Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Wednesday, December 26, 2012

Bài Thơ mừng Xuân mới

Bài thơ mừng xuân mới 


Ta viết bài thơ xuân Kỷ Dậu
Ca ngợi người áo vải Quang Trung,
Ta viết bài thơ xuân Quí Tỵ (*)
Và chờ đợi một người Quang Trung mới

Trang sử Việt đã đến mùa gió mới
Gió nghìn năm u uất giữa hồn người,
Gió đau thương trôi giạt giữa giòng đời,
Gió tê giá khi bốn mùa băng tuyết

Hãy lặng im nghe, từ lòng cõi chết,
Hồn nghìn xưa còn sống đến ngàn sau,
Ngọn lửa hồng dưới đáy cõi thâm sâu,
Ai thắp sáng và đang bừng trỗi dậy ?…

Non nước Việt của cha ông còn đấy,
Hồn phục hưng đang réo gọi bao người,
Hãy đứng lên, trận địa giữa lòng người,
Không phải bằng súng gươm bão tố,

Ta phải thắng những yêu ta, man dã,
Những ngu si bắt rễ tự lâu đời,
Những huênh hoang rỗng tuếch của một thời,
Chỉ thấy vòm trời như đáy giếng,

Rồng tiềm phục bốn phương trời ẩn hiện
Thần Kim Qui phiêu dạt bãi Thanh Giang
Lúc hồn nước phiêu linh trời lãng đãng
Buổi xuân về hò hẹn phút đăng quang.

Ta viết bài thơ không giới hạn
Gởi ngàn năm, chốn chốn, vạn đời sau
Đem hoa ngàn, gió núi, suối rừng sâu
Kết tinh lại trong hồn người Bách Việt.

Đây phút thiêng những cuộc đời lẫm liệt
Tự ngàn năm khai mở một chu kỳ
Cho núi sông hoa nở ngát đường đi
Cho nhất phiến tài tình thiên cổ Việt.

Phạm Trường Linh

------
(*) Năm được sửa lại so với Bản gốc cho phù hợp thời điểm hiện tại

Friday, December 7, 2012

Mười lý do nên đi biểu tình chống Trung Quốc

Mười lý do nên đi biểu tình chống Trung Quốc


1. Để khẳng định cho nhà cầm quyền Trung Quốc biết rằng “Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông là khu vực đã có chủ”, không thể ngang nhiên vào đó muốn làm gì thì làm.

2. Để ngăn cản một cuộc chiến tranh chớp nhoáng của Trung Quốc trên biển Đông nhằm hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò của họ. Cho nhà cầm quyền Trung Quốc thấy được tổn thất sẽ rất lớn (về kinh tế và uy tín) nếu họ xâm chiếm biển Đông và việc chiếm được biển Đông lâu dài là không thể.

3. Để nhắc nhở nhà cầm quyền Việt Nam nhận thức được tầm nghiêm trọng của vấn đề và biết phải hành xử như thế nào để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của đất nước.

4. Để ủng hộ việc Quốc hội Việt Nam thông qua luật biển, đã phản ánh được phần nào tâm tư nguyện vọng của người dân và theo đuổi việc tranh đòi chủ quyền biển đảo của đất nước bằng công cụ pháp lý, thể hiện qua hành động khiếu kiện hành động xâm chiếm của Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

5. Để đoàn kết người dân Việt Nam thuộc mọi thành phần, ngành nghề, tôn giáo… trong công cuộc nhận thức về nguy cơ xâm lấn của Trung Quốc và thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

6. Để thực tập xây dựng một xã hội dân chủ bằng việc thể hiện quyền biểu tình và tự do ngôn luận của công dân, những quyền được công nhận trong hiến pháp của nước ta.

7. Để những thế lực đen tối, bôi xấu người yêu nước, ngăn cản việc biểu tình, bôi nhọ lòng yêu nước của người dân là do bị xúi giục, “diễn biến hòa bình”… biết rằng bọn họ chỉ là thiểu số, và những kiểu suy nghĩ, phát ngôn như thế sẽ không thể tồn tại và được nhìn rõ bởi tên gọi “bán nước”.

8. Để đánh động dư luận trong và ngoài nước thông qua các phương tiện truyền thông, thông tấn, báo chí về suy nghĩ thật sự của người dân Việt Nam và sức mạnh đoàn kết của họ khi có ngoại xâm.

9. Để dư luận thế giới biết được bộ mặt thật của một nước Trung Quốc mới giàu, nhưng tham lam, hung hăng, hiếu chiến, thích bắt nạt nước nhỏ và không từ bỏ ý đồ bành trướng lãnh thổ từ thời xa xưa.

10. Để kêu gọi sự thống nhất đoàn kết của khối ASEAN trước ý đồ của Trung Quốc, thể hiện tinh thần đoàn kết, liên đới với nhân dân các nước ASEAN cùng trong hoàn cảnh bị bắt nạt như nước ta.

Sunday, November 25, 2012

LÀM VIỆC MỘT NGUỒN VUI

Gần đây, đọc được vài cuốn sách hay về mối quan hệ giữa công việc và cảm giác hài lòng/ hạnh phúc khi làm việc, cũng rút ra được vài điều ý nghĩa, nên giới thiệu để mọi người cùng tìm đọc.

Quyển 1: Nghệ thuật Hạnh phúc trong Công việc, tác giả Dalai Lama, biên dịch Khánh Vân, NXB. Tôn giáo, 2007

Quyển 2: Làm việc - một nguồn vui, tác giả Tarthang Tulku Rinpoche, dịch giả Thích Nữ Trí Hải (bản điện tử truy xuất tại http://www.quangduc.com/thoidai/90nguonvui.html )

Mỗi cuốn có 1 nét riêng bàn về các khía cạnh khác nhau ảnh hưởng đến niềm vui, hạnh phúc trong công việc. Nhưng qua đó, người đọc sẽ rút ra cho mình nhiều bài học bổ ích, đặc biệt là việc ứng dụng tinh thần nhà Phật trong công việc, từ chọn lựa công việc chơn chánh, cho đến việc đối phó, ứng xử với những hoàn cảnh bất như ý trong công việc... Dưới đây, là trích dẫn lời tựa của Quyển 2 ở trên để mọi người cùng tham khảo.

----------------------------------------------------------


LỜI TỰA (LÀM VIỆC MỘT NGUỒN VUI)


Đối với nhiều người ngày nay, công việc làm đã mất dần ý nghĩa. Nỗi chán chường này không chỉ giới hạn vào một số nghề nghiệp, môi trường hay tín ngưỡng nào, nó từ từ thấm lan khắp mọi ngõ nghách của công việc nói chung. Đây quả là điều bất hạnh, vì công việc vốn dĩ là một phương tiện rất hữu hiệu để chúng ta tìm được lạc thú sâu xa trong đời sống. Công việc có thể là một nguồn suối của sự tăng trưởng, một cơ hội cho ta hiểu thêm về chính ta và để phát triển những tương quan tích cực, lành mạnh với mọi người. Nếu nhìn công việc theo cách ấy thì ta sẽ thấy thực không có gì khác nhau giữa sự dành năng lượng tâm trí mình cho công việc và dành năng lượng để cải thiện sự tỉnh thức và để thưởng thức hương vị đời sống.

Tuy vậy thực không luôn luôn dễ dàng tìm cách khiến cho công việc trở thành một con đường vui sống. Trong khi làm việc với những học viên, tôi vẫn hàng ngày cố khuyến khích để họ tìm được trong chính họ những phương thức ngõ hầu rút được niềm vui, sự viên mãn từ công việc họ làm. Đây không phải là dạy dỗ theo ý nghĩa truyền thống, mà là những gợi ý, cốt để hướng dẫn họ trong công việc và trong sự tự mỡ mang của họ. Sách này có ra từ những ghi chú trong các buổi thảo luận hàng ngày, nó triển khai từ nhiều buổi nói chuyện thân mật. Phương tiện khéo (tên sách nguyên ủy, đã được DG đặt lại) đề cập những cảnh ngộ tiêu biểu mà người ta thường gặp trong công việc và trong đời sống hằng ngày. Đấy là những thói quen mẫu mực tư duy và hành xử vốn thường ngăn cản chúng ta đạt được mục đích mình và tìm được ý nghĩa chân thật trong đời sống.

Thay đổi những mẫu mực đã thành nếp từ thuở nhỏ là một bài học khó nhất cho cả người dạy lẫn người học. Chúng ta thường tưởng rằng những tập quán ta đã quen suốt đời thì không thể nào thay đổi, bởi vậy ta cảm thấy mình bị giới hạn trong một vài việc. Nhưng kỳ thực là không có giới hạn nào cho những gì ta có thể thành tựu, nếu ta thực tình đón nhận mọi cơ hội mà cuộc đời đem lại cho ta. Ta có thể phá vỡ những giới hạn do mình tự tạo, làm những thay đổi lớn, khám phá những khả năng mới mà ta chưa bao giờ biết là mình có được. Quan trọng nhất là ta có thể bừng tỉnh trước những khả năng thực thụ của ta.

Dùng công việc làm phương tiện để tự mở mang và trưởng thành đã đem lại một thay đổi sâu xa trong đời các học viên và cả trong đời tôi. Tôi đã lập nguyện san sẻ với người khác những gì tôi học được, đây là trách nhiệm của tôi, là sự đóng góp của tôi cho cuộc đời. Công việc đã giáo dục tôi một cách phong phú, tôi vô cùng biết ơn về biết bao nhiêu cơ hội tôi có được để học tập và san sẻ.

Trong 20 năm qua, tôi đã có dịp quan sát những lề lối làm việc và lối sống ở cả Đông lẫn Tây phương. Sau khi rời Tibet năm 1959, tôi dạy học và làm việc ở Ấn Độ 10 năm trước khi qua Mỹ. Từ 10 năm nay tôi vẫn làm việc ráo riết hàng ngày cùng với những người Mỹ thuộc nhiều môi trường, nghề nghiệp khác nhau, ở các lãnh vực quản trị kinh doanh, giáo dục, hành chánh, tư vấn, xây dựng, in ấn sách và các nghệ thuật tạo hình.

Mặc dù đóng vai giảng dạy, tự thâm tâm tôi là một kẻ học trò, học sống và học bản tính con người. Hoàn cảnh tôi, sự tu tập của tôi ở Tibet không trực tiếp chuẩn bị cho đời sống trong văn hóa Tây phương, bởi vậy tôi đã vô cùng quan tâm học hỏi từ kinh nghiệm làm việc ở Tây phương. Thông thường khi thấy một nền văn hóa bằng con mắt người ngoài, ta có thể có một nhãn quan mới về những hoàn cảnh, những thái độ mà người trong cuộc thường cho là bình thường. Tôi đã thấy và đã cảm được nỗi chán chường mà nhiều người cảm thấy đối với công việc của họ.

Thế mà tôi lại thấy công việc của mình rất bõ công, rất hứng thú, mặc dù công việc ấy không phải luôn luôn dễ dàng gì.

Mục đích của sách này là san sẻ với bạn đọc những kinh nghiệm ấy, mong chúng có thể giúp bạn tìm ra nguồn vui lớn trong công việc và trong đời sống. Mỗi con người là độc nhất vô nhị, mỗi hoàn cảnh sống cũng khác nhau, bởi thế mỗi cá nhân có thể tìm thấy trong đây một điều riêng có giá trị với họ, để thúc đẩy họ tìm cách nhận ra những khó khăn, rồi vượt qua chúng, và tiến lên để trưởng thành và được thỏa mãn.

Khi sử dụng phương tiện khéo, ta đi thẳng vào công việc mình, hành động ngay để giải quyết vấn đề, và khai mở tiềm năng tự nhiên của ta. Mỗi chúng ta đều có tiềm năng ấy và nếu nhận ra được nó thì ta có thể san sẻ với ngưới khác những tuệ giác và tình yêu của mình đối với công việc. Cuối cùng ta có thể đem lại lợi ích và niềm vui cho tất cả mọi người, để mọi người cũng học tập cách sống những cuộc đời đem lại cho họ thỏa mãn.

Có thể có người ưa triển khai những tư tưởng này cho phù hợp với tiến trình công việc của riêng họ, với sự tăng trưởng nội tâm họ. Ai đề ra những ý tưởng này trước tiên là điều không quan trọng, điều quan trọng là cái giá trị của việc thực hành những ý tưởng này trong công việc và trong mọi sự khác nhau của cuộc sống.

Đây là một thời đại thật khó sống, khó mà làm mọi sự cho thật có ý nghĩa, nên đa số người đang tìm cách làm cho công việc và đời sống họ đem lại niềm vui và ý nghĩa. Và đây là một vài suy tư tích lũy trong nhiều năm qua, mà tôi muốn san sẻ cùng các bạn.

Tôi muốn bày tỏ niềm biết ơn sâu xa đến các học viên, cộng sự viên ở nhà xuất bản Dharma Publising về sự giúp đỡ của họ trong việc xuất bản sách này. Sự đóng góp thì giờ và năng lực của họ thật vô giá trong việc cho ra quyển sách này.

                                                             TARTHANG TULKU
Tháng 10, 1978

Wednesday, November 7, 2012

Tưởng Nhớ Ơn Thầy


Tưởng Nhớ Ơn Thầy

Con chẳng thể nào quên buổi đầu đến lớp
Đã cho con bao cảm xúc rộn ràng
Trường thì lạ và bạn bè chưa có,
Chưa đến giờ luẩn quẩn dưới chân thang.
Thầy đã đến và nhìn con rất lạ,
Thật nghiêm trang mà thân ái dịu dàng
"Vào lớp đi, can đảm lên chú bé
Ba bữa thôi lại phá xóm phá làng"
Lời nói thầy thẳng băng như thước kẻ,
Mà sao con lại thấy ấm cả lòng,
Đôi mắt thầy trầm ngâm và lặng lẽ
Thắp trong tim con bao ánh lửa hồng.

Kể từ đó con say mê học tập,
Thôi biếng lười, thôi phá lớp xé rào.
Lời thầy giảng âm vang cao lồng lộng
Trăm điều hay, lẽ phải, sống thanh cao
Đời học sinh có đến trăm thầy giáo
Đã cho con bao tình cảm tin yêu
Đã cho con sự hiểu biết thật nhiều,
Từ cuộc sống, từ kho tàng tri thức.
Nhưng riêng thầy, thầy ơi, sự thực
Đã cho con rướm máu tâm hồn
Bởi chiều sâu thăm thẳm của lòng con,
Thầy đã tới và giúp con biết sống.

Kể từ đó, khi đáy lòng con rung động
Hòa nhịp vào cuộc sống của nhân gian
Con vui tươi vẫn học tập chăm ngoan
Nhưng con hiểu cả chiều sâu sự việc.
Con thể hiện lòng yêu đời tha thiết,
Yêu con người, yêu cuộc sống vô biên,
Biết chế ngự mình trước những đảo điên,
Dẫu nghịch cảnh, vẫn điềm nhiên khoan thứ.
Nét đẹp lòng thầy mỗi khi xử xự,
Thật dịu dàng, sắc sảo cánh hoa bay,
Đối với người trên, kẻ dưới giữ lòng ngay
Đối với mình biết dung nhân khắc kỷ

Và hôm nay, con đã làm thầy giáo
Bên bảng đen, trường lớp vẫn còn đây
Nhưng bóng thầy xưa như cánh hạc bay
Đã về cõi vô cùng xa, lồng lộng
Và đâu đó, giữa biển trời cao rộng
Lòng của thầy hòa nhập với lòng con
Ước mơ xưa thầy, giấc mộng vàng son,
Con sẽ viết nên trong cuộc đời cách mạng...

(Phạm Trường Linh)

Monday, October 29, 2012

Thi kệ về tiền bạc


Mấy ngày nay, tự nhiên nhớ lại mấy câu thơ về tiền bạc Bố đọc tặng vợ chồng mình trong ngày đám cưới, thấy thật thấm thía. Tiền bạc đúng là có ý nghĩa rất lớn, nhưng nó không phải là cái quyết định hạnh phúc, mà chính nhận thức về nó và cách sử dụng nó mới quyết định hạnh phúc trong cuộc đời.

Bố không còn nữa, nhưng lời dạy của Bố con sẽ mãi ghi nhớ và cố gắng thực hiện. Post lại đây để ghi nhớ trong lòng và ứng dụng trong cuộc sống.

"Ai có của bỉ khinh cũng mặc,
Đừng vì tiền gay gắt với ai,
Có ra thì đỡ xây xài,
Không thì nhịn chiụ chớ cay đắng lòng,

Nghèo thì nhớ lòng trong dạ sạch,
Giàu thì nên bố đức thi ân,
Có dư chớ hưởng riêng thân,
Nên cho kẻ khác lây phần ấm no.

Được như vậy, được kho công đức,
Sống đời đâu khổ cực vì đời,
Trong tâm thường được thảnh thơi,
Tuy trong cõi tục mà đời thần tiên..."

(Nguồn: "Thi kệ về tiền bạc" của Thầy Thanh Sĩ)

Sunday, October 14, 2012

Khóc lên đi, hỡi quê hương yêu dấu

Khóc lên đi, hỡi quê hương yêu dấu 
 
Cuộc chơi khắc nghiệt vô cùng
Bốn bề cạm bẫy trùng trùng dã man
Kể từ đầu trận mở màn
Quê hương thấy được điêu tàn mấy khi

Người về, ai bước chân đi,
Thành xiêu phố lạc kinh kỳ tang thương,
Tiếng thu rời rụng đoạn trường
Biển khơi lớp sóng trùng dương mấy mùa.

Em ơi ! hoa nở từng mùa
Mà quê anh cả bốn mùa không hoa,
Hay là chết mất hồn hoa,
Chỉ còn sương khói đường ra biên thùy
Tiếng mưa rờn rợn lối đi
Tiếng sương rụng xuống chiều đi không về
Đã bao chiến sĩ gươm thề
Dưới trăng mài kiếm trọn thề nước non
Mong cho hạn cuộc vuông tròn
Máu xương đã chất thành con sông dài
Quê hương vọng tiếng u hoài
Còn trông ngóng một ngày mai yên bình

PHẠM TRƯỜNG LINH

Sunday, September 23, 2012

Vào cuộc vô thường

Vào Cuộc Vô Thường

Chào nhau ngả nón bên đường
Em đi vào cuộc vô thường mà chơi
Trời sinh chiếc lá phải rơi
Tiếng chim phải lảnh lót đời tịch liêu
Sợi vàng
cho nắng ban chiều
Xanh xao
cho ánh trăng điêu tàn và
Lửa hồng cho gió đông qua
Giáo gươm cho cuộc phong ba chuyển dời

Yêu thương cho ấm hồn người
Prajna bỉ ngạn cho đời trầm luân...

Phạm Trường Linh

Tuesday, September 11, 2012

Một năm rồi anh nhỉ ?

Một năm rồi anh nhỉ ?

Vậy đó một năm anh đi từ đấy Thỏang như cơn gió nhẹ thổi qua đời Buổi ra đi không nói kịp một lời Mẹ ở lại cơn mơ nào có thấy ?
Mẹ vẫn gọi như hàng đêm vẫn đợi Bóng anh về, dõi mắt ngóng trông theo Nhớ thương đầy trong ký ức nhăn nheo Hình ảnh cũ mỗi ngày qua mỗi mới
Căn nhà rộng vang tiềng bầy con trẻ Lúc quây quần vẫn nhắc đến cha xưa Dáng ai ngồi trong nắng sớm chiều mưa Nghe thấp thóang bước chân về - rất khẽ
Anh sải bước hiên ngang trong cõi mộng Khi hiểu rồi câu "Sắc tức thị không" Hiểu mọi người lần lượt sẽ qua sông Phận lữ khách phải lìa xa Bến Sống
Kể làm chi một năm hay một kiếp Một làn hơi thôi nhé bước sang bờ Chuyện tử sinh ai có thể hẹn giờ ? Người ở lại mai về khi rũ nghiệp
Vây có chi mà buồn đau thê thiết Vây có gì mà cay đắng bi thương Anh đã đi , trong bóng nắng Vô Thường Hòang hôn lặn chào bình minh giã biệt
Chúng ta đến và đi như ngọn gió Níu làm sao dư ảnh với thời gian Trót sinh ra , hoa phải có khi tàn Anh cảm nhận hồn xanh trên ngọn cỏ
Thế là hết một năm rồi anh nhỉ ? Ngày giỗ đầu xin thắp nén tâm hương …..
Nguyên Cẩn ( 3/9/ 2012)

Friday, August 24, 2012

Bông hồng cài áo

Gần tới rằm tháng 7, mùa Vu Lan báo hiếu, tự nhiên thích nghe lại bài Bông Hồng Cài Áo, nên post lại ở đây, để nhắc nhở bản thân và mọi người là một mùa Vu Lan lại về. Vào mùa báo hiếu này, mọi người nên tự ngẫm lại xem liệu mình đã làm được gì để báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn của cha mẹ hay chưa, nếu chưa thì hãy cố gắng thực hiện một việc gì đó dù là nhỏ nhoi nhất. Chúc mọi người 1 mùa Vu Lan an lạc, hạnh phúc!

Thursday, August 9, 2012

Vài góp ý cải tiến hệ thống xe buýt Tp.HCM


Vài góp ý cải tiến hệ thống xe buýt Tp.HCM 

Gần đây có dịp đi xe buýt nhiều, do phải về quê thăm vợ con, nên cũng có điều kiện hiểu thêm về hệ thống xe buýt đô thị ở TP.HCM. Có thể đánh giá chung là so với trước đây, hệ thống xe buýt ở TP.HCM đã có nhiều cải tiến, như: số tuyến nhiều hơn, cung cách phục vụ chuyên nghiệp hơn, thông tin và bản đồ các tuyến nhiều hơn... Tuy nhiên, đó là so với trước đây thôi, chứ so với yêu cầu về chất lượng của một hệ thống xe buýt hiện đại thì cũng còn nhiều vấn đề cần cải tiến, như: hệ thống thông tin, hình thức vé, cơ sở vật chất và cách thức lên xuống xe... Qua kinh nghiệm đi tuyến xe buýt trước nay, cùng với những quan sát gần đây khi đi tuyến Sài Gòn-Củ Chi và Củ Chi-Hậu Nghĩa, tôi có thể rút ra một số vấn đề cần cải tiến. Ngoài ra, bằng việc đối chiếu, so sánh với hệ thống xe buýt ở Kyoto, Nhật Bản, mà tôi cũng có điều kiện đi nhiều trong thời gian du học, hy vọng sẽ có thể rút ra một số góp ý giúp cải tiến sự vận hành của hệ thống xe buýt ở TP. HCM nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

Vấn đề đầu tiên đối với hệ thống xe buýt Tp. HCM hiện tại là hệ thống thông tin còn thiếu và chưa rõ ràng. Lấy ví dụ, khi muốn tra cứu tuyến xe buýt, khách đi xe lần đầu sẽ rất vất vả vì không biết phải tìm kiếm thông tin ở đâu để trả lời rất nhiều thắc mắc, như: đi xe số mấy, đón xe chỗ nào, lúc mấy giờ, có cần phải đổi chuyến hay không... Những thông tin như thế chưa được in và phát một cách rộng rãi tại các bến xe ở TP.HCM. Hiện tại, để tra cứu tuyến xe, hành khách thường phải hỏi thăm người quen biết, hoặc tự mình tra cứu trên các bảng mô tả tuyến đường ở các trạm xe buýt. Tuy nhiên, thông tin chỉ dẫn thường khó đọc và không đầy đủ. Gần đây hơn, hành khách có thể tra cứu các thông tin trên ở website của công ty xe buýt, tuy nhiên thông tin cũng ở dạng liệt kê các tuyến đường đi qua, mà chưa được tích hợp với hệ thống bản đồ trực tuyến và kết nối với các phương tiện giao thông công cộng khác. So với Việt Nam, hệ thống thông tin xe buýt của Nhật tốt hơn hẳn. Ở Nhật, các thông tin về tuyến xe buýt thường được in rõ ràng, đầy đủ và được phát miễn phí ở các bến xe, trung tâm thông tin. Ngoài số lượng phong phú, chất lượng thông tin của các Bản đồ tuyến xe buýt cũng hơn hẳn ta. Thay vì chỉ liệt kê tên đường đi qua của mỗi tuyến, một bản đồ tuyến đường xe buýt được sử dụng biểu diễn lộ trình của các tuyến xe buýt đi qua trạm đó, với mỗi tuyến là một màu khác nhau. Bản đồ này được in to, rõ tại mỗi trạm dừng và trên các tờ rơi được phát miễn phí ở các trạm thông tin khắp thành phố. Hơn nữa, khi bạn đến bất kỳ trạm xe buýt nào, bạn sẽ biết được giờ chạy của tuyến xe mình quan tâm, và biết được còn phải đợi bao nhiêu phút nữa. Ngoài ra, việc tra cứu tuyến đường ở Nhật được thực hiện rất dễ dàng từ website hệ thống thông tin giao thông tích hợp của thành phố. Từ hệ thống này, chỉ cần đưa vào điểm xuất phát, giờ khởi hành và điểm đến, hệ thống sẽ tìm ra các phưong tiện giao thông có thể đi, tuyến xe cần đi, thời gian đi và giá vé tương ứng. Điều này giúp cho hành khách tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức tra cứu, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đi lại bằng các phương tiện vận chuyển công cộng của thành phố.

Vấn đề thứ hai là hình thức phát hành vé xe. Ở TP. HCM hiện chỉ có 2 loại vé là vé xe tháng và vé đi từng lượt, đều dưới dạng giấy in. Vé lượt được bán cho hành khách trên từng lượt đi bởi nhân viên soát vé, còn vé tháng có thể mua tại các quầy vé hoặc mua trên xe. Còn ở Nhật, hành khách có thể mua vé trên xe, tại quầy bán vé ở các nhà ga, hoặc các máy bán vé tự động, và hình thức vé thì rất phong phú. Chẳng hạn, hành khách có thể trả tiền trực tiếp khi đi xe, mua vé ngày, vé tuần, vé tháng hoặc vé dạng thẻ trả trước và có thể nạp tiền về sau. Với vé ngày, hành khách có thể lên xuống xe buýt bao nhiêu lượt trong ngày cũng được. Ngoài ra, còn có các dạng vé khuyến khích du lịch, cho phép hành khách đi lại bằng nhiều phương tiện trong 1 khoảng thời gian hoặc trong 1 khu du lịch. Điều này có lợi cho cả du khách và các hãng vận tải, khách có thể tiết kiệm chi phí đi lại nhờ các vé loại này, còn các tuyến xe thì tăng thêm lượng khách.

Vấn đề thứ ba là cơ sở vật chất, trang thiết bị trên xe, đây cũng là lĩnh vực có nhiều vấn đề cần cải tiến nhất. Đầu tiên, đó là vấn đề giữ gìn vệ sinh trên xe. Có thể nói cảm giác chung là xe buýt không được sạch, máy lạnh không đủ mát, thiếu các ghế ngồi dành riêng cho người già, tàn tật và phụ nữ mang thai. Nếu không được làm vệ sinh thường xuyên, khó có thể đảm bảo chất lượng phục vụ và duy trì hình ảnh chất lượng cao. Việc vệ sinh xe còn phải gắn liền với việc kiểm tra định kỳ nệm chỗ ngồi, tấm trãi sàn, màn che nắng, cung cấp các thông tin hướng dẫn trên xe... Khi xe quá đông, cần bố trí chỗ đứng thoải mái, có tay cầm phù hợp với chiều cao người Việt Nam. Khi trời mưa, cần có miếng dậm chân ở lối lên để hạn chế sàn xe bị dính dơ. Ngoài ra, cũng cần bổ sung các hướng dẫn bằng tiếng Anh hoặc hình vẽ để khách nước ngoài có thể hiểu được. Việc phát triển các tuyến xe buýt mới nối liền các khu vực có nhu cầu đi lại nhiều hoặc tăng mật độ một số tuyến đông khách cũng cần được cân nhắc để thoả mãn hơn nữa nhu cầu đi lại của khách.

Vấn đề sau cùng là cách thức lên xuống xe. Hiện nay, trên mỗi xe buýt ở Việt Nam thường có 2 người là Bác tài và nhân viên phụ trách thu tiền, nhân viên này còn làm nhiệm vụ hỏi xem khách xuống chỗ nào để nhắc Bác tài dừng xe cho khách xuống. Tuy nhiên, số lượng khách thì nhiều, nên không thể nào nhớ hết được. Vì vậy, cách làm thông thường là khi đến trạm nào hay có khách xuống, nhân viên này sẽ hỏi lớn lên xem trên xe có ai xuống trạm XYZ này hay không, nếu có thì nhắc Bác tài dừng xe. Cách làm này thường dẫn đến sự ồn ào trên xe và đôi khi khách bị đi lố trạm vì trạm khách cần xuống bị quên hỏi. Ở Nhật, trên xe buýt chỉ có một mình Bác tài, nhưng việc lên xuống xe vẫn rất hiệu quả và yên ả. Cách làm như sau, trên xe có một bảng thông tin điện tử để thông báo tên trạm sắp tới và các đoạn băng ghi âm sẳn để hướng dẫn các địa điểm khách có thể xuống và chuyển sang các tuyến khác. Trên mỗi ghế ngồi đều có một nút nhấn, nếu khách muốn xuống trạm tới chỉ việc nhấn nút này, khi đó đèn báo hiệu sẽ bật đỏ và Bác tài biết sẽ dừng ở trạm kế. Ngoài ra, với máy thu tiền và đổi tiền được gắn trên xe, khiến cho khách hàng dễ dàng trả tiền trước khi xuống xe, và bác tài có thể kiểm soát được việc trả tiền. Vì vậy, mọi việc diễn tra một cách trật tự và không có một tiếng ồn, chỉ trừ tiếng Cám ơn của Bác tài và hành khách.

Nói tóm lại, trên đây là một vài ghi nhận nhanh về cách vận hành thực tế của một vài tuyến xe buýt ở TP. HCM và một vài gợi ý cải tiến dựa vào kinh nghiệm khi đi xe buýt ở Kyoto, Nhật Bản. Các gợi ý tập trung ở 4 khía cạnh chính: cải thiện hệ thống thông tin xe buýt, mở rộng loại hình vé, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ, và cải tiến hình thức thông tin về nhu cầu xuống xe của khách. Có thể những góp ý này chưa thật đầy đủ, nhưng hy vọng chúng có thể giúp ích được phần nào cho những người làm công tác quản lý vận hành hệ thống xe buýt ở Việt Nam. Từ đó, làm cơ sở để nghiên cứu kỹ hơn và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng của thành phố theo chuẩn khu vực và quốc tế, để có thể đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và tăng hiệu năng vận tải cho các hãng xe buýt.

TS. Phạm Quốc Trung,
Khoa Quản lý Công nghiệp, ĐHBK TP.HCM