Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Tuesday, July 28, 2015

GIỌT SƯƠNG TRÊN LÁ

GIỌT SƯƠNG TRÊN LÁ

Sáng nào Tâm cũng dậy sớm để tập thể dục cùng với các bạn trong sân chùa. Thầy luôn bảo các con phải siêng năng tập thể dục cho thân thể khoẻ mạnh thì mới học hành tấn tới và làm việc gì cũng phấn chấn, hăng say… không có cảm giác buồn chán …Tâm rất nghe lời Thầy cũng như các bạn ở đây, bỡi Thầy vừa là cha, vừa là mẹ của tất cả bọn trẻ trong trại cô nhi của chùa nầy, mà Tâm thì còn may mắn hơn các bạn vì Tâm không bị khuyết tật như các bạn khác. Không biết cha mẹ là ai, Tâm lớn lên trong tình yêu thương của Sư Thầy và những người bạn đồng cảnh ngộ… cái tập thể nhỏ nhoi ấy càng ngày càng đông thêm nhưng Tâm không hề cảm thấy vui sướng khi có thêm bạn đồng hành. Mỗi lần, Thầy ra sân tập thể dục với các em, nếu như bình thường, sau khi tập thể dục xong, các em quây quần bên Thầy để nghe thầy giảng những bài học hay, những tấm gương tốt trong xã hội đã làm cuộc sống con người thay đổi…những câu chuyện cổ tích, huyền thoại có ý nghĩa sâu sắc để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ của các em… thế nhưng cũng có những ngày Thầy im lặng không nói câu nào, chỉ lặng lẻ bế một bọc vải của ai đó bỏ lại trong sân chùa, bên trong là một sinh linh bé nhỏ đáng thương còn thoi thóp…và rồi cái tập thể bất hạnh ấy lại có thêm một cư dân bé nhỏ, vô tội, vô thừa nhận của ai đó bỏ rơi, đám cô nhi được nhà chùa cưu mang mỗi ngày một đông thêm…
Tâm thích ngồi ngắm những giọt sương còn đọng lại trên lá cây, mỗi lần tập thể dục xong em thường chọn một vị trí thích hợp, kín đáo một chút – sau lưng thầy hoặc sau một bụi cây nguyệt quế thơm ngát – vừa nghe thầy kể chuyện, vừa ngắm giọt sương trong vắt còn đọng trên những lá cỏ non. Tâm thường ví những giọt sương đó là những em bé mà thầy nhặt được ngoài cổng hoặc trong sân chùa mỗi sớm mai thức dậy, nó thật quá bé nhỏ và mong manh ! nếu như không may những giọt sương đó không được thầy đón lấy mà bị rớt xuống một nơi nào đó không tốt hay bị khô lần đi theo từng tia nắng mặt trời thì thật là tội nghiệp… Thầy đã phì cười khi nghe Tâm kể lại ý nghĩ ngộ nghĩnh đó.Tâm cũng hay chạy đến bên thầy để được là người đầu tiên nhìn thấy em bé mới sinh được gia nhập vào cái tập thể bất hạnh, nhỏ bé nầy. Có lần, thầy bồng vào một em bé bị kiến cắn đến ngất đi, mình mẩy sưng vù, Tâm phải chạy đi nấu nước, lấy bông gòn thấm từng giọt nước ấm lau cho em, vừa lau Tâm vừa suýt soa và cảm thấy đau xót như chính mình bị kiến cắn vậy. Tâm vẫn thường tự hỏi: Tại sao cha mẹlại có thể bỏ con của mình được nhỉ ? nếu như không thương nó thì sinh ra nó làm chi ?để rồi lại phải lén lút mang vứt bỏ con mình như thế ? Tâm không làm sao hiểu được bỡi em hãy còn nhỏ quá, chưa đủ trí khôn và kinh nghiệm sống để có thể phán đoán một con người nào đó nhất là kẻ đã sinh thành ra em. Tâm cũng chưa bao giờ hình dung được diện mạo của cha mẹ mình ra sao bỡi em cũng đến với sư thầy trong tình trạng bị bỏ rơi như thế…sống ở đây, trong tình yêu thương của sư thầy, của các cô, chú đến làm công quả cho nhà chùa, Tâm thấy mình cũng có phước lắm rồi bỡi ngoài kia, còn biết bao trẻ mồ côi không nơi nương tựa, phải tự kiếm sống với rất nhiều cạm bẫy của cuộc đời, của những con người xấu đang vây bủa khắp nơi… Tâm tuy mới mười hai tuổi nhưng em cũng hiểu được điều đó, em và các bạn ở đây đã được sư thầy dạy dỗ rất kỹ. Buổi sáng các em còn được thầy xin cho đến học ở các trường gần đó, cho nên, ngoài việc thiếu vắng cha mẹ, các em cũng được nuôi nấng, sinh hoạt bình thường như bao đứa trẻ khác bằng tình yêu thương của thầy và các cô chú ở trong chùa, chính nhờ tình yêu thương đó mà Tâm không cảm thấy mình là một đứa trẻ lạc loài. Tâm vẫn cảm nhận được mối liên lạc mật thiết giữa em và họ, theo em thì những người đó chính là người thân của em thay thế cho cha mẹ em đã vì hoàn cảnh nghiệt ngả nào đó mà phải chối bỏ em. Tâm không hề oán trách cha mẹ đã bỏ rơi mình, mà em luôn mong muốn cho cha mẹ ở đâu đó luôn đuợc hạnh phúc với những người thân còn lại… vì Tâm đã được huân tập từ nhỏ cái tinh thần từ bi, trí huệ của con nhà Phật, cho nên em sống rất hồn nhiên, đầy lòng yêu thương con người như lời dạy của thầy hàng ngày… phải biết sống vì mọi người, yêu thương mọi người cho dù mọi người có đối xử với ta tệ bạc đến đâu đi nữa…vả chăng, đó còn là nghiệp báo của từng người – biệt nghiệp – không ai giống ai, những hành động mà ta đã tạo tác ra từ lâu, có thể là trong hiện kiếp, có thể là trong tiền kiếp còn rơi rớt lại cái dư báo mà bây giờ chúng ta phải nhận chịu, không ai có thể gánh dùm hoặc trả thay được hết… Tâm hiểu đuợc điều đó cũng là do thầy đã giảng dạy cho các em từ khi còn rất nhỏ, nhờ thế mà các em không cảm thấy buồn nhiều khi biết rõ thân phận của mình…
Mỗi sáng chủ nhật, Tâm thích đứng xem Gia đình Phật Tử sinh hoạt trong sân chùa. Các anh chị huynh trưởng điều khiển sinh hoạt cho các em thật hay. Sau khi cả đoàn vào lễ Phật, sám hối và hát bài Trầm hương đốt, các đoàn sinh tỏa ra sinh hoạt riêng với đoàn của mình. Có nhóm vào học giáo lý với Thầy, có nhóm vào học các sinh hoạt, thao tác của các hướng đạo sinh như morse, sémaphore, dấu đi đường, sơ cấp cứu, vv... nhóm nữ thì học nấu ăn, làm bánh, cắm hoa… nói chung các anh chị và các bạn trong gia đình Phật tử thật dễ thương, họ cũng hay vào chơi và mang bánh, trái vào cho các em trong trại cô nhi nầy. Có khi họ bỏ cả những buổi sinh hoạt bình thường để vào giúp các em làm toán, học bài…hay cắt tóc cho các em…sau buổi sinh hoạt, một số các anh chị ở lại giúp thầy chăm sóc các em hãy còn quá nhỏ, hoặc bị khuyết tật, không tự sinh hoạt được… Tâm thường lẽo đẻo quấn quít bên các anh chị ấy để phụ giúp hoặc hỏi han đủ mọi vấn đề mà Tâm không có cơ hội để học hỏi. Chị Thủy là người quan tâm đến em nhất, cho nên, mỗi khi Tâm hỏi điều gì, chị đều giải đáp cặn kẻ cho Tâm hiểu chứ không gắt lên như các anh chị khác : con nít hỏi chuyện đó để làm gì ? mai mốt lớn lên sẽ biết hết mà, cứ lo học đi thôi, bé con… vì vậy mà Tâm không hỏi các anh chị ấy nữa, Tâm chỉ thích đi theo chị Thủy để được nghe chị giải thích, kể chuyện ngoài đời, kể những chuyện vui, buồn của chị lúc đi học và…cả chuyện cổ tích thời đại mà chị đã khéo léo vận dụng để Tâm không cảm thấy tủi, buồn về thân phận của mình…chị Thủy cũng thường hỏi Tâm:
– Tại sao em không vào sinh hoạt với Gia đình cho vui ?
– Em cũng thích lắm nhưng… em cũng đang ở trong chùa mà…
– Vì vậy, nếu em vào đoàn em sẽthuận lợi hơn trong việc đi sinh hoạt, không phải mất thì giờ chuẩn bị lên chùa…
– Nhưng em còn phải giúp thầy nhiều việc khác nữa, chẳng hạn như quét sân, nấu nước và trông các em còn quá nhỏ để cho thầy tụng kinh, ngồi thiền…
Chị Thủy vuốt đầu em ra vẻ thông cảm:
–Em làm nhiều việc thế cơ à? Vậy là em còn giỏi hơn cả chị nữa đấy…
Tâm lắc đầu nhưng trong lòng rất vui. Thật ra, không phải chỉ có mình Tâm là giúp Thầy nhiều việc như thế đâu mà còn rất nhiều anh chị khác nữa. Họ là những người đã vào đây trước Tâm. Đó là chị Kiều, chị Lan, chị Hồng, anh Phong, anh Kỳ, anh Phúc, vv… họ đã sống và lớn lên ở đây từ rất lâu, có lẽ trước khi Tâm ra đời nữa đấy. Tuy không sống đời tu sĩ nhưng họ cũng ở trong chùa, đọc kinh sách, tham dự đều đặn các khóa lễ của chùa hằng ngày không khác gì các chú tiểu ở trong chùa. Thầy vẫn thường bảo với các anh chị ấy là : bao giờ các con muốn ra đời để lập gia đình riêng, xây dựng tổ ấm cho mình một cuộc sống độc lập không lệ thuộc vào một ai cả thì cứ nói với thầy, thầy sẽ chuẩn bị cho đầy đủ mọi thứ… nhưng các anh chị ấy dường như không muốn ra chen vai, thích cánh với người đời. Các anh chị ấy vẫn còn luyến tiếc cái gia đình thân yêu dưới mái chùa nầy, bên cạnh thầy, bên cạnh các bạn đồng cảnh ngộ của mình… Tâm có lẽ rồi cũng thế, em cảm thấy không ở đâu bằng ở đây, bên ngoài, cuộc sống có vẻ rộn rịp, hối hả, đầy sinh động nhưng cũng đầy cám dổ không lường trước mà các em… không khác gì những con chim đã bị thương, luôn luôn đầy mặc cảm, nhút nhát, sợ hãi,…trước tất cả mọi người. Tâm thỉnh thoảng cũng nghĩ đến tương lai của mình nhưng em biết mình thật khó mà hòa nhập vào cái thế giới bên ngoài.
Em vẫn thường hay hỏi chị Thủy :
– Có bao giờ chị phải sống xa cha mẹ của chị không?
– Có chứ em, rồi sao nào?
– Chị luôn thấy nhớ cha mẹ chứ gì? Ay là chị còn diễm phúc sống bên cạnh các người…chứ nếu như…
–Chị ở vào hoàn cảnh của các em chứ gì? Thì chị cũng sẽ như các em thôi…
– Nghĩa là sao?
– Thì chị cũng sẽ coi Thầy và các bạn của mình là người thân trong gia đình, chị sẽ sống và lớn lên trong cái đại gia đình ấy…
– Ngay cả khi đã trưởng thành ư ?
– Ừ, thì những người lớn đã nuôi mình, mình có bổn phận phải nuôi lại những bé mới đến còn nhỏ hơn mình chứ?
– Vậy là mình sẽ ở mãi nơi đây để trả ơn cuộc đời sao?
– Đó là ý kiến riêng của chị, còn em thì sao?
Tâm nhìn xuyên qua những lá trúc ngoài vườn, đôi mắt em ánh lên những tia sáng long lanh:
–Em cũng muốn có một gia đình riêng để tự mình chăm chút, có người thân để thương yêu, chia xẽ buồn vui…
– Thế em không coi nơi đây là những người thân của em sao? Còn các bạn, còn thầy, còn các anh chị thường xuyên đến thăm các em nữa…
–Nhưng rồi sau đó… ai cũng phải trở về nhà của mình…
–Còn em…thì đang ở trong chính căn nhà của mình rồi còn gì? còn tính đi đâu nữa chứ ?
Cả hai chị em cùng cười xòa bên nhau mỗi lần nói chuyện như thế.Tâm rất mến chị Thuỷ, cứ mỗi lần sinh hoạt xong, chị Thuỷ thường ở lại chơi với các em rất lâu, dường như chị không đành lòng khi thấy ánh mắt các em cứ lưu luyến nhìn theo, bao giờ chị Thủy cũng là người về sau cùng,
Đã hơn hai tuần nay Tâm không thấy chị Thủy đi sinh hoạt gia đình Phật tử, các anh chị khác vẫn sinh hoạt bình thường với các em nhưng chị Thủy thì Tâm chẳng thấy đâu, Tâm cứ nhìn mãi ra cổng để mong chị Thủy đến trễ hay có ai đó đến cho hay chị Thủy xin phép nghĩ sinh hoạt một thời gian vì lý do nào đó… hoặc đích thân chị Thủy đến để xin phép các anh chị huynh trưởng nghỉ sinh hoạt luôn vì chuyển nhà..vv… và…vv…vv…Tâm cứ vẻ ra hết lý do nầy đến lý do khác về sự vắng mặt của chị Thủy, đối với em, việc chị Thủy vắng mặt cũng giống như em vừa bị lạc mất người thân của mình vậy. Cho nên, cứ đến giờ các anh chị sinh hoạt là Tâm cứ trông đứng trông ngồi, luôn nhìn ra cổng, mong chờ sự xuất hiện của chị Thủy như mong mẹ về chợ vậy… cho đến một hôm, có một người phụ nữ rất đẹp, tuy bà ấy không còn trẻ nữa, dáng vẻ quí phái đến chùa lễ Phật và xin gặp thầy trụ trì, Tâm dẫn bà vào phòng tri khách, rót nước mời bà rồi chạy đi bẫm thầy.Tâm cứ lẩn quẩn ở cạnh đấy để hóng chuyện, khi biết bà khách ấy chính là mẹ của chị Thủy. Bà nói gì đó với thầy rất lâu rồi khóc và nhìn thầy khẩn khoản như muốn gửi gắm điều gì đó. Tâm nghe bà nói loáng thoáng tiếng được tiếng mất:
– Bạch thầy, xin thầy khuyên cháu giúp dùm con, con chỉ có cháu là đứa con duy nhất còn lại, anh cháu đã mất từ lúc còn rất nhỏ, cho nên cả nhà rất thương quí cháu…nay cháu muốn thế, cả nhà không biết phải làm thế nào để khuyên cháu nữa, xin thầy giúp chúng con, thầy cho cháu một lời khuyên… để cháu bỏ ý định…
Thầy không nói gì một lúc lâu, trầm ngâm suy nghĩ cân nhắc không biết nên nói thế nào để an ủi bà ấy. Đối với thầy, việc chị Thủy muốn xuất gia không phải là chuyện bình thường, bỡi vì người có ý định ấy phải là người hiểu biết, từng trãi việc đời, có ý chí xuất trần rất mạnh…đằng nầy, chị Thủy chỉ là một cô gái mới lớn, còn rất ngây thơ, trong trắng, chưa vấp ngã trường đời bao giờ thì làm sao chị Thủy có thể đi trọn con đường tu hành mà không bị choáng bỡi những thữ thách sẽ phải trải qua. Thầy rất thông cảm với mẹ của chị Thủy. Cha mẹ nào mà chẳng thương con, muốn cho con sung sướng, hạnh phúc hơn người, nay, chị Thủy lại muốn từ bỏ con đường thế gian thường tình đó để đi theo con đường đầy khó khăn thử thách của những bậc xuất thế, hỏi sao cha mẹ không lo lắng cho được?…Tâm nghe thầy nhỏ nhe,từ tốn bảo với mẹ chị Thủy :
–Có ý hướng thiện là tốt, tuy nhiên trong trường hợp của cháu Thủy cũng hơi bất ngờ, tôi không dám khuyên bác điều gì cả nhưng xin bác nên thận trọng trong việc nầy, có thể đó là bi nguyện của cháu từ tiền kiếp, có thể đó là lòng thương người của cháu do cháu tiếp xúc với các trẻ em mồ côi khuyết tật ở đây, cũng có thể do cháu có chuyện gì đó không hài lòng với gia đình….dù gì đi nữa thì…đó cũng là một hướng đi tốt, bác đừng vội la rầy cháu mà hãy khuyên cháu nên suy nghĩ cho thật kỹ trước khi quyết định, nếu cần hãy cho cháu vào chùa sống thử một thời gian…
– Bạch thầy, con chỉ sợ cháu không quen…
– Như thế, cháu sẽ có dịp rà soát lại quyết định của mình để xem đó có phải là quyết định quá vội vàng không? với lại ở trong chùa một thời gian cháu Thủy có thể sẽ bỏ ý định xuất gia vì cuộc sống trong chùa rất cực khổ, cần sự nhẫn nại, chịu đựng khá cao của người muốn sống đời giải thoát…Tôi nghĩ, lúc ấy bác không cần khuyên, cháu cũng sẽ trở lại sống với gia đình để làm một nữ cư sỉ tốt mà thôi…
Mẹ chị Thủy đứng lên:
– Con xin nghe lời dạy của Thầy, nhưng thầy ạ, nếu như cháu có đến thăm thầy xin thầy khuyên dùm cháu một lời giúp con để cháu bỏ đi ý nghĩ ấy…
– Được, tôi hứa với bác…
Mẹ chị Thủy yên tâm, đứng lên chào thầy rồi ra về. Tâm nhìn theo bà ấy một cách ngạc nhiên. Tâm không hiểu sao chị Thủy thích làm một việc tốt như vậy mà bà lại không cho, nếu như chị Thủy thích ăn chơi, đua đòi với những bạn bè xấu thì sao? Từ nhỏ, Tâm đã sống và lớn lên ở trong chùa. Tâm yêu cuộc sống đạm bạc đó bỡi vì em không có một mái ấm gia đình riêng của mình như những đứa trẻ khác, cho nên em rất ngạc nhiên khi biết chị Thủy lại thích vào chùa ở trong khi em thì luôn mơ ước ra ngoài đời để có một mái ấm gia đình… có cha, có mẹ để thương yêu…có anh, có chị để tâm sự… có những đứa em nhỏ để ẩm bồng, nâng niu, dỗ dành…để bớt đi cảm giác cô đơn, buồn tủi…của trẻ mồ côi, mặc dầu, ở đây Tâm cũng được sự thương yêu, chở che, đùm bọc của Sư thầy, được các bạn cùng hoàn cảnh thương mến, được các cô chú ở trong chùa thông cảm, yêu thương không khác gì người thân trong gia đình…vậy mà, Tâm vẫn cảm thấy buồn vô cùng cho thân phận mình, mỗi khi ngồi lặng ngắm nhìn giọt sương trên lá . Tâm nhận ra giọt sương ấy đẹp vô cùng và cũng mong manh vô cùng. Nó được tồn tại bao lâu là nhờ nằm im trên lá ,lúc ấy trông nó giống như một viên ngọc hay một viên kim cương mà Tâm nhìn thấy trên tay của các bà, các cô giàu có đến viếng chùa…nhưng nếu như có một cơn gió vô tình hay những tia nắng sáng soi đến, nó sẽ rơi xuống một nơi nào đấy để thấm vào lòng đất nuôi dưỡng cây cỏ nơi ấy, hoặc bốc hơi rồi biến mất vào hư không, chẳng lưu lại một dấu vết nào cả…Tâm nghĩ cuộc đời mình và các bạn ở trong trại trẻ mồ côi này chắc rồi cũng sẽ như vậy mà thôi…
– Này, chú bé, ngồi mơ mộng gì đấy ?
Tâm quay lại không nén được niềm vui òa đến:
– Chị Thủy…chị Thủy…em mừng quá….
– Sao mừng vậy…?
– Em tưởng là sẽ không được gặp chị nữa…
– Tại sao…?
– Chứ không phải chị đi tu rồi sao ? Mẹ chị đã đến đây báo tin cho thầy em nghe rất rõ mà…
– Ừ, như thế thì chị sẽ càng được dịp ở chùa rất nhiều, sẽ được gặp em hoài hoài chứ sao…
Tâm nhìn chị Thủy chăm chú, lạ lùng như mới gặp lần đầu. Chị Thủy tròn mắt, cười rất hóm hỉnh:
– Ngạc nhiên lắm phải không, chú bé? Chắc là tưởng chị chán đời vì một lý do nào đấy chứ gì? không đâu…chị còn yêu đời lắm đấy nhé…
– Thế tại sao chị lại…
–…đi tu chứ gì? Có giải thích em cũng không hiểu được đâu, cho nên chị không cần phải giải thích làm gì, em chỉ cần hiểu đại khái là chị Thủy rất thương các em ở đây. Chị Thủy muốn cống hiến đời mình để bù đắp cho sự thiếu thốn tình thương cha mẹ của các em…
Tâm ái ngại nhìn chị Thủy. Em không muốn bất cứ ai vì cái tập thể nầy mà phải hy sinh hạnh phúc gia đình, điều mà em và các bạn có nằm mơ cũng không bao giờ có được, em bảo với chị Thủy:
– Tại sao chị phải vì người khác nhiều như thế? em và các bạn ở đây cũng sung sướng lắm, có thầy, có bạn, lại có các anh chị hàng tuần đến thăm là đủ lắm rồi, vả lại chúng em cũng càng ngày càng lớn biết tự chăm sóc cho mình rồi mà…
Chị Thủy kéo Tâm ngồi xuống bãi cỏ xanh, bên cạnh khóm nguyệt quế đang trổ bông thơm lừng, chị nhặt một đóa hoa rơi trên cỏ đặt vào lòng bàn tay em:
– Em nhìn xem, đây là một bông hoa nguyệt quế đã rời cành, kiếp sống của hoa thật là ngắn ngủi, đúng không? tuy nhiên nó sống không uổng phí một đời vì nó đã mang lại hương thơm cho mọi người, ngay cả khi hết kiếp, nó vẫn hãy còn thơm như khi còn ở trên cành đấy, em thấy không?…
Tâm lắc đầu buồn bả:
– Em không hiểu chị muốn nói gì nhưng em chẳng thích chị đi tu chút nào…mặc đồ tu hành trông chị xấu lắm…
Chị Thủy chẳng giải thích vì thấy Tâm hãy còn nhỏ quá có nói chắc em cũng không hiểu nổi , chị chỉ cười dịu dàng xoa đầu Tâm rồi ngồi yên lặng, chị nhìn lên bầu trời trong xanh không một gợn mây, đôi mắt chị trong sáng và tự tin vào điều mình đã chọn. Tâm cũng không nói gì bỡi em biết chị Thủy lớn hơn mình, học cao hơn mình, có hoàn cảnh tốt đẹp hơn mình nên những gì chị Thủy nói và làm – đối với em – đều là có ý thức và lý tưởng tốt đẹp hướng dẫn cuộc sống tinh thần đó của chị, Tâm chỉ ngạc nhiên không hiểu tại sao chị lại thích ở chùa trong khi ở ngoài đời chị vẫn có thể thực hiện được những điều chị muốn làm kia mà, đôi khi lại còn làm được nhiều việc hơn là ở chùa nữa đấy bỡi không bị trở ngại về mặt hình thức … Tâm chỉ nghĩ vậy thôi chứ em không dám nói lên điều đó. Chị Thủy dứng lên từ biệt, Tâm nắm tay chị thật chặt lưu luyến như sợ sẽ không còn được gặp lại chị nữa. Mà quả có thế thật, kể từ dạo đó đến nay em chưa gặp lại chị Thủy lần nào cả, gặp bất cứ ai là người quen biết chị dạo đó em đều hỏi thăm nhưng cũng chẳng có thông tin gì về chị. Tâm buồn lắm em vẫn thường lẩm bẩm nói một mình như nói với chị Thủy đang đứng trước mặt em : Chị Thủy ơi ! dù chị ở đâu và làm gì em cũng xin Phật phù hộ độ trì cho chị được như ý nguyện, mọi việc chị làm đều có kết quả tốt đẹp, đẹp như những giọt sương trên lá của chị em mình vậy…
Vân Hà (TTHA)

Friday, June 26, 2015

Lời tựa - Những mẫu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi

LỜI TỰA
(Những mẫu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi, NXB. Phương Đông, 2015)

Giáo dục con trẻ nên người là một trong những mục tiêu lớn lao của các bậc làm cha, làm mẹ. Tuy nhiên, việc dạy trẻ là một nhiệm vụ khó khăn, bởi cần phải có phương pháp phù hợp, nội dung phù hợp với khả năng tiếp thu của trẻ.

Một trong những phương pháp được các nhà giáo dục khuyến khích đó là sử dụng các câu chuyện có chọn lọc để chuyển tải các bài học về đạo đức. Từ đó, xây dựng cho trẻ sự tự hiểu biết và vun bồi những hạt giống thiện trong tâm hồn trẻ em.

Nhận thấy, kho tàng truyện cổ tích Phật giáo là một nguồn phong phú, có nhiều mẫu chuyện phù hợp để đọc cho trẻ nghe trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, khi tìm kiếm các sách truyện Phật giáo hiện tại, số lượng sách chỉ dành cho thiếu nhi là rất ít. Đó chính là động cơ để tác giả thực hiện quyển sách này, là sưu tầm lại các mẫu chuyện Phật giáo đó đây, với tiêu chí là ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với suy nghĩ và tâm lý thiếu nhi.

Nội dung của quyển sách này là tập hợp các mẫu chuyện về cuộc đời và tiền thân Đức Phật, các lời dạy của Phật dành cho con trai La Hầu La và các đệ tử. Ngoài ra, còn có các mẫu chuyện ngụ ngôn, cổ tích về loài vật phù hợp với trẻ em.

Hy vọng, quyển sách sẽ là công cụ hữu ích đối với các bậc phụ huynh trong việc dạy con, là phương tiện để ươm mầm trí tuệ và yêu thương trong tâm hồn con trẻ. Mong rằng, nhờ quyển sách này những đóa hoa tình thương và hiểu biết sẽ nở rộ trong tương lai. Đó chính là mong mõi của tác giả và các bậc phụ huynh. Rất mong nhận được các phản hồi, góp ý để bổ khuyết cho những lần in sau.

Sài Gòn, 1/ 2015
Đức Kiên (Phạm Quốc Trung)

Monday, May 25, 2015

BẢO VỆ CUỘC SỐNG MUÔN LOÀI



BẢO VỆ CUỘC SỐNG MUÔN LOÀI

Một sáng tiết xuân ấm áp, Thái tử Tất Đạt Đa thơ thẩn dạo chơi trứơc sân rồng, ngắm nhìn bầu trời trong xanh cao vời vợi, Thái tử cảm thấy như còn một điều gì đó mình chưa hoàn thành, Thái tử hình dung ra bóng dáng người mẹ khả kính mà Ngài  chưa một lần gặp mặt. Hoàng Hậu, mẹ của Thái tử hiện giờ ở đâu ? Làm sao để gặp được Người ? Không biết bao nhiêu lần Thái tử đứng trước ảnh mẹ hiền cầu nguyện để được gặp mẹ trong mơ, để nói với người nổi niềm biết ơn của người con hiếu thảo.
Bỗng nhiên một chú chim Phượng Hoàng từ đâu bay vụt đến rồi sa xuống trước cung điện của Thái tử, thì ra chim Phượng đã bị trúng một mũi tên của  ai đó xuyên qua cánh, những giọt máu hồng rơi rớt trên thảm cỏ… Thái tử nâng chim lên, gỡ mũi tên ra mà cảm thất đau xót như chính mình bị trúng tên. Người mang chim Phượng vào đích thân lấy thuốc rịt vết thương cho chim và đặt nó nằm vào chiếc lồng son êm ả, rồi nói với nó như với một chúng sinh hiểu được tiếng người :
-­ Nằm yên nhé, chú Phượng hoàng  bé bỏng. Tại sao ngươi bay đến chốn nầy làm chi cho con người có dịp sát hại ngươi ? Thôi, hảy ở lại đây ít hôm cho vết thương lành hẳn rồi ta sẽ thả ngươi trở lại rừng xanh xum họp với bạn bè đồng loại của ngươi… Bên ngoài, có tiếng ai đấy đang yêu cầu Thái tử trả lại chim Phượng của họ đã bắn hạ được. Thì ra chim Phượng do chính vị Vương tử ấy bắn trúng. Thái tử ôn tồn bảo với vị Vương tử :
- Chim Phượng của Ngài là chim Phượng đã chết do trúng tên của Ngài bắn hạ, còn chim Phượng đang nằm trong lồng son kia hãy còn sống, vậy thì nó phải thuộc quyền của người nào đã cứu mạng nó chứ.
- Thế là Thái tử nhất định không trả lại chim Phượng cho vị Vương tử kia. Sự việc nhỏ nhoi ấy cũng được đem ra xử trước mặt Đức vua vì không ai chịu nhường ai. Cả Hoàng gia đều đồng ý với lý luận của Thái tử và cho rằng chỉ có người đem lại sự sống cho chim Phượng mới được quyền giữ nó mà thôi. Một tuần sau, cánh chim lành lặn, chú chim Phượng Hoàng quyến luyến không muốn trở lại rừng xanh tuy Thái tử luôn rộng mở cửa lồng để cho nó bay về tổ ấm. Thái tử phải mang chim ra tận bìa rừng và âu yếm nói với nó:
- Hỡi chim Phượng, nay người đã bình phục như xưa, tại sao ngươi còn quyến luyến chi cảnh lồng son không có tự do ? Nếu không có ta thì làm sao ngươi còn dịp trở về xum họp với đồng loại của ngươi nữa ? Hãy trở về chốn rừng xanh, non cao là nơi ngươi được tự do bay lượn giữa mây ngàn, gió núi, đừng luyến tiếc chi chốn thị thành đầy cạm bẫy của con người nầy. Thôi, ngươi hãy đi đi…
- Thái tử đặt chim Phượng lên một cành cây cao. Nó vụt bay lên rồi vòng xuống mấy lần như không muốn rời Thái tử, như tỏ ý từ biệt Ngài trước khi tung cánh vút lên trời xanh rồi mất hút sau dãy núi xa xa…
(Trích Những mẫu chuyện Phật giáo dành cho Thiếu nhi)

Thursday, March 26, 2015

Cùng bảo vệ thiên nhiên

Cùng bảo vệ thiên nhiên


Thiên nhiên, mẹ đẻ của con người
Cây xanh - lá phổi đó ai ơi
Dòng sông, nguồn nước trong lành đó
Nuôi dưỡng con người ở khắp nơi

Hà Nội còn đâu bóng cây xanh
Trời ơi, cổ thụ - đốn sao đành
Bao năm, bóng mát che thành phố
Một phút ra tay, lá phổi banh...

Đồng Nai, sông lấp để làm nhà
Ham giàu, ô nhiễm có đâu xa,
Bên lở, bên bồi, dòng ô nhiễm
Nhắm mắt mà làm, ôi xót xa !

Lắng nghe tiếng gọi của lương tâm
Giữ cây, kể cả những chồi mầm
Sông sâu, bảo vệ dòng nước sạch
Bảo vệ thiên nhiên, phải thật tâm

Cùng nhau đoàn kết trước u mê
Tàn phá môi sinh, nghiệp nặng nề
Vì thế hệ sau mà chung sức
Nhắc ai lầm lỡ, biết quay về...

PQT - 3/2015

Sunday, March 8, 2015

Đôi bàn tay em

Đôi Bàn Tay Em

PHẠM-TRƯỜNG-LINH
thương tặng Hồng Anh 


Trời cho em đôi bàn tay dịu mát
Em đã cho anh tự buổi em về
Đôi bàn tay khéo léo hay vụng về
Anh chẳng biết nhưng vẫn là kỳ diệu 
Tay khó nhọc nỗi đời ai thương hiểu
Đêm khuya rồi,còn vá áo cho con
Nhóm lửa nấu cơm,rửa chén,tay thoa son
Tay làm đẹp cho hồn anh tươi mát 
Tay khép cửa cho đêm về ấm áp
Tay châm ngọn đèn anh đọc giữa khuya
Tay xếp chiếu mền buổi sáng anh ra đi
Tay lận đận trăm chiều vất vả 
Em có về xin dịu hiền như mẹ
Xin thơm tho như lúa mọc trên non
Xin thanh cao như nước ngủ trên nguồn
Xin chịu đựng như đá mòn sông biển

Wednesday, February 25, 2015

Khai bút xuân Ất Mùi


Khai bút xuân t Mùi

Tết vvui đoàn t
Xuân sang chúc vn may
Mong m no đầy đủ
Bình an sut năm này

Ngm vic nhà, vic nước
Nhân tình ôi ngán thay
Sao mãi còn xuôi ngược
Dng tâm, phúc tròn đầy

Người đời ưa khách sáo
Đâu biết Tình trng thay
Làm ác thì ác báo
Làm lành t gp may

Xuân sang mong nhân thế
Tu dưỡng tâm hàng ngày
An trú trong chánh tu
Bây gi và đây

Ngm n cười Di Lc
Mai vàng nhè nh bay
Thích Ca ngi trm mc
Chuông chùa ngân đâu đây

Buông b bao lo nghĩ
Lng lòng trong phút giây
Quán xét tâm tht k
Hương trm ngào ngt bay

Mùng 7 Tết Ất Mùi - 2015
PQT






Thursday, January 29, 2015

SỰ TÍCH CÂY NÊU NGÀY TẾT



SỰ TÍCH CÂY NÊU NGÀY TẾT  


(Nguồn: Truyện Cổ tích Việt Nam)


Ngày ấy không biết từ bao giờ và cũng không biết bằng cách gì, Quỷ chiếm đoạt tất cả đất nước. Người chỉ ăn nhờ ở đậu và làm rẽ đất của Quỷ. Quỷ đối với Người ngày càng quá tay. Chúng nó dần dần tăng số phải nộp lên gấp đôi và mỗi năm mỗi nhích lên một ít. Cuối cùng chúng nó bắt Người phải nộp theo một thể lệ đặc biệt do chúng nó nghĩ ra là “Ăn ngọn cho gốc” Người không chịu, chúng nó lấy áp lực, bắt Người phải theo. Vì thế, năm ấy sau vụ gặt, Người chỉ còn trơ ra những rạ là rạ. Cảnh tượng da bọc xương thê thảm diễn ra khắp mọi nơi. Bên cạnh bọn Quỷ reo cười đắc ý. Người cơ hồ muốn chết tuyệt.
Phật từ phương Tây lại, có ý định giúp Người chống lại sự bóc lột tàn nhẫn của Quỷ. Sau mùa đó, Phật bảo Người đừng trồng lúa mà cào đất thành luống trồng khoai lang. Người cứ y lời làm đúng lời Phật dặn. Quỷ không ngờ Người đã bắt đầu có mưu kế mới chống lại mình nên cứ nêu đúng trong thể lệ như trước “Ăn ngọn cho gốc”. Mùa thu hoạch ấy, Quỷ rất hậm hực nhìn thấy gánh khoai núc nỉu chạy về nhà Người đổ thành từng đống lù lù, còn nhà mình chỉ toàn những dây và lá khoai là những thứ không nhai nổi, thể lệ đã qui định, chúng nó đành cứng họng không thể chối cãi vào đâu được.
Sang mùa khác, Quỷ thay thể lệ mới là “Ăn gốc cho ngọn”. Phật bảo Người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả Quỷ lại hỏng ăn. Những hạt lúa vàng theo Người về nhà, còn rạ phó mặc cho bọn Quỷ. Quỷ tức lộn ruột nên mùa sau chúng nó tuyên bố : “Ăn cả gốc lẫn ngọn”. Lần này Quỷ nghĩ : -“Cho chúng mày muốn trồng gì thì trồng, đằng nào cũng không lọt khỏi tay chúng tao”. Nhưng Phật đã bàn với Người thay đổi giống mới, Phật trao cho Người hạt giống cây ngô để gieo khắp nơi mọi chỗ.
Năm ấy lại một lần nữa Người sung sướng trông thấy công lao của mình không uổng. Trong nhà Người thóc ăn chưa hết thì từng gánh ngô đã tiến về chứa từng cót đầy ăm ắp. Về phần Quỷ lại bị một vố cay chua tức uất hàng mấy ngày liền. Cuối cùng Quỷ nhất định bắt Người phải trả lại tất cả ruộng đất không cho làm rẽ nữa. Trong bụng chúng nó nghĩ: -“Thà không được cái gì cả còn hơn là để cho chúng nó ăn một mình”.
Phật bảo Người điều đình với Quỷ cho tậu một miếng đất vừa bằng bóng một chiếc áo cà sa. Nghĩa là Người sẽ trồng một cây tre trên có mắc chiếc áo cà sa, hễ bóng che bao nhiêu diện tích ở mặt đất là đất sở hữu của Người ở đó. Ban đầu Quỷ không thuận, nhưng sau chúng nó suy tính thấy đất tậu thì ít mà giá rất hời bèn nhận lời: “Ồ! Bằng một chiếc áo cà sa có là bao nhiêu”. Chúng nó nghĩ thế, hai bên làm tờ giao ước: ngoài bóng che đất là của Quỷ, trong bóng che là của Người.
Khi Người trồng xong cây tre, Phật đứng trên ngọn tung áo cà sa bay tỏa ra thành một miếng vải tròn. Rồi Phật hóa phép làm cho cây tre cao vút mãi lên, đến tận trời. Tự nhiên trời đất trở nên âm u: bóng của áo cà sa dần dần che kín khắp cả mặt đất. Bọn Quỷ không ngờ có sự phi thường như thế, mỗi lần bóng áo lấn dần vào đất chúng, chúng phải dắt nhau lùi mãi. Cuối cùng Quỷ không có đất ở nữa phải chạy ra biển Đông. Vì thế người ta mới gọi là Quỷ Đông.
Tiếc vì đất đai hoa màu đều thuộc về tay Người, Quỷ rất hậm hực, cố chiêu tập binh mã vào cướp lại. Lần này Người phải chiến đấu với Quỷ rất gay go vì quân đội của Quỷ có đủ một bầy ác thú như voi, ngựa, chó, ngao, bạch xà, hắc hổ v.v... rất hung dữ. Phật cầm gậy tầm xích đánh giúp Người làm cho quân của Quỷ không tiến lên được.
Sau mấy trận bất lợi, Quỷ bèn cho quân đi dò xem Phật sợ gì, Phật cho chúng biết là sợ hoa quả, oản chuối và cơm nắm, trứng luộc. Đối với Phật cũng dò hỏi và biết quân của Quỷ chỉ sợ độc có mấy thứ : máu chó, lá dứa, tỏi và vôi bột.
Lần giáp chiến sau đó, quân của Quỷ đem không biết cơ man nào là hoa quả đến ném Phật, Phật bảo Người nhặt làm lương ăn rồi đem máu chó vấy khắp mọi nơi. Quân của Quỷ thấy máu chó sợ hoảng hồn bỏ chạy.
Lần thứ hai, quân của Quỷ lại đem oản chuối vào ném quân Phật. Phật bảo Người nhặt làm lương ăn giã tỏi phun vào quân địch. Quân của Quỷ không chịu được mùi tỏi nên cũng cắm đầu chạy biệt tích.
Lần thứ ba, quân của Quỷ lại đem cơm nắm, trứng luộc vào ném quân Phật. Người tha hồ ăn và theo lời Phật dùng vôi bột vung vào Quỷ. Người lại lấy lá dứa quất vào chúng. Quỷ chạy không kịp, lại bị Phật bắt đầy ra biển Đông. Ngày Quỷ già, Quỷ trẻ, Quỷ đực, Quỷ cái cuốn gói ra đi, bộ dạng của chúng vô cùng thiểu não. Chúng rập đầu xuống đất cố xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền thăm phần mộ của tổ tiên cha ông ngày trước, Phật thấy chúng khóc vang cả lên mới thương hại, hứa cho.
Vì thế, hàng năm cứ đến ngày Tết nguyên đán là ngày Quỷ vào thăm đất liền, thì người ta theo tục cũ, trồng nêu để cho Quỷ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở.
Bài học: Cần hiểu được tục treo cây nêu ngày tết của người Việt, đó là đánh dấu đất của Phật, để ngăn quỷ hay các điều xấu ác vào nhà trong những ngày đầu năm. Ý nghĩa sâu xa hơn, đó là cần nêu cao chánh Pháp của đức Phật trong cuộc sống, thì sẽ luôn an lành và không gặp những điều xấu, ác.

Saturday, December 20, 2014

Chuyện cổ Phật giáo

Gần đây đang thực hiện 1 dự án nhỏ là sưu tầm các mẫu chuyện Phật giáo cho thiếu nhi. Chủ yếu để đọc cho con nghe, nhưng thấy nhiều câu chuyện cũng ý nghĩa đối với người lớn. Nhân tiện, Post lại đây 1 câu chuyện để thư giãn cuối tuần. Chúc mọi người cuối tuần nhiều niềm vui!

------


CHIM GÕ KIẾN TỐT BỤNG

Trong khu rừng nọ, có một con chim gõ kiến thực hành tâm từ bi và đạo Bồ Tát.

Con chim gõ kiến này khác với những con chim khác, bẩm sinh đã thông minh sáng láng, lại có lông cánh tuyệt đẹp. Khi nó bay, trông nó uy nghi trang trọng, thật là vua của loài chim rừng!

Trong rừng có những thân cây bị mọt ăn thủng lỗ, thì loài chim gõ kiến hay đi tìm bắt sâu mọt trong những lỗ thủng ấy ăn để sống. Nhưng con chim gõ kiến này nhân từ quá nên chỉ ăn các mầm chồi non mềm hay uống nước các thứ trái cây, chứ không nỡ mổ những con mọt nhỏ bé kia để nuôi thân. Đồng thời, nó cũng mà một vị y sĩ rất thông minh, có thể trị bệnh cho loài chim và cho cả loài thú đi trên mặt đất nữa.

Có một lần, chim gõ kiến bay qua cánh rừng, gặp một con sử tử nằm dài bên vệ đường, lớn tiếng kêu rống, rên rỉ đau đớn. Chim gõ kiến ngừng xuống hỏi:

– Hỡi vua của loài thú! Ai làm cho bạn đau đớn như thế? Có phải là bị tên của thợ săn bắn trúng? Hay mắc phải một chứng bệnh nguy ngập? Hay là mới gây hấn với loài voi? Hay tại đói quá nên đau đớn? Xin bạn hãy nói cho tôi biết, không chừng tôi có thể giúp bạn được!

– Hỡi vua của loài chim! Tôi không phải bệnh, cũng không phải gây hấn với voi, mà chỉ tại tôi mắc xương ngang cổ họng. Cái đau đớn cùng cực này, so với cái đau bị trúng tên cũng không thấm gì. Nó làm cho tôi không nuốt vào được, nhổ ra cũng không được, nếu bạn có thể giúp tôi thì xin bạn hãy ra tay làm phúc!

– Tôi có thể giúp bạn, miễn là bạn nghe lời tôi dặn bảo.

Sư tử gật đầu ưng thuận, chim gõ kiến bèn đi tìm một cành cây thật chắc chắn, bảo sử tử há miệng thật to, to đến mức không há nổi nữa mới thôi, rồi mới kê nhánh cây vào miệng sử tử. Xong đâu đó, chim mới bay vào miệng sư tử, khôn khéo làm cho hai đầu miếng xương nông ra một chút, rồi dùng hết sức lực ngậm xương trong mỏ kéo ra. Sau đó, nó từ từ xê dịch khúc cây ra khỏi miệng sư tử. Con chim gõ kiến hoàn thành sứ mạng trong lòng rất khoan khoái, lúc ấy mới cáo biệt sư tử mà bay đi.

Sư tử không còn đau đớn nữa, trong lòng cũng rất cảm khái, tạ ơn chim gõ kiến rồi cũng từ biệt mà quay về.

Một thời gian sau, chim gõ kiến kiếm không được thức ăn nữa vì mấy ngày trước đó trời khô hạn, không có lấy một giọt mưa, chồi cây và hoa quả cháy sém khô cằn... Chim gõ kiến đói quá, ngày một gầy mòn, nếu cứ thế này mãi thì chỉ mấy ngày nữa chắc là chết đói mất!

Toàn thân rã rời, nó mệt mỏi tìm kiếm cái gì ăn thì đột nhiên thấy dưới một gốc cây to, con sư tử mới được cứu hôm nọ đang mải miết ăn một con cừu béo mập săn được. Nó ngấu nghiến nhai nhai nuốt nuốt, không màng tới bất cứ chuyện gì khác.

Con chim gõ kiến bay xuống, khép nép đứng bên cạnh sư tử, nhìn nó bằng cặp mắt cầu khẩn như xin ăn mà không mở miệng nói một lời nào. Nhưng con sư tử vô tình vẫn nhồm nhoàm nhai nuốt miếng thịt cừu của mình, không thèm ngó ngàng gì tới con chim gõ kiến, giả vờ như không thấy.

– Chắc anh chàng này không nhận ra mình.

Chim gõ kiến nghĩ như thế, bèn tiến tới gần con sử tử, cầu cứu một cách khiêm tốn:

– Hôm nay tôi đến gặp bạn như một kẻ ăn mày, xin bạn cho tôi một chút gì ăn, tôi đói quá rồi bạn ạ. Nếu bạn thuận lòng thí xả một chút thức ăn cho kẻ sắp chết đói, thì công đức của bạn rất lớn!

Con sư tử hung dữ gầm lên:

– Mi to gan thật, trong lúc ta đang dùng bữa thì mi táo bạo dám đến gần, ý mi muốn hiến thân làm thức ăn cho ta phải không? Cái lúc mi bay vào miệng ta lấy miếng xương ra khỏi họng, là vì ta cho phép mi làm, chẳng có gì đáng kể công hết! Ta không có lòng nhân từ, mi có cút đi không!

Con chim gõ kiến không nói không rằng, lặng lẽ ôm nỗi thất vọng trong lòng, sửa soạn bay đi.

Thần cây thấy con sư tử vong ân bội nghĩa như thế, trong lòng hết sức bất bình, bèn hỏi chim gõ kiến:

– Tại sao bạn không mắng vào mặt cái phường vong ân ấy? Không lẽ bạn không đủ sức đối phó với hắn hay sao? Bạn là ân nhân của hắn mà hắn lại đối xử vói bạn một cách hung dữ như thế, tại sao bạn không mổ vào hai con mắt của hắn, mà lại chấp nhận cho hắn tàn nhẫn ngược đãi bạn?

– Đừng nhắc tới hắn nữa. Xử phạt con sử tử vong ân bội nghĩa ấy không phải là việc của tôi. Trong tương lai, hắn sẽ tự nhiên lãnh lấy hậu quả của sự vong ân bội nghĩa ấy. Nếu có một ngày nào đó hắn gặp nạn, sẽ không ai đến cứu hắn nữa. Nhưng tôi không bao giờ ân hận vì đã thi ân cho hắn. Nếu như tôi nghĩ đến sự báo đáp rồi mới thi ân, thì đó là một việc mua bán vay trả, chứ không phải là một hành động đạo đức cao cả.

Nghe chim gõ kiến nói như thế, thần cây cảm động mà khen ngợi rằng:

– Bạn thật là một người nhân từ, đạo đức cao thượng. Bạn không giống như một con chim, mà giống một con người khoác lên một bộ lông cánh tuyệt đẹp. Trí huệ phúc đức của bạn sẽ vĩnh viễn không bao giờ thiếu sót!

Tán thán xong, thần cây cáo biệt mà đi. Con chim gõ kiến cũng rời bỏ con sử tử vong ân bội nghĩa.

Vài ngày sau, con sư tử bị thợ săn bắn chết.

Không bao lâu, trời rưới xuống một trận mưa cam lồ, làm cho khắp mặt trái đất được tưới nhuần tươi tốt, hoa nở, lá non, và con chim gõ kiến nhân từ kia được cả trái đất ca tụng, khen ngợi.