Lời Phật dạy

"Không làm các việc ác, Siêng làm các điều lành, Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy!" (Kinh Pháp Cú)
Showing posts with label suynghi. Show all posts
Showing posts with label suynghi. Show all posts

Monday, June 12, 2023

Kinh tế quà tặng (gift economy)



Kinh tế quà tặng (gift economy)

Vừa rồi, tôi mới mua được một cuốn sách hay là Muôn kiếp nhân sinh (tập 3) của tác giả Nguyên Phong. Vì đã đọc và say mê với 2 tập trước, nên tôi rất hào hứng và đọc một mạch cuốn sách mới. Quả nhiên là thú vị vì những câu chuyện tiền kiếp và các lý giải về luật nhân quả và luân hồi. Thông điệp chính của câu chuyện vẫn là những bài học của con người trong cuộc đời, tương lai của nhân loại khi nền văn minh quá chú trọng đến vật chất và công nghệ, mà thiếu sự dẫn dắt của tâm linh, đạo đức. Đọng lại sau các câu chuyện kể là tầm quan trọng của bài học về lòng yêu thương giữa con người với nhau trong cuộc sống. 

Gấp cuốn sách lại, tôi nhận thấy mỗi người khi đi qua cuộc đời này cần phải học phát triển lòng yêu thương, học cảm thông, chia sẻ với những cảnh đời bất hạnh, phải biết đóng góp sức mình để giúp người, giúp đời thì cuộc sống mới đẹp và có ý nghĩa. Tôi chợt nhớ đến cụm từ về nền “Kinh tế quà tặng” mà tác giả có nhắc đến ở chương gần cuối, và cảm thấy ý tưởng này rất hay để mọi người có thể phát triển lòng yêu thương, sự rộng lượng và giúp đỡ cộng đồng. Tôi nghĩ thuật ngữ này cũng khá mới với mọi người ở Việt Nam, nên cũng muốn chia sẻ thêm về khái niệm này. Biết đâu, bài viết sẽ tạo cảm hứng cho mọi người trong công tác từ thiện và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quà tặng ở Việt Nam.

Kinh tế quà tặng (Gift Economy) là một hình thức của kinh tế trong đó các hàng hóa và dịch vụ được trao đổi không thông qua việc mua bán hoặc trao đổi trực tiếp với nhau, mà thay vào đó là dựa trên việc tặng quà và nhận quà. Trong kinh tế quà tặng, các món quà được trao đổi không có giá trị thị trường xác định và không có sự đòi hỏi trả tiền hoặc trả đền bù. Thay vào đó, hành động tặng quà và nhận quà được xem như là một cách để tạo ra mối quan hệ xã hội và thể hiện sự tôn trọng và ủng hộ giữa các thành viên trong cộng đồng. Kinh tế quà tặng góp phần làm phát triển lòng yêu thương, trắc ẩn và sự chia sẻ tin cậy giữa người với người, những thứ đang rất thiếu trong xã hội quá coi trọng vật chất như hiện nay.

Trong cuốn sách trên, tác giả nhắc đến một chuỗi nhà hàng có tên là Karma Kitchen, ở đó mọi người đến ăn không phải trả tiền cho hóa đơn của mình vì đã có người trước đó trả rồi, và nếu muốn đóng góp bạn có thể trả tiền cho những người ăn sau mình. Theo cách này, lòng tốt được lan truyền từ người này sang người khác. Mô hình này hay hơn các quán ăn từ thiện, vì khi đến ăn thay vì chỉ nhận, bạn còn được cho đi, và tập được thói quen rộng lượng. Thực tế, nhà hàng loại này không những đang phát triển ra nhiều quốc gia mà còn góp phần kết nối những người có tinh thần thiện nguyện và thúc đẩy ý tưởng về nền kinh tế quà tặng ở nhiều nơi trên thế giới.

Ở Việt Nam, khi về các vùng thôn quê, mọi người thường rất thoải mái trong việc cho tặng. Ví dụ nhà hàng xóm có thể qua xin ít rau thơm hoặc trái cây nào đó mà không phải e ngại, bởi rau trái ở thôn quê là rất dư thừa. Hơn nữa, mọi người cũng tin tưởng rằng, nếu rộng rãi với mọi người thì khi cần mình cũng sẽ được người khác giúp đỡ lại. Khái niệm tương thân tương ái, giúp đỡ người hoạn nạn, nghèo khó ở nước ta cũng không phải là xa lạ. Tuy nhiên, với sự coi trọng phát triển đời sống vật chất và đô thị hóa, những tình cảm tốt đẹp trên đã dần mai một. Hiện nay, ở các thành phố lớn, có những cảnh người nghèo khổ mà không ai giúp đỡ, không được chữa bệnh vì không có viện phí, con em nhà nghèo không được đi học vì không có tiền đóng học phí… Đó là những vấn nạn của xã hội hiện đại, phát triển về vật chất mà thiếu phát triển về đạo đức và tình người. Đó không phải là xã hội mà chúng ta muốn sống trong tương lai. Chính vì vậy, ngay bây giờ chúng ta phải tích cực thay đổi hiện trạng bằng cách thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quà tặng và điều chỉnh hệ thống giáo dục để cân bằng giữa giá trị vật chất và tinh thần.

Cuốn sách cũng giới thiệu một tổ chức phi lợi nhuận có tên là Service Space (website: servicespace.org), có mục tiêu chính là kết nối cộng đồng những người có chung lý tưởng xây dựng nền kinh tế quà tặng. Tổ chức này cung cấp một không gian trực tuyến cho việc thực hiện các dự án nhỏ có tác động lớn, từ việc lan truyền thông điệp, kết nối cộng đồng, giúp đỡ phương tiện, chia sẻ tri thức, nguồn lực… Tôi nghĩ chúng ta cũng có thể xây dựng những cộng đồng thức tỉnh tương tự ở bất kỳ đâu để góp phần vào việc thức tỉnh nhân loại về ý nghĩa của lòng yêu thương trong thế giới ngày nay. Đó không chỉ là việc thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng, quốc gia mà chúng ta đang sống, mà đó còn là cách để chúng ta hoàn thiện bản thân mình, và qua đó, nhận ra ý nghĩa cao quý của một đời người.

Thiết nghĩ, những khái niệm thường được các nhà kinh tế nhắc đến gần đây, như: kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… cũng đều nhấn mạnh đến sự phát triển bền vững của xã hội thông qua việc cân bằng giữa cho và nhận, xây dựng niềm tin, bảo vệ môi trường và hạn chế khai thác tài nguyên quá mức bằng cách chia sẻ các nguồn lực còn lãng phí. Những ý niệm này xem ra cũng tương đồng với mục tiêu của nền kinh tế quà tặng, đó là xây dựng một thế giới đáng sống, con người biết yêu thương nhau và sống hòa hợp với thiên nhiên và vạn vật.

Khi giảng dạy về môn Quản lý tri thức, tôi thường nhấn mạnh với học trò về điểm đặc biệt của tài sản tri thức là càng chia sẻ thì tri thức không giảm đi mà càng trở nên nhiều hơn. Tôi thấy điều này cũng đúng đối với tình thương, một nguồn lực vô hình rất quan trọng, nhưng đang rất thiếu trong xã hội hiện đại. Thành ngữ “the more you share, the more you get” (càng cho nhiều, bạn càng nhận được nhiều) không chỉ phù hợp với tri thức, mà cũng rất phù hợp với lòng yêu thương. Ngày nay, chúng ta chỉ dạy học trò tính toán tư lợi, sao cho có thể nhận nhiều hơn cho. Điều này không đúng lắm, bởi chúng ta quên mất niềm vui của sự cho tặng và không biết rằng bí mật của sự thịnh vượng và hạnh phúc nằm ở lòng rộng lượng và yêu thương. Vì vậy, chúng ta đã góp phần tạo ra những chính trị gia tham lam, những doanh nhân chỉ nghĩ đến tiền mà bất chấp hậu quả, những viên chức, kỹ sư, công nhân và nông dân thiếu đạo đức… Đây có lẽ là sai lầm của nền giáo dục thiên về lợi ích vật chất, mà bỏ quên các giá trị về tinh thần, đạo đức và chiều sâu của sự sống.

Tôi chợt nhớ đến một câu nói của ngài Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, về nhu cầu thiết yếu của việc xây dựng một xã hội tử tế và yêu thương: “Trong cuộc sống, nếu bạn không giúp được gì cho ai, thì ít nhất bạn cũng đừng làm tổn hại ai”. Câu nói này rất hay bởi nó giúp ta xây dựng xã hội yêu thương qua nguyên tắc bất hại, đó cũng là cách bạn đền đáp lại cuộc đời, và làm vơi bớt nỗi khổ của thế giới này. 

Hy vọng, ý tưởng về nền kinh tế quà tặng sẽ giúp chúng ta thấy được hướng đi cho tương lai. Những dự án như ServiceSpace hay Karma Kitchen sẽ là những gợi ý về hành động cụ thể mà ta có thể làm để biến ước mơ về một thế giới hòa bình, yêu thương và tử tế sớm trở thành hiện thực. Qua đó, giúp cho nhiều người trải nghiệm về niềm vui của sự cho tặng và góp phần xây dựng một thế giới tử tế và đáng sống hơn. Được như thế thì tương lai nhân loại và nền văn minh của chúng ta sẽ rất sáng sủa và viên mãn. Mong lắm thay!

Sài Gòn, 12/6/2023

Phạm Quốc Trung 

Thursday, April 28, 2022

Vài suy nghĩ nhân dự một buổi lễ tốt nghiệp

Vài suy nghĩ nhân dự một buổi lễ tốt nghiệp

Sáng nay, khoa QLCN tổ chức lễ tốt nghiệp cho các tân cử nhân tốt nghiệp trong năm nay và cho cả SV tốt nghiệp năm ngoái nhưng chưa nhận bằng. Năm nay, ngoài buổi lễ chung của trường, mỗi khoa đều có 1 ngày riêng để trao bằng cho SV khoa mình, mục tiêu để bớt đông theo yêu cầu phòng tránh Covid-19 và cũng để không khí buổi lễ trang nghiêm và gần gũi hơn. Năm ngoái, do dịch bệnh, phần lớn SV không được nhận bằng ở 1 buổi lễ trang trọng như vậy, điều này tạo nhiều hụt hẩng cho các bạn SV đã tốt nghiệp. Vì vậy, buổi lễ năm nay cũng là 1 điểm được đánh giá là cải tiến tích cực từ phía nhà trường, khi biết lắng nghe ý kiến của SV, rút kinh nghiệm từ năm trước.

Khác với mọi năm, năm nay, các thầy cô trong khoa đều được mời tham dự và phải mặc lễ phục để ngồi trên sân khấu chứng kiến buổi lễ phát bằng. Điều này, cũng là 1 cải tiến khá hay, mà một số trường nước ngoài đã áp dụng. Nó làm cho buổi lễ trang trọng hơn và giúp các phụ huynh và tân cử nhân thấy được tập thể giảng viên đã từng giảng dạy trong suốt 4 năm học qua, làm tăng ý nghĩa của buổi lễ.

Nội dung buổi lễ nhìn chung cũng ngắn gọn, không quá dài dòng. Ban tổ chức cũng đã có nhiều cố gắng để tạo sinh động cho buổi lễ, như: tạo các video clip chia sẻ cảm xúc, phỏng vấn, văn nghệ, trao học bổng, rồi đến phát bằng và chụp hình lưu niệm.

Bên cạnh những điểm tích cực như đã kể trên, cũng có 1 vài điểm cần suy nghĩ như sau:

- Cách nói chuyện của MC có phần máy móc, khiến cho người nghe không cảm nhận được cảm xúc của người nói. Lẽ ra ở một buổi lễ cấp khoa như vậy, việc chia sẻ, trao đổi nên nhẹ nhàng, tình cảm, tránh rập khuôn thì sẽ tạo ra không khí gần gũi, ấm áp và nhiều cảm xúc hơn.

- Một vài tiết mục trao bằng theo tập thể chưa được chuẩn bị kỹ, nên có sự lúng túng trong việc bố trí chỗ đứng của người nhận và cách thức trao bằng của người trao, làm kéo dài thời gian và tạo cảm giác thiếu chuyên nghiệp. Điều này có thể cải tiến trong các buổi lễ sau, bằng việc sắp xếp trước, hướng dẫn và tập luyện.

- Về việc nhận bằng của từng tân cử nhân, hầu hết các bạn khi lên nhận bằng đều quên việc cúi chào tập thể thầy cô đang ngồi chứng kiến, điều này thể hiện 1 văn hóa ứng xử chưa tốt. Tôi thử đếm trong hơn 100 bạn lên nhận bằng, chỉ có khoảng 10 bạn cúi chào thầy cô khi bước lên bục nhận bằng, và chỉ có 5 bạn cúi chào thầy cô sau khi đã nhận bằng và trở về chỗ đứng bên dưới. Điều này tương phản với con số thống kê 90% tân cử nhân có việc làm ngay khi ra trường như thầy trưởng khoa đã chia sẻ trong bài diễn văn khai mạc. Phải chăng, vì quá vui trong ngày trọng đại này, mà các bạn để quên mất 1 hành động nhỏ là thể hiện lòng biết ơn đối với tập thể thầy cô của mình. Điều này, thiết nghĩ không cần hướng dẫn, bởi nó thể hiện suy nghĩ và tình cảm thật sự của mỗi người. Nên chăng, ở những năm sau, tân cử nhân khi lên sân khấu nên cúi chào các thầy cô đang chứng kiến trước khi đến nhận bằng, và khi rời khỏi sân khấu với tấm bằng trên tay, cũng nên cúi chào tri ân các thầy cô của mình, thì sẽ hay hơn.   

Ghi chép nhanh lại một vài suy nghĩ sau buổi lễ. Hy vọng, các bạn SV khóa sau có thể qua đó rút kinh nghiệm để việc tổ chức ngày lễ tốt nghiệp ở các năm sau được hay hơn và trọn vẹn hơn. Chúc các tân cử nhân nhà QLCN luôn vững bước, tự tin trong cuộc sống, và bên cạnh hành trang tri thức đã có, sẽ học được thêm nhiều bài học quý giá về tình người, và giá trị sống. 

SG, 28/04/2022 - PQT

Wednesday, September 5, 2018

Chim con về với Phật


Chim con về với Phật


Chú tiểu Minh nhặt được chú chim con lúc chiều khi đang cúng thí thực. Con chim run rẩy sà xuống như chiếc lá khô rơi rụng trong buổi chiều tà. Nó cùng bầy với lũ chim được phóng sanh hồi sáng này. Nhưng lại quá kiệt sức nên không thể bay xa được. Động lòng, chú mang chim về liêu mình để chăm sóc và cho ăn.
Buổi tối lên ngồi học kinh trên giảng đường, chú tiểu mang chim để trên bàn, nơi có ngọn đèn ne-on toả sáng. Hơi ấm của ánh đèn làm cho bộ lông chim khô ráo, và ánh mắt của nó trở nên linh hoạt hơn đôi chút.
Chú tiểu nhìn vào quyển kinh ngâm nga đọc, nhưng mắt cứ cụp xuống, gật gù. Bỗng chú giật mình khi nghe có tiếng chim hót. Mà không, hình như chim đang nói. Một giọng nói thật nhỏ nhẹ mà rõ ràng:
- Chú tiểu ơi! Tôi là loài chim sẻ ra đời chưa bao lâu mà đã bị bắt lui bắt tới đã bao lần rồi. Sáng nay khi được thả, tôi yếu quá nên không thể bay ra khỏi cổng chùa. Nhưng ở đây tôi có thể an tâm vì không sợ bị bắt lại nữa.
Thấy chú tiểu có vẻ ngạc nhiên, chim lại nói tiếp:
- Chú tiểu ở chùa nên không hiểu hết mọi chuyện ở bên ngoài cuộc đời đâu. Tôi và các anh chị mình cùng được sanh ra bên bìa rừng, cạnh một làng quê yên ả. Khi chúng tôi vừa chập chững biết bay liền rơi ngay vào một mẻ lưới của mấy tay chuyên bẫy chim đem bán. Tôi may mắn trôi dạt về tận chợ chim trên thành phố. Sau nhiều ngày bị nhốt chật chội, một hôm có người đến mua chúng tôi đem về chùa nhờ mấy thầy tụng kinh chú nguyện. Sau đó thì được sổ lồng cho bay đi. Khi được tự do tung cánh trên bầu trời, tôi định bay về nơi cánh rừng xưa, để mong sống lại với những cảm giác thân thương của thuở mới lọt lòng. Nhưng trời đất bao la, giữa chốn thị thành muôn lối, tôi không còn tìm thấy đâu lối về quê cũ xa tít mù sương khói, nên đành ở lại làm một kẻ tha hương. Vậy mà…hỡi ơi! Dòng đời là một trò cạm bẫy khôn lường. Một sinh vật nhỏ bé lạc bước như tôi lại dễ dàng sa chân vào những chiếc lưới giăng ra cách sân chùa không bao xa. Tôi bị săn bắt đem bán, rồi được mang đến sân chùa nhiều lần làm vật phóng sanh cầu thọ cho người. Nhờ được nghe quý thầy tụng kinh thuyết giảng mà dần dần tôi thoáng hiểu ra rằng: Đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ. Phật vì muốn trừ tai ách cho chúng sanh nên dạy họ tu phước. Người có tín tâm thì hết lòng làm lành, cứu giúp sinh linh. Và cũng có những người chuyên lợi dung niềm tin của kẻ khác để mưu cầu lợi lộc cho mình. Vậy thì tôi xin hỏi chú tiểu câu này: Như tôi đây bỗng trở thành chiếc cầu nối cho người tu phước và tạo tội, vậy rốt cuộc tôi là kẻ có tội hay có phước?
Bị hỏi bất ngờ, tiểu Minh hơi lúng túng, giây lâu chú mới trả lời:
- À… điều này theo như tôi được biết thì… à... vào thời Phật chưa có tục phóng sanh, nên Phật chỉ nói đến việc giữ giới chớ nên giết hại sanh mạng dù là những loài vật nhỏ nhít. Làm việc phước lành không gì hơn là cứu độ muôn sinh. Và thế là lệ phóng sinh bỗng trở nên một nhu cầu cấp thiết cho người tu cầu phước thọ sau này. Làm phước thì được phước, tạo tội thì chịu tội. Chuyện nhân quả trong kinh Phật đều có nói rõ. Còn như chim nói mình có phước hay tội. Theo tôi nghĩ: khi thọ thân súc sanh là đã mang lấy tội nghiệp từ nhiều đời rồi. Nhưng nay chim được đến chùa, được nghe tụng kinh, lại hiểu rõ tội phước, đó cũng là gieo chút duyên lành giải thoát cho ngày sau. Tôi chỉ có hiểu chừng đó thôi… còn gì nữa thì để tôi đi hỏi sư phụ rồi sẽ trả lời cho chim sau nhé!
Chim thở dài, thều thào:
- Tôi đâu còn sống để đợi chú đi hỏi sư phụ. Có điều tôi cũng tự nhận biết rằng: Dù đời sống ngắn ngủi. Thân này lại mang nhiều tội nghiệp. Nhưng loài súc sanh như tôi vẫn có quyền và những giá trị riêng của nó. Ít nhiều chúng tôi đã khơi dậy chút từ tâm nơi lòng người và giúp họ có được một niềm tin sâu sắc vào những điều làm phước tu thiện. Còn với ai vì cuộc sống nên phải lợi dụng niềm tin của người cùng sự vụng dại của những con vật nhỏ bé này, thì tôi cũng có góp phần giúp họ trong việc tồn tại mưu sinh. Một bên vì đời sống tâm linh. Một bên vì nhu cầu hiện tại. Ai cũng tìm thấy mục đích thiết thực của mình. Như vậy tôi cũng làm được điều lợi ích cho đời, cho người. Tội phước dẫu vô hình. Nhưng tôi vẫn tin là phước này sẽ diệt được tội chướng kia. Thế nên hôm nay tôi mới được trở về nơi đây, được chết trong niềm tin chánh đạo.
Chú tiểu chợt tỉnh dậy khi nghe có tiếng động vang lên từ bên ngoài. Trời đêm tĩnh lặng. Ngọn đèn điện vẫn toả sáng một góc phòng. Và trên bàn học, chú chim sẻ đã chết tự bao giờ. Trong giấc chiêm bao chập chờn, câu chuyện về tội phước chưa cạn lời, nhưng chim ắt sẽ hài lòng ra đi trong sự nhẹ nhàng thanh thản. Chú chim con đã về với Phật. Tiểu Minh khẽ nói và thầm chú nguyện cho nó.
Những lời nói của chú chim con, dù chỉ thoáng qua trong giấc mộng, cũng giúp cho tiểu Minh hiểu sâu hơn về sự sống của muôn vật. Một sinh vật dù bé bỏng cũng mong muốn được sống chan hoà, cùng góp sức vươn lên một cách hoàn thiện. Khi lòng người luôn biết hướng đến những điều tốt đẹp vì hạnh phúc của muôn loài, thì thế giới này sẽ không còn cảnh nồi da nấu thịt, ỷ mạnh hiếp yếu, cậy lớn hiếp bé. Từ đó mà nhân sinh cùng vạn vật được chung sống trong niềm an lạc vô biên, đầy tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
Bài học: Câu chuyện trên về tâm sự của chú chim phóng sinh giúp chúng ta hiểu về nhân quả tội phước trong cuộc đời. Nếu chúng ta làm việc gì với tâm ý trong sạch thì sẽ có phước báu, còn nếu làm việc gì với tâm ý nhiễm ô, sẽ mang lại tội về sau. Người phóng sinh được phước vì muốn mang lại tự do cho chim, còn người bẫy chim để bán thì mang tội vì sinh sống bằng nghề nghiệp không chơn chánh. Tuy nhiên, việc mua chim phóng sinh vô tình đã tạo ra nhu cầu, và động cơ cho người bẫy chim để bán. Vì vậy, cũng gián tiếp gây tội. Chính vì vậy, ngày nay, nhiều chùa không khuyến khích phóng sinh, mà khuyến khích Phật tử nên nuôi dưỡng sự sống. Chúng ta cần biết tôn trọng sự cân bằng sinh thái và yêu quý thế giới tự nhiên.

(Trích: Những mẩu chuyện PG dành cho thiếu nhi - tập 3)

Saturday, July 22, 2017

Miên man về "Sắc tức thị không"

Miên man về "Sắc tức thị không"

Bài kinh Bát nhã được xem là một trong những bài kinh quan trọng nhất của Phật giáo. Chính vì vậy nó thường được gọi là tâm kinh, hay kinh nằm lòng, và được đọc tụng trong hầu hết các khoá lễ hằng ngày và các nghi lễ quan trọng của đạo Phật Việt Nam.
Ai trong chúng ta nếu đã từng nghe qua bài kinh này đều thường nhớ được những đoạn điệp khúc khá ấn tượng : "Xá lợi tử ơi, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc ...", hay "...tướng không của các pháp không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt...". Đọc xuông thì dễ, nhưng hiểu được ý nghĩa của nó đòi hỏi chúng ta phải suy tư và thực hành kỹ lưỡng. Hiểu được ý nghĩa của tâm kinh cũng tức là hiểu được tinh ba giáo lý của Phật. Dưới đây tôi xin chia sẻ đôi điều suy nghĩ của cá nhân về những câu kinh trên. Hy vọng những suy nghĩ này phù hợp với giáo nghĩa của chư Phật và giúp ích chút đỉnh cho những ai hữu duyên, và muốn hiểu thêm về Bát nhã tâm kinh.
Trước hết, có lẽ tôi đặc biệt lưu tâm đến các đoạn trên của Bát nhã tâm kinh khi học đến định luật bảo toàn năng lượng trong chương trình vật lý bậc phổ thông. Khi đọc thuộc lòng đoạn "năng lượng không mất đi mà cũng không tự sinh ta, nó chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác, hoặc truyền từ vật này sang vật khác", tự nhiên tôi cảm thấy có sự tương đồng rất lớn giữa định luật này và những câu kinh Bát nhã ở trên.
Phải chăng "tướng không của các pháp" trong đoạn kinh trên là tên gọi khác của năng lượng? Nếu nhìn bằng con mắt của vật lý học, vạn vật trong thế giới này đều gồm 2 phần là : vật chất hữu hình và năng lượng vô hình. Khi chưa khám phá ra thuyết tương đối, con người cho rằng vật chất và năng lượng là khác nhau và tách rời nhau. Nhưng dưới ánh sáng của thuyết tương đối, chúng ta biết rằng năng lượng và vật chất là 2 mặt biểu hiện của cùng 1 sự vật. Với công thức E=Mc^2, Einstein đã chứng minh mối quan hệ giữa vật chất và năng lượng một cách hùng hồn. Phần hữu hình của vạn vật được biểu diễn bằng khối lượng M trong công thức trên, còn phần vô hình hay tướng không của vạn pháp được biểu diễn bởi năng lượng E trong công thức trên. Nói cách khác, công thức trên chính là diễn tả ý nghĩa "sắc tức thị không" trong câu kinh Bát nhã. Sắc chính là phần vật chất hữu hình, còn không chính là phần năng lượng vô hình của vạn pháp. Đó chính là 2 mặt của cùng sự vật, hiện tượng. Vật chất khi tích tụ năng lượng thì hữu hình, khi giải phóng năng lượng thì trở thành vô hình. Nó không mất đi, vẫn còn đó, đợi nhân duyên đầy đủ lại biểu hiện dưới dạng vật chất trở lại. Và nếu đọc lại định luật bảo toàn năng lượng thì nó hoàn toàn trùng khớp với đoạn "thị chư pháp không tướng bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm..." trong tâm kinh. Ôi quả thật là chân lý! Điều mà đến nay các nhà khoa học mới thấy, thì cách nay 2500 năm Đức Phật đã phát biểu một cách rõ ràng như vậy. Ngài quả là một nhà khoa học vĩ đại!
Như vậy, điều Phật nói rất tương đồng với những gì mà khoa học hiện đại phát hiện được. Đó phải chăng là lý do mà nhà vật lý học nổi tiếng của TK 20 Einstein đã hết lời ca ngợi Phật giáo. Ông đã xem Phật giáo như tôn giáo của khoa học. Bát nhã tâm kinh vì vậy xứng đáng được gọi là bài kinh của trí tuệ, bởi nó giúp chúng ta thấy được chân lý như thật về vũ trụ vạn pháp. 
Kinh Bát nhã còn viết "Quán tự tại Bồ tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách". Nếu thực hành thâm sâu trí tuệ đáo bỉ ngạn này, sẽ soi thấy 5 uẩn cấu tạo nên thân tâm của chúng ta (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đều là không, nhờ đó mà vượt qua hết mọi khổ đau, ách nạn. Tại sao chúng ta ngày nào cũng đọc Bát nhã mà khổ đau vẫn còn nhiều, ách nạn vẫn ngập tràn, vẫn chưa thể vượt qua để đến bờ an vui? Có lẽ lý do chính là chúng ta mới đọc trên miệng mà chưa thực hành thâm sâu bài kinh này. Như vậy làm sao để "hành thâm Bát nhã" đây?
Đây chính là quá trình tu học của mỗi người trong cuộc sống, bởi từ hiểu đến hành là một khoảng cách. Phật dạy pháp của ngài như là thuốc chữa lành bệnh khổ của chúng sanh, nhưng nếu chỉ cầm thuốc trong tay mà không uống thì không hết bệnh được. Cũng vậy, nếu chúng ta hiểu Bát nhã, mà không thực hành thì cũng không thể vượt thoát khổ đau, đến bờ hạnh phúc được. Thực hành Bát nhã đòi hỏi chúng ta hiểu được tánh không và tướng không của vạn pháp trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Khi đối diện với khổ đau, cần quán chiếu bản chất sâu xa của khổ: khổ từ đâu mà có? Ai khổ? Nếu thấy rõ "sắc tức thị không" thì sẽ thấy người đang đau khổ cũng là không, mà cái tâm niệm khổ đau cũng không nốt. Người chịu khổ đã không thì nổi khổ cũng không, vậy là vượt qua mọi khổ ách rồi còn gì. Bởi thấy được tính vô ngã của vạn pháp, nên ngay đó không còn sợ hãi, khổ đau nữa.
Sở dĩ con người thấy khổ là chắc thực và triền miên là bởi không thấy được cái tôi là giả tạm, hư dối. Họ cho rằng thân ta là chắc thật, tâm ta là thường còn, mà không biết lẽ vô thường. Cần nhìn thấy mọi thứ là do duyên sinh, và cũng do duyên mà tan biến. Sắc và không là 2 mặt của một đồng tiền, nhìn sắc phải thấy không, nhìn không cần biết sắc. Nếu thấy được như vậy thì không đau khổ khi đối diện với sống chết, không còn sợ hãi nữa. Bởi sống và chết là 2 mặt biểu hiện của cùng thực tại, chết không phải là mất, bởi năng lượng không sinh ra cũng không mất đi, nó chỉ tạm ẩn để chờ đợi nhân duyên và biểu hiện ở một dạng khác mà thôi. Nếu luôn duy trì được cái thấy như vậy về vô ngã, vô thường, duyên sinh của vạn pháp trong cuộc sống, tức là đã có thể hành thâm bát nhã, đã có đức tính của ngài Quán tự tại Bồ tát, và có thể thong dong dạo chơi trong cõi ta bà rồi vậy.
Hy vọng, mỗi chúng ta hãy học và hành Bát nhã tâm kinh bằng tinh thần của nhà khoa học vật lý. Để hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu kinh "Sắc tức thị không" trong bài kinh trí tuệ đáo bỉ ngạn, và áp dụng nó một cách thường xuyên khi đối diện với mọi hoàn cảnh trong cuộc đời, để có thể vượt thoát khổ ách, nếm được hương thơm của đóa hoa giải thoát, giác ngộ ngay trong đời sống hiện tại. Nào, hãy cùng tôi tụng đọc tâm kinh Bát nhã mỗi ngày bạn nhé!
Gate, gate, paragate, parasangate, bodhi, svaha!

(Đức Kiên)

Tuesday, January 15, 2013

Mùa Xuân Trong Tâm Thức Người Việt


Mùa Xuân Trong Tâm Thức Người Việt


Người dân Việt từ ngàn xưa đã sống trong một nền văn minh nông nghiệp trồng luá nước cuả một xứ sở nhiệt đới, gió muà, nhiều sông rạch, nuí đồi, biển cả. Tính chất đặc biệt này ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần cuả nguời Việt. Đời sống cuả những con người ấy luôn chan hoà cùng vũ trụ thiên nhiên, cùng cỏ nội hoa ngàn, tạo nên một tâm hồn Việt có sắc thái triết lý tự nhiên, không tư duy trừu tượng siêu hình, không duy lý, mà nó thẩm thấu trong sinh hoạt dân gian, trong tứ thời vần xoay vận chuyển. Cho nên tâm hồn người Việt nhẹ nhàng thanh thoát, dù vất vả quanh năm chân lấm tay bùn, nhưng vui xuân, vui hội hè đình đám, trẩy hội chuà hương, Giổ tổ, giổ cha, giỗ mẹ... chuà thầy, viá bà... không bao giờ không rộn ràng, náo nhiệt.

Chẳng thế mà hằng năm cứ mỗi độ xuân về, ai cũng muốn trong nhà thêm hoa, thêm cây cảnh, dăm bẩy chậu quất, cành mai, thược dược ngoài sân, có khi cả hòn non bộ... để giữ mãi hình ảnh thiên nhiên từ ngàn xưa còn đọng lại trong vô thức cuả dân tộc Việt.

An-Nam-chí-nguyên viết như sau về phong tục ngày Tết của cư dân Giao Chỉ cách đây cả ngàn năm :
Hàng năm, ba ngày Nguyên đán đều thịnh soạn cỗ bàn cúng tổ tiên. Trai gái trai giới hương hoa lễ Phật; chơi trò đánh vụ đá cầu, hát múa, kéo co; bên thắng uống rượu, bên thua uống nước lã... Năm hết tết đến, ai có gì thì tiêu cho hết, cúng tổ tiên rất hậu, đốt pháo treo ống lệnh, ăn uống linh đình, chong đèn sáng đêm”.
Phong tục đẹp đẽ này vẫn còn được giữ gìn, truyền lại tới ngày nay.

Xuân có vai trò đặc biệt trong bốn mùa: nó là bước mở đầu, là phút tái tạo, hồi sinh, ứng với quẻ Phục trong Dịch. Thiên nhiên đang thay da đổi thịt, con người cũng rạo rực tình xuân. Nhận ra điều đó, con người đã đề cao muà xuân tức là cũng đề cao thiên nhiên, đề cao nguồn sống vô tận, bằng những sinh hoạt văn hoá cộng đồng là Lễ và Hội.

Lễ là tín ngưỡng linh thiêng, còn Hội là vui chơi thế tục; hai mặt đó kết hợp với nhau để khởi động nên luồng giao cảm giữa Trời – Đất - Người.
Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai cờ bạc, tháng ba hội hè...

Hội hè - đình đám chính là sinh hoạt văn hoá cộng đồng, ngày xưa diễn ra dưới dạng nguyên hợp chưa tách ra thành những bộ phận riêng biệt như bây giờ. Trong hội có đủ hát xướng, trò chơi đấu vật, đánh cờ... Tình cảm người ta có dịp được bột phát, thả lỏng đến độ phóng dục. Tuy vậy hội hè vẫn có một ý nghĩa thiêng liêng, đáp ứng một nhu cầu thầm kín của con người. Con người thường sống rất lâu trong kỷ niệm của một mùa Xuân và mong chờ mùa Xuân mới. Đó là nhu cầu cộng cảm, cảm thông với người khác và cả với đất trời.

Tất cả những hình ảnh Lễ Hội dân gian đó ngày nay chỉ còn là hoài niệm về một thời vàng son xa xưa cũ, một phần lớn đã tự đổi thay để thích nghi với hoàn cảnh và môi trường thời đại, bởi nếp sống công nghiệp với nhịp độ càng lúc càng nhanh, càng làm con người xa dần Lễ Hội, chỉ còn những phong tục thị dân với các trò vui thành thị. Hội hè đình đám chỉ còn được lưu giữ ở một số vùng nông thôn. Ngày nay, cả chính phủ cũng phát động phong trào Về Nguồn, bởi lẽ con người đứng trước một thực tại : nếu không giữ gìn phong hoá thì không còn gì để giữ, vả lại không ít người đã nghĩ đến điều này khi không còn được sống giữa quê nhà, thì ý thức về quốc gia dân tộc và sắc thái riêng cuả một đất nước bỗng trở nên thiêng liêng và huyền diệu. Thậm chí ta có thể hình dung, có quốc gia lịch sử chỉ vỏn vẹn có bốn trăm năm, mà người ta đã biết bảo tồn phong hoá và tạo nên sắc thái dân tộc và phát huy rực rỡ, trái lại lịch sử ông cha ta cả bốn nghìn năm mà ta lại không biết gìn giữ thì thật là điều tai hại. Học cuả người những điều hay nhưng không thể bỏ quên bản sắc văn hoá riêng của dân tộc mình. Đó chính là ý nghiã cuả Đại dồng tiêu dị làm cho loài người đến gần nhau mà vẫn không đánh mất chính mình. Chương trình cuả Liên Hiệp Quốc về bảo tồn văn hoá mỗi dân tộc càng giúp ta hiểu sâu sắc hơn tinh hoa cuả mỗi dân tộc cần phài được phát huy gìn giữ, nó giúp cho mỗi nguời dân Việt tự nhìn ngắm lại mình, đễ hãnh diện về quá khứ, suy tư về hiện tại, hướng về tương lai trong tinh thần “ôn cố tri tân”. Lễ hội không chỉ là hình bóng cuả hôm qua, mà còn là động lực thúc đẩy con người ngày nay biết bảo tồn và phát huy hơn nưã, tinh thần tư tưởng cuả dân Việt, trong thơì đại “đổi mới”, vừa hội nhập văn minh thế giới mà vẫn không đánh mất bản sắc độc sáng cuả văn hoá nước mình.

ThS. Phạm Văn Cảnh

Monday, October 29, 2012

Thi kệ về tiền bạc


Mấy ngày nay, tự nhiên nhớ lại mấy câu thơ về tiền bạc Bố đọc tặng vợ chồng mình trong ngày đám cưới, thấy thật thấm thía. Tiền bạc đúng là có ý nghĩa rất lớn, nhưng nó không phải là cái quyết định hạnh phúc, mà chính nhận thức về nó và cách sử dụng nó mới quyết định hạnh phúc trong cuộc đời.

Bố không còn nữa, nhưng lời dạy của Bố con sẽ mãi ghi nhớ và cố gắng thực hiện. Post lại đây để ghi nhớ trong lòng và ứng dụng trong cuộc sống.

"Ai có của bỉ khinh cũng mặc,
Đừng vì tiền gay gắt với ai,
Có ra thì đỡ xây xài,
Không thì nhịn chiụ chớ cay đắng lòng,

Nghèo thì nhớ lòng trong dạ sạch,
Giàu thì nên bố đức thi ân,
Có dư chớ hưởng riêng thân,
Nên cho kẻ khác lây phần ấm no.

Được như vậy, được kho công đức,
Sống đời đâu khổ cực vì đời,
Trong tâm thường được thảnh thơi,
Tuy trong cõi tục mà đời thần tiên..."

(Nguồn: "Thi kệ về tiền bạc" của Thầy Thanh Sĩ)

Friday, November 18, 2011

Thành công vĩ đại là thành quả của lao động vĩ đại

Great success is the fruit of great labour

Generally speaking, the life of all truly great men has been a life of intense and incessant labour. They have commonly passed the first half of life in the gross darkness of indigent humility, overlooked, mistaken, contemned by weaker men; thinking while others slept, reading while others rioted; and then, when their time was come, and some little accident has given them their first occasion, they have burst out into the light and glory of public life, rich with the spoils of time; then do the multitude cry out “a miracle of genius !”Yes, he is a miracle of genius, because he is a miracle of labour; because, instead of trusting to the resources of his own single mind, he has ransacked a thousand minds; because he makes use of the accumulated wisdom of ages….

Sidney Smith



Thành công vĩ đại là thành quả của lao động vĩ đại

Nói chung, cuộc đời của tất cả những người thật sự vĩ đại là một cuộc đời làm việc tràn đầy nhiệt huyết, không hề ngừng nghỉ. Họ thường trải qua một nửa đầu cuộc đời trong màn đêm mênh mông với sự khiêm tốn nhún nhường của những kẻ khốn cùng “mắt mù mặt cúi” bị những kẻ kém cỏi xem thường, ngộ nhận, khinh khi; họ suy nghĩ trong khi những người khác đã ngủ yên, họ đọc sách trong khi những kẻ khác ăn chơi trác táng; và sau đó, khi thời điểm đến, và vài cơ duyên nhỏ đã cho họ cơ hội đầu tiên, họ nhanh chóng bật sáng, vinh quang trong đời sống xã hội, làm giàu kiến thức và kinh nghiệm bằng tận dụng thời gian; sau đó, thiên hạ sẽ thốt lên : “Sự mầu nhiệm của thiên tài” .
Vâng, anh ta là một thiên tài kỳ diệu, bởi anh ta là người lao động kỳ diệu, và thay vì tin tưởng vào nguồn tri thức đơn độc của mình, anh ta đã lục tìm cả ngàn tư tưởng, bởi anh ta đã tận dụng được trí tuệ tích luỹ trong nhiều thời đại …

(sưu tầm)

Friday, March 18, 2011

CHÀO TẠM BIỆT

Mấy bữa nay, tin tức về động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản làm nhiều người lo lắng. Ai cũng mong sớm rời khỏi nơi này, để về nước hoặc đến một nơi an toàn hơn. Đó cũng là tâm lý bình thường của người đời thôi. Theo tôi, thì Nhật Bản sẽ mau chóng khắc phục được sự cố về nhà máy điện hạt nhân và sẽ sớm khôi phục sinh hoạt của người dân ở khu vực thiệt hại.
Tôi cũng sắp sửa phải rời Nhật Bản, nhưng là theo kế hoạch đã đinh trước. Vì vậy, trong tôi không có sự lo lắng, mà là một cảm giác lưu luyến khi phải rời xa nước Nhật và cảm thông với những nỗi khổ mà người dân Nhật đang phải trải qua.
Theo dõi tin tức về cách phản ứng của người dân Nhật trước thảm họa, cách họ chia sẻ với nhau để vượt qua khó khăn càng thấy khâm phục và quý mến đất nước và con người ở đây hơn. Xin cầu chúc cho người dân Nhật Bản sớm trở lại cuộc sống yên bình, chúc đất nước Nhật Bản sớm vượt qua thảm họa này!
Bài thơ dưới đây như là lời tạm biệt gửi đến các bạn bè còn ở lại Nhật, chúc mọi điều tốt đẹp nhất và hẹn gặp lại vào một dịp nào đó.

____________________________

CHÀO TẠM BIỆT

Chào em, người bạn thân thương
Chào em, giờ phải lên đường chia xa
Hợp tan là chuyện thường mà
Nhớ nhau, xa vẫn rất là gần thôi
Thương nhau, chút nghĩa trong đời
Mến nhau, lưu luyến đôi lời chia tay
Đừng buồn, em nhé hôm nay
Vẫn còn đó mãi, tháng ngày hôm qua
Bao nhiêu kỷ niệm còn mà
Giữ gìn, trân trọng, đó là hành trang
Tình thương, tri thức ta mang
Đắp xây cuộc sống, rỡ ràng quê hương
Tình người, lý tưởng soi đường
Dẫu đi khắp nẻo quê hương vẫn gần
Nhớ hoài chút nghĩa tri ân
Chúc nhau vạn dặm đường trần mãi vui…

PQT

Saturday, March 5, 2011

Kyoto and I


Kyoto and I

Hello everybody! My name is Pham Quoc Trung. I came from Vietnam. I have been in Japan since April 2008 to follow my PhD. course at Graduate School of Economics in Kyoto University. I have lived in Kyoto for nearly 3 years and I have a lot of nice memories about Kyoto. I like Kyoto very much because it is very beautiful and much different from Ho Chi Minh City of Vietnam, where I were born and grew up.

In fact, I know very few about Kyoto before coming to Japan. At that time, my image about Kyoto is simply a girl wearing kimono in front of a beautiful cherry blossom. When coming to Japan, I found that Kyoto is much more beautiful than what I can imagine. For example, in Kyoto, you can find a lot of ancient temples or shrines, you can walk along wide castles or romantic streets, you can take many photos of maple trees turning red or yellow in the autumn, you can go shopping downtown Kyoto, you can enjoy traditional festivals and you can eat delicious sushi, etc. Especially, in Kyoto, I can also see snow falling in the winter. In my country, Vietnam, there is no snow in the winter, no sakura in the spring, and no momiji in the autumn. Therefore, I am very excited when the first time I can see snow, sakura and momiji in Kyoto.

When I just came to Japan, everything was new to me. I felt a little curious and embarrassed because it was the first time I go abroad. At that time, I met a lot of difficulties, such as: unable to communicate in Japanese, unable to read Kanji, unfamiliar with public transportation in Japan, unfamiliar with the weather in Japan, etc. Fortunately, with the support of JICA, the agency that grants me the scholarship, I can gradually overcome those difficulties and integrate with the life in Kyoto. In my apartment, there are some other international students coming from Vietnam and other countries. So, I can make friend with them to share feelings and to help each other. Occasionally, we gather together to go picnic, to play sport games or to enjoy cooking and eating.

During my living and studying in Japan, I have chances to visit other cities of Japan, such as: Osaka, Kobe, Nara, Tokyo, Yokohama, Hiroshima, Himeji, Sapporo, etc. Each city has specific characteristics, but for me, Kyoto is the most ideal place to live. Kyoto, with about two million inhabitants, is not so crowed like Tokyo or Osaka, and it is considered the most beautiful place to visit for many foreign tourists when coming to Japan. Besides, Kyoto is suitable to be a tourist city because the architecture in Kyoto is harmonious with many cultural heritages. Until now, a lot of ancient temples, shrines, and castles in Kyoto are still preserved, and many traditional festivals, such as: Aoi, Gion matsuri…, are continuously organized every year.

Among traditional festivals, Gion matsuri is the most famous one. Annually, in the mid of July, I usually go with my friends to Gion shijo area. There, we can see a lot of decorated cars or boats going along the street with many people in traditional clothes. In the festival, I can see many kimonos in groups of people going festival, and I can enjoy special dances or music during the festival. Further, I like to eat some kinds of food sold along the streets in the festival area. Certainly, we do not forget to take a lot of photos and buy some souvenir gifts. Through this festival, I know more about Japanese culture and have interesting experiences with my friends.

About food in Kyoto, I like sushi the most. Although I had tried sushi a few times before coming to Japan, I found that sushi in Kyoto is better than what I had eaten. I like to eat sushi with raw Salmon, soya-sauce and mustard. It is very delicious. I often eat sushi with my friends at sushi restaurant near Teramachi area. At this restaurant, I can eat many kinds of sushi because sushi is placed in disks going around the table and each disk cost about 100 yen. So, I can try many kinds of sushi at the same time. Besides, I have also tried other Japanese foods in those restaurants inside and outside of Kyoto University, such as: carry rice, sashimi, tembura, donburi, ramen, udon, soba, etc. I can eat most of Japanese foods, but I cannot make them by myself. I can only cook a few simple food of Vietnam, such as: mixed vegetable, fried fish, Cantonese rice, etc.

My PhD. course is about to finish. According to the schedule, I will graduate in March, 2011. Then, I will return to Vietnam and be back to my old job as a lecturer at HCMC University of Technology. I feel sorry because I am about to leave Kyoto, a beautiful place where I have lived for 3 years. During my living here, I have a lot of nice memories, I have accumulated valuable knowledge and experiences for my profession, and I have taken a lot of photos and enjoyed delicious foods, etc. Going back to my country, I will miss Kyoto so much. I hope to have chance to return to Kyoto someday. Those experiences I got when living here will be my invaluable luggage for my future work and life. Thank Kyoto, a beautiful city, where I have the most meaningful and wonderful time in my life. Thank you so much for everything!

Kyoto - 2011

Thursday, January 14, 2010

SUY NGHĨ VỀ KHÁI NIỆM TRÍ THỨC

SUY NGHĨ VỀ KHÁI NIỆM TRÍ THỨC

GS.NGND. NGUYỄN NGỌC LANH

“Trí thức” từ đâu ra?

Intellectuel (tiếng Pháp) hay intellectual (tiếng Anh) trong từ điển vốn là một tính từ, còn danh từ gốc của nó là intellect (trí tuệ, trí thông minh). Nhưng một văn bản công bố năm 1906 – do nhà văn Zola ký tên đầu – lại được thủ tướng Pháp Clemenceau (tiến sĩ, nhà báo) gọi là Tuyên ngôn của Trí thức (Manifeste Des Intellectuels). Thế là một tính từ trở thành danh từ mới, chưa có trong các từ điển trước đó như Larousse 1866-1878 hay Đại từ điển Bách khoa 1885-1902.

Đó là bản kháng nghị nổi tiếng, của các nhà văn, nhà khoa học nổi tiếng, chống lại một bản án oan cũng nổi tiếng là xấu xa trong lịch sử tư pháp (xử đại úy Dreyfuss, sau gọi là “sự kiện Dreyfuss”). Như vậy, danh từ “trí thức” ra đời trong một sự kiện chống bất công, còn “người trí thức” ra đời khi xã hội thừa nhận danh từ này.

Thực ra, rất lâu trước đó đã có vô số cá nhân có phẩm chất và tiếng tăm không kém các tác giả bản tuyên ngôn nói trên, nhưng ý thức tự liên kết (ví dụ cùng ký tên vào một tuyên ngôn) và điều kiện cho phép liên kết để thực hiện những thiên chức xã hội thì chỉ xuất hiện khi xã hội có dân chủ; đồng thời người dân khi được hưởng các quyền tự do cũng bắt đầu hiểu rõ chức năng xã hội của tầng lớp trí thức và hưởng ứng họ.

Trí thức và dân chủ

Quả vậy, dẫu các tác giả của bản tuyên ngôn là những người uy tín lớn và đang được xã hội trọng vọng, như Emile Zola (1840-1902), Anatole France (1844-1924), Halevy, Buinot, Leon Blum… nhưng thật ra bản tuyên ngôn của họ chỉ có thể ra đời khi nước Pháp đã có chế độ dân chủ, ba quyền tối thượng đã được phân lập rạch ròi. Thủ tướng đứng đầu ngành hành pháp, quyền hành cực lớn, vẫn không được phép can thiệp vào công việc tư pháp, dẫu tư pháp đưa ra bản án oan.

Thế mà, nhờ “bản tuyên ngôn” và tiếp đó nhờ dư luận và báo chí dấy lên, bản án oan đã phải sửa sau nhiều năm chây ỳ.

Tương tự như vậy, học thuyết Mác cũng chỉ có thể công bố trong một xã hội đã tương đối dân chủ. Thời đó, cố nhiên nền báo chí công quyền không thể đăng những tác phẩm trong đó Mác cổ vũ quần chúng dùng bạo lực tước đoạt tư liệu sản xuất của giai cấp tư bản. Nhưng đã có báo chí và nhà xuất bản tư nhân (bản thân Mác cũng từng là tổng biên tập một tờ báo). Còn dưới thời phong kiến thì một bản án mà vua đã quyết, dù là oan thấu trời (như án Nguyễn Trãi) cũng không một ai dám phản đối. Người bị oan chỉ có một cách là “mong sao thánh thượng hồi tâm”.

Can đảm là một tính cách của trí thức: dám nói ra và dám bảo vệ chân lý. Khổng Tử nói nho sĩ phải là người đủ ba phẩm chất: có trách nhiệm cao, có lòng tự trọng và dũng cảm. Mác còn nói rõ hơn: Trí thức, ngoài khả năng sáng tạo, còn phải “dám phê phán thẳng thừng mọi thứ cần phê phán, không lùi bước trước mọi kết luận, mọi đụng chạm – dù là đụng chạm tới thứ quyền lực nào”.

Như trên đã nói, những cá nhân có trí tuệ cao, có phẩm cách đẹp đã xuất hiện rất sớm và được gọi bằng các tên khác nhau, tuy họ chưa tự ý thức và chưa có quyền liên kết lại. Phương Đông từ cả ngàn năm trước đã gọi họ là bậc thánh hiền (Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử…), bậc hiền tài, sĩ phu, kẻ sĩ… Ngoài tài năng, giới trí thức xưa còn được ca ngợi là “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (sách Mạnh Tử: phú quý không làm mê muội, nghèo khổ không làm lay chuyển, uy vũ không khuất phục nổi). Câu này nói lên dưới chế độ chuyên chế họ từng bị mua chuộc, bị cái nghèo hành hạ và bị trấn áp, chứ không chỉ có tôn vinh mà thôi.

Chính do được tôn vinh, trí thức cũng có “thật” và “giả” vì có những người muốn được tôn vinh bằng công sức tối thiểu. Một xã hội có quá nhiều trí thức “giả” – như chuyện mua quan bán chức cuối thời vua Lê chúa Trịnh – là xã hội thoái hoá và hỗn loạn, vì thứ “giả” này sẽ chiếm những địa vị cao, ảnh hưởng lớn, kể cả có quyền cho phép nhiều loại “giả” khác phát sinh, phát triển và lưu hành.

Về định nghĩa trí thức

Có nhiều định nghĩa trí thức, rất dễ tìm trên internet. Không chỉ nhiều, mà rất nhiều, cho thấy đến nay định nghĩa trí thức vẫn chưa thật định hình. Do vậy, khi bàn về trí thức thường người ta phải xác định khái niệm trước khi bàn tiếp. Nhiều nhà trí thức lớn cũng đưa định nghĩa của mình, trong đó có những định nghĩa mới chỉ nêu tính cách đặc trưng hơn là nêu bản chất. Ví dụ: “trí thức là người phát hiện những điều thuộc bản chất sự vật mà người khác không nhìn ra được”; hoặc "Người trí thức là người luôn có khát vọng tự do”. Nhiều bạn đọc của VietnamNet khi thảo luận đề tài này cũng tự ý đưa ra những định nghĩa theo quan niệm của mình, khiến vấn đề càng phong phú, nhưng sẽ càng khó thảo luận khi khái niệm chưa thống nhất.

Dẫu vậy, vẫn có thể phân chia các định nghĩa hiện hành thành 2 nhóm: nhóm chặt chẽ (rất hữu dụng khi bàn vấn đề ở bình diện triết lý, gồm cả thiên chức, nhiệm vụ trí thức đối với nhân quần, xã hội) và nhóm thông dụng (để dùng rộng rãi trong đời sống, dễ hiểu với trình độ chung).

Một cách chặt chẽ, trí thức phải là người:

1) Sáng tạo những giá trị tinh thần. Mức độ sáng tạo cho phép tách ra những trí thức lớn, tầm cỡ nhân loại; và

2) Chỉ tôn thờ những giá trị tinh thần vĩnh hằng: Chân (chân lý, sự thật), Thiện (cái tốt), Mỹ (cái đẹp).

Từ cái gốc này, do đặc trưng lao động, trí thức có những phẩm chất, tính cách nhất định – không bẩm sinh và cũng không phải là độc quyền của trí thức. Ví dụ, để sáng tạo, trí thức phải có một cái vốn tri thức cao hơn mặt bằng chung (đã đành) nhưng quan trọng là phải bổ sung suốt đời (để sáng tạo tiếp). Điều này rất tương đối, vì mặt bằng dân trí mỗi thời một khác: thầy giáo tiểu học là lao động trí óc (đúng với mọi thời) nhưng trước đây 60 năm có thể là trí thức – nếu có sáng tạo (ví dụ như Nam Cao, Tô Hoài…)

Do tôn thờ chân lý, trí thức chỉ tin những gì đã được chứng minh đầy đủ và do đó bảo vệ sự thật đến cùng. Khám phá chân lý là niềm say mê cao nhất (bị cấm đoán nghiên cứu hoặc cấm nói sự thật là điều đau khổ vô tận – từ đó, suy ra trí thức căm ghét cái gì). Khám phá ra chân lý là hạnh phúc cao nhất, do vậy họ có yêu cầu bức xúc công bố và đòi hỏi được công bố (Galilê bị cấm công bố “quả đất tròn”). Tuy quyết bảo vệ kết quả nghiên cứu bằng tranh luận, nhưng trí thức cũng sẵn sàng nhận sai lầm, từ bỏ niềm tin, nếu có chứng minh đầy đủ – từ đó họ đòi hỏi tự do tư tưởng, tự do ngôn luận… Tôn thờ cái tốt (thiện), trí thức rất nhậy cảm khi cái xấu lộng hành (ví dụ bất công, áp bức, hạn chế quyền tự do, dân chủ giả hiệu…)

Chúng ta có thể suy ra những tính cách khác nữa của trí thức nhưng không nên dùng những tính cách này để định nghĩa, vì đó chỉ là đặc trưng mà chưa phải bản chất của trí thức (và cũng không phải của riêng trí thức). Một cô giáo ở Đà Nẵng chấp nhận tiến thân bằng thi cử công bằng: Đó là thái độ của trí thức, dù cô chưa phải trí thức. Theo cụ Trường Chinh thì:“Phải nói rõ, nói hết sự thật; gọi sự vật bằng đúng tên của nó”; cụ Nguyễn Đức Bình đòi hỏi “Đặt mọi ý kiến khác biệt lên bàn tranh luận”… đều là thái độ thẳng thắn và cầu thị của trí thức, dù đây là những nhà chính trị.

Theo cách thông dụng, trí thức được định nghĩa như những người lao động trí óc nói chung, ví dụ: trong khẩu hiệu “Liên minh Công – Nông – Trí”; hoặc trong một bản thành tích có câu: chế độ ưu việt của ta đã đào tạo được hàng triệu trí thức XHCN… Cách định nghĩa này làm số trí thức trong xã hội tăng lên rất nhiều, có mặt ở mọi lĩnh vực, ngành nghề.

Còn theo cách chặt chẽ, thì một văn hào và người thư ký của ông đều là lao động trí óc, nhưng trong đó chỉ một người là trí thức. Cũng theo cách chặt chẽ, một tiến sĩ nếu không nghiên cứu sáng tạo gì, thì vẫn thiếu vế đầu để được coi là trí thức đúng nghĩa. Bằng cấp cao, nhưng không sống chết tôn thờ Chân, Thiện, Mỹ biểu hiện bằng biết mà không dám nói sự thật, không căm ghét độc tài, thái độ ba phải trước bất công, phản dân chủ… thì thiếu nốt cả vế thứ hai của tiêu chuẩn trí thức.

Nguyễn Du không những sáng tác Truyện Kiều mà trong truyện ông tỏ thái độ rất rõ đối với bất công, áp bức, thân phận con người. Vua Tự Đức đọc đến câu “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” (ca ngợi Từ Hải) đã đòi phạt “đánh đòn” Nguyễn Du (khi ông đã mất). Dưới chế độ phong kiến ngạt thở như vậy, Nguyễn Du vẫn khôn khéo nói được điều cần nói, biểu lộ được thái độ cần có, đúng là trí thức lớn của dân tộc ta.

(Trích dẫn từ: http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Suy_nghi_ve_khai_niem_tri_thuc/)

Wednesday, December 23, 2009

Những suy nghĩ cuối năm 2009


Còn vài ngày nữa là hết năm 2009, một năm của những biến động, thay đổi...
Thời tiết lúc này khá lạnh, mọi người lại rộn ràng chuẩn bị cho những kế hoạch vui chơi trong những ngày nghỉ tết. Đường phố lại nhộn nhịp với những dòng người qua lại. Các cửa hàng, siêu thị đều được trang hoàng lộng lẫy cho một mùa giáng sinh và năm mới sắp tới.

Năm đến rồi năm đi, đông tàn rồi lại xuân...
Cứ thế mọi việc trên đời cũng trôi chảy bất tận như một dòng sông, không biết lúc nào dừng.

Thời điểm cuối năm, có 1 chút thời gian rảnh rỗi, cũng là lúc mọi người nên dành ít phút để nhìn lại chính bản thân mình, xem rằng một năm qua, mình đã làm được những gì, và những gì chưa làm được. Xem lại những suy nghĩ, lời nói, hành động của mình trong một năm đã qua, có gì còn chưa tốt, còn cần khắc phục để trở nên hoàn thiện hơn.
Có nhìn lại chính mình, đặt những mục tiêu cao hơn để phấn đấu, mình mới thấy là cuộc đời thật ý nghĩa, mới thấy mỗi ngày trôi qua, mỗi bước chân mình đi là mình đang tiến gần đến sự hoàn thiện. Và hành trình đó thì không bao giờ kết thúc cả.
Có thể những cái ở thời điểm này mình cho là hay rồi, là tốt rồi, nhưng một năm sau có khi mình lại thấy vẫn còn chưa hay, chưa tốt, và cứ như thế... mục tiêu cứ mở rộng dần cho đến vô hạn theo tầm hiểu biết của mình về thế giới xung quanh.
Vì vậy, càng sống nhiều, càng có nhiều kinh nghiệm, thì mình càng nhìn thấy cuộc đời rõ hơn, và hành xử đúng hơn. Mình sẽ biết sống với những giá trị lâu dài, bền vững, hơn là chạy theo những hào hoa, giả tạm của cuộc đời.
Những giá trị lâu dài đó chính là tình cảm giữa con người với nhau, là lòng yêu thương, độ lượng, vị tha, là trí tuệ phán đoán đúng sai, là sự bao dung, chấp nhận và ít cố chấp...
Những hào hoa, giả tạm cũng có rất nhiều, như là danh vọng, địa vị, tài sản, lời khen, tiếng chê, thắng, thua, thành, bại...
Biết sống với những giá trị lâu dài, thì mỗi năm qua, mình lại tích lũy thêm được nhiều hạnh phúc bởi mình sẳn sàng cho đi những tình cảm và tri thức mà không có gì để sợ mất, còn sống với những giá trị nhất thời, giả tạm, thì mỗi năm trôi qua, mình sẽ càng cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng bởi mình sẽ phải luôn tranh đua để đạt được, và bất an, lo lắng vì sợ mất.
Mong sao, mọi người luôn biết sống với những giá trị chân thật của cuộc đời, để sau một năm, dù thuận buồm xuôi gió, hay gian nan vất vả, khi nhìn lại, mình vẫn cảm thấy nhẹ nhàng, và mĩm cười hạnh phúc. Để từ đó, sẳn sàng chuẩn bị cho một hành trình mới, hướng tới những mục tiêu cao hơn và đẹp hơn ở phía trước. Dù hoàn cảnh sắp tới có thế nào, nhưng với tình thương và sự hiểu biết, thì lúc nào trên hành trình mình đi qua, cũng sẽ đầy ắp những hoa thơm và trái ngọt.

Chúc cho mọi người một mùa giáng sinh thật vui vẻ và một năm mới 2010 thật nhiều niềm vui, an lành và hạnh phúc !
Kyoto - 23/12/2009

Friday, August 21, 2009

Vài suy nghĩ nhân mùa Vu Lan báo hiếu

Vài suy nghĩ nhân mùa Vu Lan báo hiếu

Hằng năm, cứ vào dịp rằm tháng 7 (15/7 âm lịch), là mùa lễ hội Vu Lan, là dịp để những người con hiếu thảo tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Lòng hiếu thảo có thể được thể hiện bằng nhiều cách, nhưng phổ biến nhất vẫn là đến chùa thắp hương, lễ Phật và cầu mong mọi điều an lành đến cho cha mẹ hiện tiền cũng như đã quá vãng. Đây là 1 phong tục rất hay của người Phật tử ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước châu Á khác.

Ở nhiều nước, họ có những ngày riêng để tưởng nhớ về công ơn cha mẹ, như là ngày Mother’s Day hoặc ngày Father’s Day. Ở nước ta, hình như chưa có một ngày lễ chính thức để thể hiện lòng biết ơn với cha mẹ, vì vậy nên chăng, chúng ta hãy dựa vào ngày Vu Lan báo hiếu của đạo Phật để phát triển thành ngày tưởng nhớ công đức cha mẹ cho tất cả mọi người Việt Nam. Thiết nghĩ, điều này cũng phù hợp với truyền thống của dân tộc ta từ xưa đến nay, vì việc nhớ ơn, báo hiếu là một truyền thống tốt đẹp không chỉ của những người con Phật mà còn là của chung toàn thể dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam, dù thuộc truyền thống tôn giáo nào hoặc không có tôn giáo, thì đều xem việc thờ cúng ông bà tổ tiên là một nghĩa cử cần thiết để thể hiện lòng hiếu thảo. Chính vì thế, một số người còn gọi đó là Đạo Ông Bà, hay là một truyền thống tâm linh gốc của dân tộc Việt Nam gắn liền với chữ Hiếu.

Để ngày Vu Lan có thể trở thành ngày Hiếu thảo của dân tộc, ngày nhớ ơn công đức sinh thành dưỡng dục cho đúng nghĩa, chúng ta cần một cái nhìn rộng hơn và một ít điều chỉnh về những thói quen và suy nghĩ của mọi người về ngày lễ này:

1/ Tục lệ bông hồng cài áo: đây là 1 tục lệ rất đẹp được du nhập từ truyền thống của người Nhật Bản, vào ngày Mother’s Day, những người còn mẹ thường được cài lên áo một bông hoa đỏ, những người mất mẹ thì cài lên áo bông hoa trắng để mỗi người nhận thấy được sự có mặt của mẹ trên đời là rất thiêng liêng. Thế nhưng, nếu áp dụng rập khuôn như thế, chúng ta vô tình quên mất rằng, để có mặt trên đời này thì không chỉ có mẹ mà còn cần phải có người cha nữa, vì vậy nên chăng, tục lệ này nên điều chỉnh một chút để thể hiện được sự cân bằng này. Chẳng hạn, hoa hồng đỏ chỉ cài lên ngực áo những người con mà cha mẹ vẫn còn sống, và hoa hồng trắng dành cho những người con mà cha hoặc mẹ đã qua đời. Làm như vậy để lòng hiếu được thể hiện trọn vẹn y‎ nghĩa của nó, bởi vì công cha hay nghĩa mẹ đều to lớn và cao cả như nhau, nếu chẳng may mất cha hay mẹ thì đều là mất mát to lớn cả.
“Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

2/ Nên hướng tới người sống nhiều hơn người chết: có lẽ vì ngày lễ Vu Lan bắt nguồn từ truyền thuyết ngài Mục Kiền Liên muốn cứu mẹ chịu tội khổ trong địa ngục, nên ngày lễ này thường gắn liền với việc cầu siêu, cúng cô hồn, và chăm lo cho người thân đã mất nhiều hơn. Tuy nhiên, ta biết rằng, sự hiếu thảo của người con đối với cha mẹ cần phải được thể hiện qua những lời nói, hành động cụ thể, đặc biệt là khi cha mẹ còn sống, để người vui lòng và cảm nhận được lòng biết ơn của con cái đối với mình. Những việc làm hiếu thảo cụ thể như: thường xuyên quan tâm thăm hỏi, giúp đỡ cha mẹ về vật chất và tinh thần, chăm sóc những lúc đau ốm bệnh tật… Tôi còn nhớ một bài thơ dịch từ tiếng Anh nói lên mong muốn của người mẹ được đón nhận tình cảm yêu thương từ người con, như sau:
“Nếu có bao giờ con yêu mẹ
Thì hãy yêu khi mẹ còn đây
Còn biết được những lời tình cảm
Ngọt ngào êm dịu đến cuồng say
*
Hãy yêu đi khi mẹ còn biết
Đừng để đến lúc mẹ ra đi
Ghi lời yêu dấu lên bia đá
Mỹ từ lên phiến đá vô tri
*
Hãy nói lên lời con muốn nói
Đừng để đến lúc mẹ ngủ say
Một giấc ngủ chẳng bao giờ dậy
Ngàn năm ngăn cách chẳng ngày mai…”

Đó là vài suy nghĩ về ‎y nghĩa cao đẹp của ngày Vu Lan báo hiếu trong đạo Phật, và mong rằng ngày này sẽ trở thành một ngày lễ chung để tưởng nhớ công ơn cha mẹ cho mọi người Việt Nam. Sao cho, cứ đến ngày này, mỗi người Việt Nam đều lắng lòng để tưởng nhớ đến cha mẹ mình, những gian lao vất vả của hai đấng sinh thành, đã cho ta có mặt trên cuộc đời này, nuôi ta lớn khôn, dạy ta nên người và sẳn sàng hy sinh cả cuộc đời vì tương lai và sự nghiệp của chúng ta. Ơn đức ấy, công lao ấy rất to lớn, rất cần được trân trọng và tưởng nhớ, dù chỉ một ngày trong năm. Để mỗi người con có dịp biểu hiện lòng hiếu kính của mình đối với cha mẹ, nếu cha mẹ còn sống thì chăm lo thăm hỏi, hoặc nếu chẳng may cha mẹ đã qua đời, thì hãy làm những việc công đức để hồi hướng và cầu mong cha mẹ siêu sanh vào những cảnh giới an lạc. Mỗi chúng ta hãy cùng thắp nén tâm hương trong mùa vu lan cho hoa hiếu thảo được ngát hương và truyền thống Hiếu đạo của dân tộc được bảo tồn và phát triển.