Bàn về Tự do học thuật
Ngày nay, khi bàn về cải cách giáo dục Đại học, mọi người thường nhắc đến nhiều yếu tố cần thiết cho sự phát triển của bậc học này, trong đó có yếu tố Tự do học thuật. Đây có thể được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất đảm bảo Đại học đi đầu trong việc nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới, mở rộng kho tri thức chung của nhân loại và góp phần định hướng cho sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, vì lịch sử phát triển của giáo dục Đại học Việt Nam thời hiện đại còn khá ngắn và đây lại là 1 khái niệm có nguồn gốc từ phương Tây, nên không phải ai cũng hiểu rõ về khái niệm này. Vì vậy, bài viết này muốn bàn luận vài nét về khái niệm Tự do học thuật nói chung, và liên hệ nó với bối cảnh cải cách giáo dục Đại học ở Việt Nam hiện nay.
Theo từ điển Bách khoa toàn thư Britannica, "Tự do học thuật là quyền tự do giảng dạy, học tập, và theo đuổi tri thức và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên mà không bị can thiệp vô lý hay bị giới hạn bởi luật pháp, các quy định của cơ sở giáo dục, hoặc áp lực của công chúng". Theo đó, nh
ững yếu tố cơ bản của tự do học thuật đối với giảng viên bao gồm quyền tự do trong việc tìm hiểu bất cứ chủ đề tri thức nào mà mình quan tâm, quyền trình bày những khám phá của mình cho sinh viên, đồng nghiệp, và những người khác biết, quyền công bố bằng cách xuất bản những số liệu và kết luận của mình mà không bị kiểm soát hay kiểm duyệt, và quyền giảng dạy theo cách mà mình thấy phù hợp về mặt chuyên môn; Đối với sinh viên, đó là quyền tự do học tập và nghiên cứu những gì mình quan tâm và quyền đưa ra những kết luận của chính mình, cũng như quyền biểu đạt những ý kiến của mình. Nhiều trường Đại học nổi tiếng trên thế giới đã lấy Tự do học thuật như là 1 tiêu chí hàng đầu cho hoạt động của mình. Lấy ví dụ như ở Đại học Kyoto của Nhật Bản, nơi tôi đã từng du học trước đây, tinh thần Tự do học thuật rất được coi trọng, ở đó SV. và GV. có thể theo đuổi bất kỳ chủ đề nghiên cứu nào, miễn là nó có ý nghĩa và được cộng đồng khoa học công nhận. Ngoài ra, SV. cũng có thể tự do thành lập hay tham gia bất kỳ câu lạc bộ học thuật nào theo sở thích mà không bị cản trở bởi những lý do hành chính hay chính trị nào.
Tinh thần cốt lõi của Tự do học thuật là biến Đại học trở thành một môi trường lý tưởng cho học tập và nghiên cứu, ở đó chỉ có tri thức được tôn thờ. Mọi quan điểm, học thuyết, tư tưởng đều được nghiên cứu và trao đổi một cách nghiêm túc, thẳng thắn, cởi mở để tìm ra được những tri thức đúng đắn, nhằm ứng dụng vào cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Ở đó, không có khái niệm gọi là vùng cấm hay nhạy cảm không được đụng đến. Mọi tri thức đều phải được kiểm chứng và đánh giá dưới nhãn quan khoa học. Nói đến đây, tôi lại nhớ đến 1 câu truyện cổ ở phương Tây về Cây tri thức, trên đó có những trái cấm mà con người không được đụng vào, nếu chạm vào thì sẽ bị trừng phạt. Nhưng vì quá tò mò, nên loài người đã chạm vào những trái cấm đó, và ăn nó. Sau khi ăn, con người đã có được tri thức để có thể phân biệt được đúng-sai, phải-trái và thoát khỏi tình trạng mông muội như trước đây. Theo câu truyện, sau đó, con người phải bị trừng phạt, nhưng có lẽ đó là cái giá phải trả để con người có thể tiếp cận được tri thức, vượt qua được sự ngu dốt vốn có và trở nên trưởng thành hơn. Cũng như vậy, hành trình đến với Tự do học thuật là tiến trình lâu dài và đầy gian khổ, nhưng nếu Tự do học thuật không được đảm bảo, thì con người không thể đến gần với chân lý và kho tàng tri thức của nhân loại không thể được phát triển như ngày nay.
Từ định nghĩa trên, đối chiếu với bối cảnh Việt Nam, ta nhận thấy nhiều quy định hiện nay của cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở giáo dục Đại học ở Việt Nam chưa đảm bảo nguyên tắc Tự do học thuật này. Tư duy quản lý ở Việt Nam từ trung ương đến cơ sở vẫn còn nặng về thủ tục hành chính theo kiểu "xin cho". Đại học ở Việt Nam chưa được xem là 1 đơn vị độc lập có quyền tự chủ về hoạt động giáo dục và nghiên cứu như ở các nước phát triển. Mọi vấn đề của đại học từ tuyển sinh, mở ngành, công nhận kết quả, cấu trúc chương trình, giáo trình, cách đánh giá, ngân sách hoạt động... đều phải thông qua Bộ GD-ĐT & các cơ quan quản lý nhà nước. Lấy ví dụ về quá trình tái thiết kế chương trình đào tạo ở trường ĐHBK TP.HCM theo mô hình CDIO, một mô hình tiên tiến về xây dựng CTĐT trên thế giới hiện nay. Thế nhưng, trong quá trình triển khai dự án tái thiết kế này, các thầy cô phụ trách đã gặp không ít khó khăn vì đụng phải những vùng cấm, những khối kiến thức lỗi thời, không còn giá trị, nhưng không được phép thay đổi, và phải giữ nguyên trong cấu trúc chương trình vì những quy định cứng của Bộ GD-ĐT. Và còn rất nhiều vấn đề khác sẽ mãi mãi không thể cải tiến được trong giáo dục Đại học, nếu tư tưởng về Tự do học thuật chưa được tôn trọng bởi đội ngũ GV. Đại học và những người làm công tác quản lý giáo dục.
Trên thực tế, mô hình quản lý trói buộc như trên đã tỏ ra thiếu hiệu quả, và kiềm hãm sự phát triển của hoạt động giáo dục và NCKH. Điều này thể hiện cụ thể ở nhiều mặt, như: GV. không có hứng thú làm NCKH, chất lượng đào tạo thấp, năng lực của SV. tốt nghiệp không đáp ứng nhu cầu xã hội, và sản phẩm giáo dục thường bị đánh giá thấp bởi các doanh nghiệp sử dụng lao động... Hiện tượng thiếu tin tưởng của các bậc phụ huynh đối với hệ thống giáo dục trong nước khi cho con em đi "tỵ nạn giáo dục" ngày càng phổ biến, các biểu hiện tiêu cực trong ngành giáo dục ngày càng nhiều về số lượng và càng nghiêm trọng về bản chất... đều là những chỉ dấu cho thấy giáo dục Đại học Việt Nam hiện có quá nhiều vấn đề, và rơi vào tình trạng khủng hoảng toàn diện. Chính vì vậy, có 1 sự đồng thuận rất lớn trong xã hội là cần phải có 1 cuộc cải cách toàn diện ngành Giáo dục. Phải thay đổi toàn bộ, từ triết lý giáo dục, tư duy quản lý, giáo trình, cách đánh giá, cho đến các chính sách cụ thể... mới mong có thể cải thiện chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, điểm then chốt nhất của đợt cải cách giáo dục này là phải tạo điều kiện để đảm bảo môi trường tự do học thuật cho các trường Đại học. Có như vậy, mới tạo ra những tiền đề căn bản và điều kiện cần thiết cho những thay đổi sâu rộng hơn trong ngành Giáo dục.
Một ví dụ gần đây về sự thiếu tự do học thuật trong môi trường Đại học Việt Nam đó là hiện tượng can thiệp thô bạo của cơ quan quản lý vào hoạt động học thuật qua "vụ án Nhã Thuyên". Một luận văn thạc sỹ của tác giả có bút danh là Nhã Thuyên đã được bảo vệ tại ĐH Sư Phạm Hà Nội, và đạt điểm xuất sắc cách đây 4 năm. Nay, đã bị đem ra đánh giá lại dưới lăng kính chính trị. Mặc dù, về mặt khoa học, hội đồng đánh giá lại cũng không chỉ ra được sai phạm nào về mặt lập luận, phương pháp, quá trình thu thập dữ liệu, cũng như cách phân tích của đề tài, nhưng kết quả cuối cùng là luận văn bị đánh rớt và văn bằng thạc sỹ bị thu hồi, chỉ vì luận văn nghiên cứu về 1 chủ đề nhạy cảm về mặt chính trị. Chủ đề nghiên cứu của luận văn là về khía cạnh văn hóa của phong trào đòi hỏi tự do trong sáng tác và xuất bản của nhóm "Mở miệng". Đây là 1 nhóm nhà văn/ nhà thơ tự do, chủ trương các tác phẩm văn học phải được tự do xuất bản và không bị kiểm duyệt bởi bất cứ ai. Họ đã lập ra nhà xuất bản "Giấy vụn" để xuất bản các tác phẩm của các thành viên trong nhóm, mà không phải thông qua sự kiểm duyệt của cơ quan kiểm soát văn hóa nhà nước. Gần đây, hoạt động của nhóm này cũng đã gây được sự chú ý của dư luận quốc tế, và 1 vài cây bút của nhóm đã được trao giải thưởng về tự do sáng tác và xuất bản. Có lẽ, đây là lý do chính mà luận văn của Nhã Thuyên đã bị đem ra "xét lại" một cách thô bạo và thiếu khoa học. Thực tế, điều này chỉ chứng tỏ môi trường giáo dục Đại học Việt Nam chưa thật sự có Tự do học thuật. Đại học chưa phải là thành trì vững chắc nhất cho những tâm hồn khát khao chân lý và là nơi bất khả xâm phạm để các nhà trí thức có thể yên tâm nghiên cứu, sáng tạo mà không lo sợ "phạm húy" hay bị đem ra "đấu tố" một ngày nào đó. Nếu thực trạng này vẫn còn duy trì, thì mọi nổ lực cải cách giáo dục đại học Việt Nam sẽ không đạt được kết quả như kỳ vọng của xã hội. Bởi, bỏ qua tự do học thuật, mọi vấn đề cải cách chỉ giải quyết được phần ngọn mà không chạm đến được phần gốc rễ, hay nguyên nhân cốt lõi của nó.
Tuy nhiên, cũng cần biết rằng đòi hỏi về tự do học thuật trong môi trường Đại học Việt Nam không có nghĩa là các sinh hoạt nghiên cứu, giảng dạy ở Đại học sẽ không bị trói buộc bởi bất kỳ điều gì. Đương nhiên, tự do học thuật cũng phải có giới hạn của nó, nhưng đó không phải là các giới hạn hành chính hay chính trị, mà là các giới hạn dựa trên các tiêu chí khách quan và khoa học. Thực tế, trong một môi trường tự do học thuật, các ràng buộc, như là: phương pháp làm việc khoa học, đạo đức nghiên cứu, đánh giá của đồng nghiệp... còn là những rào cản chặt chẽ và khó khăn hơn đối với những người làm công tác sáng tạo và NCKH thật sự.
Từ những nhận định trên, đòi hỏi các nhà giáo dục và những người làm công tác quản lý giáo dục ở Việt Nam cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về cam kết của mình đối với Tự do học thuật. Liệu người Việt Nam có thực sự khao khát tri thức, và sẳn sàng tiếp cận tri thức bằng mọi giá hay không? Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thay đổi những thói quen lâu nay trong cách nghĩ, cách làm của chúng ta, để có thể đảm bảo sự Tự do học thuật trong môi trường Đại học. Câu trả lời phải đến từ các nhà quản lý giáo dục, cộng đồng GV., SV., các nhà nghiên cứu và những người làm công tác NCKH hiện nay ở Việt Nam. Cần nhớ rằng, để các ĐH. phương Tây đạt được mức độ tự do học thuật như ngày nay, đòi hỏi họ phải trải qua một thời gian dài để đấu tranh và chiến thắng các thế lực vô minh, phản khoa học, đến từ tôn giáo/ chính trị. Những thế lực mạnh mẽ này luôn muốn can thiệp vào sinh hoạt học thuật của môi trường ĐH và cản trở sự tự do học thuật đúng nghĩa.
Chỉ có một môi trường Tự do học thuật thật sự mới có thể đảm bảo Đại học làm tốt vai trò của nó trong thời đại tri thức, là cái nôi ươm mầm cho những đóa hoa tri thức, cho sự sáng tạo các tư tưởng mới và cho khát vọng vươn tới những chân trời tri thức mới lạ. Nếu thật tâm muốn thay đổi, chúng ta phải biết vượt qua những rào cản hiện tại, cho dù phải vượt qua bao gian khó, hiểm nguy, để có thể hái được trái cấm trên cây tri thức của nhân loại. Có như thế, thì Đại học mới có thể tạo ra những người trí thức đúng nghĩa, có năng lực sáng tạo, tự chủ, tự tin trong việc tìm kiếm tri thức và giải quyết các vấn đề đầy khó khăn và phức tạp mà thời đại đang đặt ra. Hy vọng, một ngày gần đây, "Tự do học thuật" sẽ là 1 cụm từ được hãnh diện ghi trong các Sứ mạng và Định hướng phát triển của các trường Đại học hàng đầu Việt Nam. Mong lắm thay!
Sài Gòn, 3/ 2014.
TS. Phạm Quốc Trung, Khoa QLCN, ĐHBK TP.HCM