta, không có vật nào lại không có ích cho con người. Một hạt giống gieo xuống có thể cho ra cả hai ba trăm quả. Cây cối, tự mọc trong rừng sâu. Gió, làm quay cối xay. Biển, tiện lợi cho việc vận chuyển hàng hóa. Con người vào rừng đào hầm lò lấy than; ra sông xuống biển lấy nước; nhờ biết lợi dụng sức nước, sức lửa mà chế tạo ra tàu hỏa, tàu thủy chạy bằng hơi nước. Không sao kể xiết những lợi ích tuyệt vời của thế giới tự nhiên bao la.

Con người nhận được ơn huệ từ thế giới tự nhiên, tác động thêm một chút vào nó, tạo ra nguồn lợi cho chính mình. Chỉ cần thêm một phần trăm công sức vào những thứ sẵn có trong tự nhiên là con người đã có thể có được cái ăn, cái mặc và chỗ ở của mình. Điều này giống như nhặt được của do người khác vứt trên đường vậy. Tức là, tự bản thân con người chẳng phải khó nhọc gì cho lắm, vẫn kiếm sống được. Mà đã thế thì không có gì đáng để tự phụ.

Tất nhiên, đối với con người việc tự lập kiếm kế sinh nhai rất quan trọng. Người xưa thường dạy: “Hãy kiếm sống bằng chính mồ hôi của mình”. Thế nhưng theo tôi, cho dù chúng ta có làm đúng theo lời dạy này thì cũng chưa phải là làm đúng trách nhiệm và nghĩa vụ với tư cách là con người. Lời dạy này mới dừng lại ở chỗ răn người ta làm người thì đừng để thua kém muông thú và cũng chỉ dạy có thế.

Các loài chim chóc, muông thú, tôm cá, côn trùng… tự chúng không kiếm mồi được sao? Ví như loài kiến chẳng hạn. Loài kiến không những biết kiếm mồi mỗi ngày mà còn biết làm hang, làm ổ, tích trữ mồi trong suốt mùa đông giá rét.

Vậy mà trên đời này, có không ít người, hành vi của họ chỉ ngang với đàn kiến thôi mà cũng tự mãn.

Tôi lấy một ví dụ để mọi người cùng thấy.

Có một người con trai đến tuổi trưởng thành. Anh ta có được việc làm trong ngành công thương nghiệp, hoặc có chân trong giới quan chức. Bản thân anh ta hoàn toàn có thể sống độc lập mà không cần phụ thuộc và bất kỳ một sự trợ giúp nào từ gia đình và bạn bè. Tự tay anh ta xoay xở xây lên được một căn nhà, sắm sửa được mọi vật dụng thiết yếu trong gia đình mà không cần nhờ vả người khác và cưới được một cô vợ như ý. Anh ta sống tằn tiện, sinh con, nuôi con cái ăn học. Anh ta cũng có được một khoản tiền tiết kiệm, phòng khi “trái gió, trở giời” còn có cái để chi tiêu.

Anh ta mãn nguyện vì cho rằng như thế là mình đã có được cuộc sống độc lập. Dư luận xã hội cũng đều đánh giá anh ta là một người hoàn hảo và bản thân anh ta cũng lấy làm đắc chí.

Các bạn nghĩ sao về con người này? Tôi thì không nghĩ rằng anh ta là một con người hoàn hảo. Sẽ nhầm lẫn nếu dư luận xã hội đánh giá nhân vật này như tôi viết ở trên. Thực ra, anh ta chỉ lặp lại những gì loài kiến đã và đang làm không hơn không kém. Tôi thừa nhận rằng không tự nhiên mà anh ta có được cuộc sống ổn định, có được căn nhà riêng. Anh ta đã phải nỗ lực và vất vả lắm mới có được như vậy. Vả lại, tự anh ta tạo ra cho mình và gia đình mình cuộc sống độc lập chứ có dựa dẫm vào ai đâu. Ở điểm này thì anh ta hoàn toàn không phải hổ thẹn trước lời dạy của người xưa.

Nhưng tôi lại hoàn toàn không nghĩ rằng loài người – với tư cách là chúa tể của muôn loài – mới có được kết quả nhỏ nhoi như vậy mà đã coi là hoàn tất mục đích đích thực của cuộc đời.

Giải quyết được cái ăn, cái mặc, chỗ ở mà đã mãn nguyện, đã cảm thấy hài lòng rồi thì hóa ra cuộc đời con người trên thế gian này chỉ đơn thuần là được sinh ra rồi chết đi không thôi hay sao? Tình trạng lúc anh ta chết đi có khác gì lúc được sinh ra. Tức là quanh quẩn vẫn chỉ là chuyện sao cho có nhà cửa, có cuộc sống ổn định và có của ăn của để nữa. Vẻn vẹn chỉ có vậy. Và nếu đến thế hệ con cháu, cũng lặp đi lặp lại y hệt cuộc sống của anh ta thì dù có phải trải qua hàng trăm đời, làng xóm thị trấn nơi anh ta đã sống xưa thế nào nay chắc cũng vậy, không chút thay đổi.

Không một người nào nghĩ tới sự nghiệp công ích, công cộng, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân và gia đình. Ngoài ra thì mặc kệ.

Không một người nào có suy nghĩ là phải làm gì, để lại cái gì cho quê hương khi còn đang sống.

Người châu Âu có câu: “Nếu mọi người ai cũng chỉ mong thỏa mãn và an nhàn cho riêng cá nhân mình, thì thế gian này cũng không có gì khác khi mới có loài người”.

Thỏa mãn, toại nguyện có nhiều kiểu. Vì thế cần phải phân biệt và lưu ý về sự khác biệt đó. Lòng tham của con người giống như cái thùng không đáy, được cái này lại muốn ngay cái khác, vừa mãn nguyện đấy nhưng lại bất mãn ngay. Đó là dục vọng, là dã tâm. Phải biết chế ngự chúng.

Như tôi đã nói ở trên, những kẻ không chịu lao động trí óc, lao động chân tay, không hướng tới mục đích cơ bản của con người, chỉ có thể gọi họ là lũ lười biếng ngu đần không khác gì loài sâu bọ có hại.

Học tập, làm việc vì xã hội

Thứ hai, đặc tính của con người ta là luôn có khuynh hướng tập hợp lại thành nhóm, thành hội và thường né tránh các “bước tiến” với những nỗ lực đơn độc, lẻ loi. Con người ta cảm thấy nếu chỉ có các mối liên hệ hẹp giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái thôi thì không đủ. Ngược lại càng mở rộng được mối quan hệ với người ngoài thì con người lại càng cảm thấy tự tin, chắc chắn và yên ổn. Nhờ các mối liên hệ với người ngoài đã tạo ra quan hệ giao tiếp giữa con người với con người, và cả lý do để hình thành xã hội nữa.

Một khi còn sống trên đời, còn giao tiếp với mọi người thì bản thân mỗi con người vẫn còn là một thành viên trong xã hội. Cho nên lẽ đương nhiên là phải có nghĩa vụ với xã hội. Ngay cả học vấn, kỹ thuật, chính trị, luật pháp… không có cái nào là không cần thiết để cho con người sống trong xã hội, tất cả những thứ này sinh ra là vì xã hội con người.

Luật pháp mà chính phủ thực thi là để bảo vệ quyền cơ bản của con người, để mối quan hệ giữa con người với con người diễn ra trôi chảy. Các học giả viết sách, giáo dục con người cũng để xóa bỏ cái cũ, cái lạc hậu, nâng cao tri thức, đưa những cái mới vào cuộc sống, nhằm làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Người Trung Hoa xưa có câu: “Cai trị thiên hạ cũng giống như việc biết chia đều, chia công bằng miếng thịt cho mọi người ở chốn hội hè vậy”. Và họ còn có câu: “Hãy dọn sạch cỏ ở vườn thiên hạ trước rồi mới dọn cỏ trong sân nhà mình”. Cả hai câu nói trên đều thể hiện ý chí mong muốn làm cái gì đấy có ích cho xã hội trước khi nghĩ tới mình.

Con người ta, bất kỳ là ai, hễ có chút ít “sở trường” là đều muốn đem ra giúp ích cho đời. Đó âu cũng là lẽ thường. Nhiều khi tưởng chừng như con người không có ý thức vì xã hội, nhưng rồi không biết bằng cách nào mà con cháu họ vẫn nhận được ơn huệ đó. Đó là vì trong con người có thiện tâm, nên các nghĩa vụ trong xã hội rồi cũng đều được thực hiện.

Nếu trong xã hội từ xa xưa mà không có những con người như vậy thì chúng ta ngày nay đâu có được hưởng thành quả văn minh đang tràn đầy khắp nơi trên thế gian.

(Nguồn: Khuyến học - Fukuzawa Yukichi)

Wednesday, March 10, 2021

Khóc lên đi, hỡi quê hương yêu dấu

Mấy nay, thật đau lòng khi đọc tin tức về đàn áp biểu tình, bắn giết dân của chế độ quân phiệt Miến Điện, và bản án phúc thẩm vụ án "Đồng Tâm" ở Việt Nam với việc giữ nguyên án sơ thầm và y án tử hình 2 người con cụ Kình (cũng bị giết bởi súng của quân đội). Xin chia sẽ nổi buồn với người dân Miến Điện và Việt Nam trong công cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do. Cầu mong những thế lực hắc ám đang ngự trị trên quê hương chúng ta sẽ sớm biến mất và trả lại cuộc sống yên bình cho mọi người dân. Xin thành tâm cầu nguyện! 

Khóc lên đi, hỡi quê hương yêu dấu


Cuộc chơi khắc nghiệt vô cùng
Bốn bề cạm bẫy trùng trùng dã man
Kể từ đầu trận mở màn
Quê hương thấy được điêu tàn mấy khi

Người về, ai bước chân đi,
Thành xiêu phố lạc kinh kỳ tang thương,
Tiếng thu rời rụng đoạn trường
Biển khơi lớp sóng trùng dương mấy mùa.

Em ơi ! hoa nở từng mùa
Mà quê anh cả bốn mùa không hoa,
Hay là chết mất hồn hoa,
Chỉ còn sương khói đường ra biên thùy
Tiếng mưa rờn rợn lối đi
Tiếng sương rụng xuống chiều đi không về
Đã bao chiến sĩ gươm thề
Dưới trăng mài kiếm trọn thề nước non
Mong cho hạn cuộc vuông tròn
Máu xương đã chất thành con sông dài
Quê hương vọng tiếng u hoài
Còn trông ngóng một ngày mai yên bình

PHẠM TRƯỜNG LINH

Saturday, March 6, 2021

LUẬN THUYẾT VÔ LÝ: "PHẬT BÀ QUAN ÂM GIẾT NGƯỜI"

LUẬN THUYẾT VÔ LÝ: "PHẬT BÀ QUAN ÂM GIẾT NGƯỜI"

Ngược hẳn với thuyết về tự do như đã trình bày trên đây, người ta lại đưa ra luận thuyết thế này "con người phải tuân theo và hành động theo sự điều khiển của người trên, bất chấp đúng sai thiện ác. Không được phép đưa ra chính kiến của mình."

Luận thuyết này có đúng hay không? Nếu là đúng thì chắc chắn nó sẽ phổ biến khắp mọi nơi trong xã hội. Vì nếu thế ở Nhật Bản, Thiên hoàng quyền cao chức trọng hơn Tướng quân Tokugawa, nên Tướng quân muốn đi thì Thiên hoàng cũng có thể bảo đứng lại. Mà đã vậy thì Tướng quân sẽ không thể làm bất cứ việc gì theo ý mình. Mọi việc từ chuyện thức ngủ, ăn uống nhất nhất phải tuân theo và hành động theo sự điều khiển của Thiên hoàng. Đến lượt mình, Tướng quân lại cai trị các Lãnh chúa các vùng theo ý mình. Rồi nông dân cũng không được trái ý Võ sĩ.

Đừng tưởng rằng cứ theo lập luận trên thì thể chế cai trị có thể áp đặt từ trên xuống là được. Thực ra không hẳn đã vậy. Hãy suy nghĩ kỹ lập luận đó xem sao. "Đã là con người thì phải tuân theo và hành động theo sự điều khiển của người trên".

Cứ theo đà này thì hết thảy người Nhật chúng ta mất hoàn toàn quyền tự quyết cho bản thân. Như thế cũng giống như "hồn Trương Ba, da hàng thịt". Cơ thể mình trở thành nơi trú ngụ cho phần hồn của kẻ khác. Phật Bà Quan Âm lại trở thành nơi trú ngụ của kẻ giết người. Không thể như thế được. Cái đó có thể gọi là khai hóa văn minh được sao. Ngay như đứa trẻ lên ba cũng dễ dàng tìm ra được câu giải đáp.

Trên đất nước ta, từ hàng nghìn năm trước, các nhà Hán học, Nhật học luôn bàn luận ồn ào về tiêu chuẩn, về việc sắp đặt thứ bậc trên dưới, đẳng cấp sang hèn. Xét cho cùng đó là thủ thuật nhằm hợp pháp hóa việc nhập hồn người ta vào thân xác mình. Được thể, kẻ mạnh ra sức chèn ép người yếu thế. Lẽ nào các bậc thánh hiền thấy thế cũng sẽ mãn nguyện? Vì vậy, chúng ta không thể nào chấp nhận một luận thuyết vô lý như thế!

(Nguồn: Khuyến học - Fukuzawa Yukichi)

Saturday, February 27, 2021

Chèo thuyền

Chèo thuyền 


Chèo, chèo, vượt trùng khơi
Đưa thuyền ta đi tới
Lướt, lướt... trước mắt ta
Giấc mơ - ôi cuộc đời!

Buồn, buồn, nhìn dòng nước
Bóng hình ai ngày trước
Nhớ, nhớ... những tích xưa
Thế gian - bao xuôi ngược!

Nhìn, nhìn, thuyền ta trôi
Hai bờ như xa xôi
Lắng, lắng... muôn xao động
Phút giây - thật tuyệt vời!

PQT - 2/2021

---

(Dựa theo lời bài hát "Row Row Row your boat")

Wednesday, February 17, 2021

NGHĨA VỤ VÀ QUYÊN LỢI CỦA QUỐC DÂN

NGHĨA VỤ VÀ QUYÊN LỢI CỦA QUỐC DÂN

Có thể nói ở mỗi quốc dân, người nào cũng đều có hai vai trò. Thứ nhất là với tư cách của một người dân đứng dưới chính phủ, tức là vai trò làm "khách". Thứ hai là trên cơ sở mọi người dân trong đất nước thống nhất tự nguyện kết nối thành một công ty mang tên "quốc gia", đề ra quy định, luật pháp và đưa "quốc gia" vào hoạt động, tức là vai trò làm "chủ".

Tôi giả dụ thế này. Có 100 thị dân định lập công ty thương mại gì đó. Mọi người cùng bàn bạc quyết định thành lập, đề ra quy chế nội quy rồi đưa công ty vào hoạt động. Khi đó cả 100 người đều là chủ nhân của công ty. Và dựa vào những điều đã cùng nhau quy định, mọi người thống nhất tuân theo nó, thì khi đó 100 người đồng thời cũng là nhân viên công ty.

Đất nước giống như công ty, nhân dân giống như nhân viên, mỗi người vừa đứng trên vị trí cai trị vừa đứng trên vị trí duy trì sự cai trị ấy, vừa là chủ vừa là khách.

Đứng trên góc độ là "khách", thì mọi quốc dân ai cũng phải tôn trọng luật pháp, đồng thời không được quên rằng "tất cả mọi người đều bình đẳng". Anh không xâm phạm đến quyền lợi của tôi thì ngược lại tôi cũng không được cản trở quyền lợi của anh. Anh có niềm vui của anh thì tôi cũng có niềm vui của tôi. Không được chiếm đoạt niềm vui của người ta. Không được giết người, không được thậm thụt mật báo, bới móc dựng chuyện cho người khác. Việc tuân thủ luật pháp, tôi cũng như anh phải tuân theo quy định như nhau.

Luật pháp do chính phủ lập ra, cho dù có nhiều điểm rắc rối, xa rời thực tế, thì cũng không có đạo lý nào cho phép chúng ta tùy tiện thích thì theo, không thích thì vi phạm. Ngay cả việc đại sự như quyết định chiến tranh, hay ký các hiệp ước ngoại giao cũng đều thuộc thẩm quyền của chính phủ. Quyền hạn đó, vốn dĩ là thỏa thuận với quốc dân và chúng ta đã trao cho chính phủ. Vì thế, nếu không can hệ tới đại sự thì không nên tranh luận.

Nếu quốc dân chúng ta quên tinh thần này, kể cả trường hợp cách xử lý của chính phủ trái hẳn với tôn chỉ mục đích của chúng ta đi chăng nữa, chúng ta cũng không nên tranh cãi tùy tiện, không thể xuất phát từ lợi ích nhỏ mà xóa bỏ thỏa thuận, bạo động khiêu khích gây ra chiến tranh với ngoại bang, như thế nền độc lập của nước ta một ngày cũng không mong giữ nỗi.

Điều này cũng giống như ví dụ về công ty thương mại mà tôi đưa ra nêu trên. Trong số 100 thành viên có 10 người được chọn vào hội đồng quản trị. Dù có bất mãn hay không hài lòng với cách làm của 10 người đó thì cũng không vì thế mà 90 người còn lại, tự ý làm theo suy nghĩ của riêng mình. Chẳng hạn 10 thành viên hội đồng quản trị muốn nhập rượu bán thì 90 người kia lại muốn nhập gạo về. Bàn bạc đôi co không ai chịu ai, rồi mạnh bên nào bên ấy làm, quên hẳn những điều đã quy định với nhau, thì thử hỏi việc kinh doanh của công ty sẽ ra làm sao? Chẳng phải là mọi sự chia rẽ đều dẫn tới tổn thất khiến cho tất cả 100 người đều phải gánh chịu đó sao?

Vì thế nếu mới chỉ cảm nhận luật pháp còn sai, bất cập thì không thể coi đó là cái cớ để phá bỏ nó. Và giả sử sự bất chính, bất cập có là sự thực đi chăng nữa thì cũng phải bình tĩnh kháng nghị, kiên trì kháng nghị đến khi chính phủ phải sửa đổi mới thôi. Khi chính phủ cố tình làm ngơ, thì hợp sức lại kiên nhẫn chờ đợi thời cơ.

Nếu đứng trên góc độ chủ nhân để bàn thì quốc dân một nước cũng chính là chính phủ của nước đó. Vì sao vậy? Đương nhiên toàn thể quốc dân không thể tất cả đều làm chính trị. Chúng ta thỏa thuận với nhau lập ra chính phủ, chúng ta quyết định giao cho chính phủ thi hành luật pháp với tư cách là người thay mặt cho chúng ta.

Vì lẽ đó, nhân dân là chủ nhân của đất nước, là gia chủ của người cai trị và chính phủ là người đại diện, người cai trị. Giống như từ trong số 100 người lập công ty, chọn ra 10 người vào hội đồng quản trị tức là vào chính phủ, số 90 người còn lại là nhân dân. Cho dù nhân dân - số 90 người còn lại - không trực tiếp làm các sự vụ quan trọng, nhưng một khi đã giao phó cho 10 thành viên thay mặt mình thì nếu suy xét thật kỹ thì bản thân mỗi chúng ta chẳng phải là chủ nhân của công ty đó sao.

Mặt khác, 10 người trong hội đồng quản trị, hiện đang điều hành hoạt động của công ty, nhận được sự tin cậy của nhân viên, gánh trách nhiệm nhằm đáp ứng tình cảm đó, vì thế phải đem hết sức mình trong công vụ của công ty, không được nghĩ tới cái lợi cho bản thân. Bây giờ nếu thử suy nghĩ điều trên, người ta thường gọi việc tham gia vào chính phủ là công vụ, việc công. Gốc gác của từ này là công việc của chính phủ không phải là sự vụ cá nhân của các quan chức. Mà nó có nghĩa là thay mặt cho nhân dân, thực hiện việc công, việc chung cho cả xã hội, để cai trị toàn bộ đất nước.

(Nguồn: Khuyến học - Fukuzawa Yukichi)

Wednesday, February 10, 2021

Xuân Co-vid


Xuân Co-vid


Xuân này khác với mấy xuân xưa

Co-vid lan tràn thuốc chữa chưa

Vắc-xin sắp có, còn xa lắm

Dịch bệnh bùng hoài, tết chẳng chừa

Kinh tế một năm nhiều vất vả

Đường hướng tương lai vẫn mịt mờ

Mong cho xuân tới thôi co-vid

Bình an, hạnh phúc, lại... như xưa.


PQT - Cuối năm Canh Tý

Monday, February 8, 2021

KHAI PHÁ VĂN MINH LÀ NHIỆM VỤ CỦA TẦNG LỚP TRÍ THỨC TRUNG LƯU

KHAI PHÁ VĂN MINH LÀ NHIỆM VỤ CỦA TẦNG LỚP TRÍ THỨC TRUNG LƯU

Văn minh của một quốc gia, không phải do chính phủ sáng tạo từ trên xuống và cũng không phải do thường dân làm được từ dưới đưa lên. Văn minh của một quốc gia phải do tầng lớp giữa - giai cấp trung lưu - có tri thức, kiến thức, động não trước thời cuộc, suy nghĩ hợp lòng dân thực hiện. Có như vậy mới mong thành công.

Lịch sử của các quốc gia Tây Âu cho thấy sự phát triển công thương nghiệp ở các nước này không phải do chính phủ tạo ra. Mà tất cả đều là thành quả được sinh ra từ sự lao tâm khổ tứ, từ qua trình lao động trí óc cật lực, từ quá trình nghiên cứu tìm tòi đầy gian nan vất vả của các học giả thuộc giai cấp trung lưu.

Đầu máy hơi nước là phát minh của Watt. Đường sắt là thành quả công phu của Stevenson. Người nghiên cứu và tìm ra nguyên lý kinh tế là Adam Smith. Họ đều thuộc tầng lớp giữa, không phải bộ trưởng trong nội các chính phủ và cũng không phải là công nhân trực tiếp sản xuất. Họ thuộc giai cấp trung lưu, có tri thức, tìm tòi nghiên cứu, nhờ đó mà làm thay đổi bộ mặt xã hội.

Để mọi cá nhân có thể nghiên cứu, phát minh và ứng dụng kết quả rộng rãi trong xã hội, giúp ích cho cuộc sống thì cần phải tổ chức các công ty, phải khởi nghiệp trong khu vực tư nhân. Bảo hộ và tạo mọi điều kiện cho các công ty tư nhân phát triển là nhiệm vụ và trách nhiệm của chính phủ. Khai phá văn minh là công việc của khu vực tư nhân, bảo hộ là công việc của chính phủ. Có như thế thì mọi người dân mới không dửng dưng, mới tự hào "công cuộc văn minh hóa" là công cuộc của chính họ, chứ không phải là vật sở hữu riêng của chính phủ. Có như thế thì nhân dân mới vui sướng đồng cảm với mọi phát minh sáng chế trên đất nước mình và càng muốn đồng lòng hợp sức sao cho mình không thua kém phương Tây. Chỉ có như vậy văn minh mới làm tăng chí khí của dân, mới trở thành sức mạnh hậu thuẫn cho nền độc lập của đất nước.

Thử nhìn vào công cuộc văn minh đang diễn ra trên đất nước ta mà xem, tôi chỉ có thể nói rằng chúng ta đang làm ngược với quy luật.

Ở nước Nhật chúng ta hiện nay, người chủ trương thúc đẩy văn minh, gìn giữ độc lập trước áp lực phương Tây là những người thuộc tầng lớp giữa trong xã hội, là các nhà trí thức và đơn độc chỉ có họ. Nhưng số đó cũng chỉ là thiểu số ít ỏi. Còn  đa phần các trí thức đều thiếu con mắt nhận biết thời cuộc. Họ yêu quý và lo giữ chỗ cho bản thân hơn là lo lắng, ưu tư cho đất nước. Đối với họ, gió chiều nào theo chiều ấy. Đa số các trí thức kiểu này luôn rình rập tìm kiếm lợi ích trước mắt, săn đón cơ hội leo vào hàng "quan chức", sa vào các chức vụ quản lý vặt vãnh, tiêu phí thời gian bằng những việc vô bổ, xa rời công việc nghiên cứu, học thuật. Họ thõa mãn với quyền cao bổng hậu. Tệ hại hơn nữa, họ lại tự cao tự đại: "Uyên bác như chúng tôi đã tập trung hết trong hàng ngũ chính quyền rồi, trong xã hội đâu còn ai?".

Tôi buộc phải nói rằng những ngươi trí thức như vậy là nỗi bất hạnh cho công cuộc văn minh đất nước. Lẽ ra phải đảm nhiệm vai trò mở mang, nuôi dưỡng văn minh với tư cách của người trí thức, thì họ lại vùi đầu vào việc kiếm lợi cho bản thân, họ chẳng bận tâm đến sự thoái hóa của tinh thần học vấn trong xã hội, đất nước ra sao họ cũng mặc. Như thế mà vẫn tự cho mình là trí thức được sao?

Đó là một thực tế đáng hổ thẹn.

May sao, trường tư thục Keio của chúng ta không có ai chạy theo trào lưu đang thịnh hành nói trên. Kể từ khi sáng lập, dù đơn độc nhưng trường chúng ta chưa bao giờ đánh mất niềm tự hào, dù phải "đơn thương độc mã" trong xã hội hiện tại, chúng ta đã, đang và vẫn tiếp tục vun xới, nuôi dưỡng tinh thần độc lập. Chúng ta chỉ có một mục đích gánh vai nâng đỡ tinh thần độc lập trong nhân dân.

Chúng ta lẻ loi, đang đứng mũi chịu sào trong cơn cuồng phong, trong dòng nước chảy xiết, chúng ta đang phải gồng mình chống chọi với cả một trào lưu đang làm thoái hóa xã hội. Nhiệm vụ của chúng ta thật khó khăn. Nhưng chính lúc này đòi hỏi chúng ta phải có lòng quả cảm và tinh thần cương quyết.

Dũng khí của con người không sinh ra từ sách vở.

Đọc sách là phương tiện nâng cao học vấn.

Học vấn là phương pháp tiến tới thực tiễn.

Chính kinh nghiệm, sự từng trải sản sinh ra lòng quả cảm.

Hội Keio chúng ta, bất chấp khó khăn, bất chấp gian khổ, nguyện đem hết tri thức kiến thức có được, xây đắp con đường phát triển văn minh. Để đi tới đó, chúng ta không phân biệt, không từ nan bất kỳ lĩnh vực nào, ngành học nào. Chúng ta làm thương nghiệp, chúng ta tranh luận luật pháp, chấn hưng công nghiệp, khuyến nông, viết sách, dịch sách, phát hành báo, tất cả những gì liên quan tới văn minh.

Mỗi người chúng ta phải suy nghĩ về vai trò, sự đóng góp của bản thân, phải đi tiên phong trong nhân dân. Chúng ta cùng hợp tác với chính phủ.

Sức dân và sức chính quyền có cân bằng thì tiềm lực quốc gia mới gia tăng, nền móng độc lập của quốc gia mới vững chắc, có như vậy nước ta mới mong được bình đẳng với phương Tây.

Tôi tin rằng, vài mươi năm sau, cũng trong một dịp đón mừng năm mới, khi nhắc tới buổi sum họp hôm nay, chúng ta chắc sẽ cùng nói với nhau rằng: "Mới chỉ có nền độc lập mong manh như hồi đó mà chúng ta sung sướng đến vậy. Bây giờ đã sánh vai bình đẳng thực sự với phương Tây như thế này thì còn sung sướng đến nhường nào?". Như thế mới là niềm vui thực sự phải không các bạn.

Tôi muốn nói với các bạn trước khi cho phép tôi kết thúc.

Các bạn sinh viên. Các bạn hãy tự quyết định tương lai, chí hướng của chính mình theo mục đích của trường tư thục chúng ta từ ngày hôm nay, ngày đón năm mới này.

Tháng giêng năm Minh Trị thứ bảy (tức năm 1784)

Fukuzawa Yukichi (Nguồn: Khuyến Học)

Monday, February 1, 2021

Bài Ca Hay Nhất

 


Bài Ca Hay Nhất

Phạm Trường Linh

Chỉ có bài thơ viêt nên bằng nước mắt
bằng trái tim đau khổ
cuả mỗi người,
là bài thơ hay nhất
Cho dù anh chưa biết làm thơ,
Cho dù em không sành thưởng thức
Nhưng em sẽ vô cùng cảm động
Vì bài thơ viêt bằng máu tim anh
Của một đời vất vả

Trên con đường cô đơn
Và em
là tất cả.
Niềm tin trong mỏi mòn

Nhưng anh biết một điều kỳ diệu
Khi con người còn yêu
Là con người chưa chết
Là cuộc đời chưa hết
Là đâu đó trong mảng trời tuyệt vọng
Vẫn còn mầm hoa trái cho ngày mai,
Thế thì mỗi chúng ta phải sống
Cho một niềm hy vọng,
Giữa đất trời mênh mông...