Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Friday, December 3, 2010

CHÍ THÀNH THÔNG THÁNH


Lâu lâu đọc lại bài này của cụ Phan Chu Trinh, chợt thấy nhiều cảm xúc. Sự nghiệp cách mạng của cụ tuy không thành, nhưng lý tưởng "Nâng dân trí, chấn dân khí" của cụ thì vẫn sáng mãi.
Ngày nay, nước nhà đã hòa bình, thống nhất được 35 năm, liệu hoài bão đó của cụ đã được con cháu thực hiện chưa? Hay ta vẫn mãi nghe câu "dân trí ta còn thấp", hoặc mãi chấp nhận cảnh "sĩ khí rụt rè - gà phải cáo" như cách đây cả thế kỷ?

CHÍ THÀNH THÔNG THÁNH

Thế sự hồi đầu dĩ nhất không,
Giang sơn vô lệ khấp anh hùng.
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương tuý mộng trung.
Trường thử bách niên cam thoá mạ,
Bất tri hà nhật xuất lao lung?
Chư quân vị tất vô tâm huyết,
Thỉnh hướng tư văn khan nhất thông.

(PHAN CHU TRINH)


LÒNG THÀNH TRỜI HIỂU

Việc đời nhìn lại – có mà không,
Nước non cạn lệ khóc anh hùng.
Bạo quyền, cam chịu bao người mãi
Văn chương, còn đắm giấc mộng cùn.
Nếu chịu trăm năm người mắng chửi,
Ngày nào thoát khỏi cảnh lao lung?
Mọi người đâu phải không tâm huyết,
Đọc thơ – chia sẻ nỗi niềm chung!


Wednesday, November 10, 2010

Lựa chọn Thành công

Lựa chọn Thành công
Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam
(Một khuôn khổ chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2020)

Đây là một báo cáo của nhóm nghiên cứu Đại Học Harvard về nền kinh tế Việt Nam, được công bố từ vài năm trước, nhưng tới nay đọc lại vẫn còn rất phù hợp. Bài viết này trình bày một khuôn khổ chiến lược giúp Việt Nam xác định các ưu tiên và đưa ra các quyết sách kinh tế cho những năm đầu của thế kỷ 21. Luận điểm chung của bài viết là phân biệt 2 mô hình phát triển kinh tế của các nước Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore) và mô hình của các nước Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine...). Mô hình Đông Á được xem là kiểu mẫu của sự thành công, giúp các nước vượt qua mức thu nhập trung bình để trở thành các nước có mức thu nhập cao (>10.000 USD/người). Mô hình Đông Nam Á được xem là mắc vào bẫy thu nhập trung bình, nghĩa là sau một thời gian phát triển nhanh, thì tốc độ chậm lại và không thể vượt qua ngưỡng thu nhập 5.000 USD/người.

Năm khía cạnh chính về chính sách được tập trung phân tích nhằm so sánh 2 mô hình kinh tế trên là : Giáo dục, Cơ sở hạ tầng, Năng lực cạnh tranh của DN, Hệ thống tài chính, Hiệu năng của nhà nước, và Tính công bằng xã hội. Từ các phân tích, bài viết cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang có nguy cơ đi theo mô hình các nước Đông Nam Á, và đề xuất các khuyến nghị cải cách để giúp Việt Nam có thể điều chỉnh chính sách theo mô hình phát triển của các nước Đông Á, nhằm đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2020.

Đây là một bài viết khá hay và đáng đọc đối với cả các nhà nghiên cứu, các sinh viên kinh tế và những người làm chính sách của đất nước. Tuy nhiên bài viết khá dài, không thể đăng trên blog hết được. Những ai quan tâm, muốn tìm đọc bản pdf của tài liệu này, xin vui lòng liên hệ qua e-mail. Trong phạm vi blog này, chỉ xin giới thiệu một phần liên quan đến chủ đề Giáo dục (phân tích và khuyến nghị chính sách) để mọi người tham khảo. Hy vọng, những góp ý trong bài viết này sẽ mang lại lợi ích nào đó đối với người đọc và những ai đang công tác trong ngành giáo dục.

1. Phân tích hiện trạng giáo dục Việt Nam

Hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện đang khủng hoảng. Mặc dù tỷ lệ đi học ở các cấp phổ thông tương đối cao, nhưng chất lượng của các bậc học này rất đáng lo ngại. Kết quả trượt tốt nghiệp trung học phổ thông trong năm 2007 cho thấy nhiều học sinh thậm chí còn không nắm được kiến thúc cơ bản. Bên cạnh đó, số lượng sinh viên được vào đại học cũng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong những người ở độ tuổi học đại học. Trong năm 2000, tỷ lệ lao động tốt nghiệp đại học chỉ chiếm 2% tổng dân số, so với 5% ở Trung Quốc và 8% ở Ấn Độ là những nước đông dân hơn rất nhiều.

Năm 2005, tỷ lệ sinh viên đỗ đại học ở Việt Nam chỉ là 16%, trong khi con số này ở Trung Quốc và In-đô-nê-xia là 17%-19%, còn ở Thái-lan là 43%. Mặc dù số lượng sinh viên đại học đã tăng một cách đáng kể từ năm 1990 nhưng với hạn chế về cả số lượng và chất lượng giảng viên, hệ thống đào tạo đang ngày càng bị dồn nén. Không những thế, chất lượng đào tạo ở các trường đại học của Việt Nam chưa đạt chuẩn. Giảng viên ở các trường đại học của Việt Nam có rất ít bài đăng trên các tạp chí quốc tế. Trên thực tế, trường đại học của Việt Nam thua xa khi so với ngay cả trường của các nước Đông Nam Á - vốn chưa phải là những trường đẳng cấp quốc tế. Nếu nhìn vào sản phẩm đào tạo thì khoảng phân nửa sinh viên ra trường ở Việt Nam không được làm đúng ngành đào tạo.

Những kết quả đáng buồn như vừa miêu tả không phải do hệ thống giáo dục hiện nay thiếu tiền. Trên thực tế, tỉ lệ ngân sách dành cho giáo dục trong GDP của Việt Nam cao hơn hầu hết các nước trong khu vực. Như vậy, vấn đề thực sự nằm ở chỗ nguồn lực này được sử dụng như thế nào, và đặc biệt, nằm ở cấu trúc quản trị xơ cứng và bất cập ở mọi cấp độ của hệ thống giáo dục. Chi tiêu của hệ thống giáo dục hiện nay kém minh bạch và lãng phí. Như lời bình luận của một tác giả trên báo Tuổi Trẻ, nếu những con số chính thức về quỹ lương là đáng tin cậy thì mức lương trung bình của giáo viên phải cao gần gấp đôi mức lương thực tế họ đang được nhận. Vậy thì tiền đi đâu? Không lẽ nó đã bị cơ chế hiện nay “nuốt chửng”? Với một hệ thống quản trị như vậy, đổ thêm tiền vào chỉ là giải pháp tình thế mà không thể giải quyết được những vấn đề cơ bản nhất của nền giáo dục Việt Nam về chất lượng và khả năng tiếp cận. Trong giáo dục đại học, các trường cần phải có nhiều quyền tự chủ hơn để có thể chuyên môn hóa sâu, cạnh tranh trên cơ sở chất lượng và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Chế độ tuyển dụng, đãi ngộ, đề bạt phải chuyển từ tiêu chuẩn “thâm niên” sang “kết quả”. Cần mở rộng nguồn tài trợ cho các trường đại học, không chỉ bao gồm học phí và các khoản hỗ trợ của nhà nước, mà còn bao gồm hợp đồng nghiên cứu và đóng góp hảo tâm của khu vực tư nhân. Chất lượng các trường đại học là một chỉ báo đáng tin cậy cho mức độ phát triển của nền kinh tế. Những nước giàu và đang trở nên giàu thường có nhiều trường đại học tốt, còn những nước nghèo thì không. Hiện nay, các trường đại học của Việt Nam có thể bị xem như là kém nhất so với hầu hết các nước đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á, chứ chưa cần so với Đông Á. Nếu như không có những biện pháp cấp thiết để cải cách giáo dục thì chắc chắn là Việt Nam sẽ không thể đạt được các mục tiêu đã đề ra về công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Như đã lưu ý ở trên, các nước Đông Á rất chú trọng tới việc thúc đẩy năng lực phát triển công nghệ của quốc gia. Sử dụng mọi thước đo khách quan, dường như nền khoa học và công nghệ của Việt Nam là một thất bại. Điều này, đến lượt nó, lại là một trong những trở ngại chính cho tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2002, Việt Nam chỉ đăng ký có 2 bản quyền với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO). Năm 2006, các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đăng được 41 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế. Cũng trong năm đó, chỉ riêng các nhà nghiên cứu của trường Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải đã đăng được 2.286 bài trên các tạp chí quốc tế. Mặc dù kết quả đáng thất vọng như vậy nhưng mới đây chính phủ đã tuyên bố kế hoạch biến các nhà nghiên cứu của VAST thành hạt nhân cho một trường đại học khoa học và công nghệ mới của Việt Nam. Liệu có nên đặt niềm tin của việc đào tạo các thế hệ nhà khoa học và kỹ sư tương lai của Việt Nam vào một tổ chức yếu kém về năng lực nghiên cứu khoa học? Đây lại là một ví dụ nữa cho nỗ lực che chắn cạnh tranh của các tổ chức thất bại thông qua các biện pháp hành chính. Một lựa chọn tốt hơn là nới lỏng kiểm soát đối với các viện nghiên cứu và trường đại học, và cho phép các tổ chức này cạnh tranh với nhau để thu hút được những giảng viên và sinh viên xuất sắc nhất và những nguồn tài trợ dồi dào nhất - tất cả đều dựa trên kết quả hoạt động thực tế.

Để cải thiện chất lượng giáo dục đại học và khoa học, các trường đại học của Việt Nam phải tạo những điều kiện thuận lợi nhất và có những ưu đãi hấp dẫn nhất để thu hút được những nhà khoa học hàng đầu. Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các trường đại học của mình xâm nhập thị trường chất xám toàn cầu, và các trường này đang ngày càng thành công trong việc mời được những nhà khoa học Trung Quốc xuất sắc nhất từ Mỹ và từ các nước khác trở về với mức đãi ngộ và hỗ trợ nghiên cứu cạnh tranh. Trái lại, Việt Nam chưa sẵn sàng chấp nhận tham gia “cuộc chơi” săn lùng chất xám này. Trên thực tế, những người xuất sắc nhất trong hệ thống của Việt Nam vẫn phải chịu một sự ghen tị nếu như họ có may mắn được đãi ngộ một cách trọng thị hơn những người khác. Thị trường chất xám là một thị trường toàn cầu, và những nhà khoa học xuất sắc nhất của Việt Nam có rất nhiều lựa chọn trong thị trường này. Chắc chắn là chỉ có một số rất ít nhà khoa học xuất sắc chịu chấp nhận các điều kiện làm việc ở các trường đại học của Việt Nam như hiện nay. Lòng yêu nước của mỗi nhà khoa học đều có, nhưng họ cũng cần cả những sự đãi ngộ và tôn trọng xứng đáng nữa.

2. Khuyến nghị chính sách phát triển giáo dục Việt Nam

(1). Cần công khai các ngân sách nhà nước dành cho giáo dục: Cuộc khủng hoảng hiện nay trong giáo dục không phải là hậu quả của việc thiếu đầu tư mà một phần là do sự lãng phí và kém hiệu quả trong chi tiêu giáo dục. Tăng cường tính minh bạch là một bước thiết yếu đầu tiên để cải thiện hệ thống giáo dục. Thứ nhất, nếu phụ huynh học sinh và báo chí có những hiểu biết đầy đủ hơn về cách thức phân bổ ngân sách giáo dục thì họ có thể thực hiện chức năng giám sát một cách hiệu quả hơn. Chính quyền trung ương khi ấy cũng có thể quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương và lãnh đạo nhà trường một cách dễ dàng hơn. Thứ hai, sự minh bạch sẽ giúp chính phủ thành công hơn trong việc huy động nguồn tài trợ từ khu vực tư nhân và thiện nguyện vì khi ấy các nhà tài trợ sẽ có cơ sở để tin rằng đồng tiền đóng góp của mình được sử dụng một cách hiệu quả.

(2). Thực hiện một cuộc cách mạng trong giáo dục đại học: Tình trạng khủng hoảng trong giáo dục đại học là một trở ngại cơ bản cho sự tiếp tục phát triển của Việt Nam, và vì vậy, những trở ngại này cần phải được giải quyết một cách mạnh mẽ, càng sớm càng tốt. Thực tế là chính phủ Việt Nam biết phải hành động như thế nào. Quyết định 14 kêu gọi một cuộc “cải cách toàn diện” đối với hệ thống giáo dục đại học, trong đó bao gồm những cải cách then chốt cần thiết để thổi một luồng sinh khí mới vào hệ thống. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện quyết định này đang quá chậm chạp. Nếu tốc độ cải cách giáo dục vẫn chậm chạp như hiện nay thì ngay cả việc đuổi kịp các nước Đông Nam Á cũng đã là một cái đích xa vời, còn nói gì đến việc đuổi kịp các nước Đông Á.

Nếu không cải thiện được kết quả của giáo dục đại học thì Việt Nam sẽ không thể tận dụng được một cách trọn vẹn lợi ích của đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã thành công trong việc thu hút được một số nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao như Intel, Canon, Nidec, và Foxconn. Đây là một cơ hội ngàn vàng để Việt Nam chuyển đổi và vượt lên chiếm lĩnh những ngành có giá trị gia tăng cao hơn. Để có thể tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam cần đào tạo một số lượng lớn lao động có kiến thức và công nhân có kỹ năng để cung cấp cho những nhà đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước. Nếu không thì có lẽ Việt Nam sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự như Ma-lay-xia - chịu thua trong cuộc cạnh tranh với các quốc gia có lao động tay nghề cao hơn với chi phí thấp hơn. Ngay ở Việt Nam hiện nay thì tình trạng mặt bằng lương gia tăng nhanh chóng, cùng với sự thiếu hụt lao động và công nhân liên tục chạy từ nơi này sang nơi khác đã làm nhiều nhà đầu tư tiềm năng phải cân nhắc kỹ trước khi đầu tư vào Việt Nam.

(Trích từ Lựa Chọn Thành Công)

Saturday, November 6, 2010

ĐÔI MẮT


ĐÔI MẮT

Những đôi mắt thơ ngây
Bao tin yêu tròn đầy,
Cuộc đời ôi thương quá !
Hạnh phúc là nơi đây.

Hạnh phúc thì chóng qua,
Tình nghĩa cũng phôi pha
Đôi mắt em - khoảnh khắc
Nhớ mãi lúc rời xa…

Mắt tin yêu sáng ngời
Thắp sáng giữa cuộc đời,
Bao ước mơ khát vọng,
Thuyền rẽ sóng lên khơi.

Dòng thời gian cuốn trôi,
Nhớ mãi giữa lòng tôi
Đôi mắt em tỏa sáng,
Niềm tin cho cuộc đời…

(PQT)

Wednesday, October 27, 2010

Cách tiếp cận QLTT để cải tiến năng suất lao động của DNVN

KM Approach for Improving the Labor Productivity
of Vietnamese Enterprise
(Quoc Trung Pham and Yoshinori Hara)

In knowledge society, knowledge management (KM) is more and more considered the best strategy for improving the labor productivity of an enterprise. However, the effectiveness of KM on labor productivity is not known exactly, especially since it depends on the development level of a country.
To find a solution based on KM approach for improving the labor productivity of Vietnamese enterprise, a new model is proposed, which includes knowledge capability, technology capability, KM, employee satisfaction and labor productivity. By analyzing data from Vietnamese enterprises, the model is tested and suggestions for improving the labor productivity of Vietnamese enterprises are made.
Some results of data analysis are: KM doesn’t have a direct effectiveness on labor productivity, but employee satisfaction positively affects the labor productivity of Vietnamese enterprises; Technology capability is the most important capability influencing KM, employee satisfaction and labor productivity; KM has a strong effect on employee satisfaction.
Further, some suggestions for improving the labor productivity of Vietnamese enterprises are: organizing frequent meetings for shortening cultural gap between managers and employees, replacing old machines combined with improving employees’ self learning skill, improving innovation capability by creating an open culture for encouraging employees to voice their opinions.


Friday, October 8, 2010

Nhu cầu quản lý tri thức trong DNVVN


Nhu cầu quản lý tri thức trong DNVVN

Phạm Quốc Trung, NCS. ngành Kinh Tế, ĐH. Kyoto, Nhật Bản


Khi đề cập đến doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), mọi người thường nghĩ đến những khó khăn mà họ gặp phải, như: thiếu vốn, thiếu nhân lực, công nghệ lạc hậu, quản lý yếu kém, bị đối xử bất bình đẳng… Tuy nhiên, trong thời đại tri thức và toàn cầu hóa ngày nay, DNVVN cũng có những thế mạnh riêng và cũng cần phải áp dụng mô hình quản lý hiện đại như quản lý tri thức (QLTT) để có thể tồn tại và cạnh tranh hiệu quả với các doanh nghiệp lớn hơn. Bài viết này nhằm chỉ ra nhu cầu áp dụng QLTT trong các DNVVN là rất cần thiết ở Việt Nam và cả ở phạm vi thế giới.

1. Tầm quan trọng của tri thức trong thời đại ngày nay

Trong thế kỷ 21, tri thức ngày càng trở nên quan trọng cho việc phát triển bền vững của một doanh nghiệp cũng như của một quốc gia. Trong các tổ chức hiện đại, tri thức được xem là một trong những yếu tố thành công chủ yếu và quản lý tri thức trở thành một chiến lược cạnh tranh hiệu quả nhất.

Ngày nay, cả thế giới đang bước vào kỷ nguyên thông tin và tri thức, ở đó, tổ chức hay quốc gia nào quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tri thức của mình sẽ có được những lợi thế cạnh tranh nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của tổ chức hay quốc gia của mình.

Ngoài ra, theo Stiglitz, một nhà kinh tế lớn của World Bank, tri thức đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và đảm bảo phúc lợi xã hội. Ông ta còn đề nghị cần phải xem xét các vấn đề phát triển dưới góc nhìn tri thức, ở đó, giáo dục đóng một vai trò dẫn dắt cho sự phát triển. Trong nền kinh tế tri thức đó, sáng tạo là cực kỳ quan trọng, vì vậy các doanh nghiệp nhỏ có thể cung cấp những nền tảng cho sự đổi mới của xã hội tốt hơn nhiều so với các doanh nghiệp to lớn cồng kềnh.

2. Vai trò ngày càng quan trọng của DNVVN

Ngày nay, DNVVN (doanh nghiệp có dưới 300 nhân viên) chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số các doanh nghiệp trên thế giới (#95% tổng số doanh nghiệp). Ở Việt Nam, số lượng DNVVN là 98% và đóng góp hơn 50% vào tổng GDP. Vì vậy, DNVVN ngày càng quan trọng và trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và cả thế giới. Trong đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, mọi người đều nhận thấy vai trò quan trọng của DNVVN trong việc tạo ra việc làm, duy trì tính năng động của thị trường lao động, hay thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương và các quốc gia.

Hơn nữa, với sự phát triển nhanh chóng của CNTT-VT (công nghệ thông tin – viễn thông), thương mại điện tử và trào lưu toàn cầu hóa, DNVVN càng đóng một vai trò quan trọng trong việc gắn kết chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ còn hỗ trợ các DNVVN trở thành yếu tố chính cho sự đổi mới kinh tế. Khác với các doanh nghiệp lớn, DNVVN dễ dàng thay đổi và thích nghi nhanh chóng hơn với những nhu cầu của thị trường và áp lực của nền kinh tế. Trên thực tế, có một số DNVVN đã có thể cạnh tranh một cách hiệu quả với các doanh nghiệp lớn trong thế giới số ngày nay dựa trên chính tri thức và năng lực đổi mới của mình.

3. Quản lý tri thức trong DNVVN – một nhu cầu bắt buộc

Trong xã hội tri thức, trước sau gì, các DNVVN cũng phải cạnh tranh với các doanh nghiệp khác dựa trên tri thức của mình và khả năng biến các tri thức đó thành giá trị thông qua sản phẩm hay dịch vụ. Trong kỷ nguyên tri thức và nền kinh tế toàn cầu hóa, DNVVN sẽ phải tự thích nghi với điều kiện mới để có thể tồn tại và phát triển. Bởi vì làn sóng của kỷ nguyên tri thức đang đến và sẽ ảnh hưởng đồng đều đến mọi tổ chức và mọi quốc gia, DNVVN cũng không tránh khỏi ảnh hưởng đó. Chính vì vậy, QLTT sẽ trở nên quan trọng đối với DNVVN cũng như đối với doanh nghiệp lớn. Điều này đòi hỏi DNVVN phải chủ động áp dụng QLTT để có thể đối phó hiệu quả với những thay đổi đó.

Mặt khác, toàn cầu hóa cũng khiến cho thế giới trở nên phẳng hơn và xu thế cạnh tranh dựa trên tri thức sẽ nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới. Ở Nhật Bản, một nước công nghiệp phát triển, DNVVN cũng được xem là nguồn lực của đổi mới và đảm bảo sự phát triển bền vững. Chính phủ Nhật cũng ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho việc đổi mới công nghệ, sản phẩm và dịch vụ ở các DNVVN, từ đó giúp các doanh nghiệp này có thể cạnh tranh một cách hiệu quả trong nền kinh tế tri thức. Vì vậy, để có thể tồn tại và phát triển, các DNVVN ở một nước đang phát triển như Việt Nam buộc phải áp dụng QLTT mới có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp của các nước phát triển dựa trên sức mạnh tri thức và khả năng đổi mới của mình.

Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp lớn, hầu hết các DNVVN đều không có đủ nguồn lực cho việc đầu tư vào nghiên cứu-phát triển, áp dụng công nghệ mới, hay triển khai hệ QLTT. Do đó, đòi hỏi một nổ lực rất lớn từ phía các DNVVN cũng như sự hỗ trợ từ chính phủ để biến các DNVVN thành những doanh nghiệp hướng tri thức. Điều quan trọng trước mắt là các DNVVN cần phải biết rõ hiện trạng của mình, cải thiện mức độ trưởng thành về CNTT-VT, và áp dụng một cách tiếp cận QLTT phù hợp. Có như vậy, DNVVN mới có thể cải thiện năng lực cạnh tranh và khả năng đổi mới của mình. Từ đó, sử dụng hiệu quả nguồn lực tri thức và con người của mình, đảm bảo khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững trong một xã hội tri thức.

4. Thực trạng quản lý tri thức trong DNVVN của Việt Nam

Cùng với sự đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước, DNVVN ở Việt Nam cũng có sự phát triển nhanh chóng, đặc biệt là từ sau khi có luật Doanh Nghiệp vào năm 2000. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu gần đây, mặc dù có sự phát triển ấn tượng, nhưng DNVVN vẫn còn rất yếu về nhiều mặt, như: thiếu sự gắn kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, năng lực cạnh tranh yếu, ít đổi mới, nhân sự không ổn định, và chưa sẳn sàng cho việc hội nhập.

Theo Vũ Hồng Dân, Trung Tâm Năng Suất Chất Lượng Việt Nam, DNVVN của Việt Nam dần nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ chính phủ nhưng chưa nhiều, như là: có văn phòng hỗ trợ DNVVN, một số chính sách hỗ trợ phát triển DNVVN… Với sự hỗ trợ đó, việc ứng dụng QLTT trong DNVVN sẽ dần được thúc đẩy và triển khai nhiều hơn. Tuy nhiên hiệu quả đạt được còn thấp, đến nay, việc áp dụng QLTT trong DNVVN ở nước ta còn rất ít và số trường hợp triển khai thành công hệ QLTT trong thực tế chưa thấy được ghi nhận.

Dựa trên một nghiên cứu trước đây của chúng tôi (2009), mức độ ứng dụng QLTT trong các DN Việt Nam nói chung là ở mức trung bình (3.5/ 5). Mức độ này cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã sẳn sàng cho các giải pháp QLTT. Ngoài ra, với đà phát triển nhanh chóng của ứng dụng CNTT-VT trong các doanh nghiệp, như: SCM, CRM, ERP, mạng xã hội…, thì việc triển khai hệ QLTT vào thời điểm hiện nay là thích hợp. Càng sớm triển khai các giải pháp QLTT thì các DNVVN sẽ càng sớm tạo được lợi thế cạnh tranh và đảm bảo được sự phát triển bền vững của mình. Tuy nhiên, việc triển khai thành công một hệ QLTT là một bài toán khó cho các DNVVN về nhiều mặt, như: sự nhận thức, nguồn lực, công nghệ, quá trình triển khai... Phải có một quyết tâm và chiến lược đúng đắn từ phía doanh nghiệp, cũng như sự khuyến khích, hỗ trợ từ phía chính phủ thì mới có thể vượt qua những khó khăn và áp dụng thành công QLTT.

Tóm lại, tri thức là một tài sản vô giá mà mỗi doanh nghiệp, mỗi đất nước phải biết cách quản lý để có thể cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững trong một xã hội tri thức. Với xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển của CNTT-VT, việc áp dụng QLTT trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNVVN, trở thành một nhu cầu bắt buộc. Chính các DNVVN phải nhận lấy trách nhiệm tiên phong trong việc ứng dụng QLTT để có thể chuyển mình theo chiều hướng tri thức, tăng cường được năng lực cạnh tranh dựa trên tri thức, phát huy nguồn lực con người, và tận dụng được sức mạnh của CNTT-VT. Áp dụng thành công QLTT trong DNVVN chính là chìa khóa để mở cánh cửa của nền kinh tế tri thức.

Thursday, September 30, 2010

4 NGÀN NĂM VĂN HIẾN


"Lịch sử Việt Nam 4000 năm văn hiến" là câu chúng ta thường rất hay nghe. Nhưng nhiều người không biết tại sao gọi là văn hiến mà không phải là văn hóa. Bởi vì, văn hóa được chia cụ thể hơn thành 2 phần là văn hóa tinh thần hay còn gọi là văn hiến và văn hóa vật chất hay còn gọi là văn vật. Do đó, người ta thường nói "Hà Nội ngàn năm văn vật". Tiếc thay, cái văn hóa vật chất ít ỏi đó đã bị mai một dần đi, không chỉ do chiến tranh trong suốt 1000 năm đó, mà còn do chính bàn tay của thế hệ sau phá hủy bởi vì thiếu hiểu biết.

Trước đây cả ngàn năm, một trong những mục tiêu lớn nhất của người Trung Quốc khi muốn thôn tính Việt Nam, đó là tiêu diệt văn hóa. Và họ đã thành công phần nào đối với văn hóa vật chất, nhưng vẫn chưa thể xâm phạm được đến văn hóa tinh thần. Bởi vẫn còn đó lũy tre làng, mái đình, cây đa, làn quan họ... Ông cha ta còn cố gắng để làm rõ thêm văn hóa Việt, bằng những sự khác biệt ở chữ viết, cách mặc áo, để tóc, nhuộm răng... Đó là lý do mà dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại và phục quốc sau 1000 năm bị đô hộ. Nhờ đó mà việc xây dựng đất nước và khôi phục văn hóa vật chất đã được các triều đại Lý, Trần khôi phục một cách nhanh chóng.

Thế mà, ngày nay, thành trì kiên cố của nền văn hiến 4000 năm sắp bị lung lay, bởi những thế hệ con cháu ngu dốt và yếu hèn. Một vài dẫn chứng, như việc làm các bộ phim mừng đại lễ "sặc mùi Tàu", các đài truyền hình thi nhau chiếu phim Tàu, các viện Khổng Tử được mọc lên tại các đại học, học sinh không hiểu biết và hứng thú đối với lịch sử đất nước, báo chí VN đăng lại các bài cổ vũ sự bành trướng của TQ, cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ văn hóa lại tiếp tay cho việc quảng bá văn hóa Tàu...

Càng nhìn vào thực trạng đất nước hiện nay, lại càng buồn! Nếu con cháu ngày nay, không biết thức tỉnh, cùng nhau bảo vệ nền văn hóa tinh thần của dân tộc, thì việc mất nước chỉ là một sớm một chiều mà thôi. Đó là lý do tại sao tôi không thể vui trước thềm kỷ niệm sự kiện ngàn năm một thuở này.

4 NGÀN NĂM VĂN HIẾN

Tổ quốc Việt Nam bốn ngàn năm
Sáng soi lịch sử những thăng trầm
Thái bình – ước vọng ông cha đó
Còn mãi lòng ta, ánh trăng rằm…

Văn hiến từ xưa đã dựng xây
Văn Lang, Âu Lạc - máu xương dầy
Một giọt máu hồng nòi Bách Việt
Chảy từ quá khứ đến ngày nay…

Trãi bao tàn phá bởi ngoại xâm
Văn hóa Việt Nam vẫn âm thầm
Sáng soi đốm lửa trong đêm tối
Để một ngày mai lại nảy mầm...

Còn nhớ truyện xưa thuyết Tiên Rồng
Trăm nòi Bách Việt, giống Lạc Hồng
Văn minh lúa nước, cùng vui sống,
Trống đồng, cung nỏ - vững non sông.

Ngày nay, chinh chiến đã sạch rồi
Hãy cùng dựng lại núi sông thôi
Con cháu gắng lòng, quê hương đó,
Văn hiến Việt Nam mãi sáng ngời…

(Quốc Trung)

Sunday, September 26, 2010

KM strategy based on Web 2.0

This is the presentation for my 2nd paper in Knowledge Management. The title is "Combination 2 KM strategies by Web 2.0". It talks about the important role of Web 2.0 in creating a more effective KM strategy.
Web 2.0 can be used for combining 2 main KM strategies (Personalization and Codification) and integrating various enabling technologies for KMS. This paper is published on the Proceeding of 3rd International Conference of Knowledge Science, Engineering and Management 2009 (Vienna, Austria).

Wednesday, September 15, 2010

ĐẤT NƯỚC NGÀN NĂM


ĐẤT NƯỚC NGÀN NĂM

Đất nước Việt Nam, đất nước tôi
Mỗi lần nghĩ đến lại bồi hồi
Bao nhiêu lịch sử oai hùng đó
Giờ chỉ còn trong sách vở thôi

Đất nước còn đây – quê ta đây
Chiến chinh đã hết biết bao ngày
Mà sao dân tộc còn đau khổ
Chia rẽ, nghèo nàn – do ai gây ?

Vong thân, vọng ngoại mất tự do
Một thời oanh liệt – hóa thành tro
Bao nhiêu lý tưởng, giờ đâu mất
Con đường phía trước, thấy mà lo ?

Đất nước này đâu của mình ai
Của chung dân tộc - “lắm người tài”
Cùng chung nỗi khổ, cùng ao ước
Sao chẳng cùng nhau - đắp, dựng, xây ?

Lắng nghe tiếng gọi của non sông,
Nghe dòng máu chảy, máu Tiên Rồng.
Quên đi danh lợi, quên thù hận
Sáng mãi ngàn năm – nước Lạc Hồng.

PQT

Friday, August 27, 2010

TÂM SỰ NÀNG MỴ CHÂU


Đọc truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy, ai cũng kết tội nàng Mỵ Châu, bởi đó là người có tội rất lớn để mất nước vào tay giặc Tàu.
Nghĩ cũng phải, nếu không có Mỵ Châu trao nỏ thần, một bí mật quân sự quan trọng của đất nước, vào tay Trọng Thủy thì cơ sự đâu đến nỗi. Nếu khi chiến tranh xảy ra, Mỵ Châu biết thức tỉnh và không rắc lông ngỗng chỉ đường, thì hai cha con đâu phải cùng đường và cơ đồ nước Việt đâu có tiêu tan nhanh như vậy. Đến khi bị thần Kim Quy phán là có tội, thì Mỵ Châu cũng bị cha xử chết mà không có được một lời phân giải nào cả. Nghĩ cũng tội nghiệp! Bài thơ dưới đây, đặt mình vào tâm trạng của nàng Mỵ Châu, để nói lên những tâm sự thay cho nàng.
Có lẽ tội lớn nhất phải kể đến vua cha, đã xem thường quân giặc, đã tin vào những lời lẽ tốt đẹp của kẻ thù mà không thấy được tâm địa cay độc của bọn chúng. Nàng Mỵ Châu là con, ở thời đó, thì chỉ được nghe lời cha, nên đã vô tình trở thành thủ phạm bán nước.
Giá như, nàng Mỵ Châu biết nghĩ đến họa mất nước, không nghe lời cha kết hôn cùng Trọng Thủy, hoặc giá như, khi đã kết hôn, biết cảnh giác bảo vệ bí mật quốc gia, hoặc giá như, khi chiến tranh xảy ra, biết thức tỉnh nhận ra kẻ thù, thì 1000 năm Bắc thuộc có thể đã không xảy ra. Nhưng lịch sử thì không có chữ "Nếu".
Hy vọng "Tâm sự nàng Mỵ Châu" sẽ là lời nhắn nhủ đến những người đang nắm vận mệnh quốc gia, cần tỉnh táo, để không biến mình trở thành những nàng Mỵ Châu của thế kỷ 21. Mong rằng, nhờ bài học này, đất nước sẽ tránh được những hiểm họa xâm lăng mới từ kẻ thù phương Bắc.

TÂM SỰ NÀNG MỴ CHÂU

“Phải chi anh là người Việt
Cùng em kháng cự giặc Tàu
Phải chi anh là người Việt
Cho đời em bớt khổ đau…

Tình em trao anh trọn vẹn
Chẳng hề suy tính thiệt sâu
Sao anh nỡ đành lỗi hẹn
Can qua – gây chuyện khổ sầu ?”

Tình yêu là không biên giới
Yêu nhau chẳng kể bắc nam
Quê hương - em quên nghĩ tới
Đành ôm mối hận ngàn năm !

Tình em sáng trong như ngọc
Nghe cha, em thiệt yêu anh
Khiến em trở thành kẻ ngốc
Nước tan – em sống sao đành

Mai sau, ai ơi nhớ mãi
Mối tình Trọng Thủy – Mỵ Châu
Quê hương, nếu em chẳng đoái
Tình yêu - đâu khỏi bể dâu…

PQT

Thursday, August 19, 2010

Rằm Tháng Bảy - Lễ hội Vu Lan


Sắp tới rằm tháng bảy, lễ hội Vu Lan theo truyền thống của Phật giáo, chợt nhớ về tục lệ cúng cô hồn của Việt Nam. Lễ hội Vu Lan có nhiều sự kiện và ý nghĩa to lớn trong Phật giáo, như là: kết thúc mùa an cư kiết hạ, cúng thí thực cho các cô hồn, truyền thống báo hiếu... Nhắc đến ngày này, mọi người thường nhớ đến tục lệ bông hồng cài áo, báo hiếu cha mẹ. Câu chuyện gắn với ngày lễ này là việc ngài Mục Kiền Liên xuống địa ngục cứu mẹ đang chịu tội. Dù được xem là đệ tử thần thông đệ nhất của Phật, nhưng cũng không cứu được mẹ. Phải nhờ Phật chỉ cách cúng chư tăng, và nhờ sức mạnh của tập thể tăng chúng, lập đàn cầu siêu mới cứu được mẹ ngài. Từ đó về sau, truyền thống cúng cô hồn vào dịp rằm tháng bảy mới bắt đầu xuất hiện và được duy trì đến ngày nay. Nhớ lại hồi còn nhỏ, ấn tượng của tôi về ngày Vu Lan là lúc lũ trẻ trong xóm xúm nhau trước một mâm cúng cô hồn của một nhà nào đó, để chờ dành được những món đồ cúng sẽ được ném ra đường sau khi cúng xong. Chỉ là những thứ bánh kẹo bình thường, nhưng đối với lũ trẻ, đó là những chiến lợi phẩm, và là một sự kiện thú vị đối với chúng. Vài dòng dông dài để nhắc nhở mọi người rằm tháng bảy sắp về, để cùng nhau nhớ về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và cố gắng sống tốt để đền đáp công ơn to lớn đó.

RẰM THÁNG BẢY - VU LAN

Thoáng chốc Vu Lan lại đã về
Mưa buồn quạnh quẽ bước đường quê
Thắp hương cúng khấn siêu thân quyến
Đốt giấy bạc vàng độ kẻ mê
Lễ Phật mong đền ơn cha mẹ
Nghe kinh khó đáp nghĩa muôn bề
Mong nhờ ân đức – tai ương khỏi
Thoát nợ trần gian – vẹn câu thề.