Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Sunday, April 5, 2020

Từ vấn đề giảng dạy livestream nhìn lại vai trò con người trong chuyển đổi số

Từ vấn đề giảng dạy livestream nhìn lại vai trò con người trong chuyển đổi số

Ngày nay, xã hội đang bước vào kỷ nguyên Công nghiệp 4.0, ở đó sự tiến bộ của công nghệ đóng vai trò then chốt cho sự thành bại của mọi tổ chức. Chính vì vậy, cụm từ “chuyển đổi số” ngày càng được nhắc đến nhiều hơn như là một tiến trình chuyển đổi tất yếu của mọi tổ chức trong việc ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là CNTT-VT. Tuy nhiên, nói đến chuyển đổi số, nhiều người hay lầm tưởng chỉ cần chú trọng đến khía cạnh công nghệ là đủ, mà không cần quan tâm đến khía cạnh con người. Mắc phải sai lầm này, một số trường ĐH đang triển khai giảng dạy livestream tại studio của trường một cách ồ ạt như một giải pháp đối phó với dịch bệnh, bất chấp sự lo ngại về an toàn dịch bệnh từ GV, cũng như hiệu quả thực tế từ đánh giá của SV. Thực tế, nhiều kết quả nghiên cứu và thực tiễn cho thấy con người mới đóng vai trò then chốt trong sự thành bại của các dự án chuyển đổi số. Bài viết này sẽ làm rõ hơn điều đó.

Theo Gartner, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Vì vậy, mọi dự án ứng dụng CNTT-VT ở các tổ chức đều thuộc quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số là tất yếu và có thể nhỏ hay lớn tuỳ theo quy mô của dự án. Tuy nhiên, cần hiểu rằng quản lý chuyển đổi (transformation) rất khác so với quản lý thay đổi (change) bởi chúng ta không thể biết trước kết quả của quá trình chuyển đổi sẽ ảnh hưởng thế nào đến hành vi khách hàng, nhân viên, cũng như mô hình kinh doanh. Vì vậy, quá trình chuyển đổi này đòi hỏi một cách tiếp cận khác và thường được ví như hình ảnh con sâu lột xác để trở thành con bướm.

Trong chuyển đổi số, công nghệ là phần dễ thấy nhưng không phải là tất cả. Theo Westerman và ctg. (2014), trong cuốn “Leading Digital: Turning Technology into Business Transformation”, chính khách hàng, nhân viên và nhà quản lý mới là yếu tố quyết định cho việc chuyển đổi số thành công. Khi phân tích các DN thành công trong chuyển đổi số, hay còn được gọi là bậc thầy kỹ thuật số (digital master), các tác giả nhận thấy chính năng lực công nghệ và năng lực lãnh đạo là 2 khía cạnh quan trọng giúp phân biệt Digital master và các DN khác. Trong đó, năng lực công nghệ thể hiện ở trãi nghiệm khách hàng tốt hơn, quy trình nội bộ tốt hơn và mô hình kinh doanh hiệu quả hơn. Năng lực lãnh đạo thể hiện ở Tầm nhìn, Sự gắn kết nhân viên, Văn hoá cởi mở, và Mối quan hệ hỗ tương giữa bộ phận công nghệ và kinh doanh.

Lấy ví dụ về việc triển khai giảng dạy trực tuyến ở các trường Đại học nhằm đối phó với dịch Covid-19 hiện nay. Đây là quá trình chuyển đổi số tất yếu phải diễn ra, nhưng không phải từ sự chủ động của các trường mà là phản ứng bị động để đối phó với dịch bệnh. Chính vì vậy, nhiều trường đã thiếu sự chuẩn bị cần thiết, cũng như rơi vào sai lầm của việc xem thường yếu tố con người của các nhà quản lý. Vì chỉ chú ý vào cải thiện năng lực công nghệ mà quên khía cạnh năng lực lãnh đạo khiến cho việc chuyển đổi số ở các trường gặp rất nhiều trở ngại và không phát huy hiệu quả của việc dạy và học online. Một số vấn đề có thể kể ra như: SV thiếu cam kết cho việc tự học, GV lo ngại cho sự an toàn phòng dịch nên không sẵn sàng dạy livestream tại các studio của trường, chia nhỏ bài giảng đòi hỏi nhiều nổ lực soạn bài, GV lớn tuổi khó sử dụng thành thạo công cụ, văn hoá thiếu sự cởi mở và lãnh đạo chưa thích nghi cho phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh... Hơn nữa, một số quyết định của lãnh đạo nhà trường còn mang tính chủ quan, duy ý chí mà không cân nhắc lợi hại của chọn lựa từ nhiều góc nhìn khác nhau, khiến cho việc triển khai mất đi ý nghĩa tích cực của nó.

Để khắc phục các trở ngại trên, đảm bảo sự thành công của quá trình chuyển đổi số, lãnh đạo các trường ĐH cần phải chú ý củng cố năng lực lãnh đạo số song song với quá trình nâng cao năng lực số. Trên hết, cần phải thay đổi tầm nhìn, xây dựng văn hoá số, ở đó, phải cởi mở, chấp nhận lắng nghe, thảo luận, tạo sự đồng lòng, gắn kết của đội ngũ, để cùng tìm giải pháp tốt nhất cho hoàn cảnh của mình. Trước mắt, là giải quyết nhu cầu học tập online hiệu quả nhằm đối phó dịch bệnh, xa hơn là chuyển đổi thành trường đại học số và ứng dụng thêm nhiều công nghệ tiến bộ trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Phải đặt an toàn sức khỏe của GV, NV và SV lên hàng đầu trong mọi quyết sách. Đối với lao động tri thức như ở trường ĐH, chỉ có trong môi trường an toàn về sức khỏe, thoải mái về tinh thần thì việc dạy và học mới phát huy hết hiệu quả của nó.

Chuyển đổi số đòi hỏi những người lãnh đạo có tâm và có tầm để có thể dẫn dắt quá trình chuyển đổi. Trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh hiện nay, người lãnh đạo không những phải hiểu rõ về yêu cầu cần thiết để đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số mà còn phải hiểu rằng chuyển đổi số là thành quả lâu dài của một tập thể hơn là việc hoàn tất một dự án ngắn hạn. Vì vậy, để thu được lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số, rất mong các nhà lãnh đạo nên chú ý nhiều hơn đến yếu tố con người, một khía cạnh quan trọng làm nên sức mạnh của trường ĐH trong nền kinh tế tri thức.

Chúc mọi người luôn bình an, mạnh khỏe vượt qua mùa đại dịch. Chúc các trường ĐH ở Việt Nam thực hiện thành công việc chuyển đổi số và giáo dục Việt Nam sẽ chuyển mình mạnh mẽ sau cú hích Covid-19 này.

PGS. TS. Phạm Quốc Trung



Thursday, April 2, 2020

Lễ hội xưa

Lễ hội xưa

Lễ hội xưa

Tiếng khèn dìu dặt khoan thai
Trống đồng vào hội những ngày xa xưa
Nam thanh nữ tú đong đưa
Nhịp chày khoan nhặt cũng vừa trống canh
Đoàn người khố dệt mong manh
Cùng chung điệu hát, họp thành lời ca
Hồn nhiên cuộc sống chan hòa
Nếp hương: cất rượu, săn gà: mồi ngon
Hóa thân lông vũ xoay tròn
Đàn chim xòe cánh lên non ngút ngàn
Cụ già: dùi trống vang vang
Bắt đầu lễ hội cả làng múa vui
Âm vang réo rắt đầy lùi
Nhọc nhằn, vất vả, chảy xuôi theo dòng
Mồ hôi rớt xuống thành sông
Chảy về nguồn cội, những dòng yêu thương
Cho người hiểu nghĩa "Quê hương"
Kể từ ngày ấy, vấn vương muôn đời

Vân Hà (TTHA)

Wednesday, March 25, 2020

Tuesday, March 10, 2020

Tho Phat cho tre em

Tho Phat cho tre em - dien doc (mot so bai chon loc)

Tuesday, March 3, 2020

VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC, GIÁO DỤC VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG NỀN KINH TẾ TRI THỨC

VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC, GIÁO DỤC VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG NỀN KINH TẾ TRI THỨC

PGS.TS. Phạm Quốc Trung
  

1.      Công nhân tri thức – nguồn tài nguyên vô giá

Khái niệm công nhân tri thức (knowledge worker) hay còn gọi là công nhân cổ trắng, để chỉ đến những người lao động trí óc nói chung, như là: nhân viên văn phòng, quản lý, chuyên gia… Khái niệm này đã được Peter Drucker, cha đẻ của quản trị học hiện đại, đề cập đến từ rất sớm (1960), để phân biệt với công nhân cổ xanh hay người lao động chân tay. Điểm khác biệt chủ yếu của công nhân tri thức là công cụ lao động chính là kiến thức nằm trong đầu và năng lực tư duy của họ. Theo dự báo của ông, lực lượng công nhân tri thức sẽ ngày càng tăng về số lượng và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới.
Ngày nay, khi kinh tế thế giới chuyển dịch sang nền kinh tế tri thức (hậu công nghiệp), cùng với đà phát triển của công nghệ và mức độ toàn cầu hóa, thì những dự báo trên là hoàn toàn chính xác. Trong nền kinh tế tri thức, các quốc gia cạnh tranh với nhau một cách gay gắt trong việc thu hút lực lượng công nhân tri thức, hay đội ngũ chất xám đến làm việc và đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế nước mình. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, do môi trường lao động chưa phù hợp, nên thường có hiện tượng chảy máu chất xám, tức là sự ra đi của lực lượng lao động có tay nghề và trình độ cao.
Về định nghĩa, có một khái niệm gần gũi hơn để chỉ người công nhân tri thức đối với người Việt Nam, đó là kẻ sĩ, hay các nhà trí thức. Trí thức là tầng lớp mà nhà cầm quyền nào cũng phải xem trọng, vì ngoài việc tốn công phu đào tạo dài ngày (tốn kém ngân sách nhà nước, ngân sách gia đình, mỗi cá nhân…) còn là bộ mặt ngoại giao, chính trị… của một đất nước. Muốn biết chính sách hoặc tiềm năng một quốc gia như thế nào, người ta cũng quan tâm đến sự đãi ngộ hoặc việc sử dụng tầng lớp trí thức ra sao ?
Do đó vai trò của người trí thức hết sức quan trọng đối với xã hội, một phần của khuôn mặt bang giao quốc tế. Mặt khác, xã hội ta, từ xưa rất chuộng sự học, nó trở thành truyền thống, đạo thống của dân ta. Ngày xưa các cụ trọng sự học đến nỗi thấy tờ giấy có viết chữ (chữ nho), dặn con cháu không được buớc qua, bước qua là bất kính là không bao giờ học giỏi được… Kẻ sĩ còn sống trong lòng người dân, cầm nắm thế đạo nhân tâm, là khuôn vàng thước ngọc của sự mẫu mực, là người âm thầm lãnh đạo cả một mặt trận văn hoá từ các tác phẩm lớn của nền văn chương bác học, đồng thời cũng là đồng tác giả các truyện khuyết danh, vô danh, văn chương bình dân… thẩm thấu trong mọi tầng lớp nhân dân. Trừ những người đã nổi tiếng, phần lớn họ là những chiến sĩ vô danh, sống âm thầm trong bóng tối, nhưng nuôi dưỡng cho dân chúng bao tình cảm cao đẹp, lòng yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần cách mạng…
·        Về định nghĩa trí thức
Trí thức hay intellectuel (Pháp) hay intellectual (Anh) trong từ điển vốn là một tính từ, còn danh từ gốc của nó là intellect (trí tuệ, trí thông minh). Theo lịch sử, danh từ “trí thức” ra đời sau, gắn liền với một sự kiện chống bất công, còn “người trí thức” ra đời khi xã hội thừa nhận danh từ này.
Có nhiều định nghĩa trí thức, rất dễ tìm trên internet. Do vậy, khi bàn về trí thức thường người ta phải xác định khái niệm trước khi bàn tiếp. Dẫu vậy, vẫn có thể phân chia các định nghĩa hiện hành thành 2 nhóm: nhóm chặt chẽ (rất hữu dụng khi bàn vấn đề ở bình diện triết lý, gồm cả thiên chức, nhiệm vụ trí thức đối với nhân quần, xã hội) và nhóm thông dụng (để dùng rộng rãi trong đời sống, dễ hiểu với trình độ chung). Một cách chặt chẽ, trí thức phải là người: (1) Sáng tạo những giá trị tinh thần. Mức độ sáng tạo cho phép tách ra những trí thức lớn, tầm cỡ nhân loại; và (2) Chỉ tôn thờ những giá trị tinh thần vĩnh hằng: Chân, Thiện, Mỹ. (Nguồn : http://chungta.com/)
·        Đặc tính của trí thức
Từ cái gốc này, do đặc trưng lao động, trí thức có những phẩm chất, tính cách nhất định – không bẩm sinh và cũng không phải là độc quyền của trí thức. Ví dụ, để sáng tạo, trí thức phải có một cái vốn tri thức cao hơn mặt bằng chung (đã đành) nhưng quan trọng là phải bổ sung suốt đời (để sáng tạo tiếp). Điều này rất tương đối, vì mặt bằng dân trí mỗi thời một khác. Hơn nữa, trí thức phải là người ham học hỏi và xem việc tiếp nhận, chia sẻ và đóng góp vào kho tri thức của nhân loại là công việc và bổn phận của mình. Việc tiếp thu kiến thức/thông tin mới phải gắn liền với khả năng suy nghĩ và nghiên cứu độc lập của mỗi người. Người trí thức là người có khả năng tiếp cận và áp dụng tri thức một cách tích cực, chủ động và hiệu quả trong từng phạm vi hoạt động cụ thể của mình.
Do tôn thờ chân lý, trí thức chỉ tin những gì đã được chứng minh đầy đủ và do đó bảo vệ sự thật đến cùng. Khám phá ra chân lý là hạnh phúc cao nhất, do vậy họ có yêu cầu bức xúc công bố và đòi hỏi được công bố (Galilê bị cấm công bố “quả đất tròn”). Tuy quyết bảo vệ kết quả nghiên cứu bằng tranh luận, nhưng trí thức cũng sẵn sàng nhận sai lầm, từ bỏ niềm tin, nếu có chứng minh đầy đủ – từ đó họ đòi hỏi tự do tư tưởng, tự do ngôn luận… Tôn thờ cái tốt (thiện), trí thức rất nhậy cảm khi cái xấu lộng hành (ví dụ bất công, áp bức, hạn chế tự do, dân chủ giả hiệu…). Can đảm là một tính cách của trí thức: dám nói ra và dám bảo vệ chân lý. Khổng Tử nói nho sĩ phải là người đủ ba phẩm chất: có trách nhiệm cao, có lòng tự trọng và dũng cảm. Ngoài tài năng, giới trí thức xưa còn được ca ngợi là “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu sang không làm mê muội, nghèo khổ không làm lay chuyển, bạo lực không khuất phục nổi).
Chính do được tôn vinh, trí thức cũng có “thật” và “giả” vì có những người muốn được tôn vinh bằng công sức tối thiểu. Một xã hội có quá nhiều trí thức “giả” là xã hội thoái hoá và hỗn loạn, vì thứ “giả” này sẽ chiếm những địa vị cao, ảnh hưởng lớn, kể cả có quyền cho phép nhiều loại “giả” khác phát triển.

2.      Vai trò giáo dục & NCKH trong nền kinh tế tri thức

·        Giáo dục & NCKH trong nền kinh tế thế giới
Theo Stiglitz, một nhà kinh tế lớn của World Bank, tri thức đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và đảm bảo phúc lợi xã hội. Ông còn đề nghị cần phải xem xét các vấn đề phát triển kinh tế dưới góc nhìn tri thức, ở đó, giáo dục đóng một vai trò dẫn dắt cho sự phát triển. Trong nền kinh tế tri thức đó, sáng tạo là cực kỳ quan trọng, vì vậy các doanh nghiệp nhỏ có thể cung cấp những nền tảng cho sự đổi mới của xã hội tốt hơn nhiều so với các doanh nghiệp to lớn cồng kềnh.
Trong nền kinh tế tri thức, các doanh nghiệp không chỉ nhận thấy tầm quan trọng của nghiên cứu phát triển, mà họ còn thấy rằng việc nhanh chóng đưa các sản phẩm mới ra thị trường còn quan trọng hơn nhiều. Vì vậy, để nhấn mạnh sự kết nối giữa hoạt động nghiên cứu khoa học (tìm ra tri thức mới) và hoạt động sản xuất kinh doanh (biến tri thức thành sản phẩm trên thị trường), các tổ chức đã đặt lại tên của bộ phận Nghiên cứu & Phát triển (R&D) thành Nghiên cứu, Phát triển & Thương mại hóa (R&D&C), hoặc Khoa học, Công nghệ & Dự án (S&T&P). Sự chuyển đổi này càng cho thấy tốc độ ngày càng tăng của việc tạo ra tri thức mới và đưa tri thức vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngày nay, với sự tiến bộ của công nghệ, và yêu cầu cạnh tranh của thị trường toàn cầu, tốc độ đưa ra thị trường của các thế hệ công nghệ mới được rút ngắn một cách đáng kể.
·        Giáo dục trong bối cảnh Việt Nam
Ngày nay, nước ta đang tiến hành công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước để theo kịp đà phát triển của thế giới, việc nâng cao vị thế đất nước để hội nhập với xu hướng phát triển chung của nhân loại trong nền kinh tế tri thức là một nhu cầu vô cùng cấp bách. Điều này, đòi hỏi những chính sách đúng đắn của chính phủ trong việc phát huy các điểm mạnh hiện tại, khắc phục những yếu kém, bất cập trong hai lĩnh vực Giáo dục và KHKT, tiếp tục phát triển hơn nữa hạ tầng cơ sở và CNTT để tạo thuận lợi cho các yếu tố khác phát triển.
Trong thời đại tri thức, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần phải tạo được môi trường thuận lợi cho Giáo dục đào tạo và NCKH, để từ đó nâng cao trình độ giáo dục chung của toàn dân. Chính phủ và ngành giáo dục cần chú trọng vào việc tạo ra và đáp ứng đủ nhu cầu về đội ngũ kỹ sư, công nhân tri thức, khoa học gia có đủ chất lượng, có khả năng tiếp thu tri thức của thế giới, ứng dụng vào thực tiễn công việc, sáng tạo và đóng góp và kho tàng tri thức chung của nhân loại.
Nền giáo dục đại học ở nước ta đã trải qua nhiều lần cải cách, tuy nhiên các mô hình và phương pháp giáo dục vẫn chưa có nhiều thay đổi mang tính đột phá. Người ta vẫn thấy hình ảnh ông thầy đến lớp, làm nhiệm vụ truyền bá kiến thức, và sinh viên đến lớp lắng nghe, ghi chép… Những hoạt động này lặp đi lặp lại như một cái máy, khiến cho việc dạy và học thiếu hẳn tính sáng tạo, sinh động cần có. Mặc dù, người thầy có chú trọng sử dụng những kỹ thuật truyền thụ nhằm tạo ra những phản ứng tích cực nơi người học, và sinh viên cố gắng đến lớp đầy đủ để tiếp thu kiến thức, nhưng hiệu quả đạt được vẫn không cao, vì cả thầy và trò đều tách rời những gì được học, được dạy ra khỏi thực tế sinh động của cuộc sống. Thậm chí có những môn học mang tính chất lý thuyết đơn thuần, hoặc nội dung quá lạc hậu so với thực tế, khiến cho người học không thấy được những ứng dụng và ý nghĩa thực tiễn của môn học.
Gần đây, nhiều trường đại học đã và đang cố gắng tìm ra những hướng đi mới dựa theo các phương pháp giáo dục ở các nước tiên tiến, chẳng hạn : tăng các giờ trao đổi, thực tập ngoại khóa, các buổi seminar về những đề tài có liên quan đến môn học, cho sinh viên đi khảo sát thực tế rồi báo cáo, sử dụng phương tiện Internet trong tìm kiếm thông tin, tri thức… Những chuyển biến này làm phong phú hơn các nguồn cung cấp tri thức cho sinh viên, tạo được hứng thú trong công tác học tập, giảng dạy… mặc dù chưa nhiều và chưa phổ biến, nhưng đã phần nào tích lũy các thay đổi về lượng, tạo những tiền đề cơ bản để chuẩn bị cho những thay đổi về chất của giáo dục đại học ở nước ta sau này. Tuy nhiên để có những thay đổi tích cực và mạnh mẽ hơn đòi hỏi phải có một sự định hướng rõ rệt từ phía nhà nước, sự thay đổi trong nhận thức của các nhà làm công tác giáo dục, và ý thức của tất cả mọi người về một nhu cầu đổi mới toàn diện, để có một phương pháp giáo dục đại học tiến bộ, phù hợp với hoàn cảnh nước ta, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
·        Tự do học thuật để thúc đẩy NCKH ở Việt nam
Tinh thần cốt lõi của Tự do học thuật là biến Đại học trở thành một môi trường lý tưởng cho học tập và nghiên cứu, ở đó chỉ có tri thức được tôn thờ. Mọi quan điểm, học thuyết, tư tưởng đều được nghiên cứu và trao đổi một cách nghiêm túc, thẳng thắn, cởi mở để tìm ra được những tri thức đúng đắn, nhằm ứng dụng vào cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Ở đó, không có khái niệm gọi là vùng cấm hay nhạy cảm không được đụng đến. Mọi tri thức đều phải được kiểm chứng và đánh giá dưới nhãn quan khoa học.
Từ định nghĩa trên, đối chiếu với bối cảnh Việt Nam, ta nhận thấy nhiều quy định hiện nay của cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở giáo dục Đại học ở Việt Nam chưa đảm bảo nguyên tắc Tự do học thuật này. Tư duy quản lý ở Việt Nam từ trung ương đến cơ sở vẫn còn nặng về thủ tục hành chính theo kiểu "xin cho". Đại học ở Việt Nam chưa được xem là một đơn vị độc lập có quyền tự chủ về hoạt động giáo dục và nghiên cứu như ở các nước phát triển. Mọi vấn đề của đại học từ tuyển sinh, mở ngành, công nhận kết quả, cấu trúc chương trình, giáo trình, cách đánh giá, ngân sách hoạt động... đều phải thông qua Bộ GD-ĐT & các cơ quan quản lý nhà nước.
Trên thực tế, mô hình quản lý trói buộc như trên đã tỏ ra thiếu hiệu quả, và kiềm hãm sự phát triển của hoạt động giáo dục và NCKH. Điều này thể hiện cụ thể ở nhiều mặt, như: GV. không có hứng thú làm NCKH, chất lượng đào tạo thấp, năng lực của SV. tốt nghiệp không đáp ứng nhu cầu xã hội, và sản phẩm giáo dục thường bị đánh giá thấp bởi các doanh nghiệp sử dụng lao động... Hiện tượng thiếu tin tưởng của các bậc phụ huynh đối với hệ thống giáo dục trong nước khi cho con em đi "tỵ nạn giáo dục" ngày càng phổ biến, các biểu hiện tiêu cực trong ngành giáo dục ngày càng nhiều về số lượng và càng nghiêm trọng về bản chất... đều là những chỉ dấu cho thấy giáo dục Đại học Việt Nam hiện có quá nhiều vấn đề, và rơi vào tình trạng khủng hoảng toàn diện. Chính vì vậy, hiện nay đã có sự đồng thuận rất lớn trong xã hội là cần phải có một cuộc cải cách toàn diện ngành Giáo dục. Phải thay đổi toàn bộ, từ triết lý giáo dục, tư duy quản lý, giáo trình, cách đánh giá, cho đến các chính sách cụ thể... mới mong có thể cải thiện chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, điểm then chốt nhất của đợt cải cách giáo dục này là phải tạo điều kiện để đảm bảo môi trường tự do học thuật cho các trường Đại học. Có như vậy, mới tạo ra những tiền đề căn bản và điều kiện cần thiết cho những thay đổi sâu rộng hơn trong ngành Giáo dục.
Để phát triển trong nền kinh tế tri thức, Đại học cần phải là thành trì vững chắc nhất cho những tâm hồn khát khao chân lý và là nơi bất khả xâm phạm để các nhà trí thức có thể yên tâm nghiên cứu, sáng tạo mà không lo sợ "phạm húy" hay bị đem ra "đấu tố" một ngày nào đó. Nếu thực trạng thiếu tự do học thuật vẫn còn duy trì, thì mọi nổ lực cải cách giáo dục đại học Việt Nam sẽ không đạt được kết quả như kỳ vọng của xã hội. Bởi, bỏ qua tự do học thuật, mọi vấn đề cải cách chỉ giải quyết được phần ngọn mà không chạm đến được phần gốc rễ, hay nguyên nhân cốt lõi của nó.
Chỉ có một môi trường Tự do học thuật thật sự mới có thể đảm bảo Đại học làm tốt vai trò của nó trong thời đại tri thức, là cái nôi ươm mầm cho những đóa hoa tri thức, cho sự sáng tạo các tư tưởng mới và cho khát vọng vươn tới những chân trời tri thức. Nếu muốn thay đổi, chúng ta phải biết vượt qua những rào cản hiện tại, để có thể hái được trái cấm trên cây tri thức của nhân loại. Có như thế, Đại học mới có thể tạo ra những người trí thức đúng nghĩa, có năng lực sáng tạo, tự tin trong việc tìm kiếm tri thức và giải quyết các vấn đề đầy khó khăn và phức tạp mà thời đại đang đặt ra.

Friday, February 28, 2020

THANH TỊNH


THANH TỊNH


Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp, sáng suốt.
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Ðến thánh địa chư Thiên.
*
Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp, sáng suốt.
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Chẳng trở lại sanh già.
*
Bậc trí theo tuần tự.
Từng sát na trừ dần
Như thợ vàng lọc bụi
Trừ cấu uế nơi mình.

(Nguon: Tho Phat cho tre em - Duc Kien)

Monday, February 24, 2020

Tưởng niệm

Tưởng niệm

Kính dâng tất cả quý thầy đã hy sinh vì Quốc gia, Dân tộc và Đạo pháp

Gió vẫn vô tình, mây vẫn bay
Nghìn thu không gặp nữa thầy ơi
Không gian ủ rũ chim ngừng hót
Nhân thế sầu đau bặt tiếng cười

Thầy đã ra đi... đi thật rồi
Như áng mây trời tan biến thôi
Ai đem giông tố làm rơi rụng
Những đóa sen gầy tan tác trôi

Người ta sao chẳng biết thương nhau
Lại nỡ gieo chi cảnh máu đào
Chinh chiến còn gây bao thảm họa
Từ đây và mãi đến ngàn sau

Thầy đã ra đi... đi thật rồi
Khung trời xao xác, lá vàng rơi
Con nghe đau xót dâng đầy mắt
Bao giờ hội ngộ nữa... thầy ơi!

Thầy đi cho trọn cuộc hành trình
Kiếp người từ thuở chớm bình minh
Nguyện lành cứu độ bao sanh chúng
Giúp người phá bỏ lưới vô minh

Con khóc nhìn theo tận cuối đường
Lòng con rào rạt nỗi buồn thương
Trầm lan theo gió lên cao ngất
Xe tang còn thoảng lại mùi hương

Thầy đi... đi mất biết về đâu?
Xa hẳn trần gian chốn khổ đau
Siêu thoát đài sen cao chín phẩm
Ray rứt lòng con, luống nghẹn ngào

Cố nén đau buồn lúc tiễn đưa
Vùi chôn kỷ niệm những ngày xưa
Con về cõi tạm đầy giông tố
Thầy đến nơi hoa nở bốn mùa

Nghiệp trần rũ sạch kể từ đây
Thanh thoát hồn thiêng lơ lửng bay
Nhìn xuống thế gian mờ mịt khói
Con mơ thầy ngự giữa liên đài

Vân Hà (TTHA)

Wednesday, February 12, 2020

An vui


AN VUI

Vui thay, chúng ta sống,
Không hận, giữa hận thù!
Giữa những người thù hận,
Ta sống, không hận thù!

*
Vui thay, chúng ta sống,
Không bệnh giữa ốm đau!
Giữa những người bệnh hoạn,
Ta sống, không ốm đau.

*
Vui thay, chúng ta sống,
Không rộn giữa rộn ràng;
Giữa những người rộn ràng,
Ta sống, không rộn ràng.

*
Không hận giữa hận thù
Không bệnh giữa đau ốm
Không bận giữa mịt mù
Còn an vui nào hơn ?

(Nguon: Duc Kien - Tho Phat cho tre em)

Monday, February 10, 2020

Đức Phật độ đệ tử bệnh

Đức Phật độ đệ tử bệnh

Có một thầy Tỳ-kheo bị bệnh lâu ngày không thuyên giảm, thân thể lở loét, hôi hám khó chịu. Ban đầu có nhiều Tỳ-kheo khác chăm sóc, giúp đỡ, nhưng rồi ai cũng ngán ngẩm vì hôi tanh. Vì vậy, Thầy được dời ra ở một nơi cách xa Tịnh xá.

Một hôm, đức Phật và các thầy Tỳ-kheo trên đường du hóa ngang qua, đức Phật ghé vào thăm và nhờ thầy A-nan nấu nước để đức Phật đích thân tắm rửa, mặc y áo cho thầy Tỳ-kheo bị bệnh.

Thầy Tỳ-kheo bị bệnh đang đau khổ, bỗng nhiên hôm nay được Như Lai ghé thăm lại đích thân tắm rửa, thay y khiến Thầy cảm thấy phấn khởi, an lạc không chi bằng. Thầy sung sướng như đứa con thơ nhiều năm lưu lạc gặp lại mẹ cha, thầy cảm nhận được niềm phúc lạc vô biên chưa từng có trong cuộc đời.

Nhân đó, Như Lai Thế Tôn khai thị pháp môn quán về bệnh khổ thân này không thực có: “Thân đau nhưng tâm không đau.” Sau khi nghe bài pháp của đức Phật, thầy Tỳ-kheo thực hành ngay pháp quán sát tường tận này, Ngài liền chứng quả A-la-hán và thị tịch một cách an lành, thanh thản.

Thật khác với chúng ta, có người tu tập nhiều năm, đến khi đổ bệnh không làm chủ được bản thân, đau đớn, rên xiết vô cùng, người nhà thấy vậy đau lòng khuyên niệm Phật hay thiền quán cho bớt khổ đau, nhưng người ấy không thể làm được.

Qua đó, ta mới thấy việc thực hành các pháp môn không phải là việc dễ làm. Có người còn cho rằng, bây giờ còn trẻ, ta ăn chơi, bay nhảy cho thỏa thích, đến lúc tuổi già hãy tu cũng không sao. Nên nhớ rằng, khi có phước duyên gặp Tam Bảo, mà không tinh tấn tu hành theo lời Phật dạy, lúc bệnh đến không biết cách hóa giải lại than thân, trách khổ như khát nước chờ đào giếng thì làm sao cho kịp.

Là người con Phật, chúng ta phải cố gắng tu hành lúc còn trẻ, còn mạnh khỏe, không nên chờ đến tuổi già mới tu, e đến lúc đó, thân không còn khỏe, chân đau, gối mỏi, bệnh tật tấn công, thân chịu không nỗi, lấy đâu mà tu luyện, thực hành. Người thiếu phước, không có trí tuệ, khi đối diện với tuổi già bệnh hoạn sẽ lo âu, sợ hãi, bất an, đâu có còn bình tĩnh, sáng suốt để tu hành.

(Nguon: https://phatgiao.org.vn/cau-chuyen-duc-phat-do-de-tu-benh-d37038.html)