Những điều cần biết đầu xuân
Năm Giáp Ngọ-2014
Đây là những năm đầu thiên niên kỷ, là giai đoạn mở đầu một đại vận, cho đât nước và con người, cho nên năm 2014 vẫn có một ý nghĩa quan trọng. Vừa là năm mới, xuân mới, vừa là những năm đầu thế kỷ, đầu thiên kỷ mới … và trong tâm thức cộng đồng ngươi Việt, mỗi năm là một tiểu vận, ai ai cũng tin vào vận hội mới, chu kỳ mới… những khó khăn, đau khổ… rồi sẽ qua đi, những may mắn, hạnh phúc, điều tốt lành sẽ đến.
Thế cho nên, hàng năm Tết đến, mọi người chúc nhau biết bao điều tốt đẹp, như an khang thịnh vượng, hạnh phúc, may mắn, thành đạt và như ý… Cái sức mạnh tinh thần ấy đã trở thành truyền thống, hàng năm, Tết đến dù ở bất cứ đâu, ai ai cũng quay trở về mái ấm gia đình, …Để góp phần bảo tồn Tết truyền thống còn giữ được sự thiêng liêng, giữ gìn một chút vốn liếng văn hoá… xin gởi đến quí vị một đôi điều để cùng trân trọng, giữ gìn và vui hưởng ngày Tết.
1. Ngày 30 Tết :
Được xem là ngày Tết, vì nhà cửa đã được tươm tất, chưng dọn xong. Việc chưng dọn nhà cửa đẹp và sạch, sắp xếp bàn thờ gia tiên với nhang đèn, trái cây… không phải chỉ là thuần tuý vấn đề vệ sinh hay vui xuân mà thực chất, còn để chuẩn bị một tâm thế, một nghi thức có tính truyền thống để thân tâm được an lạc và thanh tịnh. Trong ngày cuối năm đó, tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình mà chúng ta sẽ tiến hành buổi cúng gia tiên cuối năm, hoặc trưa hoặc chiều ngày 30, gọi là mời đón ông bà về ăn Tết. Trong buổi đó, ngoài gia đình chủ nhà, còn mời anh chị em, chú bác… đến cùng đón ông bà.
2. Đón giao thừa :
- Trước 23h30’, tất cả tụ họp đầy đủ ở nhà. Chuẩn bị đầy đủ các món đồ cúng giao thừa như : 2 đèn cầy, 3 chung trà (rượu, nước trong, trà nóng), hoa (vạn thọ, cúc…), trái cây (dưa hấu, dừa xiêm, quít, ngũ quả…), xôi chè đậu xanh, bánh mứt… nói chung là lễ vật tinh khiết. Lưu ý : vật quý, tiền, vàng… thường cất vô tủ và mùng 2 Tết mới được lấy ra để giữ tài lộc suốt năm. Tiền mừng tuổi người già, trẻ nhỏ, tiền tiêu dùng… nhớ lấy ra trước.
- Đúng 0h (giờ phút thiêng liêng nhất) thì sắp bàn hương án để cúng, bàn thờ đặt trước cửa nhà, cửa ngõ, cửa cổng. Ai đứng cúng cũng được, thắp nhang khấn vái trời đất, cầu mọi điều tốt đẹp trong năm mới. Cúng Phật và chư thiên cũng ý nghĩa đó. Cũng có người khấn trời đất xong cũng khấn vái tổ tiên… đều tốt. Phải giữ không khí trang nghiêm, vui vẻ. Nhang tàn một chút thì lui đèn, gia đình quây quần ăn xôi chè, bánh mứt, uống trà, và chúc nhau những điều tốt đẹp.
- Tục lệ ta cũng kiêng cữ những lời nhảm nhí, nói gở, gây gỗ, đổ vỡ, giận dữ … Người hiểu biết ít, mới cho là mê tín dị đoan. Thực ra điều này giúp ta luôn làm chủ được mình, thực hành ái ngữ (nói lời tốt đẹp, thiện ý) kiềm chế sân si, thực hiện hạnh từ bi, giữ gìn sự điềm đạm trong tâm.
3. Mùng 1 :
Tết ông bà, cha mẹ, sui gia, đoàn tụ về đại gia đình, cúng vái tổ tiên, chúc tết ông bà, cha mẹ tại thế, mừng tuổi, chú bác cô dì đều được cả.
• Giờ xuất hành tốt: từ trưa đến chiều tối đều tốt (11h-21h), có thể xuất hành đi chùa hái lộc, không hạn định số người đi, khi trở về nhà xem như đã xông đất.
• Giờ xuất hành buổi sáng : (7h-9h) Giờ này không đẹp bằng buổi chiều, nhưng cũng tạm được.
• 8h – 12h : cúng Tổ tiên, gia đình ăn cơm đầu năm. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ chúc mừng và lì xì cho con cháu.
• Trong ngày mùng 1 Tết, sáng mùng một nên ăn chay một buổi, nếu hoàn cảnh không tiện, thì ăn chay một bữa sáng, để thân tâm thanh tịnh, mừng xuân có thể uống chút rượu nhưng không say sưa, về nhà trước 22h. Ngày xuân, đi đâu cũng không được la cà, mau chóng về nhà để được vui xuân cùng ông bà và gia quyến.
• Nhắc lại : “Đêm 30, ních chặt cửa càn khôn, kẻo ma vương đưa quỷ tới,
Sáng mùng 1, rộng mở cửa từ bi, đón vạn hạnh bước vô nhà.”
4. Mùng 2 :
Tết họ hàng, quyến thuộc, bạn hữu.
• Cúng kiến ông bà, thăm viếng thân quyến, bạn hữu, tiếp khách... Đi chợ đầu năm, khai bút…
• Những giờ tốt : 11h-13h, 13h-17h.
• Nếu làm ăn, thì bắt đầu cúng Ông Địa, Thần Tài từ 3 – 16 âm lịch.
5. Mùng 3 :
Tết thầy, tiễn đưa ông bà (tạ vàng hay hoá vàng).
• Những giờ tốt : 9h-11h, 19h-23h.
• Cúng tạ vàng : Bữa cơm đại gia đình cúng tiễn ông bà, hóa vàng, dán lộc trong nhà. Cơm nước xong có thể hạ nêu, vui chơi trong tháng xuân.
6. Mùng 4, 5, 6, 7 :
Họp mặt, vui chơi.
7. Mùng 5, 8, 9, 11, 13, 15, 16 có thể khai trương. Mùng 8 khai trương, khai trường, khởi sự công việc làm ăn đều tốt. Từ mùng 4 có thể vui xuân đi chơi xa.
Chúc tất cả thân hữu, quyến thuộc… một năm mới Giáp Ngọ An khang, Thịnh đạt và Hạnh phúc!