Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)

Thursday, July 15, 2010

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ (2)

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ

Hội 2

Biết vậy!
Miễn được lòng rồi;
Chẳng còn phép khác.
Gìn tính sáng, tính mới hầu an;
Ném niềm vọng, niềm dừng chẳng thác.
Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực kim cang;
Dừng hết tham sân, mới lảu lòng mầu viên giác.
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương;
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc.
Xét thân tâm, rèn tính thức, há rằng mong quả báo phô khoe;
Cầm giới hạnh, địch vô thường, nào có sá cầu danh bán chác.
Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay;
Vận giấy vận sồi, thân căn có ngại chi đen bạc.
Nhược chỉn vui bề đạo đức, nửa gian lều quý nửa thiên cung;
Dầu hay mến thửa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác.

Hội 3

Nếu mà cốc,
Tội ắt đã không;
Phép học lại thông.
Gìn tánh sánh, mựa lạc tà đạo;
Sửa mình học, cho phải chánh tông.
Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ;
Vong tài đối sắc, ắt tìm cho phải thói Bàng Công.
Áng tư tài tánh sáng chẳng tham, há vì ở Cánh Diều Yên Tử;
Răn thanh sắc, niềm dừng chẳng chuyển, lọ chi ngồi am Sạn non Đông.
Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc ;
Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả đồ công.
Nguyền mong thân cận minh sư, quả bồ đề một đêm mà chín;
Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa ưu đàm mấy kiếp đơm bông.

------

VUI ĐẠO CÕI TRẦN

Hồi thứ 2

Đã biết Đạo là tánh sáng
Giữ gìn mới đặng được an
Bỏ đi vọng tâm xưa cũ
Niệm dừng, ánh sáng chang chang.

Trừ nhân ngã [1] , kim cang thực tướng
Dứt tham sân [2] , cảnh tượng tròn đầy,
Tịnh độ [3] - trong sạch, ngay đây
Di Đà [4] sáng tỏ, phút này trong ta.

Xét thân tâm, lòng đà sáng tỏ
Chẳng mong cầu quả trổ thấp cao,
Giữ gìn giới hạnh không nao
Lợi danh nào sá, đảo chao vô thường.

Ăn rau trái, miệng thường thanh tịnh
Mặc đơn sơ, an tĩnh tấm thân.
Chẳng hiềm cay đắng bao lần,
Đời dù đen bạc không cần bận tâm

Chỉ cần đạo đức trong tâm
Nửa gian nhà cỏ, sẳn mầm an vui
Lòng yêu nhân nghĩa không lùi,
Cần chi lầu gác, vẫn vui vô cùng…

Hồi thứ 3

Bởi không biết, người hay phạm lỗi
Nếu biết rồi, ắt tội đã không,
Phép tu ghi nhớ nằm lòng
Làm lành, lánh ác, quyết không đổi dời.

Gìn tánh sáng, chẳng rơi tà đạo,
Quyết sửa mình, phải đạo chánh tông
Hiểu rồi, chính Bụt trong lòng
Sắc tài buông bỏ, chỉ mong tu hành.

Chẳng tham tư lợi, tài danh,
Đâu cần Yên tử núi xanh ẩn mình,
Sắc thanh chẳng vướng bận tình
Niệm dừng, tâm lặng, an bình khắp nơi.

Giữa trần ai, tu thời càng quý
Hơn sơn lâm, lãng phí chẳng tu,
Chỉ mong thân cận minh sư,
Quả bồ đề chín, hương từ bay xa.

---

[1] Nhân, ngã : Nhà Phật thường dạy pháp vô ngã, tức là xem cái ta là không có chủ thể, vì thế mà không bị kẹt ở pháp đối đãi ta và người, chủ thể và khách thể…
[2] Tham, sân : là 2 trong 3 loại độc trong tâm cần phải tiêu diệt, gồm có : Tham lam, Sân hận, Si mê.
[3] Tịnh độ : hay cõi tịnh độ là cõi Phật ở phương Tây của đức Phật A Di Đà, nơi đó hoàn toàn thanh tịnh, an vui. Cõi này còn được gọi với tên là Cực lạc.
[4] Di Đà : hay A Di Đà Phật là danh hiệu đức Phật giáo chủ của cõi nước Cực lạc. Ngài có phát 48 đại nguyện, trong đó có nguyện rằng, nếu có người nào khi sống nếu chuyên niệm danh hiệu ngài và phát nguyện về Cực lạc thì khi chết sẽ được sanh trong ao sen báu của cõi Cực lạc và được gặp Phật, nghe pháp…

(còn tiếp)

Sunday, July 11, 2010

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ (1)

Cư Trần Lạc Đạo Diễn Ngâm

Lịch sử Việt Nam thời nhà Trần đã để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng dân tộc. Trước tiên, đó là 1 giai đoạn lịch sử đầy oai hùng, khi quân dân Đại Việt cùng đồng lòng đẩy lui được 3 cuộc tiến công của đạo quân Nguyên Mông hung hãn nhất bấy giờ. Kế đến, giai đoạn này cũng là giai đoạn Phật giáo Việt Nam cực kỳ phát triển, đã sản sinh ra một vị Phật, với những nét rất riêng biệt của dân tộc, đó là vua Trần Nhân Tông. Người đã thể hiện rất sinh động đạo Phật vào cuộc sống, nhập thế một cách tích cực, để diệt giặc, cứu đời, mà vẫn an nhiên tự tại, với tâm hồn vô vi, không vướng bận.

Tinh thần này đã được thể hiện rất sâu sắc trong tác phẩm Cư Trần Lạc Đạo của ngài, nhằm khuyên bảo về ý nghĩa của việc tu đạo. Nếu mọi người biết sống với Phật tánh của chính mình thì dù có sống giữa trần ai, vẫn có thể vui lẽ đạo. Bài phú được viết cách đây khá lâu, nên có nhiều từ ngữ cổ, khó hiểu, gây khó khăn cho nhiều người khi đọc. Điều đó hạn chế phần nào khả năng tìm hiểu và tiếp cận tinh thần đạo Bụt của Việt Nam giai đoạn này, một tinh thần nhập thế rất tích cực và độc đáo.

Thấy được khó khăn đó, và với mong muốn đem tinh ba giáo lý nhà Phật đến với mọi người, cũng như tự nhắc nhở mình về ý nghĩa tu đạo đơn giản và sâu sắc mà Vua Phật Trần Nhân Tông đã chỉ dạy, tôi cố gắng diễn dịch nội dung tác phẩm này theo ngôn ngữ thời đại, dưới dạng diễn ngâm, mặc dù biết điều này vượt quá khả năng của mình. Nếu quá trình diễn dịch có điều chi sai sót do hiểu chưa đúng ý tổ, mong quý vị độc giả bỏ qua và chỉ bảo.

Sài Gòn, cuối Xuân Bính Tuất – 2006
Quoc Trung


CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ
(Phật Hoàng - Trần Nhân Tông)

Hội 1

Mình ngồi thành thị;
Nết dùng sơn lâm.
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tánh
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.
Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý;
Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.
Chơi nước biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý;
Biết đào hồng, hay liễu tục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm.
Nguyệt bạc vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng;
Liễu mềm hoa tốt, ngất quần sanh tuệ nhật sâm lâm.
Lo hoán cốt, ước phi thăng, đan thần mới phục;
Nhắm trường sanh, về thượng giới, thuốc thỏ còn đâm.
Sách Dịch xem chơi, yêu tánh sáng yêu hơn châu báu;
Kinh nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nửa hoàng kim.


VUI ĐẠO CÕI TRẦN

Hồi thứ 1

Thân tuy ở chốn thị thành,
Vẫn như sống giữa xung quanh núi rừng.
An nhàn, lặng nghiệp, yên thân,
Tâm thường tự tại, ngày dần trôi qua.

Nguồn tham ái, quyết đà dừng lại
Chẳng còn mê, đủ loại ngọc ngà,
Thị phi muôn việc lánh xa
Mặc tình, yến thốt oanh ca sau vườn.

Vui cảnh sắc, người thường đắc ý
Giỏi trăng hoa, thích chí bao người
Đâu hay mây bạc, hoa trời
Vẫn luôn tỏa sáng khắp nơi tuệ thiền.

Muốn trường sinh, tốn tiền luyện thuốc
Xem Dịch mong xấu tốt, sai rồi,
Hãy gìn tánh sáng muôn đời
Đó là chữ Đạo sáng ngời chân tâm.

(con tiep)

Sunday, June 27, 2010

Chuyện vua Dalha-dhamma

Đọc các truyện tích về cuộc đời Đức Phật trong các kiếp xưa, thường giống với các chuyện ngụ ngôn, chủ yếu nói về 1 đức tính tốt đẹp nào đó mà Đức Phật muốn nhấn mạnh. Trong câu chuyện sau đây, bỏ qua yếu tố hoang đường về con voi có thể nói chuyện với người, ta nhận ra bài học về lòng biết ơn. Bài học nhắc nhở những người chủ không nên vô ơn bạc nghĩa đối với những thuộc cấp đã có công lao to lớn đối với mình. Ngày nay, những chính quyền vô ơn đối với các bậc công thần, hay các ông chủ đối xử tệ bạc với nhân viên của mình nên xem kỹ câu chuyện này và tự chiêm nghiệm.

Chuyện vua Dalha-dhamma
(409. Tiền thân Dalha-dhamma)


"Chính con khuân vác tự ngày xanh..."

Bậc đạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại rừng Ghosita (Cù-sư-la) gần Kosambi (Kiều thưởng di), về Bhaddavatika, con voi cái của vua Udena.

*

Một hôm con voi này ra ngoại thành sáng sớm gặp Đức Phật được Thánh chúng vây quanh, trong vẻ oai nghi tối thượng của một bậc Giác ngộ, đang vào thành khất thực, nó quỳ xuống chân Đức Như Lai, than khóc và cầu khẩn Ngài :

-Bạch Thế Tôn, bậc toàn tri kiến, vị cứu khổ toàn thế giới , khi con còn trẻ và có khả năng làm việc, vua Udena, một vị minh quân đã thương yêu con và bảo: "Đời sống của ta cùng vương quốc và hoàng hậu đều nhờ nó tất cả." Rồi ngài ban cho con đại vinh hiển bằng cách trang điểm mọi thư vàng ngọc, ngài truyền trát chuồng voi với đất trộn hương liệu, treo các đồ vật có màu sắc rực rỡ chung quanh, thắp đèn với dầu thơm, đặt đĩa trầm xông tại đó, ngài lại truyền đặt một chậu bằng vàng tại chỗ con đại tiện, cho con đứng trên thảm màu và cho con ăn toàn cao lương thượng vị của vua. Nay con đã già và không làm việc được nữa, nên ngài tước bỏ mọi đặc ân ấy, con sống bơ vơ khốn khổ không ai bảo vệ chăm sóc, chỉ ăn toàn quả ketaka trong rừng, con chẳng có nơi nương tựa nào nữa. Xin Thế tôn nói cho vua Udena nghĩ lại các công đức của con và phục hồi mọi vinh quang cũ cho con.

Bậc đạo sư bảo :

-Ngươi hãy đi về, rồi ta sẽ nói với nhà vua phục hồi mọi vinh quang cũ cho ngươi.

Sau đó Ngài đi đến cửa hoàng cung.

Nhà vua mời Đức Phật vào, thiết đãi trọng thể tất cả hội chúng theo hầu Đức Phật. Khi buổi thọ thực đã xong, bậc Đạo Sư nói lời tùy hỷ công đức và hỏi :

-Thưa Đại vương, con voi Bhaddavatikà đâu rồi?

-Bạch Thế Tôn, Trẫm không biết.

-Thưa Đại vương, sau khi đã ban vinh hiển cho đám nô tỳ, ngài tước bỏ mọi ân huệ lúc chúng già yếu là không phải đạo, vậy cần tỏ lòng biết ân chúng mới hợp lý. Bhaddavatikà nay đã già, mòn mỏi vì tuổi tác và không được ai bảo vệ, chỉ sống bằng trái cây Ketaka trong rừng. Đại vương để cho nó bơ vơ như vậy lúc già yếu là không hợp lý.

Rồi kể các công đức của con voi Bhaddavatikà, ngài bảo:

-Đại vương hãy phục hồi mọi vinh quang cũ của nó.

Xong Ngài ra đi. Nhà vua làm theo lời ngài. cả kinh thành truyền tin rằng vinh quang cũ ấy đã được phục hồi nhờ đức Phật kể lại mọi công đức của nó.

Việc này được Tăng chúng biết chư vị bàn luận trong lúc hội họp. bậc Đạo sư bước vào và nghe đây là đề tài của chư vị, Ngài bảo:

-Này các Tì kheo, đây không phải là lần đầu Như Lai làm cho nó được phục hồi mọi vinh quang cũ bằng cách kể chuyện công đức của nó.

Và Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa có một vị vua mệnh danh là Dalhadhamma cai trị tai Ba la nại. thời ấy Bồ tát được sanh vào gia đình một đại thần quan trọng nhất trong triều. vua có một con voi cái rất dũng mãnh, lực lưỡng. Nó đi một trăm dặm một ngày, làm mọi phận sự sứ thần của vua, khi ra trận nó chiến đấu oanh liệt, dẫm nát quân thù. Vua thường bảo:

-Con voi này thật hữu ích đối với ta.

Rồi vua ban cho nó mọi đồ vật trang điểm và vinh quang giống như vua Udena ban cho Bhaddavatikà ngày nay. Sau đó khi nó già yếu, vua tước hết mọi đặc ân trên.

Từ đó nó không được ai bảo vệ và chỉ sống bằng các thứ cỏ lá trong rừng. Một hôm, các loại đồ gốm sứ trong cung điện vua không đủ dùng, vua truyền thợ gốm lại phán:

-Đồ gốm không đủ dùng.

-Tâu đại vương, tiểu thần không có bò kéo xe để mang phân bò về nung đất sét.

Vua nghe chuyện liền phán:

-Con voi cái của ta đâu rồi?

-Tâu đại vương, nó đang phiêu bạt tuỳ ý.

Vua bảo đem nó cho người thợ gốm:

-Từ nay ngươi buộc nó vào xe rồi đưa đi chở phân.

Người thợ gốm đáp:

-Tâu đại vương tốt quá.

Rồi gã làm theo lời dặn. một hôm, ra ngoại thành, voi cái chợt thấy Bồ tát đi đến, liền quì xuống chân Ngài vừa than khóc vừa nói:

-Thưa tể tướng, thời con còn trẻ, đức vua xem con rất hữu dụng và ban cho con đại vinh hiển, nay con già yếu, ngài tước bỏ mọi đặc ân và không còn nghĩ đến con nữa, con không được ai bảo vệ và chỉ sống bằng cỏ lá trong rừng, con gặp cảnh khốn cùng thế này, ngài lại đem con cho người thợ gốm buộc vào xe chở phân; trừ tể tướng ra, con không còn nơi nương tựa nào cả, chính tể tướng đã biết mọi công lao con phục vụ đức vua, xin ngài cho con được phục hồi mọi vinh hiển đã mẩt.

Rồi voi cái ngâm ba vần kệ :

Chính con khuân vác tự ngày xanh
Như vậy đức vua đã thoả tình?
Vũ khí con mang đầy trước ngực
Xông pha chiến trận, bước hùng anh.

Con đã lập nên lắm chiến công.
Đức vua giờ hẳn có quên chăng.
Bao lần phục vụ nhiều công trạng
Như đã định cho các sứ thần?

Nay con cô độc, quá bơ vơ.
Chắc chắn mạng chung đã đến giờ.
Phục vụ cho nhà người thợ gốm
Con đành làm vật kéo phân dơ.

Bồ tát nghe chuyện, liền an ủi nó và bảo :

-Thôi đừng buồn khổ nữa, ta sẽ đi trình đức vua và phục hồi mọi vinh dự cho ngươi.

Vì thế khi vào thành, ngài đi đến chầu vua sau buổi điểm tâm và bắt đầu câu chuyện, ngài bảo :

-Tâu đại vương, có phải con voi cái mang tên kia đã ra trận chiến tại những nơi nọ với các vũ khí buộc đầy ngực, rồi ngày khác nó lại mang quốc thư ở cổ đi cả trăm dặm làm sứ giả cho đại vương, và đại vương đã ban cho nó nhiều vinh hiển chăng, nay nó đâu rồi?

-Trẫm đã giao nó cho người thợ gốm chở phân bò.

Bồ tát liền đáp :

-Có hợp đạo lý chăng, tâu đại vương, khi giao nó cho người thợ gốm buộc vào xe chở phân?

Rồi để khuýến giáo, ngài ngâm bốn vần kệ :

Do mong cầu ích kỷ cá nhân,
Người ta ban phát mọi vinhquang
Như ngài đối với con voi nọ,
Ném bỏ như nô lệ yếu tàn

Khi người quên hết các huân công.
Thiện sự ngày xưa hưởng trọn phần
Mọi việc mà lòng đang dự tính
Ngày sau chắc hẳn phải suy vong.

Khi người ghi nhớ các công ơn
Thiện sự ngày xưa hưởng trọn phần
Mọi việc mà lòng đang dự tính
Ngày sau chắc hẳn sẽ thành công

Ta nói điều chân lý trọn lành
Cho thần dân tụ tập chung quanh
Phải luôn ghi nhớ công ơn cũ
Thiên giới dành phần sống hiển vinh

Với lời khởi đầu này, Bồ tát giáo giới toàn thể dân chúng đang tụ tập ở đó. Nghe vậy, vua liền ban cho con voi già mọi vinh hiển cũ. Và về sau được an trú vào lời dạy của Bồ tát, vua bố thí cùng thực hành nhiều thiện sự khác, nên được sanh lên cõi Thiên.

*

Khi pháp thoại chấm dứt, bậc đạo sư nhận diện tiền thân: "Thời ấy, voi cái là Bhaddavatikà, vị vua là Ànanda, vị đại thần chính là ta vậy".

(Sưu tầm từ www.thuvienhoasen.org)

Saturday, June 19, 2010

VỌNG TƯỞNG


VỌNG TƯỞNG

Nhắm mắt tưởng đời đẹp quá
Bịt tai, quên tiếng rên la
Tưởng ra bao điều trong trí
Ngờ đâu, điên đảo thật là

Mở mắt, sao đời khác thế
Lắng nghe, tiếng hãi hùng ghê
Phải chăng nghe lầm, hoa mắt
Không đâu, sự thật não nề

Quán sát cuộc đời bằng trí
Xóa đi vọng tưởng thường khi
Biết rằng cuộc đời vẫn thế
Xấu xa, tốt đẹp – tùy nghi…

Vọng nên nhìn sai thực tế
Tốt mà thấy xấu, thấy ghê
Vọng nhìn xấu mà tưởng đẹp
Trí soi – sáng tỏ mọi bề

Vọng tưởng làm ta điên đảo
Đúng sai, chẳng rõ thế nào
Chánh giác soi đường sáng tỏ
Nhìn đời, một giấc chiêm bao…

PQT

Saturday, June 12, 2010

TIẾNG VỌNG LƯƠNG TÂM


TIẾNG VỌNG LƯƠNG TÂM

Có ai nghe chăng từ quê hương Việt Nam
Những tiếng vọng…
Từ lương tâm của bao người yêu nước
Của các nhà trí thức
Của những bậc trung thần
Của những người còn lương tâm

Để cản ngăn bàn tay tội ác
Của kẻ bán nước
Của bọn tham nhũng
Của những kẻ bán rẻ lương tâm
Đang ngày đêm… đục khoét thân thể Mẹ Việt Nam

Từ vùng núi Tây Nguyên
Đến các khoảnh rừng phòng hộ
Từ biên cương phía Bắc
Đến những ruộng cày phía Nam
Từ thượng nguồn các con sông
Đến các hải đảo ngoài khơi
Đều thấy “bàn tay lông lá” của kẻ lạ và kẻ không lạ
Đang ngày đêm… vơ vét cho thỏa lòng tham

Đạo đức suy đồi, tài nguyên cạn kiệt
Những siêu dự án - che khuất những giọt máu và nước mắt
Của người dân nghèo đang bật khóc
Những tiếng lòng… chìm vào hư không… vô vọng
Chỉ còn tiếng quạ kêu quang quác
Những cặp mắt ngơ ngác của trẻ thơ
Nhìn đời - tự hỏi…
Tương lai sẽ ra sao?

Quốc Trung - 6/2010

Friday, June 4, 2010

私の研究

私の研究

今、私の研究していることについて話します。それはベトナムの労働効率を上げるためにKMアプローチを使うことです。

現在、ベトナムの労働効率は東南アジアの他の国より低いです。さらに、グローバル競争はますます激しくなります。それで、ベトナムの企業は今労働効率を上げるための方法を見つける能力をしています。

私の研究はこの目的を解決します。その方法はKnowledge Managementアプローチです。

第一、新しいモデルを提出します。このモデルには知識可能性とテクノロジー可能性、KM,労働の満足度、労働効率があります。

第二、このモデルを使って、質問用紙を作ります。そして、ベトナムの企業に取材します。このデータを使って、モデルを検定します。

第三、その結果によって、ベトナムの社長をインタビューして、ベトナムの労働効率を上げるための提案をします。

以上が私の研究の概略です。

Friday, May 21, 2010

Phat phap can ban qua loi day cua phap su Tinh Khong

Tom tat loi khai thi cua Tinh Khong phap su bang tranh ve
Nguon: tinhkhongphapsu.com
Nhac nen: Niem an vui - Trang Nhung

Friday, May 14, 2010

Rằm Tháng Tư


Rằm Tháng Tư

Tháng tư Phật đản đến rồi
Toàn cầu mở hội, chung vui đón chào
Ngày sinh Đức Phật, vui sao
Trăng tròn tỏa sáng, ngàn sao rạng ngời
Thế gian ai cũng mĩm cười
Muôn hoa khoe sắc, nhạc trời vang xa
Hai lăm thế kỷ trôi xa
Thế gian vắng bóng Phật đà đã lâu
Con nay đảnh lễ cúi đầu
Nhớ về ơn đức cao sâu cha lành
Nhờ Người dẫn dắt chúng sanh
Vượt qua cảnh khổ, nẻo lành bước lên
Từ bi – giáo pháp trao truyền
Mở ra muôn vạn pháp thuyền độ sanh
Tùy căn cơ mỗi chúng sanh
Pháp như liều thuốc chữa lành khổ đau
Dịu kỳ, pháp Phật nhiệm màu
Vô minh phá vỡ, sáng làu chơn tâm
Ơn Người - con gắng tu tâm
Tham, sân, si bỏ, gieo mầm an vui…
Hôm nay, quỳ dưới bóng Người
Mong cho thế giới khắp nơi an lành
Thương yêu, thôi hết chiến tranh
Tương thân, tương ái, thiện lành nở hoa
Tháng tư đảnh lễ Phật đà
Mong cho cõi Phật hiện ra giữa đời!

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

(Mùa Phật Đản - tháng 4 - Canh Dần)

Saturday, May 8, 2010

MỨC ĐỘ TRƯỞNG THÀNH VỀ CNTT-VT CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ

MỨC ĐỘ TRƯỞNG THÀNH VỀ CNTT-VT
CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ

Phạm Quốc Trung
Khoa Quản lý Công nghiệp, Đai học Bách khoa Tp.HCM, Việt Nam
pqtrung@sim.hcmut.edu.vn

(Tóm lược bài báo khoa học đã đăng ở Hội nghi KHCN ĐHBK Tp.HCM lần 11 - 2009)

TÓM TẮT

Bài báo này giới thiệu 1 mô hình để đo mức độ trưởng thành về công nghệ thông tin-viễn thông (CNTT-VT) của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Bốn yếu tố chính của mô hình là: Hạ tầng, Ứng dụng, Nhân lực và Chính sách CNTT-VT. Dựa trên phân tích xu hướng, bài báo đề xuất lộ trình 5 giai đoạn về mức độ phát triển CNTT-VT trong DNVVN là: Chưa ứng dụng, Mức căn bản, Phổ biến, Ứng dụng web và Hướng tri thức. Trong đó Hướng tri thức là mức độ phát triển cao nhất. Ngoài ra, một bảng câu hỏi cũng được thiết lập để đo lường mức độ trưởng thành về CNTT-VT của DNVVN, và đã được áp dụng thực tế cho việc đánh giá các DNVVN ở Việt Nam. Công cụ này rất hữu ích cho các DNVVN để đánh giá hiện trạng của mình. Đây có thể là bước đầu tiên nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả quản l‎í theo hướng tri thức trong thời đại tri thức.

1. GIỚI THIỆU

Trong các tổ chức hiện đại, tri thức là một trong những yếu tố thành công quan trọng. Đặc biệt trong kỷ nguyên công nghệ thông tin và tri thức, nếu tổ chức nào quản lý tốt tài nguyên tri thức của mình, tổ chức đó sẽ có được lơi thế cạnh tranh và đảm bảo được sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong quản lý tri thức là chia sẻ tri thức trong tổ chức, một vấn đề phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của hạ tầng CNTT-VT của tổ chức đó.
Hơn nữa, với sự phát triển nhanh chóng của CNTT-VT, thương mại điện tử và xu thế toàn cầu hóa, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ngày càng trở nên quan trọng. Ngày nay, DNVVN là bộ phận rất lớn và đóng góp hơn 50% vào tổng GDP của toàn thế giới. So với các doanh nghiệp lớn, DNVVN nhanh hơn, dễ thay đổi và thích nghi hơn với nhu cầu thị trường và áp lực của nền kinh tế. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cũng giúp các DNVVN trở thành động lực chính cho sự đổi mới của nền kinh tế.
Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp lớn, DNVVN không có đủ nguồn lực cho việc đầu tư và phát triển hạ tầng CNTT-VT của mình. Những nhà quản lý các DNVVN thường không biết loại ứng dụng CNTT-VT nào phù hợp với họ, phải nên bắt đầu từ đâu hay có nên triển khai các hệ thống thông tin hiện đại như ERP (hệ thống quản lý nguồn lực doanh nghiệp), KMS (hệ quản lý tri thức)… hay không? Để trả lời những câu hỏi này, họ cần phải biết hiện trạng ứng dụng CNTT-VT của mình như thế nào. Chỉ khi biết được tình trạng hiện tại, họ mới có thể quyết định loại ứng dụng CNTT-VT nào là phù hợp, tại sao và khi nào thì nên triển khai để đạt được hiệu quả kinh doanh tốt hơn.
Trong xu thế của toàn cầu hóa, một công cụ cần thiết để đo lường độ trưởng thành CNTT-VT là cực kỳ quan trọng. Biết được tình trạng hiện tại, tích hợp các ứng dụng CNTT-VT phù hợp với các tiến trình kinh doanh vào đúng thời điểm, các DNVVN có thể cải thiện năng lực cạnh tranh và phát triển khả năng đổi mới của mình, sáng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, những yếu tố rất quan trọng để tồn tại và phát triển trong một xã hội tri thức. Mục tiêu của bài báo này nhằm xây dựng 1 công cụ để đo lường mức độ trưởng thành về CNTT-VT của DNVVN và áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

2. ĐỊNH NGHĨA VÀ MÔ HÌNH ĐO LƯỜNG ĐỘ TRƯỞNG THÀNH CNTT-VT

DNVVN (doanh nghiệp vừa và nhỏ) : có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm này, tùy từng khu vực và quốc gia, trong bài báo này, chúng tôi sử dụng định nghĩa của Liên hiệp Châu Âu, cũng được sử dụng khá phổ biến trên thế giới, đó là “DNVVN là các doanh nghiệp có ít hơn 250 nhân viên”. Định nghĩa này có khác biệt chút đỉnh với định nghĩa đang sử dụng tại Việt Nam, nhưng với định nghĩa này, số lượng DNVVN vẫn là bộ phận lớn nhất trong tổng số các doanh nghiệp hiện tại của Việt Nam.
Độ trưởng thành về CNTT-VT: ‘Độ trưởng thành’ là trạng thái phát triển hoàn thiện, còn, ‘CNTT-VT’ là viết tắt của Công nghệ thông tin - Viễn thông, vì vậy, ‘Độ trưởng thành về CNTT-VT’ là trạng thái của một doanh nghiệp khi nó đạt đến mức độ hoàn thiện trong việc ứng dụng CNTT-VT trong hoạt động kinh doanh của mình.
Theo mô hình về Độ trưởng thành về Quản lý tri thức (Kochikar, 2000), có 5 cấp độ trưởng thành của 1 tổ chức là: Mặc nhiên, Phản ứng, Nhận thức, Chắc chắn và Chia sẻ. Những cấp độ này tập trung vào sự hoàn thiện của các kỹ năng nhân sự và tiến trình kinh doanh. Khái niệm Độ trưởng thành về CNTT-VT dựa trên mô hình này, và bổ sung thêm 2 yếu tố, đó là sự hoàn thiện về công nghệ và chính sách.
Nói chung, để đo lường Độ trưởng thành về CNTT-VT, mô hình sau đây được sử dụng, trong đó 4 yếu tố chính là: Chính sách CNTT-VT, Hạ tầng CNTT-VT, Ứng dụng CNTT-VT và Nhân sự CNTT-VT.


H.1. Mô hình đo lường mức độ trưởng thành về CNTT-VT của doanh nghiệp

Dựa trên một phân loại trong nghiên cứu trước đây về sự phát triển CNTT-VT của DNVVN (Chesser & Skok, 2000), với những điều chỉnh cho phù hợp với các xu hướng phát triển gần đây, cũng như đánh giá các điều kiện cho sự trưởng thành về Quản lý tri thức, một mức độ phát triển cao về CNTT-VT của doanh nghiệp trong xã hội tri thức, một lộ trình gồm năm giai đoạn được đề xuất như sau:
• Chưa ứng dụng – hiện tại chưa sử dụng CNTT-VT trong doanh nghiệp
• Mức căn bản – bao gồm các ứng dụng văn phòng và một số phần mềm căn bản
• Phổ biến – mở rộng việc kết nối mạng và triển khai những ứng dụng trong kinh doanh
• Ứng dụng web – áp dụng thương mại điện tử với nhiều ứng dụng dựa trên nền web
• Hướng tri thức – tích hợp các ứng dụng, sử dụng phối hợp nhiều công cụ CNTT-VT phục vụ đổi mới và quản lý tri thức.
Ở mức độ trưởng thành cao nhất về CNTT-VT, mức Hướng tri thức, các đặc tính cơ bản của doanh nghiệp sẽ thay đổi như sau : hạ tầng CNTT-VT sẽ hướng đến việc gia tăng kết nối và di động thông qua việc sử dụng các thiết bị không dây và điện thoại di động; ứng dụng CNTT-VT sẽ hướng đến việc tích hợp các hệ thống thông tin và các mô hình kinh doanh để tạo thành doanh nghiệp điện tử; kỹ năng nhân sự sẽ đạt đến trình độ cao, làm chủ những kỹ năng phức tạp và chú trọng nhiều đến sáng tạo, đổi mới; chính sách CNTT-VT sẽ thay đổi để trở nên năng động hơn và sử dụng nguồn lực ngoài nhiều hơn.

3. KẾT QUẢ PHÂN TÍCH DỮ LIỆU

Một bảng câu hỏi được xây dựng dựa trên các đặc trưng của 5 mức độ về hoàn thiện CNTT-VT trong các doanh nghiệp. Từ bảng câu hỏi này, một cuộc thăm dò đã được thực hiện trên thực tế để thử nghiệm công cụ và đo lường mức độ trưởng thành về CNTT-VT của các DNVVN ở Tp.HCM trong thời gian 3 tháng (12/2008 - 2/2009). Cỡ mẫu được chọn là 150 doanh nghiệp, chọn ngẫu nhiên từ cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Kết quả phản hồi là 57,3% (86 doanh nghiệp).
Các kết quả có thể tóm tắt như sau: chỉ số trưởng thành về CNTT-VT của doanh nghiệp Việt Nam hiện ở mức độ trung bình (Phổ biến) và cần phải được cải thiện hơn nữa. 8% ở mức Chưa ứng dụng, 30% ở mức Căn bản, 32% ở mức Phổ biến, 28% ở mức Ứng dụng web, và 2% ở mức Hướng tri thức. Đối với các DNVVN, chỉ số trưởng thành CNTT-VT cao nhất thuộc nhóm doanh nghiệp có từ 200-300 nhân viên. Theo loại hình doanh nghiệp, các công ty liên doanh có mức độ trưởng thành cao nhất (0.7), và các công ty tư nhân có mức độ trưởng thành thấp nhất (0.4). Không có sự khác biệt đáng kể giữa các ngành nghề kinh doanh về mức độ trưởng thành CNTT-VT. Khi so sánh với các yếu tố khác của chỉ số này, yếu tố nguồn nhân lực của các doanh nghiệp Việt Nam hiện ở mức độ thấp nhất, và nên được tập trung cải thiện trong thời gian tới để nâng cao mức độ trưởng thành về CNTT-VT của từng doanh nghiệp.
Khi so sánh mối tương quan giữa chỉ số trưởng thành về CNTT-VT và sự hài lòng của nhân viên, một yếu tố ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, kết quả cho thấy có mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa 2 yếu tố này, nghĩa là mức độ trưởng thành về CNTT-VT càng cao thì sự hài lòng của nhân viên càng cao.

4. KẾT LUẬN

Nói chung, một doanh nghiệp khó có thể triển khai hệ thống quản lý tri thức mà không có 1 hạ tầng CNTT-VT phù hợp và những ứng dụng CNTT-VT trước đó. Hơn nữa, để nâng cao năng lực cạnh tranh của DNVVN, điều quan trọng là phải áp dụng những ứng dụng CNTT-VT phù hợp vào đúng thời điểm hơn là sử dụng các hệ thống thông tin hiện đại nhất. Bài báo này đóng góp vào khía cạnh thực tế của việc xây dựng một hệ thống quản lý tri thức bằng bước đi đầu tiên, đó là đo lường mức độ trưởng thành về CNTT-VT của doanh nghiệp. Dựa trên kết quả đo lường này, các DNVVN có thể lập ra 1 kế hoạch để cải thiện mức độ trưởng thành về CNTT-VT của mình để đạt dần đến mức cao nhất là Hướng tri thức, nhằm có thể sử dụng nguồn lực tri thức của mình ngày càng hiệu quả hơn, phục vụ cho các mục tiêu phát triển trong tương lai.
Ngoài ra, một bảng câu hỏi cũng đã được xây dựng, dựa trên danh sách các yếu tố cần thiết cho sự trưởng thành về CNTT-VT, như là một công cụ để áp dụng trong thực tế. Sử dụng công cụ này, một cuộc thăm dò thực tế đã được tiến hành đối với một số DNVVN của Việt Nam. Kết quả thu được giúp hiểu được phần nào về mức độ trưởng thành về CNTT-VT của các doanh nghiệp hiện nay.
Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế của công cụ này và cần được cải tiến hơn nữa trong tương lai. Các gợi ý cho những cải tiến hơn nữa là: tìm ra một công thức tính toán chỉ số tổng hợp về độ trưởng thành CNTT-VT theo trọng số, nghiên cứu các kế hoạch hành động phù hợp để cải tiến độ trưởng thành về CNTT-VT của DNVVN, đo lường và theo dõi mức độ trưởng thành về CNTT-VT của các DNVVN theo thời gian cho từng ngành, từng quốc gia để hỗ trợ việc ra chính sách của chính phủ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chesser, M. & Skok, W., Road-map for Successful IT Transfer for Small Businesses, ACM, (2000).
2. EIU - The Economist & IBM Institute for Business Value, E-Readiness Report, EIU, (2007).
3. European Commission, The New SME Definition, Enterprise & Industry Publication, (2004).
4. International Telecommunication Union, Global ICT Opportunity Index Report, ITU, (2007).
5. Kim, S. & Lee, H., The impact of Organizational Context & Information Technology on employee Knowledge-Sharing Capabilities, Public Administration Review, (2006).
6. Kochikar, V.P. , The Knowledge Management Maturity Model: A Staged Framework for Leveraging Knowledge, KMWorld 2000, (2000).
7. United Nations , Measuring ICT: the Global Status of ICT Indicators, UN-ICT, (2005).
8. Vietnam National ICT Office, Vietnam ICT Index 2006, VAIP, (2006).
9. World Bank Institution, Knowledge Innovation & Knowledge Economy Index, WB, (2007).
10. World Economy Forum, Network Readiness Index Report, WEF, (2007).

Saturday, May 1, 2010

Bài toán nhân sự Việt Nam và kinh nghiệm Nhật Bản


Bài toán nhân sự Việt Nam và kinh nghiệm Nhật Bản

Một trong những vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là thiếu lực lượng lao động có kỹ năng và tình trạng hay di chuyển của lực lượng lao động. Bài viết này góp phần giải quyết bài toán nhân sự của các doanh nghiệp Việt Nam bằng cách trình bày một số kinh nghiệm khi quan sát quá trình tìm việc và tuyển dụng ở Nhật Bản.

Thị trường lao động Nhật Bản hoạt động theo một quy trình khép kín của một chuỗi cung ứng lao động, từ nguồn cung là các cơ sở đào tạo, cho đến nguồn cầu là các nhà tuyển dụng. Các doanh nghiệp Nhật Bản nổi tiếng với một quy trình tuyển dụng chặt chẽ, chế độ luân chuyển công việc thường xuyên, và đảm bảo phúc lợi lâu dài cho người lao động. Người lao động, chủ yếu là các sinh viên, cũng rất năng động trong việc rèn luyện kỹ năng và tích cực tìm việc. Dưới đây là một số kinh nghiệm rút ra trong quá trình học tập và làm việc ở Nhật của bản thân, khi quan sát thị trường lao động Nhật Bản, từ cả 2 phía: nhà tuyển dụng và người đi xin việc.

1. Về phía nhà tuyển dụng Nhật Bản:
- Các doanh nghiệp Nhật chủ động tiếp cận thị trường lao động, qua việc thông báo rộng rãi thông tin tuyển dụng trên các website, các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi quảng cáo, tổ chức rất nhiều ngày hội việc làm tại các đại học, trung tâm dạy nghề vào thời điểm trước khi sinh viên tốt nghiệp.
- Doanh nghiệp thường có kế hoạch tuyển dụng khá sớm và định kỳ (thường trùng với giai đoạn tốt nghiệp của sinh viên). Ở các doanh nghiệp Nhật, mỗi năm thường có 1 mùa tuyển dụng, cũng trùng với mùa tốt nghiệp/ nhập học của các trường (tháng 4). Chính vì vậy, tận dụng được nguồn cung cấp lao động dồi dào từ các sinh viên mới ra trường và đang đi tìm việc làm. Ngoài ra, có những doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng sớm trước 1 năm, nghĩa là phỏng vấn và quyết định tuyển dụng những sinh viên còn 1 năm nữa mới tốt nghiệp.
- Doanh nghiệp thường tổ chức luân chuyển nhân viên từ chi nhánh này sang chi nhánh khác một cách định kỳ (tùy công việc, thường 2 hoặc 3 năm 1 lần). Quy định này có lẽ nhằm giúp cho nhân viên có cái nhìn toàn diện về công việc ở công ty, giảm bớt sự nhàm chán, tăng cường sự giao lưu và cũng giúp chia sẻ/ học tập kinh nghiệm giữa các chi nhánh, đơn vị trong toàn công ty.
- Doanh nghiệp có tiêu chuẩn rõ ràng cho việc tuyển dụng và thường ưu tiên chọn các ứng viên tốt nghiệp từ các đại học lớn, có uy tín. Rõ ràng, các sinh viên tốt nghiệp từ các đại học lớn, nổi tiếng, như: Tokyo hay Kyoto, là ưu tiên số 1 khi chọn ứng viên của các doanh nghiệp, tổ chức chính phủ cũng như tư nhân. Đó là lý do việc trúng tuyển vào các đại học lớn ở Nhật là rất khó, và việc trúng tuyển đại học cũng đồng nghĩa với việc có 1 công việc tốt trong tương lai.
- Nhân viên mới tuyển dụng thường có 1 giai đoạn ngắn được đào tạo cho hòa nhập với môi trường làm việc. Doanh nghiệp ở Nhật thường chú trọng đến tính cách và tiềm năng của người lao động khi tuyển dụng. Họ có 1 chính sách đào tạo ban đầu và lâu dài để đảm bảo người được tuyển đáp ứng được các yêu cầu công việc của công ty. Tinh thần kỷ luật, tính tự giác, ý thức trách nhiệm và các yếu tố văn hóa công ty rất được chú trọng lúc ban đầu, và các kỹ năng và yêu cầu chuyên môn sẽ được bổ sung và đào tạo thêm trong quá trình làm việc của nhân viên.
- Đảm bảo chế độ lương bổng và phúc lợi lâu dài cho nhân viên. Trước đây, công ty Nhật thường nổi tiếng với chế độ tuyển dụng suốt đời, tuy nhiên với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh và toàn cầu hóa, chế độ này giảm dần, nhưng quy định đãi ngộ theo thâm niên vẫn còn phổ biến và tạo sự yên tâm cho người lao động. Bảng mô tả công việc rõ ràng, quy định về phúc lợi và thang lương được chuẩn hóa, đảm bảo sự công bằng và cơ hội phát triển lâu dài, giúp tăng sự thỏa mãn của nhân viên và tăng cường sự ổn định của đội ngũ.

2. Về phía người lao động Nhật:
- Các sinh viên Nhật nắm rõ các yêu cầu ngành nghề và mục tiêu công việc nhắm tới sau khi tốt nghiệp. Khi đăng ký học một ngành nào đó, sinh viên thường biết rất rõ những dạng công việc nào mình sẽ có thể làm sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, họ rất chủ động trong việc chọn ngành, đăng ký môn học và rèn luyện các kỹ năng liên quan đến công việc mà mình nhắm đến. Các thông tin này cũng được nhà trường cung cấp rất đầy đủ, khi giới thiệu về các ngành học mà trường/ khoa giảng dạy.
- Các sinh viên có thói quen đi tìm việc từ năm cuối (1 năm trước khi tốt nghiệp). Ở Nhật, các sinh viên thường chủ động tìm việc từ rất sớm. Ngay từ những năm cuối Đại học, họ đã thường xuyên tham gia các ngày hội việc làm và theo dõi các thông tin tuyển dụng từ các kênh thông tin trong trường và ngoài xã hội. Nhờ chính sách tuyển dụng trước 1 năm của nhiều công ty, nên nhiều sinh viên có thể đăng ký xin việc, tham gia phỏng vấn và được tuyển dụng từ trước khi tốt nghiệp.
- Sự chia sẻ/ học hỏi kinh nghiệm giữa sinh viên khóa trước và khóa sau rất chặt chẽ. Các sinh viên năm 3 và 4 của Nhật thường được gắn với 1 chuyên ngành do 1 giáo sư phụ trách, và sinh hoạt chung với nhau trong 1 lab (phòng thí nghiệm/ phòng học). Việc này giúp sinh viên khóa sau có thể học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các sinh viên khóa trước qua các hoạt động như: kỹ năng làm việc tập thể, quá trình thực hiện 1 công việc, đề tài trong thực tế, tham gia các buổi thảo luận (workshop) với các sinh viên khác, kể cả học viên cao học và nghiên cứu sinh… Từ đó, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về chuyên ngành của mình, các hướng nghiên cứu chuyên sâu và các kinh nghiệm thực tế khi đi làm sau này… Những kinh nghiệm này, giúp sinh viên có thể quyết định sẽ làm ở đâu hay sẽ học tiếp lên bậc cao hơn sau khi tốt nghiệp.

Qua các nhận xét trên, ta rút ra những khác biệt cơ bản của thị trường lao động Việt Nam so với Nhật Bản, và đó cũng chính là những khuyết điểm quan trọng mà Việt Nam cần khắc phục:
- Doanh nghiệp Việt Nam thiếu chủ động trong việc tiếp cận thi trường lao động (ít công khai nhu cầu tuyển dụng, ít tham gia các ngày hội việc làm, không biết đối tượng tuyển dụng chính ở đâu), chưa có kế hoạch tuyển dụng định kỳ và lâu dài (thường chỉ tuyển dụng khi nào cần và chỉ giải quyết yêu cầu trước mắt hơn là kế hoạch phát triển lâu dài), yêu cầu công việc chưa rõ và chưa đặt yếu tố chuyên môn lên hàng đầu (thường bị chi phối bới yếu tố quen biết hơn là ưu tiên chọn người giỏi, tốt nghiệp từ các đại học lớn), chưa có chế độ lương thưởng, đãi ngộ phù hợp và chuẩn hóa (mô tả công việc không rõ ràng nên không đảm bảo công bằng trong đãi ngộ, thiếu quy trình đào tạo, tăng lương và đảm bảo phúc lợi lâu dài).
- Người lao động Việt Nam chưa nắm rõ yêu cầu và tính chất công việc mình nhắm tới (việc đào tạo không gắn với mục tiêu cụ thể, dẫn đến làm trái ngành nghề, thiếu kỹ năng cần thiết), chưa chủ động trong việc tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng và tiếp cận nhà tuyển dụng (khá nhiều sinh viên năm cuối vẫn chưa biết mình học ra sẽ làm gì, đa số chỉ bắt đầu quá trình tìm việc 3-6 tháng trước khi tốt nghiệp), không có sự gắn kết và chia sẻ kinh nghiệm giữa sinh viên khóa trước và khóa sau (đây là vấn đề mà các trường Đại học cần phối hợp với các trung tâm, cơ sở dạy nghề, tổ chức hội, đoàn ở Việt Nam nên tìm ra một mô hình phù hợp để khắc phục yếu điểm này)

Những kinh nghiệm trên đây giúp ta thấy được phần nào tính hiệu quả của thị trường lao động Nhật Bản và những khuyết điểm của thị trường lao động Việt Nam. Từ đó rút ra những bài học cho Việt Nam, đó là: phải hoàn thiện quy trình tìm việc và tuyển dụng theo 1 chu trình khép kín từ đào tạo đến tuyển dụng, tăng cường tính chủ động của người tìm việc và nhà tuyển dụng, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy giữa phía cung và cầu lao động bằng nhiều kênh thông tin. Bài toán lao động của Việt Nam phải được giải quyết một cách tổng thể, từ cả 2 phía người lao động và nhà tuyển dụng. Giải quyết được bài toán lao động này, sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp phát triển ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động. Từ đó, thúc đẩy quá trình phát triển hơn nữa của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

Pham Quoc Trung