Chuyện dài "đất nước tôi" (1)
1/ Vấn đề an ninh:
- Ở VN hiện nay, tình trạng an ninh phải nói là cực kỳ tồi tệ. Dường như hệ thống công an trở nên bất lực trước các loại trộm cắp. Mỗi người, mỗi nhà phải tự giữ gìn tài sản và an ninh của bản thân mình. Tại sao tôi lại dám khẳng định như vậy? Bởi vì, vừa về nước được 2 tuần thì trộm viếng nhà và lấy mất 2 chiếc xe. Thường, vào buổi sáng (khoảng 5g45), tôi với bố thường đi tập ở công viên gần nhà. Tới khoảng 6g, là điện thoại ở nhà gọi và báo tin ăn trộm đã bẻ khóa cửa vào nhà trộm xe. Rồi cũng trình báo CA. địa phương, và dân phố. Được vài lời an ủi của bác tổ trưởng và bà con xung quanh, "từ tết đến giờ có khoảng 10 vụ tương tự xảy ra trong khu vực", "bây giờ nhà nước thả tụi xì ke ra nhiều quá, nên không quản lý nổi"... CA. nhận lương từ thuế của dân để xẩy ra tình trạng như thế mà vẫn an nhiên tự tại, liệu có hợp lý không? Liệu có còn cần thiết nữa không? Tới đây, chợt nhớ tới 1 bài viết cách đây khá lâu, kể về chiến công của lực lượng CA. là đã "phá xập 300 trang mạng lề trái"? Hay là, nhiệm vụ chính của CA. nhân dân không phải là để bảo vệ tài sản của nhân dân, mà là để theo dõi, bắt bớ những người lên tiếng kêu gọi dân chủ, đổi mới?
- Nhớ lại hồi mới sang Nhật, tôi cứ thắc mắc không biết tìm chỗ giữ xe ở đâu. Sau mới biết là không cần giữ, vì ai cũng bỏ xe thoải mái, mà rất ít khi mất. Tôi cũng tò mò, không biết làm sao xã hội Nhật lại an ninh như thế, vẫn còn những cảnh "tối ngủ không phải khóa cửa, của rơi không ai nhặt". Về sau, mới biết là do nhiều yếu tố tạo nên. Chẳng hạn như: tinh thần trách nhiệm của cảnh sát rất cao (tỷ lệ tự tử của cảnh sát là cao nhất vì họ áy náy với lương tâm khi không hoàn thành nhiệm vụ), xe hay đồ trộm cắp thì không có nơi tiêu thụ, tính quan tâm lẫn nhau của người dân địa phương (thường báo cảnh sát khi phát hiện có dấu hiệu khả nghi)...
2/ Vấn đề thủ tục hành chính
- Trước khi về nước tôi cũng đã nghe đến những khó khăn về thủ tục hải quan khi chuyển hàng về nước. Số là, tôi có gửi 2 thùng sách bằng đường bưu điện về nước sớm 2 tháng trước khi về. Đương nhiên là về đến nơi thì sách vẫn chưa tới. Một tháng sau, tôi nhận được giấy báo mời nhận bưu kiện, với ghi chú là khi đi mang theo 3000 usd và mấy trăm ngàn tiền vnd để đóng thuế. Cầm tời giấy báo, tôi chỉ muốn bỏ quách mấy thùng sách đi cho rồi, bởi tổng giá trị của nó chưa tới 300 usd nữa. Tôi không hiểu họ tính thuế dựa trên cơ sở nào nữa? Nhưng theo lời khuyên của gia đình, tôi cũng lặn lội lên xuống vài ba lần để giải trình và làm đơn xin miễn thuế. Tới giờ phút này, cũng chưa biết kết cục thế nào. Nếu quý vị hải quan VN có dịp đến thăm NB, đến bất cứ cơ quan công quyền nào, sẽ biết được thế nào là thái độ phục vụ chuyên nghiệp và thủ tục gọn gàng, nhanh chóng của họ.
- Nói tới đây lại nhớ tới lý do tại sao lại gửi sách về. Ban đầu tôi dự định cho hết số sách đó, về tay không cho nó khỏe. Mà chợt nhớ đến thủ tục quay về trường, phải nộp 5 quyển sách cho thư viện (mới được về trường?). Nên mới có cái vụ gửi và nhận sách rắc rối như trên. Tôi chẳng biết ai nghĩ ra cái quy định kỳ quái như trên. Chỉ biết nó tạo thêm một rào cản đối với những ai học xong muốn quay trở lại công tác ở trường. Nếu thật sự ĐHBK muốn "chiêu hiền đãi sĩ", kêu gọi giảng viên trẻ học xong về nước, thì việc đầu tiên là nên bỏ những quy định kỳ quái đó đi.
Định viết nhiều nữa, nhưng thời gian không cho phép. Thôi đành nhớ tới đâu viết tới đó, khi nào rãnh rỗi, lại viết tiếp về chuyện dài "đất nước tôi" để chia sẻ cùng mọi người. Đã chọn về nước là chấp nhận "chung sống với lũ", nên sẽ còn nhiều chuyện bực mình để thấy, nghe và suy ngẫm nữa. Hy vọng, mọi chuyện rồi sẽ khá hơn, không chỉ cho bản thân mình, mà cho tất cả dân tộc VN. Bởi trong lòng xã hội VN, người dân nào cũng đang có khát vọng thay đổi và không muốn chấp nhận sự tồn tại của những nghịch lý trên đất nước mình nữa.